Giới thiệu về Quan họ Bắc Ninh

GIỚI THIỆU NGẮN VỀ DÂN CA QUAN HỌ BẮC NINH

NGUỒN GỐC – LỊCH SỬ

1. Dân ca Quan họ là gì?

Dân ca Quan họ (còn được gọi là Dân ca Quan họ Bắc Ninh hay Dân ca Quan họ vùng Kinh Bắc) là những làn điệu Dân ca của vùng đồng bằng Bắc Bộ, Việt Nam, phổ biến và tập trung nhất ở mảnh đất văn hoá Kinh Bắc xưa, nơi khu vực ranh giới hai miền Bắc Ninh và Bắc Giang có con sông Cầu chảy qua mang theo cái tên “dòng sông Quan họ”. Do có sự chia tách về địa lý sau đó mà Quan họ còn được gắn tên cục bộ địa phương như Quan họ Kinh Bắc, Bắc Giang hay Bắc Ninh, nhưng phổ biến nhất mà đến hiện nay mà ta vẫn hay gọi, đấy chính là “Dân ca Quan họ Bắc Ninh”. Là một trong những điệu hát nổi tiếng bậc nhất của khu vực phía Bắc, Dân ca Quan họ Bắc Ninh là một hình thức hát giao duyên giữa các liền anh liền chị như để bày tỏ nỗi lòng, gửi nỗi thân tình. Xưa nay trên khắp đất nước ta, không ở đâu có được lối chơi mang đậm nét văn hoá, bản sắc dân tộc, dân dã mà cũng không kém phần cao sang như ở vùng quê Kinh Bắc với lối chơi Quan họ độc đáo.

 

Thuở mới hình thành, cụm từ ‘chơi Quan họ’ thường được sử dụng hơn là hát Quan họ. Bởi lẽ, trong Quan họ truyền thống, con người coi Quan họ như một thú vui, một món ăn tinh thần. Quan họ truyền thống là hình thức tổ chức sinh hoạt văn hóa dân gian của người dân Kinh Bắc, với những quy định nghiêm ngặt, khắt khe đòi hỏi liền anh, liền chị phải am tường tiêu chuẩn, tuân theo luật lệ. Quan họ truyền thống không có nhạc đệm và chủ yếu hát đôi giữa liền anh và liền chị vào dịp lễ hội ở các làng quê. “Chơi Quan họ” truyền thống không có khán giả, người trình diễn đồng thời là người thưởng thức. Còn “hát Quan họ” là một kiểu Quan họ mới là hình thức biểu diễn (hát) chủ yếu trên sân khấu, có nhạc đệm và có khán giả thưởng thức, không nhất thiết phải trong dịp lễ hội ở đình, đền. Những băng đĩa CD, DVD ngày nay về Quan họ cũng là hình thức biểu diễn “hát Quan họ”.

 

2. Nguồn gốc hình thành:

Nét đặc sắc của Dân ca Quan họ Bắc Ninh mà có lẽ không có một hình thức Dân ca nào có chính là ở lịch sử hình thành. Có đến 15 truyền thuyết và có hai câu ca dao lưu truyền về nguồn gốc và thời điểm ra đời (*) của Dân ca Quan họ. Các truyền thuyết dân gian bao giờ cũng mang đậm chất thần thoại, huyền thoại, có không ít suy đoán hoang đường, phi lý, nhưng tất nhiên, cũng chứa đựng trong nó nhiều cơ sở hiện thực, duy lý quý giá. Bởi cho đến giờ vẫn chưa tìm thấy tài liệu lịch sử chính thức nào ghi về nguồn gốc Quan họ nên hầu hết các nghiên cứu về nguồn gốc Quan họ đều phải bắt đầu từ các truyền thuyết. Hai câu ca dao  thường được dùng để nói về nguồn gốc Quan họ đó là:

 

Thủy tổ Quan họ làng ta

Những lời ca xướng Vua Bà sinh ra

Xưa nay nam nữ trẻ già

Nối dòng tiên tổ ắt là hiển vinh…

 

Quan họ là chúa sinh ra

Bịu Sim là gốc ai mà không ưa.

 

Vua Bà vốn là con Vua Hùng, con Long Vương, con bà Tô Cô và ông Lộc Cộc, hai nhân vật huyền thoại tạo nên sông núi ruộng đồng Kinh Bắc, hay xuất thân chỉ là một cô gái lao động bình thường, thì đều có những điểm chung: Vua Bà là người sống rất lâu ở Kinh Bắc, trồng cấy, chăn nuôi rất giỏi và có biệt tài về ca hát. Bà đã dạy dân trồng cấy lúa, mía, dâu, đặt ra các bài hát, dạy dân hát và tổ chức các lối chơi ca hát theo một lề lối riêng. Như thế, có truyền thuyết cho rằng, Dân ca Quan họ xuất phát từ cuộc sống lao động của nhân dân, bắt nguồn từ một cô gái cắt cỏ sau thành Nguyên phi Ỷ Lan, là bà chúa chè Đặng Thị Huệ, Vua Bà làng Diềm,…. Cũng có giả thuyết cho rằng “Quan họ” là thể loại âm nhạc của “họ nhà quan” nên được gọi là “Quan họ” (khác với các thể loại Dân ca khác, Quan họ không được sinh ra từ tầng lớp nhân dân lao động, mà được sinh ra từ tầng lớp trung lưu nông thôn), cũng có người cho rằng có một ông quan cưỡi ngựa đi qua làng Diềm Xá (xã Hòa Long, huyện Yên Phong), gặp một cô gái đang hát điệu Dân ca; ông quan dừng ngựa lại (họ) để nghe, mê tiếng hát và đặt tên là làn điệu Quan họ. 

 

Nhưng theo các nhà nghiên cứu, thời điểm ra đời cách đây khoảng 12 đời, nhiều khả năng là thời Lý, thế kỷ VI. Về nguồn gốc lâu đời, đã có những giả thuyết có căn cứ Quan họ có chung một nguồn gốc lâu đời với hát Lượn của người Tày, hát Ðang của người Mường, hát Ghẹo ở Phú Thọ, Xoan ở Hạc Trì (Phú Thọ). Qua sự biến động của thời gian và phương thức lưu truyền chủ yếu là truyền khẩu qua lời ca tiếng hát, hình thành nên một làn điệu Dân ca độc đáo, mang đậm nét văn hoá và bản sắc dân tộc, là dấu ấn sáng tạo của đất nước ta.

 

Tuy nhiên, nếu đối chiếu với những công trình nghiên cứu về thơ ca và thể loại thơ trong lịch sử thơ ca Việt Nam, thì trước thế kỷ XVI chưa thể tồn tại phổ biến loại thơ lục bát, trong khi đó, lời của những bài ca được thừa nhận là cổ nhất như Hừ La, La rằng và tuyệt đại bộ phận lời ca đều là loại thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Vậy có thể giả định rằng Dân ca Quan họ với hệ thống bài ca cổ nhất mà ta nhận biết đến hôm nay, về cơ bản được hình thành khoảng cuối thế kỷ XVI? Còn trước đó, có Dân ca Quan họ như ta nhận biết hôm nay hay không, chưa có nhiều căn cứ chính xác.

 

3. Lịch sử phát triển:

  3.1. Thời Lý, Trần (1010-1400) – Bước đầu phát triển

Với những thành tựu rực rỡ của việc xây dựng văn hoá văn minh Ðại Việt, nhất là sự nở rộ của những thành tựu văn hoá, nghệ thuật dân gian, dân tộc, sự trân trọng yêu quý am hiểu văn hoá nghệ thuật của các triều Lý, Trần cùng ý thức tự tôn dân tộc phát triển, tất cả đã ảnh hưởng trực tiếp đến bước tiến của Quan họ từ hình thức giao duyên cổ sơ  chuyển sang một sinh hoạt ca hát có lề lối, quy củ và trình độ nghệ thuật mới, bước đầu xây dựng và hình thành của Dân ca Quan họ. Đây cũng là thời kỳ được coi là “cái nôi” của các loại hình nghệ thuật Việt Nam, như Nhã nhạc cung đình hay Tuồng… 

 

  3.2. Thế kỷ XV – XVIII – Thời kỳ đỉnh cao:

Tiếp đến thời Lê, nhất là từ thời Lê Thánh Tông (thế kỷ XV) trở đi, thời thịnh trị, trong đó có những bước tiến trong lĩnh vực văn học của đất nước, lại thêm đội ngũ trí thức ngày càng đông đảo trên quê hương Quan họ, khiến đội ngũ sáng tạo đối với Quan họ ngày càng được bổ sung với những trình độ mới.

 

Ðến thế kỷ XVIII trở đi, khi nghệ thuật thơ ca trong hệ thống truyện nôm tiến tới những đỉnh cao, thì Dân ca Quan họ mới mang vào trong mình nó những ngôn hình tượng thực đẹp, thực tế nhị và một nội dung trữ tình thực sâu sắc. “Trọng nhau vì nghĩa, mến nhau vì tài” là cái tình của người Quan họ. Cái tình ấy được nâng niu, gìn giữ, trở thành “lời ăn nết ở”, cốt cách người Quan họ. Và cái tình ấy theo người Quan họ đi vào câu ca, tiếng hát, tạo nên sức sống cho Quan họ hàng trăm năm qua và lan tỏa sinh động trong cuộc sống hôm nay.

 

Tiên sa xuống cõi trần chơi

Hồ về lại nhớ đến nơi cõi trần.

 

Về mặt làn điệu âm nhạc, sau thế kỷ XVIII, cũng mở ra sự giao lưu rộng rãi Bắc Nam nên các nhạc điệu, ca hát miền Nam, miền Trung, các điệu Lý, Dặm, phường Vải… được dịp đến Bắc Ninh nhiều hơn trước và có nhiều ảnh hưởng đến Dân ca Quan họ cổ. Những năm đầu của thế kỷ XX, nghệ thuật chèo, nhà tơ, Cải lương Nam Bộ, ca Huế… phát triển, gia nhập vào Quan họ, khiến nhiều bài được Quan họ cải biên từ hát chèo: Con chim khoen đề, Gánh vàng đi đổ, Trống cơm,..; cho đến từ hát ca trù như: Nhất quế nhị Lan, Giọng Quỳnh, Chim khôn đỗ nóc thầu dầu, Bút huê thảo,…, tạo nên sự hài hoà, tiếp nối, mở rộng hơn cho Dân ca Quan họ.

 

  3.3. Ngày nay:

Ngày nay, trong số 49 làng Quan họ của Bắc Ninh hiện nay, hiếm làng nào còn duy trì được đủ các thế hệ liền anh liền chị với nhiều lứa tuổi vẫn còn say mê với tiếng hát và lối chơi Quan họ. Thay vào đó, đa số chúng ta biết đến Quan họ qua lối “hát Quan họ” được biểu diễn trên sân khấu trong các dịp lễ hội. Các liền anh liền chị không còn hát cho nhau nghe, mà là hát cho cộng đồng nghe. Bản thân người hát cũng chỉ là học lại các bài nhạc dễ hát của Quan họ mới. Thế nên, người ta phải hát bằng micro, phải bằng loa và thêm cả phần nhạc đệm. Nhiều giai điệu cổ mất dần. Có thể coi đây như một sự thoái trào của Dân ca Quan họ cổ, một sự thoái trào vô cùng đáng tiếc. Lý giải cho điều này, do sự du nhập của các thể loại âm nhạc phương Tây, tạo ra thị hiếu mới mẻ, chính vì thế, Dân ca Quan họ cũng phải “chuyển mình” để phù hợp hơn với người nghe, mà vẫn giữ được nét đặc trưng của Dân ca Quan họ xứ Kinh Bắc. 

 

Ngày 30 tháng 9 năm 2009, tại kỳ họp lần thứ tư của Ủy ban liên chính phủ Công ước UNESCO Bảo vệ di sản văn hóa phi vật thể (từ ngày 28 tháng 9 tới ngày 2 tháng 10 năm 2009), Dân ca Quan họ đã được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại sau nhã nhạc cung đình Huế, không gian văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên và cùng đợt với Ca trù.


Trong Quan họ cổ, các liền anh liền chị thưởng thức Quan họ bằng cái tình của một người “chơi” say mê cái nết nền nã Quan họ, vậy nên họ không cần nhạc đệm, bởi chỉ cần các yếu tố vang-rền-nền-nảy đã tự tạo tính nhạc cho bài hát rồi. Tuy nhiên, nhờ vào những cụm hư từ mà đã được nghệ nhân thanh nhạc hóa khi hát mà có người gọi đó là cây đàn thanh đới. Trải qua bão táp của thời gian và biến động văn hóa xã hội nhưng Dân ca Quan họ Bắc Ninh vẫn luôn tự tin “lừng lững tồn tại”, tỏa ngát cái sắc hương đặc biệt của mình. Một trong những hương sắc độc đáo đặc biệt là dù không cần có nhạc cụ thì tự thân những làn điệu Dân ca Quan họ đã “đủ đàn” trong tiếng hát tuyệt vời của các nghệ nhân. Ngày nay, cùng với sự phát triển của xu hướng âm nhạc, người ta sử dụng nhạc cụ để biến tấu Quan họ trở thành một phương thức biểu diễn và  lưu truyền các giá trị văn hoá.

 

Tài liệu tham khảo: 

1. Wikipedia Tiếng Việt – Quan họ 

2. Nguyễn Tộc Mẫn Yên – Lịch sử hình thành Dân ca Quan họ

3. Luyến Nguyễn (2020) – Dân ca Quan họ Bắc Ninh là gì và nguồn gốc

4. Làn điệu Quan họ Bắc Ninh (2016) – Quá trình phát triển của quan họ Bắc Ninh

5. Dự án giữ hồn quê Việt (2017) –Quan họ Bắc Ninh 

 

 

LỐI HÁT – LỜI CA

1. Kĩ thuật hát

Hát Quan họ là hình thức hát đôi đồng giọng với bốn đặc điểm chính: vang – rền – nền – nảy. Bốn đặc điểm này đều là những yếu tố phổ biến trong các thể loại hát dân ca, tuy nhiên mỗi thể loại đều có cách thực hiện khác nhau và chính sự kết hợp độc đáo của các đặc điểm này đã tạo nên sự khác biệt cho dân ca Quan họ. 

 

Vang, rền, nền, nảy – Những kỹ thuật cơ bản của hát Quan họ (Nguồn: VĂN HIẾN KINH BẮC – YouTube)

 

  1.1. Vang

Vang là đặc điểm âm thanh truyền đi mạnh và lan tỏa rộng ra xung quanh. Để hát được kỹ thuật vang trong Quan họ cần một số yếu tố hỗ trợ bao gồm giai điệu được phát triển liên tục của bài hát, các âm thêu, luyến, nốt hoa mỹ, âm đệm mở như ơ, í ơ, í a,… và độ ngân dài. Vang là một yếu tố quan trọng ở tất cả các thể loại dân ca, đặc biệt là trong hát Quan họ. Về mặt âm nhạc, vang làm cho giai điệu bài hát phát triển ở nhiều cung bậc trầm bổng khác nhau, khiến tác phẩm nghệ thuật trở nên sống động và đặc sắc hơn. Mặt khác, bởi vang trong hát Quan họ được hỗ trợ bằng tuyến giai điệu liên tục phát triển, kết hợp kỹ thuật luyến láy và ngân những âm đệm mở và các yếu tố rền, nền, nảy nên đặc điểm vang trong Quan họ mang nét đặc thù và đòi hỏi kỹ thuật cao, không giống với các thể loại dân ca khác khi vang chỉ được ngân vào những âm ở cuối đoạn nhạc. 

 

Để hát được vang cần hát chậm, hơi thở phải đầy, khẩu hình mở và có độ rỗng bên trong họng. Hàm dưới rơi tự do, hàm và môi trên hơi nhếch cao, phát âm phải rõ chữ và có độ sáng, ngân có độ rung. 

 

  1.2. Rền

Rền là đặc điểm âm thanh trong câu hát hay trổ hát có độ rung đều, liên tục không dứt. Rền trong Quan họ được thể hiện qua cách hát luyến láy và rung giọng làm cho giai điệu bài hát phát triển liên tục và tạo nên sắc thái âm thanh đặc trưng trong Quan họ. Hát rền đòi hỏi kỹ thuật nhấn nhá, luyến láy và rung giọng tinh tế, điêu luyện để có thể xử lý các câu hát. Âm thanh phát ra phải mang độ vang và rung, đồng thời giọng không được đứt quãng. Khi hát rền cần giữ tư thế và cổ họng thoải mái, tự nhiên, khẩu hình mở vừa phải, âm thanh đặt ở hàm trên, hàm dưới rơi tự do, lấy hơi vừa đủ, khống chế hơi đều, liên tục không đứt, gãy và đặc biệt cần độ rung của thanh quản. 

 

  1.3. Nền 

Yếu tố nền có mối quan hệ mật thiết với đặc điểm sử dụng tiếng đệm trong hát Quan họ. Theo đó, tiếng đệm là những âm thanh không thuộc phần lời thơ, như i, a, ơ, ư, hự, rằng, là, ru hời, tính tình tang… Trong bài hát Quan họ, tiếng đệm vừa có tác dụng làm nền thay cho dàn nhạc đệm, vừa là yếu tố kết nối âm điệu của lời thơ. Thông qua các nốt luyến, lướt, hoa mỹ, thêu, tiếng đệm đã góp phần tạo nên giai điệu đặc trưng của Quan họ và ảnh hưởng mạnh mẽ đến kỹ thuật hát của thể loại này. 

 

  1.4. Nảy

Nảy còn được gọi là nảy hạt, là một kiểu sáng tạo của nghệ thuật dân gian, với đặc điểm là âm thanh bị tắc lại ở họng, sau đó được bật ra ngoài tạo nên độ nảy của âm thanh. Những âm nảy trong hát Quan họ tương đối phong phú, thường rơi vào những âm ở họng hoặc tắc họng như ư, hự, í, ợ, ạ,… và có một số trường hợp rơi vào phần lời thơ của bài hát. Có hai kiểu nảy hạt:

 

– Kiểu 1: sau khi làm âm thanh tắc lại ở họng, người hát bật âm ra, tiếp tục kéo dài và phải giữ độ rung của giọng.

– Kiểu 2: sau khi làm âm thanh tắc lại ở họng, người hát vẫn bật âm ra nhưng không kéo dài mà đột ngột dừng lại.

 

Đặc điểm này có thể coi là điểm nhấn trong chuỗi âm thanh rền, làm cho câu hát, trổ hát thêm ấn tượng và độc đáo. Để hát được nảy hạt, khẩu hình chỉ cần mở vừa phải, phù hợp với từng âm nảy, hàm dưới thả lỏng và cằm hơi hạ thấp xuống, môi và hàm trên hơi nhếch lên, điều khiển hơi và dùng lực bằng hơi thở đẩy mạnh cho âm nảy hạt bật ra. 

 

Nhìn chung, sự kết hợp của bốn yếu tố vang, rền, nền, nẩy trong hát Quan họ đã tạo ra sắc thái âm thanh đặc trưng của dân ca Quan họ với những đặc điểm riêng biệt, các giá trị âm nhạc độc đáo và kỹ thuật hát tinh tế, bắt buộc người hát Quan họ cần có kỹ năng điêu luyện và biết cách kết hợp các yếu tố trên một cách uyển chuyển.

 

2. Lời ca

Quan họ có hệ thống lời ca riêng, đạt tới một trình độ riêng, đáp ứng những nhu cầu văn hóa, nghệ thuật có nhiều nét riêng của sinh hoạt văn hóa Quan họ. Nhưng cũng như âm nhạc Quan họ, lời ca Quan họ đã du nhập, thu hút tinh hoa của kho tàng thơ ca dân gian, dân tộc như: ca dao, tục ngữ, hệ thống truyện thơ nôm, lời ca của hát Chèo, Tuồng, Ả đào, ví, trống quân, vv…

 

Hầu hết lời ca của các bài ca Quan họ là thơ lục bát hoặc lục bát biến thể. Có tài liệu đã thống kê, phân loại thì thấy trong tổng số bài lời ca Quan họ có 2/3 bài theo thể lục bát hoặc lục bát biến thể, số còn lại theo thể bốn từ hoặc bốn từ hỗn hợp, và theo các lối biến thể khác. Cũng có bài theo thể văn xuôi như bài “Ðêm qua nhớ bạn” hay  bài “Tay em nâng cái cơi đựng trầu…” Tiếng hát Quan họ đã tạo nên hiệu quả thẩm mĩ cao giữa sự kết hợp của thơ ca – âm nhạc – giọng hát người nghệ sĩ.

 

  2.1. Hình tượng trong lời ca

Ngôn ngữ trong lời ca Quan họ cũng giàu tính hình tượng như ngôn ngữ thơ ca dân gian nói riêng và ngôn ngữ thơ ca nói chung. Ta có thể tìm hiểu một số thành tựu về thủ pháp xây dựng hình tượng trong lời ca Quan họ. Có những hình tượng đã quen thuộc và được khẳng định giá trị nghệ thuật trong thơ ca và nghệ thuật tạo hình từ rất sớm, ví dụ hình tượng cây trúc trong thơ ca và hội hoạ, điêu khắc… từ nhiều thế kỷ qua. Hình tượng cây trúc thường gặp ấy đã trở nên biểu tượng cốt cách, phẩm chất của người quân tử: cứng rắn, vươn thẳng, sức sống dẻo dai, vững vàng trước mọi thử thách, ý chí kiên định, nhân cách thanh cao… Nhưng hình tượng cây trúc trong lời ca Quan họ lại mang những biểu tượng gần gũi với phong độ, cốt cách, phẩm chất đẹp đẽ của người bình dân. Ví dụ:

 

Hôm nay xum họp trúc mai

Tình trong một khắc, nghĩa dài trăm năm…

(La Rằng)

Người như trúc mọc ngoài trời..

Hoặc:

Trúc xinh trúc mọc sân đình

Anh (Hai) xinh anh (Hai) đứng một mình cũng xinh

Trúc xinh trúc mọc bờ ao

Anh (Ba) xinh anh (Ba) đứng nơi nào cũng xinh

Trúc xinh trúc mọc đầu chùa.

Không yêu em lấy đạo bùa phải yêu.

 

Bài hát ‘Cây Trúc Xinh’ do nghệ sĩ Thuý Hường trình bày (Nguồn: Nhạc Hay Việt Nam – YouTube)

 

Nghệ thuật sử dụng hình tượng trong lời ca Quan họ cũng được thể hiện rõ trong bài hát nổi tiếng ‘Bèo dạt mây trôi’ (tuy có được hát theo phong cách Quan họ Bắc Ninh, vẫn còn nhiều bất đồng về nguồn gốc của bài hát này). Ở đây, sự chuyển động ‘Bèo dạt mây trôi’ thể hiện sự trôi đi của thời gian và năm tháng, dường như nhấn mạnh, kéo dài sự ngóng trông của người con gái chờ chàng trai đi xa trở về. Ở đây, những hình ảnh quen thuộc với nông thôn Việt Nam như ‘bèo’, ‘mây’, ‘chim’, ‘cá’, ‘mây’, ‘trăng’, ‘gió,… tạo nên một khung cảnh nhớ nhung cùng với tình yêu giản dị, chất phác mà vô cùng sâu lắng.

 

Bèo dạt mây trôi, chốn xa xôi
Anh ơi em vẫn đợi bèo dạt
Mây trôi chim sa tang tính tình, cá lội
Ngẫm một tin trông, hai tin đợi, ba bốn tin chờ
Sao chẳng thấy anh.

 

Bài ‘Bèo dạt mây trôi’ do nghệ sĩ Mai Phương thể hiện (Nguồn: Nguyen Thanh – YouTube)

 

  2.2. Nghệ thuật sử dụng từ ngữ

Người hát Quan họ rất tài tình và cũng rất tinh tế trong việc sử dụng từ ngữ có ý nghĩa xác định cụ thể, để mở ra một ý nghĩa khác có sự trừu tượng, mang những hàm ý phong phú, sâu rộng, ít lời ca nhưng tất cả đều rất ấn tượng và sâu sắc, làm cho người nghe, người cảm thụ phát huy được khả năng liên tưởng, tưởng tượng, cảm xúc riêng của cá nhân mình. Ví dụ:

 

… Năm canh, sáu khắc, người ơi!

Người cười nửa miệng, em vui nửa lòng

 

“Người cười nửa miệng, em vui nửa lòng” cười nửa miệng, vui nửa lòng, vừa là những hình ảnh cụ thể, vừa là những từ mang tính xác định, nhưng lại để người nghe rơi vào sự liên tưởng, tưởng tượng đạt tới cảm xúc, nhận thức ở những mức độ khác nhau của sự vô hạn, và cũng rất trừu tượng về sự gắn bó tình cảm, gắn bó thân phận giữa người cửa nửa miệng và em vui nửa lòng. Cũng sử dụng thủ pháp ấy, nhưng tinh tế, sâu sắc, kín đáo đến mức nghe lâu, ngẫm lâu mới thấy ý muốn nói, mà khi đã thấy rồi thì lại thấy ý tình muốn nói kia thật rõ ràng, không cầu kỳ ẩn dấu.

 

Ví dụ:

 

Người về để nhện giăng mùng

Năm canh luống những lạnh lùng cả năm

 

“Nhện giăng tơ” là hình ảnh chúng ta thường xuyên gặp, nhưng nhện giăng mùng thì ít hơn. Nhện giăng tơ thường là hình ảnh của sự tơ vương, vương vấn, vương vít… một cách mong tinh tế trong tình yêu. Nhưng nhện giăng mùng thì lại gợi ý khác. Mùng là tiếng cổ để chỉ cái màn chống muỗi ngày nay ta vẫn dùng. Mùng gợi lên sự giăng mắc, bịt bùng. Nhện giăng mùng lại đặt sau Người về – sự chia ly, xa, vắng – khiến ta nghĩ tới sự quạnh vắng, cô đơn, thương nhớ… giăng mắc bịt bùng vây toả khi phải chia xa cùng người. Mong manh, nhưng suốt cả năm canh cũng chẳng vượt nổi sự vây bủa, bịt bùng ấy. Từ những hình ảnh cụ thể, xác định đã mở ra sự vẫy vùng vô hạnh của tưởng tượng và cảm xúc để người hát, người nghe đồng cảm với sự bịt bùng trong nỗi buồn chia xa mênh mông vô hạn.

 

Tài liệu tham khảo: 

1. Trần Linh Quý (2012) – Tìm hiểu Dân ca Quan họ

2. Hồng Thao (2017) – Tìm hiểu Dân ca Quan họ: Sách tham khảo

 

 

THỂ LOẠI

1. Hát hồi đápKhi hát vui ở hội, ở một canh hát gặp gỡ bạn bầu. Đối đáp nam nữ, đối giọng, đối lời và hát đôi nam đối với nữ.

 

Ðối đáp nam nữ là bên gái hát một bài, tiếp đó, bên trai lại hát một bài, cứ thế dài hết cuộc hát hoặc canh hát. Ðối giọng: Bên hát trước hát bài có làn điệu âm nhạc như thế nào thì bên hát sau hát đối lại một bài cũng có làn điệu âm nhạc như thế. Ðối lời: Ðối lời khác với đối giọng không chỉ ở chỗ một bên thuộc lĩnh vực âm nhạc, một bên thuộc lĩnh vực thơ ca, mà còn khác ở chỗ, nếu bên hát trước đã hát một lời ca nào đấy (một đoạn thơ, một bài thơ…) thì bên hát sau cũng sử dụng làn điệu âm nhạc giống như bên hát trước, nhưng lời ca phải khác đi mà vẫn gắn bó với tình, ý, hình tượng…của lời ca người hát trước để tạo nên hiệu quả hô-ứng, tương hằng, đối xứng, cảm thông. Hát đối nam nữ, đối giọng, đối lời được coi là sự đối đáp hoàn chỉnh theo lề lối của Quan họ.

 

2. Hát canh:

Nhiều nơi kiêng chữ hát, nên canh hát còn được gọi là canh ca. Hát canh ở đây nghĩa là hát theo các canh hát theo đúng lề lối xưa, thường diễn ra vào mùa xuân hoặc mùa thu, mùa của hội chùa, hội đình làng vào đám, giữa những nhóm Quan họ nam và nữ mới nhau đến nhà “ca một canh cho vui bàu vui bạn, vui xóm, vui làng, cầu may, cầu phúc”. Canh hát thường được giữ đúng các lề lối như Quan họ đã định ra và thường kéo dài từ 7, 8 giờ tối đến 2, 3 giờ sáng. Tuy nhiên, có những hội làng mở nhiều ngày, những canh hát kéo dài theo đó. Trình tự một canh hát đúng lề lối có thể chia thành 3 chặng:

 

  + Chặng đầu tiên: Người ta hát những giọng cổ cũng gọi là giọng lề lối. Hừ la, La rằng, Ðương bạn (Bạn lan), Tình tang, Cây gạo, Cái ả…Các giọng cổ thường mang âm điệu cổ kính, từ từ,  chậm rãi, rền, nẩy, nhiều tiếng đệm lót, nhưng lại mang nhiều dấu hiệu đặc trưng của ca hát Quan họ truyền thống.

  + Chặng giữa: Quan họ hát sang những bài thuộc hệ thống mà người Quan họ gọi là Giọng vặt. Trình tự hát canh đã được người Quan họ chỉ rõ bằng một câu nói quen thuộc, cửa miệng: “Quan họ càng về khuya càng bổng, càng trầm, càng mặn nồng tình nghĩa.” Chính vì vậy, canh càng về khuya những bài hát thiết tha gắn bó, về nỗi nhớ, niềm thương, đôi khi, kể cả những nỗi trăn trở về cuộc đời, về số phận con người…

  + Chặng cuối: Thường diễn ra vào khoảng 12 giờ đêm, 1 giờ sáng, có thể cuối hoặc gần cuối chặng hát giữa, su lúc người Quan họ mời nhau xơi tiệc mặn và tiệc ngọt có nơi uống rượu, có nơi không.

 

Hát canh Quan họ cổ lề lối giữa làng Hoài Thị và Diềm (Nguồn: Nguyễn Quang Trung – YouTube)

 

3. Hát hội: Có 2 hình thức hát Hội là:

 

   + Hát vui: Là hình thức ca hát Quan họ chủ yếu ở hội. Có thể là đôi nhóm Quan họ nam nữ đã kết bạn hẹn nhau đến hội ca cùng nhau. Cũng có thể nhóm nam nữ đã kết bạn mời một nhóm nam nữ Quan họ khác cũng đã kết bạn, rồi nhóm nam của nhóm này hát với nhóm nữ của nhóm kia để “mở rộng đường đi lối lại, học đòi đôi lối, đôi câu”… Người Quan họ gọi là hát vui, ca vui, không phải theo những lề luật như hát thi, hát canh, chỉ cần tuân theo một số điều của lề lối truyền thống: hát đôi, đối đáp nam nữ. Trong hát đối vui ở hội cũng không phải đối giọng đối lời mà thường là nặng về đối ý, đối lời để sao cho khi ca lên người ta thấy được cái tình, cái ý hai bên gắn bó, hô ứng, giao hoà cùng nhau.

   + Hát thi: Không phải lúc nào hát thi hoặc hát giải cũng được tổ chức, Tuỳ từng năm, ví dụ được mùa, làng mở hội to, dài ngày, Quan họ trong làng náo nức xin dân mời Quan họ các nơi về hát giải…, thì năm ấy, có thể có hát giải trong hội. Để mở hội hát giải ở một làng thì làng ấy phải chọn được nhóm Quan họ ra giữ giải, để Quan họ các nơi về phá giải hay cũng gọi là giật giải.

 

4. Hát lễ thờ:

Khi các Quan họ rủ nhau đến hội làng để hát vui hoặc hát giải, thì mỗi nhóm Quan họ thường sắm sửa trầu, cau, hương, nến, hoa quả để vào đình làm lễ thánh và cũng là lễ trình dân. Các nhóm Quan họ thường rủ nhau có nam, có nữ cùng vào làm lễ. Các nhóm Quan họ thường ca một đôi bài theo giọng La rằng để chúc thánh, chúc dân người an, vật thịnh, phúc, lộc, thọ. Như vậy, gọi là hát lễ thờ. Khi đã hát lễ thờ rồi các nhóm Quan họ dù hát vui ở hội, hay hát canh trong nhà, đều được dân làng quý trọng và bảo trợ. Dù dưới thời phong kiến rất ngặt nghèo với việc có đàn bà, con gái trước bàn thờ Thành hoàng làng vào những dịp lễ trọng.

 

5. Hát câu đảo:

Không biết tự bao giờ người Quan họ cũng như đông đảo cư dân nông nghiệp trên quê hương Quan họ tin rằng mưa, nắng thuận hoà, mùa màng tươi tốt, dân an, vật thịnh… là kết quả của hoà hợp âm dương, hoà hợp giữa đất trời và con người. Nếu âm thịnh dương suy thì gây lụt, bão. Nếu dương thịnh âm suy sẽ gây hạn hán, sâu keo… Người Quan họ tin rằng tiếng hát Quan họ có thể thấu đến trời cao và thế giới thần linh, có thể hoà hợp âm dương. Vì vậy, nếu trời hạn hán kéo dài mãi không mưa thì ở một số đền miếu trong vùng Quan họ thường có hát cầu đảo (cầu mưa). Không hát những bài tình tứ trao duyên như Quan họ thường hát mà chỉ hát những bài có nội dung cầu nguyện mưa thuận gió hoà và chỉ hát một giọng La rằng.

 

6. Hát giải hạn:

Con người thường tin vào số mệnh. Khi gặp nhiều việc không may hoặc tin rằng vào những tuổi, những năm, tháng nào đấy con người sẽ bị những hạn lớn như mất tiền của, bệnh tật…, thì con người đã tìm những cách giải hạn, hy vọng tai qua nạn khỏi. Đặc biệt họ có niềm tin khi Quan họ nam nữ ca xướng giao hoà đông vui, gắn bó thì cái may sẽ đến, cái rủi sẽ qua, vững lòng sống trong niềm tin, hy vọng có che chở. Hát giải hạn không bị gò bó nhiều vào lề lối mà có thể chỉ ca đối đáp một bài theo giọng La rằng, sau đó bên hát trước muốn hát bài nào thì bên hát sau hát đối bài đấy. Không đối đúng cũng cho qua và cứ thế tiếp tục kéo dài canh hát gồm những bài đối đáp có nội dung vui vẻ, gắn bó, hẹn ước, thề nguyền..

 

7. Hát mừng:

Thường được hát trong các dịp ăn mừng và khao, ngoài việc làm những nghi lễ, mời họ hàng, dân làng…đến ăn mừng, thì trong vùng Quan họ bao giờ cũng có những canh hát Quan họ của nhiều nhóm Quan họ kéo dài có khi vài ngày đêm. Trong những cuộc hát mừng này, Quan họ không phải tuân thủ lề lối nghiêm ngặt mà cốt sao có nam, có nữ, có đối đáp, hầu hết là ca những bài giọng Vặt có nội dung lời ca sâu nặng nghĩa tình, gắn bó keo sơn và không khí hát phải thật vui, nhiều tiếng cười, lời nói vui xen vào khi hát.

 

8. Hát kết chạ:

Quan họ giữa nam nữ hai chạ, trong đình, trước đông dân. Vào dịp có hội lễ, Các làng đã kết chạ anh chạ em cùng nhau, cũng có nơi gọi là kết ước, ăn giải thường coi nhau là người một nhà. Thường mời nhau sang dự hội. Khi đi dự hội như vậy, ngoài các vị “nóc dân đầu xã” thì Quan họ hai làng cũng mời nhau sang ca vui ở hội hoặc ca những canh hát thâu đêm trong nhà. Cuộc hát này thường gồm nhiều bài ca chúc tụng theo giọng La rằng, sau đó là đối đáp một số bài giọng Vặt mà Quan họ cho là hay, phải có giọng ca thật khéo mới “bắt” nổi.

 

Phóng sự ngắn: Tục Kết chạ Quan họ làng Diềm (Nguồn: Vietnam Discovery – YouTube)

 

Tài liệu tham khảo: 

1. Trần Linh Quý (2012) – Tìm hiểu Dân ca Quan họ

2. Hồng Thao (2017) – Tìm hiểu Dân ca Quan họ: Sách tham khảo

 

TRANG PHỤC VÀ SÂN KHẤU

1. Trang phục:

Một dấu ấn khó phai gắn liền với giai điệu Quan họ thiết tha là sự duyên dáng, lịch lãm trong trang phục của các liền anh, liền chị. Trang phục Quan họ không chỉ thể hiện tính thẩm mỹ trong hình thức bên ngoài mà còn bao hàm cả chiều sâu văn hoá của người Quan họ Bắc Ninh.

 

Trang phục trong Quan họ (Ảnh: Tạp chí Du lịch)

 

Phóng sự: Trang phục Quan họ – nét tinh hoa của người Kinh Bắc (Nguồn: VĂN HIẾN KINH BẮC – YouTube)

 

  1.1. Trang phục của liền anh:

 

Các liền anh trong Quan họ (Ảnh: ASEAN Traveller)

 

Bộ trang phục của liền anh gồm chiếc áo năm thân cổ đứng, có lá sen, viền tà, gấu to, dài tới quá đầu gối. Tuỳ theo thời tiết mà bên trong các liền anh thường mặc một hoặc hai chiếc áo cánh, sau đó tới áo dài. Áo dài bên ngoài thường có màu đen, được làm từ chất liệu lương, the. Lớp trong là lớp áo kép, làm bằng lụa mỏng màu xanh cốm hoặc xanh lá mạ non. Quần của liền anh là quần dài trắng, ống rộng, dài đến mắt cá chân, chất liệu là diềm bâu, trúc bâu, hoặc lụa truội màu mỡ gà, có kèm theo thắt lưng nhỏ để thắt chặt cạp quần. 

 

Liền anh đội đầu bằng nhiễu quấn hoặc khăn xếp. Trước kia do đàn ông thường búi tóc nên phải các liền anh phải vấn tóc bằng khăn nhiễu, nhưng ngày nay liền anh không đội nhiễu nữa mà chỉ đội khăn xếp. Đặc biệt, chiếc khăn xếp phải tuân theo quy tắc gồm năm vòng, tượng trưng cho người quân tử: nhân – nghĩa – lễ – trí – tín. Ngoài ra liền anh còn dùng các phụ kiện như: ô đen, lược, quạt,… Mỗi người cũng có một chiếc khăn tay bằng lụa hoặc bằng các loại vải trắng, rộng, gấp nếp và được gài gọn trong vành khăn hoặc thắt lưng. Bộ trang phục truyền thống đã tạo nên nét thanh lịch cho các liền anh Quan họ. 

 

  1.2. Trang phục của liền chị:

Trang phục của liền chị Quan họ mang nét chung của người phụ nữ Việt Nam xưa, cũng mang “cái yếm lụa sồi, cái dây lưng đũi nhuộm hồi sang xuân”. Nhưng vẫn đem lại dấu ấn với những nét rất riêng của các liền chị. Áo mớ ba mớ bảy, khăn mỏ quạ, nón quai thao là những nét đặc trưng trong trang phục của các liền chị Quan họ xưa và nay. Về cơ bản, bộ trang phục gồm nhiều thành phần. Bên trong cùng mặc yếm màu rực rỡ, thường làm bằng lụa truội nhuộm. Có hai loại yếm là yếm xẻ cổ dùng cho các liền chị tuổi trung niên và yếm cổ viền dành cho thanh nữ. “Áo mớ ba mớ bảy” là ba áo dài mặc lồng vào nhau (mớ ba) hoặc bảy áo dài lồng vào nhau (mớ bảy). Tuỳ theo thời tiết nóng hay lạnh mà các liền chị sẽ mặc áo “mớ ba” hoặc “mớ bảy”. Tiếp đó là những lượt áo dài năm thân, có cài khuy, khác với kiểu áo tứ thân thắt hai vạt trước. Chất liệu may áo tứ thân đẹp nhất thời xưa là the và lụa. Áo dài ngoài thường có màu nền nã như màu nâu già hoặc màu đen, còn những lượt áo bên trong lại có gam màu tươi sáng như màu cánh sen, màu thiên thanh, màu vàng chanh, vàng cốm,… Chiếc yếm thắm không bị che khuất hoàn toàn mà còn góp phần tô điểm thêm cho bộ trang phục với điểm nhấn ấn tượng rực rỡ ấn tượng trên nền the óng ả. 

 

Đi cùng với yếm là dải yếm. Dải yếm to buông ngoài cùng áo thắt vòng quanh eo và thắt múi ra phía trước cùng với bao và thắt lưng. Bao lưng được dệt bằng tơ đã se sợi, có tua bện ở hai đầu bao, khổ rộng, được thắt gọn ngang eo, luồn qua lưng áo dài, bó chặt ba thân áo trước thành múi. Thắt lưng thường nhỏ hơn bao lưng, cũng được buộc múi phía trước cùng bao và dải yếm, tạo nên sự pha trộn các màu sắc rực rỡ, tôn thêm vẻ duyên dáng cho các liền chị.

 

Hai liền chị duyên dáng trong trang phục Quan họ (Ảnh: Báo Quân đội Nhân dân)

 

Liền chị thường mặc váy màu sẫm, dài chấm gót, được may bằng sồi, lụa, tô điểm thêm đôi dép mũi cong duyên dáng. Các chị cũng vấn tóc bằng khăn mỏ quạ, được đặt chính giữa ngôi tóc, vén hai góc khăn về phía hai bên tai rồi thắt nút lại đằng sau gáy.

 

Trên đỉnh đầu các chị em thường đội nón quai thao, một loại nón được đan bằng lá cọ hoặc lá gồi trên khung tre. Gọi là ‘quai thao’ là bởi ở hai bên vành nón được đính quai đỏ được làm bằng tơ hoặc vải. Ở hai bên quai  là hai chùm tơ vàng rủ xuống đến ngang hoặc qua ngực liền chị. Nón quai thao thường có kích thước lớn, che rợp đầu, tạo nên vẻ đẹp đặc trưng của người con gái Quan họ: 

 

“Người Kinh Bắc hay cười duyên đến lạ

Nón quai thao như tình nghĩa vẹn tròn”.

 

Người phụ nữ Kinh Bắc và chiếc nón quai thao (Ảnh: Khám phá)

 

Bộ trang phục cầu kỳ, tỉ mỉ đến từng chi tiết, không chỉ truyền tải vẻ đẹp rất riêng của dân ca Quan họ mà còn tôn lên nét đoan trang, đằm thắm của các liền chị khi ca những bài ca Quan họ.

 

2. Sân khấu:

Hát Quan họ là hoạt động có tính tập thể, với mục đích kết bạn giao lưu. Vào những ngày bình thường, những người Quan họ qua lại thăm hỏi nhau và thường hát vào buổi tối trong nhà, nam ngồi một bên, nữ ngồi một bên. Thời trước, trong lần đầu mới đến thăm hỏi, kết bạn, người nữ còn ngồi trong buồng hát vọng ra, nhưng khi đã quen thân thì địa điểm hát cũng trở nên linh động và đa dạng hơn. 

 

Trong những dịp lễ hội, Quan họ không chỉ được hát trước cửa đình, cửa chùa mà còn cả dưới gốc đa, bên sườn đồi, ven rừng, bên bờ ao, bến nước hay thả thuyền trên mặt hồ, mặt sông. Đặc biệt, khi hát trên thuyền, mỗi bên cử ra một đôi hát khá, ngồi trên một chiếc thuyền nhỏ vừa chèo quanh hồ vừa hát, khung cảnh vô cùng nên thơ. Cho đến tận ngày nay, hát quan Quan họ trên thuyền đã trở thành một hoạt động sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong các lễ hội truyền thống của vùng quê Bắc Ninh – Kinh Bắc, để lại dấu ấn khó phai trong lòng người dân địa phương và cả khách du lịch đến vùng này. 

 

Quan họ trên thuyền rồng tại Bắc Ninh (Ảnh: Zing)

 

Nguồn tham khảo: 

1. Wikipedia Tiếng Việt – Quan họ 

2. TS. Phạm Thị Thuý Nguyệt (2013) – Tiểu luận: Tìm hiểu di sản văn hoá Quan họ Bắc Ninh

3. Nguyễn Tộc Yên Mẫn Bắc Ninh (2017) – Lịch sử Quan họ làng Yên Mẫn