Chúng ta thấy gì từ “Cô Đôi Thượng Ngàn”

Trong thế giới văn hóa phi vật thể, có một loại hình văn hóa luôn gắn chặt vào trong tư tưởng, quan niệm sống của con người một cách rõ nét, đó là “văn hóa tôn giáo”. Có lẽ, Đạo Mẫu là một trong những văn hóa tôn giáo tín ngưỡng dân gian hiếm thấy có sự tích hợp các hiện tượng và giá trị văn hóa mang sắc thái dân tộc. Hát văn hầu bóng là hoạt động không thể thiếu trong tín ngưỡng thờ Mẫu. Việc đi vào từng chi tiết của bài chầu văn cổ “Cô Đôi Thượng Ngàn” giúp chúng ta hiểu rõ hơn về các giá trị văn hóa nghệ thuật, đặc biệt là tính hài hòa của âm nhạc và ca từ dưới tài năng của các nghệ nhân dân gian xưa.

Văn chầu “Cô Đôi Thượng Ngàn” – Trước là kể nguồn gốc Thánh Cô

Bồng lai là cảnh thiên thai

Tấu Cô Đôi Thượng đại tài hái hoa

Xuân sang cô hái đào hoa

          Dâng Chầu đệ nhất, Chầu Bà ban khen.”

Bài hát văn cổ “Cô Đôi Thượng Ngàn” là một trong những nguồn tư liệu vô giá, thể hiện trong từng câu văn về nguồn gốc cũng như tính cách của Cô Đôi Thượng Ngàn – một vị thần đứng hàng thứ hai trong hàng thập nhị tiên nàng.

Sự tích về Cô Đôi Thượng Ngàn 

Cô Đôi Thượng Ngàn có rất nhiều sự tích. Đây là một sự tích được trích trong từ điển mở “Bách khoa toàn thư” có viết rằng: 

“Cô Đôi Thượng Ngàn là con gái của Vua Đế Thích, là Sơn Tinh Công chúa trên Thiên Cung. Cô lớn lên vô cùng xinh đẹp và thông minh. Sau đó, được lệnh vua cha, cô giáng sinh xuống đất Ninh Bình làm con gái một quan lang họ Hà, chúa đất người Mường ở vùng rừng núi Cúc Phương Nho Quan. Năm cô lên bốn tuổi, gia đình vị quan lang chuyển tới làm quan ở huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình.  Nàng rất yêu núi rừng, chim muông, cây cỏ. Sau này cô được Mẫu Thượng Ngàn cho học đạo phép để giúp dân. Rồi khi về thiên, cô được Mẫu Thượng Ngàn truyền cho vạn phép.

Từ ngày thấy trở thành nàng cô của rừng xanh. Bà thường đi khắp miền sơn cước để bày vẽ cho chim muông cách sống và trị những ác thú. Lúc thanh nhàn cô về ngự cảnh sơn lâm núi rừng ở đất Ninh Bình quê nhà, cô cùng các bạn tiên nữ ca hát vui thú trên dốc Sườn Bò (nay thuộc xã Văn Phương, Nho Quan). Đồng thời cô biến hiện ra người thiếu nữ xinh đẹp, luận đàm văn thơ cùng các bậc danh sĩ”

Từ sự tích Thánh Cô đến nghệ thuật sáng tạo văn chầu:

Từ những chi tiết nhuốm màu kỳ ảo về một vị thiên thần giáng sinh nhân giới, các nghệ nhân dân gian xưa đã khéo léo truyền tải những giá trị nội dung cốt lõi về sự tích và công đức của Cô Đôi Thượng Ngàn, tạo nên đặc trưng riêng biệt về cấu trúc và ca từ của bài văn chầu.

Mở đầu bài văn chầu sau phần thỉnh mời thánh giáng, hiện lên hình ảnh về một vị Thánh Cô mang những nét đặc trưng tiêu biểu của người con gái Việt Nam:

Hầu vua hầu mẫu bơ tòa

Vua cha cũng quý, chúa bà yêu thương

Về đồng đánh phấn soi gương

Khăn xanh lấy chít vành dây đội đầu”

Phần tiếp theo của bài văn chầu là những lời ca nói lên sự tích vị Thánh Cô

Cô là công chúa Sơn Tinh

Khăn tròn vành nguyệt, má xinh, phấn hồng.”

Trong bài văn chầu còn làm toát lên vẻ đẹp, tài năng của vị Thánh:

“Làn da trắng tựa tuyết đông

Tóc già già biếc lưng ong dịu dàng

Chân Cô đi đưa nhởn đưa nhang

Bước nào là bước Tiên Nàng Nguyệt Nga.”

hay 

“Bài sai đố triệu lục cung

Nàng ân nàng ái vốn dòng sơn trang

Tính cô hay măng trúc măng giang

Măng tre, măng nứa, cơm lam, trà đồi.”

Ngoài ra, phần quan trọng trong bài văn chầu đó là việc nói lên công đức của vị Thánh, khiến cho người đời luôn thể hiện lòng tôn kính sâu sắc:

“Mỗi một năm là một não nùng

Dậy chim nhắn cá vặn hùng văn nhân.”

Thông qua sự tích và những công đức của vị Thánh, bằng sự suy tôn và lòng tôn kính, người dân luôn mong muốn vị Thánh phù hộ độ trì, cầu mong luôn có được nhiều điều tốt đẹp trong cuộc sống:

Chữ biển đề Đại vương Lê Mại 

Phép Khuông phù quốc thái dân an 

Thỉnh cô chứng giám đàn tràng 

Độ cho đồng tử an khang đời đời.

Phải thừa nhận rằng, lời thơ của văn chầu nhiều khi chưa được trau chuốt, thậm chí có khá nôm na, sống sượng, tuy nhiên vần điệu cùng với nội dung mô tả hình ảnh vị Thánh, những sự tích thần kì, cảnh sắc thiên nhiên có sức cuốn hút người nghe

Giá hầu Cô Đôi Thượng Ngàn – Kết tinh nghệ thuật diễn xướng dân gian:

Hầu đồng là một phương thức diễn xướng của loại hình “sân khấu” tâm linh trong tín ngưỡng dân gian thờ Mẫu của người Việt. “Cô đôi Thượng Ngàn” là một trong những bài chầu văn chứa đựng đầy đủ những sắc thái của nghệ thuật diễn xướng dân gian kết hợp giữa âm nhạc, ca từ và vũ đạo của người hầu đồng, mang đậm những giá trị nhân văn, thể hiện sự sáng tạo của ứng dụng nghệ thuật phục vụ tín ngưỡng của người Việt xưa.

Hát văn

Âm nhạc và hát văn là hai yếu tố quan trọng của hầu bóng. Trong bài văn chầu “Cô Đôi Thượng Ngàn” – bài văn chầu được sáng tạo bởi người Việt ở Bắc Bộ. Nhờ được hình thành và phát triển trong môi trường sinh hoạt tín ngưỡng mang phong cách âm nhạc riêng nên khi có sự đối chiếu, so sánh: Văn chầu Cô Đôi Thượng Ngàn còn thấp thoáng pha trộn với làn điệu của dân ca đồng bằng Bắc Bộ. (Ví dụ như đưa điệu Đò đưa, Cò lả,.. vào biến tấu khi biểu diễn)

Để hát văn có thể lột tả hết giá trị nội dung của bài chầu thì làn điệu cũng là yếu tố không thể thiếu. Trong một bài chầu có thể kết hợp với nhiều làn điệu khác nhau.

Nghệ nhân chơi nhạc và hát trong các buổi hầu đồng là những Cung văn. Họ đồng thời vừa chơi nhạc (có 5 loại nhạc cụ chính: nguyệt, cảnh, phát, trống, thanh la) và vừa hát.

Lễ lên đồng Cô Đôi Thượng Ngàn

Nghi lễ tiêu biểu gắn liền với hát chầu văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu là lễ lên đồng. Ở mỗi đàn lễ, sau khi hầu lần lượt các vị Thánh từ Tam Tòa Thánh Mẫu, Ngũ Vị Tôn Quan, hàng Chầu, hàng Tứ phủ Ông Hoàng, đồng nhân sẽ hầu đến hàng Thánh Cô (tức “thập nhị tiên nàng”); trong đó Cô Đôi thường là giá cô ngự về đầu tiên (mở khăn cho hàng cô) để chứng lễ.

Cô Đôi Thượng Ngàn được mời gọi “ứng bóng” vào thân thể thanh đồng, qua đó dân gian “tái hiện” lại hình ảnh và hoạt động của Thánh Cô, chủ động thực hiện các nghi thức như tấu hương, múa mồi,… và một số sinh hoạt “đặc biệt” mang tính lễ nghi khác, như “chấm đồng”. Khi cô về ngự thường mặc áo lá xanh hoặc quây đen và áo xanh (ngắn đến hông), trên đầu có dùng khăn (khăn voan hoặc khăn vấn) kết thành hình đóa hoa, cũng có một số nơi dâng cô áo xanh, đội khăn đóng (khăn vành dây) và thắt lét xanh, hai bên có cài hai đóa hoa. 

Lễ lên đồng Cô Đôi Thượng Ngàn

Thông qua giá hầu Cô Đôi Thượng Ngàn, dân gian gửi gắm mong ước về một cuộc sống yên lành, thịnh vượng cho cá nhân và cộng đồng. Cô về đồng thường khai quang rồi múa mồi, múa tay tiên hái tài, hái lộc cho đồng tử. Người lên đồng và cả người tham dự như được bước vào một thế giới tâm linh, nơi họ tìm thấy sự cân bằng và thăng hoa tinh thần, đồng thời có thể qua đó “giao tiếp” được với thánh thần.

Nghệ thuật tạo hình

Kiến trúc đền, phủ

Đền, phủ là một dạng kiến trúc đặc trưng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Ngoài kết cấu thờ tự gồm ban Công đồng ở chính giữa, 2 bên tả hữu thường thờ thêm ban Trần triều và ban Sơn Trang; khu vực hậu cung được tách biệt riêng trong kiến trúc, đặt ngay phía sau gian thờ Công đồng, thờ vị thần chủ đền – hay còn gọi là chính cung một vị thánh làm thần chủ của ngôi đền, phủ đó.

Đền thờ Cô Đôi Thượng Ngàn có ở nhiều nơi, nhưng nổi lên trên cả là hai ngôi đền thờ cô thuộc địa phận tỉnh Hưng Hóa (nay thuộc về địa giới xã Nho Quan, tỉnh Ninh Bình và huyện Cao Phong, tỉnh Hòa Bình) gắn với truyền thuyết sinh hóa của cô.

Đầu tiên, đền Bồng Lai (Hòa Bình) có diện tích trên 5000m2, được xây dựng theo hình chữ Tam Thập nhất, tả hữu có hai dãy nhà dài nối liền với cổng tam quan; dãy bên trái thờ các cô, bên phải thờ các cậu. 

Cung cấm đền Bồng Lai được kiến trúc theo lối nhà 3 gian, trồng diện 12 mái, phụng thờ tam tòa thánh mẫu, cấp dưới thờ cô đôi thượng Bồng Lai thủ đền ngồi hầu cận mẫu. Cung đệ nhị cũng được xây dựng kiến trúc 5 gian trồng diện 8 mái, phụng thờ tam vị chúa được sắc hiệu đại vương và công chúa. Cung đệ tam xây dựng theo kiến trúc nhà 7 gian 2 mái phụng thờ tam phủ công đồng

Tam quan đền Bồng Lai ở Hòa Bình

Khác với đền Bồng Lai ở Hòa Bình thì đền Bồng Lai ở Ninh Bình lại gắn liền với sự tích giáng sinh của vị Thánh Cô. Ngôi đền này tọa lạc ở thôn Bồng Lai, xã Văn Phương, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. 

Ngôi đền được xây dựng với kiến trúc theo kiểu chữ Nhất gồm 3 gian mái phẳng lợp ngói vảy. Phía trước tiền bái có ban thờ Quan Giám Sát, tiền bái thờ Hội đồng Tứ Phủ, hai bên thờ Đức Thánh Trần Triều, Chúa Sơn Trang. Gian thượng bái thờ Cô Bản Đền và Chúa Thượng Ngàn Trong cung cấm thờ tượng Cô Đôi Thượng Ngàn và thờ Nàng Ân, Nàng Ái là hai hầu cận của Cô. Phía sau cô là Tam Tòa Thánh Mẫu và Chầu Quỳnh, Chầu Quế hầu cận của các Thánh Mẫu. 

Tượng Cô Đôi Thượng Ngàn tại đền Bồng Lai, Ninh Bình

Thông qua nghệ thuật kiến trúc của hai ngôi đền đã làm toát lên những đặc điểm đặc trưng trong cách xây dựng và bài trí nơi thờ vị Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Cả hai ngôi đền đều được trùng tu, xây dựng lại nhiều lần nhưng vẫn lưu giữ được nét kiến trúc cổ, xung quanh đền là phong cảnh thiên nhiên thủy mặc. Trong đền, ngoài việc thờ chính Cô Đôi Thượng Ngàn mà còn thờ thêm các vị Thánh, Thần, làm tăng thêm tính tâm linh của ngôi đền

Về phục trang khi thực hiện tín ngưỡng

Trang phục của các thanh đồng khi thực hành nghi lễ này được gọi là khăn chầu, áo ngự. 

Về nguyên tắc, mỗi giá đồng thờ một vị thần linh đều có trang phục riêng. Những trang phục cơ bản của buổi hầu đồng bao gồm khăn phủ diện màu đỏ dùng chung cho tất cả các giá đồng, các loại áo dài với năm màu sắc khác nhau dùng riêng cho từng hàng thánh. Ngoài ra còn có các loại phụ kiện đi kèm gồm mũ khăn, thắt lưng, đai, thẻ ngà, vòng…

Trang phục khi thực hiện giá hầu Cô Đôi Thượng Ngàn mặc áo còn xanh lá cây thêu hoa hoặc gấm dệt, mặc quây thắt đai, cổ đeo kiềng bạc, tay đeo hoãn bạc, đầu chít khăn củ ấu, hoặc tết bông hoa theo lối thượng ngàn sơn trang. 

Phục trang trong giá hầu Cô Đôi Thượng Ngàn

Qua đây, từ một bài văn chầu cổ trong dòng văn học dân gian đã được khám phá những giá trị về nội dung, diễn xướng cổ truyền cũng như bức tranh về tạo hình dân gian. Ông cha ta đã khơi dậy những vẻ đẹp đó qua từng năm tháng để có được sự tích hợp giá trị văn hóa nghệ thuật, trở thành một nét văn hóa nghệ thuật mang tính tôn giáo đặc thù rất riêng, rất nhân văn và sâu sắc.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

Ngô Đức Thịnh (2010) – Đạo Mẫu Việt Mẫu – Nhà xuất bản Tôn giáo.

Nguyễn Xuân Khánh (2018) – Mẫu Thượng Ngàn – Nhà xuất bản Phụ nữ.

Bùi Đình Thảo, Nguyễn Quang Hải (2017) – Tìm hiểu nghệ thuật hát chầu văn – Nhà xuất bản Quân Đội Nhân dân

Tìm hiểu về thanh đồng trong hoạt động tâm linh diễn xướng hát văn hầu thánh dân gian Việt Nam

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật