Chủ đề tình yêu trong Quan họ

Xét về khía cạnh nội dung, Quan họ khác với một loại hình dân khác điển hình là Hát Bội. Trong khi hát Bội tập trung dạy con người những lễ nghĩa phép tắc và là loại hình biễu diễn cung đình, thì Quan họ lại tập trung bộc lộ những tâm tư tình cảm, khát khao về cuộc sống hạnh phúc  của con người, mà ở đây là những người dân ở vùng Kinh Bắc – tình yêu là chủ đề bao trùm lên hết các lời ca Quan họ. Bằng những lời ca ngọt ngào, sâu lắng và  chân tình, các liền anh liền chị truyền tải biết bao chủ đề tình yêu: giữa nam với nữ, giữa những người bạn, người tri kỷ hay là tình yêu với quê hương đất nước.

1. Tình yêu với lao động, thiên nhiên, quê hương đất nước

Quan họ, giống rất nhiều loại hình dân gian khác, sử dụng rất nhiều các câu ca dao, tục ngữ và lấy chất liệu đề tài là cuộc sống sinh hoạt giản dị của người dân. Trong kho tàng dân gian Việt Nam, bộ sưu tập đồ sộ các câu tục ngữ ca giao phản ảnh cuộc sống lao động của người nông dân đã được người Kinh Bắc thể hiện vô cùng sâu sắc qua từng lời ca tiếng hát:

“Rủ nhau đi cấy xứ Đông,
Cấy cho vua Thuấn, cấy đồng Lịch Sơn.”

Hoặc:

“Mặt trời đã mọc đàng đông,
Trách ông trời làm hạn, bõ công tôi cấy cày.”

Bên cạnh công việc đồng áng, trồng trọt và chăn nuôi, người dân Kinh Bắc còn phát triển các ngành nghề thủ công như đan nón, làm gốm,… – điều này cũng được thể hiện rõ qua những lời ca của những liền anh, liền chị. 

Một ví dụ điển hình có thể kể đến là bài Quan họ ‘Trên Rừng 36 Thứ Chim’. Ở đây, không chỉ tình yêu thiên nhiên với con người được thể hiện mà trong đó còn đan xen cả những hoạt động trồng trọt và làm nghề thủ công của con người:

“Người trồng tre, tôi cũng í ơ tre mà trồng tre
Thứ tre là tre làm nỏ
Thứ tre là tre làm nhà.”

Quan họ cổ: Trên Rừng 36 Thứ Chim (YouTube: Soạn giả Mai Văn Lạng)

Hoặc: 

“Vạn Vân có bến Thổ Hà,
Vạn Vân nấu rượu, Thổ Hà nung vôi.”

Bất kì câu hát Quan họ nào liên quan đến sinh hoạt của người nông dân Kinh Bắc đều gắn liền lao động động với tình yêu, đồng thời nói lên tinh thần lạc quan yêu đời, yêu lao động, yêu quê hương. Họ – những người dân nơi đây yêu quê hương một cách chân thật, tự nhiên mà thắm thiết, yêu nơi chôn rau cắt rốn, yêu những thứ giản đơn như mái đình, cây đa đầu làng, làng xóm, chùa chiền,…

“Tam Sơn ba núi, năm làng,
Chùa trên, chợ dưới bán hàng vui thay.”

Họ ngợi ca quê hương Quan họ nổi tiếng là một “đất thanh lịch hữu tình”, cất tiếng hát để thể hiện tình yêu quê hương:

“Nội sáu tỉnh người đà chửa rõ,
Ngoại năm thành chỉ có Bắc Ninh.”

Gắn liền với thiên nhiên, cảnh sắc ấy là những con người “như trúc mọc ngoài trời”, có vẻ đẹp tâm hồn toát lên từ đôi mắt “lóng lánh” như sao trời, có duyên trong nét cười ‘lúng liếng”, biết làm cho “một nong tằm là ba nong kén… chin nén tơ”, biết gắn bó cả đời mình với những “thửa ruộng năm sào.. đôi tôi cấy, đôi người gặt..”, biết chăm sóc, nuôi dạy con cái với mơ ước “đỗ liền ba khoa”, biết trọng tình nghĩa, trọng mối quan hệ giữa người với người và biết nhìn vẻ đẹp con người với tấm lòng rộng mở; “Trăm hoa đẹp nhất hoa người”

Cảnh ấy, người ấy gắn liền với tình bạn, tình yêu, tình người gắn bó sắt son, đi cùng với những ngày tháng trẩy hội xuân thu, những canh hát thau đêm “bổng trầm non nỉ…” đã tạo nên một quê hương – quê hương Quan họ – và một tình yêu quê hương nồng đượm thiết tha.

Tình yêu quê hương ấy lại càng tha thiết, sâu sắc khi người Kinh Bắc xây dựng và giữ gìn quê hương mình khhông chỉ bằng mồ hôi, tâm sức và trí tuệ mà còn bằng máu, nước mắt, là những mất mát, hi sinh to lớn suốt trường ký giữ nước và dựng nước khi lịch sử và đất nước đặt trọng trách cho nơi này là “phên dậu phía bắc của Thăng Long”

2. Tình yêu nam nữ

Yếu tố trữ tình là yếu tố nổi trội nhất, đặc sắc nhất, đa dạng nhất bao trùm lên các lời ca Quan họ, nói lên tiếng lòng các đôi trai gái kết bạn tâm linh, phá tan tường thành kiên cố của các luân lý lễ giáo phong kiến, đòi hỏi trai gái được tự do yêu nhau.

“Có yêu nhau thì sang chơi cửa chơi nhà
Cho thầy mẹ biết để đuốc hoa định ngày.”

Dù bị bó buộc bởi những hình thức sinh hoạt và luật lệ phong kiến trong tổ chức Quan họ, dù đôi bên chỉ có thể làm bạn với nhau, nhưng những tình cảm ấy lại được gửi gắm hết trong câu hát Quan họ. Kết bạn là hình thức nhưng nội dung lại nói về tình yêu, thể hiện rõ nội dung trữ tình của Quan họ: phản phong và nhân đạo, chứng tỏ nhưng đạo lý luân thường phong kiến cũng không thể ngăn cản được ước vọng chính đáng của con người – tình yêu.

Tiếng hát Quan họ là tiếng hát mê say của một tình yêu trong sang hồn nhiên, lành mạnh, sôi nổi, và chân thực như cuộc sống của người nông dân vùng Kinh Bắc. Đôi khi trong tiếng hát có đượm những nét cầu kỳ, văn vẻ, nhưng thực ra nó lại không làm mất đi cái bản chất giản dị chất phát của họ. Tiếng hát ấy đã ghi lại  cả chặng đường từ những buổi gặp gỡ cho đến lúc phải vượt qua bao khó khan, từ lúc yêu nhau đến lúc xa nhau. Bao nhiêu mơ uóc, bao nhiêu nỗi thất vọng, tất cả đều được phản ánh chân thực.

Một điểm nổi bật đáng chú ý trong Quan họ có tính phản phong là người con gái thường bày tỏ tấm long mình với người con trai trước,  một điều vô cùng hiếm với nhưng lễ giáo phong kiiến. Người con gái qua tiếng hát tình tứ, ví đôi bên như cây mạ non xanh mơn mởn “còn non đòng đòng”, không khác gì lứa tuổi ngây thơ của họ:

“Bốn tôi như mạ mới gieo,
Như lúa mới cấy còn non đòng đòng.”

Và:

“Bốn chúng tôi như đôi đũa thong dong.
Đẹp dôi như vậy chắc chắn là:
Đẹp duyên sao chả đẹp lòng mẹ cha.”

Câu cuối cùng cô hỏi lại người con trai: ‘Có yêu em xuống cửa xuống nhà’ một cách thẳng thắn, không e dè, úp mở.

Họ tỏ tình với nhau, gửi tấm chân tình, trao đổi mối yêu thương bằng những lời ca đầy thơ mộng, nhưng đôi lắm khi bằng cả những lời thơ đầy ý nhị:

“Bốn tôi như thuyền dưới ao,
Song gió chả dám, dám sao chốn này.
Ới ai ơi! Chứ xa mà không có xa,
Ai mang Quan họ đến mà kết duyên đám này.”

Lúc mới kết bạn, đôi bên đều bắt đầu bằng việc mời trầu. cô cầm cơi trầu, cô nói ”Tay tôi cầm cái cơi đựng trầu” và “mắt tôi nhìn, tôi liếc”. Liếc dôi mắt tình tứ, cô têm trấu cánh phượng để tặng chàng:

“Người ơi, có nhớ đến tôi chăng?”

Khi đã tìm được người thương, người con gái bày tỏ một cách say đắm nhưng đôi khi lại vô cùng cương quyết:

“Lòng em đã quyết,
Anh tính làm sao?
Anh tính thế nào?
Để cho chị em chúng tôi lo liệu.”

Các cô hỏi thẳng như thế, các chàng còn ngập ngừng hoặc trả lời bóng gió, chưa đi thẳng vào vấn đề, các cô liền trách móc.

“Ô la rằng anh Năm ơi!
Ô la rằng anh Sáu ơi!
Anh ăn ở làm sao cho nhân duyên chúng tôi khỏi bẻ bàng.”

Trách móc nhưng thực ra là nóng ruột. tình yêu của các cô gái Quan họ vô cùng say đắm. tình yêu thương tha thiết lứa đôi đã giúp họ quyết tâm vượt qua mọi khó khăn dù có phải:

“Lòng tôi lội nước qua ngàn.
Lội suối trèo non.”

Thì cô vẫn đinh nhinh lời hề không bao giờ đổi thay:

“Anh Hai ới!
Tôi với người trot lọt hẹn từ xưa.”

Khi cả hai bên đang hát, bốn mắt nhìn nhau say mê, họ không thể kìm nén được trái tim mình mà thốt lên:

“Nhấp nhánh là nhấp nhánh ơi!
Mắt người nhìn long lánh như sao trên giời,
Tôi nhớ người lắm người ơi!
Tôi say người lắm người ơi!”

Các cô đã tự mình thốt lên nhưng câu hát như vậy, tì lễ giáo phong kiến không còn là một sợi dây kiên cố trói buộc được trái tim họ nữa.

Nhưng có các cặp thẳng thắn với nhau thì lại có các cặp vẫn còn vòng vo, bóng gió với những lời lẽ ý nhị mãi. Và một kkhi hai bên đã say nhhau, người con gái mạnh dạn hỏi người con trai đã hay chưa ó gia đình:

“Lòng em không tham vóc, lĩnh, nhiễu hoa,
Ai làm dan díu cho ra vợ chồng.
Đây em còn không, đây em hãy còn không,
Đây em chưa có chồng”

Khi tình yêu đã bắt đầu ràng buộc , cô quyết tâm cùng với chàng trai và thề thốt:

“Chữ chung tình gánh nặng hai vai,
Muốn cho mai rúc một nhà,
Mai trúc cùng nhau
Anh Ba ơi!”

Và đôi khi bởi vì những lễ giáo phong kiến đã ngăn cản đôi lứa đến với nhau, hoặc vì người tình phụ bạc, họ chỉ có thể oán trách và xót thương số phận của mình.

Như trên đã nói, trong Dân ca Quan họ, người con gái thường đóng vai chủ động về vấn đề tình yêu, nhiều khi chủ động hoàn toàn, tỏ tình công khai và tỏ tình trước người con trai. Luân lý lễ giáo phong kiến ở đây  không còn có uy thế đối với đời sống tình cảm của người phụ nữ lao động. Chế độ phong kiến đã trói buộc người con gái trong vòng nô lệ, ràng buộc họ bằng những xiềng xích lễ giáo với mọi tập tục khắt khe, nhưng tất cả xiềng xích ấy đã không ngăn cản nổi tiếng hát lớn lao của trái tim con người, đòi hỏi tình yêu tự do, đòi hỏi hạnh phúc lứa đôi. Trong sinh hoạt hằng ngày họ bị áp bức, nhưng trong sinh hoạt Quan họ, con người đã được thực sự sống tha thiết theo tình cảm của mình, với tình yêu mãnh liệt của mình, không một thế lực, uy quyền nào cản nổi. Chính vì vậy mà tiếng hát Quan họ đã quyến rũ lòng người, được mọi người nâng niu trìu mến. Dân ca Quan họ thực chất là những bản ca trữ tình, nhưng bản ca đầy lòng nhân đạo, nói về tình yêu tràn trề hạnh phúc và hy vọng, nó lên công khai những bức ước mơ, những nguyện vọng chính đáng về một cuộc sống vô cùng mạnh mẽ của lớp người lao động nông thôn Bắc Ninh, phá vỡ xiềng xích của luân lý và lễ giáo phong kiến trói buộc con người.

3. Tình bạn

Ở Quan họ có hình thức hát canh – các người Quan họ mời nhau đến nhà ca để chúc phúc nhau và cho vui làng, vui xóm, tình nghĩa bầu bạn gần gũi nhau hơn. Quan họ diễn ra với rất nhiều canh hát với hàng trăm bài ca nối tiếp nhau từ đầu đến cuối, đối đáp nam nữ, tiếng bổng, tiếng trầm, thanh trong,… Rồi suy ngẫm trước hệ thống lời ca Quan họ, nhiều người cảm thấy ngay từ cần hát đầu tiên, sau đó ngày càng lắng động, ghi sâu trong tiềm thức, trong xúc cảm của ta về sự khao khát yêu thương và được yêu thương giữa con người với con người.

Một canh hát Quan họ (Nguồn: Quan họ Bắc Ninh)

Mở đầu canh hát người Quan họ đã biểu lộ ngay nổi vui mừng vừa trang trọng, vừa thân thiết trước cảnh “sum họp trúc mai”, “tứ Hải giao tình”, “bốn bể giao hòa…”. Với ý nghĩa “tình chung một khắc, nghĩa dài trăm năm”…

Một canh hát Quan họ, trước hết là sự sum vầy bầu bạn trong tình sâu, nghĩa nặng, là sự thực hiện một khát khao gặp mặt, giao hòa, sau nhiều ngày đêm khắc khoải, chờ mong tư tưởng:

“…Ngày thì luôn những âm thầm
Đêm nằm ít cũng tám, chín, mười lần chiêm bao…”

Thế rồi canh hát cứ tiếp diễn, tiến triển cùng với sự thôi thúc, đan xen của hai tình cảm mãnh liệt nhất của tuổi trẻ là tình yêu nam nữ và tình bạn thần tiên (chữ của Huy Cận, trong bài thơ “với người Quan họ”). Người ta hát với nhau về ân sâu, nghĩa nặng, vì, chỉ có ân sâu, nghĩa nặng, chỉ có tình gắn liền với nghĩa, với ân thì yêu thương kia thật, mới sâu, bền, chung thủy:

“…Nghĩa người tôi bắt lên cân
Tạt lên bia đá, để bên dạ vàng…
Đêm vàng mà bắt lên cân
Bên vàng nặng chín, bên ân nặng mười…”

Người Quan họ nhìn nhau bằng một tấm lòng trân trọng lẫn nhau, trân trọng con người, nền tảng của tình yêu, tình bạn, nên họ phát hiện tinh tế những vê đẹp tâm hồn và hình thể của nhau. Sự phát triển ấy lại được hát lên cho nhau, vì nhau, nên tiếng hát kia càng thấm sâu vào cảm xúc người hát, người nghe. Không chỉ vậy, người Quan họ ước mơ sự hòa hợp, gắn bó sắt son, chung thủy. Nâng chén rượu Xuân mời bạn khi gần tàn canh hát, trước lúc chia tay, người Quan họ hát:

“…Tay nâng đĩa muối đĩa gừng
Gừng cay, muối mặn, xin đừng quên nhau.”

Một sự thuỷ chung kể cả vàng cũng không đổi được:

“…Dù ai cho bạc, cho vàng
Chẳng bằng trong thấy mặt chàng hôm nay.
Dù ai trao nhẫn lồng tay
Chẳng bằng trong thấy mặt ngay bây giờ
Ngọn đèn khi tỏ khi mờ
Nghỉ người đi gió về mưa xót thầm
Rõ ràng đôi chữ đồng Tâm.”

Khi đã tàn canh hát, theo phong tục Quan họ, không thể không chia tay trước khi trời sáng hoặc khi mặt trời đã xế về tây ( trong ngày hát hội), người Quan họ hát với nhau những bài hát giã bạn với tất cả nỗi niềm quyến luyến, nuối tiếc sự “sum họp trúc mai”, “loan phượng sánh bầy” , “rồng được gặp mây” mà “trăm năm mới có một ngày”:

“…Người về em vẫn khóc thầm
Đôi bên vạt áo ướt đầm như mưa
Người ơi!
Người ở đừng về!…”

Người ơi! Người ở đừng về!” ngày nay đã trở thành lời níu  kéo nặng tình, nặng nghĩa. Trong bao cuộc chia tay từ Nam chí Bắc của đất nước và cả ở nước ngoài, có lẽ vì trong tiếng hát níu giữ kia của Quan họ đã ẩn tàng một tấm lòng, những nỗi niềm của Quan họ đối với bạn trong cả chiều dài lịch sử đi tìm bạn tri âm, tri kỷ.

4. Chữ “thương” và “người” trong lời ca Quan họ

Trong lời ca Quan họ cần lưu ý: người ta ít khi dùng chữ yêu mà hầu hết dùng chữ thương; ít khi xưng hô, gọi nhau bằng những chữ chàng, nàng, mình, ta, anh, em… Mà hay dùng  chữ người, ngay cả trong những bài bộc lộ sâu sắc những tình cảm của tình yêu nam nữ.

Về chữ thương và chữ yêu, trong khẩu ngữ dân gian xưa cũng ít khi dùng chữ yêu khi nói về tình yêu nam nữ. Cho đến đầu thế kỷ XX, khi đi đến nhà gái gặn hỏi, bà mối hoặc ông mối cũng thường nói: “hai cháu đã thương nhau…” hoặc “hai cụ (hai ông,bà) đã thương đến cháu…”, hoặc. “Đã thương thì thương cho chót…”. Cha mẹ căn dặn những vợ chồng mới cưới cũng thường nói: “các con đã thương nhau thì phải giữ cho đến đầu bạc răng long, mãn chiều, xế bóng…” Ít khi người ta dùng chữ yêu để chỉ tình yêu nam nữ. Chừng mấy chục năm trở lại đây, Chữ yêu thay thế dần chữ thương và gần như chữ chính khi nói đến tình yêu nam nữ và chữ thương cũng thu dần sự có mặt khi nói về tình yêu nam nữ, gần như chuyển thẳng để biểu hiện một khía cạnh nào đó của tình yêu nam nữ mà thôi.

Về chữ người trong lời ca Quan họ: “người ơi, người ở đừng về”, “người về để nhện giăng mùng”, “người ra đứng mũi, tôi ra chịu sào”, “kẻ bắc, người nam…” khiến ta liên tưởng đến chữ người trong các câu thơ truyện Kiều:

“…Người đâu gặp gỡ làm chi…
…Người mà đến thế thì thôi…”

Chữ “người” chứa động những tình cảm đậm đà, sâu sắc, tinh tế, trong mối quan hệ giữa người với người của một thời, không hoàn toàn giống nghĩa bao hàm của chữ người dùng trong ngôn ngữ thơ ca hiện nay.

Chúng ta cần biết một vài điểm như vậy để khi tìm hiểu nội dung lời ca Quan họ dù chỉ trên những nét bao quát thì sẽ dễ tiếp cận hơn.

5. Tục kết chạ

Tục kết chạ là tục kết ước, kết nghĩa giữa các làng với nhau xuất phát từ một lý do nào đó liên quan đến chuyện lúc giúp đỡ lẫn nhau trong cuộc sống như chống  hạn, chống lụt, dựng  đình, dựng chùa, thờ  chung Thành  hoàng..v.v.. các làng kết  chạ rất tôn trọng nhau, có quan hệ khăng khít và gọi nhau là “chạ anh, chạ em”. Không nhất thiết là các làng kết chạ phải kết nghĩa, kết bạn Quan họ với nhau, nhưng khi hai làng kết nghĩa kết bạn với nhau trên cơ sở của kết chạ thì thường là rất bền vững và hiếm thấy nam nữ kết hôn với nhau. Ngày nay các hiện tượng kết chạ không thấy nữa mà chỉ là sự tiếp nối, kế thừa (cũng đã mờ nhạt  đi rất nhiều) các quan hệ do cha ông để lại.

Bạn Quan họ không lấy nhau và nhiều người nghiên cứu Quan họ cho rằng đây là đặc điểm nổi bật của dân ca Quan họ. Thực ra chỉ có tụi này khi nó dính với tục kết chạ, vì những làng kết chạ với nhau thì tuyệt đối không cho trai gái hai làng lấy nhau. Bọn Quan họ nào nằm trong các làng đã kết chạ với nhau thì không lấy nhau. Bọn Quan họ nào không nằm trong quy ước kết chạ đôi dân thì có thể lấy nhau. Tuy nhiên vì đó cũng là điều hạn chế.

Tục Kết Chạ Quan họ Làng Diềm [Du Lịch Văn Hóa Việt Nam] (YouTube: Vietnam Discovery)

Có thể nói rằng, tình yêu chính là thứ bao trùm hết mọi câu hát, lời ca của Quan họ. Đó cũng chính là thứ tạo nên sự đặc biệt của Quan họ. Tình yêu ấy thể hiện sự nhân đạo của con người nơi đây, thể hiện một tinh thần lạc quan yêu đời, khát khao được nói lên tâm tư tình cảm, khát khao về cuộc sống hạnh phúc  của con người, mà ở đây là những người dân ở vùng Kinh Bắc. Bên cạnh đó họ cũng yêu quê hương Quan họ, từ những thứ điều nhỏ bé nhất, giản đơn nhất.

Võ Minh Anh

Nguồn tham khảo:

1. Trần Linh Quý (1997) – Tìm hiểu dân ca Quan họ, NXB Văn hóa dân tộc Hà Nội.
2. Nguyễn Văn Phú và nhiều tác giả khác (1962) Dân ca Quan họ Bắc Ninh, NXB Văn học

ĐỌC THÊM

Nghệ thuật hóa trang trong Tuồng

Tuồng (Hát Bội/Hát Bộ) được biết đến là một bộ môn nghệ thuật mang tính bác học và ước lệ cao. Một trong những yếu

Mới cập nhật