Xẩm Tàu Điện – Một thời ký ức Hà Nội (Nguồn: Ngô Văn Hảo)

Tàu điện ở Hà Nội đã thành dĩ vãng, chỉ còn hình ảnh đoàn tàu trong hội họa, văn chương, nỗi nhớ và  “tiếng leng keng tàu sớm khuya hướng ra Đống Đa, Cầu Giấy” trong ca từ bài hát Nhớ về Hà Nội” của nhạc sĩ Hoàng Hiệp. Tuy nhiên, một loại hình nghệ thuật được coi là “đặc sản”, gắn với tàu điện của Hà Nội thì chắc sẽ mãi đi cùng năm tháng: đó là Xẩm Tàu điện – Xẩm được biểu diễn trên tàu điện.

Xẩm tàu điện còn có tên gọi khác là Xẩm Bờ Hồ. Bởi trạm tàu điện của Hà Nội ở Bờ Hồ – hồ Gươm. Từ trạm Bờ Hồ, tàu điện tỏa đi các tuyến Yên Phụ, chợ Bưởi, chợ Mơ, Cầu Giấy, Hà Đông, Vọng nối nông thôn với nội thành. Những chuyến tàu điện do Pháp mở đó có số lượng khách đông đúc, thường xuyên. Đây là điều kiện “sân khấu” lý tưởng cho Xẩm tàu điện ra đời, phát triển. Vì thế, Bờ Hồ trở thành điểm được đặt tên – cái tên thứ hai cho loại hình nghệ thuật hát xẩm trên tàu. Mỗi khi đến ga tàu điện hay ngồi trên các toa tàu, hành khách lại được thư giãn, vui vẻ thưởng thức những người nghệ sĩ cất tiếng hát ngọt ngào, tha thiết trong tiếng nhị, tiếng phách vui tai, dễ chịu.

So với các kiểu hát Xẩm ở trên đường phố, sân đình, các chợ làng quê và làng mạc ngõ xóm, Xẩm tàu điện có thời gian ra đời muộn hơn. Chỉ khi Hà Nội  có tàu điện, xẩm tàu điện mới ra đời. Hình thức biểu diễn nghệ thuật này cũng kết thúc khi tàu điện không còn được sử dụng nữa ở thủ đô Hà Nội. Do vậy, vòng đời của Xẩm tàu điện là khoảng năm 1900 cho đến năm 1992.

Những chuyến tàu điện xưa nơi ta có thể bắt gặp những người hát Xẩm (Ảnh: Redsvn)

Theo các tài liệu, “cha đẻ” của cha đẻ” của Xẩm tàu điện là nghệ nhân Tùng Nguyên và nghệ nhân Thân Đức Chinh.

Xẩm tàu điện có nhiều điểm khác biệt với các hình thức Xẩm Chợ, Xẩm Cô Đầu, Xẩm Nhà Tơ, Xẩm Huê Tình, bởi có môi trường sống ở Hà Nội nên Xẩm tàu điện có rất nhiều đặc điểm thị thành.

Nghệ nhân, nghệ sĩ của Xẩm tàu điện thường không phải là những người bị hỏng mắt hoặc khiếm thính. Rất có thể, Xẩm tàu điện hình thành từ chính gánh nặng cơm áo của những nghệ sĩ nghèo từ nhiều miền quê “lên phố” mưu sinh. Nhưng rồi, với bản năng nghệ sĩ tuyệt vời, họ đã tặng cho quê hương thứ hai một đặc sản tinh thần vừa duyên dáng vừa mộc mạc không nơi nào có: Xẩm tàu điện!

Trang phục của họ cũng “phố xá”. Nam thường mặc quần áo nâu, mùa rét khoác thêm bên ngoài áo veston; nữ luôn mặc áo tối màu (nâu hoặc xám), có áo yếm sáng màu, váy đến đầu gối (trong khi trang phục của nghệ nhân Xẩm chợ truyền thống thường là mặc áo tơi, đội nón lá). Nội dung các bài Xẩm tàu điện cũng không dài lê thê, giai điệu buồn… như Xẩm ở làng quê, Xẩm chợ mà ngắn gọn hơn, tiết tấu nhanh, rộn ràng hơn. Nhiều bài Xẩm được phổ thơ của những nhà thơ tên tuổi như thơ Nguyễn Khuyến, Thề non nước của Tản Đà, Chân quê và Lỡ bước sang ngang của Nguyễn Bính… Bên cạnh đó Xẩm tàu điện còn có các bài quảng cáo bán hàng như Tăm tre, Thuốc cam Hàng Bạc, Thuốc ho bà lang Trọc, Dầu cù là… phục vụ người buôn bán.

Một chuyến tàu điện xưa. Hồi ấy, các cậu học trò tinh nghịch thường nhảy tàu, từ cửa này lại tót sang cửa kia để trốn vé. Lắm hôm tàu đầy khách, hàng chục người cứ bám lấy bậc cửa tàu hoặc tay sắt, cố đi cho bằng được (Ảnh: VOV)

Các bài hát Xẩm lại phải có cấu trúc, độ dài vừa vặn với lịch trình đón, trả khách của tàu điện, để không một hành khách nào phải nghe dang dở một bài Xẩm. Tất cả những khác biệt này nhằm phù hợp với đối tượng nghe là người thành thị, lại là những người luôn trong tư thế di chuyển trên tàu, đi các tuyến phố ngắn.

Vì luôn phải di chuyển theo các chuyến tàu; tàu lại đông đúc, chật chội nên nhạc cụ của những người hát Xẩm tàu điện không nhiều và cồng kềnh như Xẩm làng quê. Nếu Xẩm làng quê phải đầy đủ đàn bầu, đàn nhị và trống thì Xẩm tàu điện chỉ có nhị hồ và song loan. Thứ bổ sung cho nhạc cụ ít ỏi cuả Xẩm tàu điện lại chính là… tiếng tàu điện leng keng và sự lắc rung của đoàn tàu! Do đó, các nghệ sĩ hát Xẩm phải hết sức linh hoạt, nương theo đặc điểm của đoàn tàu để biểu diễn phù hợp. Điều này càng đòi hỏi tài năng và sự nhanh trí của các nghệ sĩ. Khi biểu diễn, người hát “Xẩm tàu điện” biểu diễn trên tàu bằng hình thức đi qua các toa. Các nghệ sĩ biểu diễn ngẫu hứng, có thể theo yêu cầu của khán giả hoặc mời khán giả lên giao lưu.

Hơn thế nữa, Xẩm tàu điện còn là “cánh tay đắc lực” của các nhà kinh doanh thời bấy giờ. Điển hình nhất có thể kể đến “Đội quân” hát Xẩm giúp hãng tàu Việt đánh bại đối thủ nước ngoài. Trong bối cảnh các hãng tàu ngoại quốc đang ngày càng bành trước, Bạch Thái Bưởi đã liều lĩnh chấp nhận đối đầu với các thương thuyền nước ngoài đang giữ vị trí độc quyền khai thác hai tuyến đường thủy này. Để lôi kéo khách hàng, ông Bưởi đã nghĩ ra phương thức quảng cáo đặc biệt, đánh vào tâm lý hành khách đi tàu là người Việt.

Bằng cách đưa tên hãng tàu của mình vào những câu hát của người hát xẩm, hãng tàu Bạch Thái Bưởi không chỉ được tuyên truyền rộng rãi mà còn đi vào lòng người qua giọng hát huê tình, ngọt ngào.

“Nhiễu điều phủ lấy giá gương
Người trong một nước phải thương nhau cùng
Cô kia má đỏ hồng hồng
Muốn ra Hà Nội lấy chồng làm quan
Đường đi hiểm trở gian nan
Tàu “Bạch Thái Bưởi” dọn đàng rước dâu
Dù cho nước lũ sông sâu
Ai về Nam Định rủ nhau cùng về…”

Từ đó, việc làm ăn càng trở nên phát đạt, uy tín của “Vua tàu thuỷ Việt Nam” ngày càng được nâng cao rõ ràng.


Những gánh hát xẩm với đàn bầu cổ, bộ trống mảnh, đôi sênh, bàn phách… được “chiêu dụ” về hát quảng cáo cho hãng tàu Bạch Thái Bưởi (Ảnh: Báo Pháp Luật)

Bến tàu đò trên sông Hồng khoảng năm 1910, nơi ta có thể bắt gặp những người hát Xẩm (Ảnh: Bảo Pháp Luật)

Hát Xẩm ở một bến tàu năm 1945 (Nguồn: Ngô Văn Hảo)

Hiện nay, Xẩm tàu điện đang được chú ý bảo tồn, gìn giữ. Năm 2005, nhạc sĩ Thao Giang – Viện Nghiên cứu Âm nhạc đã xây dựng một tiết mục Xẩm tàu điện  trong Liên hoan tiếng hát dân ca diễn ra tại Nam Định. Năm 2012, tại khuôn viên Bảo tàng Phụ nữ Việt Nam cũng đã tổ chức một buổi biểu diễn Xẩm tàu điện năm Bính Thân 2016, Trung tâm Phát triển âm nhạc và nghệ thuật Việt Nam đã phục dựng một “phiên” hát Xẩm tàu điện trong chương trình “Ký ức Hà Nội” diễn ra tại Hoàng thành Thăng Long. Các nghệ nhân hát Xẩm nói chung, hát Xẩm tàu điện nói riêng cũng đang được đào tạo, truyền lửa.

Như vậy, cùng với Xẩm chợ và Xẩm cô đầu…. Xẩm tàu điện góp thêm vào văn hóa sân khấu dân gian một loại hình đặc trưng, độc đáo. Hình thức Xẩm tàu điện mang theo đặc điểm của Thủ đô Hà Nội-  trung tâm văn hoá, chính trị, ngoại giao và kinh tế lớn của đất nước. Hình ảnh những tuyến tàu điện leng keng đã chính thức từ giã 36 phố phường, nhưng lối hát Xẩm tàu điện vẫn có sức sống mãnh liệt, trở thành một hồn xưa phố cũ Hà Nội.

Một số bài ca Xẩm tàu điện được tái hiện lại:

Nguồn: Nguyễn Văn Linh

Nguồn: Áo dài

Nguồn: VTC Now

Hiểu Mai

 

Nguồn tham khảo:

1. Xuân Phong (2012) – Tái hiện xẩm tàu điện – nét văn hóa độc đáo Hà Thành – Báo Tin Tức
2. Mạnh Kiên (2020) – Độc đáo xẩm tàu điện của người Hà thành – Báo Năng Lượng Mới
3. Thục Hiền (2012) – Xẩm tàu điện, một nét văn hóa độc đáo của người Hà Nội xưa – Báo Ảnh Việt Nam
4. Huy Phạm (2012) – Xẩm tàu điện – văn hóa một thời của đường phố Hà Thành – VnExpress
5. Báo Pháp Luật (2019) – Bậc trượng phu trong thương trường Bạch Thái Bưởi (Bài 2) “Đội quân” hát xẩm giúp hãng tàu Việt đánh bại đối thủ nước ngoài

  

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *