2.2. Người phụ nữ tài sắc nhưng bạc mệnh
Từ sinh hoạt văn hóa ả đào đặc sắc, người ả đào đi vào trong văn chương qua cái nhìn của giới đàn ông – những khán thính giả ca trù. Rất hiếm nhân vật hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật mà lại trở thành nhân vật văn chương nổi bật, xuất hiện trong một loạt tác phẩm của nhiều tác giả thành danh.
Người ả đào đã có được điều đó. Không chỉ xuất hiện trong các tác phẩm hát nói (nhưng xuất hiện trong hát nói là chủ yếu), nhân vật này còn hiện lên qua nhiều tác phẩm ở nhiều thể loại: thơ thất ngôn, truyện, truyện dài… Thân phận thấp hèn nhưng lại hoạt động trong một nghề nghiệp hấp dẫn với nhiều phẩm chất quyến rũ, nhân vật ả đào trong văn chương hiện lên đa dạng, nhiều sắc thái, và ở trong những quan điểm trái ngược. Trong phần còn lại của luận văn này, chúng tôi sẽ tìm hiểu, phân tích những đặc điểm của nhân vật ả đào trong văn chương, để tìm ra những dáng nét đặc trưng của một nhân vật văn hóa độc đáo, có một không hai của lịch sử văn hóa Việt Nam; và cũng để một lần nữa đánh giá quan điểm của các nhà nho xưa về nhân vật này cũng như về người phụ nữ nói chung.
2.2.1. Sắc và tài – tài sản ẩn chứa bất hạnh
a. Trong văn chương, qua con mắt phong tình của các bậc phong lưu tài tử, người ả đào là những giai nhân. Sắc đẹp trở thành đặc điểm nổi bật, được nhắc đi nhắc lại nhiều nhất trong các tác phẩm. Gần như tất cả các tác phẩm viết về ả đào đều tập trung khắc họa đặc điểm này. Tự ngàn xưa, trong văn chương Trung Quốc cũng như Việt Nam, phụ nữ và sắc đẹp vẫn đi liền với nhau như một công thức ước lệ. Nhưng có một điểm thú vị là văn chương viết về ả đào thường đề cập đến danh tính đào nương cụ thể, có tồn tại trong thực tế. Có thể suy luận rằng, thông qua sự công nhận tác phẩm của rộng rãi khán thính giả, sắc đẹp của những đào nương cũng được khẳng định là có thật, không đơn giản là công thức ước lệ của văn chương.
Sắc đẹp của đào nương được miêu tả bằng nhiều hình ảnh, từ ngữ phong phú, nhưng do phần lớn tác phẩm viết về ả đào nằm trong hệ thống văn học trung đại nên cách tả mang nhiều tính ước lệ. Các tác giả chủ yếu sử dụng điển tích điển cố, hoặc một số từ, ngữ ước lệ quen thuộc. Những từ ngữ, hình ảnh thường dùng là: khách phong lưu hồng phấn, sắc nước hương trời, giai nhân, liễu lục đào hồng, mày liễu má đào, mày như mây xanh, gót quấn quít hương,…: “Quân thị phong lưu hồng phấn khách” (Nàng là khách phong lưu hồng phấn – Tặng cô đầu Văn – Dương Tự Nhu); “Vân lược song nga sơ xước ước/ Hương tùy tiêm bộ ám yêu kiều” (Mày non mây thấm xanh mươn mướt/ Gót ngọc hương theo dáng điệu đà – Tiểu ca cơ – Phạm Đình Hổ); “Giai nhân tâm sự quy cầm trục” (Tâm sự của giai nhân ở trong tiếng đàn – Bến Tầm Dương – Ngô Thế Vinh); “Kìa liễu lục đào hồng tri kỷ đó/ Hỏi những lúc gió trăng trăng gió/ Biết yêu hoa dễ có mấy người/ Than ôi sắc nước hương trời” (Tặng cô đầu Phú – Dương Tự Nhu); “Vẻ xinh xinh mày liễu má đào/ Bấy lâu nay trộm nhớ thầm yêu” (Tặng cô đầu Kim – Dương Tự Nhu); “Xuân phong yểm ánh đào hoa diện” (Gió xuân óng ánh mặt hoa đào – Long thành cầm giả ca – Nguyễn Du).
Cách tả phổ biến thứ hai, đó là sử dụng điển tích, điển cố. Tác giả Nguyễn Văn Bình nhân làm bài hát nói tặng cô đầu tên Yến, đã mượn tên cô để nhắc đến giai nhân nức tiếng Triệu Phi Yến, cũng là có ý so sánh sắc đẹp giai nhân với các mỹ nhân nổi danh:
“Khả liên Phi Yến
Chốn Hán cung nức tiếng bấy nhiêu lâu
Vẻ gương loan vằng vặc trên lầu
Xui lòng khách Phượng cầu thêm khắc khoải
Thi nhân lão khứ oanh oanh tại
Công tử quy lai yến yến mang
Lầu Vũ Ninh bóng ác mấy hôn hoàng
Nào đôi lứa uyên ương ai đó tá
Đền Đồng Tước ra tay mở khóa
Mượn thư hồng giãi tỏ tấm tình chung
Ước ao cá nước mây rồng”
Tặng cô đầu Yến – Nguyễn Văn Bình
Không chỉ so sánh giai nhân với Triệu Phi Yến, tác giả còn nhắc đến hai mỹ nhân nổi tiếng thời Tam Quốc là Đại Kiều và Tiểu Kiều, qua tích đền Đồng Tước. Vì giai nhân quá đẹp mà khách tài tử phải ước ao gặp gỡ “cá nước mây rồng”.
Nếu không lấy các điển liên quan đến những mỹ nhân nổi tiếng thì các tác giả thường dùng điển “nhất tiếu thiên kim”– một nụ cười đáng giá nghìn vàng. Tự cổ, thi nhân rất ưa dùng điển này tả người đẹp. Vương Tăng Nhu vịnh nàng Sủng Cơ có câu: “Tái cổ liên thành dịch/ Nhất tiếu thiên kim mãi” (Ngoảnh nhìn lại thành cũng chuyển dịch/ Một nụ cười nghìn vàng cũng mua). Lý Bạch cũng có câu: “Mỹ nhân nhất tiếu hoán thiên kim” (Nụ cười của người đẹp đổi lấy nghìn vàng). Các tác giả Việt Nam cũng vậy. Nguyễn Du khi nói về sắc đẹp của Thúy Kiều cũng dùng đến điển “nhất tiếu thiên kim”: “Đã nên quốc sắc thiên hương/ Một cười này hẳn nghìn vàng chẳng ngoa” (Truyện Kiều). Khi tả sắc đẹp đào nương, nhiều tác giả đã sử dụng điển này. Nguyễn Công Trứ làm thơ về một ả đào đã già mà vẫn còn xinh đẹp: “Liếc trông giá đáng mấy mười mươi/ Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười” (Bỡn cô đào già), còn Tản Đà thì viết: “Giá khuynh thành nhất tiếu thiên câm/ Mắt xanh trắng đổi nhằm bao khách tục” (Đời đáng chán). Tản Đà đã ghép cả điển “nhất tiếu thiên kim” với điển “khuynh quốc khuynh thành” trong một câu, cực tả vẻ đẹp của mỹ nhân. Điển “khuynh quốc khuynh thành” cũng được dùng nhiều trong các tác phẩm khác, như câu: “Khuôn thiêng khéo đúc nên người/ Khúc ca vân tán, vẻ cười thành khuynh” (Gặp cô đầu Điểm: Bài đệ tam – Nguyễn Đức Đàm).
Như đã phân tích ở trên, mối quan hệ đào nương và khách nghe hát thường tiến tới quan hệ tình ái nam nữ. Trong con mắt của những tình nhân, sắc đẹp của ả đào luôn được đặt trong thế đối sánh với cái tài, cái phong lưu nho nhã của kẻ tài tử. Nhờ sự cân xứng tài – sắc ấy mà tình cảm nảy sinh sâu đậm. Cách nhìn này chịu ảnh hưởng sâu sắc của quan điểm “tài tử – giai nhân”.
“Dương Tự Nhu đã viết trong bài hát nói đề tặng cô đầu Văn:
Quân thị phong lưu hồng phấn khách
Ngã vi du hoạn thiếu niên nhân
(Nàng là khách phong lưu hồng phấn
Ta là người làm quan trẻ tuổi)”
Tặng cô đầu Văn – Dương Tự Nhu
Ở đây, đào nương, cụ thể là cô đầu Văn, được tác giả gọi là khách “phong lưu hồng phấn”, đối với tác giả là ông quan trẻ tuổi: một cặp đôi xứng đôi vừa lứa: “Tài sắc ấy bắc đồng cân coi cũng phỉ”. Trong toàn bài hát nói, cô đầu hiện lên với một hình ảnh duy nhất: sắc đẹp cân xứng với tài năng của khách, nên giữa hai người mới hình thành mối tơ duyên tri kỷ. Tương tự, trong Tặng cô đầu Kim, tác giả cũng đưa ra hình ảnh đối xứng sắc – tài:
“Ngã thị phong lưu hiền thái thú
Quân ưng hồng phấn cổ danh ca
(Ta là quan Thái thú phong lưu mà hiền
Nàng là cô đầu đẹp hát hay có tiếng)
Khách trâm anh với khách quần thoa
Cách phong nhã hào hoa là thế thế”
Tặng cô đầu Kim – Dương Tự Nhu
Tác phẩm Nguyễn Công Trứ, Cao Bá Quát thường nhắc nhiều đến cặp đôi giai nhân – tài tử này. Tuy trong nhiều tác phẩm không nói rõ người giai nhân có phải là đào nương hay không, nhưng dựa trên thực tế hai ông là những người nổi tiếng mê hát nói, hay đi hát và có nhiều mối quan hệ với các ả đào nổi danh, chúng tôi cho rằng hình ảnh giai nhân trong các tác phẩm của Nguyễn Công Trứ và Cao Bá Quát phần nhiều mang bóng dáng đào nương. Nguyễn Công Trứ viết trong Duyên gặp gỡ:
“Trai anh hùng gặp gái thuyền quyên
Trong nhất kiến tình duyên như đã
Tỳ bà hữu hạnh phùng Tư mã
Quân tử đa tình cánh khả lân
Nọ mấy người tài tử giai nhân
Duyên chỉ thắm bỗng dần dần đưa lại
Dầu nghìn dặm băng sơn quế hải
Đã tình duyên xe lại cũng nên gần
Liễu hoa vừa gặp chúa xuân
Châu Trần nào có Châu Trần này hơn”
Duyên gặp gỡ – Nguyễn Công Trứ
Đối với Nguyễn Công Trứ, người thiếu phụ gảy đàn tỳ bà trên bến Tầm Dương không phải vô tình mà gặp gỡ được ông quan Tư mã đất Giang Châu. Sự gặp gỡ đều do số phận, đã là tài tử giai nhân ắt hẳn gặp gỡ. Nhiều tác giả khác cũng có chung quan điểm này. Cao Bá Quát viết: “Tài tử với giai nhân sẵn nợ/ Giải cấu nan là chữ làm sao” (Nhớ giai nhân), hay Ngô Thế Vinh: “Hồng nhan tự cổ đa luân lạc/ Thái bút như kim bán lục trầm/ Người trăm năm ngoảnh lại cõi trăm năm/ Tài với sắc tính ra là ngộ cả” (Bến Tầm Dương). Giai nhân vì sắc đẹp mà luân lạc, tài năng của người tài tử rồi cũng chìm trôi, ít người nhớ đến: mối đồng cảm kỳ lạ ấy là sợi dây nối tơ duyên tài tử giai nhân – một mối quan hệ đầy duyên nợ nhưng lại quá phong tình, khó giữ cho bền chặt.
b. Bên cạnh sắc đẹp, người ả đào trong văn chương còn là những phụ nữ có tài. Tài ở đây là tài cầm ca, tài văn chương thơ phú – những thứ tài gắn bó với tâm sự, tình cảm chân thật tự đáy sâu con người. Cái tài đó được Nguyễn Du gọi tên là tài tình (Tài tình chi lắm cho trời đất ghen – Truyện Kiều). Chữ Tài của người ca nữ không được nhắc đến và ngợi ca nhiều như sắc đẹp, vì nhà nho với quan điểm nam quyền thường giữ riêng cái Tài như tài sản riêng có của mình. Người cực tả cái tài của ca nữ có lẽ là Nguyễn Du trong Long thành cầm giả ca. Suốt tác phẩm, điều tạo ấn tượng nhất cho độc giả chính là tài cầm ca của cô Cầm. Dung nhan cô Cầm không kém phần xinh đẹp, nhưng chỉ được nhắc đến thoáng qua trong một câu thơ: “Xuân phong yểm ánh đào hoa diện” (Xuân phong ánh mặt hoa đào nở), còn phần lớn dung lượng, tác giả dành để tả cái tài cầm ca hiếm có của cô. Thời trẻ, tài đàn ca của cô Cầm nức tiếng khắp thành Thăng Long, tiếng đàn biến hóa tinh tế không kể xiết: “Năm cung thánh thót tay ngà lựa/ Êm như gió mát thoảng rừng thông/ Trong như tiếng hạc giữa thanh không/ Buồn như Trang Tích ngọa bênh ngâm khúc Việt/ Mạnh như Tiến Phúc đầu bia sét đánh tung” (Long thành cầm giả ca). Tiếng đàn này đã làm mê mệt nghiêng ngả biết bao người nghe, cùng tiếng đàn đắm say suốt đêm ngày. Người ca nữ bé nhỏ trở thành “bảo vật Trường An”, được thưởng tiền lụa nhiều vô kể:
“…Tây Sơn văn võ hết thảy say mê mệt
Lăn lóc đêm ngày hay chẳng biết
Tả hữu đua nhau thưởng gấm là
Tiền coi như rác quăng nào tiếc
Vương hầu còn kém vẻ hào khí
…Đã thành bảo vật Trường An quý…”
Long thành cầm giả ca – Nguyễn Du
Đây là những dòng thơ cực tả tài năng của cô Cầm, cái tài mang đến cho cô danh tiếng, tiền bạc, sự ngưỡng mộ và cuộc sống vàng son. Khi đã về già, dung nhan tàn tạ, tài năng của cô vẫn còn đó, không hề mai một. Trong bữa tiệc đông đúc, giữa bao nhiêu ca nữ trẻ trung xinh đẹp, cô Cầm nổi bật lên nhờ bởi một khúc đàn Nguyễn trong trẻo, khác hẳn những khúc thường nghe:
“…Trong tiệc ca nhi đều tuổi trẻ
Cuối tiệc một người tóc đốm hoa
Mình gầy mặt võ trông buồn tẻ
Nét my tàn tạ, mặc sơ sài
Ai biết là nàng thưở trước tiếng ca hay tuyệt thế
Giọng mới cung xưa giọt lệ rơi…”
Long thành cầm giả ca – Nguyễn Du
Ở đây tác giả đối lập sự tàn tạ của dung nhan với phong độ tuyệt thế của ngón đàn, làm nổi bật lên tài năng của người ca kỹ. Thời gian có thể phá hủy nhan sắc, nhưng tài năng thì đi theo người ca kỹ cả cuộc đời, là thứ làm nên giá trị đáng ngưỡng mộ nhất của họ.
Trong toàn bộ tác phẩm của Nguyễn Du, chỉ có hai nhân vật có được tài năng tuyệt thế này, đó là cô Cầm đất Long thành và Thúy Kiều. Nhân vật Thúy Kiều vốn là một kỹ nữ Trung Quốc, nhân vật chính trong Kim Vân Kiều truyện của Thanh Tâm Tài Nhân. Nhưng tác giả Nguyễn Du ắt hẳn đã đem những trải nghiệm thực tế về những ả đào, kỹ nữ Việt Nam mà ông từng gặp, từng yêu để chung đúc thành linh hồn nhân vật Thúy Kiều, nên vẫn có thể xếp Thúy Kiều vào hệ thống nhân vật ả đào, kỹ nữ. Nàng Kiều có hai thứ tài tuyệt thế, đó là tài thơ và tài đàn. Trong truyện, Nguyễn Du tả Kiều làm thơ bảy lần, chơi đàn tám lần. Tất cả những người đã từng thưởng thức tài của nàng, dù ở vị trí nào, cũng đều tỏ thái độ khâm phục. Đạm Tiên ở dưới suối vàng nghe thơ của Thúy Kiều đã hiển linh về trên ngọn gió lá cây, rồi mộng về khen thơ: “Giá đành tú khẩu cẩm tâm khác thường/ Ví đem vào tập Đoạn trường/ Thì treo giải nhất chi nhường cho ai”, Hoạn Thư nghe tiếng đàn Kiều trong lúc lòng ghen cuộn trào cũng phải gật gù tâm phục (Rằng: “Tài nên trọng mà tình nên thương”), quan huyện đọc thơ Kiều đã giảm cơn thịnh nộ (Khen rằng: “Giá lạt Thịnh Đường/ Tài này sắc ấy nghìn vàng chưa cân”), Hồ Tôn Hiến nghe nàng đánh đàn mà phút chốc ngây dại vì tình (Lạ cho mặt sắt cũng ngây vì tình). Tài thơ và tài đàn ca mà Kiều có chính là hai môn nghệ thuật chủ yếu mà ả đào nào cũng phải sành sỏi. Trong xã hội chuyên chế phương Đông, người phụ nữ không có khả năng thể hiện phẩm chất, tài năng về chính trị hay kinh tế, khoa học như ngày nay (ngày nay, người phụ nữ có thể là chính khách, nữ doanh nhân, nhà khoa học…, song ngày xưa, điều đó rất khó xảy ra). Ngả đường thể hiện năng lực của họ rất chật hẹp, chỉ bó gọn trong địa hạt nghệ thuật như tài thơ, tài đàn, tài múa hát. Các tác giả khác cũng nhắc tới tài đàn hát của cô đầu:
“– Ngã thị phong lưu hiền thái thú
Quân ưng hồng phấn cổ danh ca
(Ta là quan Thái thú phong lưu mà hiền
Nàng là người đẹp hát hay có tiếng)
Tặng cô đầu Kim – Dương Tự Nhu
– Năm mươi sáu tuổi già nhưng vóc
Hai chục trăm bài hát vẫn khuôn
Tiếng đâu vang như trống, ấm như chuông
Người ngồi đấy dễ thường mê mẩn được
ỏn ẻn hát quan, quan cũng chuộng
Rù rì nhủ kiệt, kiệt sinh hoang
Chị càng già danh tiếng lại càng vang
Khắp ba xứ chan chan đều biết chị
Tặng cô đầu danh ca về già – Vũ Duyệt Lễ
– Giọng đa tình réo rắt khúc Ly tao
Chật ngoài cửa biết bao xe ngựa gác
Nhịp gõ chia tan vành lược bạc
Rượu rơi hoen ố bức quần hồng”
Tặng cô đầu Điểm: Bài đệ tứ – Nguyễn Đức Đàm
Truyện ngắn Thề non nước của Tản Đà tuy không thành công lắm về mặt nghệ thuật, ít tạo được tiếng vang, nhưng ả đào Vân Anh mà ông khắc họa cũng là một nhân vật tiêu biểu cho người đào nương tài hoa. Chu Vân Anh vốn là một cô gái xinh đẹp, được học hành tử tế, có tài văn chương. Trong truyện, Vân Anh gặp một người khách lạ, đã cùng người khách đề thơ lên bức họa, tạo ra tuyệt phẩm Thề non nước. Những câu thơ tài hoa và thần tình đến nỗi người khách mới quen phải thốt lên: “Không ngờ chị văn nôm hay mà nhanh được như thế!”. Buổi gặp gỡ trong thoáng chốc, người khách lạ và giai nhân mến nhau vì tình, cảm nhau vì tài mà trở nên quyến luyến, vương vấn không nỡ rời xa. Chỉ tiếc rằng, cái tài của Vân Anh phải chịu dập vùi, chìm lấp trong cảnh nghèo túng, không người biết tới, không ai đoái hoài, ngoại trừ người khách lạ một hai lần đến rồi ra đi không trở lại.
d. Tài sắc với người ca nữ là tài sản không thể thiếu. Nghề nghiệp đòi hỏi họ phải có sắc, có tài, hay nói cách khác, sắc tài là điều kiện bắt buộc để thành công trong nghề ca hát. Không sắc không tài, ả đào không thể có những đêm “nhịp gõ chia tan vành lược bạc, rượu rơi hoen ố bức quần hồng”. Nhưng tài sắc cũng là cái nôi sinh sôi, là nơi ẩn giấu những mầm mống bất hạnh trong cuộc đời người phụ nữ. Tự xa xưa, trong xã hội phong kiến chuyên chế phương Đông, người phụ nữ có nhan sắc thường bất hạnh vì chính nhan sắc của họ. Xã hội nam quyền cho phép người đàn ông chiếm hữu và định đoạt số phận phụ nữ: tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử. Người đàn ông nhiều thế lực, lắm tiền của lại càng có quyền thế đối với số phận người phụ nữ. Lịch sử đã ghi lại không biết bao cuộc tranh đoạt mỹ nhân đầu rơi máu chảy, bao số phận mỹ nhân bị đưa ra làm miếng mồi chính trị, làm công cụ thực hiện các mưu đồ vương bá của người đàn ông. Trung Quốc có Điêu Thuyền, Tây Thi; Việt Nam có Huyền Trân công chúa, Ngọc Hân công chúa… Người phụ nữ có nhan sắc thường phải chịu số phận bị cống nạp, biếu tặng, gả bán cho vua chúa, quan lại hay những người giàu có. Vua chúa ngày xưa có hàng trăm nghìn mỹ nữ ở hậu cung mà vẫn không ngừng tuyển lựa gái đẹp. Phần lớn những cô gái ấy không được thiên tử đoái hoài đến, để tuổi xuân phôi pha, ngày xuân chôn vùi nơi thâm cung mờ mịt, như nàng Chiêu Quân phẫn uất mà tự nguyện xin sang đất Hung Nô. Nếu may mắn được đức vua sủng ái, giai nhân lại đối mặt với cuộc chiến thâm cung hậu điện vô cùng tàn ác và khốc liệt, hoặc rồi rơi vào cảnh thất sủng. Sắc đẹp như một món hàng quý, nhưng khi sắc đẹp ấy tàn phai, người phụ nữ cũng hết giá trị. Hầu hết những mỹ nhân nổi tiếng trong lịch sử đều có số phận rất bi đát. Dương Quý phi thời nhà Đường vì sắc đẹp làm Đường Minh Hoàng mê mẩn, nên khi xảy ra loạn An Lộc Sơn, các quan đã ép vua giết chết nàng; Tây Thi sau khi Việt vương Câu Tiễn giết được Phù Sai, đã không được thưởng công lại còn bị Việt vương giết chết. Ở Việt Nam cũng vậy, Tuyên phi Đặng Thị Huệ được Trịnh Sâm sủng ái, nhưng khi Trịnh Sâm chết đi, nàng cũng bị Dương thái phi trả thù tàn bạo… Người kỹ nữ tài sắc lại càng chịu số phận bi thảm hơn. Kỹ nữ Trung Quốc bị rất nhiều tầng áp bức. Đầu tiên là quan lại. Kỹ nữ luôn luôn phải biểu diễn ca múa miễn phí và làm công cụ thỏa mãn nhục dục cho tầng lớp thống trị, bị chủ các thanh lâu ngược đãi, bắt ép tiếp khách đến kiệt sức, đánh đập hành hạ không thương tiếc. Trong Truyện Kiều, vì bị Tú Bà đánh đập quá tàn nhẫn mà Thúy Kiều chấp nhận tiếp khách. Còn chuyện khách chơi ức hiếp, coi rẻ là chuyện thông thường. Kết cục của các kỹ nữ cũng rất bi thảm. Lịch sử Trung Quốc đã ghi lại những cuộc tuẫn táng kỹ nữ quy mô lớn. Khi Tần Thủy Hoàng chết, Tần Nhị thế cho chôn theo tất cả những cung phi, kỹ nữ không có con trong hậu cung, số lượng lên đến mấy vạn người [Dẫn theo Lịch sử kỹ nữ, 27, tr.303]. Kỹ nữ làm gia nhân trong gia đình quan lại cũng bị chủ giết không ghê tay. Thạch Sùng thời Tây Tấn thường sai gia kỹ rót rượu hầu khách, nếu khách nào uống rượu không thật say liền giết ngay người kỹ nữ hầu rượu. Dương Chính thời Nam Tống tính tình tàn nhẫn, cơ thiếp nào trái ý đều bị dùng gậy đánh chết rồi lột da từ đầu đến chân, đóng đinh lên vách, đến khi khô cứng mới gỡ ra ném xuống sông [Dẫn theo Lịch sử kỹ nữ, tr.304-305]. Nhiều kỹ nữ vì không chịu được khổ nhục mà tự sát. Danh kỹ thời Tống là Hàn Hương, tài sắc nổi danh, nhưng chỉ vì thân thiết với con trai của Diệp đại tướng quân trấn thủ Từ Châu khiến Diệp gia nổi giận, ép nàng lấy một người lính già. Nàng tự sát chết. Danh kỹ Trần Viên Viên thời Minh Thanh được Ngô Tam Quế sủng ái, nhưng sau khi Ngô Tam Quế bại trận, nàng không chịu được việc bị quân Thanh làm nhục nên nhảy xuống hồ tự tử. Hầu hết các kỹ nữ này chết yểu ở độ tuổi mười tám hai mươi, khi nhan sắc tài năng đang rực rỡ. Số phận bi thảm của các mỹ nhân, kỹ nữ là kinh nghiệm thực tế đúc rút nên mệnh đề hồng nhan bạc phận. Những kỹ nữ ở Việt Nam, ả đào, cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Họ mang trong mình sắc tài, lại đem thân mua vui cho những kẻ quyền thế, nên dễ gợi lên nhiều dục vọng tranh đoạt bán mua trong những người đàn ông lắm tiền nhiều thế; hoặc khiến họ sa vào những cuộc tình mây gió không biết trước kết cục, không ràng buộc hứa hẹn; hoặc khi tài sắc tàn phai, hết giá trị phục vụ giải trí, họ phải chấp nhận phận lẽ mọn tôi đòi hay chịu cảnh cô độc nghèo nàn không nơi nương tựa… Những hiểm họa ấy là có thể lường trước nếu nhìn vào gương các mỹ nhân, kỹ nữ trong lịch sử.
Văn chương viết về người ả đào đã phản ánh thực tế ấy. Mỗi nhân vật đào nương có cuộc đời riêng, những mối quan hệ riêng, những bi kịch riêng, nhưng tất cả họ đều chung mệnh bạc.
Đoàn Anh Đào – Luận văn Thạc sĩ (Sưu tầm)