Từ thuở xa xưa, đối với người Việt, nghệ thuật chưa bao giờ tách rời lao động. Chính môi trường này đã giúp con người ta tạo ra những làn điệu, những loại hình nghệ thuật dân gian, nhằm làm đẹp thêm cho đời sống lao động sản xuất, cổ vũ nhau vượt qua những khó khăn, mệt nhọc. Trong số đó, có một bộ phận khá lớn thuộc các thể loại bài hát lao động được dân gian gọi là “Hò”.
1. Hò là gì?
Hò (tiếng Anh gọi là Chanty) là một thể loại ra đời từ rất sớm, và là một trong những hình thức sinh hoạt, giao lưu văn nghệ đầu tiên của con người Việt Nam trong mọi môi trường lao động. Theo GS.TS Trần Văn Khê (Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt nam, Tp HCM, NXB Trẻ, 2004. tr 81) đã cho biết “hò là một thể loại diễn xướng trong đời sống người Việt Nam từ thời xa xưa, khởi nguồn từ tập quán sinh hoạt vùng chiêm trũng, diễn tả tâm trạng của người lao động. Hò và lý tuy có phần giống nhau nhưng hò thường gắn liền với một động tác khi làm việc còn lý thì không”. Và theo nghiên cứu của tác giả Lê Văn Chưởng trong bài “Luận án về thể điệu hò” có cho biết rằng, hò được quan tâm sớm nhất và có lẽ được nhắc đến trong văn học lần đầu tiên là trong tác phẩm “Vân đài loại ngữ” vào thế kỉ thứ XVIII, và đến những đầu thập niên thế kỉ XX mới bắt đầu có nhiều tác giả tìm hiểu về loại hình này.
Hò không chỉ để mua vui, giải trí mà còn là một yếu tố thúc đẩy tăng năng suất lao động. Lịch sử cho thấy, con người trong xã hội công xã nguyên thủy không có phương tiện nào khác ngoài sức người, do đó muốn di chuyển một vật nặng, con người đã biết kết hợp với nhau để tạo nên sức mạnh. Để có sức mạnh tổng hợp ấy, con người sử dụng hò làm hiệu lệnh. Theo các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian, miền Trung Việt Nam là nơi có nhiều điệu hò nhất, đồng thời cũng là nơi sản sinh ra các điệu hò nổi tiếng. Và theo thời gian, câu hò đã lan tỏa ra khắp các miền đất nước, từ “vùng châu thổ đồng bằng cho tới miền núi cao, từ các lưu vực sông hồ cho tới các vùng ven biển”, không nơi đâu là thiếu vắng điệu hò.
Hò có thể chỉ là một làn điệu duy nhất, nhưng cũng có khi là một tập hợp nhiều làn điệu có chung thuộc tính về nội dung cũng như hình thức biểu hiện nghệ thuật. Trong sinh hoạt cộng đồng, ta thường gặp hình ảnh một người hò đại diện cho một nhóm đang làm cùng một việc. Như trong điệu hò để giao duyên, đối đáp với nhau, người con gái hay người con trai trong nhóm hai phía sẽ hò đáp trả lại nhau ngay khi đó. Đôi khi, câu hò cũng là để cho một người tự thuật, kể lể, trải lòng mình trên sông nước. Vậy những đặc điểm thể hiện rõ của thể loại diễn xướng này như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu nhé!
2. Đặc điểm của hò
a. Diễn – xướng trong thể loại Hò
Hò phần nhiều là sinh hoạt mang tính diễn xướng tập thể. Xuất phát từ quan niệm cộng sinh, tư tưởng đoàn kết trọng tình của nền văn hóa gốc nông nghiệp, diễn xướng là sự liên kết, gắn bó tất cả mọi người tham gia, hình thành nên cộng đồng bền vững với ý thức cùng chung sống. Như vậy, diễn xướng mang tính nguyên hợp không phân tách, gồm hai thành tố cơ bản đặc hữu cùng tham gia theo dẫn giải: Diễn là hành động xảy ra và xướng là phần nhạc được hát lên, ca lên.
Trong sinh hoạt diễn xướng tập thể, các điệu hò thường được chia thành 2 lớp rõ rệt là “xướng” – “xô” tạo thành hình thức sinh hoạt ca hát có giao lưu giữa người trình bày và tập thể người tham gia. Người hát, được gọi là “cái”, hát lên phần đầu của một làn điệu có cấu trúc ba bộ phận. Phần đầu này gọi là “xướng gọi”. “Cái” còn phải hát luôn cả phần chính của làn điệu gọi là phần kể, có chứa lời ca chính của trổ hát. Sau đó, tập thể những người tham gia, được gọi là “con”, hát đáp lại bằng phần cuối, gọi là “xô” hoặc “đáp”. Trong đó, lớp “xướng” là phần lời ca thể hiện nội dung chính của điệu hò, thường ở dưới dạng thơ lục bát và lục bát biến thể. Sau lớp “xướng”, đám đông (lớp “xô”) sẽ hát phân đoạn phụ họa. Đây là những nét giai điệu định hình với những hư từ cố định, mang tính đặc trưng cho thể loại. Chỉ cần nghe những câu ca như: hò ơ, ơ hò, là hụ là khoan, dô khoan dô hầy, khoan ơi khoan… là ta có thể đã biết ngay đó là điệu hò nào. Các tổ hợp điệp khúc này có tiết tấu nhấn chu kỳ rõ rệt, đóng vai trò hỗ trợ sự thống nhất động tác cho cả nhóm người đang cùng lao động.
Ví dụ về Hò Giã gạo (trong diễn xướng tập thể):
Vế xướng (cá nhân xướng các điệp khúc và lời hò):
Khoan khoan ta mời bạn lại hò… ơ… khoan…
Vế xô (tập thể đồng thanh):
Hò… Hơ… Hớ… Hơ… Hơ… Hờ… Hớ…
Hò Giã gạo ở Huế (Theo Nhat Minh Tran)
Ví dụ về Hò Hụi Bình Trị Thiên:
Vế xướng: Biết ai mà nì…
Vế xô: Là hù… Là khoan…
Hò Hụi ở Bình Trị Thiên (Theo Aulac Traditional Beauty)
Tuy nhiên theo thời gian, nghệ thuật dần phát triển, nhiều điệu hò cũng thay đổi, tồn tại độc lập, trở thành lời tâm tình, tự sự của con người về tình duyên; về số phận; những buồn, vui cuộc đời, có thể “độc diễn” không cần sự phối hợp của tập thể. Yếu tố “xướng” – “xô” với các mô hình nhịp điệu chu kỳ gần như ít thể hiện rõ, và được thay thế bằng sự ngâm ngợi với nhịp điệu tự do, đường tuyến giai điệu ngân nga, giàu chất tự sự.
Ví dụ Hò Mái nhì qua Tứ Đại cảnh với sự thể hiện của Nghệ sĩ Thu Hằng trên sông nước Hương Giang:
Hò Đồng Tháp – GS. Trần Văn Khê & Thùy Dương:
b. Cấu trúc của điệu hò:
Sân chơi dạng diễn xướng dân gian có trình thức, lề lối khá chặt chẽ. Về mặt cấu trúc thời gian của một cuộc hát thường đủ các chặng cơ bản như: Hát chào mời – Hát hỏi thăm – Hát thi thố đối đáp – Hát tạm biệt. Ví dụ Hò cấy Nam Bộ có rất nhiều loại, nhưng tựu chung đều phải trải qua 3 chặng:
– Chặng đầu là Hò dạo, Hò thăm hỏi, Hò chào mời
– Chặng tiếp theo là Hò đối đáp, Hò kết bạn, Hò xe duyên (là giai đoạn chính của cuộc chơi)
– Chặng cuối là Hò giã biệt, tiễn bạn (kết thúc buổi hát đối đáp).
Trong từng câu hò lại phân ra 3 phân đoạn: Mở đầu là hò lấy hơi “hò…ơ…” có độ dài ngắn khác nhau tùy vào cột hơi của người “cái”. Tiếp theo là hò lời chính để trình bày nội dung. Nếu lời văn dài có thể tự ý phân ngắt để nghỉ hơi, sau đó khi hò tiếp thường người ta sẽ lặp lại một câu trước lúc nghỉ. Cuối cùng là giọng ngân được ngân dài theo âm của tiếng cuối nhưng dài hơn lúc nghỉ hơi.
c. Không gian diễn xướng của hò
Đặc điểm làm nên nét độc đáo riêng trong diễn xướng cho từng loại hò chính là không gian diễn xướng cụ thể của từng vùng miền, từng địa phương. Chỉ khi thực sự tồn tại trong không gian diễn xướng của mình hò mới bộc lộ hết vẻ đẹp và những tác động thẩm mỹ. Ví dụ như không gian diễn xướng của hò Ví Giặm gắn bó với đời sống người dân Nghệ Tĩnh trên mảnh đất Lam Hồng Cụ thể ở đây có 2 không gian diễn xướng chính là trên cạn và trên sông.
Tuỳ vào mỗi vùng miền, câu hò sẽ có tính cách riêng biệt, dù đều thể hiện sự chân thành, nồng nhiệt trong tình yêu nhưng cũng có những nét khác nhau làm nên bản sắc riêng. Nếu câu hò Bắc Bộ cho ta những câu từ hoa mỹ, thì ở miền Trung, câu hò lại có sự nhẹ nhàng, tha thướt, trữ tình, sâu lắng, và khi vào Nam Bộ lại bộc trực, thẳng thắn, hóm hỉnh với lớp ngôn từ chân thực, sinh động như tính cách con người nơi đây.
Người tham gia cũng không đặt mình theo một khuôn khổ nào cả. Họ tuỳ hứng mà sáng tác câu hò, tuỳ nội dung mà định hình hình thức của nốt nhạc, và cũng khó để có thể hệ thống câu hò theo quy chuẩn nhạc lý thông thường bởi mỗi câu hò được ngân lên còn gắn với cảm xúc, sự sáng tạo riêng của mỗi cá nhân, không ai giống ai. Tuy vậy, ta vẫn thấy có sự bình ổn trong đó theo xu hướng cao dần hay thấp dần, cố tránh những bước nhảy quãng đột xuất, do vậy mà vẫn giữ được sự êm dịu, sâu lắng cho mỗi câu hò.
d. Chất liệu ca từ và nội dung của thể loại hò
Xét về mặt ca từ, nội dung của hò có một sự gần gũi, thân thuộc đặc biệt với ca dao, tục ngữ, ngoài ra còn kết hợp với âm hưởng riêng vì thế những đặc điểm nội dung ca dao có cũng là những đặc điểm nội dung hò thể hiện. Nói cách khác, “hò là một biến cách của ca dao, có những câu ca dao được đem nguyên vẹn để hò dưới ánh trăng, hay có những câu ca dao được thêm thắt, cắt xén dùng để đối đáp, thi đua lời ý trong các hội hò”. Nhờ vào sự ứng tác và cơ sở từ thơ lục bát mà người hò còn có thể giữ nguyên hoặc mở rộng dài hơn để khớp với âm điệu của câu hò. Vì thế việc sáng tác ra những câu hò được đông đảo quần chúng tham gia dễ dàng và nhanh chóng thu hút được sự hâm mộ của quần chúng. Ví dụ về một điệu Hò chèo thuyền Bắc Bộ, câu thơ lục bát:
Chồng chài vợ lưới con câu
Sông Ngâu bể Sở biết đâu bến bờ
Sẽ được hát thành:
(Xướng) Chồng chài là chài vợ lưới
(Xô) Dô, dô khoan dô hầy
(Xướng) Vợ lưới thì con câu
(Xô) Dô, dô khoan dô hầy
(Xướng) Sông ngâu là ngâu bể sở
(Xô) Dô, dô khoan dô hầy
(Xướng) Biết đâu, đâu bến bờ?
(Xô) Dô, dô khoan dô hầy, dồ i khoan í dô ồ hầy
Hò Chèo thuyền Bắc bộ. Trình bày: NSƯT Ái Xuân – Đào Đức
3. Phân loại hò:
Bởi do bắt nguồn và hình thành trong đời sống lao động, sinh hoạt hằng ngày của người Việt, cho nên những điệu hò thường có tên gọi hay nội dung gắn liền với các hoạt động, một công việc cụ thể nào đó. Và tuỳ vào vùng đất mà con người sinh sống, ở miền biển hay nơi đồng ruộng mà những câu hò càng mang màu sắc của nơi đó hơn.
Trong phân bố địa văn hóa, hò có thể phân thành Hò miền Trung (hò Ví Giặm) hay miền Nam (hò Nam Bộ), hai vùng này tập trung nhiều câu hò nhất. Ở vùng Bắc Bộ, tuy chúng ta ít nghe nói đến thể loại hò nhưng vẫn có một số bài khá phổ biến như Hò Cửa đình.
Nếu xét về phương diện địa lí tự nhiên, tổng thể chúng ta lại có 2 loại:
a. Những điệu hò gắn với sinh hoạt sông nước:
Trong đời sống của người Việt, hình ảnh con người di chuyển sông nước chắc không có gì xa lạ. Trong quá trình đó, khi mọi người gặp nhau, từ thuyền này tới thuyền kia tiếng hát hò mau chóng trở thành hình thức giao tiếp hằng ngày bởi đây là môi trường trao đổi, thăm hỏi đầy giao cảm cộng sinh. Không chỉ vậy, điệu hò còn là sự gắn kết giữa con người và thiên nhiên. Như điệu hò mái nhì, mái đẩy, câu hò gắn với sự nhịp nhàng của mái chèo, nhẹ nhàng, khoan thai lả lướt trên sông, gây xúc cảm sâu sắc, tạo ra diện mạo riêng biệt khó trộn lẫn, và đồng thời đi vào ca Huế như một thành phần không thể thiếu. Một số câu hò khác có thể kể đến như: Hò giật chì, Hò kéo lưới, Hò kéo chài, Hò mái ba, Hò Đồng Tháp, Hò mái nhì, Hò mái đẩy, Hò mái nện, Hò mái ba, Hò mái duỗi, Hò mái xắp, Hò chèo đò, Hò chèo thuyền, Hò mái nhì Quảng Trị, Hò khoan Lệ Thuỷ…
Về mặt hình thức, đại đa số các loại hò đều chỉ đơn thuần là một làn điệu độc lập, tồn tại đơn lẻ và chưa trở thành một thể loại lớn. Trong các loại hò gắn liền với sinh hoạt trên sông nước, theo các nghiên cứu của Viện Âm nhạc, có lẽ thể loại Hò sông Mã chính là hiện tượng đặc biệt nhất, được xem như một tập hợp lớn nhất các điệu hò chuyên dùng cho nhiều tình huống trong những bối cảnh khác nhau. Hò sông Mã in đậm dấu ấn chèo, chống, vác, lái do năm trai đò điều khiển với năm chặng hò: rời bến, đò ngược, vác thuyền (khi đò bị mắc cạn vào bãi cát giữa sông), xuôi dòng, cập bến, phản ánh chân thực cuộc sống của người dân gắn bó với dòng sông, giống như phác đồ của cả một hành trình phiêu diêu xuôi ngược dòng sông Mã. Hàng trăm câu hò vẫn còn lưu giữ đến ngày nay tiêu biểu cho hình thức lao động chèo thuyền.
b. Những điệu hò gắn với sinh hoạt trên cạn:
Trong đời sống, người Việt còn gắn bó ruộng, nương, bờ bãi. Nhất là khi cuối thế kỉ XVII, người Việt ta bắt đầu hành trình Nam tiến. Người xưa khai hoang, lập ấp, băng rừng, đốn củi, làm ruộng, đồng,… sinh sống. Từ đó mà những điệu hò gắn với hoạt động trên cạn cũng được hình thành rất nhiều: Hò đạp lúa, Hò Xay lúa, Hò leo dốc, Hò kéo gỗ, Hò nện (Hò hụi), Hò giã gạo, Hò giã vôi, Hò giã đậu, Hò cấy, Hò giọng đồng, Hò tát nước, Hò vân, Hò là, Hò hí la, Hò phơi xăm, Hò nậu xăm, Hò lĩa trâu, Hò ý gia, Hò quét vôi, Hò kéo thác, Hò dẩy nôốc, Hò nghé ngọ (Hò gọi nghé), Hò khâu đay, Hò khâu song, Hò giả điệp, Hò bài chòi, Hò bài thai, Hò bài tiệm, Hò nàng Vung, Hò mài dừa, Hò đẩy xe mía, Hò khiêng xe nước…
Trong cuộc sống, người Việt chúng ta có văn hóa trọng âm, đời sống con người thường gắn với nghi lễ tín ngưỡng. Vì thế mà trong hò trên cạn, lại có những loại hò gắn liền với nghi lễ tín ngưỡng như Hò đưa linh, Hò bả trạo, Hò cửa đình…
Qua câu hò, ta lại thấy được tính nghệ thuật trong đó. Câu hò được dùng để giao duyên giữa nam và nữ, thi thố đối đáp với nhau. Ví dụ như điệu hò giã gạo không còn chuyên sử dụng trong hoạt động giã gạo.
Hò giã gạo
Ở Nam Bộ, câu hò còn thể hiện kiểu cách giao tiếp và có quy luật như:
Hò Bắt Xác có quy luật một bên đối và một bên đáp – nếu như bên nào không đối hoặc đáp được thì sẽ bị người thắng cuộc rượt đuổi bắt cho bằng được mới thôi rồi sau đó sẽ kết nghĩa thành vợ chồng với nhau. Lẽ dĩ nhiên là cuộc kết nghĩa này phải có sự đồng thuận của hai bên cha mẹ trong gia đình.
Hò Ngạnh Trê thì có quy luật hai bên hò đối đáp chọc ghẹo móc ngoéo lẫn nhau cho đến khi một bên bị bí không thể đối đáp được nữa phải chịu thua và không được hờn giận.
Và theo trong công trình đặc khảo về Hò trong dân ca người Việt của Lư Nhất Vũ và Lê Anh Trung, hiện nay có hơn 200 làn điệu Hò và cùng gần 80 ca khúc với ít nhiều có dáng dấp âm hưởng của những điệu Hò mà các nhạc sĩ của chúng ta đã sáng tác trong các thời kì lịch sử của đất nước đã được sưu tập.
4. Tổng kết:
Hò là một loại hình diễn xướng có từ lâu đời, vô cùng đa dạng về thể loại, cũng như cách thức trình diễn. Hò còn là một thế giới sinh động, là nét cốt cách vô cùng thuần Việt, là một thứ ngôn ngữ âm nhạc đầy sức sống, hài hoà với con người, và mỗi vùng miền, mỗi địa phương đều có những bản hò mang những giá trị độc đáo, riêng biệt, xứng đáng được bảo tồn. Qua bài chia sẻ của Trường Ca Kịch Viện có thể vẫn chưa cung cấp một cách đầy đủ nhất về loại hình diễn xướng độc đáo này, nhưng vẫn mong rằng bài viết cũng có thể đóng góp cho bạn đọc những kiến thức cơ bản, để từ đó xây dựng được tình yêu đối với câu hò của quê huơng trong chính bạn, góp phần giúp gìn giữ, phát huy các giá trị nghệ thuật này, để những điệu hò còn mãi vang vọng và lan tỏa. Trường Ca Kịch Viện xin chân thành cảm ơn và mong đợi nhiều sự góp ý từ bạn đọc. Xin hẹn gặp lại bạn vào những chủ đề tiếp theo.
Võ Huỳnh Minh Anh – Hồ Huyền Châu
Tài liệu tham khảo:
1. GS – NS Ca Lê Thuần (12/02/2005) Điệu hò Việt Nam.
2. VUSTA (06/09/2007) Hò sông nước Bắc Trung Bộ.
3. Nguyễn Văn Trí (2021) Hò Nam Bộ.
4. ThS.Tăng Thị Nguyệt Nga (16/11/2020) Vẻ đẹp của những điệu hò dân gian Việt Nam.
5. Bùi Trọng Hiền (01/07/2010) Tản mạn về hò – Một thể loại dân ca độc đáo.
6. Lê Văn Chưởng (1979) “Đề nghị một cách phân loại hò”, Tạp chí Văn học, số 3, 134 – 141.
7. Lê Văn Chưởng (1994) Thể điệu hò – Luận án Phó Tiến sĩ : 5.04.01. Thành phố Hồ Chí Minh : Trường Đại học Tổng hợp Tp. Hồ Chí Minh.