Hằng năm, cứ đến ngày 20 đến 22 tháng Giêng, chùa Đại Bi (xã Nam Giang, huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định) lại mở hội với nhiều hoạt động dân gian như đấu vật, cờ người, chọi gà, đánh đu,… mà nổi bật nhất, đặc sắc nhất chính là hát rối đầu gỗ (hay còn gọi là Ổi lỗi) – một hình thức rối cạn chầu Thánh ‘độc nhất vô nhị’ tại Việt Nam. Trải qua hàng trăm năm, rối đầu gỗ cho đến ngày nay vẫn được gìn giữ, trân trọng bởi những người nghệ nhân và đã trở thành một hoạt động không thể thiếu trong lễ hội chùa Đại Bi mỗi dịp tết đến, xuân về.
1. Nguồn gốc:
Theo các cụ đã gắn bó lâu năm với Rối đầu gỗ, loại hình này đã xuất hiện từ hơn 900 năm trước, gắn liền với vị Thiền sư Từ Đạo Hạnh (1072 – 1116) thời Lý (trong bài này được gọi ngắn là Thiền sư hay Thánh từ). Ông là một nhà sư nổi tiếng thời Lý, có công lớn trong việc xây dựng phát triển đất nước đối với triều Lý và nhân dân ta. Tương truyền rằng ông chính là Thánh ẩn cư trong hang đá núi Phật tích, ngày ngày chuyên trì tụng Đại Bi Tâm Đà La Ni đủ mười vạn tám nghìn lần rồi đầu thai làm con Sùng Hiền Hầu, tư chất phi thường, nhiều điều bí ẩn. Thánh Từ Đạo Hạnh là được dân gian ghi lại bậc cao tăng đắc đạo, có công lao to lớn trong việc xây dựng, mở rộng quy mô cũng như tầm ảnh hưởng của Phật giáo trong thời đại Phật giáo đang đạt độ hưng thịnh ở nước ta, biến vùng đất Chùa Thầy trở thành một trung tâm của Phật giáo đương thời.Ở xứ Đoài, Hà Nội và vùng lân cận có nhiều chùa kết hợp thờ Phật với thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Tuy nhiên chùa Đại Bi là một di tích hiếm hoi ở vùng hạ lưu châu thổ sông Hồng thờ Thánh Từ Đạo Hạnh. Tương truyền, sau khi cha bị Diên Thành hầu mượn tay pháp sự Đại Điên hại chết, Thánh Từ Đạo Hạnh đã đưa mẹ là bà Tăng Thị Loan về đây lánh nạn và dựng chùa tu hành.
Tượng Thiền sư Từ Đạo Hạnh tại chùa Thượng (Ảnh: Giáo hội Phật Giáo Việt Nam)
‘Chầu Thánh’ trong tên gọi của loại hình này có nghĩa là ‘múa hát cho Thánh xem’ để tưởng nhớ và thờ cúng Thiền sư Từ Đạo Hạnh đã có những công lao và sự ảnh hưởng to lớn như thế. Hiện nay, có 3 câu chuyện, huyền tích chính được truyền miệng để lý giải về nguồn gốc của Rối đầu gỗ:
– Truyền thuyết kể rằng một lần, Thiền sư đang đi thuyền trên sông bỗng thấy một cái bọc trên mặt nước, mở ra thì thấy 6 quái thai. Là con người có lòng trắc ẩn, ông đã đem chúng về nuôi nấng, cảm hoá và dạy dỗ thành người có ích cho đời (cũng có truyện cho rằng sáu đứa trẻ ấy không sống được lâu). Từ đây, chúng ta lại có hai luồng ý kiến. Một là Thiền sư từ đó đã tạo nên trò rối sáu với tượng đầu gỗ tượng trưng cho 6 người ấy để dăn rặn con người về những điều nên và không nên làm. Hai là nhân dân đã tạo nên sáu đầu rối để thờ và tưởng nhớ công ơn và tâm đức của vị Thánh từ.
– Lại có truyện cho rằng: Ngày xưa, có mưới hai ông thần sóng chuyên dâng nước lũ và sóng dữ làm hại dân lành. Đức Thánh từ đã ra tay làm phép thu phục được sáu ông Sóng, sáu ông còn lại bị đuổi ra biển. Từ đó, chính Thiền sư đã tạo ra trò rối đầu gỗ với đầu sáu ông thần Sóng múa trên mặt nước (tấm màn che để biểu diễn rối ngày nay vẫn có hoạt tiết sóng nước).
– Thuyết thứ ba cho rằng Thánh từ đã tạo nên sáu đầu rối đại diện cho những đức tính của người quân tử: Liêm, Sỉ, Trí, Tín, Hiếu, Nghĩa với mong muốn răn dạy người dân về lối sống.
Những người gìn giữ và phát huy Ổi lỗi là những nghệ nhân của làng rối chùa Đại Bi. Bài ‘Nghệ thuật hát rối đầu gỗ chùa Đại Bi’ trên Cổng thông tin điện tử huyện Nam Trực đã viết: ‘Phường rối chùa Bi được khôi phục từ khoảng năm 1976. Muốn tham gia phường rối phải sắm sanh lễ lạt đầy đủ và gằn bó với phường đến khi chết. Phường rối không quy định số lượng thành viên nhưng giới hạn trong ba thôn Vân Chàng, Giáp Ba, Giáp Tư. Khi biểu diễn, mỗi thôn này cử ra mười người, gọi là “thập nhân”. Chánh trùm phường rối bao giờ cũng là người của thôn Vân Chàng. Ai vào phường trước, hát giỏi, múa giỏi, gõ nhạc tốt sẽ kế nghiệp dần dần từ phó cho đến chánh trùm. Ngày xưa, chùa Bi có 20 mẫu ruộng để làm tư điền lo việc thờ tự thì phường rối được chia tới 5 mẫu lấy kinh phí cho tập luyện và biểu diễn. Những người tham gia phường rối sẽ được ghi tên, khắc bia để trong chùa. Bia phường rối hiện nay ghi tên các nhân vật từ năm 1922 đến nay.’
Những người nghệ nhân và các đầu rối (Ảnh: Cổng thông tin điện tử huyện Nam Trực)
2. Biểu diễn đầu rối ‘Thánh tượng’
Do có ý nghĩa tâm linh và mục đích biểu diễn để phục vụ cho thánh thần, những đầu rối trong Ổi lỗi được gọi là các ‘Thánh tượng’ – chẳng may có ai gọi là ‘con rối’ thì bị cho là phạm thượng, phải làm lễ xin thần thánh cho xá tội. Các tượng rối thường được cất trong hòm ở giữa chùa, ngay sau gian chính thờ Phật. Tác giả Trần Hoà đã viết trên báo Giáo dục Thời đại: ‘Các nghệ nhân trong phường rối Nam Giang đều đồng ý rằng, trước khi tổ chức một cuộc hát rối thì các nghi thức phải được đầy đủ. Đầu tiên là tế lễ xin phép rước và đưa thánh tượng từ nơi thờ tự ra nơi biểu diễn. Thật là theo lệ cổ xưa, thì phần lễ trọng hơn mọi phần khác. Lễ xin phép được chia làm bốn phần: Thánh y, rước tượng, tắm tượng và dâng tượng. Kể ra thì gọn vậy nhưng làm xong những phần lễ này đã mất trọn nửa ngày. Mà không đơn giản ai làm cũng được, phải những người vai vế, uy tín trong phường hát mới đủ tư cách.’ Những người nghệ nhân hát rối trước khi làm lễ cũng phải ăn mặc ‘đúng mực’ với áo the và khăn xếp. Mỗi lần biểu biễn rối thường bắt đầu từ 7 giờ tối và kết thúc vào ban đêm hay rạng sáng ngày hôm sau, với những nghệ nhân liên tục thay thế nhau hát và điểu khiển các tượng rối.
Tạo nên linh hồn cho Ổi lỗi chính là mười hai đầu rối gỗ được gọi là ‘thập nhị Thánh tượng’. Hiện nay tại chủa Đại Bi có hai bộ tượng: một bộ tượng cổ (đã được lưu giữ đến nay khoảng 420 – 450 năm), và một bộ tượng được làm bằng gỗ mít được tạc vào khoảng năm 1945 để những người nghệ nhân tập luyện trước khi biểu diễn. Các tượng được phủ sơn ta, một vài được thếp vàng mang đậm màu sắc dân gian. Mỗi tượng đều được mặc áo the phủ từ cổ tượng xuống để che tay người cầm. Bộ Thánh tượng gồm 6 tượng rối lớn và 6 tượng rối nhỏ như sau:
Sáu tượng to được gọi là ‘sáu ông Lộng’ được làm từ gỗ khoét rỗng, mỗi đầu tượng cao khoảng 40cm, đường kính 30cm, nặng khoảng 30kg và có cán cầm tay ở gáy tượng để người nghệ nhân cầm vào biểu diễn. Sáu đầu tượng này được chia thành ba cặp: đôi Lộng Chúa mặt đỏ, mắt nhìn quắc thước, miệng rộng và râu ria, thể hiện khí chất của người chính nhân quân tử; đôi Lộng Tỳ (hay Tuỳ trắng) mặt trắng, miệng cười rộng, mũi to, biểu trưng cho sự phồn thực, no đủ; đôi ‘Cóc Vàng’ mặt sơn hồng nhạt tượng trưng cho nền nông nghiệp lúa nước của nhân dân thời bấy giờ. Người nghệ nhân biểu diễn sáu Thánh tượng này cùng nhau trước, với những động tác đa dạng như xoay, ngụp, lặn (gắn liền với truyền thuyết về chiếc bọc được tìm thấy trên sông hay sáu ông Sóng như nêu ở phần trước), sau đó tiếp tục biểu diễn các tượng nhỏ.
Từ trái qua phải (theo cột dọc): đôi Lộng Chúa, đôi Lộng Tỳ, đôi Cóc Vàng (Ảnh: Cắt từ phóng sự của Lalago)
Sáu tượng nhỏ còn lại được làm bằng gỗ đặc, cao khoảng 30cm và nặng khoảng 1kg. Những tượng này được đội mũ hoặc vấn tóc theo lối cổ, chân dung tươi tỉnh. Theo phần lớn các câu chuyện thì sáu đầu rối nhỏ này là do nhân dân tự tạo ra. Các tượng này không đồng diễn mà chỉ diễn đơn hoặc đôi thành năm lớp, mỗi một loại đầu tượng đều có bài hát và cách biểu diễn riêng kèm theo. Các tượng nhỏ này bao gồm (theo thứ tự xuất hiện):
+ Lớp 1: Một tượng Chàng (Dâng Chàng): chàng trai thư sinh, khôi ngô, tuấn tú, mặt đỏ hồng.
+ Lớp 2: Hai tượng Tiên (Giáo Tiên/Dâng Tiên): gồm 2 vị tiên mặt trắng được diễn đôi với nhau, phần múa hát mang âm hưởng lễ hội.
+ Lớp 3: Một ông Chớp (Dâng ông Chớp): mặt đỏ, tượng trưng cho thời tiết, nắng mưa thuận hoà.
+ Lớp 4: Một tượng Hậu (Đưa thư, Văn chinh phu,…): mặt trắng, tóc đen, toát lên vẻ phúc hậu, hiền từ. Tượng Hậu không biểu diễn cầu kì mà chỉ đứng yên trên nền lời hát đầy tính răn dạy.
+ Lớp 5: Một ông Mách (Dâng Phú): mặt đỏ và to, mang vẻ dữ tợn, có vai trò như người dẫn chuyện kể về sự tích của Ổi lỗi: để múa cho Thánh xem chứ không phải cho người đến dự lễ hỗi thưởng thức. Đây cũng là màn kết của một buổi diễn rối đầu gỗ chầu Thánh. Bài Dâng Phú có nhiều tên ‘huý’ của các Thánh nên chỉ được đọc nhẩm trên nền trống và chỉ được truyền miệng (không được ghi ra giấy) riêng cho những người kế nghiệp làm trùm phường rối.
Về sân khấu, tác giả Trần Hoàng trong bài ‘Rối Đầu gỗ’ trên trang Thế giới Di sản viết ‘Sân khấu biểu diễn không hoành tráng, không cầu kỳ mà chỉ đơn giản là một bước rèm che cách điệu hình sóng nước được mắc vào hai cây cột giữa tiền đường trong chùa, người múa rối, người hát, người gõ nhạc cụ đứng sau tấm màn, quay mặt về phía ban thờ Phật và ban thờ Đức Thánh Từ (vì là múa để chầu Thánh, cốt là cho Thánh xem). Người múa cầm Thánh tượng giơ tay múa trồi lên trên tấm màn che như nổi lên trên mặt nước, múa từ trái qua phải,… cứ thế những Thánh tượng thay đổi vị trí cho nhau, mỗi làn điệu các Thánh tượng đều có những tư thế khác nhau.’
‘Sân khấu’ và ‘hậu trường’ đơn giản của Ổi Lỗi (Ảnh: Thế giới Di sản)
Để xem chi tiết hơn về một buổi diễn Rối đầu gỗ, mời các bạn xem đoạn clip dưới đây:
Phóng sự: MÚA RỐI CẠN ỔI LỖI – Vũ Quốc Văn – Youtube
3. Âm nhạc và Nội dung
Nhạc cụ được sử dụng trong các buổi hầu Thánh cũng là bộ gõ gồm: 2 chiếc mõ tre, 1 trống bảng (đường kính mặt khoảng 40cm, gõ bằng mảnh nứa chứ không dùng dùi), 2 thanh la, 2 trống cơm, 1 trống cái để gõ cầm canh chuyển làn điệu, 1 chuông đẩu và 1 trống thầy bói để người nghệ nhân gõ theo trống cái. Tuy chỉ có một bộ gõ đơn giản như thế, người nghệ nhân có thể diễn tới 26 bài ca và 32 làn điệu khác nhau với tính phức tạp cao.
Nội dung của Rối đầu gỗ vô cùng phong phú và ý nghĩa với những bài hát múa ngợi ca công lao của các vị vua với triều đại thanh bình, thịnh trị, những người anh hùng có công lớn trong trong công cuộc xây dựng, bảo vệ và gìn giữ đất nước, và chủ yếu nhất là những công lao của Đức Thánh Từ. Không chỉ vậy, Rối đầu gỗ còn có tính răn dạy với những lời hát về đạo đức, về những điều hay lẽ phải, về tình cảm vợ chồng, anh em, con cái cái với cha mẹ – từ đó nhắc nhở con người về cách đối nhân xử thế, các đạo lý sống và lối sống hiếu nghĩa, thuỷ chung. Thêm vào đó là các bài Kinh giáo dục về tình yêu đối với quê hương, Tổ quốc và cuộc sống lao động, đồng thời thể hiện những ước mơ giản dị, gần gũi mà thiết thực của con người cho một cuộc sống quốc thái dân an, mùa màng bội thu, ấm no, sung túc, hạnh phúc và đầy tình nghĩa.
Những bài ca, làn điệu trong Rối đầu gỗ phần lớn dùng tiếng Nôm cổ (ngoài ra chỉ có một chút Hán và thuần Việt): để hiểu được nội dung, các nghệ nhân thường phải dùng từ điển để tra; song, nhiều từ ngay cả trong từ điển cũng không có hay còn tối nghĩa nên các cụ chỉ hát được mà không hoàn toàn hiểu. Các lời hát thường theo thể song thất lục bát hoặc lục bát, đan xen nhiều bút pháp hiện thực, ước lệ cùng với những thủ pháp nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, ngoa dụ (lối nói mang tính chất phóng đại), chơi chữ,… Từ đó, những bài Kinh vô cùng sinh động, uyển chuyển, có nhiều tầng lớp ý nghĩa. Ngoài ra, Rối đầu gỗ còn có những câu hát có nội dung và bút pháp gần với ca dao, tục ngữ hay dân ca như:
‘Chồng sang vợ được đi hài
Vợ khôn chồng được nhiều ngày cậy trông’
Khi hát, người nghệ nhân phải đứng khoanh tay. Tuỳ theo nội dung mà mỗi bài có thời gian diễn khác nhau: có bài chỉ vài phút nhưng cũng có bài lên tới hai tiếng đồng hồ. Do các Thánh tượng khá nặng và thời gian diễn dài, những nghệ nhân múa rối phải có tay khoẻ, vững và vô cùng cẩn thận để không làm rơi tượng rối trong khi biểu diễn – đây là một điều rất kiêng kị trong trong rối chầu Thánh.
4. Khó khăn trong việc bảo tồn
Bộ máy cấp cơ sở của nghệ thuật Ổi Lỗi là ban Quản lý chùa Đại Bi và phường rối đầu gỗ gồm các nghệ nhân – những người trực tiếp tham gia gìn giữ, phát huy và truyền dạy. Ngày nay, việc quản lý và bảo tồn Rối đầu gỗ ở chùa Bi đã và đang được chính quyền và các cơ quan văn hoá của tỉnh Nam Định quan tâm: nhiều nghệ nhân biểu diễn đã nhận được nhiều chính sách khuyến khích, tôn vinh cho những công lao và cống hiến của họ với văn hoá truyền thống. Công tác nghiên cứu, sưu tầm và ghi chép về Ổi Lỗi cũng đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận, tuy nhiên còn chưa được bài bản và hiệu quả. Thêm vào đó, những Thánh tượng đang dần bị hao mòn, tróc sơn theo thời gian: đôi tượng Tuỳ Trắng đã bắt đầu chuyển sang giai đoạn phế tích, và điều này có thể xảy ra với các tượng khác trong tương lai. Những người nghệ nhân đều đang cố gắng hết mình để bảo vệ những tượng rối ấy.
Mội khó khăn nữa trong việc bảo tồn Ổi Lỗi chính là việc truyền dạy nghệ thuật này cho thế hệ sau tiếp tục phát huy. Phần lớn những người nghệ nhân hiện tại trong phường rối là các cụ đã có tuổi: tuy có thể còn nhớ tất cả các lời Kinh và lễ nghi của một buổi diễn Rối đầu gỗ, nhiều người do tuổi tác mà chân yếu, tay run, không thể trực tiếp đảm nhận những bài múa cần dùng nhiều sức lực (múa tượng rối nặng trong thời gian dài). Hoạt động truyền dạy tuy đã có, nhưng cũng gặp không ít trở ngại: người trẻ quan tâm ngày một ít; những người trẻ đang được ‘đào tạo’ thì khó ghi nhớ được hết những lời Kinh phức tạp bằng ngôn ngữ cổ xưa, hay gặp khó khăn trong việc thuộc các nghi thức của buổi diễn. Bài viết của tác giả Nguyễn Thanh Thuỷ trên trang web của Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương, đã viết về nỗi lo này của cụ Vũ Huy Rính – Chánh trùm phường rối nước – nay đã ngoài 80: ‘Một mai cụ về với tổ tiên thì không biết lấy ai vẹn toàn cho đại sự làng. Cuộc tối cạn hầu thánh xem chừng giản đơn, nhưng để hiểu sâu sắc đến tương những nghĩa Kinh bốn cổ xưa thì sao mà phức tạp quá.’
Nhắc đến nghệ thuật rối Việt Nam, người ta thường nghĩ đến Rối Nước mà ít người biết rằng nghệ thuật rối cạn truyền thống cũng vô cùng đặc sắc với nhiều loại hình, trong đó có Rối đầu gỗ mang đậm tính chất văn hoá và tâm linh của nhân dân. Nghệ thuật Rối đầu gỗ Việt Nam ngày nay rất hiếm, nổi bật nhất là ở chùa Đại Bi, Nam Định và ngoài ra còn có ở Lễ hội Chùa Keo Hành Thiện tại Nam Định, Đình làng Xuân Trạch tại Thái Bình (ngày nay không còn biểu diễn nữa),… Do đó, việc tăng cường quản lí, gìn giữ, truyền dạy và phát huy nghệ thuật Rối đầu gỗ là vô cùng cần thiết.
Các tượng rối ở Đình làng Xuân Trạch, Thái Bình (Ảnh: Cắt từ phóng sự của Lalago)
Để được hiểu rõ hơn, chân thực hơn về nghệ thuật Rối đầu gỗ, Trường Ca Kịch Viện xin mời các bạn xem một vài phóng sự vô cùng chi tiết sau:
Phóng sự: NGHỆ THUẬT DÂN GIAN | Giải mã bí ẩn múa rối đầu gỗ – Lalago – Youtube
Phóng sự: Nghệ thuật hát rối đầu gỗ chùa Đại Bi- Bền bỉ hiện hữu trong dòng chảy văn hóa dân tộc – Truyền hình Nam Định – Youtube
Hữu Dương
Nguồn tham khảo:
1. Thánh Từ Đạo Hạnh và lễ hội chùa Đại Bi (Đại Bi Tự) – Tạp chí Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Nam Định số 1 năm 2014
2. Trần Hoàng – Rối Đầu Gỗ – Tạp chí điện tử Thế giới Di Sản
3. Trung tâm Thông tin Xúc tiến Du lịch (2018) – Nghệ thuật hát rối đầu gỗ chùa Đại Bi – Cổng thông tin điện tử huyện Nam Trực
4. Trần Thuý (2019) – Nghệ thuật múa rối đầu gỗ chầu Thánh – Báo Nam Định
5. Nguyễn Thanh Thuỷ (2016) – Múa rối đầu gỗ chùa Đại Bi, thị trấn Nam Giang huyện Nam Trực, tỉnh Nam Định – Trường Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
6. Trần Hoà (2020) – Kiêu hãnh nghệ thuật múa rối: Rối cạn hầu thánh duy nhất ở Việt Nam – Giáo dục và Thời Đại