Đi tìm nhân vật quyền lực nhất trong Chèo

Trên sân khấu Chèo, có một vai diễn thỏa sức tung hoành, không tuân theo một lề lối phép tắc nào. Các cảnh diễn có vai này là một cách gián tiếp để dân gian đả kích, châm biếm những thói hư tật xấu của tầng lớp thống trị xã hội phong kiến. Cùng đọc hết bài viết để tìm hiểu xem, trên chiếu Chèo, hỏi ai là nhân vật quyền lực nhất?

Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền Việt Nam. Chèo phát triển mạnh ở phía bắc Việt Nam với trọng tâm là vùng châu thổ sông Hồng cùng hai khu vực lan tỏa là trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Loại hình sân khấu này phát triển cao, giàu tính dân tộc. Chèo mang tính quần chúng và được coi là một loại hình sân khấu của hội hè với đặc điểm sử dụng ngôn ngữ đa thanh, đa nghĩa kết hợp với cách nói ví von giàu tính tự sự, trữ tình. 

Mỗi vở chèo thường không thể thiếu một nhân vật với tên gọi Hề chèo, vì chính vai Hề là người trực tiếp phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt, phê phán những cái xấu trong xã hội, đưa ra những bài học quý giá về đạo đức, cách sống. Như vậy có thể thấy trong chèo, nhân vật quyền lực nhất không phải là: thầy đề, lí trưởng, quan phụ mẫu,… mà chính là Hề chèo – một di sản phi vật thể trong Chèo truyền thống (theo ý kiến của một số nhà nghiên cứu). 

Hình ảnh 2 chú Hề làm cho khán giả phút trước cười, phút sau đã vội suy ngẫm 

trong “Lưu Bình – Dương Lễ” . 

(Ảnh: Phạm Chiểu)

1. Giới thiệu về Hề Chèo

Hề chèo là nhân vật thuộc năm mô hình cơ bản, làm tiền đề cho sự sáng tạo nên thế giới nhân vật chèo: đào, mụ, kép, lão, hề. Hề chèo là nhân vật không thể thiếu trong mỗi vở chèo, điều đó đã được khẳng định qua nhiều vở chèo truyền thống – “Phi hề bất thành chèo”. Trong chèo, Hề được chia thành 2 nhóm chính: 

Phân loại vai Hề trong nghệ thuật Chèo

Mỗi người khi đi xem Chèo không khỏi ấn tượng bởi vai Hề “với hai chấm trắng ở đầu mắt bằng hạt ngô, một vệt trắng từ mũi qua môi, hai má đỏ tròn xoe có giới hạn bằng đồng bạc, bước ra sân khấu với bộ quần áo lôi thôi.” Sự ngộ nghĩnh này đã khiến cho khán giả đi xem Chèo từ chỗ thương xót trước số phận thấp kém bị bóc lột mà bật cười về sự khôi hài qua cách trang điểm pha trò này. 

Nghệ sĩ Xuân Hinh đang trang điểm cho vai Hề của mình. 

(Ảnh: Dân trí).

2. Tại sao nhân vật Hề chèo lại là nhân vật quyền lực nhất?

2.1. Nhân vật “bất khả xâm phạm”

Từ xưa Hề chèo có tên gọi khác là trò nhại – rất phổ biến ở thời Đinh – Lê. Vì vậy trò nhại không chỉ biểu diễn phục vụ trong đời sống nhân dân mà còn được đưa vào trong cung đình biểu diễn cho giai cấp thống trị. Trò nhại được bắt nguồn từ cuộc sống nên có tính thời sự, tính hiện thực ẩn chứa nhiều phê phán, chế giễu những việc làm sai trái của giai cấp thống trị. Ví dụ như vai hề trong Trò Kiều Tự (1870) đã mượn chiếu đình để chỉ trích việc vua Tự Đức kí hiệp ước bán nước cho Pháp: 

Đế: –Trời sinh thánh đế.

Hề: –Ai chẳng biết đế với vương, nhưng không ai hỏi thì ế sưng ra à ?

“Trị nước ngang lưng”

Đế:  –Trị nước lên ngôi

Hề: –Trị nước lên ngôi thì ngồi mà chết…..!

Việc làm này đã trực tiếp “chiếu tướng” các vua quan – điều mà không một nhân vật nào trong vở diễn hay ai dám mạo phạm, nhưng bằng sự khéo léo, duyên dáng của các soạn giả kịch bản Chèo truyền thống, nhân vật này thường mang tính chất châm biếm phần nhiều mà không bị sa vào chỉ trích, lên án. Từ đó, Hề chèo thỏa sức tung hành khắp bối cảnh từ cung đình ra đến chiếc chiếu sân đình, ở mọi gánh hát chèo, trong mọi vở diễn chèo. 

“Hề chèo đã bước ra sân

Vua quan cũng mặc, quần thần sá chi

Dẫm lên phép tắc, quyền uy

Vương triều chỉ có bước đi của Hề!”

                                      (Vương Trọng)

Các vai Hề chèo: xã trưởng, mõ,.. trong “Quan Âm Thị Kính” 

đang diễn trò tạo tiếng cười cho khán giả.

(Ảnh: Thông Tấn Xã Việt Nam )

2.2. Phá vỡ mọi khuôn khổ kịch bản

Một vở chèo thường được chia làm hai phần: 

-Phần phú (kịch) là phần ghi các lời thoại và trò của nhân vật do một soạn giả nào đó sáng tác.

-Phần hề xuất hiện sau một đoạn lời được tác giả ghi thêm bằng chữ song cước: khôi hài cho vui, khôi hài tùy ý, hay tán ngoại,……

Ở một số kịch bản chèo, phần phú chỉ dài chưa đầy một trăm dòng nhưng khi tác giả thêm năm, bảy,… vai hề thì vở diễn đó rất dài thậm chí vai hề đưa khán giả ra khỏi chủ đề mà vở diễn đang đề cập tới. Vì vậy mà phần hề của vở chèo là một phần quan trọng làm tăng độ dài thích hợp cho một vở diễn.

Phần hề trong chèo đôi lúc không tuân theo một kịch bản khuôn mẫu nào sẵn mà phần hề có thể sáng tạo theo từng địa phương, từng cá nhân diễn viên. Ví dụ như lớp hề Kim Trọng giễu thầy khi thầy tính chuyện sàm sỡ với Kiều. Bác Tống Văn Ngũ (Sáo Đền, Thư Trì) cho biết ở địa phương bác, phân đoạn này sử dụng bằng một câu thơ:

“Người ta xem đông, xem tây

Có người phải mắng mặt nơi cán tàn”

Còn ở địa phương bác Trần Văn Linh lại diễn cảnh này bằng một đoạn hội thoại giữa Hề và Kim Trọng:

Hề: – Thầy ơi thầy có thương con không ?

Kim Trọng: – Tao chả thương mày thì thương ai ?

Hề: – Thầy có thương con thì thầy cho con tiền đóng ba chiếc giày.

Kim Trọng: Đóng một đôi sao lại đóng ba chiếc ?

Hề: – Ấy…một đôi để thầy đi, còn một chiếc thì con xin thầy cái đinh con đóng lên chán …

Đế: Thế là “mặt giầy” à?

Những sáng tạo này giúp cho vai Hề thoải mái tiết chế hay kéo dài thời gian làm trò theo từng vở diễn, phù hợp theo từng phong tục của địa phương,… Từ đó mà Hề đã giúp chèo không chỉ tồn tại ở đồng bằng Sông Hồng mà còn lan rộng ra Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ,… để Chèo trở thành một nghệ thuật sân khấu truyền thống dân gian.

2.3. Đại diện cho tiếng nói của nhân dân

Chèo được sáng tạo ra từ nhân dân nên mọi nhân vật trong chèo đều bị ảnh hưởng sâu sắc tư tưởng của nhân dân đặc biệt là nhân vật Hề. 

Với những vở chèo kinh điển thì khán giả khá quen thuộc với số phận éo le, cùng được, lạc lối của Thị Kính, Thị Phương, Xúy Vân,… Và từ những số phận ấy khán giả chỉ biết thương xót, thở dài thì nghệ thuật chèo vẫn chỉ đang dừng ở việc đưa khán giả hòa cùng cảm xúc với nhân vật là “than thân trách phận”. Có lẽ vì vậy mà nghệ sĩ dân gian xưa đã sáng tạo nên yếu tốt lạc quan, tích cực từ tiếng cười trào phúng của Hề. 

Dưới những lớp trò trong chèo ta thấy được một xã hội phong kiến đục khoét và một tiếng nói tố cáo của anh Hề. 

Quan phụ mẫu nói: Tiếng lành đồn xa, tiếng dữ đồn gần.

Hề (hoảng hốt nghe trệch) : Quan đồn lột da, Quan phủ lột da.

                                            (Quan đã ra, ai có gà thì nhốt)

Hề không chỉ chửi những vua quan tham lam mà còn chửi cả những hủ tục lạc hậu, những tư tưởng sai trái như “trọng nam khinh nữ”, “tại gia tòng phu, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con),….

“Tôi cũng là con mẹ con cha

Tôi lấy phải người chồng xấu thực là khó coi

Tôi ra đường trông thấy chồng người 

Vừa đẹp vừa giòn

Mặt mũi vuông tròn

Tính nết cũng xinh 

Tôi về trống thấy cái nợ, nhà tôi như cầm con dao 

                                 cắt ruột để tâm tình nó đau âm.”

Thậm chí Hề tạo ra tiếng cười từ việc phê phán thói “trai thì năm thê bảy thiếp, gái thì chính chuyên một chồng”:

Hề gậy theo thầy biết chữ thì nói chữ:

Hề: – Bác cho con hỏi tiền đồ bác tí nhé.

Thầy khóa: – Con cứ hỏi.

Hề: – Thế bác lấy mấy vợ?

Thầy khóa: – Bác lấy ba vợ.

Hề: – Ôi giời ơi, trông thế này mà là đồ “vơ bạ” kìa…

Hề ca ngợi những anh hùng hào kiệt ra trận đánh giặc:

khen những người tài tử văn nhân 

Sắp binh mã đề mà vâng sắc lệch

Quân ba trăm làm quan chánh lãnh 

Quân năm trăm giữ lấy quản cơ

Ông cai tổng vàng trí dũng mưu thừa

Quân vô số phong làm quan nguyên suy.

                                                                     (Hát ngoài tích)

Hề chèo còn cảm thông cho những số phận vất vả, lam lũ:

“…Cơ đồ bần bĩ

Chồng mải chăm kinh sử dùi mài

Mẹ thời già tận lão lai

Thiếp khuya sớm tảo tần phiệt duyệt

Tay hái rau, tay thời mò ốc

Chân lội bùn, đạp góc, đạp gai…”

(Lời than của Dương Thị Xuân 

                         trong Than thực cực thân)

Từ những điều trên có thể thấy “Hề –  chèo còn hơn cả một tiếng cười trào phúng” là tiếng nói phê phán những cái xấu trong xã hội, là lời ca thán cho những nghĩa cử cao đẹp, là thái độ cảm thông cho số phận “bèo trôi”. Thế nên những dấu ấn trên, Hề đã ghi ấn tượng sống mãi trong lòng nhân dân theo một cách riêng nào đó. 

Khi ánh đèn sân khấu tắt đi, có lẽ tiếng cười chua chát của gã Hề vẫn còn vang lên trong tâm trí của mỗi người xem. Tiếng cười phê phán ấy, suy cho cùng chính là sự day dứt, thương xót cho những hình ảnh lam lũ, chịu những bất công của những người lao động nghèo, những con người thấp cổ bé họng,…. Để từ đó ông cha ta thầm lặng gửi gắm đến các thế hệ sau về việc đứng lên đòi quyền bình đẳng, về những bài học đạo đức và khuyên răn,…Chính vì vậy, nghệ sĩ Xuân Hinh đã nói: “Nếu còn kẻ nhung nhơ bậy bạ, thì nhân gian còn nảy ra Hề”.

NSUT Thanh Vinh – vai Hề gậy trong vở chèo “Xúy Vân giả dại” 

ở chương trình “Phía sau màn nhung”. 

(Ảnh: VTV5)

Nguồn tham khảo:

Hà Văn Cầu (1977) –”Hề chèo” – Nxb Văn hóa.

Anh Thư (2021) – “Hề Chèo – hơn một tiếng cười trào phúng”. 

(https://spiderum.com/bai-dang/He-Cheo-hon-ca-mot-tieng-cuoi-trao-phung-DQkgp6Xo09Na)

Nguyễn Hoàng Tâm (2022) – “Ăn no nằm khoèo nói chuyện Hề Chèo ngày xuân”. 

(https://tamhoang.net/giai-tri-thu-gian/2022/02/an-no-nam-khoeo-noi-chuyen-he-cheo-ngay-xuan/29097/)

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật