Tứ phủ là gì?

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, phổ biến, có lịch sử lâu đời, biến chuyển và thích ứng với sự thay đổi của xã hội Việt Nam. Người ta đến với Mẫu để tìm chỗ dựa về tinh thần, tìm được sự che chở của người mẹ…. Nhưng đôi khi, thấy nhiều, nghe nhiều, một vài người trong số chúng ta lại chưa hiểu hết về tín ngưỡng này.

1. Tứ phủ là gì?

Tứ phủ “四府” là nhánh tín ngưỡng thờ Mẫu tại miền Bắc, đồng thời là nhánh phổ biến nhất của Đạo Mẫu. Tục thờ Mẫu thần, Mẫu Tam phủ, Tứ phủ nhìn chung đều cùng có một nội dung, một hình thức tôn giáo, tín ngưỡng mà ở đó, hình ảnh và vai trò của người mẹ – người phụ nữ được tôn vinh một cách hài hòa.

Tranh Tứ Phủ Vạn Linh.

(Nguồn: Hoạ sĩ Nam Ngọc Đoàn Thành Lộc.)

1.1. Tứ Phủ hàm chỉ bốn phủ quản cai bốn cõi hình thành nên vũ trụ, theo quan điểm của Đạo Mẫu Tứ Phủ:

Tứ [四]: bốn.

Phủ [府]: quan thự, dinh quan (nơi quan làm việc); quan lại.

1.2. Bốn cõi của Tứ Phủ bao gồm:

Thiên: cõi trời, quản cai bởi Thiên Phủ [天府]

Địa: cõi đất, quản cai bởi Địa Phủ [地府]

Thoải: cõi nước, quản cai bởi Thoải Phủ [水府]

Nhạc: cõi thượng ngàn, quản cai bởi Nhạc Phủ [岳府]

Tranh dân gian vẽ Tứ Phủ Thánh Hoàng.

(Nguồn: Four Palaces – Tứ Phủ.)

Đa phần các vị thần thánh trong Tứ Phủ thuộc về một phủ cụ thể, cai quản, quản lý những công vụ thuộc phủ đó. Trang phục của hầu hết các vị có màu sắc tương đồng với phủ của mình.

Theo các cụ đồng cựu của đất Hà Nội xưa kể lại, ban đầu dân gian vốn chỉ thờ phụng Tam Phủ là Thiên phủ – Địa phủ – Thoải phủ. Khoảng đến thế kỷ thứ XV, với sự kiện Lê Lợi được “âm phù, dương trợ” đánh thắng trận Chi Lăng – Xương Giang trong đêm tối và sắc phong Mẫu Thượng Ngàn (Mẫu Đệ Tứ Nhạc Tiên) là Lê Mại Đại Vương hiệu Viết Bạch Anh Chưởng Quản Sơn Lâm Công Chúa, Nhạc phủ đã chính thức được xếp vào hệ thống điện thần của đạo Mẫu, trở thành Tứ Phủ như ngày nay.

Tứ Phủ ra đời đã cho thấy một tinh thần sáng tạo tín ngưỡng trên chất liệu văn hóa truyền thống “rất Việt Nam”. Khác với Nho giáo đề cao người nam mà hạ thấp người nữ, đạo Mẫu Tứ Phủ không chỉ thờ phụng các nữ thần mà trong hệ thống thần điện còn có Vua Cha Ngọc Hoàng, Nam Tào, Bắc Đẩu, Ngũ Vị Tôn Quan, các Quan Hoàng, các Cậu. Thực tế, gọi chung là thờ Mẫu để đại diện cho tinh thần của tín ngưỡng, bởi đây là một tín ngưỡng ngả về người mẹ nhiều hơn. Suy nghĩ của Trung Quốc với đại diện là Nho giáo vốn “trọng nam, khinh nữ”, nhưng người Việt Nam thì rất tôn trọng người phụ nữ, tôn vinh một cách hài hòa mà không bài trừ. Chính vì vậy, đây là tín ngưỡng tiêu biểu cho sự hòa hợp, tri ân, thể hiện truyền thống “Uống nước nhớ nguồn” của dân tộc.

2. Cơ sở hình thành

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ Phủ là một tín ngưỡng nội sinh, đã có từ hàng ngàn năm. Từ thuở xa xưa, người Việt Nam trong tiềm thức nghĩ rằng trên trời và dưới đất đều có những vị thần cai quản nên đã thờ về Thiên phủ, Địa phủ; mong cho trời thì gió thuận mưa hòa, đất thì phì nhiêu, sinh sôi nảy nở để cho nhân dân lao động sản xuất. Đặc biệt, nền kinh tế Việt Nam ta thời xưa chủ yếu là trồng lúa nước, cho nên nước đối với nền sản xuất Việt Nam là rất quan trọng. Có câu “Nhất nước, nhì phân” cho nên thờ về Thủy phủ – tức các vị thần dưới nước. Đồng thời, với địa hình ¾ là đồi núi với nhiều cánh rừng, dân gian cũng ước mong cho không có lam sơn chướng khí, hổ lang thú dữ phá hoại nên thờ các vị thần về Nhạc Phủ.

Mẫu Thượng ngàn – Tranh dân gian Hàng Trống.

(Nguồn: Hoàng thành Thăng Long.)

“Mẫu” là hình tượng, một biểu trưng và là sự kết tinh sống động của đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam. “Mẫu” có sức hấp dẫn đặc biệt, nhưng cũng đặt ra không ít các vấn đề cho nhiều nhà khoa học, nhiều người nghiên cứu quan tâm theo nhiều hướng khác nhau trong toàn xã hội. 

Đến với “Mẫu” không chỉ dừng lại ở việc đáp ứng những nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng thờ Mẫu còn là hiện tượng sinh hoạt văn hóa dân gian phong phú, hấp dẫn có sức lôi cuốn con người. Người ta đến với “Mẫu” còn có cả sự đồng cảm về giá trị văn hóa và góp phần củng cố ý thức cộng đồng của dân tộc Việt Nam.

Từ chính quan niệm sơ khai ấy mà dần dần nhân dân ta mở rộng, khai hoang “thuyết thờ Mẹ”, từ con người ai cũng có mẹ, cho tới ông Trời mặc dù là đấng tối cao, nhưng cũng phải có mẹ; rồi vạn vật trên trái đất này đều có mẹ, tất cả đều phải tuân theo quy luật đó. Và từ những quan niệm đó thì những yếu tố và hiện tượng tự nhiên như: Mây, mưa, nước, núi, đất cũng đã có “mẹ”.

Do vậy, có thể xem thờ Mẫu Tứ phủ chính là một hình thức trong tín ngưỡng sùng bái tự nhiên và cũng đồng thời là một biểu hiện của dạng thức thờ nữ thần nói chung. Hay suy cho cùng, việc tôn thờ nữ thần là cách để nhân thần hóa và tôn sùng lực lượng tự nhiên.

3. Về hệ thống điện thần Tứ phủ:

Ngoài việc phân biệt qua màu sắc đặc trưng của mỗi phủ, hệ thống điện thần Tứ Phủ được xây dựng lớp lang, chặt chẽ giống như mô hình nhà nước từ trung ương đến địa phương.

Trong tranh dân gian tái hiện điện thần Tứ Phủ, hàng trên cùng thường là Quán Thế Âm Bồ tát và hai vị Kim Đồng – Ngọc Nữ. Tuy Quán Thế Âm Bồ tát không thuộc điện thần Tứ Phủ, nhưng Ngài ở hàng đầu tiên, thể hiện tinh thần trượng thừa Phật giáo trong Đạo Mẫu Tứ Phủ. Theo chia sẻ của nhà nghiên cứu Đoàn Thành Lộc: “Đạo Mẫu Tứ Phủ trượng thừa Phật pháp, tức theo phương pháp lánh dữ làm lành, lấy từ bi, trí tuệ làm gốc của nhà Phật. Một số nơi đền phủ có tượng Phật (Bổn Sư, A Di Đà), hoặc cửa miệng của các con nhang, thanh đồng vẫn thường niệm câu A Di Đà Phật, thậm chí tranh dân gian Tứ Phủ còn họa hình Quán Thế Âm Bồ tát. Có lẽ vì hình tướng ấy ít nhiều gợi đến một bậc Thánh Mẫu từ ái, bao dung; là Mẹ Quán Thế Âm trong lòng nhiều Phật tử và tín đồ Tứ Phủ. Bên cạnh đó, lại cũng có thần tích về việc Mẫu Liễu Hạnh được Quán Thế Âm Bồ tát cứu, sau đó Mẫu quy y nhà Phật.”

Các hàng tiếp theo là những vị thánh chính thức trong điện thần, lần lượt là:

1. Vua Cha (Tứ Phủ Thánh Đế)

2. Thánh Mẫu

3. Quan Lớn (Ngũ Vị Tôn Quan)

4. Đại diện chư vị Chầu Bà (Tứ Phủ Thánh Chầu)

5. Tứ Phủ Thánh Hoàng.

6. Thánh Cô và Thánh Cậu.

Hệ thống điện thần Tứ Phủ.

(Nguồn: Four Palaces – Tứ Phủ.)

KẾT LUẬN:

Tín ngưỡng thờ Mẫu nói chung hay Tứ phủ nói riêng vốn đã trở thành một phần không thể thiếu của văn hóa tín ngưỡng Việt Nam, mang trong mình những giá trị lịch sử và văn hóa sâu sắc. Qua việc tôn vinh những người có công với dân tộc và đất nước, tín ngưỡng này thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, hướng về cội nguồn. 

Ngoài ra, với xu hướng lịch sử hoá và địa phương hoá, đạo Mẫu đã trở thành một biểu tượng của chủ nghĩa yêu nước Việt Nam, với người Mẹ – Mẫu là nhân vật trung tâm. Việc tôn vinh, thờ phụng và ký thác vào đó niềm tin của mình, chính là cách mà dân tộc Việt Nam truyền lại cái gốc làm người, cái đạo đức cho thế hệ sau, cũng như giữ gìn và phát huy giá trị truyền thống của đất nước.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

– Dự án Four Palaces – Tứ Phủ.

– Ngô Đức Thịnh (1966). Đạo Mẫu ở Việt Nam (02 tập).

Tam Phủ Và Tứ Phủ. Wikia Đạo Mẫu. Fandom. https://dao-mau.fandom.com/vi/wiki/Tam_Phủ_và_Tứ_Phủ 

– Huỳnh Thiệu Phong (2016).Thờ Mẫu của người Việt- Tôn giáo hay Tín ngưỡng. Nghiên cứu lịch sử. https://nghiencuulichsu.com/2016/09/07/tho-mau-cua-nguoi-viet-ton-giao-hay-tin-nguong/

– Vu Hong Van (2020). Tín ngưỡng thờ Mẫu trong đời sống tinh thần của người Việt Nam. https://www.researchgate.net/publication/341259458_Tin_nguong_tho_Mau_trong_doi_song_tinh_than_cua_nguoi_Viet_Nam

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật