Hội Lim: Nét văn hoá đặc sắc vùng Kinh Bắc

Xứ Kinh Bắc xưa nổi tiếng là vùng đất của những câu chuyện cổ và những sự tích văn hoá đặc sắc, là nơi sở hữu nhiều lễ hội dân gian, thấm đẫm dấu ấn văn hóa và lịch sử dân tộc. Từ những công trình kiến trúc mang dáng dấp cổ xưa đến những lễ hội truyền thống đặc sắc, tất cả đều thể hiện rõ nét bản sắc văn hóa vùng miền. Đến hẹn lại lên, hội Lim tại thị trấn Lim, Tiên Du, Bắc Ninh – nét kết tinh độc đáo bậc nhất của văn hoá vùng Kinh Bắc – là một trong những điểm dừng chân của du khách muôn nơi mỗi dịp xuân về. 

Hội Lim là hội của những làng xã cổ nằm quanh núi Lim và đôi bờ sông Tiêu Tương, là một sinh hoạt văn hoá – nghệ thuật đặc sắc của nền văn hoá truyền thống có từ xa xưa ở xứ Kinh Bắc, cùng với dân ca Quan họ trở thành tài sản văn hoá chung của dân tộc Việt, tiêu biểu cho loại hình dân ca trữ tình Bắc Bộ.

Hát Quan Họ trên thuyền tại Hội Lim (Ảnh: ASEAN Travel)

1. Lịch sử hình thành và quá trình phát triển

Về lịch sử hình thành, có giả thuyết cho rằng Hội Lim có nguồn gốc từ hội chùa, hội hát. Giả thuyết này căn cứ vào truyền thuyết Trương Chi – Mỵ Nương, mà dấu xưa để lại là hình vết dòng sông Tiêu Tương khá rõ ở các làng quê vùng Lim, và đặc điểm của hội Lim là lễ hội sinh hoạt văn hóa và ca hát Quan họ.

Còn có giả thuyết cho rằng Hội Lim liên quan đến câu chuyện của nàng cung nữ thời nhà Lý, nhận được ơn vua về chăm sóc mẹ già ở quê nhà, lấy chồng và không cần quay vào cung nữa. Nhưng tuổi thanh xuân đã gửi lại chốn thâm cung, quá lứa lỡ thì, khi mẹ qua đời, cô quyết định lên vùng đồi Lim, tu tạo và phục dựng ngôi chùa bị bỏ hoang đặt tên là Hồng An Tự (ơn đức của vua). Sau này cô cung nữ chết ở chùa và người dân trong vùng dần nhận thấy ngôi chùa rất linh thiêng. Lớp người kế cận và cũng được coi là sư tổ của chùa Lim ngày nay là Mụ Ả, người làng Duệ Nam, Nội Duệ.

Nhiều nguồn tài liệu cho rằng Hội Lim vốn có lịch sử rất lâu đời và phát triển tới quy mô hội hàng tổng vào thế kỷ XVIII. Hội đình – hội hàng tổng Nội Duệ vốn là lễ hội tế thần có phường hát cửa đình diễn xướng suốt mấy ngày liền. Trên cơ sở lễ hội truyền thống của các làng trong tổng Nội Duệ – một tổng trải dài đôi bờ sông Tiêu Tương, do 6 xã phường hợp lại: xã Nội Duệ (Đình Cả, Lộ Bao), xã Nội Duệ Khánh, xã Nội Duệ Nam, xã Lũng Giang, xã Xuân Ổ và phường hát cửa đình Tiên Du – được tổ chức vào tháng Tám với các lễ rước, tế lễ và nhiều hoạt động nghệ thuật dân gian phong phú như hát trống quân, hát chèo, ca trù, hát tuồng, hát quan họ…

Theo nhiều sử sách có ghi, viên quận công Đỗ Nguyên Thuỵ – người thôn Đình Cả, Nội Duệ, xứ Kinh Bắc – là người có công phát triển hội Lim từ lễ hội đình tế thần cầu phúc của các làng xã vùng Lim lên lễ hội hàng tổng Nội Duệ. Cho đến trước năm 1734, việc tổ chức lễ hội vẫn chưa đi vào lễ thức, do đó ông đã dành ra chừng 40 mẫu ruộng và hàng ngàn quan cổ tiền để đầu tư, khai mở ra một tập quán chung dần trở thành cổ lệ cho hàng tổng. Ông đã cung tiến nhiều ruộng vườn và tiền của cho tổng Nội Duệ để trùng tu đình chùa, mở hội hè, gìn giữ thuần phong mỹ tục. Ông còn quy định lễ nhập tịch cầu phúc vào dịp tháng Giêng hàng năm, theo truyền thống “xuân thu nhị kỳ”. Theo quy định này, hai thôn Đình Cả, Lộ Bao và xã Xuân Ổ đến đền Cổ Lũng làm lễ nghênh thần về đình Đình Cả. Mỗi thôn, xã đem theo một mâm xôi gà, trầu cau, hương nến để cúng tế, rồi ca hát cho đến hôm làm lễ tống thần. Năm nào không mở hội thì vẫn duy trì việc tế lễ ở đền Cổ Lũng, còn việc ca hát dành vào dịp đại lễ Trung thu. Viên Quận công người Đình Cả đã tạo tiền đề duy trì và phát triển lối hát giữa các làng xã trong tổng trong dịp lễ tế thần – một lễ hội vui nhất và lớn nhất trong địa hạt Tiên Du.

Sách Bắc Ninh phong thổ tạp ký cho biết: “Hội núi Hồng Vân (tức núi Lim) ngày 13 tháng giêng cả 6 xã (giáo phường Tiên Du lúc này trở thành xã Nội Duệ Đông) trong tổng Nội Duệ, áo mũ cờ trống chỉnh tề hội họp ở đình Đình Cả. Các xã cử trai gái ra làm con cờ, mỗi xã một bộ, luân thứ bày hàng, người nào thắng cuộc được hậu thưởng. Tương truyền xưa có Hiệt trung hầu họ Nguyễn làm trấn thủ Thanh Hóa có thực ấp giàu vạn cư. Về hưu đưa vài chục mẫu ruộng tốt hiến vào đền (Cổ Lũng) để lưu thưởng kẻ sĩ và hương hỏa về sau. Lại mua nửa núi Hồng Vân để dựng lăng đá, trong lăng có tượng đá, thú bằng đá và tượng võ sĩ đá. Khi chết an táng ở đó, sáu xã trong tổng thờ cúng. Lại có Bồ đề ni lục gọi là Mụ Ả, họ Nguyễn người xã Nội Duệ Nam không lấy chồng, xuất gia thụ giới ở chùa Hồng Vân. Lộc chùa hơi khá bèn mua lấy một nửa núi Hồng Vân. Năm ngoài 80 tuổi có đặt tiền giao cho sáu xã làm hương hỏa về sau rồi dựng dàn hỏa thiêu. Người đời sau tô tượng, dựng tháp và thờ tự bà”.

Những quy định về phát triển, đổi mới hội Lim của quận công Đỗ Nguyên Thụy được duy trì trong vòng 40 năm. Vào nửa sau thế kỷ XVIII, cũng chính người làng Đình Cả, tướng công Nguyễn Đình Diễn lại tiếp tục phát triển và đổi mới hội Lim. Khi ấy, Nguyễn Đình Diễn tuy còn trẻ nhưng đã xuất thân từ quan Thái giám trong phủ chúa Trịnh Sâm rồi Trấn thủ Thanh Hóa kiêm Đốc đồng, tước Hiệt trung hầu, đã cấp ruộng và tiền cho 5 xã thôn trong tổng Nội Duệ và giáo phường Tiên Du, chuyển hội đình – hội hàng tổng sang hẳn tháng giêng. Kế đó là bà Mụ Ả, người xã Nội Duệ Nam lại bỏ tiền ra mua hương hỏa nửa núi Lim để mở mang chùa Hồng Ân và buộc ba năm tổng Nội Duệ mở hội chùa, hội chạ một lần ở núi Lim. Ông đã cấp ruộng và tiền cho hàng tổng để chuyển hội hàng tổng từ tháng Tám sang hẳn tháng Giêng. Ông cũng xây dựng lăng mộ của mình trên đỉnh núi Hồng Vân (tức núi Lim). Do có nhiều công lao với hàng tổng nên khi ông mất, nhân dân tổng Nội Duệ đã tôn thờ làm hậu thần, hậu Phật hàng tổng.

Khu thờ tại chùa Lim (Ảnh: yougo.vn)

Hội Lim được duy trì trong suốt thế kỷ XIX và nửa đầu thế kỷ XX. Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và chống Mỹ cứu nước, hội Lim không được mở trong nhiều thập kỷ cho đến tận những năm sau đổi mới. Ngày nay, hội được mở vào ngày 13 tháng Giêng âm lịch hàng năm.

2. Tiến trình của hội Lim:

Là lễ hội lớn của vùng Kinh Bắc, những hoạt động lễ và hội của hội Lim vô cùng phong phú, gần như hội tụ đủ những hoạt động văn hóa nghệ thuật và tín ngưỡng tâm linh của các lễ hội trên vùng quê Bắc Ninh.

Dưới thời Nguyễn, hội Lim đã định hình trong lòng hội hàng tổng ở Nội Duệ. Theo truyền thống, hội Lim gồm có 2 phần: phần đầu là lễ và phần sau là hội. So với các lễ hội khác, hội Lim mang nét đặc trưng riêng biệt, do là hội của 6 làng chung nhau nên đám rước sẽ diễu hành và thực hiện các nghi thức cúng tế Thành hoàng của tất cả các làng dọc theo dòng sông Tiêu Tương.

Không gian lễ hội lấy đồi Lim làm trung tâm, có chùa Lim – nơi thờ ông Hiếu Trung Hầu – người sáng lập tục hát quan họ, và diễn ra tại 3 địa phương bao quanh là: Xã Nội Duệ, xã Liên Bão và thị trấn Lim. Hội Lim thường được kéo dài trong khoảng từ 3 đến 4 ngày (từ ngày 12 đến 14 tháng Giêng âm lịch hàng năm), trong đó ngày 13 là chính hội với nhiều hoạt động bao gồm cả phần lễ và phần hội.


  2.1. Phần lễ: 

Vào ngày 13 tháng Giêng Âm lịch, Hội Lim được mở đầu bằng lễ rước. Đoàn rước với đông đảo người dân tham gia trong những bộ lễ phục truyền thống đầy màu sắc, vô cùng cầu kì và đẹp mắt. Không khí náo nức, vui tươi. Trong ngày lễ chính, có các nghi thức rước, tế lễ các thành hoàng các làng, các danh thần liệt nữ của quê hương tại đền Cổ Lũng, lăng Hồng Vân, lăng quận công Đỗ Nguyên Thụy, dâng hương cúng Phật, cúng bà mụ Ả ở chùa Hồng.

Lễ rước ở Hội Lim (Ảnh: vntrip.vn)

Trẻ em trong lễ rước ngựa ở hội Lim (Ảnh: Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch) 

Lễ Tế tại lăng ông Nguyễn Đình Diễn (Ảnh: vntrip.vn)

Bên cạnh đó cũng có nhiều tục trò dân gian nổi tiếng, trong đó nổi bật có tục hát thờ hậu. Khi đó, toàn thể quan viên, hương lão, nam đinh của các làng xã thuộc tổng Nội Duệ phải tề tựu đầy đủ tại lăng Hồng Vân để tế lễ hậu thần và trong khi tế có nghi thức hát quan họ thờ thần. Khi hát thờ, các liền anh, liền chị hát quan họ nam và nữ của tổng Nội Duệ phải đứng thành hàng trước cửa lăng rồi hát vọng vào bằng những giọng lề lối trang trọng để ca ngợi công lao của các thần.

  2.2. Phần hội:

Đến với Hội Lim, du khách sẽ được tham gia rất nhiều những trò chơi dân gian mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Các trò chơi diễn ra tại hội chính bao gồm: Đấu vật, đấu võ, thi cờ, nấu cơm, dệt cửi,…

Đấu vật tại hội Lim (Ảnh: Internet)

Cờ người tại hội Lim (Ảnh: Internet)

Chơi đu tại hội Lim (Ảnh: Tổng cục Du lịch)

Nhắc đến hội Lim và xứ Kinh Bắc, ta không thể không nhắc đến Dân ca Quan họ. Hát Quan họ diễn ra từ ngày 12 tháng Giêng tại Lim (sân chùa Hồng Vân và các trại Quan họ); cửa đình, cửa chùa Lũng Giang, Lũng Sơn, Duệ Đông (thị trấn Lim); Đình Cả, Lộ Bao, Duệ Khánh (Nội Duệ); Hoài Thượng, Hoài Trung, Hoài Thị (Liên Bão). Ở Hội Lim có sự hội tụ, giao thoa của rất nhiều làng quan họ cổ, nơi tái hiện một không gian văn hóa quan họ nguyên bản nhất, từ hát cửa đình, cửa chùa, hát tại gia đình nghệ nhân, hát tại lán, hát dưới thuyền… Tuy nhiên, sân khấu phổ biến nhất vẫn là đồi Lim và dòng sông Tiêu Tương. Suốt mấy ngày liền, sinh hoạt ca hát cuốn hút người quanh vùng đến xem, nghe và vui chơi. Trên chiếc thuyền hình rồng được sơn son thiếp vàng, một bên thuyền là các liền chị xúng xính trong những bộ áo mớ ba mớ bảy, khăn vuông mỏ quạ, khuyên vàng, xà tích, nón thúng quai thao…, các liền anh thì đứng hoặc ngồi sát hai phía đầu và cuối thuyền, chỉnh tề với áo lương, quần trắng, khăn nhiễu Tam Giang, tay cắp ô lục soạn. Từng đôi hát giao duyên với đủ các làn điệu Quan họ khác nhau, những canh Quan họ thâu đêm suốt sáng với những tâm tình được thể hiện bằng những lời đối đáp có vần có điệu, sâu lắng nồng nàn, đặc sắc thiết tha.

Hát Quan họ tại hội Lim (Ảnh: nguoiduatin.vn)

Phần đặc sắc nhất của hội Lim diễn ra vào tối ngày 12 – đêm hội hát thi Quan họ giữa các làng quan họ. Mỗi làng quan họ được dựng một trại tại phần sân rộng của đồi Lim. Ngoài sân khấu chính phía trên đồi Lim còn có các chòi quan họ của các làng quan họ đến giao lưu biểu diễn. Bên cạnh không khí nhộn nhịp bên ngoài, những canh hát tại gia xuyên đêm là nét văn hóa truyền thống của người quan họ. Khác với hát quan họ tại đình hoặc các lán trại thường có sự hỗ trợ của nhạc cụ thì hát canh tại gia hoàn toàn là hát mộc. Do đó, buổi hát canh sẽ nhẹ nhàng, gần gũi hơn và mang đậm giá trị truyền thống của quan họ cổ.

Liền anh hát đối đáp liền chị tại nhà nghệ nhân Hai Chiến (Ảnh: Đặng Thái Huyền)

Trong không gian tràn ngập những giai điệu dân ca ấy, người ta dường như cảm nhận được tình người thiết tha ở mảnh đất được coi là cội nguồn của văn hóa Bắc Bộ này. Về với hội Lim để cảm nhận một không gian lễ hội truyền thống của dân tộc, để thấy cái lòng của người dân nơi đây trong việc bảo tồn và phát triển những bản sắc lâu đời nhất. Từng câu ca quan họ đầy thi vị được cất lên không chỉ thể hiện tình cảm nam nữ, tình yêu của con người với vạn vật, yêu quê hương đất nước mà còn là khát khao mãnh liệt về một cuộc sống tươi đẹp và niềm tự hào về những truyền thống văn hóa ngàn đời của dân tộc.

Đến một lần rồi háo hức chờ đón lần sau, dường như, những câu ca Quan họ ở xứ Kinh Bắc huyền thoại đều ẩn chứa một sức mê hoặc lòng người. Những làn điệu Quan họ được truyền giữ từ bao đời, qua bao kỳ hội luôn làm say lòng người bởi vẻ mặn nồng, nghĩa tình, e ấp từ lời từ điệu và càng đằm thắm hơn qua chất giọng đặc trưng của liền anh, liền chị xứ này.

“Mấy khi khách đến chơi nhà,
Lấy than, quạt nước, tiễn trà người xơi.
Trà này ngon lắm người ơi,
Người xơi một chén cho tôi bằng lòng.”

Và đến lúc phải về, cuộc chia tay thật khó dứt, vì lời ca bao giờ cũng như níu chân khách lại:

“Người ơi, người ở đừng về…”

Từ bao đời nay, bên cạnh ý nghĩa biểu tượng về tinh thần văn hóa và tâm linh của người dân Bắc Bộ, hội Lim còn nhắc nhở những thế hệ sau này về việc phải ghi nhớ công lao của những người đi trước và luôn trân trọng bảo tồn nét đẹp truyền thống của dân tộc. Trải bao thăng trầm của lịch sử, những truyền thống ấy ngày nay đã khẳng định được giá trị của mình và được ghi nhận trên bình diện quốc tế, Hội Lim đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể, là tài sản nghệ thuật đầy sức hút của đất nước Việt Nam.

Hội Lim như hồn nước gọi ta về, âm vang mãi lời của núi sông đằm thắm, đầy xao xuyến, nhớ mong và cũng vô cùng nồng nàn, dịu ngọt. Đến ngày 13 tháng Giêng người người vẫn đổ về nơi đây để đợi một hội Lim, đợi một sắc màu dân tộc sẽ mãi trường tồn nơi tâm hồn của mọi thế hệ người dân đất Việt.

“Mùa xuân nay lại về tìm,
Bắc Ninh quan họ hội Lim quê nhà.
Tiên Du làn điệu dân ca,
Tháng giêng mở hội mười ba chính ngày.”

Ngọc Quỳnh

Nguồn tham khảo:

1. Nguồn gốc và Ý nghĩa Ngày Hội Lim 13 – 1 Âm lịch ở Bắc Ninh – Cẩm Nang Cuộc Sống
2. Khổng Đức Thiêm (2016) – Hội Lim- Hồn nước gọi ta về – Nghiên Cứu Lịch Sử
3. Nguyễn Thị Minh Hằng (2017) – Bảo tồn và phát huy giá trị của lễ hội Lim ở Bắc Ninh hiện nay (Luận văn Thạc sĩ Triết học)
4. Hội Lim – Wikipedia tiếng Việt

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật