Tiếng Chèo nơi Thành cổ

Xuyên suốt dòng chảy lịch sử hơn 1000 năm chống giặc, dù phải trải qua bao cuộc đấu tranh, dân tộc ta vẫn đứng vững như kiềng ba chân, vẫn “rũ bùn, đứng dậy, sáng loà”. Để rồi cho đến ngày mùng 2/9/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ở quảng trường Ba Đình đã đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng Hoà – tiền thân của nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam.

Để vượt qua gian khó trong những ngày kháng chiến, không thể phủ định tầm quan trọng của văn hoá và nghệ thuật đối với sự nghiệp đấu tranh, giải phóng dân tộc, như lời Bác đã từng nói: “Văn hoá nghệ thuật cũng là một mặt trận. Anh chị em cũng là chiến sĩ trên mặt trận ấy” trên Báo Cứu quốc, số 1986. Tiêu biểu nhất trong bộ phim “Mùi cỏ cháy” của đạo diễn Hữu Mười, tiếng Chèo đã xuất hiện như một liều thuốc tinh thần giúp các chiến sĩ nơi tiền tuyến có thêm sức mạnh.

Bộ phim lấy bối cảnh những ngày tháng chống Mỹ từ sự kiện “Mùa hè đỏ lửa” năm 1972 với trận chiến oanh liệt nơi Thành Cổ Quảng Trị. Bốn nhân vật chính là bốn anh sinh viên khoa Văn đại học Tổng hợp Hà Nội: Hoàng, Thành, Thăng, Long. Họ là những chàng trai trẻ tuổi với tương lai phơi phới rộng mở ở phía trước, với hậu phương là gia đình vững chắc, với tâm hồn lãng mạn, hồn nhiên, tinh nghịch nhưng vẫn kiên quyết đi theo tiếng gọi của Tổ quốc:

“Chúng tôi đã đi không tiếc đời mình

(Nhưng tuổi hai mươi làm sao không tiếc)

Nhưng ai cũng tiếc tuổi hai mươi thì còn chi Tổ quốc”

Bài thơ “Khúc bảy” – Thanh Thảo

Một phân cảnh trong “Mùi cỏ cháy”

Nửa sau phim là cuộc chiến đấu ở Thành Cổ, nơi chỉ có cái chết và sự tang thương hiện hữu. Hầu hết những người lính trên mặt trận Thành Cổ đều là sinh viên. Cả trăm người trong đêm phải vượt qua dòng sông Thạch Hãn nhưng chỉ có 49 người lên được bờ; những tiếng kêu cứu đồng đội, tiếng bom, tiếng gọi mẹ trộn lẫn vang vọng khắp đất trời. Sông Thạch Hãn trở thành bể máu, hằng xa số xác của những người lính mãi mãi im lìm dưới đáy sông. Thành cổ Quảng Trị, sau 81 ngày, không một ngọn cỏ sống sót:

“Đò lên Thạch Hãn ơi… chèo nhẹ

Đáy sông còn đó bạn tôi nằm

Có tuổi hai mươi thành sóng nước

Vỗ yên bờ, mãi mãi ngàn năm”

“Lời người bên sông” – Lê Bá Dương

Những chàng trai trẻ hy sinh cả tấm thân, cả linh hồn, cả nguồn sống tuổi trẻ để quyết  tâm giữ vững trận địa, không cho phép bất cứ một tên giặc nào cắm được cờ lên Thành Cổ. Dẫu vậy, cũng có những lúc người lính quay về với tâm hồn trẻ trung, hồn nhiên và tinh nghịch của mình. Giây phút đó tuy ngắn ngủi nhưng lại là một điểm sáng, là đòn bẩy tiếp thêm sức mạnh và niềm tin cho họ.

Khi xem phim, chắc hẳn không ít người đặt ra câu hỏi: “Tại sao phải là Chèo mà không phải thể loại khác?”, “Hai phân cảnh Chèo này có ý nghĩa gì không?”. Theo bài Giới thiệu về Chèo của Trường Ca Kịch Viện, Chèo là một loại hình nghệ thuật sân khấu cổ truyền của Việt Nam, phát triển mạnh ở phía bắc nước ta với trọng tâm là vùng châu thổ sông Hồng cùng hai khu vực trung du miền núi Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ. Nghệ thuật Chèo mang đậm màu sắc dân tộc, giàu tính quần chúng, nên đã đi sâu vào gốc rễ đời sống xã hội và thấm nhuần tư tưởng con người Việt Nam. Chèo phản ánh đầy đủ mọi góc độ của bản sắc dân tộc Việt, phê phán những cái xấu trong xã hội, đưa ra những bài học quý giá về đạo đức và cách sống: tinh thần lạc quan, nhân ái, yêu cuộc sống yên lành, bình dị, tự hào dân tộc, kiên cường đuổi giặc ngoại xâm, bảo vệ tổ quốc,…

Qua phần giới thiệu sơ lược, ta có thể nhận ra tại sao nhà làm phim chọn Chèo. Đầu tiên, nhân vật Thành là chàng sinh viên Hà Nội vui tính thích hát Chèo, mà thể loại này phát triển mạnh nhất ở vùng châu thổ sông Hồng nói chung và Hà Nội nói riêng. Thứ hai, yếu tố cơ bản để làm nên một vở Chèo hay là tích và trò, còn dàn nhạc là một yếu tố thứ yếu. Như đoạn trên đã ghi rõ, trò là cách người diễn viên biểu diễn vở Chèo bằng lời nói, câu hát, chuyển động cơ thể và biểu cảm của họ. Ta có thể dễ dàng thấy Thành không cần một dàn nhạc cầu kỳ hay một bộ đồ đẹp, mà chỉ cần mảnh khăn, cái quạt, cùng với những câu hát cũng đủ để hóa thân thành một nàng đào. Còn một điều nữa đó là Chèo dù thể hiện tính tự sự, hài hay bi đều mang lại một cảm giác rất lạc quan, tươi sáng, không hề ủ rũ hay sầu bi, và đây có lẽ chính là điều mà nhà làm phim muốn thể hiện ở hai phân cảnh Chèo hiếm hoi trong bộ phim. Cả hai phân cảnh Chèo đều mang một không khí rất lạc quan, vui tươi ngay cả những giờ phút khắc nghiệt nhất, bi thương nhất.

Hai phân cảnh trong “Mùi cỏ cháy”

Hai phân cảnh Chèo nằm ở hai phân đoạn khác nhau, cảnh đầu là khi các chàng trai mới nhập ngũ, và cảnh sau là những giây phút giải lao hiếm hoi của họ giữa các trận mưa bom, pháo của địch.

Trích đoạn hát Chèo xuất hiện lần thứ nhất trong bộ phim

Ở phân cảnh này, tiếng hát Chèo vang lên trong khu đóng quân tại một miền quê Bắc Bộ, khi các anh vẫn còn ngây ngô, hồn nhiên, chân ướt chân ráo luyện binh trở thành một người lính cụ Hồ bảo vệ tổ quốc. Khi nhân vật Thành cất tiếng hát, các chiến sĩ khác xoay quanh Thành, tung hứng với lời hát của anh, cùng vui đùa và nhảy. Tất cả như hoà vào làm một, khơi gợi lên hương vị tươi mát, sảng khoái của tuổi trẻ sung sức, hồ hởi. Một bầu không khí vui tươi và hồn nhiên biết bao. Nhìn những chàng lính tươi cười như thể máu đỏ lênh láng hay khói đạn ngộp thở chỉ là phù du.

Tiếng hát Chèo từ mặt trận Thành Cổ Quảng Trị

Khi các chàng sinh viên phải ra chiến trận để bảo vệ Tổ quốc, tiếng Chèo cất lên giữa Thành cổ đổ nát bởi bom giặc, sau những giờ phút căng mình giữ từng tấc đất. Trong phân cảnh này, tiếng Chèo mang lại một sự thư giãn, lạc quan vui tươi, và ấm áp giữa những tang thương. Ở cái nơi tiếng chim không thể nào lọt vào, tiếng Chèo như dẫn các chàng trai trẻ về những giây phút hồn nhiên, và có khi gợi lại những cảm xúc bình yên ở nơi quê nhà xa xôi. Khi nhân vật Thành cất tiếng hát những câu đầu tiên trong trích đoạn “Thị Mầu lên chùa” của vở Chèo cổ “Quan Âm Thị Kính”, ta mới thấy được những nụ cười của những anh lính trẻ mới mười tám đôi mươi, ai cũng lấm lem bùn đất, thậm chí còn bị thương.

Nếu so sánh giữa hai phân cảnh Chèo trong bộ phim, điểm chung của hai cảnh chính là nụ cười đùa vui của những anh lính trẻ, là một không khí lạc quan, ấm áp mà bất kỳ ai khi xem hai cảnh này đều sẽ cảm được sự bình yên, tươi vui mà tiếng hát Chèo cũng như nhân vật Thành mang lại. Song, hai cảnh này đồng thời phản ánh hiện thực khốc liệt của chiến tranh: khi các chàng trai trẻ mới chập chững bước vào thế giới của người trưởng thành và còn một tương lai rộng mở phía trước, thì họ đã phải cất hết những ước mơ vào cặp và rời xa gia đình mà không rõ ngày trở về. Họ không thể xem Chèo trên chiếc giường tươm tất nữa mà ngồi bệt dưới đất, trên thùng đạn, giữa đống đổ nát, người lấm lem bùn đất, súng khoác trên vai. Những người anh em chung phòng ngày trước, liệu còn bao nhiêu người có thể xem Thành diễn Chèo? Long đã hy sinh dưới bom pháo khi vượt qua sông Thạch Hãn, có người mù cả hai mắt, người thì băng bó vết thương ngồi xem,… Chỉ vừa qua cảnh này thôi là sẽ thấy những người lính khiêng trên vai những người anh em của họ về với trời đất. Rõ ràng, tiếng hát Chèo đã làm trọn vẹn những gì mà nhà làm phim mong muốn truyền tải tới cho người xem. Tiếng hát Chèo trong trẻo, đầy lạc quan yêu đời như tâm hồn của những anh lính trẻ vậy, dù trong chiến trận tàn khốc và tang thương, các anh vẫn lạc quan và cống hiến cuộc đời mình cho lý tưởng vì độc lập của tổ quốc: Quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh!

Giờ đây, chúng ta lại phải đối mặt với diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Trường Ca Kịch Viện muốn gửi một lời tri ân đến các y bác sĩ, tình nguyện viên, lực lượng phòng chống dịch tuyến đầu Tổ quốc. Một lần nữa, toàn dân sẽ cùng nhau đồng lòng, “chống dịch như chống giặc”, thực hiện đúng theo những chỉ thị của nhà nước để vượt qua đại dịch.

Điền Diệu Anh – Minh Anh

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật