Giới thiệu về Không gian Văn hoá Cồng chiêng

GIỚI THIỆU VỀ KHÔNG GIAN VĂN HOÁ CỒNG CHIÊNG

GIỚI THIỆU CHIẾC CỒNG CHIÊNG

Cồng chiêng là nhạc cụ dân tộc thuộc bộ gõ tồn tại từ nền văn hóa đồng Đông Sơn cách đây ít nhất 3500-4000 năm, được làm bằng đồng thau hoặc hợp chất của một số hợp kim khác (loại quý thường có thêm bạc), hình tròn vành vạnh như chiếc nón quai thao, đường kính từ 20-60 cm. Cồng có cấu tạo gồm ba bộ phận: núm, mặt và thành cồng. Núm ở chính giữa mặt cồng, có hình bán cầu, vị trí dùng để gõ, tạo ra âm dài và có tiếng vang khỏe; mặt cồng là mặt phẳng xung quanh núm – bộ phận quan trọng góp phần bảo đảm cho độ cao, sự tròn, đầy tiếng của âm thanh; mặt cồng nối với mặt cồng thành bản rộng bao quanh và khum khum vào phía trong. Chiêng gồm hai bộ phận: mặt chiêng và thành chiêng với chức năng và hình dáng tương tự như cồng.

 

Tuy nhiên, chúng ta cần lưu ý: Xưa nay, người Tây Nguyên không có nghề đúc đồng, họ không tự chế tác mà mua cồng chiêng của người Kinh từ các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, dân tộc Lào hoặc Campuchia, rồi về nắn chỉnh lại để có được âm thanh mong muốn.

 

Một bộ cồng chiêng, hiện trưng bày trong Bảo Tàng Quang Trung (Ảnh: Wikipedia)

 

Người nghệ nhân biểu diễn cồng chiêng dùng dùi gỗ có quấn vải mềm (hoặc dùng tay) để đánh cồng, chiêng. Có hai loại dùi chiêng: dùi mềm và dùi cứng. Dùi mềm làm bằng gốc cây dứa dại khô hoặc bằng gỗ có bọc vải. Loại dùi cứng làm bằng nhánh gỗ khô hoặc thân cây sắn tươi. Loại dùi mềm cho âm thanh tròn trĩnh, vang ngân, trầm hùng trong khi dùi cứng sẽ cho ra âm thanh sắc nhọn đặc trưng, nghe như có tiếng va chạm của âm khí và sự mãnh liệt, khỏe khoắn căng tràn của âm thanh. Tuy vậy, nhiều dân tộc ở Tây Nguyên vẫn chuộng lối đánh bằng tay vì sẽ cho âm thanh trầm hơn, tròn trịa hơn so với khi dùng dùi (điều này khá phổ biến ở các quốc gia Đông Nam Á nói chung).

 


Phóng sự ngắn về chế tác những chiếc cồng chiêng (YouTube: Vicas)

 

Cồng chiêng có thể dùng đơn lẻ hoặc dùng theo dàn, từ 2 đến 13 chiếc, thậm chí có nơi lên tới 18-20 chiếc, trong đó chiêng cái đóng vai trò quan trọng nhất, kéo theo sau là rất nhiều bè. Bài chiêng có bao nhiêu chiêng thì có bấy nhiêu người đánh, nghệ sĩ biểu diễn ghi nhớ các tiết tấu và kết hợp sao cho hài hòa nhất. Việt Nam thường dùng chiêng núm làm bè trầm, chiêng bằng đánh giai điệu.

 

Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể vào năm 2005. Sau nhã nhạc cung đình Huế, đây là di sản thứ hai của Việt Nam được nhận danh hiệu này. Không gian văn hóa cồng chiêng bao gồm các yếu tố bộ phận sau: Cồng Chiêng, bản nhạc tấu bằng Cồng Chiêng, người chơi Cồng Chiêng, lễ hội sử dụng Cồng Chiêng (Lễ mừng Lúa Mới, Lễ cúng Bến nước,…) và địa điểm tổ chức các lễ hội đó (nhà dài, nhà rông, rẫy, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên,…). Không gian văn hóa vô vùng đặc sắc và hào hùng này trải dài khắp trên 5 tỉnh Tây Nguyên: Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng với sự tham gia của nhiều dân tộc khác nhau như: Ê-đê, Jarai, Bana, Mạ, Lặc,..

 

NGUỒN GỐC – QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN

Khi nhắc tới cồng chiêng, chúng ta đang nói tới không gian văn hóa cồng chiêng – kiệt tác di sản truyền khẩu phi vật thể của nhân loại đã được tổ chức UNESCO công nhận. Không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên trải rộng suốt 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng và chủ nhân của loại hình văn hóa đặc sắc này là cư dân các dân tộc thiểu số Tây Nguyên với bề dày lịch sử và văn hóa lâu đời. Đó là các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Môn – Khơ-me: Ba-na, Gié-Triêng, Xơ-đăng, Rơ-măm, M’nông, Cơ-ho, Mạ, Brâu; và các dân tộc thuộc nhóm ngôn ngữ Malayo – Polynesian: Ê-đê, Gia-rai, Chu-ru. Cồng chiêng gắn bó mật thiết với cuộc sống của người Tây Nguyên, là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người, để diễn tả niềm vui, nỗi buồn trong cuộc sống, trong lao động và sinh hoạt hàng ngày của họ. 

 

Xung quanh về nguồn gốc của cồng chiêng Tây Nguyên thì có nhiều giả thuyết khác nhau. Theo một số nhà nghiên cứu, cồng chiêng là “hậu duệ” của đàn đá. Trước khi có văn hóa đồng, người xưa đã tìm đến loại khí cụ đá: cồng đá, chiêng đá…, rồi tới thời đại đồ đồng, mới có chiêng đồng…. Nhưng cũng có giả thuyết cho rằng, văn hóa cồng chiêng bắt nguồn từ văn minh Đông Sơn, là nền văn hóa đồng thau xuất hiện tại Đông Nam Á (cách đây ít nhất 3.500-4.000 năm, với hai nhạc cụ điển hình là trống đồng và cồng chiêng). Dù là từ thì từ thuở sơ khai, cồng chiêng được đánh lên   trong các nghi lễ có gắn liền với tín ngưỡng thời thần linh và thiên nhiên như để mừng lúa mới hay xuống đồng – là phương tiện giao tiếp của con người với siêu nhiên. Tất cả các lễ hội trong năm, từ lễ thổi tai cho trẻ sơ sinh đến lễ bỏ mả, lễ cúng máng nước, lễ mừng cơm mới, lễ đóng cửa kho, lễ đâm trâu.. hay trong một buổi nghe khan… đều phải có tiếng cồng chiêng như là thứ để nối kết những con người trong cùng một cộng đồng.

 

Trước kia, đồng bào các dân tộc thiểu số ở Tây Nguyên đều tin rằng, trong mỗi chiếc cồng chiêng đều có thần linh trú ngụ. Việc nâng niu, bảo vệ và tôn trọng cồng chiêng không đơn thuần vì đó là một nhạc cụ. Trong các câu chuyện cổ tích, các trường ca Tây Nguyên, những tù trưởng hùng mạnh, những người giàu không phải là  có nhiều vàng bạc, nhà cửa, đất đai… Người giàu có, hùng mạnh phải là người có voi cả đàn, trâu bò nhiều như lá trong rừng. Và trước hết phải có chinh chiêng lớn nhỏ treo đầy vách, trống lớn để choán góc nhà, ghè rượu bày hàng hàng, lớp lớp. Chiêng cồng tuy là biểu tượng giàu mạnh của từng nhà, nhưng khi sử dụng lại là của cả cộng đồng buôn làng. Chính vì vậy, cuộc sống càng liên kết cộng đồng lại bao nhiêu, giá trị chiêng cồng càng được nhân lên bấy nhiêu. 

 

Cồng chiêng của Việt Nam rất đặc trưng so với cồng chiêng ở những khu vực khác do tính cộng đồng rất cao. Điều này thể hiện ở việc mỗi nhạc công đánh một chiếc. Từng thành viên trong dàn nhạc nhớ rõ từng tiết tấu của từng bài chiêng trong mỗi nghi lễ và kết hợp hài hòa với các nhạc công khác cùng chơi. Tùy theo từng nhóm dân tộc, cồng chiêng được đánh bằng dùi hoặc bằng tay; mỗi dàn cồng chiêng có khoảng từ 2 đến 13 chiếc có đường kính dao động từ 25 đến 120 cm. Xưa nay, người Tây Nguyên không tự chế tác mà mua cồng chiêng của người Kinh từ các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, dân tộc Lào hoặc Campuchia, rồi về nắn chỉnh lại để có được âm thanh mong muốn. Mỗi một làng bản đều có một người chuyên lên chiêng (hay còn gọi là người chỉnh chiêng). Văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên là một trong những nét đặc sắc và đặc trưng của nền văn hóa dân tộc Việt Nam. Dù trải qua bao nhiêu năm thì cồng chiêng vẫn luôn gắn bó với mọi hoạt động của công đồng dân cư sinh sống tại Tây Nguyên. Chính đồng bào các dân tộc ở vùng đất này đã thổi hồn và tiếp thêm sức sống cho cồng chiêng Tây Nguyên để những âm thanh khi ngân nga sâu lắng, khi thôi thúc trầm lắng, hòa quyện với tiếng suối, tiếng gió và với tiếng lòng của người dân Tây Nguyên sống mãi cùng với đất trời và con người. Đây là một minh chứng độc đáo và cũng là một nét đặc trưng của truyền thống văn hóa dân tộc Tây Nguyên.

 

 

TÍN NGƯỠNG, QUAN NIỆM

Theo T.S Nguyễn Thị Kim Vân: “Trong văn hóa truyền thống, cồng chiêng có môi trường tâm linh của nó. Môi trường ấy bắt nguồn từ niềm tin sâu sắc rằng, con người đang tồn tại giữa/ cùng/với các thần và gần lắm với thế giới tổ tiên. Ở đó, tiếng chiêng chỉ vang lên khi có một nghi lễ cụ thể. Nghi lễ ấy gắn với quá trình sinh – tử của một con người (ở gia đình), gieo – thu của một mùa vụ (ở nhà kho, trên nương rẫy), với bến nước (khi cúng bến nước), với nhà rông (khi đón năm mới, mừng chiến thắng, tạ ơn…), với nhà mồ (tang ma, bỏ mả)… Trong môi trường ấy, cồng chiêng là một linh khí, âm thanh của cồng chiêng như khói hương trong nghi lễ của người Việt giúp con người giao tiếp với thần linh và thế giới tổ tiên”. Qua cồng chiêng, con người sẽ bày tỏ lòng thành kính cùng với ước nguyện đến các vị thần. Chứa đựng bên trong mỗi chiếc chiêng, chiếc cồng là một vị thần. “Cồng chiêng càng già thì thần linh càng mạnh và càng thiêng”. Hầu như nhà nào cũng có cồng chiêng, thậm chí có gia đình có tới vài bộ. Điều này thể hiện sự giàu có và quyền thế, đồng thời cũng là vật che chắn, bảo vệ cho gia đình. Cồng chiêng còn là tài sản quý giá, biểu tượng cho quyền lực, uy tín, giàu có và sự bình an trong ngôi nhà của mình. Vào những ngày hội, hình ảnh những vòng người nhảy múa quanh ngọn lửa thiêng, bên những vò rượu cần trong tiếng cồng chiêng vang vọng núi rừng, tạo cho Tây Nguyên một không gian lãng mạn và huyền ảo. Cồng chiêng với âm điệu của nó, đã góp phần tạo nên những câu chuyện sử thi, những áng thơ ca đậm chất văn hóa Tây Nguyên vừa lãng mạn, vừa hùng tráng.

 

Âm nhạc cồng chiêng là âm nhạc của cộng đồng, phải do cả một tập thể cùng nhau hòa tấu mà nên. Cồng chiêng Tây Nguyên mang trong mình quan niệm về xã hội, về sự tồn tại của vật thể và bao hàm cả tín ngưỡng trở về với tổ tiên của họ trong chính quá trình diễn tấu. Trong một lần phỏng vấn, GS-TS Trần Văn Khê có nói “…cồng chiêng Tây Nguyên đi theo có cả xã hội: cồng mẹ ở dưới, cồng cha ở trên rồi đến cồng con, cồng cháu. Cho nên có cả đất nước hệ thống mẫu hệ…. Biến chuyển của cồng chiêng Tây Nguyên không phải theo đường ngay, đường dưới lên trên cồng chiêng Tây Nguyên đi theo chu kỳ, mô hình…. Ở các nước khác, người ta sẽ lấy hai tay dùng dùi đánh lên cồng nên chỉ nghe thấy tiếng thôi, còn cồng chiêng Tây Nguyên là đánh bên tay mặt (tay phải) cầm dùi lại có dùi cứng, dùi mềm, dùi bệt vải…, bàn tay trái bóp vào cái vành của cồng chiêng, làm thành cái tay mặt cho cái xác, tay trái cho cái hồn. Vì vậy, xác và hồn gặp nhau thành ra sinh vật, thành ra sinh động, thành ra sự sống…. Sự di chuyển cồng chiêng Tây Nguyên đi từ phải sang trái tức là ngược với chiều kim đồng hồ là trở về dĩ vãng, trở về với thiêng liêng, trở về với tổ tiên”. Như vậy, cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ là một biểu tượng gắn bó mật thiết trong cuộc sống thường ngày của người dân Tây Nguyên mà nó còn là tiếng nói của tâm linh, tâm hồn con người và diễn tả niềm vui, nỗi buồn cùng với các quan niệm, tín ngưỡng trong đời sống lao động và sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số Tây Nguyên.  




KHÔNG GIAN VĂN HOÁ

Không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên là sự kết tinh của nhiều yếu tố bao gồm cồng chiêng, các bản nhạc tấu bằng cồng chiêng, những người nghệ sĩ hay cách nói gần gũi hơn là những người chơi chiêng, các lễ hội như Lễ mừng lúa mới, Lễ cúng Bến nước,… và những nơi tổ chức các lễ hội đó. 

1. Vị trí địa lý

 

Di sản văn hóa Cồng chiêng, có thể nói, đã vươn lên mạnh mẽ ngay từ chính nơi buôn làng của mình. Sở dĩ gọi là “Không gian văn hóa” là bởi loại hình nghệ thuật này có một không gian rất rộng lớn để duy trì và phát triển: mở rộng và xuyên suốt tới 5 tỉnh Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông và Lâm Đồng – ba tiểu vùng địa hình của Tây Nguyên, và cũng là nơi có một loạt các cao nguyên liền kề. Và đó cũng là cơ hội để các dân tộc có thể giao lưu các vùng văn hóa với nhau, từ đó tạo nên cả một không gian văn hóa rộng lớn của Cồng chiêng.

 

Văn hóa Cồng chiêng được 17 dân tộc thiểu số thuộc nhóm ngôn ngữ Nam Á (Austro-Asian) và Nam đảo (Austronesian) sống trên khu vực cao nguyên trung bộ của Việt Nam sở hữu, có thể kể đến như: Bana, Ê-đê, Xêđăng, Mnông, Cơho, Giarai,… Các cộng đồng cư dân nơi đây chủ yếu sống bằng canh tác nông nghiệp truyền thống và đã phát triển nên nhiều loại hình nghề thủ công, sáng tạo ra nhiều phong cách trang trí và các kiểu nhà ở truyền thống độc đáo của mình, cùng với đó là một nền văn hóa phong phú, đa dạng. Do đó, Cồng chiêng Tây Nguyên xuất hiện như một món ăn tinh thần đời sống của những người dân nơi đây.

 

Ở phần lớn các tộc người như Gia Rai, Ba Na, Xơ Đăng, Brâu, Cơ Ho…, cồng chiêng là nhạc cụ dành riêng cho nam giới. Bên cạnh đó, có những tộc người thì cả nam lẫn nữ đều có thể sử dụng, như Mạ, M’Nông. Riêng một số ít tộc người như Ê Đê thì chỉ có nữ giới mới được chơi cồng chiêng. Tuy nhiên, ngoài những đội chiêng truyền thống, các địa phương ở Đông Trường Sơn như Kông Chro, Đak Pơ, Kbang, An Khê xuất hiện hàng trăm đội chiêng nữ, phá vỡ quan niệm lâu đời về vai trò của nữ giới đối với cồng chiêng. Đặc biệt là ở những cộng đồng thiểu số như thế, vai trò của nữ giới được khẳng định qua việc chơi cồng chiêng đã chứng tỏ sự phát triển trong bình đẳng giới, đồng thời thể hiện đậm nét hơn sự tôn trọng và đề cao giá trị những người phụ nữ trong buôn làng.  

 

2. Lễ hội các dân tộc 

 

Một trong những tâm điểm của không gian văn hóa cồng chiêng chính là lễ hội cồng chiêng. Lễ hội này đã thu hút được nhiều người tham gia là lễ đón nhận không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên – Kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Lễ hội Cồng chiêng là một lễ hội được tổ chức hằng năm và luân phiên giữa các tỉnh có văn hóa Cồng Chiêng (Kon Tum, Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng). Đây là một sự kiện văn hóa quan trọng được tổ chức trên địa bàn 5 tỉnh Tây Nguyên gồm Kon Tum, Gia Lai, Đắc Lắc, Đắc Nông và Lâm Đồng. Tại lễ hội này, cồng chiêng Tây Nguyên sẽ được chính các nghệ nhân dân tộc trình diễn các xoay quanh chu kỳ vòng đời của con người và chu kỳ một năm sản xuất. Tại đây, những lễ hội dân gian đặc sắc của các dân tộc Tây Nguyên sẽ được dựng lại, nhằm kêu gọi cộng đồng cùng chung sức bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa của đồng bào các dân tộc.

 

Cồng Chiêng Tây Nguyên là nơi tiết tấu và giai điệu gặp nhau. Mỗi nhạc công chơi một nốt và một mô hình tiết tấu, kết hợp lại thành bè, thành giai điệu. Đến với lễ hội Cồng chiêng, ngoài thưởng thức các nghệ nhân trình diễn những vũ điệu kết hợp với tiếng Cồng chiêng mà còn được tham gia các hoạt động văn hóa khác như phục dựng nghi lễ, lễ hội truyền thống của các đồng bào dân tộc, sinh hoạt văn nghệ dân gian, ẩm thực Tây Nguyên. Vào từng năm tùy vào đơn vị tổ chức mà thời gian diễn ra lễ hội văn hóa cồng chiêng khác nhau. Cồng chiêng Tây Nguyên không chỉ có ý nghĩa về mặt vật chất cũng như những giá trị về nghệ thuật đơn thuần mà nó còn là “tiếng nói” của con người và của thần linh theo quan niệm “vạn vật hữu linh”.

 

Ngoài lễ hội cồng chiêng  còn có nhiều lễ hội khác của đồng bào dân tộc thiểu số mang đậm dấu ấn cá nhân cũng như bản sắc truyền thống của dân tộc mình. Như lễ bỏ mả của dân tộc Ba-na, lễ cúng thần nước của người Ê-đê, lễ cúng trỉa lúa của người Brâu, lễ tạ ơn cha mẹ của người Ba-na và Gia-rai,…. Đây đều là những lễ hội đặc sắc, là những phong tục tập quán quý báu cần phải bảo tồn của dân tộc ta. Chính chúng là những hòm kho báu để “định vị” quốc gia ta trên “bản đồ văn hóa” thế giới, chúng là lời khẳng định chắc nịch về sự lâu đời của truyền thống; sự phong phú, đa dạng của phong tục, tín ngưỡng; và sự giàu đẹp của văn hóa. Chúng ta, những con người được thừa hưởng cái rương kho báu ấy cần phải có trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn và phát huy các giá trị mà ông cha ta đã dày công sáng tạo và bảo vệ cho đến ngày nay.

 

3. Sự đa dạng theo từng dân tộc

 

Mỗi dân tộc đều có những chất riêng mang đậm dấu ấn cá nhân của dân tộc mình, và chính họ đã đem những chất riêng ấy hòa vào “nhạc cụ của núi rừng Tây Nguyên” – cồng chiêng. Người Giarai có các bài chiêng Juan, Trum vang… Người Bana có các bài chiêng: Xa Trăng, Sakapo, Atâu, Tơrơi… Người M’nông lại mang âm hưởng của núi non hùng vĩ với tiết tấu nhanh và mạnh, nghe ồn ào, mãnh liệt như tiếng thác đổ vào trong tiếng cồng, chiêng của dân tộc mình. Còn ở vùng Ê-đê cao nguyên lộng gió, âm thanh ấy lại chậm và trầm, nghe êm đềm và tĩnh lặng như chính môi trường cao nguyên bằng phẳng, mênh mang. Âm thanh của cồng chiêng chính là chất lôi cuốn gái trai vào những điệu múa hào hứng của cả cộng đồng trong những ngày hội của buôn làng, là tiếng huyên náo vui tươi của cả bản làng để mỗi người đều đắm say thưởng thức cái mộc mạc mà hùng vĩ của núi rừng Tây Nguyên, để vui vầy sum họp bên ngọn lửa rực cháy trong mỗi dịp lễ tết sum vầy. 

 

4. Sinh hoạt 

 

Ở đâu có lễ hội, ở đó có nhạc chiêng, từ lễ cúng bến nước, lễ bỏ mả, lễ trưởng thành, lễ chúc phúc, lễ mừng cơm mới, lễ rước kpal,… Nhắc tới là lại nghĩ ngay đến hình ảnh các chàng trai, cô gái khỏe khoắn, đầy sức sống quây quần bên đống lửa trại bập bùng trong tiếng nhạc trước sự hưởng ứng vô cùng nhiệt liệt của bà con bản làng.

 

Cồng chiêng còn được tổ chức trong phạm vi không gian nhỏ hơn như nhà dài, nhà rông, rẫy, nhà gươl, bến nước, nhà mồ, các khu rừng cạnh các buôn làng Tây Nguyên… Âm hưởng cồng chiêng đi suốt vòng đời người, từ lúc sơ sinh đến lúc trưởng thành và cả khi về với tổ tiên cũng đều có âm nhạc cồng chiêng đưa tiễn. Minh chứng cho điều này là lễ bỏ mả, đội cồng chiêng sẽ đi quanh nhà mồ sau khi nhà mồ đã được dựng xong, họ là trọng tâm của buổi lễ, đi quanh nhà nhà mồ cả tiếng đồng hồ (và tiếp tục cho đến cả sáng hôm sau). Khi mệt thì sẽ có người thay, tiếng chiêng không bao giờ dứt trong suốt mấy ngày lễ. 

 

 

NGƯỜI CHỈNH CHIÊNG

 

 

Xưa nay, người Tây Nguyên không có nghề đúc đồng, họ không tự chế tác mà mua cồng chiêng của người Kinh từ các vùng Quảng Nam, Quảng Ngãi, dân tộc Lào hoặc Campuchia, rồi về nắn chỉnh lại để có được âm thanh mong muốn. Do đó ở mỗi một làng bản đều có một người chuyên lên chiêng (hay còn gọi là người chỉnh chiêng).

 

Chỉnh chiêng đã trở thành một nghề, mà nghề đó chỉ có những con người thực sự đam mê và yêu Cồng chiêng mới có thể bám trụ. Một nhà văn hóa từng viết về những nghệ nhân chỉnh chiêng như thế này: Ở tất cả các dân tộc Tây Nguyên có những người đặc biệt, rất hiếm hoi và được hết sức quý trọng, đó là “những thầy thuốc chuyên chữa bệnh cho chiêng”. Khi hỏi về những bộ chiêng quý đang lưu giữ trong các gia đình, cộng đồng có nguồn gốc từ đâu, bà con sẽ trả lời, đó là chiêng Yoăn (của người Kinh), chiêng Kur (của Campuchia) hoặc chiêng Lào…

 

Những con người nơi đây có khả năng cảm âm để có thể “chữa bệnh” cho chiêng. Chỉnh chiêng là một công việc rất khó khăn, bởi nó đòi hỏi công sức, tâm huyết và tài năng của nghệ nhân. Số lượng những người biết chỉnh chiêng ước tính chỉ 3% ở các dân tộc vùng Gia Lai. Nhưng trong số đó, những người có khả năng làm cho cồng chiêng thật sự lên một tầm cao mới, “biến hóa” cả về hình thức lẫn âm thanh chỉ đếm trên đầu ngón tay. Với đồ nghề thô sơ, đơn giản, chỉ là chiếc búa nhỏ hay chiếc đe, nghệ nhân đã có thể lấy lại âm thanh đúng cho những bộ cồng chiêng  Bộ tơmam ming ching chiêng (đồ nghề chỉnh chiêng) của mỗi dân tộc lại khác nhau do bởi mỗi dân tộc có những dụng cụ tự sáng tạo. Phương pháp chỉnh sửa chiêng cộng với tai âm nhạc nhạy cảm của nghệ nhân sửa chiêng đã thể hiện trình độ thẩm âm tinh tế và hiểu biết cặn kẽ về chế độ rung và lan truyền âm thanh trên mặt chiêng và trong không gian.

 

Có hai phương pháp chỉnh sửa mà người nghệ nhân ở Tây Nguyên sử dụng: Gõ, gò theo hình vảy tê tê và theo hình lượn sóng. Do vậy, kỹ thuật gõ, gò theo đường tròn trên những điểm khác nhau quanh tâm điểm của từng chiếc chiêng là một phát hiện vật lý đúng đắn, khoa học (mặc dù trình độ phát triển xã hội của người Tây Nguyên thuở xưa chưa biết đến vật lý học). Đây là sáng tạo lớn của cư dân các dân tộc ít người Tây Nguyên.

 



BẢO TỒN VÀ PHÁT HUY

Văn hóa cồng chiêng vì lẽ đã có mối tương quan sâu sắc với cuộc sống con người, đặc biệt là phạm vi các cộng đồng dân tộc thiểu số, thế nên bảo vệ và phát huy hơn nữa giá trị văn hóa cồng chiêng không còn đơn thuần chỉ là sở thích, tình cảm nhất thời mà đã phần nào là bổn phận và trách nhiệm cần được thúc đẩy hết mức có thể.

 

Các tỉnh Tây Nguyên rất coi trọng việc sưu tầm, bảo quản hàng chục nghìn bộ cồng chiêng, trong đó các tỉnh tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai, Lâm Đồng là những địa phương có số hộ gia đình đồng bào lưu giữ, bảo tồn số bộ cồng, chiêng đủ nhiều nhất với số lượng khoảng trên 9760 bộ. Các lễ hội truyền thống, văn hóa cồng chiêng ngày càng được tổ chức thường xuyên và phổ biến rộng rãi hơn. Các tỉnh cũng mời các nghệ nhân là đồng bào dân tộc Êđê, M’nông, J’rai, Bana,…về dạy đánh cồng chiêng cho con em đồng bào ở các buôn làng, đông thời đầu tư kinh phí mua cồng chiêng trong các nhà sinh hoạt cộng đồng. Hiện nay, Đắk Lắk có hàng trăm đội chiêng của ama, amí (những người lớn tuổi) và có tới 500 đội chiêng trẻ là con em của đồng bào dân tộc Êđê ở các buôn làng…

 

Tuy nhiên, trong đời sống hiện nay, khi nhu cầu con người nhìn chung hướng về lối sống, tư duy hiện đại hóa, sự chuyển biến hoàn cảnh, thị trường, tín ngưỡng dân gian,… đã gây ra ảnh hưởng và tác động không hề nhỏ đến bản chất và sự phát triển của văn hóa cồng chiêng. Giới trẻ ngày nay hầu như không còn mặn mà với chúng, sự đô thị hóa diễn ra nhanh, rừng bị tàn phá, nhà dài truyền thống thay bằng bê-tông, bến nước khô cạn,…đã dần dà thu hẹp phạm vi biểu diễn của văn hóa cồng chiêng, gây ra sự khó khăn nhất định trong việc phổ biến cũng như mua bán nhạc cụ cồng chiêng. Vì thế, bản thân mỗi người cần nhận thức, hiểu rõ giá trị mà văn hóa cồng chiêng mang lại để góp phần gìn giữ nét văn hóa vô cùng đặc sắc này.



Nguồn tham khảo:

1. Báo Đắk Lắk – Dân tộc miền núi – Đặc sắc cồng chiêng của dân tộc M’nông | 54 dân tộc Việt Nam

2. Báo Nhân Dân – Bảo tồn và phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên

3. Wikipedia – Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên  

4. Gonatour – Tìm Hiểu Văn Hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên

5. Đọt Chuối Non – Nhạc cụ cổ truyền VN – Cồng Chiêng Tây Nguyên

6. Dlib – 2014 – Cồng chiêng Tây Nguyên – Di sản phi vật thể thế giới  

7. Nguyễn Ngọc Thanh – Đặc trưng văn hóa vùng Tây Nguyên

8. HUTC – Cồng chiêng Tây Nguyên – Kiệt tác văn hóa của nhân dân 

9. Báo Gia Lai – Không gian văn hóa cồng chiêng đang bị thu hẹp

10. GS.TSKH Tô Ngọc Thanh – Cục Di sản Văn hóa – Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên 

11. Hiệp hội du lịch Việt Nam – Di sản văn hóa phi vật thể Cồng chiêng 

12. Cổng thông tin điện tử Gia Lai – Bảo vệ Không gian văn hóa Cồng chiêng như một di sản sống