Giới thiệu ngắn về Bài Chòi

1. Nguồn gốc:

Bài Chòi là một sản phẩm văn hóa độc đáo của vùng đất Nam Trung Bộ. Do điều kiện môi trường sống, người chơi bài đã sáng tạo ra nhiều dạng thức chòi chơi bài ở những địa điểm khác nhau, tiện cho việc tháo dỡ khi chuyển vùng và chống thú dữ, lũ lụt,… Họ nghĩ ra cách hô, hát trên mỗi chòi, từ chòi này đối đáp qua chòi khác. Và, Bài Chòi được nảy sinh từ đó.

Theo GS-TS Trần Quang Hải, quốc tịch Pháp, đến nay chưa xác định được bài chòi có nguồn gốc từ lúc nào. Ông nêu ra giả thuyết: Theo lời kể của ông Phan Bình Lang (sinh năm 1910), nguồn gốc của bài chòi là vào thời ông Đào Duy Từ ở ngoài Bắc vào Bình Định khai khẩn đất hoang từ năm 1571.

Lúc đó người ít, việc trồng trọt thường bị thú rừng phá hoại nên người dân phải dựng những chòi cao hơn 2m, vững chắc, mỗi khi có thú rừng thì khua trống, gõ mõ để thú rừng hoảng chạy. Khi nhàn rỗi, để khuây khỏa, người dân chế ra 2 ống tre căng dây và bịt một đầu bằng da ếch để làm ống loa nói chuyện với nhau từ chòi này sang chòi khác, hát đối đáp qua những câu ca dao, tạo thành loại hình “hát ống”.

Qua nghiên cứu, trong lịch sử, Bài Chòi trải qua 3 giai đoạn phát triển:

  1.1. Giai đoạn 1:

Bài Chòi độc diễn, chỉ có một người hô và nhiều người ngồi nghe – trong hội chơi chỉ có một mình Anh Hiệu vừa hát, vừa làm động tác để tạo thêm tính hấp dẫn cho trò chơi. Theo thời gian, những câu hát ngày càng dài ra và động tác cũng phong phú hơn. Người chơi và người xem nghe từng câu và chờ đợi tới lúc ứng với tên con bài. Khi có tiếng mõ vang lên ở chòi nào, Anh Hiệu sẽ mang khay tiền tới thưởng người chơi ở chòi đó.

  1.2. Giai đoạn 2:

Bài Chòi tiến dần đến hình thức nhiều người hô theo lớp lang, tuồng tích… Nếu như trước kia, trong một câu thai có đối thoại chỉ cần một người hô (cùng lúc đóng hai hoặc ba vai), thì nay cần hai, ba người cùng hô, cùng diễn. Theo đó, tính “mâu thuẫn” trong mỗi bài ca tuy chưa cao, chưa rõ nét, nhưng dáng dấp của ca kịch Bài Chòi đã bắt đầu hình thành. Đó là tiền đề cho sân khấu ca kịch Bài Chòi hiện đại ra đời.

  1.3. Giai đoạn 3:

Sân khấu ca kịch Bài Chòi hiện đại: đây là thời điểm Bài Chòi ở sân đình, làng, chợ,… tiến lên sân khấu, với ánh đèn rực rỡ, với nhiều đào, kép sặc sỡ xiêm y, với những điệu hát khách, hát nam gần như hát Bội. Sự pha tạp này đôi khi đã đánh mất phần nào bản sắc của văn hóa Bài Chòi, nhưng theo một số nhà nghiên cứu, thì đây lại là sự dung nạp tự nhiên trong quá trình hội nhập và phát triển.

Nhìn chung, tiến trình phát triển của Bài Chòi tỉnh Phú Yên cũng tuân theo lộ trình phát triển của Bài Chòi Nam Trung Bộ. Xuất phát từ một trò giải trí, với điệu hô thô sơ, mộc mạc trong phạm vi làng, sân đình, góc chợ,… sau trở thành trò giải trí của đại bộ phận công chúng, với sân khấu hiện đại của ca kịch Bài Chòi như hiện nay.

Bài Chòi tại Hội An (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

2. Đặc điểm:

Trong những năm gần đây, đánh Bài Chòi là một hoạt động diễn xướng dân gian khá độc đáo ở khu vực Nam Trung Bộ nói chung. Vào mỗi dịp Tết đến, xuân về, bên cạnh lễ hội truyền thống còn có hội đánh Bài Chòi. Để tổ chức được hội đánh Bài Chòi cần hội đủ các điều kiện sau:

– Lập chòi ở trước sân đình, cổng làng, trụ sở ủy ban, hoặc chỗ bãi đất có không gian thoáng đãng, thuận lợi cho người dân đến tham gia. Trước khi dựng chòi, người dân làm lễ cúng đất, xin Thổ Địa cho phép động thổ để dựng chòi. Trong hội đánh Bài Chòi, người ta sẽ dựng 9, 11, hay 13 chòi. Mỗi chòi đều có cầu thang dẫn lên. Trên mỗi chòi còn có ống tre để đựng các con bài và mõ, dùi để gõ thông báo. Nếu trúng một con bài thì gõ vào mõ 3 tiếng, nếu tới ván thì gõ vào mõ một hồi dài để thông báo cho Anh Hiệu biết là chòi đã thắng để mang con bài, tiền và cờ thưởng đến.

Tùy theo số lượng chòi mà cách gọi tên mỗi chòi có sự khác nhau. Nếu chơi 9 chòi thì tên gọi các chòi được tính theo Bát quái và một chòi trung tâm. Nếu chơi 11 chòi thì tên gọi được tính theo Thập can và một chòi trung tâm. Còn nếu chơi 13 chòi thì tên gọi được tính theo Thập nhị chi và một chòi trung tâm.

Các chòi được dựng theo phương thức hợp với nhau thành hình vòng cung hoặc hình chữ U và quay mặt vào nhau. Chòi trung tâm ở giữa dành cho Ban Tổ chức và các vị chức sắc ở địa phương, hoặc người có vai vế trong làng. Những người dân thường, phụ nữ, trẻ con không được phép ngồi lên chòi trung tâm để chơi bài. Qua đặc điểm này, có thể nhận thấy, yếu tố tôn ti và sự phân biệt đẳng cấp trong xã hội khi tham gia đánh Bài Chòi ngày xưa vẫn còn tồn tại khá rõ nét.

– Bộ bài/thẻ bài gồm 27 hoặc 33 thẻ bài tỳ và 9 hoặc 11 thẻ bài con, đều được làm bằng tre, có vẽ hoặc dán hình mang ý nghĩa tượng trưng được ứng với mỗi câu thai và có tên gọi nôm na, như: Nhứt Nọc, Nhì Nghèo, Tam Quăng, Tứ Cẳng, Ba Gà, Bảy Thưa,… Bộ bài được chia làm 3 pho: pho văn, pho vạn và pho sách.

Bộ bài trong Bài Chòi (Nguồn: Báo Quảng Ngãi)

– Anh Hiệu có vai trò rất quan trọng trong cuộc chơi, thường là người có tài ứng đối “xuất khẩu thành thơ”, chất giọng khỏe, có tài diễn xuất, biết đặt câu thai sao cho phù hợp với lá bài một cách thật nhanh, mang ý nghĩa ẩn dụ kín đáo, dí dỏm. Có thể nói, Anh Hiệu cùng lúc làm ba công việc: biên soạn, đạo diễn và diễn viên. Và, không phải bất cứ ai cũng có thể đóng vai Anh Hiệu để được khán giả chấp nhận trong hội đánh Bài Chòi.

Anh Hiệu (bên trái) trong Bài Chòi (Ảnh: Làng Việt)

Hội Bài Chòi thường diễn ra từ ngày mồng Một Tết đến ngày hạ cây nêu, tức mồng Bảy Tết. Mở đầu hội, các vị bô lão, hương chức trong làng thường làm lễ tế Thần Nông. Trong dịp này, Thành hoàng, Thổ địa… cũng được mời về để chứng kiến cuộc vui của dân làng. Sau thủ tục tâm linh, thầy lễ xin thần linh cho phép khai hội, ban nhạc ngũ âm, gồm đờn, kèn, mõ, trống con, trống cái,… cùng hòa âm rộn rã. Bà con tập hợp đông đủ và Anh Hiệu bắt đầu trình làng với những lời chúc phúc đầu năm cho tất cả dân làng gặp nhiều may mắn, mua may bán đắt, mùa màng bội thu, gia đình hạnh phúc,…

3. Tiến trình:

Khi người chơi đã mua đủ thẻ bài ở các chòi, Anh Hiệu bắt đầu lắc ống xóc có chứa những thẻ bài tỳ, rồi rút ra một lá và hô một câu thai có nội dung tương ứng với tên gọi của lá bài. Chòi nào trúng con Ba Bụng thì cầm dùi gõ vào chiếc mõ tre 3 tiếng, để thông báo cho Anh Hiệu biết chòi đó trúng một con. Lúc này, Anh Hiệu sẽ trao lá bài Ba Bụng cho người Chạy Hiệu (người chuyên mang lá bài tới giao cho chòi vừa trúng). Sau đó, Anh Hiệu lại tiếp tục xóc ống để tìm một lá bài khác. Cuộc chơi cứ tiếp diễn như vậy cho đến khi một chòi có đủ 3 thẻ bài trùng khớp với 3 thẻ bài trong các thẻ bài tỳ mà Anh Hiệu đã rút. Anh Hiệu vừa múa, vừa hô, vừa tiến về phía chòi thắng, cắm lá cờ đuôi nheo lên chòi, đồng thời, dâng tiền trúng thưởng và mời trầu, rượu cho các chân bài trên chòi. Sau đó, Anh Hiệu tiếp tục bán thẻ bài và hô ván thứ hai cho tới khi mãn hội (mỗi hội đánh 6 hoặc 9 ván). Và, hội này tiếp hội nọ, cho tới khi trời sập tối. Ngày hôm sau tiếp ngày hôm trước, hội đánh Bài Chòi diễn ra từ sáng đến chiều cho đến mùng Bảy Tết hạ cây niêu là kết thúc hội.

Phóng sự: Dân ca bài chòi Bình Định (YouTube: Sở Văn Hóa Và Thể Thao Ninh Bình)

4. Tổng kết:

Hội đánh Bài Chòi còn có một nét riêng mà không phải ở hội đánh Bài Chòi nơi nào cũng có. Đó là, ngoài những người mua thẻ và được ngồi trên các chòi, một số người khác cũng mua thẻ nhưng trải chiếu ngồi dưới đất (xung quanh các chòi) cùng tham gia đánh. Và, trong cuộc chơi, đôi khi xuất hiện cảnh Anh Hiệu và một chân bài nào đó trên chòi đối đáp với nhau, như trường hợp đánh Bài Chòi ở làng Long Thủy, xã An Chấn, huyện Tuy An. Còn một nét khác biệt nữa, là việc dâng tiền thưởng, không chỉ là hành động dâng tiền một cách đơn điệu, mà Anh Hiệu còn biểu diễn một vài làn điệu cổ, như xuân nữ, xàng xê, hò quảng,… để gửi những lời chúc an khang thịnh vượng, mua may bán đắt,… tới người trúng thưởng.

Sinh hoạt Bài Chòi là một loại hình văn hóa đặc thù của người dân miền Nam Trung Bộ nói chung, ở Phú Yên nói riêng và là nhu cầu giải trí của người dân sau một năm tất bật với mùa màng. Trong cuộc chơi, người thắng hay người thua đều được cười thỏa thích. Đó chính đó là phần thưởng tinh thần vô giá cho những ai tham gia vào hội đánh Bài Chòi. Tính đỏ đen, hơn thua không có chỗ đứng trong mỗi cuộc chơi, vì người chơi quan niệm, đánh Bài Chòi là để thử vận may đầu năm, chứ không phải đánh để sát phạt lẫn nhau. Vì thế, trong quá trình hô thai, Anh Hiệu thường hay ứng tác để lồng ghép vào cuộc chơi những câu thai có nội dung dí dỏm, đả kích, mỉa mai,… Trong Bài Chòi, ngoài tính chất giải trí, các câu thai còn có tác dụng giáo dục con người về đạo đức, nhân cách sống, tình yêu quê hương, đất nước, tình yêu lứa đôi,…

Với những giá trị văn hóa tiêu biểu của di sản, Bài Chòi đã được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quyết định đưa vào Danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia năm 2014. Hơn thế, ngày 7/12/2017, tại Hàn Quốc, hội nghị lần thứ 12 của UNESCO đã ra Nghị quyết đưa “Nghệ thuật Bài Chòi Trung Bộ Việt Nam” vào danh sách Di sản Văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Dương Anh
(Theo Hồ sơ di sản, Tư liệu Cục Di sản văn hóa)

ĐỌC THÊM

Mở đơn đăng kí tuyển BTC mùa 2

Deadline: 23:59 ngày 18/01/2021 Đối tượng: Độ tuổi 15 – 30 trên địa bàn cả nước Việt Nam Link đơn: https://bit.ly/btctckv2021 ___________ Trường Ca Kịch

Mới cập nhật