GIỚI THIỆU VỀ CẢI LƯƠNG
NGUỒN GỐC – LỊCH SỬ
1. Hình thành
Thời điểm ra đời của bộ môn nghệ thuật sân khấu Cải Lương còn gây tranh cãi và còn nhiều bỏ ngỏ. Tuy nhiên, theo phần đông đa số giới nghiên cứu học thuật và nghệ sĩ thì Cải Lương ra đời vào năm 1918, hoặc có thể tạm chấp nhận một khoảng thời gian chung rằng Cải Lương được xuất hiện vào khoảng cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20.
Cải Lương được cho là có nguồn gốc từ dân ca và nhã nhạc cung đình, dần dần được cải biên theo đờn ca tài tử và hình thành lối ca ra bộ, tiền thân của Cải Lương.
Nhạc cung đình và nhạc tế lễ: Cải Lương là một loại hình nghệ thuật đàn hát bắt nguồn từ cơ sở là những bài dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và nhạc tế lễ thường được biểu diễn trong cung đình ở miền Trung. Do bị đày đoạ vào Nam khai khẩn đất hoang hay theo phong trào Cần Vương, nhiều nghệ sĩ nhã nhạc cung đình Huế đã phải rời quê nhà để định cư ở miền Nam, mang theo nỗi buồn tha hương sâu sắc. Không được tiếp tục biểu diễn cho vua chúa, họ quay sang thành lập những nhóm hát phục vụ nhân dân trong các dịp tế lễ, ma chay. Qua nhiều năm, nhạc lễ được biến hóa nhiều hơn, kết hợp với các làn điệu dân ca miền Nam và gần như thoát ly khỏi các âm luật của nhạc lễ cung đình. Khi sinh hoạt âm nhạc này càng được phổ biến rộng rãi, nhạc lễ dần thay đổi đối tượng sang quần chúng lao động và con người bình dân để phù hợp với nhu cầu nhân dân miền Nam. Từ đó, nghệ thuật Đờn ca tài tử đã ra đời.
Đờn ca tài tử: Đờn ca tài tử là loại hình nghệ thuật giản dị phục vụ cho người Nam Bộ bình dân. Âm luật không hề phức tạp mà mang tính thư giãn. Vào khoảng cuối thế kỷ 19 đến đầu thế kỷ 20, các nhóm đờn ca được thành lập để tiêu khiển, phục vụ trong các buổi lễ tại tư gia, như đám tang, lễ giỗ, đám cưới,… nhưng chưa biểu diễn trên sân khấu hay trước công chúng.
Một ban nhạc Đờn ca tài tử Sài Gòn năm 1911 (Ảnh: Wikipedia Tiếng Việt)
Ca ra bộ: Để một loại hình nghệ thuật ra đời và trở thành một bộ môn nghệ thuật phát triển rộng lớn cần có 4 yếu tố: có tác phẩm, có lực lượng biểu diễn, có phong cách riêng và các tổ chức sinh hoạt. Đờn ca tài tử Nam Bộ dần hội tụ đủ 4 yếu tố này và thêm vào đó là nhu cầu rất cao của người dân trong việc thưởng thức một loại hình âm nhạc phù hợp với bản tính, cuộc sống phóng khoáng của mình. Đờn ca tài tử ban đầu chỉ là những buổi gặp gỡ, tụ họp mang tính chất nhỏ và gần như không có sự di chuyển. Dần dần để minh họa sắc nét hơn, phong phú hơn các biểu cảm nhằm phản ánh được thực tế, hay nội dung tưởng tượng, đờn ca tài tử đã có bước chuyển mình sang sân khấu biểu diễn để đáp ứng những thay đổi về nhu cầu thẩm mỹ và giải trí của người dân miền Nam.
Và khi lên sân khấu rộng lớn, trung tâm sân khấu lúc này lại là các nghệ sĩ biểu diễn nên cần phải có những động tác và di chuyển để không khiến sân khấu bị đơ và trống vắng. Từ đây, hình thành loại hình nghệ thuật Ca Ra Bộ, tức là ca hát và có diễn tả ra điệu bộ. Chính là nguồn gốc loại hình nghệ thuật biểu diễn Cải Lương để phân biệt với phong cách Đờn ca tài tử.
Ca ra bộ vở “Lục Vân Tiên”
Hình thành cải lương: Vào năm 1918, theo Vương Hồng Sến, toàn quyền Đông Dương Albert Sarraut cho phép mở gánh hát có bán vé và diễn ở các rạp hát lớn ở miền Nam. Nhân cơ hội đó, ông Andre Thận và Châu Văn Tú đã đưa Cải Lương lên sân khấu với vở Gia Long tẩu quốc diễn ở Rạp hát Tây Sài Gòn.
2. Phát triển và Hưng thịnh
Tại miền Nam Việt Nam, thập niên 1960 là thời kỳ hưng thịnh nhất của Cải Lương miền Nam. Các sân khấu Cải Lương được đông khán giả đến xem hàng ngày, nên ngày nào cũng có diễn xuất, nhờ đó, các soạn giả và nghệ sĩ có cuộc sống khá sung túc. Thời bấy giờ, Cải Lương phát triển đến mức một số ca sĩ tân nhạc tìm cách chuyển nghề sang hát Cải Lương để tìm kiếm thành công. Một số gánh hát Cải Lương nổi tiếng có thể kể đến như: Đoàn Thanh Minh – Thanh Nga, Thống Nhất, Tiếng Chuông Vàng,…
Đoàn cải lương Thanh Minh – Thanh Nga (Ảnh: Báo Thanh Niên)
Một số nghệ sĩ nổi tiếng: Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường, Tấn Tài, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Thanh Nga, Lệ Thủy,…
4. Thoái trào
Vào cuối những năm 1980, Cải Lương bắt đầu tuột dốc. Các rạp hát thưa dần suất diễn. Khán giả đến rạp hát để xem cải lương cũng thưa dần, nhất là đối với khán giả trẻ. Các đoàn Cải Lương phải đi lưu diễn ở các vùng sâu, vùng xa để tìm khán giả.
Về nguyên nhân dẫn đến sự thoái trào của Cải Lương, soạn giả Huỳnh Anh lý giải: “Cuối thập niên 1980, những năm đầu thập niên 1990, đất nước bắt đầu mở cửa. Cùng với sự mở cửa hội nhập của đất nước là các loại hình văn hóa khác du nhập vào Việt Nam, nhất là phim ảnh, thu hút được nhiều khán giả, nhất là đối với giới trẻ. Vì vậy, sân khấu không còn là phương tiện giải trí duy nhất đối với công chúng”.
Nguồn tham khảo
1. Wikipedia tiếng Việt – Cải Lương
2. Nguyên Chương – Cải Lương từ hưng thịnh đến thoái trào – Báo Ấp Bắc điện tử
3. Quân Nguyễn – Nguồn gốc ra đời của Cải Lương –
TÍNH CHẤT KỊCH BẢN
Cải Lương có một đặc điểm nổi bật được xem là “loại hình nghệ thuật tình cảm”. Kịch bản Cải Lương thường có cốt truyện xúc động, nhưng vẫn có những vở Cải Lương mang ý nghĩa phản ánh hiện thực xã hội. Tác phẩm Cải Lương thường được xây dựng trên những xúc cảm cơ bản như: bi, hài, anh hùng ca và trữ tình.
1. Chất anh hùng ca:
Xúc cảm anh hùng ca thường xuất hiện trong những vở Cải Lương cách mạng. Chất anh hùng ca có từ truyền thống, qua những vở tuồng cổ Cải Lương từ năm 1921. Đến Cải Lương cách mạng, kháng chiến, chất anh hùng ca phát huy trọn vẹn.
Lớp diễn “Phàn Định Công đề cờ” trong vở “San Hậu” do nghệ sĩ Hoàng Hải diễn (Ảnh: tourismcantho.vn)
2. Tính bi
Xúc cảm bi được xem là cảm xúc chủ đạo trong các vở Cải Lương, hướng khán giả xúc động với những câu chuyện tình nhân thế. Tử biệt là nút thắt trong câu chuyện và mọi xung đột mâu thuẫn trong câu chuyện tình cảm đều khiến người xem xúc động. Ví dụ như cảnh Thúy Kiều gặp Từ Hải trong vở Cải Lương “Thúy Kiều”. Từ Hải là con người lý tưởng, chỗ dựa cho thân phận hẩm hiu của Kiều, nhưng cuối cùng lại chết vì tình yêu. Rất nhiều vở tuồng kinh điển của Cải Lương dùng tử biệt để đẩy xung đột kịch lên đển đỉnh điểm, như cái chết của Thi Sách trong “Tiếng trống Mê Linh” đã khiến Trưng Trắc đứng lên khởi nghĩa trả thù cho chồng.
Tuy kịch bản Cải Lương chứa đựng cả hai xúc cảm bi và hài, nhưng cảm xúc bi trong kịch bản Cải Lương không phải là những bi kịch không lối thoát. Con người vượt qua cái bi như vượt qua số phận, vượt qua những khó khăn của cuộc đời để hướng đến hạnh phúc. Những nhân vật trên sân khấu Cải Lương chính là những con người mang tính cách rất Nam Bộ – mạnh mẽ, sẵn sàng đối đầu với khó khăn để mưu cầu hạnh phúc. Niềm vui sum họp luôn là kết cục của những vở Cải Lương, phù hợp với văn hóa truyền thống Việt Nam.
Nỗi đau của người mẹ khi con hy sinh trong trích đoạn Cải Lương “Hoa đất” do nghệ sĩ Hồng Thủy diễn (Ảnh: tourismcantho.vn)
3. Tính khôi hài
Nếu như cảm xúc bi trong Cải Lương được tác giả tập trung khai thác ở diễn xuất, tình tiết, âm nhạc, lời ca, thì cảm xúc hài lại tập trung trong lối diễn xuất của diễn viên có tính ngoại hình nhiều hơn là nội tâm nhân vật. Nhân vật hài xuất hiện nhằm làm giảm tính bi lụy của cảnh diễn hay tiết chế tính xung đột của hành động kịch. Cái hài trong Cải Lương là sự điểm xuyết vào chuỗi bi lụy kéo dài. Kịch bản Cải Lương là sự sắp xếp hợp lý các hành động kịch mang cảm xúc bi và hài xen lẫn.
Để tạo tiếng cười trong các vai hài, diễn viên có hai thủ pháp cơ bản. Một là diễn ngoại hình có tính cách điệu, gây cười. Hai là diễn tả bằng ngôn ngữ mô tả động tác, kết hợp với ngôn ngữ văn học, là những tiếng cười có ý nghĩa xã hội.
4. Tính trữ tình
Tính trữ tình của nghệ thuật Cải Lương thể hiện qua nội dung tác phẩm thường đậm tính văn học kịch. Nội dung văn học kịch sân khấu Cải Lương phong phú về đề tài, phổ biến là các câu chuyện kể dân gian, truyền thuyết, lịch sử,… hoặc có thể là những câu chuyện cổ có nội dung xã hội, gắn liền với đời sống tinh thần của con người. Văn học kịch Cải Lương phản ánh hiện thực xã hội từ cổ xưa đến đương đại và tất nhiên không thể thiếu những câu chuyện về tình thân, tình yêu, tình bạn,… được sử dụng như chất liệu chính. Vì vậy, chất trữ tình của Cải Lương thường được thể hiện qua cốt truyện.
SÂN KHẤU VÀ ĐẠO CỤ
Khác với sân khấu hát bội mang tính hình thức, không gian và thời gian của vở tuồng được khán giả hình dung qua lời thoại và điệu bộ của người diễn viên. Cải Lương thiên về tả thực, vì lẽ đó sân khấu là sự tái hiện cảnh thật, thiết kế sân khấu và đạo cụ mang ý nghĩa của cái đẹp thật trong chiều kích thẩm mỹ nghệ thuật.
Về thiết kế sân khấu Cải Lương thường phân thành hai công đoạn: thứ nhất vẽ phông màn, thứ hai là bài trí sân khấu. Hai công đoạn này đều phải tuân thủ nguyên tắc tả thực của sân khấu. Nếu là một gian phòng thì có cửa ra vào, cửa sổ đóng mở được, có giường bàn tủ như thật. Nếu là núi rừng thì có cây cối đất đá. Nếu là đêm trăng thì có ánh trăng trên trời, vì sao lấp lánh, mây bay lơ lửng.
Tái hiện căn phòng trên sân khấu cải lương (Ảnh: rfa.org)
Khác với đạo cụ trên sân khấu, hát bội hoàn toàn mang tính chất ước lệ. Trong các vở hát bội, nhân vật đi đường trường thường dùng ngựa, nhưng sẽ không có con ngựa nào được đưa lên sân khấu, mà chỉ có chiếc roi ngựa do người diễn viên cầm trong tay, vừa tượng trưng cho con ngựa, vừa tượng trưng cho việc đi ngựa. Đạo cụ của sân khấu Cải Lương mang tính hiện thực, nhằm tái hiện sinh động những cảnh vật thật, những con người thật. Có thể nói, cách thiết kế sân khấu và đạo cụ của sân khấu Cải Lương nhằm mang đến cho khán giả cảm giác chứng kiến cảnh thật một cách sống động và tinh tế.
Sân khấu Cải Lương (Ảnh: cailuongvietnam.vn)
Nguồn tham khảo:
1. Nguyễn Thị Trúc Bạch – Đặc tính tổng hợp trong cấu trúc nghệ thuật Cải Lương Nam Bộ – Tạp chí Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh
2. Nguyễn Thị Thùy (2009) – Nghệ thuật biểu diễn Cải Lương – NXB Sân khấu
ÂM NHẠC
Âm nhạc Cải Lương chịu ảnh hưởng của hai nền nhạc lớn đã có từ thời cổ và tồn tại đến bây giờ, đó là nền ca hát dân gian và nền nhạc khí dân gian. Hai nền nhạc này tạo cho cải lương một phong cách đặc biệt, do đó trong âm nhạc Cải Lương, yếu tố ca hát và yếu tố nhạc khí cùng thúc đẩy nhau phát triển và tạo ra một hình thức đối lập trong nhiều bè, mở đường cho tính chất sân khấu của Cải Lương.
Sân khấu Cải Lương sử dụng cái vốn dân ca nhạc cổ rất phong phú của Nam Bộ. Nó cũng gồm một số điệu ca vốn là nhạc Trung Hoa nhưng đã được Việt Nam hóa. Ngoài trừ bản vọng cổ, dưới đây là một số bài bản được sử dụng khá phổ biến trong các vở Cải Lương:
1. Ca Bắc:
Thường là văn vần, diễn trong tình tiết vui, ca Bắc được dùng để tả cảnh vật, bày tỏ cái chí khí của đấng nam nhi, cái tiết tháo của kẻ sĩ, hoặc nói lên cái chí hướng của mình. Đôi khi ca Bắc cũng dùng tả cảnh sinh ly tử biệt, nhưng đượm vẻ hào hùng.
2. Ca Nam:
Ca Nam là giọng buồn thảm nhất trong các điệu Cải Lương. Ca Nam thường dùng văn vần để có thanh bằng trắc, giọng trầm bổng thì ca mới nghe được. Tùy theo mức độ bi ai, điệu ca này chia làm 5 loại:
– Nam xuân có 8 lớp, mỗi lớp gieo một vần cho cả 8 câu. Giọng Nam xuân buồn nhẹ, dịu hòa.
– Nam ai gồm 14 lớp, mỗi lớp có 8 câu và gieo một vần, ca nhịp lơi nên giọng buồn thảm thê lương nhất.
– Nam bình, còn gọi là Trường tương tư, chữ cuối câu gieo một vần và đều thanh bằng, giọng buồn miên man. Điệu ca này gốc ở miền Trung, mới gia nhập vào Cải Lương khoảng đầu thập niên 1930.
– Nam chạy trong Cải Lương cũng giống như Nam tẩu trong trong hát bội, dùng khi bị rượt đuổi, vừa chạy vừa ca nhịp thúc để phù hợp với điệu bộ chạy giặc. Bài Nam chạy cũng gồm nhiều lớp, mỗi lớp có 8 câu, và thường xen nói lối giữa hai lớp.
– Nam Đảo ngũ cung là bài Nam gồm 8 lớp, mỗi lớp có tám câu một vần. Và thường mang thanh trắc, nghe chói tai xóc dựng, tạo âm điệu độc đáo trong cổ nhạc Việt Nam.
Điệu Nam Xuân
Điệu Nam Ai
Điệu Nam Bình
3. Ca Bắc biến thể giọng Nam: Gồm 3 điệu:
– Hành vân hơi Nam: nguyên Hành vân là bản ca Bắc, được biến thể chuyển qua ca Nam, nhịp lơi và ngân nga, để diễn tả tâm sự buồn của nhân vật.
– Chuồn chuồn hơi Nam: nguyên Chuồn chuồn là bản ca Bắc, được biến thể chuyển qua ca Nam và vô Vọng cổ khi vai tuồng diễn cảnh gặp cơn hoạn nạn.
– Vọng cổ cũng là bản Bắc chuyển sang giọng Nam, nhưng là một điệu ca quan trọng nên có chỗ đứng riêng.
4. Nói lối:
Nói lối trong Cải Lương thường là những câu văn vần, mỗi câu từ 4 đến 9 chữ, có thể dài hơn, đôi khi có văn xuôi, và chia làm ba loại:
– Lối Bắc, nói chậm từng tiếng, rõ ràng và nghiêm trang, không có đàn đưa hơi. Diễn viên nói lối Bắc xong, thì tiếp đến ca Bắc.
– Lối Ai (tức lối Nam), nói chậm, giọng buồn não ruột, có đàn đưa hơi qua bản Xuân Nữ; và xong lối Ai thì tiếp đến ca Nam.
– Lối dặm, khi diễn viên ca vọng cổ, vừa dứt một câu, đờn nổi lên, trong thời gian chờ diễn viên ca tiếp, nhân vật đối thoại xen vào câu Lối dặm, không nhất thiết là phải văn vần để tránh khoảng trống. Vậy Lối dặm phải gọn, không được dài dòng, làm loãng bài Vọng cổ.
5. Nói thường: Dùng để xen giữa các câu nói lối, nên diễn viên phát ngôn bình thường, tự nhiên như kịch nói.
6. Oán:
Giọng oán thể hiện nỗi đau khổ buồn giận, nhưng mang tính bi hùng, chứ không ủy mị thê lương. Tuy là vậy, các tính chất trên cũng gia giảm tùy theo từng bài. Có bốn bài oán chính:
– Tứ Đại Oán (trong tuồng Vì Nghĩa Liều Mình),
– Giang Nam (thích hợp cho những tuồng có nhân vật nữ trong cô phòng, than thân tủi phận),
– Phụng Cầu (trong tuồng Lưu Kim Đính Giải Giá Thọ Châu),
– Phụng Hoàng (tính chất oán nhẹ nhàng hơn các bản khác);
Và bốn bài oán phụ: Văn Thiên Tường (ca trong lúc vợ chồng quyến luyến trước cảnh chia ly), Bình Sa Lạc Nhạn, Bộc Thủy Ly Tao, Thanh Dạ Đề Quyên.
Tứ đại oán
Giang Nam
Phụng Cầu
Phụng Hoàng
7. Bình: Bài Bình bằng thơ lục bát và nói rõ ràng từng câu, từng điệu. Bình cũng gần như Bạch trong hát bội, nhưng Bạch nói lên cái chí hướng của nhân vật, còn Bình tả cái gia cảnh của vai tuồng.
8. Ngâm: Cải Lương và hát bội đều có ngâm, tức là đọc thong thả bài thơ với giọng tha thiết diễn cảm qua âm điệu trầm bổng ngân dài, nhưng không theo khuôn nhịp cố định. Ngâm trong Cải Lương thường là là thể thất ngôn tứ tuyệt, thơ tám chữ bốn câu, cũng có thể dùng lục bát hay song thất lục bát.
9. Nói thơ: tức là không ngâm mà chỉ đọc thơ với giọng rõ ràng, thong thả.
10. Thán: Điệu thán trong Cải Lương được viết theo thể thơ thất ngôn tứ tuyệt, có đờn đệm đưa hơi, với giọng não nề; chẳng hạn như than khóc người thân lìa đời.
11. Lý: Lý là điệu hát ngắn, gọn, tính nhạc phong phú, rất phổ biến trong dân gian. Cải Lương thường dùng các điệu Lý sau đây:
– Lý giao duyên: dành cho đào hát trong lúc cô đơn, khi trông nhớ chồng, con đi xa lâu về.
– Lý Ngựa ô: căn cứ vào nguồn gốc có hai loại: điệu Lý Bắc hát nhanh nhịp 1, điệu Lý Nam hát chậm và nhịp tư lơi.
– Lý Huế cũng hát chậm với nhịp tư lơi và giọng dịu dàng.
– Lý con sáo tức Lý Tam thất, có hơi ca Nam.
– Lý thập tình.
– Lý chuồn chuồn.
Lý Ngựa Ô
Lý Con sáo
Lý Giao duyên
12. Hò: Hò là điệu hát dân gian có giọng cất cao, to và dài hơi, đồng ca trong khi làm việc cho quên mệt nhọc, hay để hợp sức cùng làm một việc gì. Trong Cải Lương thường thấy hò cấy lúa, hò chèo ghe, hò đưa đò,…
Nguồn tham khảo:
1. Đào Đức Chương – Sơ lược về hát Cải Lương – Tập San Việt Học
2. Đắc Nhẫn (1987) – Tìm hiểu âm nhạc Cải Lương – NXB TP. Hồ Chí Minh
3. Phật giáo Bạc Liêu – Đặc điểm của sân khấu Cải Lương
BIỂU DIỄN
1. Diễn xuất
Người diễn viên Cải Lương, thường như cần phải hội đủ bốn yếu tố “thanh, sắc, tài, duyên”. “Thanh, sắc” tức là sở hữu một chất giọng hay, người đẹp; “tài, duyên” mang ý nghĩa diễn xuất phải có thu hút được khán giả. Đối với Tuồng, Chèo, hành động của nhân vật được chi phối rất nhiều bởi các thủ pháp ước lệ và cách điệu. Trong khi đó, ở Cải Lương, diễn viên diễn xuất một cách tự nhiên, nhất là khi diễn về đề tài xã hội, diễn viên diễn xuất như kịch nói. Tuy nhiên, khác với kịch nói, diễn viên phải có cử chỉ, điệu bộ uyển chuyển, mềm mại theo lời ca. Song, những điệu bộ này không cường điệu như hát bội.
Một đoạn cắt trong vở Cải Lương xã hội “Làm dâu nhà giàu”
Trong khi giọng kể của Tuồng mang tính sử thi, nghiêm trang và hào hùng, giọng kể của Chèo thường là ngôn ngữ dân gian xen kẽ bác học, thì giọng kể của Cải Lương mang tính chất thương cảm, mượt mà, giàu tính chất trữ tình. Người nghệ sĩ biểu diễn Cải Lương đã biết xây dựng cho mình một hệ thống kí hiệu của những động tác diễn xuất. Đó là những động tác mô tả nhân vật, thể hiện mọi trạng thái tâm lí, tình cảm của nhân vật, kể cả động tác vũ đạo cá nhân và tập thể:
– Khi vui: Nét mặt hân hoan, hai mắt sáng long lanh, giọng cười giòn giã
– Khi buồn: Nước mắt rưng rưng, dáng vẻ thẫn thờ
– Khi tức giận: Lời nói và điệu bộ căng thẳng, động tác vùng vằng
– Khi sợ: Cúi rạp mình, mắt đảo liên láo, mặt biến sắc, bước đi nhẹ, lấm lét.
– Khi ghen ghét: Chau mày, nghiến răng, mặt hầm hầm, tay run lên
– Khi yêu thương: Lời nói âu yếm, cử chỉ nhẹ nhàng, biểu hiện sự quấn quýt
2. Vũ đạo
Tính ước lệ trong vũ đạo Cải Lương thừa hưởng, tiếp thu từ những loại hình nghệ thuật sân khấu khác, chủ yếu nhất là hát Bội. Đặc trưng của hát Bội chính là sự cường điệu hóa trong các động tác vũ đạo. Tuy nhiên, khi đưa vào Cải Lương, các vũ đạo này đã được tiết chế, Cải tiến để các động tác mềm mại, nhẹ nhàng hơn để phù hợp với cái chất trữ tình, lãng mạn của Cải Lương.
Video: Đoạn cắt nàng hậu Phi Dao tự tử trong vở Cải Lương “Xử án Phi Giao”
Nếu như hát Bội có xuất phát điểm mang tính phủ rộng về địa lý khắp cả nước thì Cải Lương lại có xuất phát điểm và phát triển mạnh ở khu vực miền Nam. Các động tác vũ đạo trong hát Bội thì cả Bắc, Trung, Nam đều thống nhất (cũng có chút ít khác biệt nhỏ). Tuy nhiên, Cải Lương miền Nam lại chịu ảnh hưởng sâu sắc của vũ đạo trong Tuồng, còn Cải lương miền Bắc lại gần như không chú trọng vũ đạo vì hiếm khi diễn tuồng cổ, phần lớn chỉ diễn các tuồng cách mạng nên các động tác ước lệ, cường điệu không được sử dụng nhiều.
Ngày nay với sự phát triển mạnh mẽ về kỹ thuật dàn dựng, âm thanh, ánh sáng sân khấu, cho phép vũ đạo của Cải Lương được thỏa sức sáng tạo. Một trong những đổi mới dễ dàng nhìn thấy nhất chính là Cải Lương đã kết hợp những bài múa minh họa mang hơi hướng tân thời hơn. Tuy nhiên, điều này đã gây ra một số tranh cãi.
Về ưu điểm, việc kết hợp những bài múa minh họa mang tính tân thời sẽ khiến sân khấu bớt trống hơn, những phân cảnh cần sự hoành tráng, đông đúc, lộng lẫy cũng sẽ dễ dàng tạo hiệu ứng tốt hơn khi có các vũ đoàn xung quanh. Nhưng nhược điểm là nếu bài múa được biên đạo không phù hợp với nội dung, tâm lý nhân vật cũng như không khí sân khấu sẽ dẫn đến sự gượng ép, làm giảm sức hấp dẫn của màn biểu diễn. Bởi phần lớn khán giả đến với Cải Lương vì muốn nghe hát, nghe cách xử lý nhấn nhá của giọng ca, vì thế, vũ đạo chỉ nên được sử dụng như một yếu tố phụ, đặc biệt là vũ đạo tân thời.
Nguồn tham khảo:
1. Quân Nguyễn – Vũ đạo trong nghệ thuật sân khấu Cải Lương – adammuzic.vn
2. Nguyễn Thị Trúc Bạch – Đặc tính tổng hợp trong cấu trúc nghệ thuật Cải Lương Nam Bộ – Tạp chí Khoa học Xã hội TP. Hồ Chí Minh
3. Nguyễn Thị Thùy (2009) – Nghệ thuật biểu diễn Cải Lương – NXB Sân khấu
TRANG PHỤC
Trong các vở về đề tài xã hội, diễn viên ăn mặc như nhân vật ngoài đời. Diễn viên thường mặc những trang phục truyền thống tùy vào bối cảnh của vở đó (áo dài, áo bà ba,…). Trong các vở diễn về đề tài lịch sử dân tộc, về các truyện cũ của Trung Quốc, phóng tác từ những câu chuyện, hay các vở kịch từ nước ngoài thì y phục của diễn viên cũng được chọn lựa để gợi ra xuất xứ của cốt truyện và của nhân vật, nhưng cũng chỉ mang tính ước lệ chứ chưa đúng với hiện thực.
Với đặc thù riêng của sân khấu cải lương là các vở diễn thường về đêm, nên người nghệ sĩ khi lên sân khấu phải rất lộng lẫy từ điểm trang đến xiêm y, đặc biệt là các vai vua chúa, cung tần phi tử. Do đó, phục trang phải kết rất nhiều cườm, kim sa, châu ngọc, lông vũ nhằm thu hút ánh nhìn của khán giả.
NS Bảo Ly đã tâm sự: muốn có bộ trang phục đẹp, người thợ phải có sự phối hợp giữa nhiều yếu tố. Quan trọng nhất là phải giữ được tính đặc trưng, tránh bị nhầm lẫn giữa Cải Lương, hát Hồ Quảng hay hát bội. “Chẳng hạn, mão cửu long của vua Việt Nam có thêu chín con rồng, còn mão vua của Trung Hoa thì có chi tiết chín xâu chuỗi ngọc treo rủ trên đỉnh mão. Hay áo của quan văn Việt Nam thì ống tay nhỏ, có bâu cổ đứng, còn ở Trung Hoa, áo của quan văn có ống tay rộng và không có bâu cổ.”
Trang phục hoàng hậu trong vở “Xử án Phi Giao” (Ảnh: Tiền Phong)
Trang phục của Kim Trọng – Thúy Kiều trong vở “Kim Vân Kiều”
Nguồn tham khảo:
1. Đặc tính thẩm mỹ của nghệ thuật Cải Lương Nam Bộ
2. Trúc Phương (2019) – Những người may áo “giữ hồn” Cải Lương– Báo Pháp luật TPHCM
DÀN NHẠC CẢI LƯƠNG
Một đoàn Cải Lương không chỉ có các diễn viên diễn xuất trên sân khấu, mà luôn luôn phải có dàn nhạc đi kèm. Vì thế, khi trình bày về âm nhạc trong nghệ thuật Cải Lương, chúng ta phải nhắc tới dàn nhạc. Dàn nhạc Cải Lương có một vai trò đặc biệt: không có dàn nhạc thì không thể thành một tuồng diễn. Dàn nhạc trong Cải Lương không chỉ có nhiệm vụ nâng đỡ, phụ họa cho giọng hát, mà còn tô điểm thêm cho từng giai điệu để làm nổi bật chiều sâu tâm lý của nhân vật, tạo thêm kịch tính cho kịch bản, góp phần cho sự thành công của tuồng diễn.
Một dàn nhạc Cải Lương (Ảnh: Báo Mới)
1. Dàn nhạc cổ
Dàn nhạc cổ luôn giữ vai trò chủ chốt và được cho là linh hồn của tuồng Cải Lương. Dàn nhạc cổ cũng mang đậm nét truyền thống và góp phần giữ gìn bản sắc dân tộc trong nghệ thuật Cải Lương. Một số nhạc cụ hay dùng trong dàn nhạc cổ Cải Lương bao gồm:
Đàn kìm (đàn nguyệt): có 2 dây tơ, 8 phím. Nghệ nhân đàn kìm thường ngồi trông ngay ra sân khấu, giữ nhịp song lang và là người điều khiển dàn nhạc. Đàn kìm hòa cùng đàn tranh tạo âm hưởng rất hay. Tùy theo làn hơi cao hay thấp của người diễn viên, đàn kìm có thể đàn 5 dây hò.
Song loan: Song Loan hay còn gọi là Song Lang. Là một nhạc cụ gõ, có hình dáng đơn giản và nhỏ bé nhất trong các loại nhạc cụ xưa. Song loan khi gõ lên tạo tiếng “Cách!” hoặc “Cốp!” thanh thuý, vừa cao, vừa vang xa rõ ràng một cách tự nhiên, nên được dùng để bắt nhịp, giữ nhịp và báo hiệu kết thúc giai điệu. Nói cho vui thì Song Loan giống như 1 cái metronome Á Đông vậy. Chính vì giữ vai trò giữ nhịp nên tuy nhỏ bé những không thể thiếu và đòi hỏi người giữ Song Loan phải toàn tâm toàn ý cho màn trình diễn. Trước năm 1975, thầy chơi đàn Nguyệt sẽ đánh song loan, sau 1975, nhạc công chính – thầy chơi guitar lõm lại thường được giao trọng trách này.
Đàn tranh (đàn thập lục): có 16 dây kim khí với 3 khoảng âm: thượng, trung, hạ và tiếng song thinh (đánh hợp âm 2 nốt cách nhau một quãng tám) nghe êm dịu. Âm sắc Đàn Tranh trong trẻo, sáng sủa thể hiện tốt các điệu nhạc vui tươi, trong sáng. Đàn Tranh ít thích hợp với những tính cách trầm hùng, khoẻ mạnh. Tầm âm Đàn Tranh rộng 3 quãng 8, từ Đô lên Đô 3.
Đàn cò (đàn nhị): loại đàn dây kéo, có 2 dây tơ và một vĩ kéo, thường được ví với violin của phương Tây. Âm vực khoảng 3 quãng tám. Âm lượng có thể điều chỉnh bằng cách dùng đầu gối bịt một phần ở miệng bát nhị (khi ngồi ghế cao) hay dùng ngón cái bàn chân tác động lên đầu bịt da rắn của bát nhị (khi ngồi dưới chiếu). Âm sắc có tính linh hoạt để lột tả nhiều tâm trạng, và mượt mà như một chất keo kết dính cho cả dàn nhạc.
Đàn sến: đàn gảy, có 2 dây tơ, ít nhấn; dùng riêng cho dàn nhạc Cải Lương. Âm thanh trong trẻo, tươi sáng gần giống đàn Nguyệt nhưng ít vang hơn.
Sáo hoặc tiêu: sử dụng trong Cải Lương với một bậc hò.
Cây củn (quản): dùng trong Cải Lương hát giọng Hồ Quảng.
2. Dàn nhạc tân
Dàn nhạc tân tuy chỉ đóng vai phụ, nhưng cũng rất tích cực, đồng thời cũng rất đa dạng về nhạc cụ. Như phần trên đã trình bày, ngay từ lúc Cải Lương được hình thành, thì đã có sự góp mặt của dàn nhạc tân, quá trình phát triển của dàn nhạc tân được chia thành ba giai đoạn.
Ở giai đoạn đầu, dàn nhạc tân không tham gia vở diễn mà chỉ đóng vai trò như một tiết mục quảng cáo, tức là biểu diễn trước lúc tuồng Cải Lương được bắt đầu; hoặc chỉ được sử dụng khi chuyển màn, chuyển cảnh… Trong giai đoạn này, cấu trúc của dàn nhạc tân chỉ có bộ hơi (các loại kèn đồng) kèm với một dàn trống jazz.
Ở giai đoạn thứ hai, khi nghệ thuật Cải Lương dung nạp thêm một số bài tân nhạc, thì dàn nhạc tân cũng bắt đầu được tham gia vở diễn. Nhưng sự tham gia này còn rất hạn chế, chỉ đệm cho diễn viên hát những đoạn tân nhạc. Đến lúc này thì dàn nhạc tân có thêm hai cây guitar solo và guitar bass.
Ở giai đoạn thứ ba thì dàn nhạc tân coi như có vai trò ngang hàng với dàn nhạc cổ trong vở diễn. Ngoài chức năng đệm cho tân nhạc, dàn nhạc tân còn phụ họa, điểm xuyết cho những vai diễn. Lúc này, dàn nhạc tân dung nạp thêm cây piano và cây organ.
Nguồn tham khảo:
1. Quân Nguyễn – Dàn khí nhạc trong Cải Lương
2. Trần Lê Túy-Phượng – NHẠC CỤ CỔ TRUYỀN VN – SONG LOAN/SONG LANG
3. Đỗ Dũng – Vì sao gọi Song Loan là “TỔ” ?
4. Trần Lê Túy-Phượng – NHẠC CỤ CỔ TRUYỀN VN – ĐÀN TRANH/THẬP LỤC
5. Quân Nguyễn – Đàn nhị – đàn cò, xứng danh violin của phương nam
6. Võ Thanh Tùng – Ðàn Sến