Giới thiệu về Chầu Văn

GIỚI THIỆU NGẮN VỀ CHẦU VĂN

HÁT VĂN LÀ GÌ?

Hát Văn là một hình thức sinh hoạt âm nhạc đặc biệt có mối liên hệ chặt chẽ với tín ngưỡng Tam Tứ Phủ – một tín ngưỡng có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt. Điều đáng chú ý nữa là , trong nghi thức sinh hoạt và thực hành của tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, qua thời gian đã hình thành và thu hút nhiều hình thức sinh hoạt nghệ thuật dân gian như mĩ thuật, múa, âm nhạc, v.v.. Đặc biệt về mặt âm nhạc, tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đã tạo ra một sinh hoạt âm nhạc rất riêng, rất độc đáo với những tiết tấu phong phú, cấu trúc giai điệu đa dạng, góp phần không nhỏ vào việc tăng cường tính hấp dẫn của sinh hoạt tín ngưỡng: đó là hình thức Hát Văn.

 

Hát Văn là một hình thức sinh hoạt âm nhạc do tín ngưỡng Tam Tứ Phủ tạo ra hay là một hình thức sinh hoạt âm nhạc dân gian được tín ngưỡng này thu hút để trở thành một bộ phận của sinh hoạt tín ngưỡng, đó là một điều cần bàn. Chẳng hạn, Hà Nam Ninh là quê hương của Hát Văn, song đó chưa hẳn là trung tâm ra đời của tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Dẫu sao, trên dòng lịch sử hình thành và phát triển của tín ngưỡng dân gian với màu sắc đầy huyền bí, Hát Văn từ lâu đã trở thành một bộ phận sinh hoạt không thể tách rời khỏi sinh hoạt tín ngưỡng. Đó là một điều ai cũng dễ dàng nhận thấy. Bởi vậy nghiên cứu Hát Văn không thể nào tách rời khỏi môi trường của nó là tín ngưỡng Tam Tứ Phủ và ngược lại.

 

Văn – hiểu theo nghĩa trong sinh hoạt tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, là những bài văn vần phần lớn do Cung Văn (người đảm nhiệm vai trò chủ yếu trong sinh hoạt âm nhạc của tín ngưỡng Tam Tứ Phủ), và một số nghệ nhân có trình độ văn học nhất định sáng tác để ngợi ca các vị Thánh mà tín ngưỡng Tam Tứ Phủ thờ phụng. Cũng có khi, đó là những bài thơ của các danh nhân, những câu dân ca, ca dao được đưa vào để ca ngợi các vị Thánh. Chầu Văn lại là một từ Nôm, có nghĩa là mọi người tụ tập, cùng một lòng thành kính biểu lộ sự ngưỡng mộ của mình trước các vị Thánh thiêng liêng mà công đức được thể hiện trong nội dung các bài Văn.

 

Song, tuy gắn bó chặt chẽ với một sinh hoạt tín ngưỡng như vậy, Hát Văn vẫn là một sinh hoạt âm nhạc mang tính dân gian rõ rệt. Bởi vậy, nó mới gần gũi với nhân dân và có sức lôi cuốn mạnh mẽ đông đảo quần chúng nhân dân đến với tín ngưỡng.

 

Hát Văn có mặt trong hầu hết các nghi thức của tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, trong các lễ định kỳ hoặc sinh hoạt bất thường của tín ngưỡng, trong các khóa lễ của các đệ tử cũng như các thầy đồng đền. Ví dụ trong lễ Tôn nhang (lễ gia nhập tín ngưỡng), cung văn hát điệu Sai, điệu đồng. Đây là một hệ thống nghi lễ phức tạp gồm nhiều nghi thức, với mỗi nghi thức lại có những điệu hát riêng như Lễ trình hầu – hát Sai ; Lễ Hầu Đồng của các vị có đồng – hát Phụ đồng, điệu Dọc ; Khai quang hình nhân, Lễ sang các giá hàng chầu bà – hát các điệu … sau đó là các lễ lên đồng, người Hầu Đồng hầu lần lượt sang nhiều giá khác nhau, từ giá Mẫu đến giá Cậu, mỗi giá đều có các điệu hát riêng; lễ hầu bản mệnh (lễ cầu sự làm ăn phát đạt, thường tổ chức vào các dịp đầu xuân năm mới); lễ hầu ngày tiệc (lễ này thường được tổ chức vào ngày “tiệc” (ngày mất) của các vị Thánh mà tín ngưỡng Tam Tứ Phủ đã quy định). Những lễ này được tổ chức quanh năm (theo âm lịch) như tiệc Mẫu Sòng (21/02), Mẫu Phủ Giầy (03/03), tiệc Cô Bơ (12/06), tiệc Quan Tam Phủ (24/06), tiệc Ông Hoàng Bảy (17/07), tiệc Trần Triều (20/08), tiệc Đức Vua Cha (22/08), tiệc Chầu Bé Bắc Lệ (tháng 9), tiệc Ông Hoàng Mười (10/10), tiệc Quan Đệ Nhị (11/11),…

 

Khi vào đồng được vài năm, làm ăn phát đạt, người Hầu Đồng thường tổ chức Lễ mừng đồng (khánh hạ). Khi không còn khả năng lên đồng (vì sức khỏe, tuổi tác,..) người theo tín ngưỡng phải tổ chức lễ Giải đồng.

 

Vào tất cả những dịp lễ, tiệc này đều có Hát Văn. Ngoài ra, Hát Văn còn có mặt trong các nghi thức lễ của các thầy đồng đền (theo âm lịch) như lễ Hầu xông đền (sau giao thừa năm mới), lễ Hầu Thượng nguyên (tháng 1), lễ Hầu Nhập hạ (tháng 4), lễ Tán hạ (tháng 7), lễ Tất niên (tháng 12), lễ Sắp án (25/12), v.v… và các ngày tiệc.

 

NGUỒN GỐC – LỊCH SỬ HÌNH THÀNH

1. Nguồn gốc:

Có rất nhiều giả thiết về sự ra đời của Chầu Văn: Có ý kiến cho rằng trước tiên nhất Hát Văn ra đời, bắt nguồn từ việc các con nhang đệ tử, thủ nhang đồng, đền và đặc biệt là các thầy cúng chuyên khấn những bài khấn Tam Tứ Phủ. Thầy cúng ra đời từ nhu cầu tâm linh của con người thờ cúng thần thánh, trời đất hay một thế giới vô hình để mong có được một cuộc sống tốt đẹp, ấm no, suôn sẻ. Các bài khấn của thầy cúng thường được viết theo thể thơ lục bát, mang tính chất hát nói với vần điệu rõ ràng, dễ nhớ; và sau này đã trở thành những lời ca, bài hát trong Chầu Văn. Còn theo truyền thuyết thì Hát Văn ra đời từ tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu, từ ý thức lòng dân mà đầu tiên được nhân dân suy tôn trong Hát Văn theo tín ngưỡng thờ Thánh Mẫu Thượng Ngàn, là công chúa Mỵ Nương, con gái Sơn Tinh. Công chúa Mỵ Nương, còn tên gọi là La Bình, bà được trông coi 81 cửa rừng. Do công dạy dỗ, bảo hộ con người cùng vạn vật bình yên, nhân dân suy tôn là Thánh Mẫu Thượng Ngàn. Và sau tục thờ đức Thánh Trần, Hát Văn chuyển thành nghi lễ suy tôn người thật, việc thực, những vị anh hùng dân tộc có công chiến đấu đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ bình yên cho quê hương, những vị Thánh thần có công dạy nhân dân lao động sản xuất, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Vì vậy, Chầu Văn được coi là gốc rễ cổ nhất của tín ngưỡng dân gian Việt Nam.

 

2. Lịch sử hình thành và phát triển:

Vào thế kỉ thứ XVI, sự giáng thế của Thánh Mẫu Liễu Hạnh đã trở thành một dấu ấn lớn trong tín ngưỡng của người Việt xưa. Sự hiện diện của Thánh Mẫu trong đời sống tâm linh con người thời điểm bấy giờ đã đánh dấu cho tư tưởng coi trọng những người phụ nữ trong gia đình và cộng đồng. Vì vai trò thiêng liêng của các Mẫu, người dân thờ phụng Mẫu ở khắp nơi. Từ đây, tín ngưỡng Tam Tứ Phủ phát triển kéo theo sự nâng cao của Chầu Văn.

  

Tại thời điểm này, Chầu Văn bước đầu xuất hiện nghi thức Hầu Bóng (hay còn được biết tới với tên gọi khác là Hầu Đồng). Thông qua nghi lễ Hầu Đồng, các vị Thánh nhập hồn vào thân xác ông Đồng, bà Cốt. Hát Chầu Văn phục vụ cho quá trình nhập đồng hiển thánh này. Trong nghi lễ đó, các bài hát Chầu Văn được dùng để làm nền cho các nghi lễ hầu Thánh và các vị thần được thờ phụng trong hệ thống Tam Tứ Phủ. Các bài Hát Văn cũng là lời nguyện cầu của con người tới chốn linh thiêng của thánh thần. Nói chung, hát Chầu Văn là phương thức để mọi người có thể giao tiếp với Mẫu, với các chư vị Thần linh, nhằm bày tỏ lòng biết ơn, tri ân công đức của các vị anh hùng dân tộc có công đánh đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; những vị Thánh có công đức chiêu dân lập ấp, dạy nhân dân lao động sản xuất và hướng thiện.

  

Cuối thế kỉ XIX, Hát Văn du nhập vào Hà Nội kéo theo sự phát triển điện thần và âm nhạc cũng như sự thêm thắt trang phục và lễ nghi đã đưa Chầu Văn đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Thêm vào đó, sự xuất hiện của đàn nguyệt cùng các vị Thánh mới trong thời kì này càng khẳng định sức hút của  môn nghệ thuật cổ truyền này. Cũng chính trong giai đoạn này, cung văn sáng tác văn thờ, lưu lại bằng văn viết, đặt ra một hệ thống điện thần bản địa cùng chung sống với các vị có danh giá cao sang phản ánh rõ nét trình độ uyên bác của Hát Văn và nghi lễ Hầu bóng. 

  

Tuy nhiên, vào giữa thế kỉ XX, tín ngưỡng thờ Mẫu bị tác động bởi những yếu tố khách quan đã không còn trong sáng và nguyên gốc như khi ra đời và cũng vì thế mà Chầu Văn bị quy là mê tín dị đoan. Quy mô của những buổi sinh hoạt Hầu Đồng thời bấy giờ ngày càng giảm bớt, bó hẹp lại chỉ được tổ chức ở những nơi hẻo lánh vào đêm tối muộn. Dù vậy, nhiều ông đồng, bà đồng và đặc biệt là các cung văn giai đoạn này vẫn âm thầm gìn giữ tín ngưỡng nội sinh lâu đời của dân tộc, tránh để mai một.

  

Cho đến những năm 80 của thế kỷ XX, dòng chảy của Hát Văn mới được tiếp nối. Nghi lễ này được khôi phục, phát triển trở lại và nay còn được sân khấu hoá, trình diễn để phục vụ đời sống đương đại. Sau khi được phục hồi, Hát Văn – Hầu bóng đã có những biến đổi mạnh mẽ. Nếu như Hát Văn ngày trước thanh tao, chặt chẽ, thì ngày nay có biểu hiện của sự phát triển khá dễ dãi, đa dạng, phong phú cả về sự bài bản cũng như làn điệu. Trước đây, người muốn trở thành cung văn phải đi theo thầy, vừa phụ việc vừa học đàn hát trong nhiều năm mới có thể đảm nhiệm phần âm nhạc trong một buổi Hầu bóng. Đầu tiên, họ phải học đánh nhịp vững, học hát, cuối cùng mới được học đàn. Cung văn phải văn võ song toàn, nghĩa là phải biết đầy đủ về các khoa cúng, ngạch sớ và chữ Hán – Nôm, giỏi Hát Văn thờ, Hát Văn hầu, nên họ thường được gọi một cách trân trọng là các thầy cung văn. Ngày nay, Hát Văn – Hầu bóng trở thành kế sinh nhai của không ít người trong xã hội. Một số người chỉ học vài tháng, thậm chí học qua băng ghi âm, giọng hát chưa ngọt, tiếng đàn chưa tinh đã khăn áo tới các đền phủ hành nghề. Lối học tắt, đón đầu như vậy thì dĩ nhiên hiệu quả không cao, không thể ngấm sâu như cách đào tạo cổ truyền. Hiếm cung văn, đồng thầy bây giờ biết chữ Hán-Nôm hoặc có khả năng đọc, hát đầy đủ một bản tấu sớ, văn thờ và am hiểu các khoa cúng của tín ngưỡng Tam Tứ Phủ. Bên cạnh đó, các bậc cung văn, đồng thầy lão thành ở Hà Nội, những người có thể thẩm định theo chuẩn mực nhà nghề, như những “cây đa, cây đề” của Đạo thì còn lại rất ít. Do đó, việc nghiên cứu toàn diện việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Tứ Phủ của người Việt ở Hà Nội và Nam Định, đặc biệt nửa sau thế kỷ XX để tìm ra những luật lệ, đặc điểm về hình thức, âm nhạc mà các đồng thầy, cung văn có tiếng của thời xưa đã vận dụng càng trở nên cần thiết và cấp bách.

 

 

BỐ CỤC VÀ CÁC LOẠI HÌNH

1. Bố cục :
Cũng như nhiều thể loại nhạc hát cổ truyền khác, trong Hát Văn, âm nhạc và thơ ca có mối quan hệ khăng khít với nhau. Cấu trúc nhạc thường phụ thuộc vào cấu trúc thơ, nhưng đôi khi cấu trúc thơ bị phá vỡ, nhường cho sự thăng hoa của cấu trúc nhạc. Hát Văn là một thể loại hát thơ, mà thơ có khổ, mỗi khổ có những câu thơ. Phổ nhạc vào thơ thì trổ và chiều dài của trổ nhạc thường lệ thuộc vào khổ thơ, câu nhạc phù hợp với câu thơ. Hát Văn gồm 3 cấu trúc sau:

 

– Cấu trúc một phần: Cấu trúc một phần nghĩa là chỉ có phần thân mà không có phần mở và phần đóng. Đây là dạng cấu trúc phổ biến nhất trong Hát Văn hầu. Làn điệu hình thành ngay trên trổ hát bao gồm một số câu nhạc và là một đơn vị có bố cục độc lập. Một trổ hát thường trùng hợp với một khổ thơ. đầu tiên, những trổ sau chỉ nhắc lại, có những thay đổi không đáng kể để phù hợp với lời ca. Cấu trúc một phần thường xuất hiện trong Hát Văn thờ, Hát Văn thi.


– Cấu trúc hai phần: Cấu trúc hai phần gồm: phần mở và phần thân. Phần mở theo lối hát ngâm trên nhip dồn phách, phần thân hát theo lối có nhịp. Cấu trúc hai phần được ghi nhận trong Hát Văn hầu.


– Cấu trúc ba phần: Cấu trúc làn điệu gồm ba phần: phần mở, phần thân, phần đóng khá hiếm hoi trong hệ thống làn điệu Hát Văn hầu, chỉ thấy trong lối hát Chèo đò. Làn điệu này chỉ dùng trong giá nữ thần miền sông nước như Chầu đệ tam, Cô Bơ, mô phỏng lại hình ảnh vị Thánh chèo thuyền ngao du đây đó.

 

2. Các loại hình của Hát Văn: Trong sinh hoạt, Hát Văn có ba hình thức chính, đó là:


2.1. Hát Văn nơi cửa đền: Được hát vào những ngày đầu xuân, ngày lễ hội tại các đền phủ. Các bản văn thường là về các vị Thánh thờ tại đền, nhưng đôi khi chỉ là một bài văn khấn phục vụ khách hành hương đi lễ và cầu xin những điều tốt đẹp.

“Con đi cầu lộc, cầu tài,
Cầu con, cầu của gái trai đẹp lòng.
Gia trung nước thuận một dòng.
Thuyền xuôi một bến vợ chồng ấm êm.
Độ cho cầu được ước nên.
Đắc tài, sai lộc ấm êm cửa nhà.
Lộc gần cho chí lộc xa.
Lộc tài, lộc thọ, lộc đà yên vui”

(Trích một đoạn văn khấn tại các đền phủ ngày lễ)

 

2.2. Hát Văn thi : Mục đích của Hát Văn thi vừa là để tạo nên không khí đua tài tưng bừng, sôi nổi trong các ngày lễ lớn của Tam Tứ Phủ, đồng thời cũng là dịp khẳng định, đánh giá tài năng nhiều mặt (sáng tác, ca hát, đánh đàn, gõ nhịp) của các cung văn, từ đó thúc đẩy khả năng trình diễn của họ ngày một hoàn thiện, tăng cường tính hấp dẫn của tín ngưỡng. Bài thi của các thí sinh là những bản văn sự tích đòi hỏi người hát phải có giọng hay, lại nắm vững thứ tự chuyển tiếp các làn điệu, vừa giỏi chữ Hán, giỏi niêm luật thơ văn, đồng thời biết tránh những chữ phạm húy. Hát Văn thi được tổ chức chủ yếu (theo âm lịch) vào tháng 2 (21/02 – tiệc Mẫu đền Sòng), tháng 3 (mùng 03/03 – tiệc Mẫu Phủ Giày)…; khoảng trong ba tháng đầu xuân sau Tết cổ truyền, trong các lễ đón Hội, tiệc Mẫu và tháng 8 (20/08) – tiệc Trần Triều và tiệc Đức Vua cha (22/08)


2.3. Hát Văn thờ : Là loại hát nghi lễ, thường xuất hiện trước khi lên đồng, ngày tiệc, đầu rằm – mùng một, tất niên, thượng nguyên, ra hè (tán hạ), vào hè (nhập hạ)… Mở đầu là Hát Văn Công Đồng – một bài văn mở đầu bất cứ cuộc lễ nào. Trong khoá lễ, nếu không có nghi thức hầu bóng cũng vẫn có thể Hát Văn Công Đồng. Về nội dung, đây là bài hát nhằm “thỉnh” các vị Thánh về chứng giám cho đàn duyên, khoá lễ. Tiếp đó là Hát Văn Mẫu, Vua cha Bát Hải, Thập vị hoàng tử, Trần triều… Ngoài ra trong các khóa lễ, nếu ứng với ngày tiệc vị Thánh nào sẽ có Hát Văn vị thánh đó. Kết thúc buổi hát thờ, có thể hát một đoạn văn tạ – còn gọi là hát Chầu thủ đền (tỏ lòng thành kính với vị Thánh là thần chủ ngôi đền diễn ra khoá hầu ngày hôm đó).

 

 

ÂM NHẠC – LÀN ĐIỆU – KĨ THUẬT HÁT

Hát Văn là lễ nhạc hát chầu Thánh nên có vai trò quan trọng trong lễ Hầu Đồng. Lời ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Hát Văn làm cho buổi lễ sống động. Những người Hát Văn vừa chơi nhạc cụ vừa thay nhau hát trong một vấn hầu thường kéo dài từ 4-8 tiếng. Hát Văn thường được nhắc tới kèm hai địa danh là Hà Nội và Nam Định, song Hát Văn Hà Nội hay hát theo lối bay bướm hơn Hát Văn Nam Định. Hát Văn Nam Định thường đơn giản mộc mạc.

 

1.  Các làn điệu chính:

Hát Văn gồm sáu nhóm làn điệu chính: Nhóm Bỉ, nhóm Dọc, nhóm Cờn, nhóm Phú, nhóm Xá, nhóm Nhịp một và một vài làn điệu dân ca được Chầu Văn hoá:

 

  1.1. Các điệu Bỉ:

Hát Bỉ trong Chầu Văn (Nguồn: YouTube – Dai Dao)

 

– Phần lớn tiết tấu, trường độ không rõ ràng.
– Âm nhạc mang tính chất ngâm ngợi.
– Thường được dùng trong phần đầu của các bản văn hát thờ, văn thi hoặc được dùng trong các đoạn nối tiếp các làn điệu chuẩn bị cho các động tác, công việc của lên đồng như chuẩn bị hiến rượu cho ông Hoàng, múa hèo, Cô chèo đò, Cậu múa võ… Cũng có khi Bỉ được dùng để chuyển sang làn điệu khác như Bỉ Chim thước ở giá Cậu, Bỉ Thơ ở các giá ông Hoàng…
– Các làn điệu Bỉ phần lớn đều ngắn, từ một câu lục bát đến ba hoặc bốn câu song thất lục bát. Đôi khi điệu Bỉ kéo dài, thường ở các giá ông Hoàng, giá Cậu … (còn gọi là điệu Ngâm thơ; ví dụ như các bản Thiên thai được đưa vào ngâm ngợi khi các giá ông Hoàng ngồi nghe văn, hiến thuốc, v.v…). Điệu Bỉ cũng thường có cấu trúc gồm hai câu thơ song thất lục bát. Sau mỗi câu Bỉ thường có dạo đàn và dóc phách.
– Chỉ hát đơn chứ không hát đôi, mỗi cặp cũng văn mỗi người hát một câu, tính chất ngâm ngợi.

 

1.2. Các điệu Dọc:

Dạy đàn Nguyệt – Điệu dọc – NS Tuyết Tuyết (Nguồn Youtube – Tuyết Tuyết)

 

– Âm nhạc khúc triết, kết cấu rõ ràng. Về cấu trúc âm nhạc, thường gồm hai câu: Câu một như một câu hỏi, câu hai như một câu hát. Câu một, có khi bắt đầu vào cụm từ thứ hai, sau đó được nhắc lại như thứ tự bình thường; gọi là lối hát “vay trả”. Ví dụ ở trong câu thơ lục bát sau:

 

Biến lên mặt nước lạ lùng

Rõ ràng Bơ Thoải chân dung khác thường

(Văn ông Bơ Thoải)

 

Trong điệu Dọc, kết cấu âm nhạc câu đó sẽ có hình thức:

   + Câu “hỏi”: Mặt nước lạ lùng… Biến lên… i, i khác lạ lùng ii

   + Câu “đáp”: Rõ ràng (ông) Bơ Thoải … chân dung ii.i khác thường …i.i.

– Thường được dùng trong các giá Quan lớn, giá ông Hoàng, các giá Cô – giá Cậu, khi Hầu Đồng. Trong Hát Văn thờ, tùy thuộc vào người hát sắp xếp (thường theo Ngũ cung). Trong Hát Văn thi, tuỳ theo quy định của ban giám khảo. 

– Dọc dùng nhịp đôi bởi âm nhạc có tiết tấu, trường độ, cao độ rõ ràng nên có thể hát đôi. Sau mỗi khổ hát Dọc là một đoạn nhạc lưu không. Khổ lưu không này thường không dài quá hai lần khổ hát.

 

1.3. Các điệu Cờn:

Dạy đàn Nguyệt – Điệu Cờn (trích trong giá cô Chín) (Nguồn Youtube – Tuyết Tuyết)

– Được phân làm hai loại:

   + Cờn Xuân: Tính chất âm nhạc trữ tình, tự sự, giai điệu mượt mà.

   + Cờn Oán: Tính chất buồn ai oán.

– Trong các điệu Cờn, lời thơ cũng như âm nhạc thường không kết hẳn. Với cấu trúc “mở” như vậy, điệu Cờn có thể kéo dài liên tục. Khổ văn thường được cấu tạo bởi ba câu lục bát:

 

“Đêm thanh hiện giữa thác hoàn

Tay tiên Cô dạo cung đàn Nam thương

Bởi vì cách trở viễn phương ..í.i.ì..”

                                     (Văn Cô Bơ)

 

– Hoặc 5 câu song thất lục bát: (Hát gối khổ)

 

“Lúc nhàn hạ (Cô) dạo chơi tỉnh Bắc,

Chấm được đồng nhan sắc nết na.

Thiên triều bẩm báo trải qua,

Quyền lâm thắng tới Thổ hà Vạn vân,

Trải phủ Thuận sang đền Dâu, khám í i ì”

                                               (Văn Cô Cả)

 

– Thường sử dụng loại nhịp đôi, sau mỗi khổ cũng thường có khổ nhạc lưu không. Do tính chất âm nhạc trong tín ngưỡng Tam Tứ Phủ, các điệu Cờn thường được dùng trong Hát Văn các giá Thánh Cô (vùng đồng bằng). Ngoài ra Cờn còn được sử dụng trong Hát Văn thi, Hát Văn thờ, nhất là các bản Văn Mẫu.

 

  1.4. Các điệu Phú:

Phú Văn Đàn (Nguồn Youtube – Dai Dao)

 

– Âm nhạc thường chậm rãi, ngâm ngợi, tính chất thanh cao, nhịp điệu tự do, khi hát đòi hỏi nhả chữ rõ ràng. Tiết tấu sử dụng nhiều đảo phách, nghịch phách (dân gian gọi là nhịp ngoại). Mỗi khổ trong điệu Phú thường dùng 4 câu song thất lục bát:

 

“Chiếc thuyền nan nối dòng Xích Bích,

Đưa quân chèo du lịch bốn phương.

Có phen tuần thú sông Thương,

Trở về tỉnh Bắc quá giang Lục đầu…”

“Có phen ngự sông Dâu, sông Hát,

Khi lên ghềnh, xuống thác mọi nơi.

Thuyền rồng trăm mái chèo bơi,

Dọc ngang Tuần cảnh là nơi đi về…”

                                                  (Văn Quan lớn Tam Phủ)

 

– Các điệu Phú chỉ dùng nhịp ba và sau từ một đến hai nhịp hay sau mỗi khổ hát đều đệm trống chầu. Do tính chất âm nhạc tự do nên Phú chỉ hát đơn chứ không hát đôi. Mỗi người trong cặp hát hát một câu hoặc một khổ Phú. Điệu Phú thường được dùng trong Hát Văn giá các hàng Quan, ông Hoàng, Mẫu, Trần triều và đặc biệt thường dùng cho các giá nam thần – những vị thánh uy nghi, trang nghiêm.

 

  1.5. Các điệu Xá:

Hát Văn Điệu Xá (Nguồn Youtube – Duy Khanh official)

 

Mỗi khổ của điệu thường gồm ba câu lục bát, hát theo lối gối khổ:

 

Khổ I: “Trên ngàn gió thổi rung cây,

Dưới khe cá lặn chim bay về ngàn,

Canh khuya nguyệt lặn sao tàn”

(Văn chầu Đệ nhị)

 

Khổ II bắt đầu bằng câu cuối khổ I: 

 

Khổ I: “Trên bát ngát trăm hoa đua nở,

Dưới vật bày tiên nữ lả lơi,

Chim bay phất phới mọi nơi,

Cá theo ngược nước đua bơi vẫy vùng,

Trên ngàn tùng gió rung lác đác..”

                                            (Văn Cô Bé)

 

Điệu Xá có tiết tấu nhanh, vui, tính chất âm nhạc trữ tình, tự sự, hay thay đổi đột ngột, nhịp điệu tự do. Do đó, các điệu thường không hát hai người. Một số điệu có thể hát đôi thì người hát phải cùng cặp cung văn với nhau, hiểu cách hát của nhau và khi hát phải nghe nhau để cùng ngân dài hoặc ngắn. Tiết tấu của các điệu tương tự như loại nhịp một nhưng cấu tạo bộ gõ khác nên tạo ra âm sắc khác, phù hợp với giai điệu. Thanh la được đặt trên mặt trống, có thêm một số đồng xu để tạo nên một âm săc đặc biệt. Ở các điệu , một khổ nhạc không nhất thiết phải dùng như trên mà có thể dùng bốn, năm câu thơ lục bát hoặc ba câu song thất lục bát.

 

Trong các làn điệu Xá, không thể không nhắc tới sự linh hoạt trong cấu trúc âm nhạc của các điệu Xá thượng với số lượng cũng như âm nhạc ngày càng phát triển. Sau mỗi câu, mỗi khổ của điệu Xá thượng, cung văn thường dạo một khổ nhạc lưu không.

 

Các điệu Xá thượng không có mặt trong Hát Văn thi mà chỉ dùng để hát thờ, hát phục vụ nghi lễ Hầu Đồng, các bản văn về các vị Thánh ở miền núi như các giá Chầu, các giá Cổ Thượng, đôi khi có nghệ nhân dùng cả cho các giá ông Hoàng, thánh Cậu về Thượng như ông Hoàng Bảy, ông Đệ Nhị, ông Hoàng Bắc Quốc (ông Chín), cậu Đệ Nhị, cậu Sáu, v.v… Khi hát cho các giá Cổ Thượng trong lễ nghi Hầu Đồng, thường có múa Xá thượng, tạo thành cao trào của Hát Văn.

 

  1.6. Các điệu Nhịp một:

Các điệu Nhịp một thường vui khoẻ, mạnh mẽ, nhấn ở đầu nhịp tạo nên tiết tấu rõ ràng, thường được dùng để miêu tả động tác múa trong Hầu Đồng như múa mồi, múa quạt, hái hoa hay một số động tác miêu tả đời sống lao động như quẩy gánh hoa, quả, v.v… Các điệu này thường chỉ dùng trong các bản Văn Thánh về Thượng như các giá Chầu bà, các giá Cô, trong nghi lễ hát thờ, hát thi, Văn Mẫu,… và đặc biệt không dùng cho hàng Quan lớn. Cũng giống như các điệu Dọc (lời thể thơ lục bát), khổ Hát Văn trong các điệu Nhịp một gồm hai câu lục bát, không sử dụng thể thơ song thất lục bát. Các điệu Nhịp một có hai cách hát:

 

    1.6.1. Cách hát “vay trả”:

Câu “vay” (hay câu “hỏi”):

 

“a a ới a hết Bắc sang Đông

Cậu đi chấm đồng hết Bắc sang Đông…”

Câu “trả lời” hoặc “đáp”:

“Nam thanh nữ tú chấm đồng chẳng tha i i i …”

                                               (Văn Cậu)

 

    1.6.2. Cách hát trọn câu: 

 

“(Cậu đi) chấm đồng hết Bắc sang Đông ì i i ì

Nam thanh nữ tú í i i i chấm đồng chẳng tha i i i i “

 

  1.7. Nhận xét, kết luận chung:

Các thể Hát Văn và giai điệu Hát Văn, lời văn trong Hát Văn được phổ từ thơ ca dân gian, đôi khi vay mượn cả trong các tác phẩm văn thơ bác học và thường là thể lục bát, lục bát biến thể, thất ngôn, bốn chữ… Các bài văn hát thường sắp xếp như một câu chuyện về xuất xứ của thánh và tôn vinh công đức, kỳ tích của ngài. Câu văn tuy có vần điệu, niêm luật không chặt chẽ như một bài thơ, nhưng khi đọc lên, mọi người đều cảm nhận được chất thơ của bài văn. Giai điệu của Hát Văn khi thì mượt mà, hấp dẫn, khi lại dồn dập, khoẻ khoắn, vui tươi. Chất thơ của bài văn đó được nâng lên cao tuyệt đỉnh trong không khí tâm linh thành kính, khấn vái xuýt xoa, khói hương nghi ngút, có dàn nhạc, lời ca phụ hoạ, đưa đẩy và các điệu múa thiêng của Thánh thể hiện qua người Hầu Đồng. Với tính chất này, Hát Văn ngày nay không chỉ bó hẹp trong phạm vi dùng trong nghi lễ mà Hát Văn cũng được coi như một hình thức ca nhạc dân gian vui tươi lành mạnh và có thể đưa ra công diễn trước đông đảo quần chúng.

 

Trong âm nhạc Hát Văn, tính chất dân gian thể hiện rất rõ trong cấu trúc, tiết tấu, giai điệu. Khó có một loại hình diễn xướng dân gian nào lại thu hút được vào trong nó nhiều âm hưởng của các loại hình dân ca khác đến như vậy. Người ta tìm thấy trong Hát Văn ảnh hưởng của dân ca đồng bằng Bắc bộ như trong các điệu Bồng mạc, Sa mạc, Cò lả… ảnh hưởng cả của âm nhạc thính phòng dân gian như trong các điệu Hành vân, Ngũ đối, Lưu thuỷ, Kim tiền, Bình bán,…; ảnh hưởng của ca trù như trong các điệu Bỉ, Phú nói, Phú Bình, Phú chênh, Phú xuân, Phú Tỳ bà, Phú cửa đình, Phú hạ…; ảnh hưởng của chèo như Phú dầu, Lới lơ…; của quan họ như Đường trường chim Thước…; ảnh hưởng của cải lương như Xá Quảng (ảnh hưởng của âm nhạc và dân ca Quảng Đông – Trung Quốc); ảnh hưởng của tuồng như Kiều dương thượng; ảnh hưởng của dân ca miền núi phía Bắc như các điệu Xá, ảnh hưởng dân ca miền núi các tỉnh phía Nam như dân ca Xê đăng và cả những điệu Hò Nhịp một, Cờn Huế, Hò Huế rất đặc trưng đến từ xứ Huế mộng mơ nữa.

 

Việc thu hút những yếu tố âm nhạc của nhiều vùng, nhiều địa phương trong Hát Văn không chỉ khiến cho âm nhạc trong tín ngưỡng Tam Tứ Phủ – một yếu tố quan trọng trong nghi lễ của tín ngưỡng này thêm phong phú, giàu màu sắc mà còn giúp cho tín ngưỡng này có điều kiện thâm nhập, phổ biến nhanh chóng và sâu rộng trên một địa bàn rộng lớn, khắp ba miền Bắc Trung Nam, cả ở miền núi lẫn miền xuôi.

 

2. Kỹ thuật hát:

Về kỹ thuật thanh nhạc, nhìn chung có hai phong cách hát điển hình trong nghệ thuật Hát Văn. Đó là phong cách Hát Văn Nam Định – lối hát không sử dụng nhiều hệ thống kỹ thuật nẩy hạt trong thanh nhạc cổ truyền, thiên về chất giọng thô mộc, giản dị, mang đậm đặc điểm của lối hát dân dã, khá phổ biến trên các miền thôn quê. Phong cách Hát Văn Hà Nội, Hải Phòng sử dụng nhiều kỹ thuật nảy hạt, đề cao sự hoa mỹ, bay bướm và tính tế trong việc điều tiết âm lượng, câu chữ. Cách ém hơi ở đây rất giống với Chèo hay Ca trù.

 

Giọng hát Chầu văn có một sức quyến rũ đặc biệt. Dập dìu trên nền nhịp phách lúc ẩn lúc hiện, nhiều làn điệu mang đậm tính trữ tình, như dáng vẻ của những gì ngọt ngào, mềm mại, thân thương, rất nữ tính của Thánh Mẫu trong hệ thống thần điện Tứ phủ.Tựu trung, Hát Văn có 13 điệu, hay còn gọi là lối hát. Đó là: Bỉ, Miễu, Thổng, Phú Bình, Phú Chênh, Phú Nói, Phú Rầu, Đưa Thơ, Vãn, Dọc, Cờn, Hãm và Dồn.

 

– Bỉ mang sắc thái trịnh trọng, được dùng để hát trước khi chính thức vào một bản văn thờ hoặc văn thi. Có 2 cách hát: Bỉ 4 câu và Bỉ 8 câu. Bỉ được lấy theo dây lệch, nhịp theo lối dồn phách.

– Miễu là lối hát rất nghiêm trang, đĩnh đạc, chỉ được dùng trong hát thi và hát thờ, tuyệt nhiên không bao giờ được dùng trong hát hầu. Miễu được lấy theo dây lệch, nhịp đôi.

– Thổng chỉ dành riêng cho văn thờ và văn thi, được lấy theo dây bằng, nhịp ba.

– Phú Bình dành riêng cho Hát Văn thờ, rất đĩnh đạc, và dùng để hát ca ngợi các nam thần. Phú Bình được lấy theo dây lệch, nhịp 3.

– Phú Chênh là lối hát buồn, thường dùng để hát trong những cảnh chia ly. Được lấy theo dây bằng, nhịp 3.

– Phú Nói thường dùng để mô tả cảnh hai người gặp gỡ, nói chuyện với nhau. Dùng trong Hát Văn thờ, văn thi và cả trong hát hầu. Lấy theo dây bằng, nhịp ba hoặc không có nhịp mà chỉ dồn phách.

– Phú Rầu là lối hát rất buồn, được lấy theo dây bằng nhưng hát theo nhịp đôi.

– Đưa Thơ được lấy theo dây bằng, nhịp 3 và dồn phách, nhưng chủ yếu là dồn phách.

– Vãn lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất lục bát, hát theo lối vay trả – hát vay của câu trước rồi trả lại trong câu sau.

– Dọc lấy theo dây bằng, nhịp đôi, hát theo lối song thất – lục bát và hát theo nguyên tắc vay trả. Nếu hát từng câu thì gọi là nhất cú. Nếu hát liền hai câu song thất – lục bát thì gọi là “Dọc gối hạc” hay “Dọc nhị cú”.

– Cờn dùng để ca ngợi sắc đẹp các vị nữ thần. Cờn được lấy theo dây lệch, nhịp đôi. Có thể hát theo dây bằng, nhưng hầu hết là hát kiểu dây lệch cho phép biến hóa giai điệu.

– Hãm lấy theo dây bằng, nhịp đôi, đây là lối hát rất khó vì phải hát liền song thất lục bát. Trong lối hát này có một tuyệt chiêu là Hạ Tứ Tự, có nghĩa là mượn bốn chữ của câu sau, khi sang một câu mới thì lại trả lại bốn chữ ấy.

– Dồn được lấy theo dây bằng, nhịp 3/3/3.

Mỗi giá hầu thường có một số điệu hát riêng, như các giá về Thiên phủ hay Địa phủ thường dùng dọc, phú, giá về Thoải phủ thường là cờn, còn các giá Nhạc Phủ là Xá.

 

3. Dàn nhạc:

  3.1. Nhạc cụ:

Trước đây, trong tổ chức dàn nhạc Hát Văn cổ chỉ có đàn nguyệt và bộ gõ (trống, thanh la, phách và cảnh…), nhưng sau này, theo quá trình phát triển của nghệ thuật Hát Văn thì các nghệ nhân đã bổ sung một số loại nhạc cụ nhất định để trình bày phần giai điệu, tăng cường màu sắc cho các giá đồng như: Sáo Trúc, Sáo Mèo cho các giá của các Thánh nữ miền sơn cước dưới sự cai quản của mẫu Thượng ngàn; đàn Tranh, Nhị cho các giá của các Nam thần, Nữ thần miền sông nước dưới sự cai quản của mẫu Thoải v.v… Đàn nhị, thập lục, kèn bầu, chuông, mõ, đàn bầu, thậm chí cả guitar… là những bổ sung mới trong nghệ thuật hát Chầu Văn. Các nhạc cụ bổ sung tham gia chơi giai điệu hoặc đệm cho nhiều giá đồng khác nhau, khiến cho nghệ thuật Hát Văn ngày càng hấp dẫn hơn.

 

Như chúng ta đã biết, làn điệu trong Hát Văn bao gồm chủ yếu các nhóm: Dọc, Cờn, Xá, Phú và một số làn điệu khác, trong đó nhóm làn điệu Dọc có mặt ở hầu hết các giá đồng (cả Nam thần và Nữ thần) và nhóm làn điệu Xá lại mang đặc trưng của miền sơn cước thượng ngàn. Đây là 2 hệ thống làn điệu, ngoài vai trò chủ đạo là cây đàn Nguyệt, sau này đã được bổ sung thêm âm sắc của Sáo trúc.

 

    3.1. Cung văn: 

Một cung văn bao gồm người hát chầu văn và dàn nhạc phục vụ. Người hát được thường là người vừa hát giỏi, biết nhiều làn điệu, biết chơi cả nhạc cụ. Dàn nhạc gồm có một đàn nguyệt, một đàn nhị, một trống nhỏ (gọi là trống con), một cảnh đôi, một phách. Trong các loại nhạc cụ kể trên, đàn nguyệt, trống nhỏ và cảnh đôi đóng vai trò nòng cốt. Đây là những nhạc khí cơ bản, không thể thiếu được vì chúng tạo nên tính cách riêng biệt và đặc thù của dàn nhạc Hát Văn.

 

Một cung hát văn tại Nam Định (Ảnh: Báo Pháp Luật)

 

Hát Chầu văn đòi hỏi người cung văn phải linh hoạt để vừa có thể chuyển lời, giọng và nhạc cho ăn khớp mà vẫn hay, vẫn sát vai với Thanh Đồng, thậm chí phải hát lặp lại, luyến láy, kéo dài câu ca, tiếng nhạc trong thời gian chuyển tiếp giữa hai giá hầu. Khi hát, cung văn phải hát sao cho thể hiện tâm lý tình cảm của các nhân vật nên giọng hát phải chuyển đổi liên tục.

 

Thông thường, cung văn chơi đàn nguyệt đảm nhiệm vai trò hát chính. Tiêu chuẩn tối thiểu của một cung văn là phải vừa đánh nhịp vừa hát. Các nghệ nhân có kỹ năng hát và kỹ thuật vê đàn, rung trống, gõ thanh la điêu luyện, tạo nên sự hài hòa về âm thanh sẽ dễ làm rung động lòng người. Do lễ thức thường kéo dài, có khi tới 6-8 tiếng đồng hồ nên cần có thêm vài cung văn khác cùng tham gia tiếp sức, hỗ trợ. Họ có thể hoán đổi vị trí, thay nhau đàn hoặc hát sao cho vẫn đảm bảo sự liền mạch của bài văn và âm nhạc. Nói vậy để thấy được sự đa năng của các nghệ nhân Hát Văn. Ở những nhóm cung văn thuộc đẳng cấp “nghệ nhân”, nhiều làn điệu họ có thể hát song ca hay đồng ca.

 

 

CÁC QUY ĐỊNH TRONG HẦU ĐỒNG

1. Quy định sử dụng làn điệu một số buổi Hầu Đồng: Lề lối lý thuyết được tóm  gọn trong sơ đồ dưới đây:

 

*Những giá này là những giá hay giáng mà các nhà nghiên cứu của diễn đàn hatvan.vn theo dõi và ghi chép lại được

 

2. Không gian thực hiện: Buổi lễ Hầu Đồng được thực hiện theo các tiêu chí chuẩn bị nghiêm ngặt:

– Chọn ngày: Người Hầu Đồng trước tiên phải chọn ngày lành tháng tốt để chuẩn bị hầu với phủ nhang nhà đền, phủ hay điện.
– Dàn nhạc Hầu Bóng: 1 đàn nguyệt, 1 trống nhỏ, 1 cảnh đôi là các loại nhạc cụ nòng cốt, bắt buộc trong mỗi buổi hầu. Tuỳ từng địa phương, hoàn cảnh ngày lễ mà người ta có thể thêm đàn nhị, trống lớn, trống nhỏ, phách bên cạnh những nhạc cụ kể trên.
– Nhân sự cho một buổi Hầu Đồng: Hai người phục vụ để giúp việc như thay quần áo, dâng các đồ dùng cần thiết trong uốt khoá hầu cho thanh đồng.

 

– Lễ vật: Lễ vật trình đồng phải khác với lễ vật hầu bản mệnh hay tiệc khao, được trình bày trên một kỷ tháp hình chữ nhật kê chính giữa và gồm những thứ sau đây:

  + Chén đũa bạc, đĩa và cốc pha lê. Chính giữa là một cái gương trên phủ một chiếc khăn thêu.
  + Hai bên bục và trước kỷ (bày bốn mâm lễ Tứ Phủ mỗi mâm có chín quả trứng, một cái lược, một cái quạt, một đôi guốc, chín vuông vải màu phủ lên trên. Màu vài phải là màu chính của Tứ Phủ (xanh, đỏ, trắng và vàng).
  + Bên cạnh mâm lễ có một cái chung nhỏ, một cái thau nhỏ.
  + Cứ mỗi lễ phải thay một hình nhân (nộm) và bốn lốt.
  + Bên cạnh mâm lễ Tứ Phủ là mâm lễ sơn trang, mà bất cứ thứ lễ gì cũng phải chia ra làm 13 phần. Một phần lớn bày ở giữa còn 12 phần nhỏ bày xung quanh. Ngay cạnh đó là một mâm hài sơn trang (hoặc giống) màu.
  + Mũ và hài có thêu hình chim phượng.
  + Một trăm vàng thoi (giấy vàng xếp thành thoi).

 

– Thanh đồng (người thực hiện nghi lễ): Đa số những người Hầu Đồng là do hoàn cảnh bản thân thúc ép, do di truyền gia tộc hay bản tính có căn đồng. Người nào có “căn” mà chưa ra trình Thánh thì thường bị bệnh tật, ốm đau, mà đây là thứ bệnh “âm”, chữa chạy bằng thuốc thang không khỏi, khi làm ăn thường thất bát, thua thiệt. Dân gian gọi hiện tượng này là “cơ đày”, tức người đang bị Thánh đày ải. Ra đồng rồi thì thường sức khỏe hồi phục, làm ăn được hanh thông. Mỗi năm, thanh đồng phải lên đồng ít nhất 1 lần.

 

– Giá: Theo tín ngưỡng Tứ Phủ, hiện nay Hầu Bóng có 36 giá, tượng trưng cho 36 vị Thánh thần nhập vào thanh đồng trong mỗi buổi lễ, bao gồm: Tam Toà Thánh Mẫu, Ngũ Quan từ đệ nhất đến đệ ngũ, mười một chầu đệ nhất đến chầu bà Bắc Lệ, phủ quan hoàng có 10 vị nhưng thường hầu 3 vị (Hoàng Bơ, Hoàng Bảy và Hoàng Mười) cùng 12 Cô và 4 Cậu. Mỗi vị thánh sẽ lần lượt nhập vào thanh đồng; tuy nhiên có rất ít thanh đồng hầu đủ 36 giá do tính chất thời gian. Do vậy, người ta thường chỉ hầu 6, 9, 12 giá tuỳ theo căn mệnh của họ.

 

– Trình tự của một giá đồng:
  1. Thay Lễ phục
  2. Dâng hương hành lễ
  3. Lễ Thánh Giáng
  4. Múa đồng
  5. Ban lộc và nghe Văn chầu
  6. Thánh thăng

 

3. Trang phục
Trong một giá chầu, trang phục đẹp sẽ tạo nên sự thăng hoa cho thanh đồng cũng như những người tham dự buổi lễ. Mỗi giá chầu sẽ có một bộ trang phục quần áo riêng, kèm theo các phụ kiện như mũ, khăn, trang sức cầu kỳ. Xuất xứ và tích truyện về mỗi vị khác nhau nên các bộ y phục cũng được thể hiện theo nhiều hình thức khác nhau:

 

3.1. Theo màu sắc: trang phục phải phù hợp với từng phủ:
– Miền trời, tượng trưng bằng màu đỏ (Thiên phủ):

 

Trang phục miền trời (Ảnh: Hội Nhất Tâm)


– Miền đất là màu vàng (Địa phủ).

 

Trang phục Ông Hoàng Mười (Nguồn: Redsvn)

 

– Miền sông biển là màu trắng (Thoải phủ).

 

Trang phục Chầu Đệ Tam (Nguồn: Redsvn)

 

  – Miền rừng núi là màu xanh (Nhạc phủ).

 

Trang phục Cô Bé Thượng Ngàn (Nguồn: Redsvn)

 

   – Ngoài ra, màu đen có xuất hiện nhưng là yếu tố phụ và những màu trung gian: chàm, lam, lục, tím.

  3.2. Theo từng giá:

 

   3.2.1. Chầu Bà: Thường rất phong phú và đa dạng, tùy từng vùng mà khác nhau. Trang phục thêu phượng, hoa may theo lối 5 thân hoặc áo tứ thân xẻ giữa, mặc quây. Các Thánh Bà cổ đeo chuỗi hạt, đeo diều sây, bụng thắt đai lụa. Tai đeo trang sức vàng bạc hình phượng. Tay đeo vòng vàng, đầu cài trâm, chân đi hài phượng. Với các Thánh bà vùng sơn cước cổ đeo kiềng, tai đeo khuyên tròn đều bằng bạc, đai lưng dắt dây xà tích có ống bạc vôi trầu, dao bài, ống thuốc.

 

Trang phục Chầu Bà Đệ Nhị (Nguồn: Văn Hiến Việt Nam)

 

   3.2.2. Quan Lớn: Trang phục uy nghi, đẹp đẽ giống trang phục các vị quan trong triều. Thường là áo dài 5 thân, thêu rồng, thêu hổ phù (hình rồng nhìn thẳng), hoặc thêu bối tử vuông trước ngực. Vai vắt mạng chéo, đầu đội khăn xếp đỏ gắn nét thêu rồng chầu mặt nguyệt theo màu áo, đeo thẻ bài ngà ghi hiệu tôn quan hoặc ghi chung Ngũ vị Vương Quan. Đầu búi tóc có cài trâm và lược theo lối nam thần. Có đai quanh bụng bằng  lụa hoặc đai hộp. Các Quan lớn không đeo kiềng, khánh, chuỗi hạt.

 

Trang phục Chầu Quan Đệ Ngũ (Nguồn: Sống Mới)

 

3.2.3. Quan Hoàng: Trang phục khăn áo Hoàng  gần giống trang phục các Quan Lớn. Giống ở chỗ áo dài cài vạt chéo, màu sắc tuân thủ theo 4 phủ, còn khác là ở mẫu đồ họa thêu, các ông Hoàng thêu ổ ngũ phúc (rồng tròn). Họa tiết hoa văn “Phúc – Lộc – Thọ”, theo hình tròn 3 lớp: lớp trong thêu hình chữ “Thọ” bằng chỉ màu xanh, lớp giữa thêu hoa dây xen bốn con bướm chỉ ngũ sắc, lớp ngoài cùng thêu 6 con dơi  xen hình hoa lá. Những hình thêu này phân bố đều khắp trên 2 thân áo trước sau và 2 tay áo. Đầu chít khăn nét ngang thêu rồng, đuôi nét thả phía sau. Búi tóc cài trâm, giắt lược theo lối nam thần. Vai vắt 2 mạng chéo thêu rồng mặt nguyệt.  Cổ đeo kiềng có kim khánh đồng tiền, phía dưới đính dây kim tằng. Bụng thắt đai thêu hay dải lụa,, bên sườn có bầu rượu túi thơ, tay đeo vòng vàng, chân dận hài thêu. Khi người hầu là nữ trong giá ông Hoàng thì cài thêm 1 hoặc 2 trâm và không đeo đai chéo vai như đồng nam.

 

Trang phục hầu Ông Hoàng Mười (Nguồn: Tứ Phủ)

 

3.2.4. Thánh cô: Thuộc hàng đặc sắc, mỗi cô lại có nét trang phục khác biệt: Màu sắc trang phục các giá hàng Cô cũng có những biến thể: bổ sung các những màu trung gian: chàm, lam, lục, tím là màu kim chi đôi nước ở các giá hàng Cô. Cô Thiên phủ không xử trang phục màu đỏ mà chuyển sang màu hồng, Cô Nhạc phủ màu xanh chuyển sang màu tím hoặc xanh sĩ lâm, xanh lơ, xanh hoa lý).

 

Trang phục hầu Cô Chín Giếng (Nguồn: Đạo Mẫu Việt Nam)

 

3.2.5. Thánh cậu: Gồm một áo dài trắng bên trong, bên ngoài khoác một áo gi-lê may cầu kỳ. Cậu nào hầu ông Hoàng nào thì mặc trang phục có màu sắc giống màu đó. Khi giáng đồng, Cậu mặc trang phục, đầu buộc khăn, hai bên cài hoa, chân quấn xà cạp, đi giày thêu trông trẻ thơ và ngộ nghĩnh. Các Cậu sử dụng các trang sức như: hai vòng tay bằng bạc đính 5 lục lạc vòng cổ bằng bạc có đính khánh bạc tròn, nối liền 1 khánh khắc hình quả hạnh, dưới cùng là 3 lục lạc tròn.

 

Mô tả trang phục hầu Cậu Cả Thượng Thiên (Nguồn: tamlinh.org)

 

3.2.6. Theo thanh đồng:

Trước kia, khi vải vóc và trang sức còn thiếu thốn và khan hiếm thì trang phục Hầu Đồng cũng rất đơn giản. Người trình đồng khi ra đồng chỉ cần mua một tấm khăn vải đỏ cùng một chiếc áo bản mệnh màu đỏ. Cả khăn cả áo không cần thêu hoa lá hay rồng phượng, thậm chí chiếc khăn nhỏ chỉ đủ để che đầu. Khăn áo bản mệnh khi trình đồng sẽ được các thánh về chứng, đồng thời áo bản mệnh sẽ đi theo người thanh đồng đến khi mất.

 

Sau này, Chầu Văn phát triển, người ta có sắm thêm 4 chiếc áo đại diện cho 4 phủ. Dần dần, xã hội mở cửa vải vóc và trang sức nhập vào nước ta nhiều hơn, rẻ hơn nên các vị thanh đồng sắm sửa mỗi vị thánh một trang phục riêng biệt và rất nhiều các đồ trang sức làm đẹp cho Thánh. Đặc điểm nổi bật: hình tượng văn hóa được đúc kết từ nhiều dân tộc, nhiều thế hệ của người Việt. Trước khi sử dụng, người hầu phải làm lễ trình khăn áo và mỗi lần ngự áo đều phải khai uang bằng hương. Tính thiêng này thể hiện rất rõ trong cách ứng xử của các ông đồng, bà đồng với những bộ trang phục Hầu Đồng.  Khăn chầu áo ngự bao giờ cũng được để riêng nơi trang trọng, tuyệt đối không bao giờ được đem ra mặc trong sinh hoạt đời thường, không dễ dàng cho người lạ xem, mượn, chụp ảnh, quay phim. Trang phục Hầu Đồng thay đổi theo năm tháng về kiểu dáng, cách thêu, chất liệu vải… Ngày nay trang phục trong nghi lễ lên đồng không đơn giản như xưa, mà xu hướng phức tạp, cầu kỳ. Các ông đồng, bà đồng đều sắm cho mình đầy đủ các bộ trang phục dành cho một vấn hầu. Thậm chí có vị có nhiều bộ trang phục, bộ dùng cho ngày lễ thường, bộ dùng riêng cho những dịp đại lễ.

 

ĐẠO VŨ, VŨ ĐẠO, NGÔN NGỮ

1. Đạo cụ: Đạo cụ là một phần không thể thiếu trong nghi lễ Hầu Đồng:

  1.1. Đao, kiếm, gậy:  

     – Đao và kiếm thường dùng để trong giá hàng quan để thể hiện sức mạnh. Múa kiếm, múa đao không được chỉ vào công đồng, không được cứa cổ mình.

     – Gậy được dùng trong giá các ông Hoàng (cũng là một thứ vũ khí, nhưng là vũ khí mang tính ma thuật).

 

Một bộ đao, kiếm, gậy Hầu Đồng (Nguồn: Đồ thờ Khải Minh)

 

1.2. Quạt: Đạo cụ được sử dụng nhiều nhất: 

     – Dẻ quạt thường làm bằng tre, nứa, gỗ,… cánh quạt được làm bằng giấy bản truyền thống.

     – Dùng để múa đồng, đề thơ, giáng bút, đồng thời ngăn cách giữa thế giới trần tục với thế giới linh thiêng. 

     – Khi hành lễ, chiếc quạt vừa là đạo cụ vừa là vật linh có phép thiên biến vạn hoá. Chiếc quạt có vai trò mở lối cho thầy cúng cùng đoàn âm binh vượt qua các cản trở để đưa lễ vật lên trời cúng các vị thần linh trong công việc cứu nhân độ thế.

 

Chiếc quạt trong lễ mở phủ (Ảnh: Tuấn Trần – Đạo Mẫu Việt Nam)

 

1.3. Gối:

     – Được gọi là gối vỗ, luôn được đặt ở vị trí bên cạnh người ngồi Hầu Đồng

     – Ngoài chức năng để tựa, gối còn thể hiện quyền lực của nhà quan, khi thanh đồng hưng phấn thường vỗ gối “ha” và tán thưởng,…

 

Một loại gối Hầu Đồng (Nguồn: Đồ thờ Việt)

 

Một loại gối vỗ Hầu Đồng (Nguồn: Đồ Thờ Phú Gia Hưng)

 

2. Vũ đạo:

Múa đồng là một hình thức diễn xướng đã được cách điểm hoá, khẳng định sự ứng nhập của thần linh. Bởi vậy, động tác múa khác nhau theo từng vị thánh. Dẫu vậy, nhìn chung, các động tác ít nhiều chịu ảnh hưởng của chèo và vũ điệu dân gian. Mỗi động tác múa trong các giá chầu phản ánh con người thật của các vị thánh giáng đồng. Khi thực hiện, ông Đồng bà Cốt sử dụng một số đạo cụ như: đao, kiếm, gậy, mái chèo, quạt hay cờ… Trước khi sử dụng lễ cụ, Thanh Đồng bắt chéo hai dụng cụ lên trước trán, sau đó cúi đầu làm lễ. Khi múa xong một giá, người Hầu Đồng lại bắt chéo hai đạo cụ lên trước trán để tạ lễ.

 

3. Ngôn ngữ:

Danh xưng của các giá: Các vị thánh khi về đồng thường xưng là “ta”, ngoài ra ứng với các hàng khác nhau còn có thể xưng theo các cách khác nhau. Ví dụ: Đức Ông Trần Triều xưng: đức ông, ông; hàng Quan Lớn xưng quan lớn, vương quan, quan; hàng Cô xưng: cô,… 

Giọng điệu các giá: Tương ứng với từng hàng Thánh mà giọng điệu hát truyền cũng khác nhau:

  – Đức Ông Trần Triều, hàng Quan Lớn, ông Hoàng: giọng điệu oai nghiêm mang phong thái cổ xưa của các quan thời phong kiến.

  – Hàng Chúa, thánh Chầu: giọng điệu khoan thai, đĩnh đạc.

  – Hàng Thánh Cô: yểu điệu, dịu dàng đôi khi chanh chua, đành hanh,… tuỳ theo quan niệm về tính cách từng vị Thánh.

  – Hàng Thánh Cậu: giọng điệu ngọng nghịu, nghịch ngợm của các bé trai.

 

 

GIÁ TRỊ VÀ Ý NGHĨA NGÀY NAY

Mọi người thường nghĩ hát Chầu văn sẽ gắn liền với những sự tích các Thánh Thần, những giá trị tâm linh mà nó đem lại, được thể hiện ngay từ sự ra đời…. Tuy nhiên gắn với ngày nay, hát Chầu văn lại có những giá trị thiết thực và nhân văn. Ngày nay, các nghệ nhân hát Chầu văn đã ứng dụng nghệ thuật này vào đời sống 1 cách rất hiệu quả. Cụ thể, trên những làn điệu chầu văn quen thuộc, họ đưa những câu từ thể hiện những vấn đề quen thuộc diễn ra hàng ngày nhằm ngợi ca, cầu may mắn, khuyến khích nhân dân trong quá trình lao động và sinh hoạt…. 

 

Chầu Văn có xuất phát điểm khá đặc biệt so với các loại hình nghệ thuật khác: gắn liền với tín ngưỡng. Bởi vậy, đôi khi, người ta thường lảng tránh nghe Hát Văn do quan niệm đây là loại hình cực đoan. Thế nhưng, vốn dĩ, mục đích nguyên thuỷ sơ khai, đó chính là: đem lại giá trị tinh thần cho con người. Rõ ràng rằng, dù ít dù nhiều, Chầu Văn vẫn đang thể hiện tốt vai trò của nó trong xã hội. Không chỉ là những bản Chầu Văn khuyên con người hướng thiện:

 

“Thương người, hiếu mẹ, kính cha

Thương người vì nước, vì nhà vì dân.”

 

Mà giờ đây, Hát Văn còn đem đến những màu sắc mới lạ, những góc nhìn đặc biệt hơn đến cho thính giả. Nó hoà nhập nhưng không hoà tan: 

 

“Cùng nhau quét sạch vòng vây,

Covid 19 nó lây lan toàn cầu

Trước tiên phải sát khuẩn thật kĩ

Sau nên tránh những chỗ đông người

Đừng đi du lịch bốn phương trời

Đừng đi du lịch bốn phương trời làm cho mình khổ”

(Thế Hoàn – Hát Văn Cô Vy)

 

Đến bày tỏ sự kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh:

 

“Chúng con nhớ Bác…Bác ơi

Gió ngân câu hát ru lời Bác khuyên

Làng Sen tựa đất Nam Đàn

Hồn thiêng sông núi đã sinh ra Người”

(Tháng Năm nhớ Bác)

 

Hay ca ngợi quê hương, đất nước:

 

Ngước trông lên trời xanh bát ngát

Nhìn xa vời…rào rạt biển Đông

Một vùng non nước mênh mông

Rừng xanh núi biếc sông Hồng phù sa”

 

Từ đó giúp nhân dân cảm thấy thoải mái, yên tâm, an lành để tiếp thêm động lực tích cực cho xã hội ngày càng phát triển…

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Ngô Đức Thịnh (2019) – Đạo Mẫu Việt Nam

2. Ngô Đức Thịnh (1992) – Hát Văn

3. Nguyễn Thị Châm (2018) – Đưa hát chầu văn vào hoạt động ngoại khóa âm nhạc cho học sinh trường trung học cơ sở Thanh Mai, huyện Thanh Oai, Hà Nội (Luận văn Thạc sĩ) 

4. Hồ Thị Hồng Dung (2017) – Âm nhạc Hát Văn Hầu ở Hà Nội (Luận án Tiến sĩ)

5. Cục Di sản Văn hoá – Nghi lễ Chầu Văn của người Việt

6. hatvan.vn (2019) – Sơ lược quá trình phát triển Chầu Văn và nghi lễ Hầu Đồng

7. hatvan.vn (2019) – Tìm hiểu về Hát Văn Thờ của người Hà Nội

8. Bùi Hùng Thắng (2016) – Tín ngưỡng Tam Tứ Phủ và thờ Thánh ở Việt Nam

9. Wikipedia tiếng Việt  – Chầu Văn

10. Hội Nhất Tâm – Hát chầu văn là hát gì?

11. Học viện Âm nhạc Quốc gia – Đưa làn điệu Dọc và Xá trong Chầu Văn vào giảng dạy Sáo Trúc tại Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam

12. Trường cao đẳng văn hoá nghệ thuật Việt Bắc (2013) – Nghệ thuật Hát Văn và nghi lễ hát Chầu văn của người Việt Nam