Giới thiệu về Nhã Nhạc Cung Đình Huế

GIỚI THIỆU VỀ NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ

Từ xa xưa, Nhã nhạc (nhạc cung đình, bao gồm toàn bộ các loại nhạc nghi thức và tế lễ trong triều đình) đã xuất hiện ở Trung Hoa rồi lan rộng sang Việt Nam, Nhật Bản, và Triều Tiên. Trong lịch sử, các triều đại quân chủ Việt Nam hết sức coi trọng, phát triển Nhã nhạc – đặc biệt là triều Nguyễn với Nhã nhạc cung đình Huế – bởi nó là một biểu tượng cho vương quyền về sự trường tồn, hưng thịnh của triều đại. Các quy định về quy mô dàn nhạc, cách thức diễn xướng, nội dung bài bản… của Nhã nhạc đều rất chặt chẽ, phản ánh tính quy củ qua các định chế thẩm mỹ rất cao, có khả năng phản ánh tư tưởng, quan niệm triết lý của chế độ quân chủ đương thời.

NGUỒN GỐC – LỊCH SỬ

Thời Lý – Trần: Sinh hoạt ca múa Cung đình phong phú về loại hình và tổ chức và đã đạt được những thành tựu cao trong ổn định tổ chức và phong cách âm nhạc trong Triều đình. Cùng với đó, triều đình còn thiết lập các bộ và những cơ quan Nhà nước chịu trách nhiệm nghiên cứu, sáng tác, đào tạo và quản lý các hoạt động nhã nhạc trong Triều và trong dân gian. Thời kỳ này, Nhã nhạc được ổn định và bắt đầu có sự phân biệt nhạc khí Cung đình với nhạc khí dân gian.

 

Từ thời nhà Lý, triều đình đã cho thành lập một tổ chức ca múa nhạc cung đình với quy mô lên đến hơn 100 người. Được xây dựng trên cơ sở truyền thống văn hóa văn nghệ dân gian lâu đời của người Việt cổ, sinh hoạt ca múa nhạc trong cung đình thời Lý và sau đó là thời Trần đã trở nên khá phong phú về các loại hình và bài bản.

 

Vào thời Lý, sự phận biệt quý tộc và thường dân còn chưa quá rõ rệt nên các hình thức ca múa nhạc trong cung đình vẫncòn chịu nhiều ảnh hưởng và gắn bó với với các loại hình âm nhạc dân gian. Các tài liệu lịch sử và khảo cổ cho thấy âm nhạc cung đình Việt Nam thời kỳ này đã chịu một số ảnh hưởng nhất định của hai nền văn hóa lân cận là Trung Hoa và Chiêm Thành. Càng về sau, sự phân hoá giai cấp trong xã hội càng trở nên rõ rệt, mức độ chính quy hóa về mặt tổ chức trong cung đình Việt Nam ngày càng cao, dẫn đến sự phân biệt khắt khe hơn trong việc sử dụng các loại dàn nhạc trong cung đình và ngoài dân gian. 

 

Bởi vậy, thời nhà Trần đã xuất hiện Đại nhạc và Tiểu nhạc với những quy định khắt khe: Đại nhạc chỉ dành riêng cho vua, còn hoàng gia và các quan lớn khi nào có tế lễ lớn mới được sử dụng; và Tiểu nhạc thì kẻ trên người dưới đều dùng được. Trong thời kì này, đại nhạc bao gồm các nhạc khí: trống cơm, ống kèn, tiểu quản, xập xoã, trống lớn; Tiểu nhạc gồm có: đàn cầm, đàn tranh, đàn tỳ bà, đàn thất huyền, đàn song huyền, địch, sái, kèn và quản. 

 

Bước sang thế kỷ XV, âm nhạc cung đình Việt có những bước chuyển biến đáng kể. Đối với âm nhạc cung đình, nhà Hồ – tuy tồn tại ngắn ngủi – đã cho du nhập Nhã nhạc cùng một số nguyên tắc của nó từ Trung Hoa. Nhã nhạc thời kỳ này có sử dụng múa văn và múa võ. Đây được coi là một trong những nguyên tắc của Nhã nhạc. 

 

Đến thời nhà Lê, Nhã nhạc hoàn thiện với tư cách là một điển chế. Thời kỳ này, Nhã nhạc được phát triển như là loại nhạc chính thống, một thứ tài sản riêng của triều đình, đối lập với nó là Tục nhạc – âm nhạc dân gian. Như vậy, trong thời kỳ này, âm nhạc cung đình Việt đã hình thành một dòng âm nhạc chính thống: quốc nhạc cùng song song với dòng âm nhạc dân gian cùng tồn tại và phát triển.

 
Về quy mô tổ chức, âm nhạc cung đình Việt dưới thời nhà Lê đã trở nên hoàn thiện và chặt chẽ, trở thành một loại hình bác học với kết cấu phức tạp, rõ ràng, chi tiết. Thời kỳ này, Nhã nhạc cũng đã được phân biệt ra thành nhiều loại: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Cứu nhật nguyệt giao trùng nhạc, Đại triều nhạc, Thường triều nhạc, Đại Yến nhạc, Cung trung nhạc phỏng theo nguyên tắc Nhã nhạc nhà Minh của Trung Hoa. 

 

Triều đình nhà Lê cho thành lập 2 tổ chức dàn nhạc là Đường thượng chi nhạc và Đường hạ chi nhạc với biên chế như sau: Đường thượng chi nhạc gồm: trống treo lớn, Biên khánh, Biên chung, đàn Cầm, đàn Sắt, Sinh, Tiêu, Quản, Thược, Chúc, Ngữ, Huân, Trì; Đường hạ chi nhạc gồm có phương hướng treo, Không hầu, Tỳ Bà, Quản cổ, Quản địch. 

 

Tuy nhiên, sang thế kỷ XVI, XVII và đặc biệt vào giai đoạn cuối triều Lê, âm nhạc cung đình dần dần đi vào suy thoái. Biên chế các dàn nhạc bị thu hẹp, Nhã nhạc và Tục nhạc không còn phân biệt rõ rệt như trước nữa, thậm chí một số dàn nhạc dân gian còn được đưa vào chơi trong cung đình. 

 

Khi triều đại nhà Nguyễn lên ngôi tại Huế, Nhã nhạc như được ‘vực dậy’, phát triển mạnh mẽ và trở nên bài bản nhất.Trong cuốn ‘Tìm hiểu nhã nhạc triều Nguyễn, tác giả Vĩnh Phúc đã viết:

 

Nội dung chủ yếu của văn hóa cung đình triều Nguyễn vẫn không ngoài mục đích củng cố và tôn vinh vương quyền, tôn vinh vai trò của hoàng để được xây dựng trên nền tảng triết lý Nho Giáo với những chuẩn mực đạo đức phong kiến. Vì vậy, cũng như các triều đại phong kiến Việt Nam sau khi lên ngôi, bên cạnh việc cùng cố bộ máy cai trị triều đình, nhà Nguyễn đã sớm nghĩ đến văn hóa cho định ra Lễ và Nhạc là hai trong bốn nguyên tắc cai trị của nhà nước phong kiến lễ nghi, âm nhạc, cực hình, và sự trị vì chính thức

 

Đội Nhã nhạc thời Nguyễn (Ảnh: Trí Thức VN)

 

Nhờ tình hình đất nước khá ổn định thời Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, và Tự Đức, Nhã nhạc đã có điều kiện thuận lời để phát triển. Ngay khi Gia Long (Nguyễn Ánh) lên ngôi và chọn Phú Xuân, Huế làm kinh đô, dù bận rộn xây dựng chính quyền nhưng ông đã thành lập hai đội Tiểu nam và Tiểu hầu chuyên trông coi, tập luyện và múa hát trong cung.

 

 

Đội Nhã nhạc triều Nguyễn (Ảnh: dotchuoinon)

 

Trong thời Nguyễn, nhiều nhà hát, rạp hát lớn nhỏ của hoàng tộc, đại thần và dân thường được xây dựng làm nơi biểu diễn nhạc Cung đình, nhạc cổ điển, hát bội hay nhạc dân gian: Duyệt Thị Đường trong Hoàng Thành, Minh Khiêm Đường trong Lăng Tự Đức, Cửu Tư Đài trong Cung Ninh Thọ, rạp hát Ông Hoàng Mười, nhà hát Mai Viên tại Tư dinh Thượng thư Đào Tấn, rạp hát họ Đoàn ở An Cựu, rạp hát bà Tuần,… Âm nhạc cung đình được triều đình hết sức coi trọngvà giao cho Bộ Lễ tổ chức nhiều loại âm nhạc cung đình. Bấy giờ triều đình quy định 7 thể loại âm nhạc: Giao nhạc, Miếu nhạc, Ngũ tự nhạc, Đại Triều nhạc, Thường triều nhạc, Yến nhạc, Cung trung nhạc. Ở triều Nguyễn cũng có nhiều quy định về nhạc chương và nhạc khúc được sử dụng trong các buổi diễn (Xem phần Nhạc Chương – Nhạc Khúc)

 

Tuy nhiên, trong thời kỳ suy tàn của Nhà Nguyễn trong bối cảnh đất nước bị Pháp xâm lược, đời sống cung đình bị xáo trộn. Cũng vì thế mà âm nhạc cung đình càng ngày càng sa sút, suy thoái. Năm 1942, triều Nguyễn cử hành lễ Tế Nam giao, cũng là lần cuối cùng Nhã nhạc cung đình Huế được biểu diễn trọng thể trước công chúng.

 

Sau năm 1945, đức Từ Cung – thân mẫu của vua Bảo Đại đã đứng ra bảo trợ và duy trì đội Nhã nhạc cung đình dưới biên chế của Đoàn Ba vũ cổ nhạc. Đoàn Ba vũ cổ nhạc tồn tại cho đến năm 1975. Từ đó, các nhạc công của đoàn làm nhiều việc khác nhau, nhưng hầu như ít ai nhắc đến hai từ Nhã nhạc. Đến năm 1992, nhân Festival văn hóa Việt – Pháp, dưới sự chỉ đạo của Sở Văn hóa Thông tin Thừa Thiên Huế và Trung tâm bảo tồn di tích cố đô, người ta đã dàn dựng lại dàn Đại Nhạc và Tiểu Nhạc. Trên thành quả của liên hoan và dưới sự quy tụ một số lượng lớn các nghệ nhân Nhã nhạc, cùng năm đó CLB Nhã nhạc Phú Xuân ra đời với những tên tuổi các nhạc công với đẳng cấp nghệ thuật cao như cụ Trần Kích, Hồ Viết Châu, Trần Thảo…

 

 

 

 

(Ảnh: dotchuoinon)

 

Ngày 7/11/2003: Nhã nhạc được UNESCO công nhận là Kiệt tác Di sản truyền khẩu và phi vật thể của Nhân loại.

 

ĐẠI NHẠC VÀ TIỂU NHẠC

Với các giá trị của không gian, bối cảnh, các kỹ năng kỹ thuật, cách thức diễn xướng, trình tấu, vị thế mang tính chất khẳng định bản sắc văn hóa thực trạng của công cuộc bảo tồn và chương trình hành động, Nhã nhạc cung đình Huế là một kiệt tác truyền khẩu, là một mảnh hương hồn của dân tộc, mang trong mình ngàn năm lịch sử, mang bản sắc dân tộc Việt. Hiện nay, Nhã nhạc chỉ còn tồn tại dưới hai tổ chức dàn nhạc là Đại nhạc (cổ súy đại nhạc) và Tiểu nhạc (ti trúc tế nhạc). Theo sử sách, Đại nhạc chỉ sử dụng trong cung đình, chỉ có vua, những người trong hoàng tộc và các quan đại thần mới được dùng trong các đại lễ của triều đình; còn Tiểu nhạc thì người giàu kẻ nghèo đều có quyền dùng.

1. Đại nhạc

Nhã nhạc cung đình Huế được biểu diễn trong các dịp lễ hội cung đình, chính vì thế nó mang âm hưởng trang trọng, phù hợp với sắc thái của các buổi lễ trang nghiêm. Đại nhạc là dàn nhạc vô cùng quan trọng trong hệ thống nhạc lễ cung đình Huế. Đây là dàn nhạc diễn tấu với những hình thức quan trọng, thường được dùng trong các lễ như: Tế Nam giao, Tế miêu, Đại triều,..v.v… Dàn Đại nhạc còn được gọi là dàn cổ xúy đại nhạc, cổ nghĩa là trống, xúy nghĩa là kèn; dàn cổ xúy đại nhạc thường mang âm sắc lớn, tập hợp nhiều nhạc cụ để tế những buổi lễ ngoài trời, có cảm giác âm nhạc từ thiên cung vang vọng khắp nhân gian. 

 

Cấu tạo của dàn Đại nhạc gồm: 2 bộ gõ và bộ hơi, với 4 chủng loại lên đến hơn 40 nhạc cụ.  Bộ gõ bằng gỗ có mõ, có phách tiền, bằng kim khí có chuông to chuông nhỏ, đại la, tiểu la, chập chõa. Tuy nhiên, Đại nhạc hiện nay đã có thiết kế gọn nhẹ hơn so với trước đây. Đại nhạc thường ngự các bài bản: Tam cửu luân chuyển, Đăng đàn cung, Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép, Xàng xê, Nam bằng, Nam ai, Nam bình, Cung bằng, Man, Mã vũ, Tẩu mã, Bài kèn thoét, Thái bình cổ nhạc, Bài kèn bóp, Phú lục, Bài bông, Nam trĩ, Kèn chiến, Phần hoá, Phát, Hiệp, Khai trường,… 

 

Đại nhạc: Tam Cửu Luân Chuyển (YouTube: Yєu Ɲgนุуєท)

 

Trống có đủ loại: từ trống lớn nhất đại cổ, qua các trống tiểu cổ, một cặp trống Võ (tiếng cao tiếng thấp, có âm có dương), trống một mặt đan diện cổ, có trống bồng, có trống cơm. 

 

Kèn trong dàn Đại nhạc có nhiều loại khác nhau: kèn đại, kèn trung, kèn tiểu. Không phải loại kèn đồng, như Suona của Trung quốc mà ta gọi là “kèn song hỷ”, kèn dùng trong Nhạc cung đình là loại kèn bầu, bát kèn làm bằng gỗ. Chính vì thế mà nó càng mang đậm nét Việt, không thể nhầm lẫn. Dàn kèn trong Đại nhạc chuyên dùng kỹ thuật réspation circulaire, tức thổi từ đầu chí cuối không dứt tiếng kèn, tạo không gian trang nghiêm và thể hiện kỹ thuật của dàn Đại nhạc.

 

2. Tiểu nhạc

Tiểu nhạc gồm những nhạc khí dùng dây tơ, sáo trúc (vì vậy nên còn được gọi là dàn ti trúc tế nhạc). Dây tơ có loại dây khảy đàn nguyệt hai dây, đàn tam ba dây, đàn tỳ bà bốn dây. Có đàn dùng cung để kéo như đàn nhị. Có cả bộ gõ tuy chỉ gồm ba nhạc khí mà có trống bịt da một mặt, có tam âm la bằng kim khí, có sinh tiền, quán tiền phách, một nhạc khí vô cùng độc đáo, một nhạc cụ mà có ba chức năng: gõ, cọ quẹt và rung. Ngày nay các nhạc khí không nhiều như ngày xưa. 

 

Tiểu nhạc là những bản nhạc mang âm sắc trang nhã hơn, vui tươi hơn, ổn định hơn. Thường được dùng trong các buổi yến tiệc của triều đình, các dịp Tết nguyên đán, Tiểu nhạc dễ đi vào lòng người. Không quá trang nghiêm, không quá sầu bi, âm lượng không quá lớn như Đại nhạc, nhiều bản nhạc của Tiểu nhạc còn có lời ca. Cấu trúc nhạc cụ của dàn Tiểu nhạc bao gồm bộ gõ và bộ hơi, cùng 15 bản nhạc. Năm bản: Ngũ đối thượng; Ngũ đối hạ; Long đăng; Long âm; Tiểu khúc và mười bản (thập thủ liên hoàn): Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã; đã góp phần làm nền dàn Tiểu nhạc hay, mang màu sắc ấn tượng mà không mất đi nét quyền quý vốn có.

 

Lưu Thuỷ Kim Tiền – Xuân Phong Long Hổ – Ban nhạc Trúc Xanh (YouTube: Lạc Hồng)

 

17 bản Tiểu Nhạc cổ (YouTube: Âm nhạc Di sản Youtube)

 

NHẠC CHƯƠNG VÀ NHẠC KHÚC

1. Nhạc chương:

Nhạc chương, theo Từ điển Từ Nguyên, nghĩa là các chương trong Nhạc Thư, hay còn gọi là thơ. Hiểu rộng ra, nhạc chương là lời thơ, lời nhạc được đọc, được hát lên bằng giai điệu âm nhạc. Thời Nguyễn, nhờ điều kiện kinh tế và xã hội phát triển mạnh nên các triều vua rất quan tâm đến Nhã nhạc. Nhã nhạc lúc này có hệ thống bài bản rất phong phú, với hàng trăm nhạc chương. Các nhạc chương của triều Nguyễn đều được viết bằng chữ Hán, phần lớn đều do các quan trong Bộ Lễ hoặc Viện Hàn Lâm biên soạn với nội dung phù hợp với từng cuộc lễ của triều đình. Lễ nghi và Nhã nhạc thường đi chung tương hỗ cho nhau, riêng trong Nhã nhạc, ngoài âm nhạc còn dùng nhạc chương như các lời ca chúc tụng, tế lễ lớn. Nội các triều Nguyễn ghi lại có đến 12 cuộc lễ, mỗi cuộc lễ đều có ghi đầy đủ các bài ca chương và có 126 bài ca chương ghi đầy đủ lời ca nguyên gốc và bản dịch. 

 

Chúng ta thấy trong những tiết lễ quan trọng đều có diễn tấu nhạc chương. Như trong lễ Tế Nam Giao, cuộc lễ lớn nhất của triều đình, dùng 9 nhạc chương mang chữ Thành (成), có mặt từ đầu đến cuối cuộc lễ, nhằm cầu mong thiên hạ thái bình, nước nhà thịnh trị, gồm các chương:

 

– An Thành (khúc hát cầu mong mọi sự được yên ổn và thành công) được diễn tấu trong lễ rước thần về

Triệu Thành (khúc hát cầu mong sự khởi đầu tốt đẹp) được diễn tấu trong lễ dâng ngọc lụa

– Đăng Thành (khúc hát cầu mong sự dâng hiến thành công) trong lễ dâng vật tế (mâm thịt tế)

– Mỹ Thành (khúc hát cầu mong điềm lành): á hiến lễ (tuần rượu thứ hai)

– Vĩnh Thành  (khúc hát cầu mong sự thành công lâu dài): chung hiến lễ (tuần rượu thứ ba)

– Doãn thành (khúc hát cầu mong sự bằng lòng của thần): tấu khi hạ cỗ

– Hy Thành (hát cầu mong thần phù hộ, giúp đỡ): tấu khi tiễn thần đi

– Hựu Thành (khúc hát cầu mong thần phù hộ, giúp đỡ): tấu khi đốt đồ cúng

– Khánh Thành (khúc hát bày tỏ niềm vui mừng sau sự thành công của cuộc tế lễ): tấu khi vua về cung

 

Tương tự, trong lễ Tế Xã Tắc dùng 7 nhạc chương mang chữ Phong cầu cho mùa màng tươi tốt; lễ Tế Lịch Đại Đế Vương, dùng 6 nhạc chương mang chữ Huy; lễ Tế Văn Miếu dùng 6 nhạc chương mang chữ Văn; lễ Đại triều dùng 5 nhạc chương mang chữ Bình, lễ Đại yến dùng 5 nhạc chương mang chữ Phúc,… 

 

Tư liệu về lễ Tế Nam Giao (YouTube: HUE MONUMENTS CONSERVATION CENTRE – HMCC)

 

Thông qua việc diễn tấu các nhạc chương, ta càng nhận thấy mối quan hệ khăng khít giữa lễ và nhạc. Nhạc khúc có thể chỉ vài bản nhưng nhạc chương lại phong phú và đa dạng, có thể thay thế liên tục phù hợp với các cuộc lễ. Với những đường nét giai điệu đơn giản, âm nhạc trong các nhạc chương mang sắc thái ngâm ngợi, chậm rãi, trang trọng, phù hợp với tính chất của các cuộc lễ trang nghiêm của chốn cung đình. Thêm vào đó là những giá trị về lịch sử, văn hóa, đặc biệt về mặt lễ nghi cung đình, nhạc chương đã đóng góp không nhỏ trong kho tàng văn học nghệ thuật của triều đình nhà Nguyễn. 

 

 2. Nhạc khúc:

Theo tài liệu triều Nguyễn ghi lại, quy định trong Nhã nhạc dùng 7 thể loại âm nhạc, gần giống với các thể loại của triều Lê, bao gồm: Giao nhạc (tế giao), Miếu nhạc (tế miếu), Ngũ tự nhạc (tế lễ), Đại triều nhạc (đại triều), Thường triều nhạc (thiết triều), Yến nhạc (yến tiệc), Cung trung nhạc (cung phi). Về bài bản cũng rất phong phú. Tiểu nhạc có 15 bài bản gồm Mười bản ngự (Thập thủ liên hoàn) và 5 bản: Ngũ đối thượng, Ngũ đối hạ, Long đăng, Long Ngâm, Tiểu khúc; Đại nhạc có các bài bản: Tam luân cửu chuyển, Ngũ lôi (Đăng đàn cung), Đăng đàn đơn, Đăng đàn kép, Xàng xê, Kèn chiếu, Phú lục, Tẩu mã, Bông, Mã vũ, Man, Kèn bóp (Du xuân), Cung nam, Nam Ai, Nam Bình, Nam Trĩ. 

 

Nhạc khúc Ngũ Đối Thượng – Ngũ Đối Hạ (YouTube: Vĩnh Phúc)

 

Trong các lễ tế đàn như tế Nam Giao, thường mở đầu bằng bản Tam luân cửu chuyển, do dàn Cổ xúy Đại nhạc tấu. Tam luân nghĩa là ba cái bánh xe, cửu chuyển nghĩa là chín lần biến đổi. Dàn Đại nhạc tấu bản Tam luân cửu chuyển rất đa dạng về nhạc khí, chính yếu trong đó gồm 4 cái trống kết hợp với 4 cái kèn, ngoài ra còn có sênh tiền, bồng, mõ. Sở dĩ bản nhạc có tên Tam luân cửu chuyển vì có ba hồi trống xoay chuyển liên tục như ba cái bánh xe, còn kèn sẽ thổi theo 9 thang âm từ cao xuống thấp liên tục không ngừng. Điểm đặc biệt trong đại lễ nhạc này là 4 trống đánh đều, tiếng trống không được khác nhau, nhịp mạnh nhịp nhẹ phải đều như nhau. Trên nền trống chính là tiếng kèn, tiếng kèn đặc biệt thổi không dứt hơi, áp dụng kỹ thuật thổi hơi tuần hoàn (réparation circuler). Dàn Đại nhạc vừa cất lên hồi trống tiếng kèn, gây nên cả một bầu không gian trang nghiêm, linh thiêng, thông giữa trời-đất, thần-nhân,… Sau ba hồi trống chín lần kèn, bắt đầu khai đàn, cầu cho quốc thái dân an, nước nhà thịnh trị.

 

Đại Nhạc ‘Tam Lâm Cửu Chuyển’ tại bế mạc Huế Festival 2018 (YouTube)

 

Tiếp đến trong dàn Tiểu nhạc, thường tấu các bài lễ nhạc, yến nhạc trong triều. Đặc biệt phải nhắc đến bản Đăng Đàn Cung, được chọn làm quốc thiều (nhạc quốc ca) triều Nguyễn, có thể xem là bản quốc ca đầu tiên của Việt Nam, mở đầu các buổi lễ của vua. Ngoài ra còn kể đến các tiểu khúc như Long Ngâm, Phụng Vũ,… Quan trọng của dàn Tiểu nhạc là yếu tố tiết tấu. Tiết tấu của dàn Tiểu nhạc thường nhanh, âm thanh uyển chuyển nhỏ nhẹ nhằm thưởng thức dạng thính phòng, cho các vị vua quan, thái hậu, hậu phi nghe. Trong đó đáng kể là bản Thập thủ liên hoàn, hay còn gọi là Mười bài ngự. Theo sử sách ghi lại thì Mười bài ngự biểu diễn phục vụ hoàng thân, quốc thích trong những dịp lễ quan trọng trong hoàng tộc. Gọi là Thập thủ liên hoàn vì trong bản nhạc tấu 10 nhạc khúc liên tục nối tiếp nhau: Phẩm tuyết, Nguyên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình nguyên, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.

 

Đăng đàn cung – Bản “Quốc ca đầu tiên” của Việt Nam (YouTube: Phan Anh Dung)

 

Thập Thủ Liên Hoàn (YouTube: Hue, Vietnam)

 

 

NHẠC KHÍ

Vào cuối thế kỷ XIX, vai trò của triều đình nhà Nguyễn phai nhạt dần, các lễ nghi cũng giảm bớt, từ đó gây nên một sự đứt gãy văn hóa trong Nhã nhạc cung đình. Đến vãn kỳ triều Nguyễn, Nhã nhạc chỉ còn duy trì được 2 dàn nhạc là Đại nhạc và Tiểu nhạc, ngoài ra còn du nhập thêm Quân nhạc của phương Tây. Do sự gia nhập của Tây nhạc mà giá trị của Nhã nhạc càng giảm sút, đến hết thời quân chủ chỉ còn giữ được qua truyền khẩu, dần dần bị mai một. So sánh với thời sơ kỳ và trung kỳ đã mất đi Huyền nhạc và các dàn nhạc tấu nhỏ như dàn ty trúc (đàn sáo), dàn ty chung (đàn chuông), dàn ty khánh (đàn khánh), dàn ty cổ (đàn trống),… 

 

Theo Nội các triều Nguyễn có ghi chép trong Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ: dàn Đại nhạc quy định 42 nhạc cụ của 4 chủng loại nhạc khí của 2 bộ gõ và hơi, sơ có 20 trống, 8 minh ca, 4 câu giốc, 4 sa la, 4 tiểu sa, 2 hải loa,…; còn dàn Tiểu nhạc quy định 8 ca sinh và 8 nhạc công, có tài liệu cho là được xây dựng từ dàn bát âm, gồm trống bản (cách), đàn tam (kim), đàn nguyệt, đàn tỳ bà (ty), sênh tiền (mộc), đàn nhị (bào), sáo (trúc), tam âm la (thạch), ống địch (thổ). Trong Hội điển cũng ghi chép về dàn Huyền nhạc (dàn nhạc treo) quy định 26 nhạc cụ: 1 kiến cổ, 1 bác chung, 1 đặc khánh, 1 bộ biên chung, 1 bộ biên khánh, 1 bác phụ, 1 chúc, 1 trống, 2 đàn cầm, 2 đàn sắt, 2 bài tiêu, 2 tiêu, 2 địch, 2 sênh, 2 huân, 2 trì, 2 phách bản. Trong đó có thể tách ra thành các dàn nhạc nhỏ như dàn ty chung – ty khánh (gồm 6 nhạc công chơi bác chung, đặc khánh, biên chung, biên khánh), dàn ty cổ,… Các dàn nhạc trên đều quy định các nhạc khí cụ thể, không dưới 30 chủng loại với số lượng hàng trăm nhạc khí. Tuy nhiên qua thời gian, các dàn nhạc đã không còn giữ trọn vẹn như trong sử sách ghi chép và một số nhạc cụ đã không nghệ nhân nào chế tác và truyền dạy, khiến dàn nhạc khí của Nhã nhạc hao hụt đi rất nhiều.

 

Nổi bật trong Nhã nhạc Cung đình Huế là trống và kèn. Theo GS.TS Trần Văn Khê chia sẻ: “Kèn Việt Nam khác với kèn Trung Quốc. Kèn Trung Quốc bát kèn bằng đồng, còn kèn Việt Nam bát kèn bằng gỗ. Có 3 cỡ: kèn đại, kèn trung và kèn tiểu; đặc biệt là kèn đại, hơi rất dài và rất khó thổi; kèn trung cũng khó thổi nhưng uyển chuyển hơn và theo hơi respiration circuler (thổi từ đầu chí cuối không dứt tiếng kèn)… Trong khi đó, tiếng trống thay đổi để đánh, riêng tiếng trống Việt Nam đánh có âm có dương, có sáng có tối,… Trống đánh nhịp, chẻ nhịp, chen vào những tiếng kèn, phía sau có tiếng mõ, tiếng phách tiền phụ họa, nếu nghe kỹ sẽ thấy tế nhị, phong phú, duyên dáng…”

 

Kèn Việt Nam

 

Dàn Bát âm trong Tiểu nhạc

 

Nhã nhạc không chỉ chứa đựng hệ thống âm nhạc dựa trên thang ngũ âm, mà còn bao hàm cả nghệ thuật biểu diễn. Nói đến nhã nhạc là nói đến kỹ thuật biểu diễn khí nhạc, trong đó mỗi nhạc cụ đều áp dụng một mức độ kỹ thuật điêu luyện nhất định. Với kèn Bóp, một nhạc cụ nằm trong hệ thống Đại nhạc thì tiếp hơi là kỹ thuật tinh tế nhất đòi hỏi nhạc công phải luyện tập công phu, nhất là tập luyện để có hơi thở sâu. Với những nhạc cụ dây thì các kỹ thuật như rung, vuốt, vỗ, nhấn, vê được áp dụng như những nguyên tắc để tạo nên vẻ đẹp của giai điệu. Các nghệ nhân trình diễn nhã nhạc cũng được rèn luyện một cách công phu và nghiêm ngặt. Trong quá trình hòa tấu, các nhạc công phải chú ý lắng nghe nhau, nhất là nghe tiếng trống báo hiệu để “nhập thủ, xuất vĩ” thật nhịp nhàng và ăn ý. 

 

Cũng theo GS.TS Trần Ngọc Khê chia sẻ về nhạc khí sênh tiền tam âm la, hai nhạc khí độc đáo và sáng tạo của nhạc công Việt Nam: “Sênh tiền – nhạc cụ độc đáo của Việt Nam, có 3 thanh gỗ (2 thanh gắn với nhau tạo thành hình Y, 1 thanh rời), có 3 chức năng: (2 đầu thanh chữ Y) vừa có thể gõ trở lại , hai thanh đánh có thể nghe tiếng gõ; đồng thời có một thanh cọ quẹt qua lại, đánh vào đánh lên đánh trên đánh dưới, cách đánh đẹp như là múa; ở đầu thanh rung lên thì đồng tiền kêu. Nhạc cụ đó trên thế giới không quốc gia nào có, chỉ ở Việt Nam có nhạc cụ có 3 chức năng, thế giới thấy rất là tinh vi, nghe cả tiếng gỗ, nghe cả tiếng đồng tiền… Ngoài ra còn có tam âm la, nghĩa là ba thanh la nhỏ, gõ lên nghe ba tiếng khác nhau tạo âm thanh bằng kim khí.”

 

Sênh tiền gồm phần gõ, phần quẹt và phần rung.

 

Trong quá trình phục dựng và tái tạo dàn Nhã nhạc Cung đình Huế, Nhà nước cùng các tổ chức bảo tồn văn hoá còn cho phục chế thành công các nhạc khí bác chung – đặc khánh, các bộ biên chung – biên khánh,… theo các sử liệu và kiến thức còn sót lại. Từ đó ta càng thấy sự quan trọng của nhạc khí trong dàn Nhã nhạc, mỗi nhạc khí là một thanh âm, một hòa sắc góp phần tạo nên bức tranh toàn cảnh dung dị, hài hoà. Thưởng thức Nhã nhạc chính là thưởng thức âm thanh của các nhạc khí được chế tác tinh xảo, chạm cẩn khéo léo, lại đầy đủ các màu âm: tiếng kim, tiếng thổ, tiếng trong, tiếng đục, tiếng trầm, tiếng bổng, tiếng tơ, tiếng trúc, tiếng da, tiếng đá, tiếng đồng.

 

Bộ biên chung được phục dựng tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

Bộ biên khánh được trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế

 

Nguồn tham khảo:

 

1. Léopond Michel Cadiére (2005). Nghệ thuật Huế – L’Art À Hué. NXB Thế Giới.

2. Quốc sử quán triều Nguyễn (2007). Nội các triều Nguyễn: Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ. NXB Khoa học Xã hội.

3. Phan Kế Bính (2005). Việt Nam phong tục. NXB Hà Nội.

4. Khoa Lịch sử (2010). Nhã nhạc cung đình Huế. Đề tài khoa học, Trường Đại học Sư phạm, TP.HCM.

5. Phan Tiến Dũng – Nguyễn Phước Hải Trung (2004). Nhã nhạc cung đình Việt Nam, kiệt tác phi vật thể và truyền khẩu của nhân loại. Báo Di sản Văn hóa.

6.Huế court music (2004). Kỷ yếu hội thảo quốc tế về Nhã nhạc triều Nguyễn. Trung tâm Bảo tồn di tích Cố đô Huế.

7. Vietnam+ (2020). Nhã nhạc Huế – Đỉnh cao của âm nhạc cung đình Việt Nam. Báo Tuyển giáo.

8. Vĩnh Phúc (2017). Tìm hiểu nhã nhạc triều Nguyễn: Sách tham khảo

9. Cổng thông tin điện tử trường Đại học Sư Phạm TPHCM (2010). NHÃ NHẠC CUNG ĐÌNH HUẾ