Giới thiệu về Đờn Ca Tài Tử

GIỚI THIỆU VỀ ĐỜN CA TÀI TỬ

Theo bước đường Nam tiến từ Bắc Bộ, Trung Bộ, di dân người Việt chúng ta không chỉ mang theo những công cụ lao động lao động sản xuất, sinh hoạt mà trong mỗi cá nhân còn mang theo những giá trị văn hoá truyền thống đặc biệt, từ lễ nghi, tín ngưỡng cho đến các hình thức, giải trí, văn nghệ, văn hoá dân gian…

 

Trải qua nhiều năm tháng con người định cư, lập nghiệp, các loại hình văn hoá, văn nghệ truyền thống cũng dần có sự tiếp biến, kế thừa và phát triển thành các giá trị mới. Và trên nền tảng đó, một loại hình âm nhạc đã được hình thành, mà âm hưởng của nó vượt cả không gian và thời gian, được đông đảo công chúng đón nhận và trở thành một phong trào rộng lớn. Đó chính là Đờn ca tài tử.

 

NGUỒN GỐC – LỊCH SỬ

Đờn ca tài tử hình thành vào khoảng cuối thế kỉ XIX đầu thế kỉ XX tại Nam Bộ. Khi hưởng ứng theo phong trào Cần Vương, các nhạc sĩ, nhạc quan triều đình nhà Nguyễn đã vào Nam và mang theo nền âm nhạc cung đình, ca Huế là loại nhạc vừa mang tính bác học vừa mang tính nghi lễ có tính lan toả rộng lớn. Khi các nhạc sư dừng chân ở vùng Ngũ Quảng, tiếng đàn, giọng hát xứ Huế đã có sự thay đổi, mang âm điệu hương vị của vùng đất nơi đây.

 

Một đội Nhã nhạc Cung đình Huế xưa (Ảnh: ADAM MUZIC)

 

Các nghệ nhân, nhạc quan cùng phối hợp âm nhạc Huế với các làn điệu dân ca Nam Bộ và nhạc lễ Nam Bộ từng bước chỉnh biên (gần như thoát ly khỏi các âm luật của nhạc lễ cung đình) hoặc sáng tác những bài bản mới để phù hợp, gần gũi hơn với tâm tư, tình cảm phóng khoáng, đời thường của con người nơi này. Khi sinh hoạt âm nhạc này càng được phổ biến rộng rãi, nhạc lễ dần thay đổi đối tượng sang quần chúng lao động và con người bình dân, có thể được biểu diễn giải trí sau những ngày làm lao động vất vả. Do đó mà có những bài bản của Đờn ca tài tử sau này tuy vẫn mang tên những bản nhạc du nhập từ Huế nhưng cấu trúc đã được thay đổi cả về nhịp, điệu và hơi nhạc, được giới mộ điệu yêu thích và truyền bá rộng khắp. 

 

Nhạc tài tử ra đời và có sự phát triển mạnh mẽ, hội tủ đủ yếu tố bác học và dân gian là cả một quá trình xây dựng, sáng tạo không ngừng của con người tại đất Nam Bộ, mà thành phần chủ lực là các nghệ nhân, nhạc sĩ tài hoa. Trong đó có người mang tài năng kiệt xuất được giới đờn ca tài tử sau này tôn là Hậu Tổ của bộ môn nghệ thuật đờn ca tài tử Nam Bộ như có nghệ nhân, nhạc sư của triều đình Huế – Nguyễn Quang Đại (hay còn gọi thầy Ba Đợi), ông Kinh lịch Trần Quang Quờn (thầy kí Quờn) và Nhạc sư Lê Tài Khị (thường gọi ông là Nhạc Khị).

 

Các ông có công lớn trong việc đào tạo các nghệ sĩ, nghệ nhân thế hệ kế tiếp; sáng tác, cải biên và hệ thống hoá các bài bản nhạc tài tử trong những năm tháng sơ khai của loại hình này. Và với sự tiên phong của các nhạc sư nói trên, Đờn ca tài tử cũng bắt đầu trở thành một phong trào bùng nổ rộng khắp khu vực Đông và Tây Nam Bộ. Bắt đầu xuất hiện nhiều ban nhạc cùng tên tuổi các nghệ nhân tài danh với tiếng đờn, tiếng ca làm say đắm khán giả mộ điệu.

 

Một ban nhạc đờn ca tài tử Sài Gòn năm 1911 (Ảnh: Wikipedia)

 

Từ những năm 1911 -1917, Đờn ca tài tử tiếp tục phát triển mạnh mẽ và nảy sinh hình thức “Ca ra bộ”. Năm 1913, ông Trương Duy Toản (1885 – 1957) – một trí thức yêu nước trong phong trào Duy Tân và Đông Du, người rất yêu thích và am hiểu nghệ thuật Đờn ca tài tử, đã dựa theo tác phẩm truyện thơ nổi tiếng “Lục Vân Tiên” của nhà thơ yêu nước Nguyễn Đình Chiểu và bài bản “Tứ Đại Oán” để soạn ra bài “Bùi kiệm thi rớt”. Bài này được biểu diễn thành công bởi ban đờn ca của ông Nguyễn Tống Triều ở Mỹ Tho, gồm: ông Tống Triều chuyên sử dụng đàn kìm, ông Bảy Vô kéo đàn cò, ông Chín Quán thủ cây đàn độc huyền, ông Mười Lý thổi ống tiêu, cô Hai Nhiễu đàn tranh và cô Ba Đắc hát. Cô Ba Đắc được xem là một nữ danh ca nổi tiếng thời ấy thông qua lối hát dậm thêm vài câu hài hước. Lúc này có ông Tống Hữu Định (còn gọi là thầy Phó Mười Hai). Ông là người làng Long Châu, làm phó tổng Bình Long, từng tham gia phong trào Duy Tân, mượn lý do trùng tu văn miếu Vĩnh Long (nơi có thờ các cụ Võ Trường Toản, Phan Thanh Giản và Nguyễn Thông) để phát động cuộc dựng bia với các thân hào nhân sĩ địa phương. Ông cũng đam mê đờn ca, cứ mỗi chiều ông thường mời những người yêu thích nhạc tài tử đến nhà mình chơi, và một lần tình cờ ghé nhà ga Mỹ Tho nghỉ chân, ông Tống Hữu Định có đi xem hát và được nghe cô Ba Đắc diễn ca bài “Tứ đại oán”. Lúc này cô Ba Đắc không ngồi chung dàn nhạc ca mà đứng riêng một mình. Sau khi quay về Vĩnh Long, ông Tống Hữu Định bèn nảy ra ý tưởng cho các tài tử ca ở nhà mình đứng trên bộ ván ca và có ra điệu bộ minh họa (hay còn gọi là Ca ra bộ). Có nghĩa là thay vì một tài tử ca đóng một lúc ba nhân vật Bùi Ông, Bùi Kiệm, Nguyệt Nga trong lớp “Tứ đại oán” Bùi Kiệm mê sắc Nguyệt Nga như ban nhạc tài tử của ông Nguyễn Tống Triều từng làm ở Mỹ Tho, ông Tống Hữu Định đã phân vai cho mỗi người ca một đoạn: kẻ ca đoạn Bùi Kiệm, người ca đoạn Nguyệt Nga, đối đáp nhau vừa ca vừa ra bộ. Do nội dung bài ca có kịch tính lại được biểu diễn khá linh hoạt nên lớp ca được người xem nhiệt liệt vỗ tay hoan nghênh và sau đó ngày càng được phổ biến rộng rãi. Bài ca “Bùi Kiệm thi rớt” đã tạo một dấu gạch nối chuyển dần từ “ca ra bộ” sang hình thức biểu diễn sân khấu hát chập cải lương, rồi hình thành sân khấu cải lương – một loại hình sân khấu kịch hát dân tộc mới mẻ, độc đáo, tiếp nối các nghệ thuật sân khấu hát chèo, tuồng của dân tộc Việt Nam, được mọi tầng lớp khán giả mộ điệu hoan nghênh, và phát triển suốt thế kỉ XX đến nay.

 

 

Ban nhạc tài tử ở Hội chợ đấu xảo Marseille 1906 (Ảnh:   Nam Kỳ Lục Tỉnh)

 

Vào ngày 05/12/2013, phiên họp Uỷ ban liên Chính phủ về bảo vệ di sản văn hoá phi vật thể lần thứ 8 của UNESCO diễn ra tại thành phố Baku, nước Cộng hoà Azerbaijan đã khẳng định Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ của Việt Nam được công nhận vào Danh sách di sản văn hoá phi vật thể đại diện của nhân loại.

 

Video giới thiệu Đờn ca tài tử Nam Bộ được UNESCO đăng tải (YouTube: UNESCO)

 

NỘI DUNG – GIÁ TRỊ CỘNG ĐỒNG

Đờn ca tài tử hay Nhạc tài tử, là một khái niệm chung, chỉ những cuộc trình diễn bao gồm những người đờn, những người ca với những nhạc khí trong dàn nhạc tài tử, và những bài bản trong nhạc mục tài tử. Trong đó, chữ “tài tử” được hiểu là tài năng, những bậc thầy tham gia trình diễn, người đàn thì được gọi là “tài tử đờn” và người ca thì được gọi là “tài tử ca” . Cũng có một số ý kiến cho rằng tài tử có nghĩa là nghiệp dư, nghĩa là hoạt động âm nhạc này chỉ để cho vui nhưng trên thực tế để trở thành một nghệ nhân đờn ca thực sự, những người đờn ca phải có một quá trình học hỏi khá dài và nghiêm túc.

 

Một cuộc chơi đờn ca tài tử lúc nào cũng sẽ có người chơi đờn, người ca với số lượng không bắt buộc. Đôi khi sẽ chỉ thấy có một người nghệ nhân với một cây ghita phím lõm, vừa đàn vừa hát cũng đã là đờn ca tài tử. Ban đờn sẽ bắt đầu so dây, nắn phím cho âm thanh chỉnh chu, sau sẽ bắt đầu khảy những tiếng đờn chậm rãi, không theo cấu trúc một “lồng bản” nào gọi là “rao đờn”, để người hát bắt được nhịp điệu, làn hơi của bài mà mình sẽ hát. Điều đặc biệt, mỗi loại bài đều có cách “rao” khác nhau, như các bài Bắc thì sẽ “rao” theo hơi Bắc, bản Nam thì sẽ rao theo hơi Nam…, người đờn đều cũng có một phong cách “rao” khác nhau, và vì không theo một “lồng bản” nào nên mỗi lẫn rao đều cũng sẽ có sự riêng biệt, nhưng vẫn giữ được cái hơi hướng của mỗi bài bản. Và khi dứt tiếng “rao”, tiếng hát ngân lên hoà cùng tiếng đờn. Để một bài ca hoàn chỉnh, thì không thể thiếu tiếng “song lang” gõ nhịp. Đây được xem là “mực thước” của đờn ca tài tử; người đờn hay người ca đều phải nghe tiếng song lang để giữ nhịp nhàng, và khi nghe tiếng gõ liên tục hai lần thì biết một bài hát đã kết thúc.

 

Các tác phẩm đờn ca tài tử đều dựa trên “lồng bàn ngũ cung”, trên đó ghi những chữ đờn cơ bản được xếp sẵn nhịp nội, nhịp ngoại. Người chơi đờn sẽ phải học thuộc lồng bản, rồi sau đó sử dụng các kĩ thuật đờn như run, nhấn, vỗ,… hay theo tâm tư, tình cảm mà thêm thắt vào đó để tạo ra bản sắc riêng cho tiếng đờn của mình. Nhờ vậy mà người nghe cũng có thể chỉ cần nghe tiếng đờn là có thể nhận biết đó là nghệ sĩ nào. Cũng trên một bài “lồng bản” nhưng lúc này người nhạc sĩ sẽ viết lời cho bài bản đó, để tạo thành một bài ca để hát. Tiếng đàn, tiếng hát sẽ không lúc nào giống nhau y khuôn mà sẽ thay đổi theo tâm tư, tình cảm của người nghệ nhân thể hiện.

 

Không gian của đờn ca tài tử không có sự giãn cách nào giữa người chơi và người thưởng thức nghệ thuật. Cả hai cùng đồng điệu trong từng lời ca, tiếng đờn. Chơi đờn ca tài tử không vì mục đích vụ lợi, mà cốt để thoả sức sáng tạo và là sự thưởng thức nghệ thuật của chính bản thân người nghệ nhân và khán giả mộ điệu. Tiếng đàn nhịp nhàng, tiếng hát ngân nga hoà điệu, người nghe như nuốt từng lời ca, từng âm thanh giai điệu vào tâm hồn mình, để rồi cả người thưởng thức lẫn nghệ sĩ trở thành tri âm tri kỉ.

 

Từ những ngày đầu ra đời (trong giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta) đờn ca tài tử trở thành nguồn động viên tinh thần cho nhân dân trong cuôc̣ chiến chống ngoại xâm, đồng thời kiên cường chống chọi với những trào lưu nghệ thuật, âm nhạc mới từ phương Tây tràn vào.

Còn ngày nay, nhạc tài tử là loại hình nghệ thuật âm nhạc sinh hoạt văn hóa gắn kết cộng đồng, phản ánh tâm tư, tình cảm và phù hợp với lối sống cần cù, phóng khoáng, cởi mở và can trường của người dân Nam bộ. Tình làng nghĩa xóm bắt đầu từ những lời ca, xây dựng nông thôn mới cũng bắt đầu từ đó:

 

“Các chị, các bà vừa xong cơm nước

Anh công nhân từ xí nghiệp mới về

[..]

Tiếng lành đồn xa bà con các phố

Kéo nhau về ngồi kín cả vòng sân[…]

Nhiều đóa hoa tươi cài lên ngực áo

Tiếng cười vui hòa lẫn tiếng vỗ tay

Cuộc sống đẹp, hương đời đang tỏa

Sao giấu được lòng giữa cuộc vui này

Hẹn nhau rồi, tuần tới lại về đây.”

(Đêm ca tài tử khu phố 1 phường 6 – Lê Trọng Sâm)

 

Giá trị của đờn ca tài tử mang lại đó là sự gắn kết của mọi người, kể cả người thể hiện bài hát lẫn người nghe hát. Sau một ngày làm việc căng thẳng, được ngồi cùng nhau hát đờn ca, xua đi cái mệt mỏi của cả ngày làm việc chính là giá trị của đờn ca tài tử mà không thể loại nhạc nào hay hình thức nghệ thuật nào khác có được.

 

Một buổi sinh hoạt Đờn ca giản dị (Ảnh: Làng Việt)

 

Các “nghệ sĩ chân đất” biểu diễn đờn ca tài tử tại một cơ sở du lịch ở TP Bạc Liêu (Ảnh: Biên phòng)

 

Bên cạnh đó, được biểu diễn tại nhiều sự kiện như lễ hội, lễ giỗ và lễ kỷ niệm nên đờn ca còn có mối liên hệ mật thiết với các thực hành và phong tục văn hóa khác, truyền thống truyền miệng và thủ công mỹ nghệ. 

 

HỆ THỐNG BÀI HÁT

Đờn ca tài tử có một lượng bài bản rất phong phú và đa dạng. Ngoài việc sử dụng một số bài bản trong nhạc lễ, còn có các bài từ ca Huế, dân ca miền Trung, miền Nam, và một lượng lớn do các nghệ nhân bậc thầy sáng tác và cải biên. Một số bài nổi tiếng được nhiều người biết đến như: bài Bình Đán của ca Huế phát triển thành Bình Bán Vắn trong nhạc tài tử, Lưu Thủy của Huế cải biên thành Lưu Thủy Đoàn, Kim Tiền Huế thành Kim Tiền Bản…

 

Nhưng sự cải biên, sáng tác này dựa vào đâu?

 

Cuối thế kỷ 19 và đầu thế kỷ 20, tại Nam Bộ đã có 2 nhóm nhạc Tài Tử tranh đua nhau quyết liệt về sáng tác bài bản để thu hút môn đệ về mình. 

 

Nhóm miền Tây thâu nạp một số bài bản có sẵn và đồng thời sáng tác mới nhưng vẫn giữ nguyên vẹn phương thức, âm tiết của nhạc miền Trung. Do đó các sáng tác của nhóm này mặc dầu có nhiều nhưng giới chơi nhạc Tài Tử không hưởng ứng.

 

Còn nhóm Nhạc Miền Đông vẫn tôn trọng nguyên tắc truyền thống nên không chủ trương sáng tác nhiều bài bản mà chỉ sắp xếp chung một số bài tiêu biểu có cùng hơi điệu. Sự sắp xếp này đã hình thành 4 loại bài bản tượng trưng cho 4 hơi điệu Bắc, Nam, Hạ, Oán. Tuy chỉ gồm có 20 bài bản nhưng đó là 20 bản Tổ đã đại diện đầy đủ hơi điệu đờn ca tài tử. 

 

Bấy lâu, giới ca nhạc tài tử ít chú ý tới việc phân biệt cung, điệu , giọng, hơi…nhưng từ khi hệ thống 20 bản Tổ xuất hiện thì giới chơi nhạc tài tử muốn tranh đua, thách thức nhau đều mang 20 bài bản thuộc 4 hơi điệu này ra làm căn bản để so tài. 20 bài bản này cũng với 72 nhạc cổ khác (được ông Nguyễn Văn Thịnh thường được gọi là ông Giáo Thịnh – một nhạc sư có uy tín tại Sài Gòn đã đúc kết và phổ biến năm 1945) chính là “nguồn” để các nghệ sĩ sáng tác, cải biên.

 

Các bài bản Tổ gồm có 20 bài chia ra thành 4 nhóm:

 

– Sáu bản Bắc, đại diện cho điệu Bắc mang diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng là: Lưu Thủy Trường, Phú Lục Chấn, Bình Bán Chấn, Cổ Bản Vắn, Xuân Tình Chấn và Tây Thi Vắn.

– Ba bản Nam, đại diện cho điệu Nam diễn tả sự an nhàn, thanh thoát là: Nam Xuân, Nam Ai, Nam Đảo (Đảo Ngũ Cung).

– Bảy bản Nhạc Lễ cũng còn gọi là 7 bài Cò, đại diện cho điệu Hạ dùng trong lễ tế có tính trang nghiêm là: Xàng Xê, Ngũ Đối Thượng, Ngũ Đối Hạ, Long Đăng, Long Ngâm, Vạn Giá và Tiểu Khúc.

– Bốn bản Oán, đại diện cho điệu Oán diễn tả cảnh đau buồn, chia ly là : Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng Cầu tức Phụng Hoàng, Cửu Khúc Giang Nam và Phụng Cầu Hoàng Duyên tức Phụng Cầu.

 

 

Nam Xuân. Trình bày: Nhạc sĩ Văn Môn cùng ban tài tử Quê mẹ

 

Nam Ai. Trình bày: Nhạc sĩ Văn Môn cùng ban tài tử Quê mẹ.

 

Đảo Ngũ Cung. Trình bày: Nhạc Nhạc sư. Nguyễn Vĩnh Bảo – NS. Năm Vĩnh – NS. Hai Thơm

 

Tiếng đàn tri âm 93: Lưu Thuỷ Trường

 

Bài mẫu Phú lục chấn (Bá Nha Tử Kỳ). Trình bày: NSƯT Lê Tứ.

 

Bình Bán Vắn (Mừng xuân mới).

 

Bình Bán Chấn. Trình bày NNDG Bạch Huệ

 

Cổ Bản. Trình bày: NNDG Bạch Huệ.

 

Xuân Tình. Trình bày: Tài tử ca Anh Chàng. Hoà tấu: NSND Bảy Bá (Tranh), NSND Văn Giỏi (Kìm), NSND Thanh Hải (Ghita).

 

ĐẶC ĐIỂM BIỂU DIỄN VÀ NGHỆ THUẬT

Bởi xuất phát từ cung đình do đó đờn ca xưa kia chủ yếu được biểu diễn trong các tư gia hoặc phục vụ 1 số ít khán giả. Tuy nhiên theo thời gian và sức hấp dẫn của dòng nhạc này mà ngày nay đờn ca đã được sân khấu hóa để biểu diễn phục vụ công chúng.

 

a. Nhạc cụ:

Khi biểu diễn nhạc tài tử, các nghệ sĩ thường chú trọng đến sự kết hợp của nhạc cụ có âm sắc khác nhau, ít thấy có sự kết hợp giữa các nhạc cụ cùng âm sắc. Vì thế nhạc cụ trong “Đờn ca tài tử” rất đa dạng, bao gồm đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn kìm, đàn cò, đàn tam, sáo thường là sáo bảy lỗ (phụ họa). Từ khoảng năm 1930 có thêm đàn ghita phím lõm, violin, ghita Hawaii (đàn hạ uy cầm). Loại nhạc cụ này được khoét lõm các ngăn sao cho khi đánh lên nghe giống nhạc cụ Việt Nam nhất (âm cao).

 

Một bộ nhạc cụ trong Đờn ca (Ảnh: Văn hoá Việt Nam)

 

(Từ trái qua) Đàn ghita, đàn đáy, đàn tỳ bà, đàn sến 3 dây, đàn gáo, đàn cò, đàn nguyệt,  đàn tranh (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

 

b. Trang phục:

Vì những người tham gia đờn ca tài tử phần nhiều là bạn bè, chòm xóm với nhau nên thường chỉ mặc các loại thường phục khi tham gia trình diễn. Khi nào diễn ở đình, miếu hoặc trên sân khấu họ mới mặc các trang phục biểu diễn.

 

c. Hình thức biểu diễn:

Ít khi nhạc công độc tấu, mà thường song tấu, tam tấu, hòa tấu. Thường thấy nhất là song tấu đàn kim và đàn tranh, là sự kết hợp giữa tiếng tơ và tiếng sắt, mà theo các chuyên gia thì được gọi là sắt cầm hảo hiệp. Cũng có khi là tam tấu đàn kim – tranh – cò, kim – tranh – độc huyền, tranh – cò – độc huyền mà giới  chuyên gia gọi là tam chi liên hoàn pháp. Nếu một ban nhạc tài tử có 3 nhạc công và 1 ca sĩ thì được gọi là ban tứ tuyệt, nếu có 4 nhạc công và 1 ca sĩ thì được gọi là ban ngũ nguyệt.

 

d. Biểu diễn:

Là một dòng nhạc có xuất phát từ cung đình do đó cách biểu diễn đờn ca tài tử khá đặc biệt và đòi hỏi người nghệ sĩ phải có tài năng, trình độ thực sự.

 

Ngay từ tên gọi đã thể hiện phần nào phong cách chơi nhạc của hình thức nghệ thuật này: “tài tử”. Dàn nhạc thường cùng ngồi trên một bộ ván hoặc chiếu để biểu diễn với phong cách phong lưu thảnh thơi, lãng đãng. Ngoài ra, khán giả cũng có thể cùng tham gia thực hành, bình luận và sáng tạo.

 

Người thực hành đờn ca tài tử gồm: người dạy đàn (thầy Đờn) có kỹ thuật đàn giỏi, thông thạo những bài bản cổ, dạy cách chơi các nhạc cụ; người đặt lời (thầy Tuồng) nắm giữ tri thức và kinh nghiệm, sáng tạo những bài bản mới; người dạy ca (thầy Ca) thông thạo những bài bản cổ, có kỹ thuật ca điêu luyện, dạy cách ca ngâm, ngân, luyến,…; người đờn (Danh cầm) là người chơi nhạc cụ và người ca (Danh ca) là người thể hiện các bài bản bằng lời.

 

Thầy Đờn dạy cho một thành viên mới của CLB (Ảnh: TTXVN)

 

e. Đặc điểm nghệ thuật:

Đờn ca tài tử Nam Bộ bao gồm Đờn và Ca. Để tạo nên những bản đờn ca hay, cuốn hút lòng người cần có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa cả đờn và ca.

 

– Đờn: Ở đây chỉ các loại đàn đa dạng trong Đờn ca

– Ca: Là ca theo bài bản có sẵn, người viết chỉ dựa vào đó mà đặt lời ca sao cho phù hợp với âm nhạc. Người học ca (đơn ca, song ca) học những bài truyền thống, rồi trên cơ sở đó sáng tạo cách nhấn nhá, luyến láy tinh tế theo nhạc điệu và lời ca của bài gốc cho phù hợp với bạn diễn và thẩm mỹ cộng đồng.

 

Đó chính là điểm đặc biệt của hình thức nghệ thuật này. Đờn ca tài tử thường được biểu diễn ngẫu hứng, dựa trên bản nhạc gốc truyền thống, người hát cải biên đi theo cách riêng của mình. Sự khác biệt này khiến cho người nghe luôn cảm thấy mới lạ dù nghe cùng một bài.

 

Giáo sư, Tiến sĩ Trần Văn Khê và Nghệ sĩ Hải Phượng ngẫu hứng với đàn tranh và đàn kìm

 

Một buổi trình diễn của nhóm Đờn ca Quê Mẹ

 

“Tương Tư Ngự” của Nghệ sĩ ưu tú Kim Thanh

 

Phần hay nhất trong tài tử là ở phần rao của người đàn và nói lối của người ca. Người đàn dùng rao – người ca dùng lối nói – để lên dây đàn và gợi cảm hứng cho bạn diễn và người thưởng thức. Ngoài ra khi trình diễn các nghệ sĩ có thể dùng tiếng đàn của mình để “ đối đáp” hoặc “thách thức” với người đồng diễn tạo sự sinh động và hấp dẫn của dàn tấu. Đây cũng là điểm mới lạ cuốn hút trong nghệ thuật đờn ca tài tử.