TRIỂN LÃM: MỘT SỐ ĐIỆU HÒ Ở CÁC VÙNG MIỀN
Hò là một loại hình văn hoá biểu diễn dân gian gắn liền với đời sống của những người dân lao động. Có lẽ bởi vậy mà mỗi điệu hò đều phản ánh vô cùng chân thật những nếp sống, lối lao động cũng như những tâm tư tình cảm của những con người là chủ nhân của những làn điệu đó. Song, ở mỗi nơi, trong mỗi điều kiện lao động khác nhau con người ta lại mang những cảm xúc, những câu chuyện, những bài học về lao động sản xuất khác nhau và điều đó có thể dễ dàng thấy được qua các bài hò với lời ca là tấm gương phản ánh cuộc đời họ. Trường Ca Kịch Viện xin phép được tổng hợp một số thể loại hò khá tiêu biểu và đưa các bạn đọc ghé thăm lần lượt ba miền Trung, Bắc, Nam để cảm nhận rõ nhất sự khác biệt đó!
MỘT SỐ ĐIỆU HÒ MIỀN TRUNG
Hò khoan Lệ Thủy
“Từ biển xanh (Khoan khoan hò khoan)
Đến rừng núi xanh (Khoan khoan hò khoan)
Xinh tươi bốn mùa rộn vang tiếng hò khoan
Lệ Thủy trên dòng sông Kiến Giang dạt dào tình quê”
Trong những câu hát da diết đậm tình quê của bài “Quảng Bình quê ta ơi”, ta đã thấy câu hát của người con nơi này nhắc đến làn điệu Hò khoan Lệ Thuỷ với lời hát như gợi nhắc về những câu hò nơi đây. Vậy Hò khoan Lệ Thuỷ là gì, hãy cùng Trường Ca Kịch Viện ghé qua mảnh đất miền Trung để tìm hiểu nhé!
Đây là loại hình diễn xướng dân gian được người dân hát trong các dịp làm việc tập thể như chèo đò, giã gạo, lễ hội lễ làng,… bên sông Kiến Giang – chảy qua huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình – nên có tên là Hò khoan Lệ Thủy.
Điểm đặc biệt của Hò khoan Lệ Thuỷ là không có giới hạn số người tham gia – cho dù là một người, hai người hay cả một đám đông người lao động đều có thể hò. Khi có một mình thì người nông dân vừa hò cái vừa hò con, nếu có nhiều người hơn thì một người đứng ra làm cái, còn lại hò con phụ hoạ để thể hiện đủ loại nội dung từ trêu tức, đố nhau cho đến nối hơi, nối sức, nối trí. Ngôn ngữ Hò khoan sử dụng rất mộc mạc, giản dị, là lời ăn tiếng nói trong cuộc sống dung dị hằng ngày, tuy đơn sơ mà mang nhiều hàm ý. Những câu hò thể hiện nội dung mang những giá trị về tính nhân văn, tính chiến đấu, về sự bình đẳng trong xã hội không phân biệt chủ – tớ, giàu – nghèo,…
Trải qua nhiều biến cố thăng trầm, loại hình diễn xướng này vẫn giữ được nguyên vẹn quy tắc, niêm luật nghiêm ngặt với tổng cộng 9 mái hò khoan Lệ Thủy, bao gồm: Lỉa trâu, Mái nhài (dài), Mái ruỗi, Mái chè, Mái nện, Mái ba, Mái xắp, Mái hò khơi và Mái hò Nậu xăm. Hò khoan Lệ Thuỷ đã được công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.
Hò khoan Lệ Thuỷ ở không gian sông nước (Ảnh: Báo Phong Nha Explorer)
Tiết mục Hò Khoan tại chương trình giao lưu văn hóa, du lịch Quảng Bình – Hải Phòng (Ảnh: Báo Quảng Bình)
Tiết mục hát về người Đại Tướng của nhân dân và câu Hò Khoan xúc động đến nao lòng vào tối ngày 18/9/2018 tại trung tâm Văn hóa tỉnh Quảng Bình (Ảnh: Báo Người Lao Động)
Hò Thuốc cá của người dân Minh Hóa
Minh Hóa là một huyện miền núi ở vùng Tây Bắc tỉnh Quảng Bình. Đúng như tên gọi, đây là những lời ca của điệu hò trong quá trình người dân tộc Nguồn đi thuốc cá, thể hiện rõ nét đẹp lao động cũng như cuộc sống sinh hoạt của người dân, như người ta vẫn thường hay nói:
Ai lên Minh Hóa quê mình
Điệu hò thuốc cá, thắm tình nước non
Người dân Minh Hóa trước ngày thuốc cá sẽ lên rừng đào rễ cây Tèng rồi mang về ủ chín. Đến ngày thuốc cá, mọi người lấy đá xếp vòng tròn chỗ nước sâu nhiều cá tụ tập, rồi bắt đầu giã thuốc, nước từ rễ cây Tèng làm cá bị say, nổi lên trên, từ đó dễ bắt hơn rất nhiều. Điệu Hò Thuốc cá được hát vang xuyên suốt trong quá trình lao động, có nhịp điệu linh hoạt, khẩn trương theo nhịp giã thuốc làm náo động bầu không khí, vui tươi hơn, xua tan mệt mỏi.
“Giã (đâm) tèng thì giã cho sòng.
Để cho cá chết đầy sông đầy bờ.
Giã (đâm) tèng thì giã cho sòng.
Đến khi chia cá nhớ công đâm tèng.”
Điệu hò này ngoài nói về công việc lao động của người nông dân sau này còn được dùng để giao duyên nam nữ rất tình tứ. Các câu hát đều dễ hát, dễ thuộc, chỉ cần một người xướng lên hò cái là những người xung quanh có thể hò theo phụ họa ngay.
Ngày nay, Hò Thuốc cá được diễn xướng trong các hội hè đình đám với phần diễn xuất gần như được giữ nguyên và nhịp giã Tèng được thay bằng nhịp vỗ tay của dân làng. Hò Thuốc cá đã được Nhà nước công nhận là Di sản văn hoá phi vật thể cấp Quốc gia.
Hò Sông Mã
Hò Sông Mã có ở tỉnh Thanh Hóa với lời ca được viết theo thể thơ lục bát và được hát theo lối truyền thống xướng – xô, đan xen giữa hò cái của một người bắt cái (thường là người cầm lái) với câu hò phụ họa các trai đò đồng thanh hát.
“Vắng cơm một bữa chẳng sao
Vắng em một bữa lao đao cả ngày
Vắng em chỉ một phiên đò
Trầu ǎn chẳng có chuyện đò thì không”
Các điệu hò được thể hiện theo suốt chặng đường đò đi với nhiều sắc thái khác nhau. Khi thuyền bơi ngược dòng nước, người ta thể hiện điệu Hò Đò ngược, sau mỗi câu kể của người bắt cái, các trai đò vừa hát câu xô vừa chống sào đẩy thuyền tiến về phía trước. Khi thuyền xuôi theo dòng nước lặng, người giữ tay lái cất giọng hò các làn điệu Hò Xuôi dòng, bốn trai đò chia ra hai bên mạn thuyền thong thả chèo vừa hòa giọng xô vừa nhịp nhàng giậm chân lên mặt ván một cách khoan thai.
Hò Đò ngược:
“Thuyền tôi ván táu sạp lim
Đôi mạn sang lẻ có chim phượng hoàng.
Tiện đây mời cả bạn hàng
Rửa chân cho sạch vào khoang ta ngồi.”
Hò Đò xuôi:
“Đôi ta như đũa tre non
Khen ai khéo vuốt đũa tròn nên đôi
Đôi ta như đũa tre già
Khen ai khéo tiện đũa đà bằng đôi.”
Các câu hò với nhịp điệu nhịp nhàng, khoẻ khoắn đã thể hiện đúng tinh thần lao động hăng say, lạc quan, trữ tình có tính tập thể cao ở vùng sóng nước đò giang. Nội dung Hò sông Mã phản ánh mối quan hệ mật thiết giữa con người lao động với xã hội và thiên nhiên, đôi khi cũng là những bài học, những kinh nghiệm rút ra khi đi nghề của những người dân ở cực Bắc miền Trung.
MỘT SỐ ĐIỆU HÒ MIỀN BẮC
Hò Cửa Đình
Hò cửa đình có ở thôn Phù Nhiêu – xã Quang Trung – huyện Phú Xuyên – Hà Tây. Cái tên này bắt nguồn từ không gian tổ chức diễn xướng của loại hình này: chỉ diễn ra tại đình và chỉ trong những ngày làng mở hội. Theo nghi nhận được, từ Cách mạng cho đến nay cũng chỉ thấy hò cửa đình lưu truyền trên địa bàn Phú Nhiêu mà chưa có ở một nơi nào khác, nên có thể coi điệu hò nơi đây là “độc nhất vô nhị”.
Hò cửa đình là hoạt động mang tính lễ nghi, tín ngưỡng ở hội làng Phù Nhiêu nên không như các bài hò còn lại – thường là bất kì người dân lao động nào cũng có thể tham gia vào được, chỉ trai đinh tuổi từ 16 đến 39 tham gia trình diễn bài hò này vào ngày làng mở đám, khi tham gia phải ăn vận chỉnh tề theo lệ làng: khăn xếp, áo the, quần trúc bâu trắng. Người hò được chia thành ba nhóm: đầu tiên là nhóm cái; tiếp theo là nhóm lĩnh xướng chia thành ba hàng, mỗi hàng có năm hoặc sáu người là những người có giọng hò tốt và thuộc hết bài hò, khi trình diễn mỗi người sử dụng một đôi xênh bằng tre khô để giữ nhịp; còn lại chia thành hai hàng đứng hai bên để phụ hoạ, mỗi người cầm một dầm bơi chải để múa.
Bài hò cửa đình theo nguyên bản Hán Nôm gồm 517 câu theo thể ba chữ, bốn chữ, sáu chữ, tám chữ, bảy chữ… Mỗi chầu hò phải diễn xướng đủ nội dung ấy theo ba phần: Bài Giáo, bài Hò, bài Khóng. Bài giáo có nội dung chúc tụng vua chúa, chúc tụng đức thành hoàng bản cảnh, chúc tụng mọi tầng lớp nhân dân trong làng và giới thiệu lý do mở hội. Bài hò là phần quan trọng của chầu hò được chia thành hò đình ngoài và hò đình trong với nội dung ca ngợi chúc tụng thành hoàng làng, ca ngợi quê hương đất nước. Bài Khóng là những lời chúc tụng, cầu mong, ước nguyện cho dân làng khỏe mạnh lễ hội diễn ra tưng bừng, nhộn nhịp.
Trước đây, người tham gia hội giai hò đều rất nghèo, thế nên điệu hò là nơi để họ gửi gắm tâm tư để tiếp thêm tình yêu quê hương, yêu lao động, tin tưởng vào một tương lai tốt đẹp và tràn trề hạnh phúc. Hò cửa đình cầu chúc và ước mong cho già trẻ gái trai; sĩ, nông, công, thương; ngư, tiều, canh, mục… và thậm chí cả những con trâu, con gà đều thịnh vượng. Chính vì vậy, mà mọi người coi hò Phú Nhiêu là một bài sử thi của người dân nơi đây, như GS.TSKH Tô Ngọc Thanh đã nói: “Hò cửa đình quý như một thứ vàng ròng của văn hoá dân gian đồng bằng Bắc Bộ”.
MỘT SỐ ĐIỆU HÒ MIỀN NAM
Hò Cần Thơ
Hò Cần Thơ ra đời trong quá trình lao động sản xuất và đời sống sinh hoạt bình dị của người Cần Thơ, góp vui cho những buổi cày cấy trên đồng, chèo thuyền, chèo ghe trên sông, đóng vai trò đặc biệt trong những buổi hò hội gợi tình, gợi duyên gái trai. “Dân dã”, “duyên dáng” là hai tính từ đặc tả rõ nhất loại hình nghệ thuật dân gian miền sông nước, miệt vườn này. Nói về Hò Cần Thơ, nhạc sĩ Lư Nhất Vũ đã trải lòng rằng: “Giọng hò Cần Thơ âm vang triền miên, bay bổng trải dài đã từng nổi tiếng là một đặc sản lâu đời…”.
Hò Cần Thơ bao gồm các làn điệu Hò mái dài, Hò cấy và Hò huê tình. Các điệu hò này mang những đặc trưng tiêu biểu của hò Nam bộ, đồng thời chúng cũng có những nét riêng: từ cách lấy hơi, ngân hơi, hoặc trong lời kể có ý tứ độc đáo, trữ tình, mang hơi hướng của con người Cần Thơ. Về nghệ thuật, hò Cần Thơ dễ hò, bởi chỉ lướt trên thang 4 âm, như điệu huê tình, tuy giản đơn nhưng có chỗ để người hò mặc sức sáng tạo đưa hơi. Về nội dung, được sản sinh ra trong đời sống lao động sản xuất của nhân dân nơi đây, lời ca của những bài hò này chuyển tải nội dung trữ tình, phản ánh tâm tư tình cảm của người nông dân, cách đối nhân xử thế trong cuộc sống. Chính bởi vậy, điệu hò này mang đậm dấu ấn, hơi thở của những người con miền Tây sóng nước, một đặc trưng văn hoá của Đồng bằng sông Cửu Long. Hò Cần Thơ được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia năm 2019.
Hò Đồng Tháp
Loại hò này được sinh ra ngay chính từ trong cuộc sống sinh hoạt của người dân vùng đất Đồng Tháp từ khi khai khẩn đất hoang. Bài hò thường được chia 3 phần hơi khá rõ: từ tầm trung đến thấp nhất, từ tầm cao đến tầm trung, tầm thấp nhất đến tầm cao nối tiếp với nhau chặt chẽ.
Hò Đồng Tháp có nhiều làn điệu như Hò cấy, Hò huê tình, Hò khoan, Hò bắt xác. Khác với những điệu hò khác, hò Đồng Tháp chỉ hò một mình, là dòng diễn giải tự sự, suy nghĩ tâm tư của con người, đôi khi phê phán, lên án những mặt xấu, cái xấu của xã hội.
Hi vọng rằng là một Di sản văn hoá phi vật thể cấp quốc gia, hò Đồng Tháp sẽ ngày càng được bảo tồn và phát huy hơn nữa để tiếp tục gắn bó với đời sống lao động của người dân mảnh đất Đồng Tháp, lưu giữ lại từng nét cuộc sống của con người nơi đây.
Hò chèo ghe Bạc Liêu
Đây là một làn điệu dân ca của cư dân Bạc Liêu hình thành trên sông nước, trên ghe, trên xuồng, có từ thời khai khẩn đất hoang để từ đó bày tỏ tình cảm sâu sắc tâm tư mình với con người và thiên nhiên.
Hò chèo ghe Bạc Liêu có hai loại là hò đơn lẻ và hò đôi. Hò đơn lẻ hay còn gọi là hò suông. Trong thời kỳ khai khẩn đất hoang giọng hò các dòng hò thường ngược xuôi theo những chiếc xuồng trên những dòng sông như là Bảy Háp, sông Trẹm u Minh, Cái Tàu,… hoặc là rất thịnh hành ở những bến đò ngang và đò dọc. Câu hò có lối hò chậm thường là những câu ca dao lục bát hoặc là lục bát đã biến thể, đậm chất trữ tình với cuộc đời, lao động và thiên nhiên. Lời kế đều có hơi ngân và hơi hò đầu tiên cần phải cao giọng và sau đó ngang giọng hơn một chút. Giai điệu và tiết tấu phải phù hợp với con nước chảy nhanh hay chảy chậm. Sau Cách mạng tháng 8, lối hò đôi mới phát triển, những câu hò cũng không mang tính tự sự đơn lẻ những mà trở thành lời giao lưu tâm tình, trở thành một phần quan trọng trong đời sống sinh hoạt của người dân.
Với sự vắng mặt dần của ghe, xuồng trên các con sông, kênh, rạch ở Bạc Liêu, những câu hò này cũng dần mất đi, chỉ còn lại trong ký ức của người dân lớn tuổi nơi đây. Hi vọng sau khi được khôi phục và bảo tồn đúng cách chúng ta sẽ sớm được lắng nghe làn điệu Hò chèo ghe Bạc Liêu trong tương lai gần sắp tới.
Minh Anh – Đức Hạnh
Tư liệu tham khảo:
Hò khoan Lệ Thuỷ – Di sản văn hoá cấp Quốc gia, báo Phong Nha Explorer.
Tiến Thành (2021) Quảng Bình: “Hò Thuốc cá được công nhận di sản văn hoá phi vật thể”, báo Dân trí.
Hò Thuốc Cá Của Người Dân Minh Hóa – Di Sản Văn Hóa Phi Vật Thể Quốc Gia, báo Phong Nha Tourist.
Hò thuốc cá – làn điệu dân ca đặc sắc của người Nguồn, báo Quảng Bình.
Hò sông Mã, Wikipedia tiếng Việt.
Dân Huyền (2015) “Hò sông Mã” – bài dân ca tiêu biểu của tỉnh Thanh Hoá, báo VOV.
Hò cửa đình và hát múa bài bông, trang thông tin Danh mục kiểm kê Di sản văn hoá phi vật thể.
Hò Cần Thơ – Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia, báo Mekong Delta Explorer.
Hò Cần Thơ, trang thông tin Danh mục kiểm kê Di sản văn hoá phi vật thể.
Hò chèo ghe – Điệu hò sông nước Bạc Liêu, báo Cloudtour.vn