Đào Tam Xuân – Hình tượng tiêu biểu về ý thức nữ quyền trong nghệ thuật tuồng cổ

Tuồng cổ chủ yếu nói về đề tài “trung quân ái quốc”, tập trung chủ yếu vào khai thác bối cảnh lễ giáo phong kiến, tuy nhiên vẫn có những vở tuồng phá cách, đưa người phụ nữ trở thành hình tượng trung tâm để sáng tạo kịch bản như nàng dâu hiếu thảo Thoại Khanh trong vở Thoại Khanh – Châu Tuấn hay An Tư Công chúa. Trong đó không thể không nhắc đến Nữ tướng Đào Tam Xuân – một vở tuồng mẫu mực, đề cao vai trò của người phụ nữ, ý thức nữ quyền.

Nghệ sĩ trẻ Phương Anh trong vai Đào Tam Xuân.

(Ảnh: Nhà hát Tuồng Việt Nam.)

1. Giới thiệu vắn tắt vở Tuồng Nữ tướng Đào Tam Xuân

Triệu Khuông Dẫn, Cao Hoài Đức, Trịnh Ân là 3 anh em kết nghĩa tình như thủ túc, họ đã cùng nhau lập nên cơ nghiệp nhà Tống. Trong một buổi đại yến, vua tôi, anh em đang hưởng lạc thì có tin giặc đến. Cao Hoài Đức, Trịnh Ân cùng vợ là Đào Tam Xuân ra trận đánh giặc. 

Lúc này, khi ở lại triều đình, Triệu Khuông Dẫn vì quá ham mê tửu sắc nên đã bị gian thần lợi dụng, dùng chiếu giả để giết người em thứ 3 là Trịnh Ân và con trai là Trịnh Ấn. Nơi quan ải, nữ tướng Đào Tam Xuân cùng một lúc nhận được tin của chồng và con bị sát hại, nàng đã hội quân và lấy máu đề cờ, kéo binh về triều hỏi tội tên vua bội nghĩa.

Vở tuồng Nữ tướng Đào Tam Xuân đem đến cho người xem những cảm xúc nghệ thuật mãnh liệt và hoàn hảo, người diễn viên Tuồng không chỉ sử dụng các phương tiện hát, múa, âm nhạc mà còn sử dụng tất cả các trang phục, đạo cụ trên mình để thể hiện tâm trạng và tính cách nhân vật. Ở đây từ đôi hia, cờ lệnh, bút lông đến bộ giáp trụ qua sự vận dụng của diễn viên, chúng không còn là vật vô tri nữa. Tất cả chúng đều cất lên tiếng nói đau xót và căm hờn, góp phần hiệu quả và hoàn thiện một hình tượng nhân vật đầy bi tráng và hào hùng.

Lớp kịch đầu tiên của vở Tuồng Nữ tướng Đào Tam Xuân.
Từ trái qua phải là các nhân vật: Quân sư, Đào Tam Xuân, Trịnh Ân, 
Triệu Khuông Dẫn, Cao Hoài Đức và Hàn Tố Mai.
 (Ảnh: Nhà hát tuồng Việt Nam.)

2. Nữ quyền

Khái niệm nữ quyền là:

Quyền bình đẳng của phụ nữ trên mọi lĩnh vực kinh tế, xã hội và giáo dục.”. 

Khái niệm “nữ quyền” ở cấp độ rộng là quyền lợi của người phụ nữ trong thế tương quan với nam giới để đạt đến cái gọi là “nam nữ bình quyền”.

Ở cấp độ hẹp thì “nữ quyền” có mối liên quan với các khái niệm như “giới tính”, “phái tính” trong văn học. Nếu như “giới tính”, “phái tính” là những công cụ để khu biệt đặc tính giữa hai phái (nam/nữ) thì khái niệm “nữ quyền” không chỉ dừng lại đó mà mục đích của nó hướng tới là sự bình quyền của nam nữ, đồng thời tạo ra hệ quy chuẩn riêng của nữ giới”

Nghiên cứu vở tuồng cổ Nữ tướng Đào Tam Xuân, những người thực hiện nội dung của Trường Ca Kịch Viện vận dụng linh hoạt khái niệm nữ quyền theo nghĩa rộng, đó là tinh thần đấu tranh cho bình đẳng giới và ý thức về vai trò phụ nữ rất riêng biệt của nhân vật này.

3. Đi tìm “ý thức nữ quyền” trong vở tuồng “Nữ tướng Đào Tam Xuân”

3.1. Nữ quyền – Trước hết là tự chủ

Nếu như nhân vật Thị Kính trong vở chèo “Quan Âm Thị Kính” hiện lên với hình ảnh: cam chịu, nhẫn nhịn, giữ trọn đạo tam tòng “tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (tại nhà phụng dưỡng cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con) thì Đào Tam Xuân trong tuồng cổ lại được xây dựng với hình tượng là một người phụ nữ độc lập trong suy nghĩ, chủ động trước những cuộc binh biến của đất nước – điều mà trong tư duy phong kiến là vô cùng hiếm thấy.

So sánh nét khác nhau giữa 2 nhân vật nữ thuộc thể loại chèo và tuồng.

Điều này thể hiện rõ nét ngay từ đầu vở tuồng, chứng kiến cảnh đất nước “ngoài còn đang có giặc, dân loạn lạc, lầm than” trước những cuộc xâm chiếm của ngoại bang, Đào Tam Xuân đã khẳng khái xin với Triệu Khuông Dẫn cho ra biên ải, cùng chồng trấn thủ biên thùy, không cam chịu an nhàn nơi trướng rủ, màn che.

“Xin cho thiếp lên đường chóng chóng

Thay phu quân gìn giữ… ải quan”

Hay lúc Đào Tam Xuân tự ca ngợi về chiến công của mình rằng: 

“Chức võ trạng quyền phong

Đào Tam Xuân là thiếp 

Cờ bách thắng lừng danh nữ kiệt

Trống ra quân khiếp vía khiết đơn” 

Qua lời thoại giàu tính ước lệ, gợi hình của tuồng, có thể thấy Đào Tam Xuân tuy phận nữ nhi, sống trong những ràng buộc của tư tưởng nam quyền nhưng đã tự ý thức được sức mạnh của bản thân, là con người tự tin, quyết đoán, bản lĩnh. Vì vậy mà Triệu Khuông Dẫn khi nghe lời xin ra trận của Tam Xuân cũng phải cảm thán mà khen rằng: 

“Thật xứng tài võ trạng quyền ban,

Tròn trọng trách, Trẫm khen cho đó…”. 

Ở phần cuối của vở tuồng, khi xung đột được đẩy lên đến cao trào, khác với Trịnh Ân – người chồng của mình vì quá tôn thờ chữ “trung” nên chết oan, và khác cả với những người phụ nữ phong kiến lúc bấy giờ khi họ bị giam cầm trong lễ giáo chỉ biết thở than, trách phận, Đào Tam Xuân đã kéo quân tới gặp Triệu Khuông Dẫn để hỏi tội.

“Thiếp lấy chồng lẽ phải theo chồng

 Ai gây nợ, đây nguyền trả nợ…”.

Từ những ví dụ trên, có thể khẳng định tính nữ quyền của vở tuồng cổ này được thể hiện rõ ràng trước nhất qua sự chủ động, tự chủ, đấu tranh vì hạnh phúc của nhân vật Đào Tam Xuân – điều mà hiếm hoi xuất hiện trong các kịch bản tuồng cổ, thể hiện một cách nhìn mới của tác giả, đưa người phụ nữ vươn lên làm chủ vận mệnh của mình.

3.2. Nữ quyền – Mạnh mẽ, giàu tình yêu thương

Những nhân vật nữ trong tuồng truyền thống thường rất mạnh mẽ. Đào Tam Xuân là một nhân vật như thế. Vừa đẹp người, đẹp nết, có tài, lại yêu chồng thương con hết mực. Để diễn nhân vật này, đòi hỏi diễn viên phải lột tả được đủ sự dũng cảm, mạnh mẽ của một vị tướng, lại phải truyền tải được sự yêu thương thiết tha của người vợ đối với chồng, lòng thương con vô bờ của người mẹ.

Tình yêu thương dành cho chồng con của Đào Tam Xuân được bộc lộ rõ nét nhất qua phần cuối của vở tuồng, với mô típ bi kịch của sự chia ly trong tình yêu, được soạn giả sử dụng để xung đột kịch được đẩy lên cao trào. 

Sau khi dẹp xong giặc nơi biên ải, Trịnh Ân về kinh đô gặp Triệu Khuông Dẫn báo tin thắng trận, Đào Tam Xuân nơi biên ải trong lòng bất an, lo lắng: “Năm canh luống lòng này nghi ngại,/Ngàn dặm xui mong mỏi tin hồng..”. 

Khi nữ binh lần lượt báo hung tin chồng mất rồi con mất, Đào Tam Xuân dần trở nên không được tỉnh táo. Trong lúc thần trí rối loạn, Tam Xuân bỗng tưởng tượng nhìn thấy con trai và tam lang trở về. 

Ở phân đoạn này người xem có thể cảm nhận được tình mẫu tử và tĩnh nghĩa vợ chồng của vị nữ tướng đối với chồng con vô cùng mãnh liệt. Mạch tâm lí của nhân vật trong vở tuồng đi rất chậm để người xem có thể nghe thấy từng tiếng nấc của người mẹ mất con, người vợ mất chồng. Khi định thần lại, Đào Tam Xuân giận dữ quyết đến kinh thành hỏi tội Triệu Khuông Dẫn và nối tiếp sau đó khán giả được theo dõi phân đoạn Đào Tam Xuân đề cờ – đây cũng là phân đoạn kinh điển của vở tuồng, là phân đoạn đắt giá, bộc lộ ý thức nữ quyền cao nhất. Ở đây Đào Tam Xuân đã gạt bỏ chữ “trung” để giữ lại chữ “tình”, sẵn sàng xử tội tên vua ham mê tửu sắc, giết hại trung thần để rửa hận cho chồng con – điều mà ngay cả bậc nam nhi cũng chưa chắc đã dám làm vào bối cảnh tuồng lúc đó.

“Chúa giết chồng lòng quá đỗi thảm thê

Ấn ơi , Con lìa mẹ nghĩ càng thêm uất ức 

Triệu chúa , ơi hỡi 

( Bóp ) Như ta là : Hận như biển mênh mông

Thù tựa non chồng chất 

Cờ võ trạng ta xé vò tan nát

Trốn kinh thành đạp phá tan hoang.”

“Hỡi hôn quân thị bất nhân

Nỡ vong ân đã quên tình cố hữu

Hạ sát đấng trung thần

Quyết ra đi rửa hận

Thề vẹn nghĩa châu trần.

Truyền tiến binh!”

Đào Tam Xuân truyền tiến binh về kinh sư “trả thù chồng”.
(Ảnh: Nhà hát tuồng Việt Nam)

Đào Tam Xuân để cờ:

3.3. Nữ quyền – Cao nhất là ý thức phản kháng

Nếu theo dõi kỹ mạch logic của kịch bản tuồng, chi tiết này vốn đã được thể hiện từ phân đoạn tuồng trước đó, đặc biệt ở phần đối thoại giữa Trịnh Ân với Trịnh Ấn ở pháp trường trong bản diễn của Nhà hát Tuồng Việt Nam:

Trnh n: “Vua coi tôi như chân tay thời tôi coi vua như tâm huyết. Còn vua đã coi tôi như cỏ rác thời tôi coi vua như giặc thù.”

Trnh Ân: “Ấn con! Tuổi con nay còn nhỏ, tránh tà thuyết hoang mang, con nỡ khuyên cha chống lại triều đình, sao cho khỏi miệng đời mai mỉa. Để cho cha đi…”.

Có ý kiến của phía đơn vị biểu diễn cho rằng: “Tung tý, không nht thiết phi hi ai dy con.”; nhưng, qua khảo cứu, những người thực hiện bài viết tiếp nhận 1 dị bản như sau:

Nhữ Nam Vương Trịnh Ân, một võ tướng tài ba, vì khư khư giữ đạo lý “Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung”, “Quân bất minh thần khả tận kỳ trung” mà cam tâm chịu chết không phản kháng dù biết rõ mình bị oan. Công tử Trnh n tuy còn non trẻ, nhưng nhất định cãi lại “Quân thị thần như thảo giới, thần thị quân như khấu thù”, “Quân bất minh, thần đầu bang ngoại. Phụ bất từ tử biệt tha hương”. Nhữ Nam Vương dạy con: “Nay chúa coi ta như rác như rơm”, thì Ấn cứ nhất định gào lên cãi lại: “Ta coi chúa như thù như giặc!”, “Ta coi chúa như thù như giặc!”, “Ta coi chúa như thù như giặc!”. Khiến Trịnh Ân phải gầm lên: “Ai dạy con như thế?”. Ấn nói: “Mẹ con dạy con như thế”.

Từ đây có thể thấy thấy rằng, không phải ngẫu nhiên có một Tam Xuân “loạn trào”, sục sôi lửa hận mà đứng lên phản kháng, mà ngay từ ý thức nhân vật và triết lý giáo dục của người mẹ, người cha dành cho con đã hiện lên rất rõ nét tinh thần này rồi. Bởi như chúng ta hiểu, Trịnh Ấn là một người con của hai võ tướng, đồng thời cũng chịu ảnh hưởng nhân quả bởi tính cách nữ cường của Tam Xuân nên cậu chính là mối liên hệ gắn bó sâu xa, khăng khít cho phẩm chất, hành động của nhân vật nữ chính này.

Vở tuồng “Nữ tướng Đào Tam Xuân” được lấy cảm hứng từ một giai đoạn có thật vào thời kỳ mở đầu nhà Tống bên Trung Quốc, nhưng qua những chỉnh lý nghệ thuật, người xem vẫn có được cảm nhận rất gần gũi, thấy được trong Đào Tam Xuân những phẩm chất giống với những người phụ nữ Việt Nam kiên cường bất khuất, giàu đức tính hy sinh không những vì chồng con mà còn vì lợi ích của đất nước. Khi đang trong lòng tràn đầy lửa hận, dù đã xử tội cha con họ Hàn đã giết chồng mình, Đào Tam Xuân vẫn lý trí nén hận thù xuống khi nghe tin giặc Nam Đường tiến vào xâm lược mà xin thưa với Cao Hoài Hầu: 

“Khoan…khoan đã Cao huynh 

Chồng em đã mắc vòng oan thác

Nay em xin thay chồng dẹp giặc Nam Đường 

Lòng trung trinh cho được tỏ tường 

Em vẫn nặng giang sơn xã tắc.” 

Nếu theo cảm tính thông thường, nhiều người cho rằng trong hoàn cảnh của Tam Xuân, chỉ có phản kháng và giết chóc mới nguôi ngoai bớt phần nào cơn giận. Nhưng hình tượng này còn đẹp và sống mãi bởi sự phản kháng có lý trí, phải trái phân minh, dũng cảm gác lại thù riêng vì nghĩa lớn.

Gạt qua thù hận, Đào Tam Xuân cùng Cao Hoài Đức, Triệu Khuông Dẫn tiến binh đánh giặc. 
(Ảnh: Sơn Nam.)

Nhân vật Đào Tam Xuân từ lâu đã là huyền thoại cho hình ảnh người phụ nữ lý tưởng thời xưa: nữ lưu anh kiệt giúp chồng bảo vệ quan ải giữ nước, chung thủy và bất khuất trước thế lực triều đình để chống lại bất công đổ ập xuống gia đình mình, quyết tâm bừng bừng đòi hỏi sự công bằng, không ham mê quyền lực, danh vọng. Biết là huyền thoại, là sự sáng tạo của nghệ thuật, vậy mà mỗi lần xem Đào Tam Xuân trên sân khấu, người xem lại không khỏi cứ ám ảnh, thổn thức mãi trong lòng. Thương cho người phụ nữ uy dũng, mưu trí nhưng tài hoa bạc mệnh vì một xã hội bất công.

– Nguồn tham khảo: 

1. Hiền Nguyễn (2014) – “Văn học nữ quyền ở Việt Nam ’’- Tổ Quốc-Báo điện tử Bộ văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Đinh Thị Kim Thương (2016) – “Hình tượng người phụ nữ trong tuồng bản của Đào Tấn” (Tạp chí khoa học).

3. “Vở tuồng Đào Tam Xuân đề cờ bình định FULL (BẢN FULL)” (Video đăng tải trên kênh YouTube Nghệ thuật tuồng Việt Nam).

4. Tạ Phong Tân (2010) – “ĐÀO TAM XUÂN – BÀ LÀ AI?” (Tuần báo Trẻ (Texas, USA)).

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật