Trong Ca Trù, sẽ không ngoa khi nói rằng người nắm giữ cái cốt hồn cốt túy của loại hình nghệ thuật này chính là những ả đào. Trong bộ ba bất biến của Ca Trù: đào – kép – quan viên, họ là những nghệ nhân trung tâm, là người hát chính không thể thiếu vắng hay thay thế, người có công lưu giữ di sản đồ sộ của Ca Trù bằng phương thức truyền miệng từ đời này qua đời khác, đi qua những thăng trầm của loại hình nghệ thuật này suốt ngàn năm lịch sử. Bởi vậy, người ta còn đồng nhất ả đào với toàn bộ nghệ thuật này: ả đào là Ca Trù.
Các đào nương biểu diễn hát ả đào ngày nay (Ảnh: Timeout Vietnam)
Có thể nói, nguồn gốc và sự hình thành cái tên “ả đào” đã khái quát phần nào lịch sử phát triển trải dài suốt ngàn năm Thăng Long của loại hình nghệ thuật Ca Trù. Trong từ “ả đào” (妸陶), “ả” là tiếng địa phương Nghệ Tĩnh (nay là Nghệ An – Hà Tĩnh), nghĩa là “chị, cô”, còn chữ “đào” xuất phát từ đâu thì lại có nhiều dị bản được đưa ra để giải thích cho cái tên này, hầu hết đều gắn với truyền thuyết tổ của nghề Ca Trù. Một trong số những thuyết nổi tiếng nhất là về Mãn Đào Hoa công chúa thời nhà Lê, một “thiên tài âm nhạc”, một người phụ nữ có giọng hát hay, tinh thông âm luật, đặt ra lối hát ả đào rồi “đem tu bổ san thuật lại để dạy đời” theo lời của Nguyễn Đôn Phục. Một giả thuyết khác về nguồn gốc của cái tên “ả đào” cũng như Ca Trù được trích từ “Công dư tiệp ký” (1775) của Vũ Phương Đề và “Lịch triều hiến chương loại trí” (1819) viết bởi Phan Huy Chú là vào cuối thời nhà Hồ (1400), ở làng Đào Đặng (nay thuộc tỉnh Hưng Yên), có nàng ca nhi họ Đào nhan sắc xinh đẹp, hát hay múa khéo. Khi quân Minh kéo quân sang xâm lược, chúng bắt nàng và mấy chục thiếu nữ trong làng về trại. Vì có thanh sắc lại khéo giả vờ chiều chuộng, nàng rất được quân Minh tin tưởng. Nhân cơ hội này, nàng lập mưu, chuốc cho quân sĩ uống rượu say rồi khi chúng chui vào túi ngủ tránh muỗi, nàng ở ngoài thắt miệng túi, cùng thanh niên trai tráng trong làng lén khiêng vứt xuống sông. Quân Minh sợ hãi, hoang mang, không hiểu nguyên do vì sao quân sĩ mất tích. Cuối cùng, chúng phải kéo đi đóng quân nơi khác. Dân làng nhớ ơn, khi nàng chết lập đền thờ và gọi thôn nàng ở là thôn ả đào. Về sau, nàng được vua Lê Thái Tổ sắc phong là phúc thần nên được nhân dân tưởng nhớ lập đền thờ, từ đó ca nhi mới được gọi bằng cái tên “ả đào”.
Tranh minh họa một biểu diễn xướng Ca Trù vào thế kỉ XX (Ảnh: Wikipedia)
Lần về những trang sử của “Đại Việt sử ký toàn thư” năm 1025 cũng như trong “Việt sử tiêu án” của Ngô Sĩ Liên, ta biết đến một cái tên khác nữa của “ả đào” là “đào nương”(陶娘). Tương truyền rằng thời Lý Thái Tổ có người ca nhi tên Đào Thị trong ban Nữ nhạc thường được vua ban thưởng vì giỏi hát, vừa ý vua nên nhân dân ngưỡng mộ gọi các con hát là “đào nương”. Sau này, khoảng cuối thế kỉ XIX, từ “ả đào” còn được địa phương hóa thành “cô đầu”, các nhà sử học lý giải rằng chữ “cô” là cách nói khác của “ả”, và khi các ả đào đi hát ở đình đám kiếm được tiền, tích lũy được vốn liếng, kinh nghiệm, đủ sức thoát ly khỏi giáo phường, tự thân mở nhà hát (ca quán) ở thành thị để dạy hát và kinh doanh nghề hát sẽ trích một phần nhỏ gửi lại cho người đã dạy dỗ mình, tiền này gọi là tiền “đầu”, từ đó hình thành cái tên này. Trong quá trình ghi chép, giới nghiên cứu văn học sử thường cho rằng “ả đào” cũng như “cô đào”, “đào nương”, “đào hát” đều là chỉ những người phụ nữ nghệ nhân theo đuổi nghề xướng ca chuyên nghiệp, song đây là một sự nhầm lẫn. Đó là bởi họ đã lẫn giữa những thuật ngữ “ả đào”, “đào nương” đặc trưng của loại hình nghệ thuật Ca Trù với “cô đào”, “đào hát” của những loại hình khác, mà đó chẳng qua là do cách chuyển dịch ngữ nghĩa, khái quát hóa khái niệm ả đào của Ca Trù để gọi chung các nữ diễn viên sân khấu điện ảnh. Cũng căn cứ vào tên gọi của người ca nương mà nghệ thuật Ca Trù được mang nhiều cái tên khác nhau: hát ả đào, hát cô đầu, đào nương ca (nương nương ca),… Mỗi cái tên lại gắn với từng mốc thời gian khác nhau, nhà sử học Lê Văn Hòe viết trong cuốn “Tầm Nguyên từ điển” khẳng định rằng ả đào đã bắt đầu xuất hiện từ thế kỉ XIII thời vua Trần Nhân Tông, Vũ Phương Đề thì tên gọi này có từ đầu thế kỉ XV, nhạc sĩ Phạm Duy trong cuốn “Đặc khảo dân nhạc ở Việt Nam” thì lại cho rằng nó xuất hiện từ thế kỉ XIV, và đến nay, chúng ta chưa có thêm tài liệu nào xác minh về thời điểm ra đời tên gọi, do vậy, tên gọi ả đào có từ bao giờ vẫn đang là một câu hỏi lớn cho giới nghiên cứu văn học sử.
Giữa các cô đầu, họ lại tự chia ra các lang lớp, thứ bậc với những thuật ngữ riêng biệt. Ví dụ như “cô đầu nòi” là thuật ngữ chỉ những những cô đầu thuộc những họ truyền thống, những ả đào hẵng còn đang chập chững vào nghề hay đang học nghề thì được gọi là “xướng nhi”, đến khi chính thức hành nghề xương ca mới được coi là “ả đào” hay “cô đầu”. Khi xướng nhi bái cô đầu là thầy, hai người sẽ phải thực hiện “lễ nhận trò” – một tục lệ mà trong đó hai người sẽ xướng với nhau một đoạn hát bất kỳ. Xướng nhi sẽ gọi những cô đầu, những tiền bố đi trước của họ bằng hai chữ “tin nữ”.
Hình ảnh các cô đầu khi xưa (Ảnh: vanhien.vn)
Có bao giờ bạn tự hỏi “Tại sao lại là “Ca Trù”?” hay rốt cuộc cái tên Ca Trù đến từ đâu? Trên thực tế, cái tên ấy xuất phát từ chính đặc điểm hành nghề của những nghệ nhân hát Ca Trù. Theo “Cầm Ca Việt Nam” và nghiên cứu của Toan Ánh dẫn theo “Việt Nam Ca Trù biên khảo”, ta có thể khẳng định rằng: “Ca Trù chính là hát ả đào, nghĩa là lối hát của cô đầu khi tiếp đãi quan viên. Sở dĩ gọi là Ca Trù vì ngày xưa khi có tế lễ thường mời ca nhi tới hát và khi hát có lệ hát thẻ. Thẻ gọi là trù làm bằng mảnh tre ghi chữ đánh dấu, dùng để thưởng cho ả đào thay cho tiền mặt. Trong buổi hát thờ, mỗi khi ca nhi hát hay, lại được thưởng một chiếc thẻ, khi buổi hát tan, đoàn ca hát cứ theo số thẻ lĩnh tiền thưởng. Do đó hát ả đào gọi là Ca Trù, nghĩa là hát thẻ”. Trong một màn trình diễn loại hình nghệ thuật này, ả đào giữ vai chính bên cạnh kép đệm đàn đáy và quan viên cầm chầu thưởng thức. Vai trò của những đào nương là những người nghệ nhân đa năng, một mình đảm đương nhiều vai như ca, múa, diễn trò,…. Những vai này đều là vai chính, lại không có ai có thể thay thế hay đứng ngang hàng với họ được.
Nhắc đến ả đào, ta không thể không nói đến các giáo phường. Là từ mượn từ tiếng Hán, “giáo phường” có nghĩa là trường dạy nhạc. Ở Việt Nam, những người trong nghề Ca Trù thường họp nhau lại thành giáo phường, có tổ chức, luật lệ nghiêm cẩn. Thuật ngữ này cũng chỉ đặc biệt dành cho loại hình nghệ thuật Ca Trù, các loại hình khác sẽ được phân biệt bằng cách gọi khác như “gánh hát” hay “phường hát”. Phạm Đình Hổ trong sách Vũ trung tùy bút chép rằng năm Hồng Đức nhà Lê, vua Lê Thánh Tông cùng các quan đại thần giao cho Ty giáo phường coi giữ âm nhạc chốn dân gian. Việc thành lập Ty giáo phường từ thế kỉ XV đã tồn tại phổ biến trong dân chúng, được đặt dưới sự quản lý của nhà nước thông qua tổ chức Ty giáo phường. Việc tập họp thành một tổ chức có hệ thống, có người đứng đầu (quản giáp), có cách quản lý riêng chứng tỏ ngay từ thời kỳ đầu, Ca Trù đã manh nha hình thành tính chất chuyên nghiệp.
Ninh Tốn (1743 – 1795) – Tiến sĩ thời Vua Lê Hiển Tông (1740 – 1786) có bài thơ ca ngợi phường hát Hòe Nhai nức tiếng kinh thành Thăng Long:
“Bờ liễu đường hoa ai cũng đẹp
Phong lưu vành chiếm một Hòe Nhai
Nõn nà trăm vẻ khoe đua sắc
Uyển chuyển lời ca nghẹo khách hoài
Hoa rụng bên thềm khoe má phấn
Oanh hào tiếng phách rộn bên hoài.
Kẻ thường đâu dám chi nghìn lạng
Phải đợi Vương tôn quảy rượu sài.”
Hình ảnh các ả đào ở Thăng Long xưa (Ảnh: Câu chuyện Văn học – Nghệ thuật)
Ả đào là người phụ nữ với thân phận và đời sống khác biệt so với những người phụ nữ bình thường trong xã hội phong kiến. Bởi trong xã hội phương Đông trung đại, người phụ nữ không có nhiều lựa chọn về nghề nghiệp, không có không gian để họ thể hiện khả năng của mình, song những đào nương vẫn tìm đến nghề xướng ca, hát múa làm nghề kiếm sống – một nghề nghiệp chủ yếu phục vụ cho đối tượng là đàn ông. Cái nghề này phải đối diện với những vấn đề nhạy cảm, trước hết là vấn đề đạo đức. Bởi vậy, xung quanh hình tượng ả đào có rất nhiều những tranh cãi khác nhau về phẩm hạnh cũng như cách họ hành nghề. Nhưng giới nghiên cứu về hát Ca Trù hiện nay hoặc là ít quan tâm đến thân phận của nhân vật chủ thể – người ả đào, hoặc có cái nhìn đề cao về thân phận ấy mà cho rằng họ có thân phận và tư cách tốt đẹp. Dù nhận định theo cách nào, ta không thể phủ nhận rằng ở một mặt nào đó, họ là kết tinh của tài năng, giá trị của người phụ nữ trong xã hội cũ.
Các cô đầu có thể chia thành hai loại. Loại đầu tiên là những cô đầu thực thụ: họ là những đào nương kiếm sống bằng nghề đàn hát, bằng nghệ thuật thuần tuý, lành mạnh. Ban đầu, vai trò gốc của họ là phục vụ các nghi lễ tín ngưỡng ở làng xã do Ca Trù vốn bắt nguồn từ những bài hát thờ dân gian. Sau khi được tuyển chọn kỹ càng, họ còn được vời vào cung vua làm “đào ngự” và hát chầu thánh phục các tập tục lễ nghi thời xưa. Sau này, Ca Trù chuyển hoá thành một hình thức giải trí, mua vui. Trong trào lưu đại chúng, ta ghi nhận trong suốt một thời gian dài (từ 1672), đông đảo nhân dân đã yêu thích Ca Trù, coi việc thưởng thức Ca Trù như một nhu cầu văn hoá, việc biểu diễn Ca Trù từ đó cũng đem lại nguồn lợi kinh tế cho người nghệ sĩ dân gian. Khoảng từ cuối thế kỉ XIX, các đào nương có vốn liếng đã rời khỏi giáo phường, ra thành thị mở ca quán. Ca quán là một không gian tự do, nơi các cô đầu vừa là người nghệ sĩ vừa là người kinh doanh nghề hát. Ca quán không dành riêng cho giới quý tộc, quan lại mà còn là nơi các văn nhân tài tử thường lui tới, họ chấp nhận chi trả khoản tiền không nhỏ để đổi lấy thú vui tao nhã, cầu kỳ từ các đào nương và nghệ thuật Ca Trù.
Ả đào biểu diễn Ca Trù ở Thăng Long xưa (Ảnh: An ninh Thủ đô)
Nguyễn Xuân Khoát trong bài viết “Vài nét về nền ca nhạc cổ truyền” có miêu tả hình ảnh một cô đào đầu thế kỷ XX: “…Một người đàn bà rất Việt Nam, nền nã, tóc đuôi gà, răng đen, không đánh phấn bôi son, và có thể nói là một người đàn bà rất đoan trang, nhu mỳ, nên thỉnh thoảng đôi mắt đưa đẩy ý tứ. Chẳng như những cô “ca-va-li-e” ở các tiệm nhảy, mặt bự phấn, áo lòe loẹt, dáng điệu đú đởn hơn ai hết. Nàng ngồi xếp bằng bên góc phản phía ngoài, chiếc phản kê sát cửa sổ trông ra ngoài đường, nhẹ nhàng đặt cỗ phách trước mặt, vừa thử gõ mấy tiếng, vừa xoay đi xoay lại bàn phách mấy lần, đoạn kín đáo liếc nhìn về phía ông kép đàn, ngồi ở góc trong cỗ phản, mà ung dung gieo những khổ phách mở đầu…”. Như vậy, từ truyền thống, đây là một nghề vô cùng trong sạch và quý giá. Cả đức tính và phẩm hạnh của những người ả đào đều được ca ngợi, Lê Văn Hảo cũng nhận xét họ là những người “hoàn toàn tài tử”, “vẫn tham dự vào những công việc gia đình, vẫn giữ nề nếp cũ”.
Dù vậy, qua những thăng trầm của nghệ thuật Ca Trù, bên cạnh những ả đào bán nghệ kiếm sống, ta cũng bắt gặp cả hình ảnh của loại cô đầu thứ hai – những cô đầu trá hình. Những người phụ nữ này hoặc không biết ca hát mà chỉ hay rót rượu, thậm chí phục vụ tình dục, hoặc bán nghệ và bán thân, những điểm chung đều dính dáng đến các hoạt động mại dâm. Những “cô đầu rượu” này là gái mại dâm trá hình, lịch sử ghi nhận họ như những người phụ nữ đồi bại, quyến rũ đàn ông, ham thích tiền của. Cũng vì những cô đầu giả tạo như thế này mà Ca Trù mới bị nhiều người nghĩ oan, bị đánh đồng với mại dâm. Dựa trên văn học sử, nhưng cô đầu vẫn luôn được xem như những người phụ nữ có quy tắc, tuân theo luân thường đạo lý, không trôi nổi thoát ly như những đối tượng làm nghề bán thân. Trong những bài viết của giới trí thức Việt Nam hồi đầu thế kỷ XX, nhiều tác giả khẳng định sự đoan chính của các cô đầu. Phạm Quỳnh tuy vẫn gọi đào nương là kỹ nữ, nhưng phân biệt với gái giang hồ vì có tài có đức. Nguyễn Đôn Phục cho rằng các ả đào tuy một số nơi gọi là kỹ nữ nhưng không lìa cửa lìa nhà, thoát ly khuôn phép xã hội mà vẫn sống trong xã hội, vẫn có gia tộc luân lý, rất biết giữ gìn. Tuy nhiên, ta cũng không thể phủ nhận người ả đào đương thời (tức là khoảng những năm 20 đầu thế kỷ XX) không còn giữ được các phẩm chất tốt đẹp cũ nữa mà quen với nghề buôn son bán phấn, biểu hiện của sự suy đồi Ca Trù.
Hình ảnh Cô đầu đầu thế kỉ XX (Ảnh: Thư viện Đồng Nai)
Cách hiểu sai lầm trên đã dẫn đến nhiều hệ luỵ. Sau năm 1945 ở Việt Nam, loại hình nghệ thuật vốn tao nhã và sang trọng bị đánh đồng với các sinh hoạt thiếu lành mạnh khiến xã hội chối bỏ và loại trừ Ca Trù khỏi đời sống văn hoá. Những ả đào vì thế mà phải thôi nghiệp đàn hát, giấu đi lai lịch vì sợ điều tiếng. Ca Trù không có được sự quan tâm, trân trọng, bảo tồn xứng đáng cũng vì thế mà mai một, đứng trước nguy cơ lụi tàn do không có những đào nương giữ hồn phách truyền lại cho hậu thế.
Trải qua rất nhiều năm phát triển, “bảy nổi ba chìm” cùng loại hình nghệ thuật Ca Trù, ngày nay, chúng ta càng cần phải tìm hiểu sâu hơn, nhiều hơn nữa về hình tượng ả đào trong văn hóa xưa để bảo tồn và phát triển hình ảnh người đào nương cũng như nét văn hóa là kết tinh tinh hoa của hơn ngàn năm sử Việt ta, để nghề hát ả đào sống mãi giữa nhịp chảy xã hội ngày hôm nay.
Khánh Ngân – Đức Hạnh
Nguồn tham khảo:
1. Đoàn Anh Đào (2020) – Nhân vật ả đào: Từ cuộc sống đến thơ văn (Kỳ 1)
2. Nguyễn Hoàng Tuấn Anh (2013) – Vai trò ca nương trong nghệ thuật
3. Nguyễn Ngọc Tiến (2019) – Oanh vang lựa tiếng, Ca Trù nở hoa chốn kinh kì – Báo An ninh Thủ đô
4. Atabook (2019) – Ca Trù là gì? Nguồn gốc của hát ả đào