Về Triều Khúc xem “Con đĩ đánh bồng”

Triều Khúc là một ngôi làng cổ, nằm ở phía Tây Nam khu vực nội thành Hà Nội. Nơi đây ngày nay còn lưu giữ tương đối toàn vẹn điệu múa bồng (dân gian còn gọi là múa “Con đĩ đánh bồng”), tương truyền không dưới 1000 năm tuổi và được xem là một trong những điệu múa cổ nhất của đất Thăng Long – Hà Nội.

1. Nguồn gốc ra đời điệu múa trống bồng làng Triều Khúc

Theo Đại Việt Sử Ký (大越史記) ghi chép, vào thế kỉ thứ 8, năm Tân Mùi (791) vua Phùng Hưng (Bố Đại Cái Vương) đã chọn làng Triều Khúc làm đại bản doanh, tập trung các binh sĩ đi giải phóng thành Tống Bình (Hà Nội ngày nay) dưới sự xâm chiếm của nhà Đường. Để khích lệ tinh thần và động viên binh sĩ, nhà vua bèn lệnh cho một số nam binh giả nữ, múa một điệu múa với đạo cụ là trống bồng. Từ đó đến nay, điệu múa trống bồng được gìn giữ và phát triển tại làng Triều Khúc (nơi vua Phùng Hưng lập đại bản doanh) để tưởng nhớ công lao đánh giặc Đường của ông. Tính đến ngày nay, điệu múa trống bồng đã tồn tại hơn 12 thế kỷ và được coi là một trong những điệu múa cổ nhất tại Hà Nội.

2. Đặc điểm của điệu múa trống bồng làng Triều Khúc 

2.1. Trang phục 

Người tham gia biểu diễn là các chàng trai giả gái, mặc các trang phục cổ truyền: váy đụp, chít khăn mỏ quạ, tô son, điểm phấn như phụ nữ để phù hợp với các động tác của điệu múa giả gái lẳng lơ. 

Ngoài ra người múa cũng có thể đeo trang sức: bông tai, vòng và trang điểm má phấn son môi sao cho thêm phần nữ tính. Ở phía bụng có đeo trống bồng – được sơn màu đỏ, có hình dáng dài và nhỏ. 

2.2 Tiêu chuẩn tham gia đội múa trống bồng 

Theo lệ xưa người được chọn là nam nhân chưa lập gia đình, gương mặt sáng sủa, gia đình người được chọn không có tang (tục gọi là không dính bụi) và không vi phạm pháp luật. 

2.3 Vũ đạo 

Múa trống bồng có 3 động tác chính: đánh trống khua rộng tay, nhấc chân cao bước rộng, người đảo phóng khoáng và gương mặt lúc nào cũng tươi như hoa. Đặc biệt, đôi lúc 2 người múa sẽ ghép thành 1 cặp, thực hiện động tác dựa lưng vào nhau và múa tay uốn lượn lả lướt mang ý nghĩa hưởng thụ hạnh phúc.

Mỗi động tác khi múa phải nhịp nhàng với từng bước di chuyển, lắc thân. Trong lúc múa, còn phải “liếc ngang, liếc dọc” tỏ vẻ lẳng lơ, yêu kiều. Phải chăng cũng vì vậy mà dân gian còn có câu “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”.

Điệu múa phải kết hợp làm sao cho nhuần nhuyễn giữa trống lệnh và tế lễ.

Trích đoạn điệu múa: 

3. Giá trị của điệu múa trống bồng làng Triều Khúc

Đây là một tiết mục diễn xướng, nằm trong nghệ thuật múa dân gian được lưu truyền và có những bản sắc riêng. Ngày nay, điệu múa được gìn giữ và chủ yếu sử dụng trong các buổi tế lễ Thành hoàng làng và biểu diễn công khai vào những năm mở hội lớn, nhân dân tổ chức lễ rước.

Điệu múa là sự kết hợp hài hòa, trường cửu giữa đất- trời, dương – âm nói lên những ước vọng của người nông dân về sự sống lâu bền, mùa màng bội thu, trời yên biển lặng. Qua việc đội hình múa có 6 người xếp thành hình vuông và thực hiện động tác xoay tròn tạo nên hình ảnh vuông – tròn gợi nhớ tới sự tích “bánh chưng bánh giày” (hình vuông tượng trưng cho trời, hình tròn tượng trưng cho đất). Thêm vào đó, điệu múa thể hiện sự hưởng thụ của niềm vui, hạnh phúc khi có các động tác dựa lưng vào nhau và uốn lượn uyển chuyển. 

4. Những vấn đề xoay quanh điệu múa trống bồng

4.1. Từ “đĩ” trong cách gọi “con đĩ đánh bồng” 

Trong cuốn “ Việt Nam tự điển” của Lê Văn Đức, từ “đĩ” được hiểu là từ chỉ thân mật con gái của người nông dân; và nghĩa thứ hai chỉ người phụ nữ làm nghề mại dâm “buôn phấn bán hoa”, lẳng lơ. Còn trong cách gọi “con đĩ đánh bồng” thì từ “đĩ” được người xưa gọi với hàm ý gần gũi yêu thương. Chính vì vậy, chúng ta nên cần hiểu rõ từ “đĩ” trong cách gọi “con đĩ đánh bồng” để tránh có những cách hiểu lệch lạc, tiêu cực về điệu múa này. 

4.2. Vì sao người tham gia múa lại là nam giả nữ ?

Có hai quan điểm đưa ra để trả lời cho câu hỏi trên: 

Ý kiến đầu tiên cho rằng theo quan niệm đây là điệu múa thờ, diễn ra bên trong đình làng nơi thờ thần linh nên nữ giới không được vào chốn tôn nghiêm nên buộc người con trai giả gái.

Một số ý kiến khác cho rằng do ảnh hưởng của thời xa xưa đoàn quân ra trận của Phùng Hưng chủ yếu là nam giới nên việc sử dụng nam giả nữ múa sẽ tận dụng được nhân lực và mang tính khôi hài, giúp binh sĩ ra trận có thêm niềm vui, khích lệ ý chí chiến đấu.

Điệu múa trống bồng làng Triều Khúc là một điệu múa cổ. mang trong mình nhiều giá trị về lịch sử và văn hóa. Việc bảo tồn và gìn giữ điệu múa này sẽ đem lại nhiều bài học về giá trị nhân văn cho thế hệ mai sau. 

Nguồn tài liệu tham khảo:

– Đặng Hồng Vân (2017). “Múa Bồng Triều Khúc”. Trang điện tử Mặt trận Tổ Quốc Việt Nam.

–  Thu Phương (2022). “Độc đáo đất Kinh Kỳ: điệu múa chỉ dành riêng cho …đấng mày râu!” Tạp chí điện tử sinh thái nông nghiệp

– Thủy Tiên (2021). “Độc đáo điệu Múa Bồng Triều Khúc”. HaNoier

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật