Đờn Ca Tài Tử và Cải Lương – Mối quan hệ và phân biệt

Đờn ca tài tử và Cải Lương đều là hai loại hình nghệ thuật đặc sắc, góp phần làm nên sự phong phú, đa dạng của nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam. Thế nhưng, không phải ai cũng biết rằng Đờn ca tài tử lại chính là “tiền thân” của sân khấu Cải Lương.

 Ảnh: Đờn ca tài tử Nam Bộ (Nguồn: Internet)

 Ảnh: Cải lương (Nguồn: Internet)

Đờn ca tài tử hình thành vào khoảng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX tại Nam Bộ. Khi hưởng ứng theo phong trào Cần Vương, các nhạc sĩ, nhạc quan triều đình nhà Nguyễn đã vào Nam và mang theo nền âm nhạc cung đình, ca Huế là loại nhạc vừa mang tính bác học vừa mang tính nghi lễ có tính lan toả rộng lớn. Khi các nhạc sư dừng chân ở vùng Ngũ Quảng, tiếng đàn, giọng hát xứ Huế đã có sự thay đổi, mang âm điệu hương vị của vùng đất nơi đây.

Các nghệ nhân, nhạc quan vào Nam cùng phối hợp âm nhạc Huế với các làn điệu dân ca Nam Bộ và nhạc lễ Nam Bộ từng bước chỉnh biên (gần như thoát ly khỏi các âm luật của nhạc lễ cung đình) hoặc sáng tác những bài bản mới để phù hợp, gần gũi hơn với tâm tư, tình cảm phóng khoáng, đời thường của con người nơi này. Khi sinh hoạt âm nhạc này càng được phổ biến rộng rãi, nhạc lễ dần thay đổi đối tượng sang quần chúng lao động và con người bình dân, có thể được biểu diễn giải trí sau những ngày làm lao động vất vả hay phục vụ trong các buổi lễ tại tư gia, như đám tang, lễ giỗ, đám cưới,… nhưng chưa biểu diễn trên sân khấu hay trước công chúng. Từ đó mà Đờn ca tài tử đã được hình thành. Sau đó, để áp ứng nhu cầu về thẩm mỹ và giải trí đông đảo của người miền Nam, Đờn ca tài tử đã có bước chuyển mình lên sân khấu. Khi lên sân khấu rộng lớn, trung tâm sân khấu lúc này lại là các nghệ sĩ biểu diễn nên cần phải có những động tác và di chuyển để không khiến sân khấu bị đơ và trống vắng. Từ đây, hình thành loại hình nghệ thuật Ca ra bộ, tức là ca hát và có diễn tả ra điệu bộ. Dần dần càng ngày càng có nhiều các rạp và các gánh hát ở miền Nam, Ca ra bộ đã đi lên thành Cải Lương.

Theo dòng chảy của lịch sử và thời đại, Đờn ca không những không bị sự phát triển của hình thức nghệ thuật mới (Cải Lương) làm thay thế hay lụi tàn mà còn tiếp tục trên con đường của mình, thích ứng với thời đại, trở thành nguồn hỗ trợ đắc lực cho sân khấu Cải Lương. Có thể nói, hai loại hình nghệ thuật Đờn ca và Cải lương đều mang trong mình rất nhiều nét tương đồng nhưng cũng có nhiều sự khác biệt.

Về hình thức, Đờn ca tài tử còn mang trong mình màu sắc của một loại dân nhạc chưa lên đến độ sân khấu, còn Cải Lương mang đậm dấu ấn của sân khấu ca kịch. Ca nhạc dân gian và sân khấu đều là hai phạm trù đặc trưng cho cách diễn đạt nghệ thuật biểu diễn truyền thống. Sự khác nhau về hình thức này không thể không dẫn đến sự khác nhau về nội dung, tính chất. Nói về biểu diễn hai loại hình, NSND, Đạo diễn Trần Ngọc Giàu cho biết:

“Đờn ca tài tử chơi ngẫu hứng, còn Cải Lương nặng về biểu diễn của diễn viên nhằm thể hiện một nội dung nhất định. Bên cạnh đó, tài tử mang tính phóng túng của cá nhân nhiều hơn sân khấu Cải Lương. Bởi Cải Lương biểu diễn có sự chỉ đạo của đạo diễn và sáng tạo trong khuôn phép khuôn khổ, còn đờn ca tài tử có khuôn phép riêng nhưng thể hiện rất rõ khả năng chẻ nhịp nhả chữ của người ca”.Ảnh: NSND, Đạo diễn Trần Ngọc Giàu (Nguồn ảnh: Internet)

Ảnh: NSND, Đạo diễn Trần Ngọc Giàu (Nguồn: Internet)

Sự khác nhau này khá dễ hiểu bởi Đờn ca tài tử vốn là một loại hình phục vụ mục địch giải trí, sinh hoạt của con người. Hơn nữa, Đờn ca tài tử được biểu diễn trong một  không gian thường dân vừa đủ (không phải sân khấu trang trọng mà có thể là trong nhà riêng, hội họp,…) để cho người chơi và người nghe, dù ban ngày hay ban đêm, cùng nhau thưởng thức tiếng đờn và lời ca mà không cần phải có diễn xuất hay hiệu ứng âm thanh ánh sáng, dùng tai để nghe là chính.

Với Cải Lương, các vở diễn lại phải có tính sân khấu, tức phải có không gian của một sân khấu với phông màn, cảnh trí, âm thanh, ánh sáng, đạo diễn, diễn viên,.. để sao cho vở diễn chỉnh chu nhất và bắt mắt khán thính giả. Cái tính phóng túng cá nhân của Đờn ca ở đây đã bị biến mất, nghệ sĩ phải hoá thân vào số phận, tâm lý của nhân vật, tình huống kịch đặt ra, để khán giả có thể vừa nghe ca, lại có thể coi các tuồng tích thông qua sự diễn xuất hành động nội tâm, ngoại hình, hành động. Những thể điệu Đờn ca nào mà Cải Lương sử dụng đều được biến tấu và biến thể sao cho phù hợp với kịch bản và diễn biến nhân vật.

Thông qua đây, Trường Ca Kịch Viện mong đọc giả phần nào đã hiểu được về những mối liên hệ và một vài điểm khác nhau cơ bản giữa Đờn ca tài tử và Cải Lương.

Điền Diệu Anh

Tài liệu tham khảo:

1. NNDG Nguyễn Tấn Nhì (2017) – Phân biệt đờn ca tài tử với cải lương 
2. Đoàn Nô (2017) – Bước đầu tìm hiểu sự tương đồng và khác biệt giữa đờn ca tài tử và cải lương Nam Bộ – Báo Cần Thơ
3. Công Bằng (2014) – Làm thế nào để phân biệt Đờn ca tài tử và cải lương – VTV
4. Từ Nguyên (2021) – Sự khác biệt giữa đờn ca tài tử và cải lương – Nhịp Cầu Bốn Phương

ĐỌC THÊM

Giới thiệu Trò Xuân Phả

Xứ Thanh đó giờ vẫn luôn nức tiếng với những di sản văn hóa, văn nghệ đáng quý: nào là tổ khúc hò sông Mã,

Mới cập nhật