NSƯT CHU LƯỢNG: BẢO TỒN VĂN HÓA RẤT CẦN ĐỀ CAO Ý THỨC

NSƯT Chu Lượng sinh ra và lớn trong một gia đình có cha là một nghệ nhân, một họa sĩ có tiếng của làng nghề sơn mài Chàng Sơn, tỉnh Hà Tây cũ (nay thuộc thành phố Hà Nội). Làng quê thanh bình ấy cũng là một trong những phường rối nước, thắp lên cái duyên hơn 40 năm thăng trầm bảo tồn, trăn trở cùng nghệ thuật rối nước truyền thống của người nghệ nhân.

NSƯT Chu Lượng trò chuyện cùng các bạn thành viên ban Nội dung – Nghiên cứu, dự án Trường Ca Kịch Viện.

Đi tìm nguồn gốc

Thưa chú Chu Lượng, câu hỏi đầu tiên rất đơn giản thôi ạ, xin chú chia sẻ về quá trình hình thành và phát triển Rối nước?

NSƯT Chu Lượng: Nghệ thuật Rối Nước nằm trong bức tranh tổng thể của văn hóa Việt, giống như các loại hình nghệ thuật truyền thống khác như Tuồng, Chèo, Cải lương, Quan họ, … và rất nhiều loại hình biểu diễn dân gian khác. Nhưng Rối Nước lại đặc biệt hơn cả không chỉ vì những đặc trưng của loại hình mà còn bởi những giá trị văn hóa cốt lõi thẳm sâu trong đó, phản ánh, ẩn chứa dòng chảy thời gian của lịch sử dân tộc.

Tôi đã có hơn 40 năm sống và làm việc với rối nước, chứng kiến cả những lúc thăng trầm, vinh quang của bộ môn này.

Về nguồn gốc của nghệ thuật Rối Nước đến nay vẫn còn nhiều tranh cãi. Nhưng dưới góc nhìn của nhiều nhà văn hóa, nhà nghiên cứu cũng như cá nhân tôi, nghệ thuật múa rối ra đời sớm nhất từ thời đại nhà Lý. Ngày nay, chúng ta còn thấy ghi chép đầu tiên về rối nước lưu lại trên bia Sùng Thiện Diên Linh đặt tại chùa Long Ðọi, xã Đội Sơn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam. Bia dựng vào đời vua Lý Nhân Tông năm 1121, có một phần trên văn bia ghi chép việc nhân dân biểu diễn các trò diễn Rối nước để mừng thọ Vua. Thời kỳ này cũng là rất sớm trong tiến trình lịch sử Việt Nam nhưng theo tôi, để có thể xuất hiện và được ghi chép lại vào giai đoạn đó, Rối nước cũng phải có một quá trình hình thành và phát triển từ trước đó rất lâu rồi.

NSƯT Chu Lượng bên bia Sùng Thiện Diên Linh.

(Ảnh: Do nhân vật cung cấp.)

Còn về quá trình phát triển, có thể khẳng định rằng, rối nước của thời xưa hay sau giai đoạn đổi mới vẫn giữ nguyên hệ thống nhân vật cùng các tích trò. Điều này tạo nên tính ổn định hiếm thấy mà các loại hình biểu diễn truyền thống khác không dễ dàng có được.

Đặc trưng rối nước xưa

Rối nước có một quá trình hình thành, phát triển rất lâu dài. Vậy chú có thấy rối nước hiện đại khác nhiều với rối nước truyền thống không?

Theo tôi thì không khác nhau nhiều. Bởi như các bạn có thể thấy, những nhân vật rối được tạo ra đều mang những nét đặc trưng xuyên suốt, nổi bật ở gương mặt thuần khiết, hồn nhiên, trong sáng, vô tư. Bởi rối nước không có bi kịch mà ngập tràn tiếng cười, đi xem rối là chỉ có niềm vui, những trò diễn không mang màu sắc triết lí, chính trị hay hàn lâm nhưng lại vẫn chất chứa triết lí về cuộc sống của con người với thiên nhiên.

Theo chú, quân rối xưa có nét đặc trưng gì?

Có thể nói là đơn giản, bởi khi xưa, dân gian coi nó chỉ là trò chơi. Làm để chơi, hỏng rồi thì thôi nên chất liệu dễ tìm và không quá cầu kỳ.

Về nguyên liệu, quân rối truyền thống không dùng đinh, lim, sến, táu mà dùng gỗ “vô dụng”, gỗ thừa từ quá trình tạo tác thủ công mỹ nghệ. Thường là cây sung, gỗ mỡ, mọc nhiều ở bờ ao, bởi loại gỗ này có đặc tính mềm, xốp, độ co ngót cao. Đưa xuống nước lại rất dẻo, dai, hỏng thì có thể thay thế mà không tiếc.

Về mặt tạo hình, chủ yếu dùng sơn then, màu son của sơn mài truyền thống hoặc sơn thông thường. Sau này khi ổn định rồi, thì mới lên một phong cách cho nhân vật, sau đó khắc từ gương mặt đến phục trang, chủ yếu đục thô rồi sơn, thếp vàng bạc. Cô tiên, rồng, hay cảnh sinh hoạt đồng quê ra đời trước tiên bởi chính những nghệ nhân đầu tiên của rối nước lại là những người tham gia chạm khắc vào các chi tiết hoa văn đình chùa miếu.

Vẫn còn những hạn chế

Không thể phủ nhận rằng, từ sau thời kỳ Đổi mới, Rối nước đã có thêm nhiều cơ hội phát triển. Nhưng chúng ta vẫn chứng kiến nguy cơ mai một của loại hình này, vậy nguyên nhân là do đâu?

Đây là một câu chuyện khó có thể chia sẻ hết. Bởi chúng ta thấy hiện nay, cơ chế kinh tế thị trường len lỏi sang nhiều loại hình văn hóa. Chính sự “chạy theo” lợi ích kinh tế đã khiến cho không ít đơn vị quản lý, nghệ nhân rối nước có xu hướng lệch lạc với truyền thống.

Bạn Trần Vũ (Trưởng ban Nội dung – Nghiên cứu) và NSƯT Chu Lượng.

Làm văn hóa phải có ý thức

Vậy theo chú, các đơn vị quản lý hoặc các bạn trẻ muốn khai thác, tiếp cận văn hóa cần có thái độ như thế nào?

Các cấp quản lý hay nghệ nhân, nghệ sĩ của chúng ta đều có đủ trình độ và nhiệt huyết, điều chúng ta cần xây dựng là một ý thức đúng đắn khi tiếp cận văn hóa, không đánh đổi quyền lợi vật chất với văn hóa truyền thống.

Riêng với các bạn trẻ, tôi thấy rằng sự quan tâm của người trẻ hôm nay, ở cả trong và ngoài nước là một tín hiệu hết sức đáng mừng. Tôi cũng đã có may mắn tiếp xúc để biết rằng người trẻ hôm nay nghĩ gì. Gần đây, có những bạn trẻ kết nối với những người nổi tiếng để quảng bá rồi nước, rồi các đài truyền hình các nước cũng đến ghi hình.

Theo tôi, trước nhất các bạn trẻ cần quan tâm đến việc nghiên cứu, chắt lọc thông tin. Bởi nếu không có một nền tảng tốt, ta khó tránh khỏi những sai lệch trong quá trình truyền thông. Đồng thời, cần có một tâm thế hồn nhiên, cởi mở khi trải nghiệm thực tế các loại hình nghệ thuật truyền thống nói chung và rối nước nói riêng.

Xin cảm ơn chú về cuộc trò chuyện thú vị này!

Thực hiện: Trần Vũ – Khánh Dương – Quang Anh.

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ BUỔI NÓI CHUYỆN:

ĐỌC THÊM

Mở đơn đăng kí tuyển BTC mùa 2

Deadline: 23:59 ngày 18/01/2021 Đối tượng: Độ tuổi 15 – 30 trên địa bàn cả nước Việt Nam Link đơn: https://bit.ly/btctckv2021 ___________ Trường Ca Kịch

Mới cập nhật

Tứ phủ là gì?

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, phổ