Tuồng Xuân nữ/Tiểu thuyết/Tân thời: Sự chuyển mình của nghệ thuật Tuồng cổ

Tuồng hay Hát Bội là một viên ngọc quý trong di sản văn hóa Việt Nam ta. Trong suốt chiều dài lịch sử, Tuồng không chỉ một loại hình giải trí, một món ăn tinh thần không thể thiếu của người dân mà còn là một công cụ hữu ích giáo dục con người. Và cũng giống như các loại hình nghệ thuật dân gian khác như Chèo, Quan họ,… Tuồng không thể tránh khỏi những biến động của lịch sử. Trước sự du nhập của các loại hình nghệ thuật mới lạ từ Tây phương trong khoảng đầu thế kỉ XX, Tuồng gần như đã đứng trên bờ vực lụi tàn. Để đứng vững trước những biến động, tuồng Xuân nữ ra đời, khoác lên mình một diện mạo mới đầy trẻ trung và độc đáo cho nghệ thuật Tuồng. Cũng chính nhờ sự có mặt của Tuồng Xuân nữ đã thổi một luồng sinh khí mới đã đưa nghệ thuật Tuồng vượt qua khủng hoảng và tiếp tục tồn tại tới ngày nay.

1. Khái niệm:
Theo như tác giả Nguyễn Gia Thiện: Tuồng Xuân nữ hay còn gọi là Tuồng Tiểu thuyết, Tuồng Tân thời,… là một thể Tuồng mới ra đời vào khoảng thời gian đầu thế kỷ XX trên cơ sở kế thừa, phát huy những giá trị tinh hoa của nghệ thuật tuồng cổ và tiếp thu những cái hay, đẹp, độc đáo từ một số loại hình nghệ thuật khác như làn điệu của Cải Lương, cảnh trí, đạo cụ từ kịch nói, phim, mãi võ… Trong đó có nội dung tư tưởng đề cao cái tôi. Nội dung phản ánh là những vấn đề xung quanh cuộc sống cá nhân của con người trong xã hội như: tình yêu đôi lứa, xung đột cá nhân,.. và lấy làn điệu Xuân nữ để truyền tải, diễn tả. Về tên gọi của loại Tuồng vẫn có nhiều ý kiến khác nhau và có thể kiến giải như sau:

  • Tuồng Xuân nữ: Khi người gọi chú ý đến phương diện sử dụng làn điệu hát của dòng Tuồng này. Trong đó có làn điệu đặc trưng không hề có trong Tuồng cổ là Xuân nữ – một điệu hát trong Cải Lương.
  • Tuồng Tân thời: có nghĩa là chú ý đến phương diện đổi mới, cách tân của thể loại Tuồng này so với Tuồng cổ.
  • Tuồng Tiểu thuyết: đồng nghĩa với việc người dùng coi trọng cái căn nguyên cốt truyện của các vở Tuồng thuộc thể loại này, thường lấy từ các câu chuyện tiểu thuyết (đặc biệt là những câu chuyện tình yêu và những éo le của cuộc đời).

Và ông Nguyễn Gia Thiện cũng cho rằng Tuồng Xuân nữ là cái tên hợp lý nhất vì cả ba cái tên trên đều mang nghĩa tương đối. Tuy nhiên, với cái tên Tuồng Xuân Nữ nói lên làn điệu đặc trưng của dòng Tuồng này. Điều đó không những đảm bảo có sự phân biệt rõ ràng giữa loại Tuồng mới này với Tuồng cổ mà còn đảm bảo được tính thống nhất, liên tục của khái niệm theo thời gian. Nó sẽ không bị khống chế bởi giới hạn của lịch sử.

2. Những yếu tố hình thành:
Tuồng Xuân nữ hình thành giữa những biến động của đất nước vào những năm cuối thế kỉ XIX, đầu thế kỉ XX. Đây là giai đoạn thực dân Pháp xâm lược nước ta và làm cho xã hội Việt Nam biến đổi sâu sắc trên mọi phương diện từ xã hội, chính trị đến tư tưởng, văn hóa. Nho, Phật, Lão vốn là ba hệ tư tưởng ảnh hưởng mạnh mẽ nhất trong xã hội nước ta và đặc biệt là Nho giáo, thì nay đã xuất hiện một số luồng tư tưởng mới từ phương Tây. Điều này ảnh hưởng sâu sắc đến lĩnh vực văn học nghệ thuật nói chung và sân khấu nói riêng. Một số trí thức Việt Nam được tiếp xúc trực tiếp với kho tàng nghệ thuật phương Tây mà cụ thể là Pháp. Khi trở về nước, họ truyền bá những gì mình học được đến rộng rãi quần chúng nhân dân, thúc đẩy mạnh mẽ công cuộc hiện đại hóa nền nghệ thuật Việt Nam. Trung Quốc, Anh và Pháp là ba nước và đặc biệt thời kỳ này còn hình hành một loại hình nghệ thuật mới của nước ta chính là sân khấu Cải Lương. Không những thế, thị hiếu khán giả cũng thay đổi, đặc biệt là ở thành thị. Để tồn tại thì phải thích nghi và thay đổi bản thân và nghệ thuật Tuồng cũng không ngoại lệ. Từ lẽ đó Tuồng Xuân nữ ra đời.

3. Những đặc điểm nghệ thuật: Vì được sinh ra trong giai đoạn phát triển mạnh mẽ nên Tuồng Xuân nữ được khoác lên một bộ áo choàng khá rực rỡ mà chất liệu được làm nên từ nét tinh hoa của các loại hình nghệ thuật khác cùng thời.

  3.1. Nội dung – Nghệ thuật:
    3.1.1. Cốt truyện:
Đối với nghệ thuật sân khấu nói chung và nghệ thuật Tuồng nói riêng, ông bà ta có câu: Có tích mới dịch ra Tuồng. Ở Tuồng Xuân nữ, tích truyện rất phong phú và đa dạng, từ Đông sang Tây, từ thời xưa đến nay. Tùy theo quan điểm và gu thẩm mỹ của từng soạn giả mà các tích được trưng dụng khác nhau. Ngoài các tích truyện có sẵn, còn có các tích truyện do tác giả sáng tác nên. Dựa vào nguồn gốc của các tích truyện. ta có thể phân chia các tác phẩm Tuồng Xuân Nữ thành các loại sau:

– Tích truyện Tây (vở Đông Lộ Địch, phóng tác theo vở kịch Le Cid của Corneille)

Áp phích giới thiệu tuồng Đông Lộ Địch tại Munich (Ảnh: Trangnhahoaihuong) 

– Tích truyện Tàu (vở Xử án Bàng Quí Phi)


Hát Bội Bình Định – XỬ ÁN BÀNG QUÝ PHI – Phần 1 và 2 (Nguồn: YouTube)

– Cốt truyện từ những câu chuyện trong xã hội Việt Nam thời đó ( vở Vì nước quên nhà, Ai giết người,..)
– Cốt truyện hư cấu (vở Nước và Tình)

Với loại Tuồng có cốt truyện hư cấu vô cùng phong phú và đa dạng về cốt truyện lẫn tên nhân vật, thậm chí tên nước cũng hư cấu. Tuy vậy, để tăng tính thuyết phục, các tác giả đa phần vẫn mượn tên một số nước có thật trong lịch sử (đặc biệt là Trung Quốc) để đặt tên các triều đại trong vở kịch. Điều này chứng tỏ sựcách tân mạnh mẽ của Tuồng Xuân nữ so với Tuồng cổ. Không dừng lại ở các tích Tàu thì giờ đây các tác giả Tuồng Xuân Nữ đã vươn mình ra khỏi giới hạn đó và chạm đến những chân trời mới hay có thể nói đó chính là thế giới phương Tây và đôi khhi là thế giới sáng tạo của riêng mình.

    3.1.2. Tư tưởng nghệ thuật:
Sự chuyển đổi từ chế độ Phong kiến sang chế độ nửa Thực dân nửa Phong kiến vô hình chung đã đòi hỏi Tuồng phải có sự chuyển biến về nội dung tư tưởng để phù hợp với những nhu cầu mới của con người trong xã hội mới. Trước kia, cái Ta được đề cao và giữ vai trò chủ đạo. Chữ Lễ được coi trọng bậc nhất và là điều cốt yếu để tổ chức và duy trì trật tự xã hội. Nho giáo cổ vũ con người lấy cái tôi hay gò ép cái tôi theo khuôn khổ của chữ “Lễ” như hai nhân vật Khương Linh Tá, Kim Lân trong vở Sơn Hậu. Đến Tuồng Xuân Nữ có sự thay đổi rõ rệt, nước ta lâm vào cảnh nô lệ. Hơn ai hết là các tầng lớp trí thức trong xã hội đương thời hiểu rõ tình cảnh đau thương này. Họ trở nên mất phương hướng trước vì chưa tìm ra được con đường đưa đất nước đến độc lập, tự do, hạnh phúc. Sự phân hóa về mặt tư tưởng diễn ra mạnh mẽ ở tầng lớp trí thức, ta có thể kể đến các khuynh hướng sau:

– Khuynh hướng thứ nhất hình thành bởi một số ít cá nhân trung quân nhưng không ái quốc, can tâm làm công cụ tuyên truyền cho Thực dân Pháp. Khuyến khích dân ta theo “mẫu quốc”, tòng quân sang chiến trường Châu Âu để bảo vệ đất mẹ vào thế chiến thứ nhất. Tiêu biểu cho khuynh hướng này là vở tuồng “Vì nước quên nhà” do Đốc Phủ Bảy và Hồ Biểu Chánh biên soạn. Vở này có nội dung kể về câu chuyện của một Thầy thông ngôn làm việc công sở trong chính quyền Thuộc địa tình nguyện tòng quân chiến đấu bảo vệ “mẫu quốc”, bỏ lại gia đình. Lúc thành công danh toại trở về thì mẹ già đã mất.

– Khuynh hướng thứ hai là khuynh hướng hiện thực. Các vở này đi sâu vào lột tả, bóc trần những hiện thực u ám, tăm tối của đời sống. Tiêu biểu là vở “Ai giết người” của tác giả Tô Giang trình diễn trên rạp Quảng Lạc (Hà Nội) vào khoảng tháng 5 năm 1920. Vở kịch được phóng tác từ một truyện ngắn của Nguyễn Mạnh Bổng đăng trên tạp chí Nam Phong thời đấy. Theo GS. Hoàng Châu Ký: Đây là lần đầu tiên ở Hà Nội, nghệ thuật Tuồng diễn tả cuộc sống hiện đại. Trong vở này gồm những loại người như quan kinh lược, quan tri phủ, một nhà nho suy tàn, một người Hoa kiều, hậu sáng, cậu nhỏ, gái tân thời, cố đạo… vở này có phần hấp dẫn người xem cho nội dung mang tính đương đại.

– Khuynh hướng thứ ba là lãng mạn và được phân thành hai nhánh là lãng mạn tích cực và lãng man tiêu cực. Với các tác phẩm thuộc dòng lãng mạn tích cực, ngoài tình yêu, cuộc sống đời tư thì tình yêu tổ quốc và ý thúc trách nhiệm với non sông cũng được đề cập tới. Dù thế các tác phẩm của dòng Tuồng này vẫn đi theo con đường quen thuộc trong hệ tư tưởng Nho giáo – trung quân ái quốc, tiêu biểu như: Đông Lộ Địch của Ưng Bình Phúc Giạ Thị, Nước và Tình do NSƯT Hoàng Chinh,….  

– Lãng mạn tiêu cực lại thể hiện sự bi quan trước thời cuộc. Các tác phẩm của khuynh hướng này biểu hiện rõ nét sự khủng hoảng trầm trọng của tầng lớp trí thức Việt về mặt tư tưởng thời bấy giờ. Đối mặt với sự bế tắc, cùng quẫn trước thực tại của một xã hội thối nát, họ tìm cách thoát ly khỏi thế giới mình đang sống và tìm đến một góc trời riêng để trốn tránh. Họ đào sâu đến cái Tôi của con người. Những tâm tư, tình cảm của con người dần dần được phản ánh nhiều hơn, đặc biệt là chuyện tình yêu đôi lứa. Vì vậy, đôi khi trong nhiều tác phẩm, vấn đề đời tư được nâng lên thành nội dung chính, chủ đạo. Điển hình như các tác phẩm như: Gươm tình đẫm máu, Đã không duyên kiếp, Tái sanh kỳ ngộ, Nhị nữ tranh phu, Hiệp tái sanh duyên,…. Nội dung chủ yếu xoay quanh đời sống riêng tư như tình yêu đôi lứa, những éo le, trắc trở, cũng như ước mơ, khát vọng của các nhân vật. 

Tuy đã có nhiều đổi mới về mặt nội dung tư tưởng nhưng dư âm của hệ tư tưởng Nho giáo vẫn xuất hiện đâu đó .

  3.2. Đề tài, chủ đề và nội dung phản ánh:
Nếu nói về chủ đề hiện thực xã hội của đất nước ta trong những năm đàu thế kỉ XX, Tuồng Xuân nữ đã đưa lên sân khấu hầu như các khía cạnh của đời sống. Các tác giả của dòng Tuồng đã mang hơi thở của cuộc sống đượng đại lồng vào những tích truyện xưa-nay như Xử án Bàng Quí Phi, Đông Lộ Địch,… Trong đó một vài tích là thật nhưng hầu hết là hư cấu. Tác giả thường mượn tên các nước- triều đại có thật, còn cốt truyện là tự sáng tạo nên. Đôi khi tên nhân vật cũng là hư cấu. Đề tài phản ánh cuộc sống của loại Tuồng này khá phong phú vàđa dạng. Những câu chuyện tình yêu, lối sống “Âu hóa”, những hoàn cảnh éo le, trái ngang, gây cấn trong cuộc sống….. Tùy theo góc nhìn, khía cạnh của mỗi tác giả mà cốt truyện mang nhiều chủ đề khác nhau.

Với đề tài tình yêu, các vở tuồng thường thể hiện sự éo le, trái ngang rồi dẫn đến kết cuộc chia ly hay đoàn tụ,…. Đây là chủ đề được đề cập nhiều nhất bởi đó là “mốt thời thượng (hot trend)” lúc bấy giờ. Đặc biệt là ở thành thị, nơi được tiếp xúc với các tư tưởng nước ngoài, đặc biệt là phương Tây. Nhu cầu thoát khỏi những ràng buộc cổ hủ lạc hậu của Nho giáo là một vấn đề nóng bỏng. Sự tự do trong tình yêu là một nhu cầu bức thiết với mọi tầng lớp nhân dân. Điển hình như câu chuyện tình tay ba của hai chị em công chúa Hoàng Lan Khương- Hoàng Lam Khanh (Oanh Kha- công chúa Hung Nô quốc) với võ trạng Mã Khắc Sinh của Tần Quốc trong vở Viên Ngọc Quý.

  3.3. Ngôn ngữ nghệ thuật:
Cũng như các loại hình sân khấu truyền thống khác của dân tộc, nghệ thuật Tuồng nói chung và Tuồng Xuân nữ nói riêng đa khéo léo vận dụng ngôn ngữ văn học và ngôn ngữ đời sống hằng ngày làm chất liệu nghệ thuật biểu diễn.

Thị hiếu của khán giả đương thời có sự thay đổi, họ đòi hỏi phải đi sâu vào hiện thực đời sống đương đại thời đó, khai thác những tâm tư thầm kín của con người. Vì vậy văn chương diễn đạt nội dung cần phải giản dị, dễ nghe, dễ hiểu, dễ nhớ. Ngôn ngữ văn xuôi là phù hợp nhất với yêu cầu ấy. Ngoài ra, lớp khán giả mớ đòi hỏi phải có những câu hát lãng mạn, tình tứ, mùi mẫn, lâm ly thể hiện tâm tư của con người nhiều hơn. Bởi vậy các thể thơ truyền thống của dân tộc (lục bát và song thất lục bát) được sử dụng nhiều hơn và giảm dần các thơ văn chữ Hán (biền ngẫu và Đường thi).

  3.4. Âm nhạc:
Khi nói đến âm nhạc, tất cả các phương diện như làn điệu, nhạc cụ,… Tuồng Xuân nữ đều có nét mới lạ so với Tuồng cổ.

     3.4.1. Bài bản, làn điệu:
Ngoài kế thừa các làn điệu truyền thống của Tuồng cổ, Tuồng Xuân nữ còn sử dụng thêm nhiều bài bản, làn điệu mới. Để đáp ứng nhu cầu của khán giả và để tồn tại, các nghệ sỹ Tuồng đã sáng tạo ra một làm điệu mới đó chính là nam Xuân nữ. Làn điệu mới này dựa trên cơ sở làn điệu nam Xuân, nam Ai của Tuồng kết hợp với chất Xuân nữ của Cải lương.

Bên cạnh sử dụng làn điệu mới, Tuồng Xuân nữ còn vay mượn các bài bản nhạc, làn điệu của dòng nhạc khác. Tiêu biểu là lan điệu Sa Mạc của nghệ thuật ngâm thơ vùng Bắc Bộ, được sử dụng nhiều trong nghệ thuật Chèo. Tuy sử dụng không nhiều nhưng lại khá hiệu quá trong các tình huống đối đáp của nam thanh nữ tú cần sự tình tứ, nhẹ nhàng, duyên dáng. 

     3.4.2. Nhạc cụ:
Đến đầu thế kỉ XX, Tuồng Xuân nữ xuất hiện với nhiều cách tân so với Tuồng cổ. Bên cạnh việc kế thừa những nét truyền thồng, Tuồng Xuân nữ còn sẵn sàng tiếp thu, ứng dụng những tinh hoa của các loại hình nghệ thuật sân khấu khác. Đặc biệt là cải lương với làn điệu Xuân nữ đã tạo nhiều thay đổi trong dàn nhạc. Ngoài ba trụ chính là trống – kèn – nhị, các nghệ sỹ đã bổ sung thêm nhiều nhạc cụ mới, vừa có nhạc cụ dân tộc, vừa có nhạc cụ phương Tây, cụ thể như: đàn nguyệt, đàn bầu, sáo trúc, tiêu, guitar phím lõm.

4. Nghệ thuật biểu diễn:
Sự chuyển biến về nội dung kịch bản dẫn đến sự thay đổi về nghệ thuật biểu diễn. Với nội dung tư tưởng thể hiện tâm tư thầm kín của con người nên Tuồng Xuân nữ đã có nhiều cải tiến trong hình thức biểu diễn so với Tuồng cổ.

  4.1. Hát: Ở Tuồng Xuân nữ thì giọng Nam Xuân nữ tổng hợp tinh hoa từ hai loại hình truyền thống sân khấu nghệ thuật nước ta là Cải Lương và Tuồng. Trên cơ sở làn điệu Nam ai ở Tuồng cổ, các nghệ sỹ đã pha thêm một chút du dương, lãng mạn của Xuân nữ Cải Lương. Cách hát này luyến láy, ngắt câu, nhả chữ nhe nhàng, ngọt ngào và êm ái dễ đi vào lòng người, hợp với gu thẫm mỹ mới của lớp khán giả mới.

4.2. Múa và diễn: Ngoài hát thì múa chính là một trong những nét đặc sắc nhất của Tuồng nói chung và Tuồng Xuân nữ nói riêng, là sản phẩm nghệ thuật vốn được rút ra từ từ hiện thực đời sống của con người. Sự mẫu mực trong biểu diễn ở Tuồng cổ đã dần dần được đơn giản hóa trong tuồng Xuân nữ. Việc sử dụng các điệu bộ, động tác không còn phải tuyệt đối tuân theo khuôn mẫu mà đơn giản hóa những hình ảnh ước lệ tượng trưng. Để thu hút công chúng, các nghệ sỹ được vào những món nghề mới lạ và hấp dẫn như: ảo thuật, những pha đánh nhau theo kiểu hiệp khách. Không chỉ giản luợc về mặt vũ đạo, ở Tuồng Xuân nữ còn có xu thế cụ thể hóa môi trường và các yếu tố bổ trợ biểu diễn- từ sân khấu, đến đạo cụ,…

5. Vai trò, vị trí của Tuồng Xuân nữ:

– Đối với nghệ thuật Tuồng: Sự ra đời của Tuồng Xuân nữ kịp đáp ứng các nhu cầu của công chúng và trở thành một phần không thể thiếu của loại hình nghệ thuật này nhờ kế thừa những giá trị tinh hoa truyền thống và tiệp nhận những cái mới làm cho loại hình này trở nên phong phú, đa dạng.
Tuồng Xuân nữ có sức ảnh hưởng khá lớn trong công tác dàn dựng các tác phẩm nghệ thuật Tuồng sau này, đặc biệt là các vở diễn đề tài lịch sử hoặc hiện đại.

– Trong lòng công chúng: Đã từ lâu, Tuồng là món ăn tinh thần truyền thống của dân tộc ta. Tuy nhiên do sự chuyển biến mạnh mẽ của xã hội nước ta trong những năm đầu thế kỉ XX, dẫn đến sự thay đổi quan niệm và thị hiếu của các tầng lớp nhân dân. Tuồng cổ với những nội dung tam tòng tứ đức, trung quân ái quốc,…. đã trở nên lạc hậu. Công chúng xem Tuồng cần có gì đó mới mẻ hơn, đỡ nhàm chán hơn. Tuồng Xuân nữ đã làm được điều đó. Chính sự đổi mới của Tuồng Xuân nữ so với Tuồng cổ chính là chìa khóa để Tuồng tiếp cận được với trái tim của lớp khán giả mới. Nét đặc sắc độc đáo của Tuồng Xuân nữ đã trở thành một nhân tố quan trọng để nuôi dưỡng nghệ thuật Tuồng tiếp tục tồn tại và phát triển trong lòng nhân dân đến hôm nay, cũng như mai sau.

Để hiểu rõ hơn về Tuồng Xuân nữ hay Tuồng Tiểu thuyết, mời các bạn xem video dưới đây:

Hát Bội Bình Định – ĐIỆU XUÂN NỮ – TRÍCH TAM HÙNG KIỆT & XỬ ÁN BÀNG QUÝ PHI (Nguồn: YouTube)

Anh Võ

Nguồn tham khảo: 
1. NSƯT Nguyễn Gia Thiện (2017) – Tuồng Xuân nữ – NXB Sân Khấu

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật