Cải lương là một môn nghệ thuật dân gian cực kì phổ biến ở Việt Nam từ thế kỉ 20 cho đến nay và phổ biến nhất là ở vùng đồng bằng sông Cửu Long.

Bộ môn nghệ thuật này có sức hút không chỉ nhờ giai điệu mà còn là nhờ sự đặc sắc trong nội dung. Những câu hát cải lương có nội dung được lấy từ thơ Nôm, truyện cổ của nhiều quốc gia khác nhau như Nhật Bản, La Mã cổ đại… kết hợp với những loại nhạc cụ biểu diễn truyền thống bao gồm đàn kìm, tiêu, đàn độc huyền( đàn bầu), đàn cò, đàn tranh đã làm bộ môn nghệ thuật này đặc sắc hơn bao giờ hết. Lối hát, diễn xướng cải lương xuất hiện lần đầu vào năm 1916. Đến năm 1918, thực dân Pháp nắm lợi thế và chiến thắng Chiến tranh Thế giới lần thứ nhất. Điều đó đã thúc đẩy chính quyền thực dân cho phép người Việt mở gánh hát, lấy tiền dâng cho Pháp, cốt để khiến cho nhân dân xứ thuộc địa sao nhãng việc nước, tập trung vào hát hò. Theo GS. Trần Văn Khê (2007), cái tên “cải lương” đã xuất hiện lần đầu tại gánh hát Tân Thịnh của ông Trương Văn Thông vào năm 1920, với ý nghĩa là “sửa đổi cho trở nên tốt hơn” theo hai câu thơ trên bảng hiệu của gánh hát:

“Cải cách hát ca theo tiến bộ
Lương truyền tuồng tích sánh văn minh”

Ảnh: Vở cải lương Huyền thoại gò Rồng Ấp. Nguồn: Báo Dân tộc và Phát triển.

Cải lương bắt nguồn từ những làn điệu dân ca miền đồng bằng sông Cửu Long và đờn ca tài tử. Cái tên cải lương có ý nghĩa là cải cách, làm mới nghệ thuật hát bội của Việt Nam, khi hát bội đã quá phổ biến tại miền Nam và không còn duy trì được sự hấp dẫn như trước đây. Những năm 1920-30 chứng kiến thời kỳ phát triển rực rỡ nhất của cải lương, với một loạt gánh hát ra đời. Đến những năm 1930-34, cải lương đã lan truyền từ Nam ra Bắc và tạo được tiếng vang lớn với công chúng miền Bắc. Vào những năm 50-60 của thế kỷ XX, cải lương phát triển cực thịnh ở miền Nam. Thời kỳ này, người người, nhà nhà nghe cải lương qua đài phát thanh và xem biểu diễn trực tiếp tại những gánh hát. Dù vậy, đến giữa thập niên 1980, cải lương dần dần sa sút và mất đi vị thế của mình do vắng bóng lứa kế cận đủ sức thay thế được các nghệ sĩ lão thành, quen mặt với khán giả như Hữu Phước, Thành Được, Ngọc Giàu…

Tuy vậy, bộ môn nghệ thuật cải lương vẫn luôn giữ một vị trí quan trọng trong lòng công chúng yêu thích nghệ thuật dân gian và là một trong những bộ môn nghệ thuật tiêu biểu nhất trong những loại hình nghệ thuật truyền thống ở Việt Nam.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *