GIỚI THIỆU VỀ RỐI NƯỚC
NGUỒN GỐC – LỊCH SỬ
1. Nguồn gốc hình thành
Một trong những vết tích đầu tiên và hiếm có của múa rối nước Việt Nam là đoạn khắc trên bia Sùng Thiện Diên Linh (ngày nay được đặt tại Chùa Long Đọi, tỉnh Hà Nam) được dựng vào năm 1121 trong thời gian trị vì của Nhà Lý. Trên bia có đoạn ghi: ‘Thả rùa vàng đội ba ngọn núi, trên mặt sóng dập dờn. Phơi mai vân để lộ bốn chân, dưới dòng sông lờ lững, liếc mắt nhìn lên bờ, cúi xét bầu trời lồng lộng. Trông vách dựng cheo leo, dạo nhạc thiều réo rắt. Cửa động mở ra thần tiên xuất hiện. Ðều là dáng điệu thiên cung, há phải phong tư trần thế. Vươn tay nhỏ dâng khúc Hồi phong, nhăn mày thúy ngợi ca vận tốt. Chim quý từng đàn ca múa, thú lành từng đội xênh xang’– trò mùa rối nước mừng thọ nhà vua. Điều này thể hiện rằng múa rối nước đã được ra đời từ trước đó, và đến thời nhà Lý đã đạt đến trình độ cao và tiếp tục phát triển.
Bia Sùng Diện Thiên Linh tại chùa Long Đọi Sơn, Hà Nam (Ảnh: Dân Trí)
Sự hình thành của con rối tại Việt Nam bắt nguồn từ những tín ngưỡng dân gian của người dân Bắc Bộ. Những hình nhân thế mạng, tượng gỗ, hay hình nộm đã được sử dụng ở ruộng đồng để xua đuổi chim chóc, trong nhà hay chùa chiền để chống tà ma, hoặc trong các nghi lễ cầu cúng để cầu nguyện thần linh cho vụ mùa bội thu, một cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ những con rối riêng lẻ của những cá nhân nghệ nhân, các Phường rối đã được hình thành với những tích trò biểu diễn đẹp và lạ mắt để đem ra thi tài, biểu diễn phục vụ cho nhân dân trong các hoạt động cầu cúng và lễ hội.
Đó là nghệ thuật rối nói chung, còn cơ sở hình thành của Rối Nước là cuộc sống trong các làng, xã gắn liền với nền nông nghiệp lúa nước và các hoạt động dân gian phong phú của người dân Bắc Bộ. Nước từ lâu đã trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của người nông dân nơi đây: nước trong ruộng trồng lúa gạo, cho tưới tiêu, nước từ những ao làng, sông ngòi, hay những trận lũ lụt gây mất mùa – nước đã trở thành một yếu tố cộng sinh, cộng hưởng mà con người gửi gắm bao nhiêu tâm tư, tình cảm, và sự tôn thờ. Với cuộc sống gắn liền với nước và nghệ thuật rối đã có sẵn, các nghệ nhân và nông dân đã liên tưởng, tìm tòi và sáng tạo ra Rối Nước.
Rối Nước từ đó được hình thành như một phương tiện để con người truyền tải chân thực cuộc sống lao động gần gũi với thiên nhiên, thể hiện qua các trò diễn như Cày Cấy, Chăn Trâu, Bắt Cá, Chăn Vịt,… Đồng thời, người dân sử dụng Rối Nước trong các hội lễ và nghi thức tín ngưỡng để cầu xin thần linh cho lũ lụt không tàn phá ruộng đồng và vụ mùa như ý. Mỗi dịp Tết đến xuân về, sau các vụ mùa bội thu, nhân dân Bắc Bộ lại nô nức mở hội làng vui chơi, nhảy múa và thi đua. Những hoạt động dân gian này đã tiếp tục truyền cảm hứng cho người nghệ nhân sáng tạo nhiều trò rối như Múa Lân, Đua Thuyền,… Từ đó, Rối Nước đã trở thành một phần trong cuộc sống sinh hoạt dân gian của người dân, được biểu diễn trong các lễ hội truyền thống, chùa chiền để phục vụ mục đích giải trí cho người xem cho đến ngày nay. Xem ‘Triển lãm 13 Trò Rối Nước’
Nghệ thuật Rối Nước xưa được tổ chức trong các Phường, đứng đầu bởi các ông Trùm. Đây là nơi nhân dân sáng tạo, trao đổi, tập luyện và biểu diễn để đưa múa rối nước đến công chúng trong các dịp lễ hội hay các hoạt động văn hoá khác. Sau bao thăng trầm lịch sử, nhiều Phường và làng rối nước vẫn còn tồn tại đến ngày nay, tiếp tục bảo tồn và phát huy nghệ thuật Rối Nước đặc sắc của nước nhà.
2. Lịch sử phát triển
Về lịch phát triền của Rối Nước, ta có thể tóm tắt một số giai đoạn chính như sau:
– Nhà Lý và Trần (TK XI đến XIV): Nghệ thuật Rối Nước phát triển mạnh, được biểu diễn trong cung đình làm phương tiện giải trí cho vua chúa cũng như các sứ giả của nước ngoài.
– Nhà Lê, Tây Sơn và Nguyễn (TK XV – XIX): Nghệ thuật Rối Nước tuy không được biểu diễn trong cung đình nhưng tiếp tục phát triển với nhiều sáng tạo độc đáo và kĩ thuật tinh tế trong cuộc sống của nhân dân, các hoạt động văn hoá, xã hội. Múa Rối Nước trong thời gian này tiếp thu từ nghệ thuật Chèo và Tuồng và thêm nhiều lời ca, lời thoại.
– Kháng chiến chống Pháp (nửa cuối TK XIX đến đầu thế kỷ XX): trong bối cảnh đất nước loạn lạc, nhà Nguyễn bán nước, Rối Nước được bị coi là trò vui để câu khách. Tuy nhiên, loại hình nghệ thuật này vẫn tồn tại trong xã hội, trong tư tưởng của Nho sĩ yêu nước thời bấy giờ.
– Sau Cách Mạng Tháng Tám (1945) đến kháng chiến chống Pháp lần thứ 2 (1954): Rối nước có sự mai một khi kẻ thù xâm lược tàn phá các di sản văn hoá, cuộc sống hoà bình của người dân tan rã. nhân dân cả nước nổi dậy đấu tranh giành độc lập dân tộc.
– Tháng 3/1956: Bác Hồ ra chỉ thị thành lập ngành Rối chuyên nghiệp của Việt Nam, với mong muốn ‘cần có đoàn múa rối chuyên nghiệp để các cháu thiếu nhi thêm niềm vui, thêm tiếng cười’. Múa Rối Nước cũng từ đó mà phát triển, thoát ra khỏi các làng xã và được phổ cập rộng rãi trong nhân dân cả nước.
– Kháng chiến chống Mỹ (1955-1975): Cả nước rơi vào giai đoạn chiến đấu khó khăn, sự phát triển của rối nước tuy chậm lại nhưng vẫn được tiếp tục.
– Từ năm 1984: Rối nước Việt Nam được biểu diễn ở nhiều nơi trên thế giới và ngày càng được biết đến rộng rãi cho đến ngày nay, khẳng định giá trị truyền thống và bản sắc dân tộc.
Nguồn tham khảo
1. Tuấn Giang (2017) – Tổng quan nghệ thuật rối nước – vanchuongviet.org
2. Wikipedia tiếng Việt – Múa Rối Nước
3. Nhà hát múa rối Thăng Long – Lịch sử múa rối VN
4. Lê Thị Thu Hiền (2014) – Cơ Sở Hình Thành Và Giá Trị Văn Hoá Của Múa Rối Nước Việt Nam (Tóm Tắt Luận Án Tiến Sĩ Văn Hoá Học)
NỘI DUNG
Nội dung biểu diễn của Rối Nước khá đa dạng, phản ảnh nhiều mặt của đời sống bình dân, những tín ngưỡng thờ thần linh và những câu chuyện cổ tích, truyền thuyết và lịch sử được truyền qua bao thế hệ người dân Bắc Bộ. Để thể biểu diễn và truyền tải nội dung của mình, Rối Nước sử dụng các tích trò. Tích ở đây là những điển tích, điển cố văn học hay lịch sử được lưu truyền qua thời gian và được biết đến rộng rãi trong người dân; còn trò là việc sử dụng những nhân vật, hình ảnh và cách thể hiện lặp đi lặp đi lặp lại để diễn tả các tích. Các tích trò Rối Nước quen thuộc có thể được tìm thấy ở nhiều buổi diễn khác nhau. Ngày xưa, Rối Nước thường không đi kèm lời thoại mà chỉ tập trung vào những tích trò và âm nhạc; tuy nhiên, sau này rối nước tiếp thu một chút từ nghệ thuật Chèo và văn học, nên đã thêm lời thoại vào.
Như đã nêu trên, đề tài mà Rối Nước thể hiện có thể được chia làm 4 chủ đề chính như dưới đây. Các bạn có thể xem ‘Triển lãm 13 trò Rối Nước dân gian’ để xem các tích trò cụ thể cho các chủ đề này.
1. Phản ảnh cuộc sống lao động của nhân dân: Điều này được thể hiện qua các nhân vật Rối Nước khắc hoạ những hình tượng quen thuộc với đời sống nông nghiệp (người nông dân, con trâu, con cá, con vịt, con ếch,…) cùng với những trò rối thể hiện các hoạt động lao động như Đi cấy, Chăn trâu, Chăn vịt, Câu cá, Kéo vó, Sĩ nông công thương, Xay lúa, Giã gạo,…
Chăn Trâu – Cày Cấy – Xay Lúa
Chăn vịt – Bắt cá
2. Phản ánh chân thực đời sống sinh hoạt và vui chơi của con người: Những thú vui, trò chơi dân gian của người dân được thể hiện qua các trò như Đua thuyền, Đấu vật, Múa lân,… và sự tái hiện lại các hình ảnh lễ hội vui chơi. Ngoài ra, Rối Nước còn dùng để ca ngợi những phẩm chất tốt và quý giá của con người, cũng như châm biếm, phê phán các thói hư tật xấu một cách hóm hỉnh và hài hước – rối nước mang tính mua vui, giải trí. Một trò diễn nổi bật chính là Tễu giáo trò với nhân vật Chú Tếu – một người nông dân nghèo nhưng lực điền, thật thà, chất phác, hồn hậu và hóm hỉnh. Chú Tễu dẫn chuyện, tự sự, đả phá quan lại tham nhũng, phê phán những thói hư tật xấu trong xã hội nhưng cũng không quên cung chúc cho người dân, làng xã được an lành.
Tễu Giáo Trò
Thi bắt vịt – Đua thuyền
3. Ca ngợi các nhân vật lịch sử và thể hiện những điển tích cổ: Rối Nước nêu gương các anh hùng dân tộc như Lê Lợi (tích trò Sự Tích Hồ Gươm), Đinh Tiên Hoàng (điển cố Đinh Tiên Hoàng bình thập nhị xứ quân), Hai Bà Trưng, Bà Triệu, Trần Hưng Đạo,… Ngoài ra Rối Nước cũng thể hiện các điển tích cổ như Thạch Sanh, Tấm Cám,…
Lê Lợi trả gươm (Sự tích Hồ Gươm)
4. Thể hiện tín ngưỡng tâm linh của nhân dân: Điều này được thể hiện qua các hình ảnh nhân vật, nghi lễ mang ý nghĩa thể hiện, cầu nguyện thần linh cho một cuộc sống an lành, hạnh phúc như Hát Văn, Chạy đàn, Múa tiên,… Các linh vật cũng là các tích trò nổi tiếng, có thể kể đến các trò như Long, Ly, Quy, Phụng (Múa tứ linh), Múa Rồng, Múa Phượng,…
Múa tiên
Múa Tứ Linh: Long, Ly, Quy, Phụng
Nguồn tham khảo
1. Tuấn Giang (2017) – Tổng quan nghệ thuật rối nước – vanchuongviet.org
2. Nhà hát múa rối Thăng Long – Một số trò rối nước tiêu biểu
CON RỐI
* Tất cả những hình ảnh trong bài viết được lấy từ bài ‘Nghệ thuật tạo hình nhân vật rối nước truyền thống’ – Báo điện tử Đại biểu nhân dân
Hình ảnh những con rối đã xuất hiện từ xa xưa trong đời sống nhân dân, gắn liền với nông nghiệp (bù nhìn xua đuổi động vật phá hoại hoa màu), các tín ngưỡng tâm linh (các hình nhân thế mạng, múa ông Địa,…) – nhiều loại rối đa dạng như rối tay, rối que, rối dây, rối mặt nạ,… dần dần được tạo nên cho các mục đích dân gian khác nhau của người dân, trong đó có Rối Nước.
Việc tạo nên một con Rối Nước có thể được chia thành các bước:
1. Chọn gỗ và tạo mẫu: Những con rối thường được làm bằng gỗ sung, mít hoặc vông (có thể được tìm thấy nhiều ở xung quanh các làng quê Bắc Bộ) với các ưu điểm là nhẹ, dai, và bền khi tiếp xúc với nước. Những người nghệ nhân thường cắt gỗ thành các khối hình trụ dễ tạo hình cho con rối.
2. Đục đẽo và tạo hình: Những khúc gỗ thô được gọt giũa thành các hình hài, đường nét thô sơ bởi đôi bàn tay tài hoa của những người nghệ nhân; nhiều khi, phần gỗ bên trong phải được đục rỗng để làm giảm trọng lượng, giúp con rối trôi nổi dễ dàng hơn trên mặt nước. Các chi tiết tay, chân thường được làm riêng biệt và sau đó gắn với thân rối bằng dây hoặc đinh tạo nên những khớp nối, giúp cho việc biểu diễn các chuyển động ‘cơ thể’. Nhiều con rối được cắt thành từng phần rồi cố định lại, giúp cho các cử động được được linh hoạt hơn.
Quân rối sau khi tạo hình
Phần tay của các quân rối được tạo hình riêng
3. Làm nhẵn: Tiếp đến, con rối được chà nhám, tạo nên bề mặt nhẵn để sau đó thuận lợi cho việc quét sơn và trang trí.
4. Hong sơn ta: Tiếp theo, những con rối được quét một lớp hỗn hợp đất sét và sơn ta (loại sơn giúp chống thấm nước để giữ độ bền) và phơi cho khô lớp sơn. Quy trình này thường được lập lại 3 lần để đảm bảo sơn ta bám màu tốt trên bề mặt quân rối.
5. Tô vẽ và trang trí: Quân rối sau đó được thếp vàng, thếp bạc và tô vẽ bằng nhiều lớp sơn màu đa dạng mang đậm hơi hướng dân gian như đỏ, đen và xanh lục. Người nghệ nhân tiếp tục quét những lớp sơn khác lên con rối để giữ độ bền và bóng cho chúng. Mỗi lớp sơn đều phải được phơi cho khô mới tiếp tục quét được lớp tiếp theo. Thời gian cho sơn khô tuỳ thuộc vào các yếu tố thời tiết như độ ẩm.
Người nghệ nhân tô vẽ cho quân rối
Những con rối sau khi đã được hoàn thiện cao khoảng 30-70cm, mang những đường nét và hơi thở của cuộc sống đương đại giản dị, gắn liền với cuộc sống nông thôn và làng quê. Qua những con rối, ta có thể thấy được phần nào cái “hồn” chân chất, ngộ nghĩnh, hóm hỉnh, và vui tươi của con người năm xưa.
6. Lắp máy: Sau công đoạn tạo hình, con rối được lắp máy dây và máy sào – những bộ máy này được giấu dưới nước khiến cho khán giả không thể nhìn thấy. Từ 2 loại máy nếu trên, người nghệ nhân đã chế tạo thêm máy kìm, máy ngang, đem đến những chuyển động tinh xảo cho con rối. Để biểu diễn, người nghệ nhân phải ngâm mình trong nước và đứng đằng sau một tấm màn mỏng ngăn cách giữa khu vực sân khấu chính và buồng điều khiển. ‘Cái độc đáo của sân khấu Rối Nước là con rối cử động được không chỉ nhờ những bộ dây, sào, mà còn nhờ sức nước tác động và thông qua các bánh lái và phao [đã] được lắp đặt trong ‘bộ máy’ điều khiển các con rối’ – tác giả của bài viết ‘Lịch sử múa rối Việt Nam’ trên trang Nhà Hát Múa Rối Thăng Long đã viết. Như vậy, có thể coi Rối Nước là một tạo tác của sáng tạo nghệ thuật cũng như vận dụng thành thạo khoa học của những người nghệ nhân.
Phóng sự ngắn: Chân dung nghệ nhân duy nhất giữ nghề làm con rối ở làng múa rối nước Đào Thục (Youtube: Huyền Trương Thu)
Nguồn tham khảo:
1. Đức Toàn (2019) – Nam Định: Độc đáo nghệ thuật tạo hình con rối nước – Báo Văn Hiến Việt Nam
2. Rối nước dân gian Longlink Việt Nam (2017) – Chế tác quân rối – linh hồn của nghệ thuật múa rối nước
3. Lê Hằng (2013) – Nghệ thuật tạo hình nhân vật rối nước truyền thống – Báo điện tử Đại biểu nhân dân
SÂN KHẤU – THUỶ ĐÌNH
Sân khấu Rối Nước dân gian thường được đặt ở ngoài trời, trong các ao, hồ ở các làng xã – những sân khấu này được gọi là Thuỷ đình hay là nhà rối. Việc đặt nơi biểu diễn ngoài trời tạo nên một cảm giác hoà hợp với thiên nhiên, giống như con người ngày xưa do gắn bó với trời đất, lúa nước mà đã sinh ra múa Rối Nước. Cấu trúc của một nhà Thuỷ đình bao gồm:
1. Buồng trò: Là nơi những nghệ nhân, nghệ sĩ Rối Nước chuẩn bị và điểu khiển các con rối, được ngăn cách với sân khấu bởi những tấm mành. Trong bài Tổng Quan Nghệ Thuật Rối Nước, tác giả Tuấn Giang đã viết ‘Không gian buồng trò, một căn nhà tám mái chồng lên như hộp diêm, mái cắt thành hai phần, giữa khoảng không cao gấp đôi thân nhà. Mái nhà cấu trúc tám đầu đao cong lên nhẹ nhàng, bay bổng thanh thoát. Nền buồng trò gồm bốn cột đỡ mái trên cao, nhiều cột đỡ mái dưới. Nền buồng trò hai bên cao hơn mặt nước, tường che ba bên kín để cất con rối, đôi khi ngồi nghĩ trước khi diễn. Nền buồng trò gian giữa, ngập nước sâu dốc ra phía người xem, hai mặt trước trống không, khi diễn treo mành che kín không nhìn thấy nghệ nhân điều khiển con rối.’
Buồng trò tại phường rối nước Nguyên Xá, Thái Bình (Ảnh: Múa rối nước Longlink Việt Nam)
2. Sân khấu: Khu vực này là mặt nước trước mặt buồng trò, là nơi những quân rối ‘biểu diễn’. Nơi đây được trang trí bởi hàng mã, cờ, quạt, voi, lọng, đèn,… đầy màu sắc rực rỡ, tạo nên một không khí vui tươi và mang tính chất lễ hội. Việc sử dụng sân khấu là ao, hồ tạo nên một sự kết hợp hài hoà giữa những quân rối có phần cứng cáp, gấp khúc trong chuyển động và sự uyển chuyển, mềm mại của nước, tạo nên hiệu ứng đặc sắc cho các tiết mục Rối Nước.
Sân khấu trước buồng trò – Làng rối nước Đào Thục, Hà Nội (Ảnh: Traveloka)
3. Khu vực khán giả: Đây là khu vực bờ, bãi hoặc sân trước của Thuỷ đình, nơi người người ngồi thưởng lãm nghệ thuật múa Rối Nước.
Vị trí ngồi của khán trước thuỷ đình tại Bảo tàng Dân tộc học (Ảnh: Báo Biên Phòng)
Nguồn tham khảo:
1. Tuấn Giang (2017) – Tổng quan nghệ thuật rối nước – vanchuongviet.org
ÂM NHẠC
Ở thời kì sơ khai, bộ gõ (thanh la, trống cái, trống con, mõ,…) là nhạc cụ chính của múa Rối Nước, được những người nghệ nhân sử dụng để tạo cho buổi diễn một bầu không khí rộn ràng, náo nhiệt và nhộn nhịp. Sau này, do sự ảnh hưởng nghệ thuật chèo ở các vùng Đồng bằng Bắc Bộ, những nhạc cụ khác như bộ hơi (kèn, tiêu, sáo,…) và bộ dây (đàn nhị, đàn tranh, đàn bầu, đàn tam,…) đã được đưa vào Rối Nước, tạo nên một sự hoà tấu đa dạng. Qua đó, người xem rối như được hoà mình vào các lễ hội xưa nhờ những tiếng trống, tiếng mõ, hay được ‘sống lại’ trong không khí gian quê cũ khi nghe những tiếng sáo đưa hơi. Những con rối chỉ là những tạo tác vô tri vô giác; tuy nhiên, âm nhạc tạo nhịp điệu nhanh chậm cho từng chuyển động của chúng, mang đến cho người xem cái hồn, những tâm tư và tình cảm mà người nghệ nhân muốn biểu đạt qua những con rối – dù chỉ làm nền, âm nhạc là ‘trợ thủ đắc lực’ trong việc tạo nên cái hay, cái hấp dẫn của Rối Nước.
Dàn nhạc Rối Nước (Ảnh: Far East Tour)
Dàn nhạc Rối Nước (Ảnh: Paradise Travel)
Trước đây Rối Nước thường chỉ có âm nhạc chứ chưa có lời thoại. Khi nghệ thuật Chèo phát triển, những làn điệu hát, những lối nói tự sự và trào phúng đã dần xuất hiện trong Rối Nước. Một trò rối điển hình cho sự kết hợp này chính là Tễu Giáo Trò, thường để dùng mở màn cho các buổi diễn Rối Nước cho đến ngày nay. Bằng lời nói, Chú Tễu dẫn truyện, tự sự về bản thân, về cuộc sống và từ đó phê phán quan tham và những thói hư tật xấu trong xã hội, tuy nhiên cũng không kém phần dí dỏm và hài hước. Chèo và Rối Nước cùng là những sản phẩm dân gian bắt nguồn từ các tín ngưỡng và cuộc sống lao động, vui chơi giải trí của nhân dân xưa. Đây cũng chính là lí do hai thể loại sân khấu này có thể kết hợp hài hoà được đến như thế.
Tễu Giáo Trò (Ảnh: Rối Nước dân gian Longlink Việt Nam)
Nguồn tham khảo:
1. Tuấn Giang (2015) – Đặc điểm ca nhạc rối nước – vanchuongviet.org
2. Nhà hát múa rối Thăng Long – Lịch sử múa rối VN