Dòng nhạc cung đình triều Nguyễn thực sự là một điển hình cho âm nhạc bác học Việt Nam. Là loại hình âm nhạc cung đình, với lời lẽ tao nhã, điệu thức cao sang, quý phái, biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại, Nhã nhạc được các triều đại quân chủ Việt Nam rất coi trọng. Nhã nhạc cung đình Huế như một thành tố văn hóa nghệ thuật quan trọng của triều Nguyễn, vì thế mà Vua Minh Mạng đã viết nên câu đối trong Duyệt Thị Đường:
Âm nhạc tịnh trần, hòa kỳ tâm dĩ dưỡng kỳ chí
Nghiên xuy tề hiến, thủ kỳ thị nhi giới kỳ phi
(Tiếng nhạc trong trẻo vang lên, cho tâm hồn được hòa hợp, ý chí được di dưỡng
Xấu tốt cùng trình diễn, cho lẽ phải được giữ gìn, điều trái được né tránh)
Ngày nay, xã hội có nhiều sự đổi mới nhưng tín ngưỡng, niềm tin của nhân dân hay những giá trị về văn hóa nghệ thuật vẫn đang được gìn giữ và được sử dụng trong các dịp lễ quan trọng để phục vụ đời sống người dân. Một điển hình trong đó chính là Lễ hội Hoa Đăng được tổ chức thường niên tại nhiều tỉnh thành khác nhau của Việt Nam để mừng ngày lễ Phật Đản.
1. Đôi nét về Lễ hội Hoa Đăng ở Việt Nam
Đúng với cái tên “hoa đăng” – ngọn đèn hoa, Lễ hội Hoa Đăng ở Việt Nam như một ngọn đèn gợi nhắc ta nhớ về những giá trị văn hóa tâm linh lâu đời, nhớ về một Hội An trầm mặc, một xứ Huế đầy mộng mơ, một Cần Thơ huyền ảo, nhớ về một Việt Nam nơi có những con người yêu thiết tha quê hương, say đắm những giá trị nghệ thuật của nước nhà, và nhớ về những người thân yêu của mình, cầu chúc cho họ có nhiều sức khỏe, bình an và hạnh phúc.
Bắt nguồn từ đất nước Thái Lan – nơi phần lớn người dân theo đạo Phật, sau này cùng với sự giao thoa về mặt văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng, Phật giáo du nhập vào Việt Nam và trở thành tín ngưỡng mà có đông đảo số người tin theo và tôn thờ. Nguyên thủy của lễ hội này sự biến đổi từ lễ hội của Ấn Giáo Phệ đà (Vedic Brahmanism) – suối nguồn của nền văn minh Ấn Độ, thành một nghi lễ vinh danh Đức Phật Thích Ca Mâu Ni do các sư thầy Thái Lan làm nên. Bên cạnh việc tôn kính Phật bằng cách sử dụng ánh sáng (nến trên chiếc hoa đăng), việc thả trôi đèn nến còn là một hành động biểu trưng cho việc xóa đi mọi hận thù, giận dữ và những thứ ô uế, để mọi người có thể bắt đầu lại từ đầu với tâm thế tốt hơn. Trải qua lịch sử hơn 700 năm, nhiều người Thái tin rằng thả trôi một chiếc hoa đăng sẽ mang lại may mắn tốt lành, và họ làm điều này để tỏ lòng tôn kính với Nữ thần Nước và cầu xin thần tha thứ cho những hành động của con người trong cuộc sống hàng ngày đã làm ô nhiễm nguồn nước của người.
Sau khi du nhập vào Việt Nam, những ngày lễ lớn như Ngày lễ Phật Đản, Lễ Vu Lan đều trở thành một nét sống, nét văn hóa lâu đời của mỗi con người Việt Nam để nhắc nhớ về những chuẩn mực đạo đức, những niềm tin tốt đẹp và những giá trị văn hóa, nghệ thuật quý giá. Hình ảnh ngọn đèn hoa đăng xuất hiện trong các dịp lễ đó như trở thành một thành tố, một biểu tượng không thể thiếu, bởi vậy người ta thường gọi chung nhiều lễ hội như lễ hội đầu năm mới, lễ Thượng Nguyên,v…v là Lễ hội Hoa Đăng. Tuy nhiên, bản chất của Hội Hoa Đăng là những lễ hội truyền thống của Phật giáo. Trong đó, lễ Vu Lan cũng là dịp gợi nhắc lại một trong những đạo lý, nhân cách lớn nhất của mỗi con người là Đạo Hiếu. Cũng nhân dịp này, những người con tìm về với nguồn cội, về với giá trị Chân – Thiện – Mỹ và về với đạo của người làm con. Lễ thả hoa đăng mang ý nghĩa cầu siêu cho người đã khuất, đây là một nghi thức truyền thống có nguồn cội từ Phật giáo. Hàng trăm ngọn hoa đăng được thắp lên đỏ rực, lấp lánh dưới mặt nước mang theo ước nguyện, cầu bình an, an lành và lòng thành kính của người dân gửi đến những người đã khuất.
Khi đèn điện của thời hiện đại vụt tắt, bước chân người du khách như tìm về nơi phát ra thứ ánh sáng lấp lánh trên dòng sông kỷ niệm. Lễ hội thả đèn hoa đăng là truyền thống văn hóa của người dân Việt Nam bao đời nay, đặc biệt là ở Hội An và Huế. Nếu ngày trước, lễ hội được tổ chức vào các đêm rằm hoặc mồng một mỗi tháng thì nay để phục vụ du khách thập phương, lễ hội được tổ chức quanh năm. Âm nhạc được sử dụng xuyên suốt lễ hội chính là thể loại Nhã nhạc cung đình – thứ âm nhạc uy nghiêm, trang nhã, để người nghe sau khi rời xứ Huế, rời những rực rỡ của Hội Hoa Đăng, khi trở về vẫn còn mãi những cảm xúc uyên nguyên.
Theo ý nghĩa dân gian thì hoa đăng có nghĩa là đèn hoa. Lễ hội thả Hoa đăng là lễ hội thắp đèn được trang trí bằng những chiếc đèn hoa. Hoa đăng được thắp sáng nhờ ngọn nến hoặc ngọn đèn nhỏ bên trong lòng hoa, nhằm mục đích tôn vinh những giá trị tinh thần, giá trị tâm linh và văn hóa của người Việt Nam vào những ngày lễ lớn. Đặc biệt là lễ hội đầu năm mới, lễ Thượng Nguyên, người dân cùng đốt đèn mừng lễ hội, cầu nguyện quốc thái dân an.
2. Nhã nhạc trong Hội Hoa Đăng
a. Vũ khúc “Lục cúng hoa đăng”
Nhã nhạc là sự kết hợp giữa ca và vũ. Tuy nhiên, những vũ khúc cổ này đã thất truyền rất nhiều, đến đời nhà Nguyễn chỉ còn lại 11 vũ khúc đó là: “Bát dật”, “Lục cúng hoa đăng”, “Tam tinh chúc thọ”, “Bát tiên hiến thọ”, “Trình tường tập khánh”, “Đấu chiến thắng Phật”, “Tứ linh”, “Nữ tướng xuất quân”, “Vũ phiến (múa quạt)”, “Tam quốc – Tây du” và “Lục triệt hoa mã đăng”. Ở trong bài viết này, dự án sẽ đề cập đến những vũ khúc có liên quan đến hoa đăng, bạn đọc có thể đọc thêm bài viết của dự án về Nhã nhạc Cung đình Huế tại đây.
Có thể nói, nghệ thuật Múa Cung đình Huế mang đậm tính triết lý và thẩm mỹ phương Đông, bởi trong múa cung đình, sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa các động tác múa, sự di chuyển đội hình theo các tuyến, ngang, dọc, xéo, cộng với việc tạo hình tượng theo hình khối đã làm nên nét đặc trưng riêng biệt, mang đậm dấu ấn của Việt Nam. Trải qua thời gian, chính hơi thở của đời sống văn hóa nghệ thuật đã từng ngày thổi vào loại hình này những sắc thái mới của cuộc sống để đưa nó trở thành một loại hình nghệ thuật hoàn thiện nơi chốn cung vua, phủ chúa.
Múa cung đình Huế là một bước chuyển tiếp của múa cung đình các triều đại trước đó để đi tới sự hoàn mỹ. Cùng với sự dần phát triển và hoàn thiện, “Lục cúng hoa đăng” trở thành một điệu múa quan trọng nằm trong hệ thống các vũ khúc cung đình của triều Nguyễn. Đây là điệu múa có nguồn gốc từ lâu đời và đến hôm nay dù trải qua thời gian với bao biến cố của lịch sử, nhưng nó vẫn tồn tại, tuy không còn nguyên vẹn như những gì ban đầu nó vốn có. Vì thế, những điệu múa ngày nay thường có sự kế thừa và biến tấu cho phù hợp với mục đích, hoàn cảnh biểu diễn.
“Lục cúng hoa đăng” mang ý nghĩa là 6 lần cúng, tương ứng với mỗi lần cúng là dâng lên một thứ lễ vật như: Hương, Hoa, Đăng, Trà, Quả, Thực. Nghi thức múa “Lục cúng hoa đăng” tại các chùa ngày xưa do hai vị tăng mặc áo cà sa màu vàng, đầu đội mũ thất – phật trình diễn. Khi múa hai vị sư chỉ cử động hai cổ tay để kiết ấn, xả ấn, hai bàn chân khẽ rê đi dàn ra theo hình chữ “nhật” (lúc dâng hương), hình liên hoa bốn cánh (lúc dâng hoa), hình chữ “á” (lúc dâng đăng), hình chữ “thủy” (lúc dâng trà), hình chữ “vạn” (lúc dâng quả) và hình chữ “điền” (lúc dâng thực). Về sau, các vị tăng không còn múa nữa mà dùng 4 hoặc 8 em nhỏ hóa trang thành Kim Đồng, Ngọc Nữ múa thay. Các em này đầu đội mũ trang kim, mặc áo màu, chân đi bít tất trắng, trên hai khuỷu tay có vắt một mảnh lụa màu vàng nhạt, lúc múa thỉnh thoảng lại tung mảnh lụa lên. Tất cả đều đội mũ hoa sen, thắt dây kết bông, trong mặc áo lót màu lục, tay đính võ lừa (chỗ cửa tay áo lật lên được may bằng vải dày hơn vải áo và màu sắc khác thân áo), ngoài mặc áo mã tiên, xiêm trường, quần giáp (ngày xưa các tướng võ mặc để che bụng, quần giáp nằm ở dưới thắt lưng may bằng vải ngũ sắc cỡ rộng như cái váy), chân quấn xà cạp, hai tay cầm hai chậu đèn hoa sen vừa múa, vừa hát trong ánh đèn lung linh mờ ảo nhưng trang nghiêm và không kém phần lộng lẫy. Thời điểm vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” được đưa vào cung đình thì nó đã phát triển gần đến độ hoàn thiện.
Ứng với 6 lần múa có 6 khúc hát, điệu hát ngân nga, du dương, trầm tĩnh, mang đủ mọi cung bậc cảm xúc. Dứt một khúc hát nhạc công gõ vào não bạt và đánh trống đỗ hồ theo tiết tấu bài vũ khúc và nhịp điệu Nhã nhạc. Múa cung đình đã gạn lọc được cái hay cái đẹp của múa tôn giáo và dân gian bằng cách thể hiện nội dung, chủ đề bằng những hình tượng múa cụ thể theo cách nhìn về cái đẹp rất Việt Nam. Ngôn ngữ hình thể và kết cấu múa của vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” khác với những điệu múa Ấn Độ khi những nét múa cầu kỳ, nặng nề của múa hiện đại đã được đơn giản hóa và hầu như nó không tồn tại trong múa “Lục cúng hoa đăng”. Những động tác mà vũ công sử dụng để múa trong các vũ khúc cung đình nói chung và múa “Lục cúng hoa đăng” nói riêng chủ yếu là động tác vũ đạo của nghệ thuật Tuồng như: Xoan, xỏ, ký, cầu, xoay… Ngoài ra, đây là một vũ khúc mang tính hình tượng có sử dụng những yếu tố xiếc tạp kỷ như di chuyển đội hình và xếp chồng người lên nhau. Kết cấu của múa “Lục cúng hoa đăng” là kết cấu của một bức tranh đẹp được trình bày ở cuối mỗi khúc hát và liên tục trong sáu khúc hát như thế, họa nên trong lòng người xem một khung cảnh về thời hoàng kim tráng lệ của phủ vua chúa, điểm đặc biệt là nó được tái hiện thường xuyên ngay giữa lòng thành phố nhộn nhịp trong các mùa du lịch tấp nập khách nước ngoài và ở các tỉnh thành khác trên cả nước. Bạn đọc có thể tham khảo và thưởng thức thêm về vũ khúc đó tại đây:
Múa Lục cúng hoa đăng
Biểu diễn vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” trong Phật Giáo là để nguyện cầu cho những người đã khuất, giải thoát oan khiên. Ngoài ra, biểu diễn vũ khúc này cũng còn có ý nghĩa hoàn mãn, vui mừng, chúc mọi người còn sống được thái bình, hạnh phúc, an lạc… “Lục cúng hoa đăng” là một loại hình nghệ thuật kết hợp nhuần nhuyễn, hài hòa giữa âm nhạc, vũ đạo và ca từ. Trong đó không thể không nói đến tầm quan trọng của Nhã nhạc Cung đình Huế. Từ khi được đưa vào hoàng cung, “Lục cúng hoa đăng” đã trở thành một điệu múa nghi lễ của cung đình nhưng các ca từ bằng chữ Hán với nội dung ca ngợi đức phật thì vẫn được giữ nguyên.
Phật diện do như tịnh mãn nguyệt
Diệc như thiên nhật phóng quang minh
Viên quang phổ chiếu ư thập phương
Hỉ xả từ bi giai cụ túc.
(Mặt phật như trăng trong đầy đặn
Cũng như ngàn mặt trời tuôn ánh sáng
Hào quang viên mãn soi đủ mười phương
Hỉ, xả, từ, bi đều đủ cả.)
Bạn đọc có thể xem thêm video về nghệ thuật biểu diễn Nhã nhạc Cung đình Huế và biểu diễn múa Lục cúng Hoa Đăng tại đây:
Nhã Nhạc Cung Đình Huế – Tam Luân Cửu Chuyển – Múa Lục Cúng Hoa Đăng
Nhã nhạc hiện hữu trong điệu vũ khúc “Lục cúng hoa đăng” tạo nên một bức tranh tổng hòa âm thanh và hình ảnh đầy trang nghiêm và lộng lẫy, với đầy đủ các màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá, tiếng đồng, tiếng hát da diết mà mê đắm,… “Lục cúng hoa đăng” là một điệu múa có tính lịch sử, nếu chúng ta không có tính kế thừa một cách trọn vẹn thì chúng ta sẽ đánh mất một viên ngọc quý trong kho tàng văn hóa nghệ thuật của dân tộc.
b. Vũ khúc “Lục triệt hoa mã đăng”
Nghệ thuật cung đình nói chung và các vũ khúc cung đình Huế nói riêng là những sản phẩm mang tính kế thừa của chế độ phong kiến tồn tại hàng nghìn năm và kết tinh dưới thời nhà Nguyễn. Suốt 387 năm là chặng đường lịch sử, là quá trình hình thành, phát triển văn hóa cung đình triều Nguyễn. Một chặng đường gắn liền với sự biến động của “chín Chúa, mười ba Vua”, trong các mối quan hệ “chìm nổi, thăng trầm” đó, Văn hóa Huế hiện lên với một khuôn mặt văn hóa có đặc điểm, diện mạo, bản sắc riêng. Chịu sự ảnh hưởng không nhỏ từ cái nôi nghệ thuật dân gian, sự lan tỏa rộng của những bản ca vũ khúc nhã nhạc đã ảnh hưởng quan trọng đến các hiện tượng văn hóa khác.
Vũ khúc “Lục triệt hoa mã đăng” có những điểm giống và khác so với “Lục cúng hoa đăng”, do cả hai đều là kết tinh của thời đại, đều được sáng tác, biến tấu, biểu diễn cùng một thời điểm, mục đích và hoàn cảnh. Tuy là vậy, nhưng “Lục cúng hoa đăng” là múa nghi lễ, còn “Lục triệt hoa mã đăng” là múa chúc tụng, do đó dù cùng có biểu tượng là hoa đăng, hai điệu múa lại mang những nét rất riêng. Trong khuôn khổ bài viết này, Trường Ca Kịch Viện xin đề cập đến những giá trị văn hóa và ý nghĩa của điệu múa cũng như của Nhã nhạc cung đình Huế.
NSND Phan Thị Bạch Hạc cho biết, “Lục triệt hoa mã đăng” là một trong những vũ khúc cung đình thuộc thể loại múa chúc tụng, ngoài việc biểu diễn trong lễ Hưng quốc khánh niệm của triều đình nhà Nguyễn, vũ khúc này còn được biểu diễn vào đầu năm mới, số lượng diễn viên tham gia thể hiện luôn là số chẵn được quy chuẩn bằng các con số: 12, 24, 48 hoặc 64… tuỳ thuộc theo điều kiện biểu diễn cụ thể. Về sau, “Lục triệt hoa mã đăng” không còn dùng ngựa nữa, các diễn viên thể hiện điệu múa bằng cách, trước bụng mang một cái đầu ngựa, sau lưng mang đuôi ngựa, tay cầm roi ngựa, đầu đội mũ ngạch quan, trên vai mang hai chậu đèn hoa sen có thắp nến, họ vừa múa, vừa hát. Do không còn dùng ngựa thật, nên để chuyển tải nội dung điệu múa đến với người xem các diễn viên đã dùng các động tác thuộc hệ thống vũ đạo tuồng Huế để mô phỏng cách bắt ngựa, cách lên ngựa, cách phi ngựa, cách xuống ngựa, cách đá ngựa… Tuy chỉ dùng ngựa giả, nhưng nhờ ca từ của lời hát được cất lên kèm theo động tác được lồng cùng với âm nhạc nên người xem hiểu được nội dung của điệu múa. Đặc trưng của Âm nhạc cung đình Huế là sự hội nhập, tiếp biến văn hoá Hoa, Chăm và những ảnh hưởng của Phật, Nho. Múa cung đình có quan hệ mật thiết với nghệ thuật tuồng (hát bội).
Âm nhạc cung đình Huế tổng hợp trong đó sự phong phú, đa dạng về nhiều mặt: về loại hình nghệ thuật, thể loại, chủng loại nhạc khí và âm sắc, bài bản, cơ cấu tổ chức dàn nhạc và các hình thức hòa tấu, môi trường trình diễn, nhạc điệu… Nhờ vậy đến với âm nhạc cung đình Huế người thưởng thức sẽ có nhiều “món” để thay đổi “khẩu vị” không những cho thính giác mà cả thị giác.
Múa “Lục triệt hoa mã đăng”, hay còn gọi là múa Ba Mã hoặc Mã Vũ, là điệu múa sử dụng người và ngựa, thường được biểu diễn trước Phu Văn Lâu cho dân chúng xem vào ngày lễ Hưng Quốc khánh niệm, tức ngày vua Gia Long lên ngôi (2 tháng 5 âm lịch). Trang phục múa của 48 vũ sinh gồm đầu đội mũ hoa sen, trong mặc áo thúy lục ngắn, ngoài khoác áo tua nịt dây thiên trường, quần giáp, chân quấn xà cạp, vai nịt chữ thập, hai bên đeo hai đèn giấy vẽ hoa. Điệu múa Mã Vũ vừa múa vừa hát gồm 9 khúc với nội dung ca ngợi triều Nguyễn, chúc vua trường thọ: hát giáo đầu, hát nhất triệt, hát nhị triệt, hát tam triệt, hát tứ triệt, hát ngũ triệt, hát hậu ngũ triệt, hát lục triệt, hát khách.
Hệ thống bài bản ca nhạc cung đình dùng cho các thể loại ca nhạc trên bao gồm rất nhiều bài. Tuy nhiên sau những giai đoạn suy thoái, nhiều bản nhạc đã bị thất truyền, chỉ còn biết lời ca. Những bản nhạc ngày nay còn bảo tồn được bao gồm: Mười bản ngự (Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã), Long đăng, Long ngâm, Phú lục, Tiểu khúc, Tam luân cửu chuyển, Đăng đàn cung, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép, Thái bình cổ nhạc, Bông, Mã vũ, Man và một số bài khác trong hệ bài bản của ca nhạc thính phòng như Nam Ai, Nam Bình… Dù trình diễn trong ngày lễ Hưng quốc khánh niệm của triều đình hay biểu diễn trong dịp tết Nguyên đán để chào đón năm mới, thì vũ khúc cung đình Lục triệt hoa mã đăng đều mang nội dung chúc tụng những lời tốt đẹp dành cho nhà vua – thiên tử đang trị vì triều đại của mình, ví dụ trong ca từ của khúc hát “Nhất triệt” có viết:
Thể càn nhân, xiển khôn trân
Vạn bang cống triều thế như xuân
Ngã hoàng kỷ pháp Chu vương, hóa cập tứ phương
Gia gia hưu hưu tập chí đức, thọ vô cương”
(Thể lòng nhân của trời, mở quý báu của đất
Muôn nước về triều cống, đời vui vẻ như xuân
Mối dường vua ta bắt chước như pháp lệnh Chu vương, đức hóa khắp bốn phương
Tươi tươi tốt tốt nhiều đức lớn, sống lâu không biết ngần nào.)
c. Nhã nhạc – Thoáng hơi xưa trong thời hiện đại
Một trong những cơ sở quan trọng để tiến tới việc UNESCO công nhận Nhã nhạc cung đình Huế là “di sản văn hóa phi vật thể thế giới” chính là một phần nhờ những điệu múa và không gian văn hóa nghệ thuật được hình thành nên nhờ những vang âm trong trẻo của loại hình âm nhạc này.Những điệu múa độc đáo đã thể hiện rõ bản sắc văn hóa Việt Nam, bởi tiết mục nào cũng trang nghiêm không có chút trần tục và đều mang tính nghệ thuật cao, cùng với Nhã nhạc tạo nên một sân khấu thiêng liêng và bác học khó có dàn nhạc nào sánh nổi. Trong đó không thể không nói tới sự đầu tư công phu, những nỗ lực trong việc bảo tồn và phát huy của những nhà hoạt động nghệ thuật, những nghệ sĩ, diễn viên, dàn nhạc công và ẩn trong đó chính là một tấm lòng đầy nhiệt huyết, say mê nghệ thuật dân tộc. Nhìn lại chặng đường lịch sử với những mốc vàng son, thăng trầm, và nhìn về thời hiện đại mới thấy rằng văn hóa Việt Nam không hề phai mòn mà vẫn luôn chảy trôi trong từng nhịp sống của mỗi người dân. Lễ hội Hoa Đăng chính là một trong những phương thức vừa để bảo tồn những nét đẹp của Nhã nhạc Cung đình Huế, vừa là cơ hội để những người làm nghệ thuật có cơ hội sáng tạo trong những điệu vũ khúc, không chỉ là lưu giữ cội nguồn dân tộc, hơn thế, chính là để lan tỏa, lan truyền tới những thế hệ trẻ kế tục tiếp nối những giá trị nguyên bản.
Linh Lại
Nguồn tham khảo:
1. Vũ Khúc Lục Cúng Hoa Đăng – Văn Hóa – Chùa Từ Lâm
2. Đôi nét về điệu múa cung đình “Lục cúng hoa đăng”
3. Nhà hát nghệ thuật truyền thống Cung Đình Huế – Trọng Bình (2014)
4. Lễ hội Hoa đăng thiền hành cầu nguyện Quốc thái dân an
5. Hoa đăng rực sáng dòng Hương cầu quốc thái dân an
6. Nhã nhạc – Âm nhạc cung đình Việt Nam
7. Nhã nhạc Huế – Đỉnh cao của âm nhạc cung đình Việt Nam
8. Nhã nhạc cung đình Huế – chỉ thoáng hương xưa
9. Tìm Hiểu Về Lễ Hội Hoa Đăng Trong Phật Giáo
10. Về vũ khúc cung đình “Lục triệt hoa mã đăng” – Trọng Bình (2014)
11. CUNG ĐÌNH HUẾ TỪ GÓC NHÌN NGHỆ THUẬT MÚA – Hội Nghệ sĩ Múa Việt Nam
12. Hoàng Thành Thăng Long – Nhã nhạc – Nhạc cung đình Việt Nam – Hoàng Thành Thăng Long