Nhân vật ả đào – Từ cuộc sống đến thơ văn (Kỳ 6)


CHƯƠNG III: CÁI NHÌN ĐA CHIỀU TỪ PHÍA NGƯỜI THƯỞNG THỨC

3.1. Cái nhìn thuần túy từ phía người đàn ông

Các nghiên cứu xưa nay thường nói rằng hưởng lạc là đặc điểm nổi trội trong các trước tác của Nguyễn Công Trứ. Nhưng nếu nhìn lại di sản đồ sộ các bài hát nói còn để lại, chúng ta sẽ thấy rằng không chỉ có một Nguyễn Công Trứ, mà biết bao tao nhân mặc khách, bao danh sỹ văn nhân thời đó cũng ham thích sự hưởng lạc.

Có người chán lẽ công danh xuất xử mà chọn cuộc sống vui thú ngao du, có người lại lấy việc hưởng thú ăn chơi như một cách giữ gìn khí tiết. Nhiều người khác vui chơi với tư tưởng cuộc đời dâu bể, tang thương biến đổi, đến nghìn sau người anh hùng cũng như kẻ bình dân: “Sau nghìn thu ai dễ biết ai đâu/ Lấp cây cỏ dẫu hiền ngu cũng vậy/ Ngoảnh mặt lại tang thương là thế ấy/ Nên chơi cho lừng lẫy chốn doanh hoàn” (Mỗi người một thích – Vô danh). Tác phẩm hát nói lấy sự hưởng lạc làm đề tài có nhiều: Chơi xuân kẻo hết xuân đi, Thú rượu thơ, Ngao du thỏa chí, Thú say sưa, Chơi cho phỉ chí, Thú nguyệt hoa… của Nguyễn Công Trứ; Gió mát trăng thanh của Ngô Thế Vinh; Nước trời một vẻ, Trung thu vọng nguyệt của Trương Quốc Dụng; Chén rượu tiêu sầu của Cao Bá Quát… Đề tài hưởng lạc có thể xem như một trong những đề tài tiêu biểu của các tác phẩm hát nói.

Có thể nhìn thấy lại sự say mê, vui thích, thỏa chí của nhà nho khi tận hưởng thú ca trù qua các bài hát nói. Trong bài Gió mát trăng thanh, Ngô Thế Vinh tả:

“Đàn năm cung, thơ một túi, cờ một cuộc, rượu một bầu

Tiếng ca quản một vài câu khiển hứng

Chèo mấy lái thuyền lan lững thững

Bạn mấy người tài tử ngao du”

Gió mát trăng thanh – Ngô Thế Vinh

Thật không có khung cảnh nào có thể gợi hứng cho thi nhân hơn nữa! Giữa dòng sông tĩnh mịch vằng vặc ánh trăng thu, một mái thuyền con, bầu rượu, túi thơ đi cùng tiếng đàn hát của các cô đầu. Trong khung cảnh ấy, thi nhân thấy mình không khác nào những bậc phong lưu tài tử nổi danh ngày trước: “Thú phong lưu há để một Tô Công”.

Khá nhiều văn nhân có chung ý thích với Ngô Thế Vinh, đưa cô đầu lên thuyền vọng nguyệt như Trương Quốc Dụng trong Trung thu vọng nguyệt: “Sẵn giang sơn hứng thú cầm ca/ Xin chớ để trăng già cười khách tục/ Tửu nhất hồ, cầm nhất trương, ca nhất khúc/ Thú Nam lâu nào có thua ai” (Trung thu vọng nguyệt – Trương Quốc Dụng), hay tác giả vô danh trong Ngắm trăng nghe hát trên sông: “Giữa dòng sông tơ trúc vang lừng/ Trên đỉnh núi cỏ hoa man mác/ Phong cảnh ấy nghìn vàng khôn đổi chác/ Đủ giang sơn, phong nguyệt, cầm ca” (Ngắm trăng nghe hát trên sông – Vô danh).

a. Điểm qua vài tác phẩm như thế đủ cho chúng ta biết các nhà nho xưa ưa thích nghe hát ả đào như thế nào. Thế nhưng, hầu hết những khán thính giả đàn ông này đều thể hiện cái nhìn mang tính hưởng thụ đối với hát ca trù cũng như người ca nữ. Cuộc hát là nơi người đàn ông tận hưởng thanh, sắc, thậm chí là cả tình yêu của nữ nghệ sỹ, tận hưởng say sưa, vô tư, vô tình như một lẽ tự nhiên. Không mấy nhà nho ngừng lại trong cuộc vui chơi để nghĩ về người ả đào như một con người có giá trị, số phận, cuộc đời riêng tư cần được sẻ chia, đồng cảm. Phạm Đình Hổ chép truyện Nguyễn Khản, kể rằng ông thích nghe hát đến nỗi con hát có tang cũng không cho về, bắt hát. Ông quan phong lưu đã tôn trọng sở thích của mình hơn nỗi đau buồn riêng tư của người ca nữ. Cũng giống Nguyễn Khản, Dương Khuê là một nho sỹ nổi danh sành nghe hát. Ông nổi tiếng phong tình, có quan hệ sâu sắc với không ít đào nương. Nhưng ông chưa bao giờ tỏ ra coi trọng những đào nương ấy. Một giai thoại kể lại như sau: Cô đầu Hai có chồng cũng tên là Hai, quê ở Trung Kỳ, làm kép đàn. Kép Hai vừa mới mất, cô Hai lấy cớ chồng vừa chết, ngồi lâu không tiện, xin cho về sớm. Tác giả giữ cô ở lại và làm một bài hát nói cho cô hát, tên là Tặng cô đầu Hai. Người ca nữ có tang chồng mà vẫn phải nén nỗi đau riêng, ngồi lại đàn ca làm vui cho kẻ khác, tình cảnh ấy thật chua xót:

“Nhân vong cầm tại

Nhớ chàng Hai mà hỏi lại cô Hai

Tiện đây hỏi một đôi lời

Đàn bản ấy cùng ai so phím cũ

Hồng phấn kỷ nhân vi quả phụ

Bạch đầu nan lão Trác Văn Quân

Thế thì khi gió gác, lúc trăng sân

Chừng Bạch tuyết Dương xuân còn tưởng nhớ

Hãy ngồi lại hát chơi khúc nữa”

Tặng cô đầu Hai – Dương Khuê

Bài hát nói viết tặng một cô đầu mới mất chồng nhưng lại đầy những ý tứ đùa cợt. Vào bài, tác giả nhắc đến người chồng quá cố, nhưng chỉ là ý mở làm đà cho những câu đùa bỡn về sau: “Hồng phấn kỷ nhân vi quả phụ/ Bạch đầu nan lão Trác Văn Quân” (Xưa nay son phấn (người đẹp) mấy người chịu làm góa phụ/ Nàng Trác Văn Quân khó mà ở vậy đến lúc bạc đầu). Giữ một người vợ góa ở lại hát làm vui, còn bỡn nàng khó lòng chung thủy với chồng cho trọn vẹn, thái độ ấy hoàn toàn là để đùa vui, không mảy may thương xót, thông cảm cho tình cảnh trớ trêu của người ca nữ. Bởi vì sao? Bởi ông cho rằng cô là kỹ nữ ca nhi, tiếp khách là nghề nghiệp: “Hãy ngồi lại hát chơi khúc nữa/ Có trách chi tang trở xóm Bình Khang/ Xưa nay nghề nghiệp thế thường”.

Trong con mắt các nhà nho như Dương Khuê, tất cả những giá trị người ả đào có: sắc đẹp, tài năng, ngay cả sức khỏe, thân thể, tình cảm… đều phải đưa hết vào cuộc chơi, cuộc hát. ả đào như một công cụ giải trí, không được phép riêng tư, không có quyền mệt mỏi. Gặp cảnh tang trở phải ngồi đàn hát, nên ốm đau vẫn tiếp khách là thường. Thái độ của Dương Khuê một lần nữa lại bộc lộ rõ rệt trong bài hát nói Thăm cô đầu ốm. Đây chắc hẳn là bài hát nói viết ra dựa trên một câu chuyện thực tế, tác giả đến thăm bệnh một cô đầu quen. Sau những câu hỏi han, quan tâm, ngay lập tức là yêu cầu, đòi hỏi được phục vụ:

“Hãy tung màn gượng dậy làm vui

Tiện đây hỏi một đôi lời

Lòng chiều khách đã xuôi xuôi thế chửa?

Đàn cầm sắt gảy chơi khúc nữa

Rượu hoàng hoa còn chứa hay không?”

Thăm cô đầu ốm – Dương Khuê

Cách giao tiếp, hỏi han thân mật chứng tỏ mối tương giao của tác giả và cô đầu khá thân thiết. Bởi vì có thâm giao nên lời đề nghị đưa ra khá rụt rè, tỉ tê, tác giả gợi nhắc từ từ những mong muốn (hát chơi khúc đàn, uống rượu hoàng hoa) để cô đầu phải mềm lòng. Trước ý muốn thiết tha của khách, đào nương bắt buộc phải gạt bệnh tật ốm đau mà gượng dậy: “Rằng vâng xin cũng chiều lòng”. Có lẽ, trong những giờ phút đó, chỉ có người trong cuộc mới thấu hiểu được những tủi nhục của thân phận mình, nhưng rất tiếc rằng mảng văn học viết về người ả đào chủ yếu do các nhà nho, văn nhân sáng tác, thể hiện cái nhìn thuần túy, một chiều từ người hưởng thụ, còn tâm trạng, suy nghĩ của người ả đào ít được để ý phản ánh.

Dương Khuê là người sành nghe hát ả đào, tiếp xúc và chắc chắn biết rõ cuộc đời, tâm sự, hoàn cảnh của nhiều ca nữ. Thế nhưng như chúng ta thấy, ông chưa một lần tỏ ra thông cảm với tình cảnh riêng, dù rất éo le của họ. Đề tài ông quan tâm không phải là nỗi thương cảm, không phải là những cuộc đời bạc mệnh của đào nương. Hầu hết tác phẩm viết về cô đầu ông dành miêu tả mối quan hệ tình ái giữa khách chơi – ả đào. Đó có thể là mối quan hệ chênh lệch tuổi tác như trong Hồng Hồng Tuyết Tuyết; đó có thể là nỗi nhớ nhung của cô đầu đối với tình quân (Tặng cô đầu Cần); là nỗi băn khoăn về mối tình lửng lơ mơ hồ (ở nhà hát ngẫu hứng); cũng có thể là tâm sự của cô đầu về ký ức những năm tuổi trẻ (Tặng cô đầu Phẩm)… Hiếm hoi lắm mới gặp một tác phẩm như Gặp cô đầu cũ, trong đó ông nói đến tình cảnh tương đồng giữa mình và người ca nữ trong thế đối sánh của cặp đôi tài tử – giai nhân. Tương truyền ông làm bài hát nói này khi gặp lại một người quen cũ là cô đầu Tuyên, tuy đã có chồng con nhưng tình duyên trắc trở nên phải trở lại đi hát làm kế sinh nhai. Thấy chuyện của giai nhân giống tình cảnh mình làm quan bị hặc tội, biếm chức, Dương Khuê mới viết nên những câu như: “Thiếp tự thân khinh lang vị khí/ Thần tuy trọng tội đế do liên/…ý trung nhân chi khả tình tương bạch/ Thôi bút nghiên, sênh phách cũng đều sai” (Thiếp biết thân thiếp không ra gì mà chàng không nỡ bỏ/ Bầy tôi dẫu tội nặng vua vẫn còn thương – Gặp cô đầu cũ). Sự thương cảm ấy, trong hoàn cảnh của Dương Khuê bấy giờ là có thể hiểu được, nhưng nhìn một cách khái quát các tác phẩm của ông, đó không phải là thái độ đại diện.

b. So với Dương Khuê, Nguyễn Công Trứ nổi danh hơn nhiều trong làng ca trù. Ông vừa là một nhà nho mang lý tưởng trung quân ái quốc cổ điển, lại vừa mang dáng dấp của những nhà nho thời đại: đam mê hưởng lạc. Nguyễn Công Trứ không giữ quan niệm khắc kỷ phục lễ của nhà nho truyền thống, trái lại, ông cho rằng thú ăn chơi hưởng lạc là một sự đền bù, nghỉ ngơi xứng đáng sau những công trạng hiển hách. Chí khí lập công danh sự nghiệp và sự hưởng thụ vui chơi là hai mối quan tâm đặc biệt trong đời ông, cũng là hai đề tài quan trọng trong thơ văn ông.

Ở Nguyễn Công Trứ, hưởng lạc là thơ, là rượu, là cầm, là kỳ, nhưng cái thú mà ông mê nhất và cũng để lại nhiều dấu ấn nhất là hát ả đào. Bóng dáng của thú cô đầu thấp thoáng trong rất nhiều tác phẩm của ông, từ vế đối tự tổng kết cuộc đời (“Thôi quyết hẳn, cuộc phong trần chỉ nửa tá, ngất ngưởng chẳng tiên mà chẳng tục, hầu gái một vài cô, hầu trai năm bảy cậu, này cờ này kiệu, này rượu này thơ, này đàn ngọt hát hay, này chè chuyên chén mẫu, tay thao lược đã ngoài vòng cương tỏa, lấy gió mát trăng thanh làm tri thức, tuổi giời ít nữa ấy là hơn”), cho đến các bài thơ về các cô đào (Vịnh cô đầu, Bỡn cô đào già, Cảm ơn hai cô đào…), hay là các bài hát nói về chủ đề tài tình, sầu tình, thú ăn chơi… Các giai thoại thường kể ông thường xuyên đem đào hát theo hầu, dù là đi đánh trận hay lên chùa vãn cảnh. Trong số 12 người thiếp của ông (có tài liệu nói là 14), có không ít người xuất thân là ả đào. Gần gũi các cô đào là thế, nhưng Nguyễn Công Trứ chưa bao giờ thể hiện thái độ thương cảm trước thân phận bạc bẽo của những người phụ nữ này. Ông đến với họ đơn thuần chỉ để giải trí, vui chơi, xem họ là thú vui chứ không nhìn nhận họ như những con người có giá trị.

Có nhiều tác phẩm của ông thể hiện thái độ này. Trong bài Tài tình, ông đã viết:

“Thú tiêu sầu rượu rót thơ đề

Có yến yến hường hường mới thú

Khi đắc ý mắt đi mày lại

Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng”

Yến yến hường hường” ở đây không ai khác chính là các cô đào. Những gì Nguyễn Công Trứ tả lại cho phép chúng ta hình dung ra một tiệc hát không chỉ có đàn phách mà ngả nghiêng hầu rượu, đề thơ, liếc mắt đưa tình, trong đó, các cô đào đóng vai trò người mua vui hầu hạ, hay hơn nữa, là người tình, chứ không phải bạn tâm giao chia sẻ. Những câu thơ như “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/ Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng” (Bài ca ngất ngưởng) đặc biệt nhấn mạnh đến thú chơi, là một cách để Nguyễn Công Trứ thể hiện thái độ sống chứ không có ý nhắc đến con người trong đó.

Chính vì chỉ xem ả đào như một thú chơi mà ông thường có thái độ bỡn đùa họ:

“Lật đật qua đèo nóng nực thay

Hai cô thương đến lại cho giày

Ơn này biết lấy chi mà trả

Xin quỳ hai gối chống hai tay”

Cảm ơn hai cô đào – Nguyễn Công Trứ

Nội dung bài thơ không có ý bỡn thái quá, nhưng giọng thơ lại mang âm sắc tinh nghịch, khúc khích, đối lập với cái tên đề rất nghiêm chỉnh, thành ý, khiến người đọc không khỏi nghĩ đến ý đồ trêu chọc rõ ràng. Nguyễn Công Trứ thưở hàn vi từng nổi tiếng vì hay trêu ghẹo các cô gái, như chuyện nhổ nước giầu vào áo con gái quan Đốc học, bị quan bắt làm thơ (ông đã làm bài Trời mưa ướt áo), hay nổi tiếng hơn là lần trêu ghẹo cô đào Hiệu Thư giữa đồng, để lại đôi câu thơ lưu truyền hậu thế: Giang sơn một gánh giữa đồng/ Thuyền quyên ứ hự, anh hùng nhớ chăng? Cũng cô đào này, lúc về già, ông vẫn còn làm thơ bỡn:

“Liếc trông đáng giá mấy mười mươi

Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười

Trăng xế nhưng mà cung chẳng khuyết

Hoa tàn song lại nhị còn tươi

Chia đôi duyên nợ đà hơn một

Mà nét xuân kia vẹn cả mười

Vì chút tình duyên nên đằm thắm

Khéo làm cho bận khách làng chơi”

Bỡn cô đào già – Nguyễn Công Trứ

Giọng thơ âu yếm nhưng mà bỡn cợt, ý tứ thiếu trân trọng lộ ra câu chữ. “Đem lạng vàng mua lấy tiếng cười”! Cũng là điển “thiên kim nhất tiếu”, nhưng qua giọng thơ Nguyễn Công Trứ đã mất hết sắc thái trọng thị, ngưỡng mộ sắc đẹp giai nhân. Ông không giấu giếm ý nghĩ tài sắc của đào nương là thứ có thể dùng tiền mua bán được. Mà thực tế cũng là vậy. Người đào nương lấy tài sắc ra làm vui cho những người đàn ông lắm tiền nhiều của, nên thường phải chịu nhục nhã ê chề, ngay cả với những khách chơi thân thiết như Nguyễn Công Trứ hay Dương Khuê. Sự hưởng thụ thanh và sắc say sưa đến vô tư, vô tình là tình trạng chung của các văn nhân tài tử trước người ca kỹ.

Phải nói rằng Nguyễn Công Trứ có mối quan hệ tình ái với không chỉ một cô đào. Điều đó cũng nói lên quan điểm và thái độ của ông đối với phụ nữ nói chung và các cô đào nói riêng. Có những tài liệu chép ông có tới 14 bà vợ thiếp, trong đó không ít người xuất thân ca nữ. Lấy tình ái chốn ca quán làm vui, làm thú, nên ông không màng đến chuyện thủy chung. Chắc hẳn cái cảnh “Bồng bềnh một chiếc thuyền lan, một cô đào nhỏ một quan đại thần” đã tái đi diễn lại không biết bao nhiêu lần. Cho đến già ông vẫn không bỏ cái thú ấy. Tuổi bảy ba lấy một nàng hầu trẻ (theo Thái Kim Đỉnh, đó là một cô đào của phường hát Như Sơn, Thạch Hà, Hà Tĩnh), Nguyễn Công Trứ đã bày tỏ thái độ đắc ý: “Xưa nay mấy kẻ đa tình/ Lão Trần là một, với mình là hai/ Càng già càng dẻo càng dai ”(Tuổi già lấy vợ hầu). Phần chú thích tác phẩm này trong Thơ văn Nguyễn Công Trứ bình như sau: “Tác giả làm bài này lúc 73 tuổi, cưới một “vợ hầu” 17 tuổi. Ông thản nhiên và thích thú trước cảnh lứa đôi chênh lệch như trường hợp này kể cũng “can đảm” thật” [7, tr.150]. Chúng tôi không nghĩ đó đơn giản là sự “can đảm”. Đó là thái độ ngạo nghễ trước cuộc đời, kiêu hãnh với lối sống phong lưu đa tình, coi khinh tuổi tác. Ông coi trọng cảm giác của mình hơn là cảm thương cho cô gái trẻ vừa phải chịu cảnh chồng chung, vừa phải chấp nhận sự chênh lệch tuổi tác quá lớn. Với cô đào này, đám cưới ấy mang dáng hình bi kịch hơn là hạnh phúc, thế nhưng Nguyễn Công Trứ chẳng hề dừng lại, đặt mình vào cương vị của cô gái trẻ ấy để mà ưu tư hay động chút lòng trắc ẩn.

c. Đến Trần Tế Xương, phong khí của cuộc ăn chơi đã có nhiều thay đổi. Nhà hát cô đầu mở ra, hát cô đầu tiến gần đến việc buôn phấn bán hương. Trong thơ ông, người ả đào cũng chỉ là một cái thú, nhưng công khai màu sắc dục tính nhiều hơn. Đó là thú chơi “hú hí”, là “dan díu”, thậm chí là “tình dơi chuột”- những ngôn từ tự chúng tố cáo thái độ thiếu tôn trọng của bậc văn nhân với người phụ nữ:

“– Chẳng gì hơn hú hí với cô đầu

Khi vui chơi năm ba ả ngồi hầu

Chén rượu cúc đánh chầu đôi ba tiếng

Hát cô đầu – Trần Tế Xương

– Cái thú cô đầu nghĩ cũng hay

Cùng nhau dan díu mấy đêm ngày

Năm canh to nhỏ tình dơi chuột

Sáu khắc mơ màng chuyện nước mây”

Thú cô đầu – Trần Tế Xương

Cũng như các vị tiền bối, Trần Tế Xương không giấu giếm sự ưa thích, thậm chí mê mẩn thú ca trù, nhưng sau những hưởng thụ, ông không ngớt lời mỉa mai chế giễu các cô đào. Đây là lời chế các cô đào bán phấn buôn hương:

“Chị hỡi chị năm nay túng lắm

Biết làm sao Tết đến nơi rồi

…Chị cùng em sắm sửa lo toan

Muốn mua chịu, e nhà hàng ngại lạ

Chị em ta bảo nhau giữ giá

Đến bây giờ ngã cả có ai nâng

Cũng liều bán phấn chơi xuân”

Cảnh Tết nhà cô đầu – Trần Tế Xương

Còn đây, ông giễu cô đào có lòng tham vật chất:

“Đêm qua anh đến chơi đây

Giày chân anh dận, ô tay anh cầm

Rạng ngày sang trống canh năm

Anh dậy, em hãy còn nằm trơ trơ

Hỏi ô, ô mất bao giờ

Hỏi em, em cứ ỡm ờ không thưa

Chỉ e rày gió mai mưa

Lấy gì đi sớm về trưa với tình?”

Đi hát mất ô – Trần Tế Xương

Đã đành các cô đào giai đoạn này có những biểu hiện suy đồi đạo đức, nhưng điều quan trọng hơn là Trần Tế Xương chỉ nhìn thấy những mặt trái để mà chê bai họ. So với các nhà nho lớp trước, trong thái độ của Trần Tế Xương còn thêm sắc thái mỉa mai hài hước chứ không đơn giản chỉ là đùa bỡn, thiếu trân trọng như Dương Khuê hay Nguyễn Công Trứ.

d. Những ví dụ tiêu biểu như Dương Khuê, Nguyễn Công Trứ hay Trần Tế Xương cho chúng ta thấy thái độ của hầu hết các nhà nho đối với người ả đào – một thái độ rất thiếu trân trọng. Một điều đáng lưu ý ở đây là những nhà nho có nhiều sáng tác về ả đào thường là những người thân thiết và hiểu rõ tài năng, đời sống, thân phận của họ nhất. Những Nguyễn Công Trứ, Dương Khuê, Trần Tế Xương… từng tận mắt chứng kiến tài năng, mê mải sắc đẹp của các ả đào; cũng gửi gắm không ít tâm sự ruột gan của mình cho cô đào hát; trải qua bao nhiêu cuộc tình tha thiết sâu nặng với họ, nhưng vẫn không trân trọng họ. Cái nhìn của họ về người ả đào thuần túy là cái nhìn từ phía người đàn ông hưởng thụ ăn chơi. Tiếng đàn hay, giọng hát ngọt, sắc đẹp đã cuốn họ vào cuộc chơi say sưa mê mải, không một lần dừng lại, không một lần đặt mình vào vị trí người ca nữ để hiểu phía sau từng cuộc hát là những nỗi đắng cay, tủi nhục của người phụ nữ đem tài sắc mua vui cho người. Điều này chỉ có thể lý giải bằng quan điểm nam quyền nho giáo. Nhưng tư liệu còn để lại cho chúng ta thấy Nguyễn Công Trứ vốn không phải là một người coi trọng phụ nữ. Ông khá khắt khe trong việc đánh giá tiết hạnh người phụ nữ. Ông lên tiếng trách móc nàng thiếu phụ Nam Xương – người liệt nữ được chính vua Lê Thánh Tông ca ngợi hết lời:

“Thực cùng chồng chi nỡ dối cùng con

Gương nữ tắc trông vào chưa phải lẽ

Đã có ngọn đèn chơi với trẻ

Thời chi chiếc bóng gọi là chồng

Tiếng phụ phàng chi nỡ trách đàn ông”

Vịnh Nam Xương liệt nữ – Nguyễn Công Trứ

Gay gắt hơn, ông chê bai nàng Thúy Kiều của Nguyễn Du: “Bạc mệnh chẳng lầm người tiết nghĩa/ Đoạn trường cho đáng kiếp tà dâm” (Vịnh Thúy Kiều). Nàng thiếu phụ Nam Xương trung trinh đến thế ông còn trách móc, thì những kỹ nữ bán thân như Kiều sao không khỏi bị Nguyễn Công Trứ nặng lời. Kiều tuy là kỹ nữ Trung Quốc nhưng rất tiêu biểu cho cuộc đời, thân phận của những ả đào – kỹ nữ Việt Nam thế kỷ XVIII – XIX, nên chắc hẳn thái độ của Nguyễn Công Trứ với nàng Kiều cũng là cách mà ông nhìn nhận những ả đào quanh mình. Có so sánh sự đắc ý của nhà nho khi hưởng lạc (Khi đắc ý mắt đi mày lại/ Đủ thiên thiên thập thập thêm nồng hay Khách thập thúy say màu hoa diễm/ Đối mặt hoa mà cầm mà kỳ mà tửu mà thi) với giọng điệu chì chiết gay gắt phê phán tội tà dâm của kỹ nữ (Bấy giờ Kiều còn hiếu vào đâu/ Mà bướm chán ong chường cho đến thế), chúng ta mới cảm nhận hết sự bất công vô cùng mà người kỹ nữ – ả đào phải gánh chịu. Trần Tế Xương sinh sau đẻ muộn hơn Nguyễn Công Trứ rất nhiều, lại vào lúc Nho giáo chỉ còn những hơi thở tàn, nhưng trong ông quan điểm phụ quyền vẫn còn rất mạnh mẽ. Hãy nhìn cái cách mà ông đối xử với vợ con và gia đình. Miệng tuy nói “thương vợ”, nhưng trên thực tế Trần Tế Xương không những không giúp vợ được nhiều mà còn lấy tiền vợ đi hát, đi chơi. ở vào những năm đầu của thế kỷ XX, Trần Tế Xương vẫn sống cách sống tiêu biểu của các nhà nho xưa: phó mặc gia đình và con cái vào bàn tay sắp xếp quán xuyến của vợ. Trong các bài thơ của Trần Tế Xương còn để lại, cũng có không ít bài chê bai, chế giễu những đức tính không nằm trong khuôn khổ Nho giáo của người phụ nữ, như bài Để vợ chơi nhăng, Thiếu nữ đi tu… Rõ ràng thái độ của những nhà nho như Nguyễn Công Trứ, Trần Tế Xương… là hệ quả của quan điểm nam quyền nho giáo không tôn trọng phụ nữ, nhất là những phụ nữ bán sắc, bán tài, bán thân kiếm sống.

Đoàn Anh Đào – Luận văn Thạc sĩ (Sưu tầm)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *