Múa Bài bông – điệu múa cổ thời Trần

Múa bài bông hay còn gọi là bắt bài bông, là một điệu múa nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật ca trù (gồm múa bỏ bộ, múa tứ linh, múa bài bông). Điệu múa này thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của chốn giáo phường, trong không gian uy nghi ở nơi cửa đình, hát tại các dinh quan, đám khao vọng, chúc thọ. Đồng thời, đây là một trong những loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của dân tộc với trên 700 năm tuổi, khởi phát từ thời Trần.

1. Tìm về nguồn cội điệu múa bài bông

1.1. Lịch sử:

Múa bài bông là một điệu múa cổ của Việt Nam. Điệu múa này trong dân gian còn có một tên gọi khác là bắt bài bông. Múa bài bông là một điệu múa nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật Ca trù, và được xem là đỉnh cao của nghệ thuật múa Ca trù. Trong nghệ thuật Ca trù – sự phối hợp tuyệt vời giữa lời ca và giọng hát hòa cùng các nhạc khí: phách, đàn đáy, trống chầu.

Theo Sách Việt Nam Ca trù biên khảo có ghi chép rằng  điệu múa bài bông là do Ông Trần Quang Khải dựng ra để ca múa trong ngày lễ Thái Bình diên yến do vua Trần Nhân Tông tổ chức sau khi đánh thắng quân Nguyên – Mông Cổ  lần thứ 3.

Trong sách Tuyển tập thơ Ca trù, xuất bản năm 1987, nhà thơ Ngô Linh Ngọc viết rằng: “Múa bài bông do Chiêu Văn Vương Trần Nhật Duật dựng nên.”. Lai lịch tác giả của điệu múa bài bông có thể chưa chắc chắn nhưng có nhiều dấu vết có thể coi đó là một điệu múa của thời nhà Trần: Trong cuộc kháng chiến chống quân Nguyên – Mông xâm lược lần thứ 2, nhà Trần có bắt được con hát Tuồng tên là Lý Nguyên Cát trong đám loạn quân của Toa Đô, sau đó Lý Nguyên Cát tự nguyện xin ở lại và dạy hát Tuồng, trong đó có vở Vương mẫu hiến đào được các con em vương hầu lúc bấy giờ tranh nhau học.

  Khung cảnh múa bài bông ở Huế.

(Ảnh: Instagram @dzuis)

1.2 Múa bài bông ở làng Phú Nhiêu:

Phú Nhiêu là ngôi làng cổ mang hình dáng của con trâu vàng. Làng có bốn xóm tượng trưng cho bốn chân trâu. Sống trâu là con đường trục chính của làng. Đình làng là đầu trâu còn hai giếng làng là mắt trâu. Tuy là làng thuần nông nhưng Phú Nhiêu lại sở hữu một điệu múa hát mang sắc thái cung đình, lễ nghi.

Ðiệu múa này thường được sử dụng trong các dịp đại lễ của chốn giáo phường hoặc ở nơi cửa đình khi hát thờ, phục vụ lễ hội và mang nặng tính lễ nghi. Ðiệu múa này được truyền đến thôn Phú Nhiêu từ năm 1925, do một nghệ nhân ở làng Chảy về dạy nhằm phục vụ lễ nghi nơi cửa đình. Từ đó, múa hát bài bông được nhân lên trong dân làng và dần dần trở thành một phần không thể thiếu của nghệ thuật diễn xướng cổ truyền thôn Phú Nhiêu.

Đặc sắc hát múa bài bông làng Phú Nhiêu, huyện Phú Xuyên.

(Ảnh: Đài phát thanh và truyền hình Hà Nội)

2. Cấu tạo tạo điệu múa bài bông:

2.1 Trang phục:

Về trang phục, các cô khi múa thì mặc áo mã tiền thêu kim tuyến, chân áo đính chân chỉ hạt bột, trên mũ gắn một quả bông, hai bên vai đeo đèn hình hoa sen, tay cầm quạt tàu, lúc thì xếp quạt, lúa xòe quạt linh hoạt và trông rất vui mắt. 

Người múa vừa múa vừa hát, động tác múa ứng hợp với lời hát đã được cách điệu đi nhiều, động tác múa lạ không giống với bất cứ lối múa của các ngành nghệ thuật nào. Đi kèm với đội múa là một đội nhạc: có Quản giáo cầm trống cái giữ nhịp, một người đánh đàn đáy, một đàn nguyệt bốn dây (vẫn gọi là đàn tứ đoản); một đàn tam; một trống mảnh, chiêng và trống cơm, nhạc tấu khoan thai, vui tươi gợi nên cảnh thái bình.

Trang phục khi biểu diễn của điệu múa bài bông. 

(Ảnh: Trường cao đẳng múa Việt Nam)

2.2. Đội hình:

Một đội múa bài bông cần ít nhất là 4 người, theo mức độ quan trọng của không gian diễn xướng mà tăng số lượng người lên gấp đôi: 8 hoặc 16, những dịp đại lễ thì phải 32 người múa. Là loại hình diễn xướng dân gian tương đối phức tạp, múa cũng khó ngang như hát, chưa kể đến chuyện phải kết hợp hài hoà giữa múa và hát. Âm điệu là tổng hợp các làn điệu dân ca, còn vũ điệu là các điệu múa dân gian và cung đình.

Đội hình múa bài bông.

 (Ảnh : Na sơn ) 

2.3. Nội dung trình diễn:

Múa bài bông gồm 9 màn nhưng trên thực tế chỉ diễn 6 màn theo thứ tự: Một bài hát Kéo ra (Tựa như màn giáo đầu). Bài hát Xuân, ca ngợi cảnh sắc tươi vui đất nước vào mùa Xuân, cũng thế các bài Hạ – Thu – Đông diễn xướng linh hoạt tùy theo tiết mùa. Sau bài hát Xuân đến bài hát Khách – Tiếp tục là bài Thời Hồ (tức Đào viên kết nghĩa), bài hát Khách và kết thúc là bài Kéo vào. Múa đủ 6 màn hết gần một tiếng. Từ trước đến nay hiếm có một điệu múa nào kéo dài như thế.

3. Ý Nghĩa của điệu múa bài bông:                         

Nội dung của múa bài bông thường là ca ngợi đất nước, ca ngợi người có công với làng nước và phản ánh cuộc sống lao động, cấy trồng của người nông dân cùng tình yêu đôi lứa…

Điệu múa này thường được sử dụng trong những dịp đại lễ của chốn giáo phường, trong khoảng trống uy nghi ở nơi cửa đình. Điệu múa thường được sử dụng hai lần một năm vào ngày giỗ tổ Ca trù (vào tháng 3 và tháng 11 âm lịch). Điệu múa này cũng được sử dụng nơi cửa quyền tức là hát tại những dinh quan, tại những đám khao vọng chúc thọ lớn. Những nghệ nhân Ca trù vẫn coi điệu múa Bài Bông như một điệu múa dùng để múa chầu, múa ngự, và được coi là bảo vật vì chỉ giáo phường lớn và dinh quan, chỉ khi hát thờ ở đình, hay hát cho vua mới có .

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. MARU Yến (2020) – Điệu múa bài bông. (https://maru.vn/dieu-mua-bai-bong)

2. Theo VTV (2010) – Đặc sắc múa bài bông (https://toquoc.vn/dac-sac-dieu-mua-bai-bong-99205791.html

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật