Sắc thái nữ quyền trong nhân vật Xuý Vân ‘dại’ ở vở Chèo cổ Kim Nham


Bài viết này không khẳng định toàn bộ vở Chèo ‘Kim Nham’ là một tác phẩm nữ quyền mà chỉ chỉ ra và phân tích những chi tiết mang sắc thái này dưới góc nhìn của dự án. Trường Ca Kịch Viện nhận ra được rằng bài viết có thể thiếu sót và rất mong nhận được sự đóng góp từ phía độc giả với tinh thần học hỏi, tiếp thu. Dự án xin trân thành cảm ơn!

Hưởng ứng Tháng Phụ Nữ, đội ngũ Trường Ca Kịch Viện xin được gửi tới các độc giả nữ đã đồng hành cùng dự án trong thời gian qua một lời chúc trân trọng nhất. Nhân dịp này, hôm nay Trường Ca Kịch Viện sẽ đưa tới các bạn bài viết về âm hưởng nữ quyền trong nhân vật Xuý Vân – một vai nữ pha với câu chuyện ‘vượt thời gian’ trong vở Chèo cổ ‘Kim Nham’.

Vở Chèo ‘Kim Nham’ do Nhà hát Chèo Ninh Bình biểu diễn gần với kịch bản cổ (YouTube: Sở Văn hoá và Thể thao Ninh Bình)

Chèo từ lâu đã là một loại hình nghệ thuật dân gian đại diện cho tiếng nói của những người dân bình thường trong xã hội xưa, là tấm gương phản chiếu cuộc sống con người dưới chế độ phong kiến. Khác với Tuồng – bộ môn nghệ thuật mà các tích truyện chủ yếu xoay quanh các bậc nam tử hán – Chèo lại vô cùng ưu ái khắc họa những người phụ nữ thời xưa – tầng lớp chịu nhiều khổ đau trong xã hội. Điều này là do khi Tuồng tập trung vào những đề tài tầm quốc gia đại sự – nơi dường như chỉ dành cho đàn ông theo quan niệm xưa – thì Chèo lại miêu tả cuộc sống làng xóm, gia đình nơi những người phụ nữ luôn hiện hữu trong xã hội cũ. Chính vì vậy, những vở Chèo kinh điển thường xoay quanh cuộc sống vất vả, bất công của người phụ nữ dưới xiềng xích của xã hội, nổi bật như vở ‘Quan Âm Thị Kính’, ‘Trương Viên’, ‘Kim Nham’… Ở Chèo, các nhân vật nữ được chia ra làm 3 nhóm chính như dưới đây:

Về kịch bản cơ bản của vở Kim Nham, ta có thể khái quát như sau:

Kim Nham là một người học trò có quê tại Nam Định. Với mong muốn theo nghiệp đèn sách, anh đã lên Tràng An (Hà Nội) xin trọ học, và được Huyện Tể gả con gái của mình là Xuý Vân cho. Xuý Vân là một cô gái thơm thảo, thuỳ mị và đảm đang với một ước mơ tha thiết về một hạnh phúc gia đình giản đơn “chồng cầy vợ cấy”. Thế nhưng ngay sau khi kết tóc xe tơ, Xuý Vân bị nhà chồng thờ ơ và Kim Nham thì quay lại Tràng An để tiếp tục  “dùi mài kinh sử” suốt mấy năm liền, để lại nàng trong sự cô đơn tột cùng. Tuy lúc đầu Xuý Vân nhất quyết không từ bỏ lòng chung thuỷ, chống lại những cám dỗ và quyết tâm chờ đợi Kim Nham suốt mấy năm ròng, chàng chưa đỗ đạt được làm quan và tiếp tục học hành không trở về nhà. Sống trong cảnh “chăn đơn gối lẻ” kéo dài như vậy, Xuý Vân cảm thấy ước nguyện cả đời của nàng về một mái ấm gia đình dần dần biến mất và tuổi thanh xuân như bị phí hoài. Vậy nên khi Trần Phương – một gã nhà giàu nổi tiếng phong tình ở Đông Ngàn – gặp nàng và trao cho nàng lời hứa về hạnh phúc mà cô đã ao ước bao lâu nay, Xuý Vân đã theo lời hắn giả dại để thoát khỏi Kim Nham. Xúy Vân giả điên, Kim Nham chạy chữa không được đành phải trả tự do cho nàng. Thế nhưng rồi Trần Phương bội hứa khiến Xuý Vân trở nên đau khổ và tủi nhục đến mức không dám trở về nhà. Từ chốn giả điên thì giờ nàng đã trở nên điên thật. Kim Nham sau mãi sau một thời gian dài mới đỗ đạt, được bổ làm quan. Nhận ra vợ cũ điên dại phải đi ăn xin, Kim Nham đã bỏ nén bạc vào nắm cơm sai người đem cho. Thấy trong nắm cơm có bạc, Xuý Vân đã ngộ ra về số phận trớ trêu của cô mà từ đó xấu hổ nhảy xuống sông tự vẫn.

Trước khi phân tích nhân vật Xuý Vân, ta phải nói đến khái niệm ‘nữ quyền’. Bài viết này dùng khái niệm ‘văn học nữ quyền’, với tiêu chí như nhà phê bình Trần Thiện Khanh đã từng đưa ra và Xuý Vân là nhân vật nữ trung tâm:

“Chỉ khi nào nữ giới xuất hiện như một chủ thể ngôn từ, chủ thể thẩm mỹ, chủ thể trải nghiệm, chủ thể sáng tạo ra những giá trị văn học thì khi đó mới có văn học nữ. Và chỉ khi nào phụ nữ sáng tác như một chủ thể – tác nhân chống lại sự tỏa chiết của nam quyền, sự đặt định, kiến tạo của nam giới về tính nữ; phủ nhận kiểu diễn ngôn giả tạo, gán ghép và thiên kiến “đàn bà là…”, công khai chống lại sự nhào nặn hình ảnh người nữ trong nền văn minh của đàn ông; đòi hỏi phải đặt đàn ông thành một vấn đề cần được nhận thức lại và diễn giải lại… thì khi đó mới có văn học nữ quyền…

Văn học nữ quyền là thứ văn học kháng cự lại tình trạng mất tiếng nói của nữ giới (trước nhiều vấn đề bị cấm kỵ, trong đó có vấn đề tình dục một cách mạnh mẽ và quyết liệt. Nó cho thấy địa vị của nam giới không vững chãi và không thể cứ phủ mãi một lớp huyền thoại về nam tính; tính nữ không phải là cái gì tất định, tiên thiên, bất biến. Nó khẳng định nữ giới là một cá nhân tự mình, cần sống cho mình, tự công nhận mình như đàn ông đang sống, đang làm; thậm chí sống độc lập, tự chủ về mọi mặt và không cần đàn ông, chứ không phải sống vì người khác, cho người khác, theo người khác, phục vụ người khác, không thể sống mãi trong tư cách “là người đàn bà thực sự” như đàn ông đã kiến tạo, ấn định, tuyên truyền hoặc đợi đàn ông thừa nhận/ hợp thức hóa”

Trong vở Kim Nham, ta có thể dễ dàng thấy Xuý Vân ban đầu là một người phụ nữ xinh đẹp với những tính cách được cho là ‘chuẩn mực’ của Nho Giáo: đây là tư tưởng vốn trọng nam khinh nữ “nhất nam viết hữu, thập nhị viết vô”, ủng hộ sự gia trưởng trong gia đình nhưng trói buộc phụ nữ vào những quy định “tam tòng, tứ đức”, cho rằng “phận đàn bà” phải nhẫn nhịn và cam chịu, phải hy sinh vì chồng con, phải giữ gìn bản thân trong mọi hoàn cảnh. Một tư tưởng nữa bao trùm thời bấy giờ chính là “Tại gia tòng phụ, xuất giá tòng phu, phu tử tòng tử” (ở nhà theo cha, lấy chồng theo chồng, chồng chết theo con). Những chuẩn mực ấy đôi khi đã trói buộc người phụ nữ vào thế bị động, phụ thuộc khi họ không có quyền làm chủ số phận của mình. Khi được cha gả cho Kim Nham, Xuý Vân đã đáp:

“Con biết đâu thắm đậm phai chừng
Cha đặt đâu, con xin ngồi đấy”

Như vậy, ta có thể thấy trong Xuý Vân những nhận thức xưa về thân phận của người phụ nữ về hôn nhân – nàng tuân thủ theo những quy định mà xã hội bấy giờ đặt ra. Tuy nhiên, nhân vật hề cả Sứt – nhóm nhân vật vốn đại diện cho tư tưởng của người dân thường trong xã hội – đã đáp trả lại: “Cha đặt đâu, con xin ngồi đấy! Đặt vào chỗ êm đẹp thì chớ, nhỡ ông ấy đặt mày vào đống chông, đống gai, mày cũng ngồi thì liệu có thủng ruột mày ra không”, mang đến thông điệp người phụ nữ không thể cứ ngoan ngoãn theo sự sắp đặt của cha mẹ trong hôn nhân để rồi phải chịu khổ đau, ngầm ủng hộ sự giải phóng phụ nữ khỏi những hủ tục phong kiến.

Nàng cũng nhận ra rằng trong xã hội ấy, ‘là phận nữ nhi’ là phải khuyên nhủ, phục vụ, và tần tảo sớm khuya để chồng lập công danh.

“Thiếp xin về tần tảo sớm khuya
Trực phòng không là phận nữ nhi
Khuyên chàng sẽ gắng công đèn sách”

Thề thuỷ chung với Kim Nham trước khi chàng đi, Xúy Vân trong suốt 3 năm vắng chồng vẫn giữ lời hứa của mình: nàng khẳng định “Thiếp tôi nay là gái có chồng” khi bị dụ dỗ, nhăn mặt trước lời khuyên “tái giá” (kết hôn lại) của Mụ Quán, và nhất quyết “không có bụng dạ nào tính đến chuyện chia ly”. Qua đó, ta thấy được một vẻ đẹp vô cùng sáng ngời, đáng trân trọng của người con gái kể cả trong bể u uất cuộc đời. Ngay khi phải giãi bày nỗi buồn tột đỉnh của mình, người vợ Xuý Vân vẫn cam chịu chờ chồng quay về chứ không nghĩ đến chia cắt:

“Buồn thì khóc cho vơi nước mắt
Cắn răng chờ cho năm tháng trôi qua”

Tuy vậy, Kim Nham vẫn miệt mài đèn sắt mà không quay về một lần. Xuý Vân suốt nhiều năm chịu cảnh phòng không gối chiếc, một mình gánh vác việc gia đình khiến nàng ngày chịu đựng trong nỗi buồn tủi, thất vọng sâu thẳm. Nàng mong muốn muốn cuộc sống giản dị “chồng cày vợ cấy” còn Kim Nham lại đam mê công danh. Hậu quả của cuộc hôn nhân không hoàn toàn xuất phát từ tình yêu hay sự cùng lý tưởng này là nỗi khổ của Xuý Vân. Ở trong vở Chèo, ta còn thấy được 2 sự đối lập giữa nam nữ trong xã hội xưa: Kim Nham theo đuổi đam mê vinh danh đến nỗi bỏ bê, thờ ờ với việc vợ lẻ bóng thì được xem là bình thường vì đấy là lý tưởng “làm trai”; Xuý Vân không thể tự do theo đuổi đam mê, hạnh phúc mà phải chịu đựng nỗi khổ do người đàn ông gây ra  vì quan niệm “làm gái”.

Khi gặp Mụ Quán nhắc đến việc có người “Muốn kết chỉ giao cầu”, cuộc sống của Xuý Vân như loé lên một tia sáng khiến khát vọng được yêu, được hạnh phúc rất bình thường, rất bản năng của người phụ nữ – biểu hiện mạnh mẽ của tính nữ – trong nàng trỗi dậy. Những lời háo hức của Xuý Vân như “Thực như lời chị nói – Em xin theo chân, cất bước sang chơi” cho thấy khát vọng tình yêu có thể khiến nàng vượt qua bao nỗi mệt nhọc để có thể lạc quan trở lại. Khi lắng nghe Xuý Vân than cảnh cô đơn, ta dễ cảm thông được cho nổi khổ đã tạo nên khát vọng tìm kiếm một bến bờ hạnh phúc cố định của nàng:

“Một mình thiếp chăn đơn gối lẻ
Sự nguyệt hoa, không than thở cùng ai
Thiếp bây giờ như hươu đã mắc chà
Vào thời dễ, ra thời thậm khó.”

Nhiều người có thể lên án Xuý Vân không chung thuỷ mà lẳng lơ, trăng hoa. Tuy nhiên, có một vài điểm cần được chú ý:

– Nàng luôn trung thuỷ và quyết tâm không từ bỏ Kim Nham từ đầu dù có bao cám dỗ nhưng không nhận được sự quan tâm, đáp lại thích đáng của chồng. Thay vào đó, Kim Nham đặt sự nghiệp bản thân lên trên cả vợ mình (Dự án không lên án Kim Nham mà công nhận lý tưởng đỗ đạt làm quan mà người xưa theo đuổi, nhưng điều này vô tình là nguồn gốc cho bi kịch của Xúy Vân). Nàng có nhận thức về bản thân, về giới, về ‘tuổi thanh xuân’ của mình dường như đang bị phí hoài (điều này cũng thể hiện hơi thở nữ quyền và sẽ được nói rõ hơn sau).

– Những lời nói ngon ngọt của Trần Phương cho Xuý Vân cảm giác được tôn trọng, nâng niu, và quan tâm – đây là một nhu cầu chính đáng của mỗi con người bất kể giới. Trần Phương bộc lộ lời yêu với Xuý Vân (khiến nàng như thấy được tương lai của cuộc hôn nhân bắt nguồn từ tình yêu chứ không phải do gia đình sắp đặt nữa). Hơn thế, Trần Phương còn nói lời thề bên Xuý Vân trọn đời vào lúc nàng khổ đau, cô đơn nhất. Việc làm của nàng có phần nhẹ dạ nhưng là hành động của người phụ nữ nắm bắt cơ hội có cuộc sống hạnh phúc thích đáng với phẩm hạnh của mình. Lúc này, nàng không hề hay biết về con người thật của Trần Phương.

Đặc biệt, nỗi khổ và cô đơn của nàng được thể hiện rõ nhất trong tích trò “Xuý Vân giả dại” kinh điển. Ở đây, Xuý Vân không dại mà chỉ “giả” – nàng vẫn tỉnh táo giãi bày nhưng tâm sự của nàng u uất quá nên nghe như nửa tỉnh nửa mê, đầy ám ảnh, đầy tích tụ trở thành u uẩn ức. Bị những chuẩn mực đạo đức xã hội “cầm tù” trong khổ đau, những dồn nén của nàng được bộc lộ ra cùng với những hồi tưởng đứt nối, những hình ảnh rời rạc, tiếng hét thất thanh và tiếng cười như điên dại:

“Than ôi !
Tôi thương nhân ngãi, tôi nhớ nhân tình,
Đêm năm canh tôi thức cả vừa năm.
Than rằng nhân ngãi, cựu tình tôi đâu.”

“Đau thiết thiệt van
Than cùng bà Nguyệt
Đánh cho lê liệt Chết mệt con đồng”

“Bắt đò sang sông Bớ đò, bớ đò…!
Tôi la đò, đò nỏ có thưa
Tôi càng chờ càng đợi, càng trưa chuyến đò”

“Con cá rô nằm vũng chân trâu
Để cho năm bảy cái cần câu châu vào”

Nhừng hình ảnh ẩn dụ đầy chất gợi xoáy sâu vào sự tuyệt vọng về cuộc hôn nhân thiếu vắng tình yêu, sẻ chia của người con gái đáng thương. Đặc biệt, hình ảnh “con cá rô” thể hiện rõ nét cảnh bế tắc, tù đọng nhưng vô ích còn “năm bảy cái cần câu” cho thấy những áp lực gia đình, xã hội, và những nhào nặn phong kiến về “phận con gái” càng thêm trói buộc nàng vào bể khổ cuộc đời. Nàng nhận thức được rằng xã hội sẽ lên án, cười chê:

“Tôi chắp tay tôi lạy bạn đừng cười
Lòng tôi không giăng gió như gặp người gió giăng”


Trích đoạn: Xuý Vân gỉa dại do nghệ sĩ Thuý Ngần biểu diễn (YouTube: Soạn Giả Mai Văn Lạng)

Tuy vậy, người con gái ấy vẫn quyết tâm theo đuổi Trần Phương với hy vọng cuối cùng cũng có được tình yêu. Xuý Vân không cam chịu như Thị Kính hay Trinh Nguyên mà đang tự giải phóng bản thân mình khỏi sự u uất do người đàn ông gây ra, đang đứng lên với tư cách là người phụ nữ với mưu cầu hạnh phúc lứa đôi chính đáng, đang cố gắng phá tung bức tường chuẩn mực của lễ giáo phong kiến do sự ‘ngự trị’ của nam quyền tạo nên. Việc được tự quyết định cuộc đời của mình này dường như được cho là đặc quyền của đàn ông trong xã hội xưa, vậy mà Xúy Vân lại dám mạnh mẽ làm như vậy. Tuy có âm hưởng nữ quyền và giải phóng như thế, việc Xuý Vân phải giả dại thay vì đường đường chính chính nắm lấy tình yêu cho thấy một xã hội vẫn còn nhiều định kiến với người phụ nữ. Qua đó, chúng ta thấy được rằng bất bình đẳng giới đã ăn sâu vào xã hội và không dễ dàng gì xoá bỏ. Cái chết xót xa, đầy thương cảm bắt nguồn từ hôn nhân cô đơn, u uất của nàng càng nhấn mạnh điều trên và làm cho người đọc xót xa hơn về thân phận người phụ nữ bị trong xã hội phong kiến: họ sống vì bản thân, họ đi theo những tiếng gọi của những quyền và nhu cầu chính đáng của con người chỉ để tìm thấy bước đường cùng của cuộc đời.

Sắc thái văn học nữ quyền ở đây còn được phần nào thể hiện qua việc trao cho Xuý Vân giọng nói và suy nghĩ để có thể giải bày cuộc sống của mình. Không giống nhiều tác phẩm xưa khi phụ nữ chỉ hiện hữu làm nền cho những câu chuyện của người đàn ông, Xuý Vân có được không gian riêng để nói lên tiếng lòng không chỉ của riêng nàng mà của bao nhiêu thân phận phụ nữ khác trong chế động phong kiến – người phụ nữ được hiện lên vô cùng sống động như một con người, cũng có ý thức, đam mê, hoài bão như đàn ông. Ở đây, Xuý Vân hiện lên là một người con gái có ý thức về danh tính của mình là người phụ nữ, có nhận thức giới về vẻ đẹp tâm hồn và hạnh phúc xứng đáng của phụ nữ nhưng cũng đồng thời nhận ra rõ về những định kiến, trói buộc của xã hội – điều mà nhiều người phụ nữ xưa chỉ bị cuốn trôi theo, tuân theo mà không nhận ra được. Nàng không cam chịu, nuốt đắng cay mà công khai giãi bày nổi khổ và phá bỏ lễ giáo phong kiến để kiếm tìm hạnh phúc.


Vở Chèo được cải biên hiện đại hơn, lấy Xuý Vân làm trung tâm (YouTube: Cù Minh Khôi – Quang Minh Tuệ Đức)

Hữu Dương – Anh Thư


Nguồn tham khảo:
1. Lê Thị Nhung (2016) – Sắc thái nữ quyền trong nhân vật nữ lệch của Chèo cổ (Luận văn Thạc sĩ)
2. Sân khấu chèo: Kim Nham full – Nhà hát Chèo Ninh Bình (Video đăng tải trên kênh YouTube Sở Văn Hóa Và Thể Thao Ninh Bình)
3. Xuý Vân Giả Dại – Sách giáo khoa Ngữ Văn Nâng Cao Lớp 10 Tập 1 – Bộ Giáo Dục và Đào Tạo
4. Hiền Nguyễn (2014) – Văn học nữ quyền ở Việt Nam – Tổ quốc – Báo điện tử của Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *