Cố nghệ sĩ Hà Thị Cầu – Viên ngọc vô giá của Xẩm Việt Nam

Hôm nay, Trường Ca Kịch Viện xin giới thiệu đến các bạn câu chuyện về cuộc đời đầy cảm hứng nhưng cũng mang những nét buồn của cố nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu, người được mệnh danh là “thần xẩm” vì những câu hát sâu lắng, rung động lòng người của bà.

1. Lận đận cuộc đời

Phim tài liệu ‘Xẩm đỏ’ sản xuất bởi UNESCO Việt Nam (Nguồn: Mai Đức Thiện)

NSƯT Hà Thị Cầu (tên thật Hà Thị Năm, Cầu là cách gọi theo tên con trai cả của bà, theo cách mà ở vùng Yên Mô, Ninh Bình thường gọi), sinh năm 1928 tại Nam Định, sinh sống tại xã Yên Phong, huyện Yên Mộ, Ninh Bình, trong một gia đình nghèo nhưng có truyền thống ba đời hát xẩm. Cha bà là một người hát xẩm bị khiếm thị. Năm 11 tuổi, cha mất và bà cùng mẹ rời Nam Định về sinh sống tại thôn Quảng Phúc, xã Yên Phong, huyện Yên Mô, tỉnh Ninh Bình. Ngay từ khi còn ấu thơ, bà đã cùng bố mẹ đi khắp nơi hát rong để kiếm sống. Vì không được đi học biết chữ nên để nhớ được lời bài hát, bà phải có một trí nhớ vô cùng tuyệt vời. Theo cha mẹ, bạn nghề của cha mẹ hát, bà luôn lẩm nhẩm hát theo nên ngay từ thưở nhỏ bà đã thuộc hết các tích truyện dân gian như “Nhị Độ Mai”, “Thoại Khanh Châu Tuấn”, “Phạm Công Cúc Hoa”, “Phạm Tải Ngọc Hoa”… đặc biệt là khúc hát về chàng Trương Chi đa tình mà giàu lòng tự trọng. Tiếng hát xẩm đã ngấm vào máu bà từ khi ấy.

Đến năm 16 tuổi thì bà trở thành người vợ thứ 18 của ông trùm xẩm Chánh Trương Mậu. Bà nhớ lại: “Lúc ấy tôi mới 16 tuổi, còn ông ấy đã 49. Ban đầu tôi gọi ông ấy là bác xưng cháu kia mà”. Thế nhưng, hôn nhân của bà với ông không phải lúc nào cũng hạnh phúc. Trong bài báo “Cuộc đời vất vả như dặm hát xẩm”, nhà báo Trọng Hiếu (Pháp luật TP.HCM) có thuật lại rằng: “Ông mê bà nhưng là cái mê đắm của người chồng già cả ghen. Vậy nên cứ mỗi lúc lên cơn ghen là ông lôi vợ ra đánh. Ông mù nên không cảm được bằng mắt, cứ nghe lời ca của vợ lảnh lót, đong đưa, tiếng tiền xu khách ném rào rào vào lòng vợ mình (thay vì ném vào cái chậu thau trước mặt ông) là ông lại nổi cơn ghen. Cuộc đời cô Cầu trải qua những ngày mặn nồng trộn lẫn với những trận đòn ghen không dứt của người chồng già.” Bà với ông có với nhau 7 người con, thế nhưng éo le thay bốn người đầu đều qua đời vì bệnh đậu mùa.

NSƯT Hà Thị Cầu hát ‘Dạt nước cánh bèo’. Ở đây, bà nói về cuộc sống hôn nhân, cuộc đời của mình nói riêng và những người phụ nữ nói chung (Nguồn: Mai Đức Thiện)

Nhưng thế rồi đến lúc bà 33 tuổi thì chồng bà cũng qua đời (bà là người vợ cuối cùng của ông). Bà phải đưa ba người con còn lại về quê Yên Phong mà sống. Lúc này bà vẫn rất nghèo nên phải rứt ruột cho đi đứa con gái út mới 8 tháng tuổi để người ta làm con nuôi.  Tới gần đây thì hai mẹ con bà mới được đoàn tụ. Cuối những năm 1980, nhà bà mới được Chính phủ Việt Nam cấp ruộng. Năm 1992, gia đình bà xây một căn nhà nhưng không có công trình phụ.

Trong những năm cuối đời, bà sống cùng người con gái tên Nguyễn Thị Mận của mình trong hoàn cảnh khó khăn. Ngay trước khi bà mất, nhà báo Hữu Việt có cơ hội được về thăm bà trong một chuyến đi, ông viết rằng: “Đã nghe nhiều về cuộc sống đơn sơ, đạm bạc của bà nhưng quả thực khi tận mắt chứng kiến, vẫn không khỏi cảm thấy ngậm ngùi. Căn phòng quá chật, kê vừa đủ hai chiếc giường. Chị Mận, con gái bà Cầu ngượng ngùng: “Các bác ra sân ngồi chơi, tôi chưa kịp dọn giường của cụ”. Còn nhớ ngày trước có người phỏng vấn bà Cầu, hỏi: “Hát xẩm có giàu không?” Bà đáp: “Giàu thì anh đi mà hát!”. Ông còn kể thêm: “Chúng tôi ái ngại hỏi: “Cụ ơi, hát mãi thế có mệt không?”. Bà Cầu bĩu môi: “Đi hát xẩm mà sợ mệt thì lấy đâu mà ăn? Tôi dạo này yếu rồi, chứ không thì hát cả ngày”, rồi lại tiếp tục ngân nga: “Ai ơi chớ vội khóc thầm/Tôi đây chính người lịch sự không phần nề chi, í ì…” “Dạo này cụ thấy trong người thế nào? Có bệnh gì không?”. Bà Cầu đáp ngay: “Tôi chả có bệnh gì sất, chỉ có bệnh tu tu thôi”. Chúng tôi còn ngơ ngác chưa hiểu thì anh cán bộ Hội văn nghệ tỏ ra thông thạo, hỏi: “Chúng cháu tưởng dạo này cụ cai được rượu rồi?” – “Tôi mà bỏ rượu thì có mà về với âm cung luôn!” Cô Mận kể, hồi bà Cầu ốm thập tử nhất sinh, gia đình không dám để bà uống rượu nữa. Nhưng bây giờ ngày lại duy trì ba cữ, mỗi cữ chỉ cho một chén nhỏ thôi. Chúng tôi hỏi: “Bữa cụ ăn được mấy bát cơm?”. Tay không ngừng kéo nhị, bà Cầu đáp ráo hoảnh: “Mười một bát. Nhưng tính thiếu đi mười!”, khiến tất cả phá lên cười.” Dù đã tới cái tới cái tuổi bát thập thì bà vẫn giữ một tình yêu, một nỗi niềm đau đáu với hát xẩm và vẫn giữ được nét tinh anh, hóm hỉnh của một con người tuy đã trải qua nhiều nhưng vẫn giữ được nét lạc quan trong cuộc sống.

Bà mất ngày 3 tháng 3 năm 2013 tại nhà riêng ở xã Yên Phong, Yên Mô, Ninh Bình, thọ 85 tuổi.

Phóng sự: Một ngày với nghệ nhân Hà Thị Cầu (Nguồn: Mai Đức Thiện)

2. Tiếng hát khôn nguôi 

Có lẽ cũng vì cuộc đời bà đã trải qua nhiều thăng trầm nên tiếng hát của bà mới có thể thiết tha, sâu đọng và chan chứa tình người đến như vậy. Bà đã từng nói rằng: “Các cô ca sĩ hát nhạc dân tộc nói bu dạy cho vài điệu hát xẩm nhưng các cô ấy sống sung túc như thế làm sao thấm được cái tình trong lời ca của người lam lũ”. Và quả đúng là như vậy, từng câu hát của bà đều đưa người nghe theo một bờ câu chuyện và níu vào từng nhịp đập trái tim của họ. Cái thành công nhất của một người nghệ sĩ là làm cho khán giả đồng cảm được với nghệ thuật của mình và bà đã chắc chắn làm được điều đó.

Nhà báo Mai Văn Lạng có viết : “Đặc biệt trong nghệ thuật hát xẩm Hà Thị Cầu không chỉ là đằm, sâu, mang đủ năm yếu tố vang, rền, nền, nẩy và tình. Đặc biệt không chỉ ở cách hát: Buông hơi, nhả chữ, lấy hơi, luyến láy, đảo phách, rung ngân.v.v.. mà đặc biệt còn ở tiếng nhị (Hồ gáo) thể hiện một cách thuần thục, điêu luyện. Có người cho rằng: Khi nghe nghệ nhân, nghệ sĩ ưu tú Hà Thị Cầu hát xẩm, dường như không phải là bà hát mà là nghệ thuật hát xẩm mượn bà để hát lên tiếng hát của chính mình. Quả thật, khi tận mắt chứng kiến bà vừa ăn trầu, vừa nhẩn nha kéo nhị, hết nhạc lưu không, đặt miếng trầu xuống, lại hát tiếp, nhiều nghệ sĩ bậc thầy của nghệ thuật ca hát dân gian đã “Thành tâm bái phục” xem nghệ thuật hát xẩm của bà là nghệ thuật đặc biệt không mấy có được.”

Vào năm 1977, sau ngày Việt Nam thống nhất thì bà cũng đã viết bài xẩm “Theo Đảng trọn đời”. Trong một cuộc phỏng vấn, bà đã tâm sự rất chân thành rằng: “Nhờ có Đảng, có Bác Hồ mà cuộc đời hát rong của bà được đổi thay”. Bài hát xẩm: “Theo Đảng trọn đời” mà bà vừa soạn lời, vừa trình bày là “cái tâm”, “cái tình” , “Cái nghĩa” của bà với  Đảng, với Bác Hồ. Vốn không biết chữ nên nghĩ được câu nào bà lại nhờ con cháu, anh em ghi lại, rồi thỉnh thoảng đọc cho bà nghe để bà lẩm nhẩm học thuộc. Cứ như vậy, hơn ba năm bà mới hoàn thành tâm nguyện của mình.

“(Con nghe) mẹ kể từ khi
Mới sinh con đã biết gì đau thương
Giặc Pháp (thời) giày xéo quê hương
Bà con chết đói ngập đường đầy sông
Cảnh nhà ta, nay bước đường cùng.”

Bài hát với ba mươi câu lục bát chính là tất cả tấm chân tình của bà dành cho Đảng, dành cho Đất Nước. Như vậy để ta có thể thấy rằng, với hát xẩm, bà đã đặt cả trái tim và tâm hồn vào đó.

Cố NSƯT Hà Thị Cầu trình bày bài xẩm “Theo Đảng trọn đời” (Nguồn: Mai Đức Thiện)

Nhờ những đóng góp vô cùng to lớn của bà dành trong hát xẩm nói chung và kho tàng nghệ thuật dân tộc nói riêng, bà đã nhận được nhiều giải thưởng của nhà nước: bằng khen năm 1998 của Đài Tiếng nói Việt Nam, giải đặc biệt “Nghệ nhân hát chèo tỉnh Ninh Bình”, Giải thưởng Đào Tấn và tới ngày 25 tháng 12 năm 2004 bà đã được Nhà nước Việt Nam trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú. Ngoài ra, bà cũng đã nhận được rất nhiều giải thưởng và huy chương lớn nhỏ khác trong suốt sự nghiệp của mình.

Ngoài việc hát, thì bà cũng đau đáu trăn trở trong việc truyền lại nghệ thuật hát xẩm cho thế hệ tiếp theo. Bà vẫn tiếp tục tham gia những các lớp hát xẩm do Học viện Âm nhạc quốc gia hay sở văn hóa các tỉnh tổ chức hay thậm chí là dạy cho chính người làng người xóm ở quê hương mình. Trong bài báo “Đam mê với nghề tổ”, nhà báo Tiến Cường và Văn Phường đã viết rằng: “Ðạo diễn Lương Ðình Dũng kể với tôi, khi anh thực hiện bộ phim tài liệu Xẩm Ðỏ về chân dung Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ nhân dân gian Hà Thị Cầu vào năm 2011, điều mà anh xúc động nhất và không bao giờ quên trong cuộc đời làm phim của mình là nỗi niềm đau đáu với nghề Tổ của một nghệ nhân được tôn vinh “Báu vật nhân văn” của xẩm lúc ấy đã ở tuổi 83. …Thậm chí, đến cuối đời, cụ vẫn nỗ lực dành những hơi sức cuối cùng để trao truyền tinh hoa của nghề cho lớp con cháu. Chỉ qua cách cụ chỉ bảo từng ly, từng tý về câu ca, nhấn âm, nhấn chữ cho các học trò, rồi cách cụ nâng niu cây đàn nhị và nắn nót, cẩn trọng trong từng phím đàn cũng đủ cảm nhận tấm lòng của cụ với xẩm. Về cuối đời, nghệ nhân Hà Thị Cầu ốm yếu không đi hát được nữa, nhưng như cụ vẫn nói là “giời đày tôi”, cho nên cụ vẫn lặn lội, chịu khó khi nào khỏe lại tìm cách truyền dạy cho con cái và học trò các bí quyết nghề nghiệp. Ðã nhiều lần, trong quá trình làm phim, cụ Hà Thị Cầu nói mà như “rút ruột”, với đạo diễn: “Ai học thì tôi truyền dạy cho ngay, chứ nếu tôi chết rồi thì mang đi để làm gì. Thôi thì còn sống năm nào, có người tìm học là mừng lắm, cũng phải cố mà dạy cho người ta”.

3. Dấu ấn để lại 

Nghệ nhân Hà Thị Cầu được coi là người hát xẩm cuối cùng của thế kỉ XX. Rất nhiều CD, video, phóng sự ngắn, bài báo nói về bà đã được phát hành. Nếu ai có mong muốn tìm hiểu thêm về con người của Nghệ nhân Hà Thị Cầu thì chắc chắn không thể bỏ qua bộ phim tài liệu “Xẩm đỏ” của đạo diễn Lương Đình Dũng được ra mắt vào ngày 18 tháng 08 năm 2011. Tuy bộ phim chỉ dài 35 phút nhưng cũng đã đủ cho người xem vừa cảm nhận được cái tình yêu sâu sắc của bà dành cho xẩm, vừa thấy được tính cách chân chất, hóm hỉnh của bà, nhưng cũng không khỏi xót xa khi nghe về cuộc đời của người phụ nữ phi thường này.

Tổng hợp những bài xẩm của bà (Nguồn: LangCheoVietNam)

Ngoài ra, trên chương trình Gương Mặt Thân Quen vào năm 2016 thì ca sĩ Hoài Lâm đã có màn biểu diễn thể hiện lại Nghệ nhân Hà Thị Cầu để lại được tiếng vang lớn.

Về Hát xẩm nói chung thì hiện nay tỉnh Ninh Bình đang có những nỗ lực đệ trình UNESCO công nhận hát xẩm là di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Và các học trò của bà, tiêu biểu như hai nhạc sĩ Mai Tuyết Hoa (một trong những người thành lập nhóm Xẩm Hà Thành) và Nguyễn Hoàng Long, đều đã có những đóng góp lớn trong việc khôi phục xẩm như một cách hoàn thành tâm nguyện cuối cùng của bà.

Tổng kết lại, Nghệ nhân Hà Thị Cầu đã có công rất lớn đối với nghệ thuật hát xẩm nói riêng và nghệ thuật dân gian của Đất nước ta nói chung. Thế nhưng, hoàn cảnh của bà lại không hề cân xứng với những đóng góp mà bà đã bỏ ra cho hát xẩm. Điều ấy đã dấy lên một số trăn trở về sự mai một của nghệ thuật truyền thống cũng như về sự ủng hộ, gìn giữ và bảo vệ cuộc sống cho những nghệ nhân như bà Cầu từ phía chính quyền cũng như là từ toàn xã hội.

Đội ngũ Trường Ca Kịch Viện mong muốn kêu gọi mọi người, đặc biệt là các bạn cùng trang lứa, hãy cùng chúng mình chung tay giúp đỡ bảo tồn và phát huy các giá trị nghệ thuật truyền thống vô cùng quý báu của nước ta để không phụ những công lao và hi sinh to lớn của những thế hệ đi trước mà nổi bật chính là Nghệ nhân Hà Thị Cầu.

Anh Thư

Nguồn tham khảo: 

1. Hà Thị Cầu – Wikipedia
2. Đam mê nghề tổ – Báo Nhân Dân – Tiến Cường và Văn Phường
3. Hài hước như nghệ nhân hát Xẩm Hà Thị Cầu – Báo Ninh Bình – Hữu Việt
4. Nghệ nhân Hà Thị Cầu, một đời duyên nợ với xẩm… – Báo Tin tức – Tạ Nguyên
5. Nghệ nhân Hà Thị Cầu – một “báu vật dân gian” độc đáo – VOV5 – Mai Văn Lạng
6. Cuộc đời vất vả như dặm đường hát xẩm – Vietnam.net – Trọng Hiếu
7. Phim Xẩm Đỏ – Đạo diễn Lương Đình Dũng

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật