Nhã nhạc cung đình Huế là một trong những tài sản nghệ thuật vô cùng quý báu của dân tộc Việt Nam ta. Với những điệu thức cao sang, quý phái, cùng lời nhạc tao nhã, mà từ thời Nguyễn, nhã nhạc đã góp phần tôn lên tính trang nghiêm của các buổi lễ tế như: Đại triều, Thượng triều, Tế Giao, Tế Miếu,.. Đây được xem như một biểu tượng của vương quyền, thể hiện cho sự hưng thịnh, trường tồn của triều đại phong kiến nhà Nguyễn.
Nói đến nhã nhạc cung đình Huế, ta phải nói đến một hệ thống bài bản, điệu thức vô cùng phong phú, và đặc sắc. Trong số đó, có một bài bản vô cùng đặc biệt, từng mang sứ mệnh thiêng liêng, thể hiện lòng tự hào, thể diện của một vương triều, một đất nước, đó chính là Đăng Đàn Cung.
Theo tác giả Nguyễn Đăng Thảo đã ghi chép trong bài viết “Đăng đàn cung – Nhạc Quốc thiều triều Nguyễn” và cùng một số tài liệu khác, đã mô tả Đăng đàn cung là một biểu tượng của vua triều Nguyễn. Đăng đàn cung có nghĩa là khúc nhạc dùng để tấu lên khi nhà vua bước lên lễ đài (đăng đàn) trong các buổi lễ tế trời đất tại đàn tế Nam Giao.
Đây là bản nhạc được cho là đã ra đời từ thời vua Gia Long, khi ông lên ngôi vào năm 1802. Vì để hệ thống các nghi lễ của triều chính, và tăng tính trang nghiêm cho đất nước. Vua Gia Long đã ra lệnh cho ông J.B. Chaigneau – chuyên gia người Pháp soạn thảo bản quốc thiều để sử dụng trong các đại lễ của triều đình. Ông J.B. Chaigneau đã dựa theo hình thức bản Marche Militaire để dựng lên bản Đăng đàn cung. Từ thời vua Gia Long trở đi, Đăng đàn cung còn được dùng mỗi khi vua du xuân hoặc khi đi từ Đại Nội lên đàn Nam Giao, Huế.
Dưới thời vua Khải Định (1916 – 1925), vào năm 1919 nhà vua cho lập một dàn nhạc kèn hơi theo kiểu Pháp để làm công tác đối ngoại, phục vụ cho các nghi lễ do triều đình tổ chức như các buổi đón khách, tiếp sứ… Dàn nhạc thường sử dụng hai bản nhạc là quốc ca Pháp “La Marseillaise” do Rouget de Lisle sáng tác và quốc ca Nam triều… Dàn nhạc kèn hơi này gồm có 35 nhạc công vừa sử dụng các loại kèn của phương Tây và cả nhạc cụ dân tộc do ông Trần Văn Liêu làm nhạc trưởng. Việc quốc ca Nam triều từ thời vua Khải Định đã được nhiều tài liệu cho là một bài bản đại nhạc rất phổ biến thường được tấu lên khi vua đăng đàn và xa giá hồi cung trong lễ tế Giao, tế Xã tắc… ở cung đình, hoặc ban nhạc lễ ngoài dân gian, chính là bản Đăng đàn cung. Bài bản Đăng đàn cung này được nhiều tài liệu cho là quốc ca triều Nguyễn, kí âm với các cung âm của âm nhạc cổ truyền là “hò xự phạn hò…”, và lời ca thì của tác giả Ưng Thiều sáng tác như sau:
Dậy, dậy, dậy mở mắt xem toàn châu
Đèn khai hóa rạng khắp hoàn cầu
Ngọn đường thông thương ngàn dặm, xe tàu điện, tàu nước, tàu bay
Nghề khôn khéo chạy khắp phương trời
Càng ngày văn minh càng rộng, tranh cạnh lợi quyền…
Sau đó, vốn chỉ mang màu sắc hoàng gia, điệu hát này dần phổ biến trong dân gian, được nhiều người soạn lời mới. Đơn cử là lời nhạc của tác giả Nguyễn Trung Phán soạn và in trong cuốn “Dạy hát tiếng Nam” cho học sinh học hát với tên là “Có học mới hay”, do nhà in Tiếng Dân in lần thứ hai tại Huế, năm 1929.
Hoặc bài “Hồng Lạc ca” của Ưng Bình Thúc Giạ:
Dân Hồng Lạc mình đây đã bốn ngàn năm
Gây non nước từ trước lâu dài
Ngọn cờ Hoa Lư ngời rạng
Đinh, Lê rồi lại Lý, Trần, Lê
Tuy nhiên, ở một góc nhìn nhận khác từ tác giả Vĩnh Phúc trong bài viết “Về bản Quốc ca triều Nguyễn” đã cho rằng có sự nhầm lẫn từ lâu khi xác định bài Đăng đàn cung truyền thống là quốc thiều Việt Nam đã có từ thời vua Khải Định.
Theo ông cho biết bài quốc ca An nam chính thức có tên là “Đăng đàn” – (Hymne National Annamite) được ra đời vào thời vua Bảo Đại (1925 – 1945), và đã được xuất bản trong tập sách giới thiệu quốc kỳ, quốc huy và quốc ca của Pháp và ba nước Đông Dương là “Hymnes & pavillons D’Indochine”, in tại nhà in Viễn Đông của Pháp tại Hà Nội tháng 12 năm 1941. Theo tư liệu cũng được ghi chép từ bài viết “Về bản Quốc ca triều Nguyễn”, năm 1932, vua Bảo Đại từ Pháp trở về và lúc này một bản nhạc mới để đón vua do một người tên Nguyễn Hữu Hối ghi nhạc, Trần Như Tú phối âm, phối khí, phỏng soạn theo khuôn mẫu bài “Đăng đàn đơn” trong hệ thống bài bản đại nhạc, và dùng theo kí hiệu âm nhạc của phương Tây, chứ không phải bản Đăng đàn cung theo nhiều tư liệu ghi chép. Sau đó được Nguyễn Phúc Ưng Thiều soạn lời cho học sinh hát bản nhạc này trong buổi lễ đón vua. Trong bản in, trang tổng phổ ghi là “Đăng đàn”, phần dàn nhạc được rút lại cho đàn piano với phần đệm của dàn nhạc hoàn toàn theo phong cách hòa âm chiều dọc của âm nhạc châu Âu; bài hát được soạn ở giọng Đô thứ tự nhiên. Ở trang lời ca có ghi chú: “Văn bản sáng tác cho học sinh được hát trên (trong ngày) Vạn Thọ”.
Đến năm 1945, khi chế độ phong kiến chấm dứt tại Việt Nam, bản Đăng đàn cung vẫn thể hiện được giá trị khi được ông Trần Trọng Kim – Chính phủ của Đế quốc Việt Nam (một chính phủ bù nhìn do phát xít Nhật dựng nên), sử dụng làm quốc ca. Ở đây, chúng ta chỉ đề cập đến giá trị của bản Đăng đàn cung, bởi giai điệu của bản này đậm sắc hồn dân tộc, vừa tao nhã lại vô cùng nghiêm trang, như lời ông Trần Trọng Kim từng nhận xét về điệu này: “Bài quốc ca thì từ trước vẫn dùng bài “Đăng đàn” là bài ca rất cổ, mà âm điệu nghe nghiêm trang. Chúng tôi nghĩ: trước khi có bài nào hay hơn và có nghĩa lý hơn thì hãy cứ dùng bài ấy”.
Ngày nay, Đăng đàn cung được trình diễn trong các đám tế lễ cổ truyền, hay các buổi biểu diễn nhã nhạc Cung đình Huế. Trong cuộc sống đời thường, chúng ta cũng sẽ thỉnh thoảng nghe điệu Đăng đàn cung nhưng với lời dân gian khác. Có thể xem như đây là một cách để lưu giữ cho giai điệu này không bị thất truyền, và Đăng đàn cung không còn là điệu nhạc chỉ dành cho vua, chúa, hay một chế độ nào cả, mà bài bản này cùng với hệ thống bài bản Nhã nhạc cung đình trở thành loại âm nhạc của dân gian, dân tộc, tô màu cho nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam thêm đậm đà bản sắc.
Đăng đàn cung – Trình bày: Các nghệ nhân Nhã nhạc cung đình Huế.
Huỳnh Minh Anh
Tài liệu tham khảo
1. PTH (2018) Đăng đàn cung.
2. Ykhoahuehaingoai.com (2021).
3. Nguyễn Đăng Thảo (2013). Đăng đàn cung – Quốc thiều triều Nguyễn.
4. Vĩnh Phúc (2018). Về bản Quốc ca triều Nguyễn.