Hát Bả Trạo – Khúc ca của những người con miền biển

Người Kinh Bắc tự hào khi nhắc đến dân ca quan họ. Người xứ Huế lại tự hào về những câu Nam ai, Nam bình, những điệu hò mái nhì, mái đẩy man mác. Người dân làng chài những vùng duyên hải cũng hãnh diện khi nói về những câu hát Bả Trạo trên ngọn sóng vỗ của mình.

Một thuyền Bả Trạo của ngư dân tại Hải Ninh (Ảnh: Báo Quảng Ngãi)

Hát Bả Trạo (hay còn gọi là Chèo Bả Trạo, Chèo đưa linh, Hò đưa linh, Hò hầu linh) là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang đậm tính nghi lễ của cư dân vùng biển Trung bộ mà cụ thể là từ Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) cho đến Bình Thuận.

Hát “Bả Trạo” có nguồn gốc từ chữ Hán – Nôm: Bả 把: cầm chắc, trạo 掉: mái chèo, có nghĩa là “cầm chắc tay chèo”. Nhưng cũng có một ý kiến khác thì Bả Trạo là cách đọc chệch âm của động từ “Bá Trạo” (百 Bá: theo chữ Hán có nghĩa là trăm) thì thuật ngữ này cũng có nghĩa là trăm tay chèo, trăm bạn chèo. Đây là vấn đề đang còn nhiều bàn cãi của các nhà ngôn ngữ học; nhưng ở đây, tạm hiểu động từ này dưới góc độ âm nhạc học theo một cách ngắn gọn: “hát Bả Trạo” hay “hát Bá trạo”… cũng đều có nghĩa là “hát chèo thuyền” – tên loại hình này cũng chính là mong muốn, quyết tâm và là hành động rắn rỏi của người dân miền biển gắn bó với sông nước.

Bả Trạo là một làn điệu đặc trưng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Mỗi tiếng ca Bả Trạo đều thể hiện sự gắn kết keo sơn của con người nơi đây với miền biển. Nam Trung Bộ trên bản đồ địa lý là vùng đất uốn mình ra Biển Đông ngày đêm sóng vỗ, càng nối dài cánh tay ra phía biển bởi các cồn, đảo, cù lao và các quần đảo xa xa. Trải qua nhiều thế hệ, dân cư ở đây dù muốn dù không vẫn phải có cái nhìn hướng biển bởi họ ngày đêm tiếp xúc, hành nghề kiếm miếng ăn trên biển. Cuộc sống mưu sinh của người dân vùng duyên hải phụ thuộc nhiều vào biển cả. Ngày đêm dập dềnh, lênh đênh trên biển cả, đối diện với từng cơn sóng lớn không khỏi khiến cho người ta khát khao có cho mình một điểm tựa để vững tâm trên biển, và từ đây, hát Bả Trạo ra đời.

Giữa cái mặn mà khơi xa quyện vào nhịp sống yên ả của người dân vùng biển, điệu hò đưa linh vang vọng như mang cả hồn của biển trời chở che cho cuộc sống lớp người nơi đây. Mỗi câu ca không chỉ là tình cảm thân thiết, kính trọng của ngư dân mà ẩn sâu trong từng con chữ, ta còn thấy một niềm tin mạnh mẽ, to lớn và tinh thần phấn chấn, không ngại gian khó trước biển lớn.

Nội dung và ý nghĩa của hò Bả Trạo là cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu trời yên biển lặng, ngư dân được mùa thu hoạch, thể hiện bản sắc văn hóa đặc thù miền biển, sự đồng tâm đồng lòng tương thân tương ái của ngư dân miền biển, thể hiện phương ngữ,thổ ngữ đặc trưng vùng miền. Bên cạnh đó, hát Bả Trạo còn thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của cộng đồng ngư dân miền biển đối với cá Ông đã giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng gió, những tai ương trên biển. Đồng thời các bài hát cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc:  đó là hò và chèo (động tác cầm mái chèo khác với nghệ thuật hát Chèo miền Bắc) để đưa những linh hồn, oan hồn vong mạng bất đắc kỳ tử do tai nạn,chiến tranh loạn lạc, vị quốc vong than… về nơi vãng sanh cực lạc.

Phóng sự ngắn về Hát Bả Trạo do VTV2 thực hiện (YouTube: Thai Mai Quyen)

1. Tổ chức đội hình:

Bả Trạo được hát thành từng đội. Một đội có từ 12 – 18 con Trạo chia ra như sau:

– Tổng mũi (tổng thuyền): Đứng trước mũi thuyền, người chỉ đường, hai tay cầm cặp sênh để gõ chỉ huy đội hát Bả Trạo từ đầu đến cuối buổi diễn.
– Tổng khoang (tổng thương): Đứng ở khoang thuyền, khi thuyền neo lại thì canh gác, tay cầm cần câu và gàu tát nước.
– Tổng lái (tổng hậu): Đứng cuối đuôi thuyền, hai tay nắm chèo lái để điều khiển con thuyền đi đúng hướng.

Hát Bả Trạo tại Quảng Ninh – Người đứng đầu là Tổng mũi (Ảnh: ANTV)

Hàng giữa từ gần ra xa: Tổng mũi – Tổng khoang – Tổng lái
Hai bên: Các con trạo (Ảnh: Báo Bình Thuận)

Đội hình chính với các vị trí trên của cuộc Hát Bả Trạo là mô phỏng một con thuyền đang lướt sóng trên biển. Một ý nghĩa nào đó, trong trình thức Chèo “Cô hồn” mang ý nghĩa cứu độ chúng sinh. Nội dung Hát Bả Trạo trong giai đoạn này, gần như một một tuồng hát có ngụ ý về một con thuyền Bát nhã đang dong ruổi trên biển khơi để cứu độ chúng sinh, đưa họ về nơi Tịnh độ. Tất cả được dàn sắp được mô phỏng theo hình chiếc thuyền đưa linh chèo đưa đức Ngư Ông phiêu diêu miền cực lạc.

Phần điều khiển múa hát do Tổng mũi đảm nhiệm. Khi Tổng mũi cầm sênh hướng về con Trạo để gỏ, các con Trạo cúi mình về phía trước làm động tác chèo thuyền. Khi Tổng mũi cầm sênh day lui để gỏ, đám bạn chèo ngã mình lui để chèo rất đồng bộ và nhịp nhàng…

Trong lúc trình diễn, Tổng mũi nhiều lúc dừng lại để xướng hát, than, ngâm thơ, lý và diễn trò.., các con Trạo cứ theo động tác chèo thuyền đã được cách điệu và nghệ thuật hóa. Tổng khoang phối hợp với Tổng mũi để trình diễn, thỉnh thoảng cầm gàu múc nước tát ra khỏi khoang thuyền. Tổng lái cầm chèo dài để lèo lái con thuyền.

Đội hình chèo đưa Ông được sắp đặt như một con thuyền ra khơi. Kết thúc buổi diễn, Tổng mũi gõ hai tiếng sênh, các con Trạo cầm cán chèo dựng chèo thẳng mũi lên cao. Khi nghe tiếng sênh tiếp thì con Trạo nhập thành hàng một, cây chèo vẫn cầm dựng đứng như tư thế lúc ban đầu khi trình diễn và theo Tổng mũi đi khuất vào sau sân lăng. Buổi trình diễn không cần đến sân khấu mà thường trình diễn ở bãi cát ven biển hay sân trước lăng Ông (thờ thần cá voi).

Sơ đồ diễn tiến đội hình Bả Trạo (Ảnh: Chim Việt Cành Nam)

2. Kịch bản và bố cục

Về kịch bản, hát Bả Trạo mỗi vùng lại có chút khác biệt, nhiều dị bản. Tuy nhiên cần phải xem xét trên một tổng thể chung của các dị bản để nghiên cứu những cách phát triển chung của kịch bản cũng như cách bố trí hát Bả Trạo ở các trường đoạn khác nhau trong lễ hội Cầu Ngư và ý nghĩa của nó . Thông thường hát Bả Trạo được biểu diễn làm hai lần. Lần đầu trong lễ Nghinh Ông ngoài biển và lần thứ hai trong lễ chính tại đền thờ cá Ông. Có thể nói, hát Bả Trạo được bố trí trong hai giai đoạn chính của lễ Cầu Ngư nói lên tầm quan trọng của hát Bả Trạo trong lễ.

Các trường đoạn (cảnh) hát bả trạo có thể có từ 3 đến 5 phần phụ thuộc vào hoàn cảnh và khán giả đến xem nhưng không phá vỡ bố cục .

Hồ bả trạo – Khánh Hòa chia làm 3 đoạn  :

1. Đoạn 1 : Mang tinh tế lễ , tôn kính ;
2. Đoạn 2 (nam xuân): Thương nhớ và ca ngợi những công trạng của Cá Ông
3. Đoạn 3 ( điệu bả trạo ) : mang tính vui ming

Hò bả trạo Quảng Ngãi chia làm 4 “ chặng ” (màn):

1. Lễ xin ra khơi
2. Hồ kéo lưới
3. Sóng to – cầu thần linh
4. Về bên an toàn

Tuy nhiên , theo một nghiên cứu của nhà nghiên cứu Tôn Thất Hướng , tại Quảng Nam chỉ có 3 phần nhưng với tên gọi:

1. Ra khơi, bủa lưới
2. Thuyền gặp nạn trên biển và nhờ Ông cứu giúp
3. Kể về ân đức của ông

3. Nhạc cụ:

Nhạc cụ của hát Bả Trạo đầy dân dã, mộc mạc: đàn cò, trống, kèn và sênh. Âm thanh phát ra từ những vật dụng quen thuộc khiến cho cả những người bản xứ và du khách phương xa đều như lạc vào thế giới tâm linh, đắm chìm một khoảng không gian vô định, chỉ còn văng vẳng bên tai điệu hò đang ngân nga mãi không dứt. Cũng từ đây, người nghe không ngừng lưu luyến từng câu hát và đóng góp vai trò quan trọng lưu truyền và gìn giữ một cách cẩn trọng, trân quý nhất lối hát khoan chèo khỏe khoắn, mạnh mẽ đến câu hò biển ngọt ngào hay điệu đưa linh khiến người đẫm lệ đều được.

Một phần Bả Trạo ngắn (YouTube: Di sản số)

4. Trang phục:

Hát Bả trạo vừa mang tính diễn xướng nghệ thuật dân gian vừa là nghi lễ, cho nên trang phục và đạo cụ cũng phù hợp với tính chất ấy:

– Thông thường, Tổng lái mặc lễ phục cổ truyền áo dài đen, quần dài trắng, khăn đóng đen (nếu là nghi lễ trang trọng) với đạo cụ là mái chèo lái dài 2 mét.

– Tổng mũi ăn mặc lễ phục như tổng lái, nhưng tùy theo vùng miền, có khi lại trang phục rực rỡ như một diễn viên tuồng, cầm cặp sênh điều khiển.

– Tổng khoang mặc áo 3 màu, hoặc có hình lát chả, quần cộc tay cầm đạo cụ là gàu tát nước.

Các con trạo đầu chít khăn, áo trắng, quần trắng, có quấn xà cạp, thắt lưng vải đỏ, chân đi đất, tay cầm mái chèo khoảng 1,2 mét sơn màu xanh hay trắng và thường có hình Thái cực đồ. (xem hình dưới) Màu sắc trang phục còn tùy theo các vùng, nhưng cái chung là trang phục giống người lính lệ xưa, có đội nón hoặc quấn khăn…

Trang phục hát Bả Trạo tại Đà Nẵng (Ảnh: Bảo tàng Đà Nẵng)

Màu sắc trong các loại hình nghệ thuật sân khấu ngoài việc có tác dụng trang trí làm đẹp còn đóng một vai trò làm khán giả có thêm nhận thức về tính cách của nhân vật. Mỗi một màu sắc có một ý nghĩa riêng, nhưng đôi khi sẽ có những ý nghĩa khác nhau nếu nó ở trong một hình thức nghệ thuật hoặc một tình huống cụ thể. Sắc màu trong hội họa có vai trò như hòa thanh trong âm nhạc, sử dụng đúng, hợp lý sẽ tạo ra được một hiệu quả nghệ thuật cao. Với cái nhìn như vậy, chúng tôi khảo sát cặn kẽ những màu sắc được hò bả trạo sử dụng để tìm hiểu thêm về tính cách cũng như ý nghĩa nội dung mang tính hình tượng của những màu sắc này. Bả trạo sử dụng các màu trắng, vàng, đỏ, đen. Hiện nay, một số vùng có thêm màu xanh là màu gần gũi với biển, đại dương. Những gam màu này không phải là ngẫu nhiên mà được chọn, thực chất là biểu tượng của những tính cách nhân vật lấy trong tuồng, tính linh thiêng trong Phật giáo, tính âm dương trong dân dã:

– Màu đỏ: biểu hiện sự chiến thắng, ý chí đấu tranh.
– Màu vàng: màu của Phật giáo với ý nghĩa thần thánh, linh thiêng..
– Màu đen: ngay thẳng, trung nghĩa.
– Màu trắng: mang ý nghĩa hòa giải, hòa bình.
– Ngoài ra sự kết nối đen – trắng còn đem lại những ý nghĩa về sự luân hồi, âm dương ngũ hành

Do giá trị quý báu của hát Bả Trạo, nhà nước Việt Nam đã công nhận hát Bả Trạo là nghệ thuật trình diễn dân gian được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia chính thức từ ngày 09/09/2013. Hát Bả Trạo trở thành di sản văn hóa đáng tự hào của dân tộc và cần thiết được gìn giữ, bảo tồn.

Hiểu Mai 

 

Nguồn tham khảo:

1. Wikipedia tiếng Việt – Hát Bả trạo
2. Trần Khánh Ly – Hát Bả Trạo trong ‘Lễ hội Cầu Ngư truyền thống’ ở Thành phố Đà Nẵng
3. Tạ Quang Đông (2017) – Tính ‘mở’ và tính đa dạng trong nghệ thuật diễn xướng Bả Trạo – Đại học Văn Hiến
4. Vĩnh Phúc – Hát Bả Trạo miền Trung, khảo sát từ Hát Bả Trạo Nam Trung Bộ – Chim Việt

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật