Triển lãm: 13 trò Rối Nước dân gian

TRIỂN LÃM: 13 TRÒ RỐI NƯỚC DÂN GIAN

Rối Nước được ‘sinh ra’ từ sinh hoạt đời thường bình dân, mang theo bao nhiêu tâm tư, tình cảm của con người Bắc Bộ xưa dành cho thiên nhiên và cuộc sống. Bởi vậy, có thể nói Rối Nước là ‘kho tàng’ lưu trữ những hình ảnh tượng trưng sinh động cho người dân xưa: cho dù cuộc sống lao động có vất vả, nhiều khó khăn nhưng vẫn luôn lạc quan, hồn hậu và yêu đời, vẫn gìn giữ và tìm niềm vui trong các hoạt động lễ hội dân gian, vẫn có những tín ngưỡng tâm linh vô cùng phong phú.

Để thể biểu diễn và truyền tải những nội dung, Rối Nước sử dụng các tích trò. Tích ở đây là những điển tích, điển cố văn học hay lịch sử được lưu truyền qua thời gian và được biết đến rộng rãi trong người dân; còn trò là việc sử dụng những nhân vật, hình ảnh và cách thể hiện lặp đi lặp đi lặp lại để diễn tả các tích. Các tích trò Rối Nước quen thuộc như có thể được tìm thấy ở nhiều buổi diễn ở các phường Rối Nước khác nhau trên cả nước, đều hướng đến diễn tả lại đời sống văn hoá và lao động đầy màu sắc của người Bắc Bộ xưa.

Play Video

Tễu giáo trò

Mở đầu cho các buổi biểu diễn Rối Nước luôn là chú Tễu – một người nông dân nghèo nhưng lực điền, thật thà, chất phác, hồn hậu và hóm hỉnh. Chú Tễu chào hỏi, chúc sức khoẻ bà con, và dẫn chuyện, đem lại không khí vui tươi, nhộn nhịp cho khán giả. Đồng thời, chú còn tự sự, đả phá quan lại tham nhũng, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội. 

Play Video

Chăn trâu - Cày cấy - Xay lúa

Những hình ảnh cùa người nông dân Bắc Bộ xưa gắn liền với nông nghiệp, với con trâu, cánh đồng lúa, những cối xay gạo luôn được thể hiện chân thực qua các Rối Nước. Qua đây, ta thấy được sự chăm chỉ, cần mẫn cũng như tinh thần lao động hăng hái, lạc quan của những người nông dân ẩn mình trong các làng quê bình yên ngày xưa.

Play Video

Đánh cáo bắt vịt - Bắt cá

Ngoài những cánh đồng lúa nước, cuộc sống con người xưa còn gắn liền với các ao làng và các dòng sông – nơi họ tăng gia sản xuất với những nghề như chăn vịt, bắt cá. Không chỉ thể hiện hoạt động sinh hoạt này, Rối Nước còn cho thấy những khó khăn mà người nông dân gặp phải do các yếu tố tự nhiên bên ngoài (ví dụ như con cáo mà đôi vợ chồng nhà nông phải ‘đối mặt’ trong trò Đánh cáo bắt vịt).

Play Video

Thi bắt vịt - Đua thuyền

Những trò chơi dân gian, những hoạt động thi đua là một phần không thể thiếu trong các lễ hội của người dân Việt xưa – đây cũng là một trong những đề tài biểu diễn chính của Rối Nước. Qua các trò rối như thế, ta thấy được đời sống  sinh hoạt dân gian sôi động, nhộn nhịp và phong phú của nhân dân thời bấy giờ. Những con rối khắc hoạ những chàng trai lực điền còn thể hiện sức khoẻ thể chất và sức sống tinh thần dồi dào của con người xưa.

Play Video

Lê Lợi trả gươm (Sự tích Hồ Gươm)

Tích trò này tái hiện lại sự tích Hồ Gươm – một thắng cảnh đẹp của Hà Nội ngày nay. Truyền thuyết kể rằng, người anh hùng Lê Lợi trong một lần dạo chơi trên hồ được thần rùa Kim Quy hiện lên ban cho thanh gươm thần để đánh giặc. Sau khi dẹp xong giặc Minh, vua đi thuyền dạo chơi trên hồ, thần Kim Quy lại hiện lên lấy lại gươm thần. Từ đó Lê Lợi đã đặt cho hồ cái tên Hồ Gươm hay Hồ Hoàn Kiếm.

Play Video

Múa Lân - Múa Rồng

Lân và Rồng là hai con vật linh thiêng trong tứ linh theo quan niệm của người Việt xưa. Có 2 trò Múa Lân: một trò tái hiện hình ảnh con người vui chưa múa lân trong lễ hội, một trò khắc hoạ 2 chú Lân uyển chuyển chơi đùa. Trò Múa Rồng gồm 2 chú Rồng phun nước thoắt ẩn thoắt hiện, là biểu trưng cho sức mạnh và quyền uy, sự cao quý tốt đẹp, thăng hoa và thịnh vượng. 

Play Video

Múa tiên

Múa tiên có liên quan đến truyền thuyết Con Rồng – Cháu Tiên, được coi là tổ tiên của người Việt. Trò múa này thể hiện hình ảnh các nàng tiên – một biểu tượng cho sự hiền từ, nhẹ nhàng, thanh thoát, và bất tử. Qua đây, con người thể hiện ý nguyện được sống một cuộc sống thánh thiện, thanh bình, ít phong ba bão táp.

Play Video

Múa tứ linh: Long, Ly, Quy, Phụng

Đây là điệu múa thể hiện 4 linh vật thiêng liêng trong tín ngưỡng của người dân Việt xưa: Long (Rồng), Ly (Lân/Kỳ Lân), Quy (Rùa) và Phụng (Phượng). Trò rối nước này như một quần vũ, hội tụ của của con vật tượng trưng sức mạnh, sự quyền uy, quí phái, sự trường tồn và thịnh vượng mà con người xưa tôn thờ, hướng đến.