Vì sao Tuồng được coi là 1 bộ môn nghệ thuật mang tính bác học và ước lệ?

Written By :

Category :

Bài viết

Posted On :

Share This :

Tìm về định nghĩa của Tuồng?

Tuồng là một bộ môn nghệ thuật sân khấu tổng hợp có các yếu tố văn học, âm nhạc, mỹ thuật, múa… tham gia. Để phân biệt với các loại kịch nói, kịch múa, kịch câm, opera… nghệ thuật biểu diễn này được xếp vào loại kịch hát dân tộc. Vì vậy, cũng như ở nghệ thuật sân khấu chèo, cải lương… tỉ lệ ca hát theo kiểu dân tộc ở đây chiếm phần đáng kể.   

Tuồng còn được gọi là hát bộ hoặc hát bội. “Bộ” trong hát bộ bắt nguồn từ việc hát có điệu bộ, có trò trống, được hình thành từ cách gọi của dân gian. Về từ “bội” có ý kiến cho rằng từ này xuất phát trong từ “bội độc”, nghĩa là “ôn bài mà không cần sách”.  Miền Trung, Nam phổ biến gọi là “bội” hoặc“bộ”, miền bắc gọi là “Tuồng”.

Nghệ thuật Tuồng cổ được hình thành trên cơ sở ca, vũ, nhạc và các trò diễn xướng dân gian với ngôn ngữ văn chương bác học kết hợp nhuần nhuyễn văn chữ Hán với văn Nôm đã có thời kỳ phát triển cực thịnh vào thế kỷ 17-18. Cuối thế kỷ 18, Tuồng cổ đã phát triển một cách hoàn chỉnh mọi mặt từ kịch bản văn học đến nghệ thuật biểu diễn. Đến nửa sau thế kỷ 19, nghệ thuật Tuồng có những biến đổi quan trọng, 3 dòng Tuồng (cung đình, sĩ phu yêu nước, dân gian) đã cùng song song phát triển và tồn tại, đây là hiện tượng chưa từng có trong lịch sử.

Có giai đoạn Tuồng được phân loại thành: Tuồng thầy (mẫu mực), tuồng ngự (cho vua xem), tuồng cung đình (diễn trong hoàng cung), tuồng pho (nhiều hồi diễn nhiều đêm), tuồng đồ (phóng tác, không có trong sử sách), tuồng tân thời (chuyển thể từ các tiểu thuyết); nhưng tựu chung có thể chia làm hai loại tuồng kinh điển và tuồng dân gian. Khác với các loại hình sân khấu khác như chèo, cải lương… Tuồng cổ mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia đình và Tổ quốc, trong đó, chất bi hùng được coi là một đặc trưng thẩm mỹ của loại hình nghệ thuật truyền thống này.

Với Tuồng kinh điển, đại diện cho chủ nghĩa sân khấu cổ điển mẫu mực, cùng những quy phạm và thể chế chặt chẽ từ lối kể chuyện, hát xướng, làn nhạc cho tới cái trống chầu hay trình độ của đào kép. Tuồng kinh điển là kho tàng nghệ thuật dân tộc đồ sộ với hàng trăm vở diễn, đặc biệt dưới vương triều Nguyễn, Tuồng được xem là quốc kịch với phần lớn nội dung gắn với chủ đề trung quân ái quốc và đạo đức luân lý ở đời do ảnh hưởng của Tam cương và Ngũ luân từ Nho giáo.

Ngược lại, khi hướng đến đời sống dân gian, Tuồng rũ bỏ lớp áo kiểu cách, rườm rà, lễ nghi từ chốn cung đình. Mang theo tinh thần cởi mở, tiếp thu những hình thức trình diễn ca vũ nhạc khác trong dân gian, Tuồng dần hình thành những màu sắc mới, náo nhiệt hơn, vui tươi hơn. Khác với Tuồng chốn cung đình có lúc thịnh lúc suy, hay đôi phần cứng nhắc, Tuồng trong dân gian là một phần không thể thiếu trong các lễ hội đình chùa và đời sống tâm linh của người dân. Bởi vậy, mỗi khi đến hội đến lễ, người người nhà nhà nô nức kéo nhau đi xem Tuồng, những buổi biểu diễn Tuồng từ lâu đã đi vào ký ức và hiện diện một cách tự nhiên, gần gũi trong đời sống văn hóa của con người Việt Nam.

Tuồng là “bác học” – “Bác học” là Tuồng

Với sự phát triển của Tuồng cung đình đã nâng tầm nghệ thuật Tuồng từ bộ môn mang tính dân gian trước đó lên thành một bộ môn nghệ thuật hoàn thiện, mang tính bác học cả về mặt kịch bản cũng như về nghệ thuật biểu diễn và đã tạo dựng cho loại hình này một phong cách riêng.

Về khái niệm bác học, diễn nghĩa là học rộng hay hiểu sâu giá trị của nhiều lĩnh vực, chuyên môn. Nói cách khác, bác học là sự am hiểu, uyên thâm kiến thức, kỹ năng hay giá trị của nhiều lĩnh vực và được tổng hợp vào trong một chủ thể nhất định.

Nói “Tuồng là bác học” hay “bác học là Tuồng” quả thực là có lý do khi Tuồng là nghệ thuật sân khấu cổ điển có tính hàm súc cao, là sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa thi, ca, vũ, nhạc, họa và các trò diễn xướng dân gian mang theo âm hưởng hùng tráng nhưng lại chứa đựng những nội dung khuôn mẫu về đạo đức luân lý trong việc tổ chức xã hội, thực hiện khuôn phép trị quốc an dân.

Tuồng là sân khấu, nghệ thuật kinh điển, hình thành hệ thống ngôn ngữ nghệ thuật trình thức, quy phạm niêm luật nghiêm khắc, những loại hình mẫu nhân vật, đạo cụ, binh khí, trang phục, hoá trang… mang dụng ý nhất định của người biên kịch.

Người diễn viên sử dụng vũ đạo, hệ thống nói lối và làn điệu làm phương tiện chính để lột tả tính cách, tâm trạng của nhân vật để cho khán giả thấy được, hiểu được.

Hát Tuồng dựa trên cơ sở lễ nghi, tụng niệm trong nhà chùa, trong lối kể chuyện, hát xướng dân gian; được viết theo các thể thơ lục bát, tứ tuyệt, song thất lục bát… Hát Tuồng có một hệ thống nhịp điệu từ nói thường chuyển sang nói lối. Nói lối Tuồng viết theo văn biền ngẫu từ 4 đến 8 từ.

Tuồng có lối diễn xuất khuếch đại hơn sự thật ngoài đời để khán giả dễ tiếp nhận thông tin. Các động tác nhỏ và nhanh, khi lên sân khấu cần tăng cường điệu thì khán giả mới kịp nhận thấy. 

Trong dàn nhạc Tuồng gồm có bộ gõ (trống, thanh la, mõ..), bộ hơi (kèn, sáo, chủ yếu là kèn), bộ dây (nhị, cò, hồ, đại, tiểu…) và bộ gảy (tam, tứ, nguyệt, tranh…). Âm nhạc trong Tuồng đóng vai trò bổ trợ cho diễn xuất trên sân khấu, giúp vở diễn tăng sức thu hút, thôi thúc mọi người đến xem hát. 

Tính ước lệ của Tuồng

Ước lệ có mặt trong hầu hết các bộ môn nghệ thuật, duy chỉ khác ở mức độ và cường độ sử dụng trong từng trường hợp đối với mỗi loại hình nghệ thuật nhất định.

Ước lệ là loại hình ngôn ngữ, quy chuẩn các trạng thái tồn tại nghệ thuật và cuộc sống. Hiểu đơn giản, ước lệ là quy ước về chuẩn mực so sánh giữa các sự vật hiện tượng nhằm tạo ra một cách hiểu chung nào đó trong văn hóa nghệ thuật và trong đời sống.

Lối diễn xuất của Tuồng mang đậm tính tượng trưng, ước lệ, không có xu hướng tả thực mà chú trọng lột tả cái thần, cái cốt lõi cơ bản. Chính vì muốn lột tả cái thần nên ước lệ Tuồng quán triệt hệ thống biểu hiện sân khấu, ngôn ngữ nghệ thuật biểu diễn thành bộ, tức cái không có mà làm ra thành có, làm cho con người ta tin rằng nó tồn tại. Nó là giả nhưng thông qua cái giả để miêu tả cái thật của cuộc đời bằng những điệu hát, điệu nói, điệu múa được cách điệu, khoa trương theo nguyên tắc và niêm luật cụ thể.

Diễn viên có thể căn cứ vào từng điều kiện hoàn cảnh mà sử dụng lời kể hay động tác cuốn khán giả vào trong dòng xoáy tưởng tượng của anh ta. Chỉ qua câu hát của nhân vật kết hợp với các động tác múa, diễn trong phạm vi vài mét vuông nơi sân khấu mà khán giả có thể mường tượng ra, đó là cả một trời mây, non nước, núi cao, vực thẳm, hay ruộng đồng, thuyền sông, sáng sớm hay chiều tà… Ví dụ, đối với động tác vào nhà, diễn viên chỉ cần thực hiện động tác nhún chân bước qua là người xem sẽ hiểu rằng anh ta vừa từ bên ngoài đi vào nhà.

Hay khi người diễn viên nhờ vào tài nghệ diễn xuất và sự thay đổi của ánh sáng quanh sân khấu mà chỉ với vài vòng đi quanh sàn diễn, vừa đi vừa diễn tả hàng loạt động tác miêu tả cảnh chạy giặc khó khăn, gian truân để đến khi một nhân vật khác xuất hiện thì anh ta đã đi được hàng trăm dặm suốt hai ngày hai đêm rồi.

Đạo cụ trên sân khấu cũng mang đầy tính tượng trưng, ước lệ. Ví như chỉ với một cái roi dài trên tay huơ tay vài cái kết hợp với động tác phù hợp của nghệ sĩ, người xem có thể dễ dàng nhận ra rằng hẳn thứ anh ta đang cầm trên tay là một con ngựa, anh cưỡi ngựa thong dong, phi ngựa lội suối, vượt đèo.

Suy cho cùng, là một di sản văn hóa có bề dày lịch sử hình thành và phát triển, Tuồng đã kết tinh nhiều giá trị thẩm mỹ độc đáo đáng trân trọng. Tuồng thực sự là “viên ngọc quý” chứa đựng những tinh túy, tiêu biểu cho bản sắc văn hóa dân tộc.

Nguồn tham khảo:

Hường Nguyễn. (2022, January 4). TÍNH “ƯỚC LỆ” TRONG NGHỆ THUẬT TUỒNG. Nhà hát nghệ thuật truyền thống tỉnh Bình Định. 

http://nhahatntttbinhdinh.com.vn/vi/news/tin-tuc/tinh-uoc-le-trong-nghe-thuat-tuong-59.html 

Phạm Phú Tiết. (1987). HỘI THOẠI VỀ NGHỆ THUẬT TUỒNG. Nhà xuất bản văn hóa Hà Nội.

Trần Văn Khải. (1987). Nghệ thuật sân khấu Việt Nam. Nhà xuất bản INSTITUT DE L’ASIE DU SUD-EST.

Nguyễn Thế. (2008). Nghệ thuật Tuồng, phương tiện truyền bá tư tưởng Nho giáo thời phong kiến. Tạp chí Hán Nôm số 4 (89).

https://repository.vnu.edu.vn/flowpaper/simple_document.php?subfolder=75/27/88/&doc=75278821860953508825179544289666351731&bitsid=bae60463-a7ee-457f-975e-33c83d32ecbe&uid=

Thu Hiền. (2020). Nghệ thuật Tuồng cổ – Hồn phách dân tộc.

https://consosukien.vn/nghe-thuat-tuong-co-hon-phach-dan-toc.htm