“Chì khoe chì nặng hơn đồng
Sao chì chẳng đúc nên cồng nên chiêng”
Với các sự kiện của vòng đời con người, cồng, chiêng luôn luôn là yếu tố không thể thiếu vắng. Âm thanh của chúng như ngân dài theo suốt cuộc đời con người nơi buôn làng Tây Nguyên. Không gian văn hóa cồng chiêng không chỉ là mạch suối nguồn âm nhạc nuôi dưỡng tâm hồn, nhân cách của người dân đất đại ngàn mà còn là niềm vui, niềm tự hào, là hồn thiêng của đồng bào các dân tộc Tây Nguyên. Không gian văn hóa ấy là sự kết hợp của nhiều nhạc cụ để tạo nên cả một “dàn nhạc” nơi đại ngàn hùng vĩ.
1. Cồng – Chiêng – Lệnh – Phèng la
Hiện nay, khi nói về dàn nhạc cụ truyền thống bằng đồng của các dân tộc bản địa Tây Nguyên, mọi người quen gọi là dàn cồng chiêng. Nghĩa là, dàn nhạc có 2 loại nhạc cụ hợp thành: cái cồng và cái chiêng. Trong sách giáo khoa phổ thông hiện nay có in ảnh minh họa cho 2 loại nhạc cụ này: Loại có núm ở giữa mặt được chú giải là cái cồng; loại không có núm ở giữa mặt được chú giải là cái chiêng. ĐÂY LÀ SỰ PHÂN BIỆT SAI. Các phương tiện truyền thông đại chúng cũng thường nhầm lẫn rằng cái “chiêng” thành cái “cồng”, cái “lệnh” thành cái “chiêng”. Thực chất, cái cồng hiện nay không còn được sử dụng – cái chiêng và lệnh mới là nhạc cụ ta hay thấy trong cồng chiêng. Đây là những sản phẩm mà người Tây Nguyên xưa mua từ người Kinh do không có nghề đúc đồng.
1.1. Cồng
Không chỉ được sử dụng trong không gian văn hóa, sinh hoạt của dân tộc Tây Nguyên, chiếc cồng từ thời xa xưa còn được sử dụng trong triều đình. Chiếc cồng bằng gỗ với âm thanh trầm hùng, vang to, bay xa là hiện vật tượng trưng cho vương quyền. Ở Cung đình sách của tác giả Nguyễn Đắc Xuân có ghi: “Một hồi cồng báo bãi chầu vang lên, ở dinh quan có câu: “Lệnh ông không bằng cồng bà”, còn ở làng thì có câu: “Cồng làng mõ xóm””.
Chiếc cồng ấy còn được dựng ở điếm canh của làng, loại cồng nhỏ được gọi là mõ cá. Thời phong kiến, ở nhiều địa phương, cái cồng thường được treo ở đầu hiên đình, hoặc nhà Lý trưởng. Khi cần triệu tập các chức sắc trong làng ra đình họp bàn công việc, Lý trưởng sai thằng Nhỡ (người ở trong nhà Lý trưởng) đánh cồng để thông báo. Còn cái mõ tre là công cụ của anh Mõ để thông báo cho dân làng biết việc làng. Lời rao ấy có vần điệu như thơ:
“Cấm măng cấm tre cấm mè cấm củi,
Cấm trâu ăn kẹ cấm mẹ bắt đam.”
Do đó, câu: “Cồng làng mõ xóm” là có ý phân biệt các hiệu lệnh và công việc khi thông báo được phát ra từ tiếng cồng hay tiếng mõ. Tiếng cồng là hiệu lệnh của Lý trưởng tới các chức sắc trong làng, còn tiếng mõ là thông báo của chính quyền tới dân làng. Nhiều nơi ở miền Bắc, cồng còn được treo ở điếm canh để điểm các canh giờ trong đêm. Cồng là công cụ phục vụ cho công tác an ninh ngày đêm của làng.
Như vậy, ta có thể khẳng định rằng, cái cồng của người Kinh được làm bằng gỗ và thực hiện chức năng thông tin, thông báo những nhiệm vụ, công việc quan trọng của Lý trưởng trong thời phong kiến. Cồng không phải là nhạc cụ có hình tròn dẹt bằng đồng mà chúng ta thường thấy trên tranh ảnh.
1.2. Chiêng
Chiêng được đúc bằng đồng, mặt bằng ở giữa mặt có núm, xung quanh có gờ uốn về phía sau có dây đeo hoặc đặt trong giá. Tiếng chiêng gióng trước tiếng trống theo sau, đó là âm thanh của tiếng chiêng đi với tiếng trống diễn ra trong các nghi lễ. Chẳng hạn, trong hát Cửa đình, sách Ca trù bị khảo ghi: “Khi hát quan viên thi lễ chia ngồi hai bên, một bên đánh chiêng và một bên đánh trống. Chỗ nào Ả đào hát hay bên trống thưởng một tiếng chát, bên chiêng đánh một tiếng chiêng.” Trong các ngôi đình, nhà thờ, người Việt đều đặt chiêng trống, hoặc trong các kì tế lễ ở bên ngoài như lễ Cầu đảo, lễ Xuống đồng thì chiêng, trống trong xướng tế hô: Khởi “chinh cổ”. Đó là tín hiệu mở đầu cho lời kính cáo với Thiên Địa, Thánh Thần trong những lễ cúng tế của nhà Vua trong triều đình, xuống các quan cấp tỉnh, cấp huyện . Trong chính lễ, thời điểm đọc Văn tế, sau mỗi câu văn tế, chiêng trống mỗi thứ gióng lên hai tiếng phù họa, làm tăng thêm tính uy nghi, trang nghiêm của cuộc tế lễ. Vì thế, trong các cuộc tế lễ không thể thiếu âm hưởng chiêng, trống- có nghĩa không có tiếng chiêng tiếng trống là không có lễ tế. Đây là nhạc cụ được sử dụng rộng rãi trong cồng chiêng Tây Nguyên.
Hình ảnh chiếc chiêng với núm
1.3. Lệnh (hoặc phèng la)
Lệnh là phù hiệu biểu trưng quyền lực của quan trên và được thiết chế theo hai dạng: một dạng là lệnh bài, lĩnh hội trực quan qua đường thị giác và một dạng là lệnh bằng đồng, lĩnh hội bằng âm thanh qua đường thính giác. Mỗi phù hiệu này được dùng trong từng trường hợp khác nhau. Trường hợp thứ nhất: lệnh bài còn gọi là thẻ bài – quan đeo trước ngực; còn trường hợp thứ hai lệnh bài ủy quyền. Người lính lệ được quan trao cho lệnh bài phái đi công vụ; tay anh cầm lệnh bài là được quyền hành sự theo lệnh của quan trên. Lệnh bài của người Việt – Giao Chỉ, hẳn đã xuất hiện trong các tù trưởng ở thời kỳ bộ lạc – văn hóa đồ đá mới.
Còn cái lệnh bằng đồng (to bằng cái mẹt) là thể hiện hiệu lệnh bằng âm thanh dùng trong việc công ở hai cấp: làng và huyện trở lên. Ở cấp huyện, khi quan huyện ra khỏi công đường đi công cán, đi trước đoàn tùy tùng, người lính lệ cầm lệnh đánh 2 tiếng hoặc 4 tiếng để dẹp đường. Còn ở làng thì tiếng lệnh dùng trong hai trường hợp. Một là tiếng lệnh tập trung dân làng trong các công việc khẩn cấp và không khẩn cấp. Trường hợp không khẩn cấp (hôm trước tiếng cồng báo họp các chức sắc trong làng và, đầu hôm qua tiếng mõ rao việc làng của anh mõ), sáng nay tiếng lệnh vang lên một hồi ba tiếng thúc dục dân làng một lần nữa; thứ hai, trường hợp khẩn cấp như hộ đê, chữa cháy, việc sưu thuế, đi phu, đi lính… lệnh đánh liên tục theo kiểu ngũ liên. Lệnh được sử dụng hiếm hơn chiêng.
Hình ảnh cái lệnh
2. Đinh Năm của người Êđê
Ở cái nôi của nền văn hóa Tây Nguyên, nhất là khi đề cập đến những nốt “ thanh âm” đặc sắc, không thể nào không kể đến một loại nhạc cụ vô cùng độc đáo mà tiếng trầm bổng, ngân vang hòa quyện nồng cháy với sự hoang sơ của chính nó đã từng được ví như “ cơn lốc xé toạc cả mảng núi rừng” – Đinh Năm.
Già làng chơi Đinh Năm (Ảnh: Dân Trí)
Theo tiếng Êđê, chữ “đinh” nghĩa là ống, “năm” là số sáu trong hệ đếm của người Êđê, cái tên đã thực sự khái quát hóa được phần nào hình dáng của nhạc cụ – gồm 6 ống trúc dài ngắn khác nhau được xếp thành 2 bè, mỗi bè 3 ống, các ống xiên được cắm qua một quả bầu khô, sau đó dùng sáp ong rừng “dán” lại. Khi sáp khô thì khoét các lỗ trên đầu mỗi ống và dùng cuống trái bầu khô làm đầu thổi.
Sự tích về nguồn gốc Đinh Năm chính là kết tinh của vô vàn yêu thương giữa những thành viên trong gia đình. Tương truyền rằng, có một gia đình người Êđê có sáu người con, lớn lên cả sáu người đều đi làm ăn xa, chỉ có cha và mẹ ở nhà. Người cha vì thương vì nhớ các con nên cắt sáu ống trúc, dài ngắn khác nhau tương ứng với mỗi đứa: con cả, con thứ hai, con thứ ba, con thứ tư, con thứ năm và em út. Các ống nứa này cắm vào vỏ bầu như lòng người mẹ, ôm ấp che chở các con. Những khi nỗi nhớ liền kề, người cha đem nhạc cụ này ra thổi, vuốt ve những ống sáo. Các ống sáo cất lên tiếng trầm như của người con cả, tiếng trong vắt cao cao như của người con út…, như các con vẫn đang quây quần quanh cha mẹ…
Theo phong tục văn hóa truyền thống của người Êđê, Đinh Năm được thổi liên tục khi có đám tang, từ lúc người đó tắt thở đến khi chôn cất xong. Ngày xưa, Đinh Năm tuyệt đối không được thổi trong nhà, trong buôn khi không có đám tang, nhưng ngày nay – khi sự kiêng cữ không còn quá chặt chẽ ở một số vùng nhất định, phạm vi sử dụng được nới rộng hơn, bao quát cả trong các lễ hội (Lễ cúng Bến nước, lễ cầu mưa, lễ mừng lúa mới , lễ lên nhà mới, tang lễ.v.v..,) và các dịp sinh hoạt văn hóa cộng đồng.
Tuy độc đáo và đặc sắc là thế, nhưng để duy trì được rộng rãi văn hóa nhạc cụ này lại là một thách thức không hề nhỏ, khi đời sống ngày nay lại ngập tràn những thể loại âm nhạc hiện đại, bắt tai hơn thu hút sự chú ý, yêu thích của giới trẻ và khiến các loại nhạc cụ dân tộc dần mất vai trò của mình. Già làng Ama Loan – một trong những nghệ nhân cuối cùng biết chế tác và chơi tất cả các loại nhạc cụ của dân tộc Ê Đê, trong đó có kèn Đinh Năm, buôn Akô Dhông, phường Tân Lợi, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đã nhận xét rằng: “Mặc dù bây giờ Đinh Năm đang bắt đầu nhận được sự quan tâm nhiều hơn, nhưng vài năm nữa không chắc sự quan tâm này còn được nguyên vẹn. Người ta có thể giữ được âm thanh của nó nhưng để chế tác ra nó thì khó”. Điều này lại đặt ra một trở ngại khá lớn trong việc gìn giữ và bảo tồn, với số lượng những người chế tác ngày càng ít đi rất nhiều, Đinh Năm cần một sự chú ý và quan tâm rộng rãi, sự sâu sắc và ý thức trong cách nhìn nhận để có thể phát huy hết và tốt hơn nữa giá trị đặc sắc của mình.
3. Kèn Rlet của người M’nông
Người M’nông quan niệm rằng, đời sống, sức khỏe và công việc làm ăn của các thành viên trong gia đình phụ thuộc vào ba vị thần: thần Lúa, thần Kuắt, và thền Rlet. Khi thổi kèn Rlet có thể gọi được thần Lúa về, đuổi ma xấu đi, nên chính vì thế nhạc cụ này giữ vai trò vô cùng quan trọng trong đời sống tâm linh của bản làng người M’nông.
Phóng sự ngắn về kèn R’let (YouTube: viet ly)
Kèn Rlet khá giống Đinh Năm ở việc sử dụng quả bầu khô, nhưng khác với Đinh Năm dùng sáu ống trúc, kèn Rlet dùng một ống nứa nhỏ, dài, thon thon cắm xuyên qua vỏ quả bầu. Đoạn ống nứa nằm trong thân bầu có một lỗ nhỏ; gắn một lưỡi gà làm bộ phận phát âm; đầu kia của ống nứa được cắm ngang qua một ống nứa lớn có đường kính khoảng 5cm, dài từ 15-20cm, đáy ống có mắt nứa bịt kín, đầu trên vát nhọn…
Hình ảnh kèn R’let (Ảnh: Sưu tầm)
Kèn Rlet có quan hệ chặt chẽ với đời sống của đồng bào, là công cụ đuổi thần ác và gọi hồn thần Lúa. Khi lúa trổ đòng, đồng bào M’nông làm kèn Rlét treo trên cây nêu nơi rẫy lúa. Mỗi lần đi thăm rẫy người ta đến chỗ cây nêu lấy kèn thổi một hồi, tiếng nhạc vang lên làm cho ma rừng và các thần ác hoảng sợ không dám ở trong rẫy để bắt hoặc quậy phá hồn người. Gia đình nào làm kèn này phải kiêng cữ đủ chuyện: cữ ăn cá lóc, cá trê, cữ ăn thịt trâu bò cúng lễ, khi xuất bán vật nuôi cũng phải cúng bái. Chủ nhà giữ tục kiêng cữ đến khi nào tuốt lúa xong, chém trâu tạ thần linh, bỏ kèn thì mới hết kiêng cữ. Cuối năm đó, dù có thu được vài gùi lúa cũng buộc phải giết trâu hoặc bò cúng trả ơn thần kèn Rlet đã bảo vệ cho rẫy lúa và gia đình trong cả năm.
Theo người M’nông, có ba trường hợp phải làm kèn Rlet: thứ nhất, thú rừng vào rẫy hoặc bị chết trong rẫy, người ta phải làm kèn để đuổi các thần xấu ấy đi; thứ hai, trong nhà có người đau ốm triền miên, chữa trị không hết phải làm kèn để đuổi ma quỷ quấy phá; thứ ba, làm kèn Rlet gọi thần lúa từ trên trời xuống. Để thổi kèn, người ta phải tuân theo quy định đặc biệt, không được tùy tiện, làm một cái sạp người người thổi kèn ( người thổi phải là người đứng đắn, tốt được bà con công nhận, quý mến), sát cạnh buộc một con trâu.
Kèn Rlet là nhạc cụ có vai trò quan trọng trong đời sống tâm linh của người M’nông, nhiều nhà nghiên cứu, sưu tầm đã có những cải tiến, thể nghiệm, sáng tác trên kèn Rlet dựa trên chất liệu dân gian để đưa vào biểu diễn nghệ thuật quần chúng và chuyên nghiệp.
4. Đàn Ting Ning của người Bana (Dũng)
Các dân tộc ở Tây Nguyên với tư cách là chủ nhân văn hóa nơi đây đã mang những âm hưởng đặc trưng của núi rừng và âm hưởng của tình điệu tâm hồn con người dân tộc mình vào trong từng nhạc cụ. Người Ba-na cũng vậy, họ đã mang những âm sắc đặc biệt ấy vào các nhạc khí khác nhau của dân tộc mình, như đàn T’nưng, K’rông pút, Bro Ôt,…. Trong đó, đặc biệt nhất cũng như không thể không nói tới chính là đàn Ting Ning – cây đàn của tâm tình lứa đôi.
Đàn Ting Ning (Ảnh: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi)
Đàn Ting Ning của người Ba-na xét về hình dáng thì cũng có những điểm giống như nhiều loại đàn Ting Ning khác của các dân tộc Xơ-đăng, Ê-đê. Song, nó cũng có những khác biệt nhất định như về số lượng dây thì nhiều hơn và cách lên dây khác, còn cách đánh, âm thanh, giai điệu thì mang những nét đặc trưng riêng biệt không thể tìm thấy ở nơi đâu khác. Đàn Ting Ning Cấu thành bởi hai bộ phận chính là thân đàn là một ống lồ ô và một quả bầu khô tròn, rỗng, cắt đáy, gắn ở phía dưới một đầu thân đàn. Đàn và quả bầu rỗng tạo nên âm thanh cộng hưởng phát ra khi chơi đàn. Đàn có 10 đến 18 dây kim loại, một đầu chốt vào đầu có quả bầu khô, một đầu buộc vào các suốt gỗ gắn trên thân đàn. Đàn không có phím, mỗi dây đàn có một âm thanh riêng. Khi chơi, người ta thường dùng ngón tay bật vào các dây khác nhau để tạo nên những âm thanh khác nhau. Theo một số ý kiến cho rằng, đàn Ting Ning thuộc kiểu đàn Banđura cổ của Hy Lạp và có nguyên tắc phát âm của đàn Harpe châu Âu. Tùy thuộc vào tài năng, tâm tư, tình cảm của từng người mà tiếng đàn tha thiết, sâu lắng hay rộn ràng, vui tươi.
Tấu Đàn Ting Ning (YouTube: A Thue Official)
Đàn Ting Ning có từ bao giờ cũng không ai còn nhớ rõ nữa, họ chỉ lưu truyền nhau một câu chuyện tình buồn được cho là nguồn gốc của cây đàn này. Chuyện kể rằng: Từ rất lâu rồi, trong buôn làng có đôi trai gái yêu nhau mà không đến được với nhau để sống chung một bếp lửa. Bởi người con trai đó là chú, còn cô gái là cháu ruột. Cha mẹ và người thân ngăn cản, không cho họ nên vợ nên chồng vì quan hệ máu mủ quá gần gũi. Nhưng họ vẫn lén lút gặp nhau. Rồi một hôm, khi cả nhà đi vắng, đôi trai gái đã bàn với nhau tìm đến cái chết để được bên nhau. Họ rủ nhau vào rừng, nhưng đến nơi vì lời qua tiếng lại ai chết trước, ai chết sau… Cuối cùng, cô gái với tình yêu mãnh liệt dành cho chú của mình đã xin chết trước. Chứng kiến người mình yêu treo cổ tự tử chàng trai hoảng sợ, chạy về kêu cứu mọi người. Khi mọi người đến, cô gái không còn sống nữa, chàng trai buồn bã quên ăn quên ngủ chỉ nghĩ về người yêu của mình. Vào một buổi chiều chàng khăn gói đi ngủ đêm bên bờ suối trong rừng… Trăng đã lên cao, mắt chàng cay cay mà không tài nào ngủ được, thoảng nghe từ dưới suối có âm thanh rất lạ. Chàng men theo con suối tìm đến nơi có âm thanh phát ra và nhìn thấy “kơ bong” (loại cây ống mọc) va vào nhau lúc mạnh lúc yếu, phát ra hai âm thanh có cao độ khác nhau. Lúc va vào thân cây tiếng kêu to “ting”, khi va vào mắt cây tiếng kêu nhỏ hơn “ning”. Trở về nhà chàng lấy cây lồ ô và “kơxi Rơbo” (dễ cây rừng đập dập phơi khô làm dây đàn). Có cây đàn, mỗi khi nhớ nàng trong lòng chàng cảm thấy thanh thản hơn nhiều. Đêm nào cũng vậy chàng ngồi dựa mình ở thành cửa nhà Rông gảy đàn. Vào một hôm trăng sáng, trong lúc đang cảm hứng say mê với cây đàn của mình, chàng nhìn thấy nàng xuất hiện từ phía cổng làng vẫy gọi mình. Quá mừng rỡ chàng vội treo cây đàn lên mà không để ý cây lao phía dưới, vội nhảy xuống bị lao đâm vào bụng. Trước khi nhắm mắt trên môi chàng vẫn nở nụ cười mừng rỡ hạnh phúc khi nhìn thấy người mình yêu. Vậy là cuối cùng họ được trở về bên nhau như lời hẹn ước, cũng từ đó người ta đặt tên cho cây đàn mà chàng trai gảy là đàn Ting Ning để nhớ về mối tình của đôi trai gái.
Ting Ning là nhạc cụ dành cho nam giới, đặc biệt là những nam thanh niên chưa vợ sử dụng trong khi đi chơi, khi ngủ nhà rông, trên nương rẫy, nhất là khi tâm tình với người con gái mà anh ta trao tình cảm của mình trong các ngày vui và trong đám cưới. Các chàng trai Ba-na mượn tiếng đàn Ting Ning để tâm tư, tình cảm của mình đến với người con gái mình yêu. Chính vì lẽ đó, người Ba-na coi đây là đàn của tình yêu, đại diện cho tình yêu đôi lứa. Những tình cảm, tâm tư của những cặp đôi, nhất là người con trai theo tiếng đàn mà bay bổng, gửi lòng mình đến đối phương. Người Ba-na dùng đàn Ting Ning để tâm tình chuyện đôi lứa. Khi chưa nên vợ thành chồng, đàn để bày tỏ nỗi lòng với đối phương mà mình hướng tới; khi đã nên duyên vợ chồng thì tiếng đàn thay lời người chồng chia sẻ, bầu bạn với vợ những niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, giúp bản thân nói được những lời nơi đáy lòng. Rồi khi gia đình chào đón những đứa nhỏ ra đời, cây đàn góp phần đưa những đứa trẻ thơ vào trong từng giấc ngủ yên bình thông qua giai điệu dân tộc truyền thống bay bổng của núi rừng.Đàn Ting Ning mang trong mình những giá trị văn hóa dân tộc, mang trong mình đời sống tinh thần của người Ba-na để rồi đây, theo tiếng đàn những giá trị ấy sẽ được lưu giữ và truyền tải đến mãi muôn đời trong cộng đồng dân tộc Ba-na nói riêng, và trong toàn bộ đất nước Việt Nam nói chung. Cũng có thể, tiếng đàn sẽ lan tỏa ra thế giới để họ cũng sẽ biết đến và “chiêm ngưỡng” được những âm sắc tuyệt đẹp này.
Trần Đức Dũng
Tài liệu tham khảo:
1. Dương Đình Minh Sơn (2013) – DÀN CỒNG CHIÊNG HAY CHINH CHIÊNG CỦA DÂN TỘC TÂY NGUYÊN ?
2. Dương Đình Minh Sơn – Thuật ngữ cồng chiêng là của người Kinh
3. Dương Đình Minh Sơn (2003) – BÀN THÊM VỀ CÁCH GỌI TÊN CỒNG CHIÊNG
4. Dung Nhu (2017) – Kèn Đinh Năm và trăn trở giữ hồn dân tộc – Báo Quân đội Nhân dân
5. Wikipedia tiếng Việt – Đing Năm
6. Báo ảnh Dân tộc và Miền núi – Kèn Rlet – Nhạc cụ độc đáo của người M’nông
7. Trúc Vi (2012) – Kèn Rlet của người M’nông – Báo Đắk Lắk điện tử
8. Lê Thị Mận (2017) – Ting Ning – cây đàn tình của người Ba Na – Báo ảnh Dân tộc và Miền núi