Giới thiệu về Hát Xẩm

GIỚI THIỆU VỀ HÁT XẨM

Trong suốt quá trình hình thành và phát triển, hát Xẩm luôn có vai trò và tầm ảnh hưởng nhất định đối với nền âm nhạc Việt Nam nói riêng và nền văn hoá của Việt Nam nói chung. Được biết tới là hình thức hát rong phổ biến trong xã hội phong kiến trước đây, Xẩm không chỉ là phương tiện kiếm sống của người khiếm thị, mà còn là hoạt động giải trí của người nông dân lúc nông nhàn, là tiếng lòng của con người với cuộc sống cá nhân, với xã hội và đất nước.

NGUỒN GỐC – LỊCH SỬ

1. Nguồn gốc hình thành

Xẩm, trong tâm thức của nhiều người thường gắn với những người nghệ sĩ mù nghèo khổ, nay đây mai đó, dong ruổi trên từng con phố với cây đàn của mình. Thế nhưng, huyền tích về cội nguồn của Xẩm lại không hề tầm thường.

 

Một gánh hát Xẩm xưa (Ảnh: Báo tin tức)

 

Theo truyền thuyết, đời nhà Trần, vua cha Trần Thánh Tông có hai hoàng tử là Trần Quốc ToánTrần Quốc Đĩnh. Do tranh giành quyền lực nên Trần Quốc Đĩnh bị Trần Quốc Toán hãm hại, chọc mù mắt rồi đem bỏ giữa rừng sâu. Tỉnh dậy, hai mắt mù lòa nên Trần Quốc Đĩnh chỉ biết than khóc rồi thiếp đi. Trong mơ bụt hiện ra dạy cho ông cách làm một cây đàn với dây đàn làm bằng dây rừng và gảy bằng que nứa. Tỉnh dậy, ông mò mẫm làm cây đàn và thật lạ kỳ, cây đàn vang lên những âm thanh rất hay khiến chim muông sà xuống nghe và mang hoa quả đến cho ông ăn. Sau đó, những người đi rừng nghe tiếng đàn đã tìm thấy và đưa ông về. Trần Quốc Đĩnh dạy đàn cho những người nghèo, người khiếm thị. Tiếng đồn về những khúc nhạc của ông lan đến tận hoàng cung, vua cho mời ông vào hát và nhận ra con mình. Trở lại đời sống cung đình, nhưng Trần Quốc Đĩnh vẫn tiếp tục mang tiếng đàn, lời ca dạy cho người dân để họ có nghề kiếm sống. Hát Xẩm đã ra đời từ đó và Trần Quốc Đĩnh được suy tôn là ông tổ nghề hát Xẩm nói riêng cũng như hát xướng dân gian Việt Nam nói chung. Người dân lấy ngày 22 tháng 2 và 22 tháng 8 âm lịch làm ngày giỗ của ông.

 

Trên thực tế, quả thật vua Trần Thánh Tông có hai người con trai, nhưng không ai tên Quốc Toán, Quốc Đĩnh. Do vậy, nguồn gốc của hát Xẩm là dựa trên thánh tích chứ không truy ra được chính sử. Mặc dù chưa tìm thấy một văn bản viết nào xác định nguồn gốc của hát Xẩm nhưng từ hàng trăm năm nay người đời vẫn truyền miệng nhau câu chuyện của đời nhà Trần. Cũng từ đó, người ta cũng nhìn thấy rằng, dòng dõi cao quý, cùng những thanh âm kỳ diệu của Xẩm không chỉ đem lại ấn tượng sâu sắc cho vua mà còn bộc lộ tinh thần lạc quan của những người mù loà, sẵn sàng vượt lên nghịch cảnh để kiếm ăn bằng chính tài năng và sức lực của mình. Do vậy, tính hàn lâm trong ca từ và sự chặt chẽ trong luật thơ của các bài Xẩm xưa hiện hữu vô cùng rõ nét, dẫu rằng nó gắn liền với đời sống dân dã bình dị.

 

Có một số nghiên cứu cho rằng, nghệ thuật hát Xẩm là một phiên bản khác của hát Chèo bởi hai thể loại này đều mang dấu vết của loại hình “hát nói” – xuất hiện từ thuở sơ khai của dân tộc cổ đại. Tuy nhiên, cái độc đáo của Xẩm so với Chèo nằm ở chỗ: nghệ sĩ Chèo được trải dài từ nông thôn đến thành thị, từ quý tộc đến nông dân. Trong khi đó, nghệ nhân hát Xẩm là những người mù loà, thường không được học đầy đủ từ bé, sau lấy nghề hát rong trên đường kiếm sống. Khác với Chèo, nơi mà con người cảm nhận thế giới xung quanh qua đôi mắt của chính mình, còn ở Xẩm người nghệ sĩ lắng nghe sự sống bằng chính đôi tai của mình. Mất đi lăng kính của mình nhưng bù lại, nghệ nhân hát Xẩm lại cảm nhận được từng âm sắc đầy phong phú, từng nhịp sống hối hả hay chậm rãi khác nhau của mỗi người. Từ đây, họ định hình thế giới theo cách riêng của họ và thổi hồn vào những câu hát bằng những nét tinh tế xuất phát từ chính tâm hồn. Hài hòa mà sâu lắng, da diết mà âm vang, Xẩm hội tụ đầy đủ các yếu tố để trở thành giai điệu khó quên dành cho mỗi thính giả, gửi gắm trong từng ca từ những dấu ấn khó phai từ một lăng kính khác biệt.

 

2. Lịch sử hình thành:

Xa xưa, trên các bến đò quanh chợ, nơi đông người qua lại, không khó để ta bắt gặp hình ảnh bác Xẩm mù loà ngồi trên manh chiếu nát sờn, thổi hồn vào từng câu hát ngón đàn, làm vui lòng nhân gian cốt để đổi lấy đồng tiền bát gạo. Trong xã hội đặc thù thời bất giờ, Xẩm là người phổ biến lan truyền tốt nhất những câu ca dao tục ngữ qua những chuyện sinh hoạt, cất lên những oán thán cho sự bất công của xã hội và kể lại những câu chuyện với khát vọng về một cuộc sống đủ đầy, khát vọng thiện lương của nhân dân. Do vậy, trong một thời gian dài, Xẩm trở thành món ăn tinh thần của rất nhiều người. Cái hay của Xẩm còn ở chỗ, nó không chỉ phục vụ riêng cho một nhóm người nào, biểu diễn cũng rất linh hoạt ở bất cứ nơi đâu và hơn cả, là cốt cách những người nghệ sĩ: không ủ vào tật nguyền để xin bố thí mà lo trau dồi lời ca tiếng hát của mình để kiếm sống.

 

Tuy vậy, Xẩm chỉ thật sự bùng nổ khi nó bước vào cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Xẩm lúc này không chỉ là những câu ca mua vui cho thính giả nữa, mà nó còn là một mắt xích vô cùng quan trọng trong việc tuyên truyền, vận động. Xẩm dùng chính sự thân thuộc với người dân của mình để gửi gắm ý chí, đề cao khát vọng dân tộc. Sau cách mạng tháng Tám, hát Xẩm tiếp tục được chính quyền sử dụng trong tuyên truyền phong trào bình dân học vụ. Trong các giai đoạn lịch sử mà hát Xẩm đi cùng, có lẽ hình ảnh khó quên nhất là Xẩm Minh Sơn (Thanh Hoá) đã ôm cây đàn Nhị đi khắp nơi trên mặt trận binh để đem những lời ca hóm hỉnh, mang lại tiếng cười sảng khoái cho các chiến sĩ trong trận tuyến quyết giữ mạch máu lưu thông cầu Hàm Rồng. 

 

Tiếc thay, từ thập niên 60 của thế kỉ XX trở lại đây, vì nhiều nguyên nhân khác nhau do điều kiện đặc thù của xã hội, đặc biệt là những quan niệm lệch lạc đã khiến các phường Xẩm dần mất đi vị thế trong đời sống tinh thần của người dân. Các nghệ nhân Xẩm tài danh dần bước vào tuổi xế chiều, rồi ra đi, lặng lẽ đem theo những giá trị to lớn mà họ từng cất giữ vào thực hành. Dẫu vậy, ngày nay, với các chính sách quan tâm đến bảo tồn văn hoá, Xẩm đang từng bước nhận được sự quan tâm từ mọi người bởi nó không chỉ dấu ấn to lớn của những người khiếm khuyết mà còn là một chứng nhân lịch sử quan trọng trong suốt nhiều thế kỉ.

 

Nguồn tham khảo 

1. Wikipedia tiếng Việt – Xẩm

2. Trần Việt Ngữ (2002) – Hát xẩm

3. Trần Thị Thanh Dung (2018) – Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá hát xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình  (Luận văn Thạc sĩ Quản lý Văn hoá)

 

NỘI DUNG – LÀN ĐIỆU

1. Nội dung

Hát Xẩm nằm trong loại hình hát nói kể chuyện, giai điệu hình thành chủ yếu dựa theo thanh điệu và ngữ điệu lời văn, nhiều tính tự sự. Nội dung của các bài hát Xẩm khá phong phú. Ngót nghét 400 bài hát và hầu hết trong số đó đều lưu giữ qua việc truyền miệng, không ai nhớ tên “tác giả”, đã phần nào biểu đạt được tâm tư, khát vọng của tầng lớp lao động, nông dân và thị dân xưa, đồng thời cũng cũng phản ánh suy nghĩ của chính nhân dân trước xã hội biến thiên thời cuộc.

 

Với người hát Xẩm, họ dùng giọng ca, tiếng đàn, lời hát để lên án, phản kháng những bất công cường quyền, áp bức, những thói hư tật xấu của xã hội, hay đôi khi là những tiếng hát có tính bi ai về số phận và cuộc sống của mình, đặc biệt từ cái nhìn của tầng lớp nghèo hoặc người phụ nữ.

 


Bài Xẩm Dạt Nước Cánh Bèo, trình bày bởi cố nghệ nhân Hà Thị Cầu, từ than số phận bản thân mà nói về cuộc sống vất vả của người phụ nữ trong xã hội xưa (Nguồn: YouTube)

 

Tuy nhiên, hát Xẩm vẫn cho thấy rõ tính nhân văn trữ tình hoà lẫn với niềm lạc quan. Điều này được thể hiện ở sự cảm thông và bênh vực cho những nỗi vất vả, khổ đau của tầng lớp nghèo, niềm tin yêu vào cuộc sống con ngườinhững ước mơ lãng mạng bay xa. Trong Xẩm, mối quan hệ giữa con người với nhau như cha mẹ – con cái hay tình yêu đôi lứa cũng là một chủ đề thường gặp. Ở Xẩm, cái lạc quan, yêu đời thường lấn át những bi kịch.

 

Ngoài ra còn phải kể đến những bài Xẩm có nội dung khích lệ tinh thần yêu nước, một lòng với Đảng trong thời kỳ đất nước mưa bom, đạn lạc,…qua những lời hát Xẩm, những người nghệ sĩ đã phần nào truyền tải đi những thông điệp hết sức ý nghĩa về nhiều khía cạnh của xã hội. Theo nhạc sĩ Nguyễn Quang Long, ngay từ khi ra đời, Xẩm luôn là một “kênh” thông tin thời sự bằng âm nhạc, được dùng để truyền tải tình yêu quê hương, đất nước, truyền tải những thông điệp mang tính thời sự của xã hội.

 


Bài Xẩm ‘Theo Đảng trọn đời’ do cố nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày (Nguồn: YouTube)

 

Lời ca của những bài Xẩm chịu ảnh hưởng sâu sắc và quan hệ mất thiết với tục ngữ, dân dao, dân ca, dân nhạc vùng châu thổ sống Hồng, đúng ra vùng trung châu và đồng bằng phía Bắc, nên mang hầu hết đặc điểm của văn hoá dân gian: vận dụng ngôn ngữ quần chúng đầy sáng tạo, kết hợp khôn khéo tiếng hát với tiếng nhạc cùng với động tác tuy còn đơn giản nhưng thuần phác. Khi tiếng ca Xẩm cất lên, người ta nghe thấy trong đó sự mộc mạc, giản dị và gần gũi. Cũng chính nhờ cái chân chất, thân quen trong mỗi câu hát đã giúp Xẩm vẫn tiếp tục hiện hữu trong chính xã hội hiện đại – nơi mà nhiều vẻ đẹp truyền thống đã bị bào mòn. Những bài Xẩm được hoàn thiện dần trên đường xẩm hành nghề, do sự đóng góp, trau chuốt của lớp lớp nghệ nhân truyền đời.

 

2. Làn điệu: Ban đầu, hát Xẩm chỉ xuất hiện những làn điệu đơn giản, gần gũi với đời sống hàng ngày của người dân: Xẩm Chợ, Xẩm Thập Ân,.. Sau này, Xẩm xuất hiện nhiều làn điệu hơn phù hợp với đời sống con người hiện đại. Các làn điệu xẩm thường được đặt tên theo bài hát, nơi biểu diễn, mục đích, nội dung.

 

  2.1. Điệu Xẩm Chợ: Gắn liền với không gian biểu diễn là những nơi góc chợ, Xẩm Chợ thường giản dị, ngắn gọn, đậm tính hát kể chuyện và mang màu sắc hóm hỉnh, nhằm thu hút sự chú ý của người nghe. Dù vậy, đôi khi trong bài Xẩm Chợ vẫn tồn tại những giây phút sâu xa lắng đọng.

 


Một bài Xẩm Chợ do NSƯT Văn Tỵ trình bày (Nguồn: YouTube)

 

  2.2. Điệu Thập ânXẩm Thập ân có nội dung là 10 điều ghi khắc công ơn sinh thành dưỡng dục của mẹ cha từ hồi con còn tấm bé đến lúc trưởng thành. Với tiếng ca giàu chất trữ tình, da diết, Xẩm Thập ân không chỉ nhắc nhở mỗi người nhớ về công lao của đấng sinh thành mà còn tượng trưng cho một ca giáo hiếu điển hình.

 


Một đoạn trích bài Thập Ân do cố nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày (Nguồn: YouTube)

 

  2.3. Điệu Phồn HuêQua làn điệu Xẩm Phồn Huê, nghệ nhân hát Xẩm gửi gắm tới những người phụ nữ phong kiến một sự đồng cảm to lớn. Ca từ của Xẩm Phồn huê là tiếng nói thuật lại nỗi đau khổ, khó nhằn của người phụ nữ đương thời và cũng đồng thời châm biếm. chỉ trích thói xấu của người chồng, của gia đình và rộng hơn là của cả xã hội lúc bấy giờ.

 


Một bài Xẩm Phồn Huê do NSND Xuân Hoạch trình bày (Nguồn: YouTube)

 

  2.4. Điệu Riềm HuêXẩm Riềm Huê hay còn được gọi là xẩm Huê Tình mang tiết tấu vui tươi, rộn ràng cộng thêm sự xuất hiện đặc sắc của trống cơm trên giai điệu đã giúp người nghệ sĩ xẩm truyền tải được rất nhiều nội dung phong phú: từ tình yêu đôi lứa cho đến trào phúng, châm chọc các thói hư tật xấu hay cảm thông cho số phận bạc bẽo của những người phụ nữ.

 


Một bài Xẩm Huê Tình do cố nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày (Nguồn: YouTube)

 

  2.5. Điệu Chênh BongLàn điệu Chênh bông có nét đặc trưng trữ tình, duyên dáng nhưng cũng đầy vui tươi, nhiệt huyết của những chàng trai, cô gái đang độ tuổi cập kê muốn trao nhau những lời ong bướm.

 

  2.6. Điệu Hò bốn mùa: Có tên gọi khác là Hò Khoan. Khác với các làn điệu còn lại, điệu Hò bốn mùa được biểu diễn bởi cả tập thể. Sở dĩ Hò bốn mùa được dùng trong cả tập thể bởi nó chuyên dùng trong công việc làm ăn của người nông dân, chẳng hạn như hát trong lúc cày cấy, gặt lúa. Khi ra tới Hà Nội hay các phố thị khác, làn điệu này được các nghệ nhân biến tấu đi để phù hợp với môi trường sống nơi đó.

 


Một tiết mục Hò Bốn Mùa (Nguồn: YouTube)

 

  2.7. Điệu Hát aiHát Ai là một điệu Xẩm có tính chất than thở chua chát, thường xuất hiện ở một số đoạn có nội dung buồn thảm trong các bài Xẩm dài. Khác với các làn điệu khác, trong bài Xẩm, Hát Ai thường không được sử dụng làm làn điệu chính.

 

  2.8. Xẩm Sai: Điệu Xẩm Sai bắt nguồn từ điệu Hát Sai được các phù thuỷ xưa sử dụng trong các nghi lễ trừ tà xưa. Xẩm Sai thường dùng để lên án và đả kích những thói hư tật xấu trong xã hội.

 


Bài Xẩm ‘Thuốc Phiện’ do cố nghệ nhân Hà Thị Cầu trình bày (Nguồn: YouTube)

 

  2.9. Điệu Ba bậcBa bậc là làn điệu khá độc đáo của nghệ thuật Hát Xẩm. Ba bậc thiên về tính tự sự nhưng gắn với tình yêu đôi lứa, thường thể hiện tâm trạng của một chàng trai khi tương tư một cô gái. Xẩm Ba Bậc với những nét độc đáo của nó còn được các thể loại khác khai thác, như sang hát Ả đào gọi là Xẩm Nhà Tơ, Xẩm Nhà Trò, Xẩm Cô Đầu. Lời thơ thường mang tính bác học, dành cho đối tượng tri thức.

 


Một đoạn Xẩm Ba Bậc do NSND Xuân Hoạch trình bày

 

  2.10. Xẩm Hà Liễu: Có tên gọi khác là Nữ Oán hay Nhân Tư, điệu Xẩm này như những lời tự than về nỗi ai oán, khổ đau của con người với nhịp điệu chậm rãi mà da diết, với những đoạn hát tuy không khéo dài mà cả bài có thể lên tới 10 khổ lời. Một bài tiêu biểu cho Xẩm Hà Liễu là bài ‘Dạt Nước Cánh Bèo’ của cố nghệ nhân đã được trích dẫn ở đầu mục.

 

  2.11. Xẩm tàu điện: Đây là loại xẩm được ra đời từ đầu thế kỉ XX ở môi trường đô thị Hà Nội, khi những chuyến tàu điện đã trở thành một ‘sân khấu’ cho những nghệ sĩ Xẩm biểu diễn bằng cách đi qua các toa tàu. Các bài Xẩm thường có nhịp điệu nhanh, gọn, đôi khi được biểu diễn theo nhịp lắc lư của tàu.

 

Một phóng sự ngắn về Xẩm Tàu điện (Nguồn: YouTube)

 

Nguồn tham khảo: 

1. Wikipedia tiếng Việt – Xẩm

2. Trần Việt Ngữ (2002) – Hát xẩm

3. Phạm Duy (2017) – Đặc khảo về dân nhạc Việt Nam

4. Trần Thị Thanh Dung (2018) – Bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá hát xẩm trên địa bàn tỉnh Ninh Bình  (Luận văn Thạc sĩ Quản lý Văn hoá)

5. Nguyễn Phương Anh (2017) – Cùng tìm hiểu về 12 làn điệu Xẩm – medium.com 

 

NHẠC CỤ

1. Nhạc cụ cơ bảnBộ nhạc cụ đơn giản nhất để hát Xẩm chỉ gồm đàn nhị và Sênh tiền, nhóm hát Xẩm đông người có thể dùng thêm đàn bầu, trống mảnh và phách bàn. Ngoài ra, đàn đáy, trống cơm, sáo và thanh la cũng có thể hiện diện trong hát Xẩm.

 

  1.1. Đàn nhịLà nhạc cụ thuộc bộ dây có cung vĩ, do đàn có 2 dây nên gọi là đàn nhị (二). Đàn xuất hiện ở Việt Nam khoảng thế kỷ 10. Ngoài người Kinh, nhiều người dân tộc thiểu số Việt Nam cũng sử dụng rộng rãi nhạc cụ này (Tày, Nùng, Mường, Dao…). Nhị là một nhạc cụ quan trọng, đóng vai trò chủ đạo không thể thiếu trong nghệ thuật hát Xẩm – là linh hồn của một bài Xẩm.

 

Đàn nhị có âm vực rộng hơn 2 quãng tám, âm thanh trong sáng, rõ ràng, mềm mại gần với giọng hát cao (giọng kim). Muốn thay đổi âm sắc hoặc giảm độ vang người ta dùng đầu gối trái bịt một phần miệng loa của bát nhị (khi ngồi trên ghế kéo đàn) hay dùng ngón chân cái chạm vào da của bát nhị (khi ngồi trên phản kéo đàn, trên ghế hay các vị trí ngồi khác). Nhờ những cách này âm thanh sẽ xa vẳng, mơ hồ, tối tăm và lạnh lẽo diễn tả tâm trạng thầm kín, buồn phiền,…

 

Nghệ nhân Hà Thị Cầu và cây đàn nhị (Ảnh: Tuổi Trẻ Online)

 

Kỹ thuật đàn khá phong phú, bao gồm từ ngón vuốt, ngón nhấn, ngón láy, ngón chuyền đến cung vĩ liền, cung vĩ ngắt, cung vĩ rời và cung vĩ rung,… Có tài liệu ghi lại rằng, trước đây người ta đã dùng đàn Bầu để đệm cho hát Xẩm nhưng sau này đã phát hiện ra đàn Nhị, tiếng đàn Nhị to hơn, phù hợp với chỗ đông người, đàn nhỏ gọn, tiện cho việc di chuyển… Trong hát Xẩm, đàn Nhị được sử dụng hết sức linh hoạt, mang nhiều tính ngẫu hứng. Tiếng đàn và giọng hát đan xen hòa quện với nhau, lúc trầm, lúc bổng.

 

  1.2. Sênh: Sênh dùng đệm nhịp cho hát Xẩm có thể là sênh sứa (gồm hai thanh tre hoặc gỗ) hoặc sênh tiền (có gắn thêm những đồng tiền kim loại để tạo âm thanh xúc xắc). Sênh tiền là một cặp phách hai lá bằng gỗ cứng. Lá phách thứ nhất gọi là “lá phách kép“, lá phách thứ hai gọi là “lá phách đơn“. Lá phách kép gồm hai thanh gỗ một dài (25 cm), một ngắn (11 cm) được gắn úp vào nhau bằng một miếng da hay một bản lề. Phía đầu thanh dài có gắn các cọc tiền chinh. Lá phách đơn dài 25 cm có các đường rǎng cưa ở cạnh và ở mặt lá phách. Khi đánh phách, tay trái cầm lá phách kép, tay phải cầm lá phách đơn vừa đập, vừa rung, vừa quẹt tạo ra các tiết tấu nghe rất rộn ràng. Sênh tiền chủ yếu dùng đệm nhịp điệu ở các dàn nhạc tế, lễ, dàn đại nhạc cung đình và nhạc múa cổ truyền.

 

Sênh tiền (Ảnh: Đọt chuối non)

 

Sênh sứa là loại phách gồm hai miếng tre giống như hình chiếc lá, chiều dài khoảng 14cm, chiều ngang đoạn giữa khoảng 5cm, bề cật tre là lưng, bề ruột tre là mặt. Cặp Kè tiếng trong, dòn, vui tươi, có những tiếng rung rất độc đáo. Khi biểu diễn Sênh Sứa, người chơi cầm đôi Cặp Kè trong lòng bàn tay, hai mặt lưng ấp vào nhau, cặp kè thường sử dụng hai đôi, cầm ở hai tay, với bàn tay điêu luyện, lúc mở lúc nắm vào, lúc rung các ngón tay, lúc tay này nắm tay kia mở, lưng cặp kè gõ vào nhau, tạo nên tiết tấu và hiệu quả âm thanh hấp dẫn. Sênh Sứa thường được sử dụng trong Ban nhạc Xẩm, đi cùng với Mõ tre nghe rất bình dị, hài hòa.

 

Sênh sứa (Ảnh: Đọt chuối non)

 

2. Các nhạc cụ khác
  2.1. Trống mảnhTrống Xẩm hay còn gọi là trống mảnh, là nhạc cụ họ màng rung, chi gõ của dân tộc Việt. Tang trống bằng gỗ, cao khoảng 6 cm. Trống chỉ có một mặt, bịt bằng da, đường kính 10 cm. Đáy rộng hơn, đường kính 15 cm không bịt da. Dùi trống làm bằng gỗ cứng dài 20 cm. Khi diễn tấu trống mảnh được gõ bằng một dùi. Âm thanh trống mảnh đục, không vang. Trống có vai trò giữ phách, trong một bài xẩm đầu tiên phải có dạo trống, sau khi tiếng trống dứt là đến đàn nhị và sau đó là vào phách.

 

Trống mảnh (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

 

  2.2. PháchPhách là nhạc cụ gõ, xuất hiện trong nhiều thể loại ca, múa nhạc ở Việt Nam từ lâu đời. Trong hát Xẩm phách gọi là cặp kè; trong Cải Lương và dàn nhạc tài tử phách là song lang; trong ca Huế phách là sênh, còn trong dàn nhạc tuồng, đám ma, múa tôn giáo và múa dân gian người ta mới gọi là phách. Nhiệm vụ của phách trong một chiếu Xẩm là giữ nhịp cho dàn nhạc, người hát.

 

Phách trong xẩm (Ảnh: Wikipedia)

 

  2.3. Đàn bầuThuở hàn vi, cây Đàn Bầu đơn sơ đã gắn liền với nghệ thuật hát Xẩm. Lúc bấy giờ, cây đàn thể hiện vai trò của mình trong việc đệm hát hoặc độc tấu. Sau do đàn nhị dễ chơi hơn và có âm lượng tốt hơn (phù hợp với chỗ đông người) nên thường được sử dụng. Đàn bầu là loại đàn một dây của người Việt, thanh âm phát ra nhờ sử dụng que hay miếng gảy vào dây. Thời nhà Lý, Đàn Bầu được dùng để đệm cho người hát Xẩm, làm thanh bồi cho các khúc ca dân dã của nam thanh nữ tú tuổi tâm tình, của người già khắc khổ trong chuyến hành hương cuộc đời gian nan, của trẻ em hồn nhiên với tuổi thơ đầy bươn chải.

 


NSND Xuân Hoạch hát Xẩm với cây đàn bầu (Nguồn: YouTube)

 

  2.4. Đàn gáoĐể thay cho đàn nhị truyền thống, có thể dùng đàn gáo (còn được gọi là đàn Hồ). Đây là loại đàn được phát triển từ đàn nhị nhưng to và dài hơn, thích hợp khi đệm cho giọng trầm. Người ta dùng nó để đệm cho các giọng nam trung, nam trầm, nữ trung (còn gọi là giọng thổ), diễn tả những âm điệu suy tư, trầm mặc hoặc những giai điệu buồn. 

 

NSND Xuân Hoạch cùng cây đàn gáo (Ảnh: Báo Ảnh Việt Nam)

 

  2.5. Thanh la: Thanh la là tên gọi một nhạc cụ thuộc họ tự thân vang, chi gõ của dân tộc Việt. ở miền Nam gọi là Đẩu, miền Trung gọi là Tang. Được làm bằng đồng kim hợp thiếc có pha chì, hình tròn. Thanh la có nhiều cỡ to, nhỏ khác nhau, đường kính 15 – 25 cm, mặt hơi phồng, xung quoanh có thành cao 4 cm, ở cạnh thanh la người ta dùi hai lỗ thủng để xỏ một sợi dây quai. Khi diễn tấu nhạc công cầm dây quai dơ lên, còn một tay cầm dùi gõ vào mặt thau tạo ra tiếng vang, trong trẻo.

 

Thanh la (Ảnh: Đọt chuối non)

 

  2.6. Đàn đáyHát Xẩm cô đào đệm đàn đáy và sênh phách, không dùng đàn bầu và nhị. Đàn đáy là một nhạc cụ do dân tộc Việt Nam sáng tạo ra. Không rõ đàn đáy xuất hiện lần đầu vào năm nào nhưng nó được nhắc đến gần 200 năm qua. Đàn đáy có tên gốc là “đàn không đáy” tức “vô đề cầm“, vì nó không có đáy (hậu đàn). Do đó người ta gọi tắt là đàn đáy lâu ngày thành tên chính thức như hiện nay. Một giả thuyết khác cho rằng nhạc cụ này có dây đeo bằng vải, dây này trong chữ Hán là “đái” (đai) nên mới gọi là “đàn đái”, đọc chệch lâu ngày thành “đàn đáy”.

 

NSND Xuân Hoạch với cây đàn đáy trong chương trình ‘Chuyện nhạc Phố cổ’ năm 2016 (Ảnh: Báo Điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam)

 

  2.7. Trống cơmTừ thế kỷ 10, trống cơm đã xuất hiện ở Việt Nam (đời nhà Lý). Đây là nhạc cụ gõ, định âm, còn có tên gọi khác là phạn cổ (phạn là cơm, cổ là trống). Trong các ban nhạc tuồng, chèo và ban nhạc tang lễ ngày xưa có loại trống này. Nhiều ban nhạc ngày nay cũng sử dụng trống cơm, trong đó có hát Xẩm. Trước khi đánh trống người ta thường lấy cơm nghiền nát, trét vào giữa mặt trống để định âm, do đó trống này gọi là “trống cơm”.

 

Một bài xẩm có dùng trống cơm (Nguồn: YouTube)

 

Nguồn tham khảo 

1. Wikipedia tiếng Việt – Xẩm

2. Trần Văn Khê (2004) – Du ngoạn trong âm nhạc truyền thống Việt Nam

 

XẨM NGÀY NAY

Nghệ thuật Xẩm Việt Nam hiện nay đã có nhiều thay đổi, bên cạnh những bài Xẩm cổ như: Xẩm thập ân, Xẩm chợ, Xẩm tàu điện…, gần đây, các nghệ sĩ cũng sáng tác nhiều bài Xẩm mới, với lời hát thể hiện cái nhìn của giới trẻ về cuộc sống. Theo nhiều nhà nghiên cứu về loại hình nghệ thuật này, những thay đổi song song với việc phát triển Xẩm cổ đã và đang đưa hát Xẩm đến với nhiều đối tượng khán thính giả hơn, bên cạnh đó cũng góp phần bảo tồn và phát triển phong phú, đa dạng loại hình nghệ thuật của cội nguồn dân gian. Điều này thể hiện rõ trong những năm trở lại đây, Xẩm đã trở nên quen thuộc hơn với khán giả trong và ngoài nước.

 


Bài Xẩm cổ động ‘Tiêu diệt Corona’ của nhóm Xẩm Hà Thành (Nguồn: Nhóm Xẩm Hà Thành)

 

Ngoài ra, việc bảo tồn và gìn giữ lại những nét tinh túy nhất của Xẩm cổ cũng rất quan trọng. Hiện nay, rất nhiều các câu lạc bộ ở các tỉnh thành phía Bắc được lập ra nhằm mục đích truyền dạy lại bộ môn hát Xẩm, có thể kể ra như: Câu lạc bộ Xẩm Yên Nhân (Yên Mô, Ninh Bình), Câu lạc bộ Xẩm xã Yên Phong (Yên Mô, Ninh Bình), Câu lạc bộ Xẩm Hà Thành (Hà Nội), Câu lạc bộ Xẩm chợ Đồng Xuân (Hà Nội),…Đặc biệt Trung tâm Phát triển nghệ thuật âm nhạc Việt Nam còn tổ chức dạy hát Xẩm miễn phí cho những người muốn học, với mong muốn nghệ thuật hát Xẩm ngày càng được nhiều người biết đến, đặc biệt là các bạn trẻ. 

 

Nhóm Xẩm Hà Thành (Ảnh: Công an Nhân dân online)

 

Bên cạnh những nỗ lực truyền dạy cho thế hệ trẻ ngày nay, các ban, sở và cơ quan chính quyền đã có những chính sách và động thái nhằm đưa hát Xẩm đứng đúng vị trí vốn có của một loại hình nghệ thuật dân gian. Tỉnh Ninh Bình cùng các tỉnh khu vực phía Bắc đang có những nỗ lực đệ trình UNESCO công nhận hát Xẩm là di sản văn hóa thế giới cần được bảo vệ khẩn cấp. Nhằm tiếp tục phát huy giá trị của nghệ thuật hát Xẩm cũng nhữ kết nối các câu lạc bộ và những người đam mê, từ ngày 3 đến 5-12, Liên hoan các câu lạc bộ hát Xẩm khu vực phía Bắc lần thứ I – năm 2019 diễn ra tại tỉnh Ninh Bình với sự tham gia của 15 câu lạc bộ hát Xẩm ở các tỉnh, thành phố phía Bắc.

 

Liên hoan các câu lạc bộ hát Xẩm khu vực phía Bắc lần thứ I – năm 2019 tại Ninh Bình (Ảnh: TTXVN)

 

Đây chính là thành quả của việc nỗ lực bảo tồn và lan tỏa nghệ thuật hát Xẩm đến từ Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Ninh Bình phối hợp với Cục Văn hóa cơ sở (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch), Trung tâm nghiên cứu bảo tồn và phát huy âm nhạc dân tộc đã tổ. Đây là hoạt động mang tính “chính danh” đầu tiên cho nghệ thuật hát Xẩm sau 15 năm các nhà nghiên cứu, các nghệ sĩ, nghệ nhân nỗ lực bảo tồn, gìn giữ và đưa hát Xẩm trở lại với công chúng. Không những thế, hát Xẩm còn trở thành “sứ giả văn hóa” được các nghệ sĩ mang ra nước ngoài biểu diễn. Các nghệ sĩ đã mang Xẩm đi giới thiệu và biểu diễn ở nhiều nước như Nhật Bản, Pháp, Đức, Hàn Quốc, Mỹ, Thái Lan, Trung Quốc… và nhận được sự đón nhận nhiệt tình của khán giả. Có cộng đồng người Việt ở nước ngoài vì mê Xẩm nên cũng đã thành lập câu lạc bộ hát Xẩm. Có những sinh viên nước ngoài còn xin học bổng để sang Việt Nam học hát Xẩm.

 

Với các hoạt động truyền dạy hát Xẩm, biểu diễn, phục vụ các sự kiện và biểu diễn phục vụ khách du lịch cùng nỗ lực từ hoạt động của các cơ quan chức năng ở địa phương, nghệ thuật hát Xẩm đang được bảo tồn, phát huy, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

 

Nguồn tham khảo 

1. Wikipedia tiếng Việt – Xẩm

2. Phương Lan (2019) – Hát xẩm – Hành trình đến di sản – Bài 1, Bài 2, Bài 3 – dantocmiennui.vn

3. Minh Phương (2019) – Liên hoan hát xẩm các tỉnh khu vực phía Bắc-Ninh Bình năm 2019: Cuộc hội ngộ của những người yêu nghệ thuật hát Xẩm – Báo Ninh Bình