Triển lãm: Quá trình phát triển của Xẩm

TRIỂN LÃM: QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN CỦA HÁT XẨM

Thế kỷ IV: Xẩm ra đời

Tính đến nay Xẩm đời được hơn 700 năm. Tham khảo từ các nguồn tài liệu nghiên cứu cho thấy, nghệ thuật hát xẩm xuất hiện từ sớm, có thể được hình thành khoảng thế kỷ thứ 14. Những nghệ nhân trong “làng xẩm” vẫn truyền tai nhau truyền thuyết về ông tổ nghề xẩm. Tương truyền, vua Trần có 2 hoàng tử là Trần Quốc Toán và Trần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại, chọc mù mắt và bỏ giữa rừng sâu. Trong một lần ngủ mơ, Trần Quốc Đĩnh mơ thấy bụt dạy ông cách làm đàn từ vỏ quả khô và dây rừng. Tỉnh dậy, Trần Quốc Đĩnh mầy mò làm theo hướng dẫn và thật kỳ lạ, cây đàn vang lên những âm thanh tuyệt vời. Những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm đến và đưa ông về.

Thời điểm lưu lạc ở dân gian, Trần Quốc Đĩnh đã dạy đàn cho người nghèo, người khiếm thị, giúp họ có được niềm vui và cách kiếm sống. Tiếng đồn về tài năng âm nhạc của ông lan đến tận hoàng cung. Nhà vua cho vời ông vào cung hát và cha con nhận ra nhau. Tuy đã trở lại cuộc sống cung đình, nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục dạy mọi người đàn hát kiếm sống. Sau này, hoàng tử Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ của nghề hát xẩm.

Hàng năm, để ghi nhớ công ơn của ông, những người hành nghề hát xẩm đã lấy ngày 22/2 và 22/8 âm lịch là ngày giỗ tổ nghề hát xẩm.

Cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX: Thời kỳ thịnh vượng của Xẩm:

“Xẩm” cũng còn được dùng để gọi những người hát Xẩm – thường là người khiếm thị đi hát rong kiếm sống. Và điều này đã khiến, hát Xẩm trở thành là một nghề kiếm sống. Mọi người biết đến Xẩm như loại hình ca nhạc đa số được biểu diễn ở nơi đông người qua lại, đường phố, gốc đa, bến nước, sân đình… chứ rất ít được biểu diễn ở những sân khấu lớn. Trên thực tế, hát Xẩm là thể loại âm nhạc dân gian với lối diễn xướng độc đáo, gắn bó với con người Việt Nam, đặc biệt là với cuộc sống dân dã, thị thành và kẻ chợ. Thời phong kiến, hát Xẩm là tiếng nói về cuộc đời, phản kháng lên án những bất công cường quyền, áp bức, bênh vực thân phận bất hạnh nghèo khổ bị chà đạp. Các nghệ nhân hát Xẩm còn thường xuyên cập nhật những vấn đề mang tính thời sự, đả kích và phê phán những thói hư tật xấu của xã hội đương thời…

Một lượng người hát Xẩm lớn tập trung tại thời kỳ Pháp thuộc. Chủ đề đặc trưng của Xẩm thời kỳ này là tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm, đồng thời vẫn giữ được những chủ đề về cuộc sống con người và xã hội.

Không chỉ phục vụ cho đám đông ngoài xã hội, người nghệ sĩ Xẩm còn sẵn sàng phục vụ theo yêu cầu như trong những dịp hội hè, cưới xin, ma chay, giỗ kỵ. Thậm chí, nhiều khi chỉ đơn giản là “nhờ bác Xẩm đánh tiếng giùm” với cô nàng thôn nữ đang đứng bên đàng… Lời ca trong hát Xẩm không chỉ phong phú về thể loại như ca dao, tục ngữ, thơ của các tác giả nổi tiếng, mà còn rất đa dạng về mặt nội dung. Những ca từ của Xẩm hàm chứa những triết lý, những lời răn dạy đạo lý ở đời.

Những người hát xẩm ở Hải Phòng thời thuộc Pháp (Ảnh: Wikipedia)

Một gánh hát Xẩm thời Pháp thuộc (Ảnh: Bảo tàng Lịch sử Quốc Gia)

Một nhóm Xẩm ở Hà Nội tại “sân khấu” là mảnh sân một ngôi nhà ở nông thôn. Các gánh hát có thể được thuê biểu diễn tại các gia đình khá giả hoặc các sự kiện địa phương. (Ảnh: Báo Mới)

Một lão mù hát Xẩm năm 1940 tại Hà Nội (Ảnh: Redsvn.net)

Thế kỷ XX: Từ thịnh vượng nhất dần đến hậu thịnh vượng

Tới giữa thế kỷ 20, nghề hát Xẩm vẫn còn với các tên tuổi nghệ nhân tài ba, như: Nguyễn Văn Nguyên – tức cụ Trùm Nguyên, Vũ Đức Sắc (Hà Nội); Thân Đức Chinh (Bắc Giang); Nguyễn Phong Sắc (Hải Dương), cụ Trùm Khoản (Sơn Tây), cụ Chánh Trương Mậu (Ninh Bình); cụ Đào Thị Mận (Hưng Yên); cụ Trần Thị Nhớn (Nam Định); Trần Thị Thìn, Nguyễn Văn Khôi (Hà Đông)… và nhiều nghệ nhân khuyết danh khác. Nổi bật nhất trong thời kì này phải kể đến nghệ nhân Hà Thị Cầu – một viên ngọc vô cùng quý báu của nghệ thuật truyền thống nước nhà. 

Lượng người hát Xẩm đông nhất là thời kỳ Pháp thuộc và những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp. Chủ đề đặc trưng của Xẩm thời kỳ này là tinh thần yêu nước, chống giặc ngoại xâm thể hiện trong các làn điệu Xẩm. Song, phổ biến nhất lại là năm 1954 khi Xẩm còn được “thời sự hóa”. Chẳng hạn để hưởng ứng phong trào bình dân học vụ, các nghệ nhân Xẩm đã sáng tác bài hát về lòng yêu nước và trung thành với Đảng. Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, Nhà nước vận động nhiều nhóm hát Xẩm, cử người viết bài hát và đến diễn ở các vùng duyên hải miền Bắc nhằm chống lại phong trào di cư vào Nam do thực dân Pháp lôi kéo. Cùng với sự du nhập của tàu điện vào Việt Nam, Xẩm cũng được những ‘nghệ sĩ mù’ biểu diễn trên các toa tàu như một phương tiện kiếm sống. Các hãng tàu cũng thuê các nhóm hát Xẩm ở các bến tàu để thu khút khách.

Tư liệu ngắn về Xẩm tàu điện (YouTube: Mai Đức Thiện)

Thập niên 60 đến nay

Từ thập niên 60 trở lại đây, do nhiều nguyên nhân khác, đặc biệt là do quan niệm sai lầm nên nhiều người hát Xẩm, các phường Xẩm dần tan rã và không hoạt động nữa. Các nghệ nhân Xẩm tài danh bước dần vào tuổi xế chiều, rồi lần lượt ra đi, vĩnh viễn đem theo các giá trị nghệ thuật đặc sắc mà họ đã từng lưu giữ và thực hành. Đời sống xã hội của nghệ sỹ Xẩm không còn, nghệ thuật hát Xẩm đã bị lãng quên, tưởng như đã thất truyền.

Trước sự mai một đó, thế hệ ngày nay đã có nhiều chương trình bảo tồn và phát huy loại hình nghệ thuật độc đáo này. Cho đến ngày nay, mặc dù có nhiều sự gián đoạn, các ngày giỗ tổ nghề Xẩm vẫn có khi được tổ chức vào ngày 22/2 Âm lịch. Không chỉ vậy, nhiều câu lạc bộ Xẩm vẫn hoạt động cho đến ngày nay, nổi bật nhất là nhóm Xẩm Hà Thành, và nhiều chương trình đã được tổ chức để tạo cơ hội cho những người yêu Xẩm được cùng chia sẻ đam mê với nghệ thuật truyền thống. Trong chương trình  ‘Nghệ thuật hát Xẩm: Từ hè đường đến sân khấu’, nghệ nhân dân gian Đào Bạch Linh (Linh Xẩm) đã cho biết: “Bên cạnh những giá trị đặc biệt trong quá khứ, ở giai đoạn hiện nay, môi trường trình diễn xưa đã không còn, thay vào đó là những môi trường trình diễn mới, sân khấu hóa, chuyên nghiệp hóa”.

Chủ đề của Xẩm hiện nay cũng có những thay đổi mới bên cạnh việc giữ vững những giá trị mà trước đó Xẩm đã đem lại cho đời sống tinh thần của nhân dân. Bằng lối biểu diễn độc đáo, Xẩm phản ứng những thực trạng xã hội ngày nay, những vấn đề mà con người hàng ngày phải đối mặt; tuyên truyền, cổ vũ, động viên tinh thần nhân dân chiến đấu không ngừng nghỉ, lan toả những năng lượng tích cực trong xã hội…

Bài Xẩm ‘Tiêu diệt Corona’ của nhóm Xẩm Hà Thành (YouTube: Nhóm XẨM HÀ THÀNH)

Những gánh hát xẩm với đàn bầu cổ, bộ trống mảnh, đôi sênh, bàn phách… được “chiêu dụ” về hát quảng cáo cho hãng tàu Bạch Thái Bưởi (Ảnh: Báo Pháp Luật)

Không chỉ được biểu diễn trên đường phố, Xẩm còn được biểu diễn trên các toa tàu điện ở Hà Nội (Ảnh: Redsvn.net)

Nghệ nhân Hà Thị Cầu hát Xẩm (Ảnh: Nhịp sống Hà Nội)

Nhiều nghệ sĩ ‘lão làng’ trong hát Xẩm Việt Nam hội ngộ tại chương trình ‘Nghệ thuật hát Xẩm: Từ hè đường đến sân khấu’ được tổ chức vào năm 2018 (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Nghệ nhân Dân gian Đào Bá Linh giới thiệu những nhạc cụ trong hát Xẩm trong ‘Nghệ thuật hát Xẩm: Từ hè đường đến sân khấu’ (Ảnh: An ninh Thủ đô)

Nhóm Xẩm Hà Thành (Ảnh: Kinh tế Đô thị)

Giỗ tổ nghề Xẩm tại Hải Phòng năm 2018 (Ảnh: Cổng tin tức Thành phố Hải Phòng)