Nhân vật ả đào – Từ cuộc sống đến thơ văn (Kỳ 5)

2.2.2. Mệnh bạc và khát vọng hạnh phúc

a. Như trên chúng tôi đã phân tích, qua sinh hoạt văn hóa ả đào, khá nhiều quan hệ đào nương – khách chơi chuyển thành quan hệ tình ái nam nữ, quan hệ tình nhân. Đã có nhiều tác giả lấy đề tài này làm cảm hứng cho sáng tác, từ đó, tạo ra hình ảnh nổi bật của người ả đào trong văn học: hình ảnh người tình nhân. Thế nhưng, không có mấy ca nữ có được tình duyên trọn vẹn, êm đẹp, hầu hết họ dấn thân vào những cuộc tình trăng gió với kết cuộc chia ly đã biết trước.

Vốn tình duyên giữa ca nữ và khách chơi là một mối tình lửng lơ, mơ hồ, mối tình không ràng buộc lễ nghĩa cũng như trách nhiệm:

“Một mảnh tơ con tạo khéo trêu

Đương đầm ấm lại xen vào cay nghiệt

Mặn không mặn, nhạt thời không nhạt

Gần không gần mà xa cũng chẳng xa”

Ở nhà hát ngẫu hứng – Dương Khuê

Những mối tình tự do nên bất tuân khuôn khổ. Đó có thể là tình cảm giữa khách chơi già và cô đầu trẻ:

“Ngã lãng du thì quân thượng thiếu

Quân kim hứa giá ngã thành ông

Cười cười nói nói thẹn thùng

Mà bạch phát với hồng nhan chừng ái ngại”

Hồng Hồng Tuyết Tuyết – Dương Khuê

Đó có thể là tình cảm giữa người đã có gia đình và cô đầu tự do, nên cô đầu chịu cảnh ghen tuông: “Buổi tân tri chưa vướng lục lây hồng/ Phòng trong đã Hà Đông sang sảng tiếng” (Vợ ghen với cô đầu Oanh – Dương Khuê).

Từ phía người ả đào, tình cảm được thể hiện rất sinh động, phong phú. Mỗi nhân vật mang một mối tình riêng, với nhiều mức độ: tình lúc mới gặp gỡ có, tình tri kỷ thâm giao có, tình cũ lâu năm gặp lại cũng có. Các sắc thái tình cảm thì muôn hình vạn trạng: có nỗi buồn yêu nhau mà ly biệt, có sự ngại ngùng, băn khoăn e sợ sự ghen tuông, có khát vọng hòa hợp tình duyên, có nỗi tương tư tưởng nhớ… Nhân vật ả đào trong bài hát nói Tặng cô đầu Cần của Dương Khuê mang tâm sự nhớ nhung vì xa cách, đã mạnh bạo lên tiếng bày tỏ tấm chân tình với người tình quân nơi xa xôi: “Tình thư một bức/ Hỏi tình quân rằng có nhớ hay quên?”. ở đây, người ca nữ bộc lộ tình yêu của mình một cách thẳng thắn, không giấu diếm, ngượng ngùng, không rụt rè e ngại. Tình cảm ấy chỉ vừa mới chớm: “Khách má hồng vừa mới bén hơi duyên/ Lúc tương ngộ lại thêm phiền tương biệt”, nhưng đã sâu nặng thề nguyền: “Ai nhớ ai luống những tần ngần/ Để quạt ước hương nguyền chờ đợi đó” (Tặng cô đầu Cần – Dương Khuê). Cuối cùng, sau khi tỏ tình nhung nhớ, người ả đào mới nói đến mong mỏi lớn nhất của lòng mình: mong tình quân nhớ chốn cũ tình xưa, giữ lời hẹn ước lúc trước, đừng phụ bạc tấm tình của nàng.

Cô đầu trong bài Vợ ghen với cô đầu Oanh lại hiện lên trong một sắc thái tình yêu khác:

“Gượm xin thưa lại

Hỏi tình quân rằng phải thế hay không?

Buổi tân tri chưa vướng lục lây hồng

Phòng trong đã Hà Đông sang sảng tiếng

Ngắm vẻ anh hào coi cũng mến

Kìa ghen hoa còn để chuyện ngày xưa”

Vợ ghen với cô đầu Oanh – Dương Khuê

Nàng không phủ nhận rằng nàng có tình cảm với người khách, thế nhưng nỗi e ngại ghen tuông đã che mờ cả tình yêu. Bởi thế mới kìm nén lòng mình mà cũng khuyên can khách: “Chén khuyên chàng hãy gượng làm ngơ/ Đừng liễu cợt, trăng mờ chi thóc mách” (Vợ ghen với cô đầu Oanh – Dương Khuê). Tình huống này chắc hẳn là tình huống thường gặp đối với các cô đầu, khi những mối tình nơi ca quán của họ quá trăng gió phong lưu, có say đắm tình tứ nhưng chịu nhiều thiệt thòi, nín nhịn. Hát ả đào với người đàn ông là một thú chơi tuyệt vời phong lưu. Còn gì thú vị hơn khi đi hát, được nghe tiếng hát ngọt, tiếng đàn hay, lại có thể có cuộc tình nào đấy với người ả đào mà không bị ràng buộc trách nhiệm. Nhưng xét từ góc độ thân phận người phụ nữ làm nghề cầm ca, trong xã hội nam quyền Nho giáo, khi phải chịu áp lực đánh giá rất nghiệt ngã của dư luận vì nghi kỵ quan hệ tình ái với những khán thính giả đàn ông thì thân phận ấy thật chua chát.

Về phía những khách chơi – tình nhân là nam giới, họ luôn biểu hiện những tình cảm đắm say, có hẹn núi thề non, thiết tha gắn bó. Những bài hát nói tả tình sâu đậm thân mật là rất nhiều. Dương Khuê nói với cô đầu Cúc: “Giai nhân hoài bất vong hề” (Nhớ người đẹp không lúc nào quên – Tặng cô đầu Cúc). Dương Tự Nhu nói với cô đầu Văn: “Xin ai đừng có quên ai” (Tặng cô đầu Văn), lại nói với cô đầu Khanh: “Thế thượng tri âm tối nan đắc/ Độc khanh tri ngã, ngã tri khanh” (Ở đời rất khó gặp tri âm/ Chỉ có nàng biết ta, ta biết nàng – Gặp cô đầu Khanh). Nguyễn Đức Đàm thiết tha với cô đầu Điểm: “Trót đa mang lấy chữ nam nhi/ Nợ hồng phấn có khi là kiếp lệ/ Mình thế thế hỏi ai chăng có thế? Mối sầu riêng riêng để một mình ai” (Gặp cô đầu Điểm: Bài đệ nhị). Còn Nguyễn Công Trứ, vị khách chơi nổi tiếng đa tình, cũng khiến nhiều cô đầu xúc động vì những lời thương nhớ chân thật: “Trót đa mang khúc hát cung đàn/ Nên dan díu mối tình chưa dứt/ Sá nghĩ xa xôi nghìn dặm đất/ Tiếc công đeo đẳng mấy năm trời/ Khi ra vào tiếng nói giọng cười/ Một ngày cũng là người tri kỷ” (Ca tự biệt).

Nhưng mặc dầu những thề non hẹn biển, những mối tình ấy vẫn tan vỡ. Tình nhân bạc bẽo, theo đuổi những đam mê mới, hoặc vì hoàn cảnh phải lìa xa, còn lại nỗi xót xa, cay đắng của người ca nữ bạc phận.

Một bài hát nói khuyết danh đã tả nỗi xót xa của cô đầu khi thấy tình duyên giữa mình và khách chia ly, tan vỡ. Ngoảnh nhìn lại, người đào nương mới nhận ra cái bạc bẽo của mối tình, bởi vì quá phong lưu bay nhảy nên tình cảm không bền chặt, thủy chung: “Khách với mình xưa quen biết chi nhau/ Họ tên gì, nhà cửa ở đâu đâu/ Ngán vì nỗi nước lã ao bèo thêm đuểnh đoảng” (Cuốn chiếu nhân tình hết – Vô danh). Đến lúc đó, nhân vật mới tiếc nuối sự gắn bó, bởi biết trước kết cục chia ly: “Chén rượu câu thơ khi thắng thưởng/ Tôi hát chơi mà khách cũng nghe chơi/ Thảm thiết chi giọt lệ tuôn rơi/ Mai sớm đã ngược xuôi người mỗi xứ” (Cuốn chiếu nhân tình hết – Vô danh). Vẫn biết tình yêu cũng sớm lìa tan, xa cách, nhưng nghĩ đến nỗi trớ trêu của phận mình, có người ca nữ nào tránh khỏi buồn sầu? Khách còn có vợ con, nhà cửa, gia đình đề huề, ấm cúng, còn người đào nương lẻ loi cô độc, để rồi lại đem tấm lòng tan nát mua vui cho kẻ khác. Tình cảnh ấy, thân phận ấy thực đáng thương cảm:

“Khách về nhà có bạn khâm trù

Chén rượu đêm thu nhiều sở thích

Đã trót âm cầm theo liễu mạch

Thú cầm ca còn lắm khách vui chơi”

  Cuốn chiếu nhân tình hết – Vô danh

Người ca nữ ý thức rất rõ thân phận mình, nên đã so sánh mình như cành liễu bên đường, ai qua lại muốn bẻ cành đều được. Đó cũng là sự chấp nhận thân phận, chấp nhận cái bạc bẽo của tình duyên. Vì đây là một trong số ít bài hát nói tả về tâm tình người ca nữ, lại khuyết danh tính tác giả, nên chúng tôi đặt ra một nghi vấn rằng đây có thể là tác phẩm của một đào nương? Đây là điều rất dễ xảy ra, bởi nhiều đào nương có học hành chữ nghĩa, lại quen thuộc với hát nói, có khả năng sáng tác tác phẩm gửi gắm tâm sự mình. Nhưng có lẽ vì là ca nữ nên đã không dám đề tên tác giả. Tất nhiên, đây chỉ là một giả thuyết, dựa trên tinh thần của tác phẩm và suy đoán logic của chúng tôi.

Tình cảnh cô độc của người ca nữ khi tình duyên tan vỡ, tình nhân dứt áo ra đi được Xuân Diệu tái hiện lại rất khắc khoải, da diết, đớn đau trong Lời kỹ nữ. Người ca nữ trong tác phẩm này mang tâm trạng cô độc và hành động mãnh liệt – những đặc điểm của con người lãng mạn đầu thế kỷ XX. Nàng tha thiết níu kéo bước chân du khách:

“Khách ngồi lại cùng em thêm chút nữa

Vội vàng chi, trăng sáng quá, khách ơi

Đêm nay rằm, yến tiệc sáng trên trời

Khách không ở, lòng em cô độc quá”

Lời kỹ nữ – Xuân Diệu

Mãnh liệt hơn nữa, nàng bày tỏ nỗi cô đơn rợn ngợp trong lòng:

“Em sợ lắm. Giá băng tràn mọi nẻo

Trời đầy trăng lạnh lẽo suốt xương da”

Lời kỹ nữ – Xuân Diệu

Thế nhưng, những cố gắng ấy không giúp nàng thay đổi được số mệnh. Tình cảnh người ca nữ về cuối tác phẩm không khác gì những ca kỹ của trăm năm về trước:

“Người giai nhân: Bến đợi dưới cây già

Tình du khách: Thuyền qua không buộc chặt

…Mắt run mờ, kỹ nữ thấy sông trôi

Du khách đi, du khách đã đi rồi”

Lời kỹ nữ – Xuân Diệu

Thân phận người đào nương đi hát múa làm vui đương nhiên chịu cảnh bẽ bàng trong tình cảm, bởi tình yêu và sự hâm mộ chỉ là trăng gió, đến rồi đi như gió thoảng mây bay. Cô Cầm thời trẻ được hâm mộ là thế, nhưng khi nhan sắc nhạt phai cũng trở nên đìu hiu nhạt nhẽo, ngồi đàn cô độc ở cuối tiệc, không người để ý. Không ai nhận ra đó là người danh ca năm xưa đã làm nghiêng ngả cả đô thành, bởi hình dung, hoàn cảnh quá tiều tụy: “…Nhìn người gảy đàn thì thấy một chị gầy gò, tiều tụy, sắc mặt đen xạm, xấu như quỉ, áo quần mặc toàn vải thô bạc thếch, và nhiều mảnh trắng, ngồi im lặng ở cuối chiếu chẳng hề nói cười, hình dáng thật khó coi” (Nguyễn Du dẫn mở đầu Long thành cầm giả ca, dẫn theo Vũ Ngọc Khánh, Ba trăm năm lẻ, [16, tr.151]). Những vàng son thưở trước đã bị sự bạc tình của người đời mờ xóa hết. Nhân vật người ca nữ ở đất La thành trong bài Điếu La thành ca giả cũng vậy. Cô vốn là một đào nương thanh sắc nổi danh ở Cổ Đạm, từng có nhiều người rắp ranh làm kẻ chung tình, nhưng những ngày cuối đời cũng phải chịu cảnh cô liêu heo hút, nghèo đói, ốm đau bệnh tật không người hỏi han chăm sóc. Để đến nỗi thi nhân dù chỉ biết nàng qua một tiệc đàn, khi nghe chuyện cũng phải động lòng thương mà làm thơ điếu: “Tưởng thị nhân gian vô thức thú/ Cửu tuyền khứ bạn Liễu Kỳ Khanh” (Ý hẳn nhân gian không kẻ biết/ Suối vàng làm bạn với Kỳ Khanh – Điếu La thành ca giả – Nguyễn Du). Trường hợp của những ca nữ này thấy nhiều trong văn thơ Việt Nam cũng như Trung Quốc.

b. Cuộc đời riêng của người ả đào trong văn chương thường lận đận, xướng ca vô loài, lưu lạc truân chuyên. Xuất thân là ca nữ, thuộc vào tầng lớp hèn kém nhất nhì trong xã hội, nên rất ít ca nữ có hôn nhân hạnh phúc, hầu như chấp nhận thân phận hầu thiếp. Đây thường là kết quả của những mối tình trăng gió nơi ca quán, người ca nữ may mắn không bị tình nhân bỏ rơi, nhưng lại bước chân vào kiếp lẽ mọn tôi đòi với những bất hạnh mới. Cô đầu Hiệu thư, sắc sảo tài năng là thế, nhưng rồi cũng phải chịu làm vợ lẽ của Nguyễn Công Trứ. Điều bất hạnh là Nguyễn Công Trứ không chỉ lấy một cô đầu làm lẽ. Các giai thoại về ông đều kể rằng ông đi đâu cũng đưa ả đào theo hầu. Chính ông đã tự làm thơ tả lại cảnh đó: “Gót tiên theo đủng đỉnh một đôi dì/ Bụt cũng nực cười ông ngất ngưởng” (Bài ca ngất ngưởng – Nguyễn Công Trứ). Năm bảy mươi ba tuổi, Nguyễn Công Trứ còn lấy một người vợ bé, mà ông đã đắc ý làm thơ kể lại:

“Kìa những người mái tuyết đã phau phau

Run rẩy kẻ tơ đào còn mảnh mảnh

Trong trướng gấm ngọn đèn hoa nhấp nhánh

Nhất tọa lê hoa áp hải đường”

Tuổi già lấy vợ hầu – Nguyễn Công Trứ

Theo ghi chép của Thái Kim Đỉnh, người tiểu thiếp ấy là Phan Thị Bảo, một đào nương của phường hát Như Sơn, nay thuộc xã Thạch Hải, huyện Thạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Hiện nay ở Thạch Kim, Thạch Hà còn có dòng họ Văn, tự nhận là dòng dõi ông Nguyễn – bà Phan. Những người tiểu thiếp xuất thân ca kỹ của Nguyễn Công Trứ là không hề ít. Sống chung trong một gia đình lớn, thân phận tiểu thiếp khó xử trăm bề. Nếu được chồng yêu thì sợ những người vợ khác ghen tuông, nếu chồng không yêu thì chịu cảnh phòng không gối lẻ: “Chốn cô phòng năn nỉ với cầm thi/ Đường viễn hoạn ngõ hầu tình chăng nhẽ/ Trong trần thế sầu lây mấy kẻ/ Giọng Hà Đông thêm cám cảnh cho ai” (Lời tiểu thiếp tự tình – Nguyễn Công Trứ). Đấy là chưa kể sự chênh lệnh tuổi tác cũng là một vật cản của hạnh phúc.

Có nhiều nhà nghiên cứu đồng ý với giả thuyết rằng, cuộc đời nữ sỹ Hồ Xuân Hương lừng danh có nhiều dấu vết của một ả đào – kỹ nữ thượng thặng. Nàng có nhiều tài năng tiêu biểu như cầm, kỳ, thi, tửu; nàng cũng từng quen với việc “cởi đai ngọc, nâng chén vàng”; nàng đi đây đó nhiều, từng gặp gỡ, xướng họa, thâm giao với nhiều văn nhân tài tử nổi tiếng. Quả thật, cuộc đời Xuân Hương là một cuộc đời đi ra ngoài khuôn khổ cuộc đời của người phụ nữ phong kiến phương Đông, có nhiều nét tương đồng với cuộc đời của các ả đào – kỹ nữ. Nếu quả thật như vậy, thì cuộc đời Xuân Hương là một minh chứng cho mệnh bạc của người ả đào. Tài sắc vẹn toàn, thông minh sắc sảo, nhưng Xuân Hương trải mấy đời chồng, lần nào cũng chịu cảnh làm lẽ: “Kẻ đắp chăn bông kẻ lạnh lùng”, đắng cay tủi nhục đến nỗi phải chửi tục: “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung”. Nàng chắc cũng từng chịu cảnh tình duyên bẽ bàng như những người ca nữ đã nhắc đến ở phần trên, nếu không hẳn đã không viết những lời thơ tủi phận ngậm ngùi như thế này:

“Dặm khách muôn nghìn nỗi nhớ nhung

Mượn ai tới đấy gửi cho cùng

Chữ tình chốc đã ba năm vẹn

Giấc mộng rồi ra nửa khắc không

Xe ngựa trộm mừng duyên tấp nập

Phấn son càng tủi phận long đong

Biết còn mảy chút sương siu mấy

Lầu nguyệt năm canh chiếc bóng chong”

Cảm cựu kiêm trình Cần chánh học sỹ Nguyễn hầu

Bài thơ đã lột tả hết nỗi niềm nhớ nhung da diết của người phụ nữ khi tình duyên xa cách, sự tủi hờn thương cảm cho thân phận long đong của chính mình, và không quên nhen nhóm lên một chút hy vọng mỏng manh. Nỗi niềm ấy, thân phận ấy rất tiêu biểu cho cảm xúc của người kỹ nữ trong xã hội cũ. Tình yêu với người văn nhân qua đi, người phụ nữ lại về với thực tế cô đơn của mình, còn người đàn ông kia sẽ vẫn vui vầy với vợ con, thậm chí có thể lại quen biết, dan díu với người ả đào khác.

Người không chịu cảnh lẽ mọn thì chịu cảnh truân chuyên, lưu lạc, lận đận. Người ca nữ trong bài thơ Cựu ca cơ (Con hát xưa) của Phạm Đình Hổ là một tiêu biểu cho thân phận long đong của người ca nữ khi thời thế biến động, sự việc đổi dời: “Phủng trang cựu lệ Tuyên phi viện/ án phách tân truyền Lại bộ ca/ Tang hải kỷ hồi kinh nhập mộng/ Quần thoa vô kế mạn tùy ba” (Cung Tuyên phi ấy dâng khay/ Vì quan Lại bộ trổ tài cầm ca/ Bể dâu trong mộng xót xa/ Phận hèn cam chịu sóng xô gió đùa – Cựu ca cơ – Phạm Đình Hổ). Từ một ca nữ trong cung Tuyên phi Đặng Thị Huệ, nay nàng thành cô gái dệt vải, mưu sinh lận đận như dân thường: “Chức cẩm phường đầu thị thiếp gia” (Đầu phường chức cẩm là nhà thiếp). Nhìn lại cuộc đời ca xướng của mình, người ca nữ chỉ còn biết ngậm ngùi than thở: “Thử sinh khởi liệu ngộ trâm thoa” (Phận trâm thoa để dở dang kiếp này). Một thái độ bất lực, nhưng cũng là tất yếu.

Trong truyện ngắn Thề non nước của Tản Đà, ca nữ Vân Anh cũng có một cuộc đời nhiều vất vả buồn phiền. Là một cô gái có tài, có học hành tử tế, nhưng vì gia cảnh sa sút, mẹ già ốm đau, Vân Anh phải đi hát ả đào kiếm tiền nuôi mẹ. Bước chân vào nghề hát, thân danh duyên phận nàng đã không bằng ai, trớ trêu hơn, còn phải chịu cảnh nghèo đeo đẳng. Hai mẹ con sống trong một căn nhà hai gian bằng tre nhỏ, giản dị, quang cảnh thể hiện rõ sự nghèo túng, đìu hiu: “…Chỗ ngồi uống nước đó kê một đôi trường kỷ tre, một cái án thư, bên trong còn một cái tủ chè bằng gỗ tạp; một gian bên thời có hai cái giường kê liền nhau, cũng có hai cái chiếu cạp đỏ đã cũ, bên giường trong có mắc một cái màn trắng cũ và vá…” (Thề non nước). ít khách vì không khéo chiều chuộng quan viên, Vân Anh nghèo đến nỗi nhà hết gạo không tiền mua, chủ nợ đến đòi không tiền trả, mẹ ốm chẳng có thuốc thang. Nàng phải mang cái áo mền nhiễu duy nhất đem lên Hà Nội cầm lấy ba đồng bạc, để vừa mua thuốc cho mẹ, vừa trang trải giả những tiền mua đồ ăn. “Thế là chỉ còn một cái áo băng rách cánh tay, để có đi mời rượu đâu thời mặc” (Thề non nước).

Cả chuyện tình duyên nàng cũng chẳng được như ý nguyện. Trong cảnh nghèo túng, Vân Anh gặp một người khách lạ. Những lần trò chuyện, uống rượu, tâm sự rồi cùng đề thơ xướng họa đã khiến cho hai tâm hồn xích lại gần nhau. Người khách hào hiệp còn giúp đỡ Vân Anh mấy chục đồng bạc để trang trải chi tiêu. Nhưng khách đến rồi khách đi, giai nhân không thể nào níu giữ. Từ đó, buồng xuân khóa lại, tình xuân phong kín, Vân Anh sống cô lẻ trong mối tình không với người khách một đi không trở lại: “Từ đấy mà về sau, những xe kề cửa nhà Vân Anh, vắng hay đông, không biết những ai; một người khách từ biệt trong lúc mờ sáng hôm ấy mà đi thời khó thay có buổi trùng lai vậy” (Thề non nước).

c- Bạc mệnh là từ chung, nhưng sự bạc mệnh thì muôn hình vạn trạng. Có người chết yểu, có người lẽ mọn, có người bị phụ bạc, có người cô đơn, có người nghèo túng… Mang trong mình tài năng, sắc đẹp bội phần hơn người, nhưng hầu hết họ đều sống cuộc đời nhiều sóng gió, lênh đênh trôi dạt, chịu nhiều đắng cay tủi nhục. Cũng chính vì mệnh bạc mà người ả đào luôn mang trong mình ý thức về thân phận và khát vọng sống hạnh phúc, đầm ấm. Ngay trong lời than thở của người ca nữ trong bài Cựu ca cơ, chúng ta đã tìm thấy ở đó một ước vọng thầm kín, được sống mãi những ngày yên ổn trong cung Liên Thụy thưở xưa.

Tác phẩm thể hiện rõ rệt nhất khát vọng hạnh phúc của ca nhi là truyện “Ca kỹ họ Nguyễn”, tác giả Vũ Trinh chép trong Lan trì kiến văn lục.

Nàng ca nhi họ Nguyễn được giới thiệu trong tác phẩm, là một thiếu nữ tài sắc vẹn toàn: “Có một kỹ nữ mười bẩy, mười tám tuổi, nhan sắc xinh đẹp, tài nghệ tuyệt trần, mỗi khi lên sân khấu cất giọng ca thì người xem đều ngây ngất không sao tự kiềm chế nổi. Tiền và lụa thưởng rào rào ném lên đầy bàn” (Ca kỹ họ Nguyễn [39, tr.61]). Còn rất trẻ, nhưng cô gái ý thức rõ về tài năng tuyệt thế cũng như thân phận xướng ca vô loài bạc bẽo của mình. Điều đó thể hiện qua câu đối đáp của nàng với Vũ Khâm Lân: “Thiếp tự biết mình là phận con hát, sợ lấy phải người chẳng xứng đôi, nên cố tìm tòi trong chốn trần ai. Nếu mà ngày sau chàng không nỡ phụ thì được trọn đời nương tựa” (Ca kỹ họ Nguyễn [39, tr.62]). Là ca nữ nổi danh, không thiếu người hâm mộ, nhưng cô gái đã chọn cho mình con đường kiếm tìm hạnh phúc riêng: cố gắng lấy được tấm chồng xứng đáng để thoát khỏi phận xướng ca, sống một đời êm ấm bên chồng con. Cô nuôi nấng, vun vén khát vọng ấy từ khi gặp anh học trò nghèo Vũ Khâm Lân. Biết ông là người có tài, mai sau có thể làm nên danh nghiệp, người ca nữ đã chủ động tìm gặp và tự nguyện mang tiền bạc tặng ông. Cô còn năng lui tới chăm sóc cửa nhà, may vá, nấu nướng không khác gì người vợ. Tấm lòng chân thật, phong thái đoan trang của cô khiến cho Vũ Khâm Lân vô cùng cảm kích. Khi chia tay, cô gái cũng không cho Vũ Khâm Lân biết tên tuổi, quê quán, một mực giữ danh giá và lòng kiêu hãnh: “Chàng không phụ thiếp, thiếp sẽ tự tìm đến chàng. Lỡ ra việc chẳng ra sao, chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Việc gì phải gặng hỏi nữa!” (Ca kỹ họ Nguyễn [39, tr.63]). Đến lúc đã thân thiết, tin tưởng nhau như thế nhưng cô gái vẫn mang trong lòng một dự cảm chẳng lành, một nỗi lo đau đáu về tương lai và hạnh phúc.

Và nỗi lo âu đã trở thành hiện thực. Vũ Khâm Lân thi đỗ Tiến sỹ trở về, xin cưới cô gái để trả nghĩa xưa. Nhưng cha ông không đồng ý, bởi quan niệm ca kỹ là “loại đàn bà giang hồ”, không xứng đáng bước chân vào nhà gia thế. Khát vọng, tương lai mà cô gái dày công kiếm tìm, dựng xây đã vỡ tan trước bức tường lễ giáo khắc nghiệt. Đành nghe lời cha, Vũ Khâm Lân kết hôn với người con gái gia đình lựa chọn. Cô gái thông minh biết nỗ lực nhỏ nhoi không chiến thắng được bức tường lễ giáo, quan niệm phong kiếm nên chấp nhận số phận tiền định, không oán hờn, không trách than mà vẫn đến gặp Vũ Khâm Lân nói lời từ biệt: “Tiền trình của chàng còn xa muôn dặm, thiếp hèn hạ không xứng hầu hạ khăn lược cho chàng. Đó là số phận của thiếp” (Ca kỹ họ Nguyễn [39, tr.64]).

Dù có khát vọng mãnh liệt và trí thông minh sắc sảo đến mấy, ca kỹ trong truyện vẫn phải chấp nhận một kiếp sống bạc mệnh, lênh đênh. Nàng lấy chồng làm một chức quan nhỏ ở Thái Nguyên, khi chồng chết, em ruột phá tán gia sản, nàng đành dắt mẹ lang thang ở đất Trường An, đàn hát kiếm ăn qua ngày. Bao nhiêu năm sau gặp lại, Vũ Khâm Lân vẫn nhận ra người con gái xưa, dung nhan có phong trần nhưng tài hoa thì vẫn còn đó. Đến tận cuối đời, cô gái vẫn nuôi trong lòng khát vọng hạnh phúc ngày xưa, nhưng giữ gìn danh giá và lòng kiêu hãnh, không nhận tiền bạc Vũ Khâm Lân tặng: “Thiếp không có phúc được làm vợ chàng thì những thứ tiền bạc này đâu có phúc để tiêu mà nhận” (Ca kỹ họ Nguyễn [39, tr.65]). Câu chuyện buồn này cho biết sự kỳ thị với người phụ nữ làm nghề cầm ca là một sự thật không thể không thừa nhận trong xã hội phong kiến.

Mặc dù trải dài qua nhiều giai đoạn văn học, nhưng hình ảnh người ả đào vẫn mang đặc trưng của giai đoạn nửa cuối thế kỷ XVIII và thế kỷ XIX nhiều nhất: giai đoạn bùng nổ hình ảnh người phụ nữ tài hoa bạc phận. Họ vừa mang những đặc điểm nghề nghiệp riêng có, lại vừa có nét tương đồng với nhân vật phụ nữ nói chung. Chỉ có họ, với nghề nghiệp ca múa giải trí, mới tham gia vào một sinh hoạt văn hóa đặc sắc như hát ả đào và mới có cơ hội quen biết, giao lưu tình cảm với các văn nhân nho sỹ, trở thành những nhân vật tình nhân tài sắc nổi bật trong văn học. Sự bạc mệnh là mệnh đề chung của mọi nhân vật phụ nữ cùng thời, nhưng đặc biệt tập trung vào nhân vật ả đào – kỹ nữ. Sự bạc mệnh ấy không những được lý giải bằng các lý do cá nhân, cuộc đời riêng tư mà còn được đặt trong những biến động lớn của thời cuộc.

Nhưng điểm thú vị của nhân vật ả đào không chỉ nằm ở đó. Điều tạo nên sức hấp dẫn của nhân vật này chính là sự phong phú, đa sắc thái của hình tượng. ả đào chỉ là người phụ nữ làm nghề mua vui, nên dù cho có bạc mệnh, khổ đau, thì không phải ai cũng nhìn họ với cái nhìn đồng cảm. Xã hội phân biệt, định kiến đã đành, nhưng những người bạn thân thiết, thâm tình giao chưa chắc đã là tri kỷ? Người thấu hiểu ả đào hơn cả, và làm nhiều thơ văn về ả đào hơn cả, có lẽ không ai bằng các khán thính giả ca trù – những người vừa là khách nghe hát, vừa là tình nhân đầu mày cuối mắt của các cô đầu. Nhưng chính tự những người này đã có cái nhìn khác biệt, thậm chí là tương phản.

Đoàn Anh Đào – Luận văn Thạc sĩ (Sưu tầm)

ĐỌC THÊM

Mở đơn đăng kí tuyển BTC mùa 2

Deadline: 23:59 ngày 18/01/2021 Đối tượng: Độ tuổi 15 – 30 trên địa bàn cả nước Việt Nam Link đơn: https://bit.ly/btctckv2021 ___________ Trường Ca Kịch

Mới cập nhật