Đi tìm khái niệm, nguồn gốc Hát Then

Hát Then hay còn được ví von với cái tên điệu hát của thần tiên, suốt nhiều thập kỷ qua, Then được nhìn nhận như một loại hình nghệ thuật dân gian tổng hợp, chứa đựng nhiều thành tố văn học, âm nhạc, mỹ thuật, diễn xướng, lịch sử, văn hóa, xã hội. Đồng thời, Then là một phần không thể thiếu đối với đời sống tôn giáo – tín ngưỡng của đồng bào các dân tộc Tày, Nùng, Thái cư trú tại địa bàn miền núi phía Bắc Việt Nam.

Bản đồ Đông Bắc Bộ (Nguồn: Wikipedia)

1. Lịch sử hình thành và phát triển của Then

Từ nhiều giai thoại và cứ liệu dân gian ở miền núi phía Bắc, nguồn gốc xuất xứ của Then có nhiều dị bản, tuy nhiên chủ yếu đều dẫn tới kết luận rằng Then đã tồn tại từ rất lâu trong dân gian, nhưng chỉ chính thức phát triển vào thế kỷ XVI-XVII khi Mạc Kính Cung đến Cao Bằng xây dựng thành quách để đánh lại nhà Lê (1598-1625).

Cao Bằng lưu truyền thuyết về hai vị tên Bế PhùngHoàng Quỳnh thời nhà Mạc, đam mê âm nhạc và ca hát, đã chế ra Tính tẩu và lập hai tốp hát phục vụ cung đình. Tài liệu chép tay bằng văn vần tiếng Tày cũng kể về việc phá đàn tế lễ thần ôn của vua Mạc, đề cập đến Bế Phùng sáng lập hát ThenHoàng Quỳnh lập hát Dàng.

Sau sự suy tàn của nhà Mạc, theo thời gian Then quay trở lại với dân gian, thâm nhập vào các khu vực kề cận như Lạng Sơn, Bắc Kạn rồi từ đó lan rộng tới các địa phương khác chủ yếu dưới hình thức truyền khẩu.

2. Quan niệm về Then của đồng bào người Tày

Tùy vào từng hướng khai thác mà mỗi nhà nghiên cứu lại cho ra một quan niệm riêng về Then. Vì lẽ đó, các cách lý giải về Then hiện nay vẫn tồn tại rất nhiều điểm gợn, chưa có cái nhìn thống nhất đối với loại hình diễn xướng đạm tính tôn giáo – tín ngưỡng này.

Theo một số ghi chép bằng chữ Nôm của người Tày, về mặt văn tự, thuật ngữ Then là sự kết hợp của âm Hán – Việt, Thiên (天) là thành tố biểu biểu âm, đóng vai trò chính, với ý nghĩa là trời, hay theo quan niệm tín ngưỡng của người Tày thì đó là Mường Then, Thiên đình, Thượng giới và bộ Khẩu (口) với vai trò biểu ý, mang lớp nghĩa mồm miệng, lời nói.

Then cổ cấp Sắc của dân tộc Tày

(Nguồn: Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam)

Đồng bào dân tộc Tày quan niệm rằng thế giới được chia thành 3 tầng: Thiên đình – Trần thế – Âm phủ. Trong đó Thiên đình hay Mường Then dùng để chỉ một thế giới thần thánh, nơi trú ngụ của các bậc thần linh, các nhân vật với sức mạnh kỳ diệu như những Bụt, Giàng, Trời, những người đáp lại lời thỉnh cầu, ban phát sự phù hộ, che chở cho cộng đồng theo tín ngưỡng – quan niệm của người Tày Nùng.

Một số ý kiến khác cho rằng chữ Tiên hay Sliên (仙) cũng được dùng để chỉ Then. Qua một số văn bản Nôm Tày hiện vẫn được lưu giữ tại Viện Nghiên cứu Hán Nôm, chữ Tiên hay Sliên khác với Then khi chỉ được dùng với ý nghĩa nhất định đại diện cho các nàng tiên hay những nơi tiên cảnh, những đối tượng thuộc về Thượng giới.

Thầy Then thực hành lễ

(Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển)

Qua đó, dưới góc tiếp cận từ quan niệm của người Tày, Then có thể dùng để chỉ người có tài trí, uy quyền với những phép thuật cao siêu, có thể đại diện thay lời cho nhà trời hay những người làm nghề cúng bái, khi làm Then, họ đồng thời đại diện cho người của Thiên giới và cả Trần gian, nhằm chuyển những lời cầu mong của người dân lên các bậc bề trên.

Hát Then là loại hình nghệ thuật tín ngưỡng dân gian chịu sự giao thoa, ảnh hưởng từ nhiều phía. Bên cạnh sự kết hợp hài hòa của nghệ thuật với sự pha trộn giữa âm nhạc, múa, hội họa, lời ca, Then còn chứa đựng, phản ánh nhiều vấn đề liên quan trực tiếp tới sự chuyển biến trong đời sống văn hóa, xã hội của các cộng đồng dân tộc miền núi Bắc Việt xuyên suốt từ thời kỳ phong kiến.

Hiện nay, việc bảo tồn và phát triển hát Then đã được quan tâm và đầu tư từ nhiều nguồn lực khác nhau ở các tỉnh phía Bắc. Các hoạt động như cuộc thi, biểu diễn hay triển lãm văn hóa, chương trình nghiên cứu và giáo dục đã giúp truyền lại và phát triển hát Then, đồng thời duy trì giá trị văn hóa, tinh thần của các dân tộc thiểu số ở miền núi. 

Việc đưa hát Then gần hơn với thế hệ trẻ không chỉ giúp thế hệ mới hiểu thêm về văn hóa và truyền thống dân tộc mà còn góp phần bảo tồn và phát triển loại hình nghệ thuật này trong tương lai.

– Tài Liệu Tham Khảo

1. Nguyễn Thị Tuyết Mai. “Hát then – loại hình nghệ thuật dân gian đặc sắc.” vhnt.org, 16 October 2021, https://vhnt.org.vn/hat-then-loai-hinh-nghe-thuat-dan-gian-dac-sac/. 

2. Nguyễn Tuấn Cường, Nguyễn Văn Tuân. “TÌM HIỂU THUẬT NGỮ THEN TỪ GÓC ĐỘ NGỮ VĂN HỌC QUA VĂN BẢN NÔM TÀY.” TỪ ĐIỂN HỌC & BÁCH KHOA THƯ, Số 2, 46, 2017, pp. 3 – 22.

3. Thanh Bình. “Điệu Then của đồng bào Tày, Nùng, Thái.” Hội Nhạc Sĩ Việt Nam, 20 October 2021, http://hoinhacsi.vn/dieu-then-cua-dong-bao-tay-nung-thai. 

4. VietnamPlus. “Bảo tồn Hát Then – Mega Story.” Mega Story, 21 September 2020, https://special.vietnamplus.vn/2020/09/21/hatthen/. 

5. Nguyễn Thị Yên. “VỀ SỰ HÌNH THÀNH VÀ BIẾN ĐỔI CỦA THEN TÀY.”. Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN, 2015.

6. Nguyễn Thị Huệ. “Căn nguyên trở thành then trong xã hội Tày-Một vài biện giải từ góc độ tâm sinh lý của” người được chọn”. Viện Việt Nam học và Khoa học Phát triển, ĐHQGHN, 2014.

ĐỌC THÊM

Dàn nhạc Tây Nguyên đại ngàn

“Chì khoe chì nặng hơn đồng Sao chì chẳng đúc nên cồng nên chiêng” Với các sự kiện của vòng đời con người, cồng, chiêng

Mới cập nhật