Gặp gỡ nghệ nhân Rối Nước Nguyễn Đăng Dung – Giới thiệu Khu Bảo Tồn Văn Hoá Dân Gian Luy Lâu


Đây là một cuộc gặp gỡ tình cờ của một thành viên Trường Ca Kịch Viện với nghệ nhân Rối Nước Nguyễn Đăng Dung – một con người vô cùng gần gũi, thân thiện – một thời gian trước đây. Đặc biệt, khi nói về nghề Rối Nước, bác quá say mê mà quên mất việc giới thiệu bản thân mình cho người phỏng vấn. Bạn đọc hãy cùng nghe thêm nhiều điều về ngành múa rối nước qua những lời chia sẻ này nhé! Trong bài, những phần trong ngoặc () là thông tin thêm của dự án, không có trong buổi phỏng vấn.

Hình ảnh bác Nguyễn Đăng Dung

Bác Dung: Rối nước có từ thế kỉ X và XI từ thời Lý sang đầu thời Trần. Tuy nhiên vì chiến tranh liên miên, nên rối nước cũng không được tập trung. Khi mùa xuân 1975, hòa bình lập lại, các vệ nhân vẫn đang bận phát triển nền kinh tế. Có kinh tế thì mới có văn hóa. Đến năm 1986 được sự ưu ái của các cụ mới được khôi phục lại kho báu của dân gian ta. Ai còn nhớ trò gì thì xây dựng trò đấy. Bọn bác là thế hệ sau. Khi năm 1986, bác đi bộ đội về thì mới bắt đầu theo các cụ để khôi phục lại nghề rối cổ truyền. 

(Trong giai đoạn đấu tranh chống thực dân Pháp xâm lược từ nửa cuối thể kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, hoạt động Rối Nước vô cùng trầm, bị coi thường như trò vui để câu khách. Trong suốt thời gian ấy, cộng thêm chiến đấu với phát xít Nhật và quân xâm lược Hoa Kỳ, cho đến năm 1954, đồng bào cả nước đứng lên đấu tranh đẩy lùi quân đô hộ và dành lấy độc lập dân tộc, hoàn cảnh xã hội khốn khó, các phong tục, lễ hội cũng từ ấy mà tan vỡ mà dẫn đến sự ‘lụi tàn’ của Rối Nước. Bới vây, mặc dù đã có từ lâu, nghệ thuật Rối Nước chuyên nghiệp Việt Nam cho đến năm 1956 mới chính thức được ‘cho ra đời’.)

Rối nước đi sâu vào tâm hồn của các nghệ nhân và bản thân bác từ ngày bé. Rối Nước cũng dần được khôi phục sau 1954 thì bác vẫn còn bé. Ông bác và bố bác vẫn còn đi theo nghề rối cổ truyền. Bác cũng rất tâm huyết với nghề rối. Tuy nhiên năm 1968, khi đế quốc Mỹ tăng cường ném bom thì hoạt động múa Rối Nước cũng bị tạm ngưng. 

PV: Bác có thể chia sẻ thêm về những ngày làm lính của mình không ạ?

Bác Dung: Bác đi tháng 10 năm 1974, chú thì sang Lào chứ không vào Nam. Sang để giúp quân đội Pathet. Bác dạy lớp thiếu sinh quân ở đó

PV: Dạ vậy ở bên Lào có múa Rối Nước không ạ?

Bác Dung: Trên thế giới chỉ có Việt Nam có Rối Nước. Mà Việt Nam chỉ có 12 phường rối nước dân gian. Rối Nước rất độc đáo khi mượn nền nước làm sân khấu. Các nhà thủy đình cũng rất độc đáo khác hẳn với các nhà hát văn hóa văn nghệ khác. Mượn nước, các con trò được biểu diễn theo các nghệ nhân. Quân gỗ thì vô tri vô giác, nhưng khi có bàn tay của các nghệ nhân thì nó như người thật. À! quân gỗ mà lại biết giơ tay lại đàm thoại. Riêng khách du lịch đi mà chưa xem rối nước thì chưa sang Việt Nam! Phường bác có 16 tích trò, tuy nhiên chỉ có 10 tích trò được chơi thôi. Dài quá khách du lịch lại ít có thời gian!

PV: Bác có nghĩ là thế hệ sau bác, các bạn có còn đam mê rối nước không. Bác có lời nhắn gửi gì tới các bạn trẻ không?

Bác Dung: Ở quê hương bác, Sở Văn hóa Đào tạo riêng một lớp trẻ có nhiều cháu theo học. Bác tin rằng rối nước sẽ không bị mai một vì sở văn hóa tỉnh Bắc Ninh rất phát triển rối cổ truyền này. Các cháu có thời gian rảnh rỗi hãy về thôn Đồng Ngư. Bác rất tự hào và muốn nhắn nhủ cho thế hệ sau rằng, các cụ từ xa xưa đã để lại Rối Nước cho chúng ta, chúng ta nên cố gắng phát huy truyền thống này. 

Phóng sự ngắn: Trường tồn nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư | BTV (Nguồn: Kênh YouTube Bắc Ninh TV)

(Để xem thêm về những nỗ lực bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của tỉnh Bắc Ninh, chúng ta có thể tham khảo văn bản số 1685/UBND-KGVX gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Theo đó, Văn bản nêu rõ, giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với UBND huyện Thuận Thành và các ngành liên quan triển khai xây dựng Đề án tổng thể phát triển nghệ thuật múa rối nước Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành, báo cáo UBND tỉnh tại phiên họp thường kỳ tháng 8/2017. Đây là việc làm nhằm bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của xứ Kinh Bắc.

Theo cổng thông tin điện tử chính thức của tỉnh Bắc Ninh, sáng 13/9/2019,lễ khai trương Khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu (thôn Đồng Ngư, xã Ngũ Thái, huyện Thuận Thành) đã được tổ chức.Đây là một dự án được chính quyền ấp ủ từ năm 2009, với mong muốn được góp phần phát huy bảo tồn những nét đặc sắc văn hoá của địa phương. Khu bảo tồn có nhiều khu trưng bày vô cùng đa dạng: Nhà thủy đình, khu nhà truyền thống, thậm chí có cả khu vực biểu diễn các loại hình âm nhạc dân gian của khu vực đồng bằng Bắc bộ như: Quan họ, xẩm, ca trù, hát trống quân; khu vực tô, vẽ tranh dân gian Đông Hồ; khu trải nghiệm các trò chơi dân gian; khu ẩm thực truyền thống.

Khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu đi vào hoạt động là điểm sinh hoạt văn hóa cộng đồng thiết thực cho nhân dân địa phương cũng nhưdu khách đến từ khắp mọi nơi. Đồng thời, là nơi biểu diễn, lưu giữ, trưng bày, quảng bá giới thiệu về múa rối nước Đồng Ngư – loại hình nghệ thuật độc đáo, đặc sắc của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc tới đông đảo nhân dân trong nước và du khách quốc tế. Người tham gia không chỉ được thưởng thức Rối Nước mà còn được học về lịch sử hình thành, cách chế tác, tô vẽ con rối, và thậm chí được tự tay múa Rối Nước.

Phóng sự: Khu Bảo Tồn Văn Hoá Dân Gian Luy Lâu – Thuận Thành, Bắc Ninh (Nguồn: Kênh YouTube Văn hoá Luy Lâu)

Khu bảo tồn còn thường xuyên tổ chức các buổi tham quan, các trại hè cho các bạn nhỏ được trải nghiệm và khám phá nhiều loại hình nghệ thuật đặc sắc của nước nhà. Để biết thêm thông tin chi tiết, các bạn có thể đến thăm Khu Bảo tồn Văn hoá Dân gian Luy Lâu tại trang Facebook: Khu Bảo tồn Văn hoá Dân gian Luy Lâu. )

PV: Dạ chúng cháu cảm ơn bác nhiều ạ!

Hồ Bạch Dương

Nguồn tham khảo: 
1. Văn bản số 1685/UBND-KGVX gửi Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
2. Quang Minh (2019) – Khai trương Khu bảo tồn văn hóa dân gian Luy Lâu – Báo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam – Trang tỉnh Bắc Ninh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *