Tôn vinh Ngày Giỗ Tổ Sân khấu Truyền thống Việt Nam

1. Giới thiệu chung

Ngày 12/08 Âm lịch hàng năm là ngày các văn nghệ sĩ hoạt động ở các loại hình nghệ thuật sân khấu nói chung cùng tổ chức thờ cúng và các hoạt động liên quan đến Ngày Giỗ Tổ Sân khấu Việt Nam. Lễ Giỗ tổ được diễn ra vào 3 ngày 11, 12, 13 tháng 8 Âm lịch hàng năm. Ngày 11 cúng chay, ngày 12 cúng mặn và cũng là ngày giỗ chính, ngày 13 tưởng niệm các vong linh những nghệ sĩ đã khuất và để nhớ ơn các bậc tiền bối.

Ban đầu Lễ Giỗ tổ Sân khấu chỉ thu hẹp với các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống như Tuồng Chèo, Hát Bội và Cải Lương. Về sau này, Lễ Giỗ tổ Sân khấu đã trở thành ngày giỗ chung của mọi người làm việc trong lĩnh vực sân khấu truyền thống lẫn hiện đại, với sự tham gia đông đảo của các nghệ sĩ từ nhiều lĩnh vực khác nhau như kịch nói, diễn viên, ca sĩ, nhạc sĩ,… đến cả người mẫu hay sản xuất âm nhạc. Mỗi đơn vị hay sân khấu thường tổ chức lễ giỗ riêng với các hoạt động chủ yếu như thắp hương cho Tổ nghiệp, biểu diễn các tiếc mục cho Tổ xem và tụ họp liên hoan ăn uống, trò chuyện.

Ở miền Nam, Lễ Giỗ tổ Sân khấu đã được tổ chức có quy trình và bài bản từ rất lâu. Còn các hoạt động sân khấu ở miền Bắc, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam đã đưa kiến nghị đề xuất chọn ngày 12/08 ÂL là Ngày Sân khấu Việt Nam và được Nhà Nước công nhận từ năm 2011. Từ đó đến nay, hàng năm từ Bắc đến Nam, các văn nghệ sĩ đến tháng 8 Âm lịch đều tụ hội về các sân khấu và bắt đầu chuẩn bị tổ chức Lễ Giỗ tổ Sân khấu, nhằm tôn vinh những giá trị nghệ thuật sân khấu, tỏ lòng biết ơn với Tổ nghiệp cùng các bậc tiền bối và đồng thời cũng là dịp để các anh chị em nghệ sĩ tụ họp cùng nhau chia sẻ những câu chuyện nghề.

Về nguồn gốc và tích truyền về Ông Tổ ngành Sân khấu có rất nhiều giai thoại. Mỗi nơi lại có một niềm tin và tín ngưỡng khác nhau. Vậy nghệ thuật sân khấu ở miền Trung và Nam thường lưu truyền giai thoại nào?

2. Nguồn gốc

Có rất nhiều giai thoại kể về Tổ nghiệp Sân khấu Truyền thống được truyền miệng qua nhiều thế hệ nghệ sĩ. Tuy không rõ về tài liệu hay nguồn ghi chép, song chính nhờ lòng tôn kính Tổ nghề và sự quý trọng nghề diễn đã giúp các nghệ sĩ lưu giữ các tích truyện thông qua truyền miệng trong nhiều thế hệ và có nhiều dị bản, huyền bí và sống động hơn bao giờ hết.

Vào khoảng sau khi Đinh Bộ Lĩnh đã dẹp được loạn 12 sứ quân, theo Hý phường phả luật, ông cho tuyển người giỏi ca múa về cung để mở phường hát. Thời bấy giờ, ở phường Hồng Châu có tiến cử ca nữ Phạm Thị Trân – vốn là người nổi tiếng dung mạo xinh đẹp, có tài hát xướng. Sau khi tiến cung, bà được phong chức Ưu Bà, tục hay gọi là Huyền Nữ, chuyện việc quân nhạc và ca múa trong cung. Từ khi Ưu Bà được dời về cung, bà đã sáng tạo ra cách đánh trống quân để khích lệ tinh thần chiến sĩ khi xuất trận, và phát triển thành cách đánh trống chầu, tạo tiền đề cho nghệ thuật Tuồng Chèo truyền thống. Về sau khi bà mất, các nghệ nhân và nghệ sĩ về sau đã quyết định chọn ngày 12/08 ÂL làm ngày Tổ Sân khấu Chèo và tổ chức lễ thường niên tại đền Vân Thị (tương truyền từ thời Đinh đến nay). Nhờ công lao đóng góp đầu tiên trên sân khấu truyền thống, về sau ngày 12/08 ÂL vẫn được chọn là Ngày Giỗ tổ Sân khấu chung của các loại hình nghệ thuật sân khấu truyền thống. Đặc biệt sau này, khi được lưu truyền sang nhiều ngành sân khấu khác như Hát Bội, ngày 12/08 ÂL vẫn được chọn là ngày thờ Tổ nghề Sân khấu nhưng với một tích truyện mới mang tính huyền ảo và bí ẩn hơn.

Theo bài phỏng vấn nghệ nhân Hai Móm – hậu duệ của nghệ thuật Hát Bội nhánh Bình Định về chủ đề “Nghệ sĩ Việt cúng Tổ nghiệp hay giỗ Tổ nghề”, ông chia sẻ rằng Ông Tổ nghề hát thực ra có một Tổ chung với những người hành khất, và theo ông không phải gọi là giỗ Tổ mà gọi là cúng Tổ, vì không ai biết cụ thể Tổ là ai, mất vào khi nào nên không thể có giỗ. Do tin vào giả thuyết ngành sân khấu có cùng một Tổ với nghề hành khất, sau này đã sinh ra điều kiêng kị rằng nghệ sĩ không nên cho tiền những người ăn xin bên ngoài mà mất duyên sân khấu. Tuy nhiên, giả thuyết trên cũng có nhiều ý kiến phản bác vì cho là Tổ không thể nào khất thực bên ngoài được. 

Theo trang báo Tri thức & Cuộc sống, có một giai thoại khác được đưa ra và được đồng thuận hơn, đó là ông Tổ xuất thân là hai vị hoàng tử. Chuyện kể rằng, khi xưa có nhà vua tuy tuổi đã cao mà chưa có con nối dõi, nên ông đã ngày đêm khấn vái trời Phật, và cho người đóng vai các vị tiên để múa hát trong các buổi tế lễ để mong trời đất cảm động mà ban con. Và rồi trời không phụ lòng người, hoàng hậu có mang và sinh được hai vị hoàng tử. Tương truyền, hai hoàng tử lớn lên rất mê tuồng hát nên thường lẻn trốn vào các gánh và nấp trong buồng hát để xem tuồng. Có nhiều lần quá mê xem hát mà hai hoàng tử đổ bệnh, nên nhà vua vì thương con đã cấm hai người đến các gánh hát. Một lần nọ, hai hoàng tử lại trốn đi theo gánh hát, để không bị phát hiện mà trốn trong một bọng cây vông nam. Nhưng không may hôm đó lại xảy ra một trận hỏa hoạn lớn, hai hoàng tử không kịp thoát ra ngoài mà mất đi, lúc đó đúng vào ngày 12/08 Âm lịch.

Ngoài ra, theo Nghệ sĩ Bạch Long kể lại theo quyển “Thiên hồi ký của nghệ nhân Nguyễn Thành Tôn” (NSND Thành Tôn), ngày xưa có lưu truyền một khẩu ngữ là “ngày cúng Ông”, lớp trẻ kiêng kỵ không dám nói phạm từ “Tổ”. Về sau mọi người gọi là “ngày cúng Tổ”, đến vào độ năm 1944 mới có cụm từ “ngày giỗ Thánh Tổ” như hiện nay. Cũng theo “Thiên hồi ký của nghệ nhân Nguyễn Thành Tôn” có giai thoại kể rằng Tổ nghề xuất thân là ba vị Càn, Chơn và Chất. Trong đó có nhắc đến giai thoại về vị Hoàng Chơn hành nghề trộm cắp, lấy của người giàu chia cho người nghèo, có lẽ vì thế mà nhiều người cho rằng nghề trộm cắp cũng chung một Tổ với nghề hát. Trang Tri thức & Cuộc sống cũng nói rõ hơn là ba vị vốn là hoàng tử nhưng từ nhỏ đã rất yêu thích nghề hát xướng. Vì quá mê xem hát nên cả ba hay trốn vua cha để rời cung đến bội đình, và nghĩ ra cách dùng mùi hương của trái thị để làm ám hiệu cho nhau. Một ngày nọ, do không thể lẻn ra cùng hai em nên chỉ có hai hoàng tử Chơn và Chất đi xem hát, còn hoàng tử Càn vẫn ở lại cung. Lúc trên đường trở về, hai vị hoàng tử bị mắc một trận mưa lớn, sau khi được đưa trở về thì lại lâm bệnh nặng mà qua đời. Ít lâu sau, hoàng tử Càn được truyền ngôi. Tuy nhiên, dù sống trong cuộc sống giàu sang, quyền lực nhưng ngài vẫn lưu luyến với nghề hát. Chẳng được bao lâu, vì quá nhớ thương hai người em quá cố và vẫn còn say mê nghề hát nên ngài đã rời bỏ cung đình mà ra đi tìm người cùng mình lập gánh hát. Gánh hát của ông bầu Càn hoạt động chẳng được bao lâu thì đến mùa mưa bão. Không ai thuê hát, cũng chẳng còn kinh phí để duy trì, thế nên gánh hát đành tan rã. Ông bầu Càn đành ngậm ngùi gom hết tài sản của mình vào hai chiếc thùng mà rời đi. Trời đất khắc nghiệt, sức cùng lực kiệt nên ông đã ngã gục và ra đi bên gốc cây vông, tương truyền trước khi mất, ông còn gọi tên hai em của mình và khi ấy cũng đúng vào ngày 12/08 Âm lịch. Có lẽ vì lúc sống ba người đã gắn bó với nghề hát bội, nên khi mất đi tương truyền họ vẫn tìm đến các gánh hát xin tá túc và phù hộ. Thế nên về sau, những ban hát vì để nhớ ơn ba anh em họ nên đã tôn họ là những vị Tổ nghề, hương khói thường xuyên, và chọn ngày hoàng tử Càn mất làm ngày giỗ Tổ. 

Các câu chuyện về Tổ nghề sân khấu cứ vậy mà được truyền tụng từ thế hệ này đến thế hệ khác, sản sinh ra cũng khá nhiều dị bản khác nhau. Nhưng nhìn chung các câu chuyện đều xoay quanh các yếu tố cây vông, cây mía, trái thị, hay vị Tổ là một người yêu nghề hát xướng. Có lẽ vì vậy mà từ lâu, trong sân khấu các nghệ sĩ vẫn truyền nhau những điều cấm kị như không mang guốc vông lên sàn diễn, không mang quả thị vào cánh gà,… vì sợ bị “tổ trác”, không hát được. Những điều ly kì trên tạo thành một sự huyền bí, linh thiêng trong giới sân khấu. Theo NSND Đinh Bằng Phi đã chia sẻ trong “Chuyện về Tổ nghiệp sân khấu” (Thanh Niên, 2016), thực ra những giai thoại được đặt ra là để tạo sự tin tưởng. Tất cả những người làm sân khấu đều xem mình là con, cháu của “ông Tổ” và dù theo giai thoại nào thì cũng thể hiện sự thành kính biết ơn của nghệ sĩ dành cho những người đã có công đóng góp cho ngành sân khấu.

Cũng theo NSND Đinh Bằng Phi, đối với người nghệ sĩ, hay người hoạt động trong lĩnh vực nghệ thuật sân khấu, mặc dù truyền thuyết được kể như vậy nhưng với họ Tổ nghề không chỉ có ba vị. Có thể thấy, sân khấu là một xã hội thu nhỏ, với người làm sân khấu, họ cho rằng bất cứ ngành nghề nào cũng đáng được tôn trọng. Vì xuất phát từ thực tế, mỗi khi hóa thân một nhân vật nào đó, người nghệ sĩ cũng cần học những điệu bộ, những tính cách của nhân vật thật ở ngoài đời sống, thế nên Tổ còn là những người đã có công đóng góp cho nền nghệ thuật sân khấu từ hàng trăm năm về trước, hay các bậc tiền bối nghệ sĩ đi trước, đã có công lớn trong việc phát triển nghệ thuật sân khấu và được tôn kính gọi là “Hậu Tổ”. Có lẽ vì thế mà các nghệ sĩ thường truyền nhau khấn niệm các vị rằng: “Thánh sư, Tổ sư, Tiên sư, Tam giáo đạo sư, Thập nhị công nghệ, Lão lang, Đại thần, Tiền hiền, Hậu hiền, Tả ban, Hữu ban”, để tri ân hết thảy các vị tiền nhân.

3. Hoạt động của Ngày Giỗ Tổ Sân khấu trong đại dịch Covid-19

Những năm trước trong những ngày giỗ, giới sân khấu vẫn luôn tất bật chuẩn bị sắm sửa lễ vật, hương khói, bày tỏ lòng tri ân đối với Tổ nghề, cầu xin Tổ ban phước duyên cho ca hay, diễn giỏi, cho sân khấu nước nhà được thịnh vượng. Đây cũng là dịp hiếm hoi để các nghệ sĩ có thể tụ họp đông đủ lại với nhau để ôn cố tri tân, tưởng niệm các tiền bối đã khuất và chia sẻ cho nhau những kinh nghiệm trong nghề. Có thể thấy đây là một nét đẹp của văn hoá, thể hiện rõ truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, và “tôn sư trọng đạo” của người Việt ta đã được gìn giữ và phát huy từ xưa đến nay. Và nét đẹp đó cũng đã được Nhà nước ghi nhận, từ năm 2011, ngày 12/08 Âm lịch hằng năm đã được chọn là Ngày Sân khấu Việt Nam. Nhiều hoạt động được diễn ra liên tục, tại nhiều sân khấu, tổ chức nhằm tri ân, tôn vinh các nghệ sĩ.

Ảnh: Hội Sân khấu và Ban Ái hữu Nghệ sĩ TPHCM tổ chức lễ giỗ Tổ truyền thống ngành sân khấu và kỷ niệm Ngày Sân khấu Việt Nam 2020 vào ngày 27/9/2020, tại Nhà truyền thống Sân khấu TPHCM (133 đường Cô Bắc, phường Cô Giang, Quận 1). Nguồn: Giữ gìn truyền thống sân khấu dân tộc (hcmcpv.org.vn).
Ảnh: Trưởng Ban Dân vận Thành ủy TPHCM Nguyễn Hữu Hiệp và Bí thư Thành đoàn TPHCM Phan Thị Thanh Phương tôn vinh danh cầm Văn Giỏi tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM trong hoạt động “Ngày Sân khấu Việt Nam” 2020 với rất nhiều ý nghĩa và ấm áp tình nghệ sĩ. Nguồn: Giỗ Tổ ngành Sân khấu trong mùa đại dịch | Nhà Văn hóa Thanh niên (nvhtn.org.vn).

Tuy nhiên, đến năm nay, 2021, do tình hình dịch bệnh phức tạp nên các hoạt động kỷ niệm Ngày truyền thống sân khấu, hay Giỗ Tổ sân khấu đều bị hoãn lại. Theo báo Người Lao động, lễ giỗ Tổ và lễ tưởng niệm các nghệ sĩ đã qua đời trong đại dịch tại Nhà Thờ Tổ 133 Cô Bắc – Quận 1, TP HCM đã được dời lại, và sẽ tổ chức vào một ngày khác.

Cũng theo báo Người lao động, các nghệ sĩ từ hôm nay đã tất bật bày biện, thực hiện nghi lễ cúng Tổ tại nhà. NSƯT Ngọc Khanh là người chuẩn bị bàn thờ Tổ sớm nhất. Bà có hẳn một CLB Hát bội với đông nghệ sĩ là học trò nên năm nay, cúng Tổ trong giãn cách xã hội, bà và các cháu nội, cháu ngoại trong nhà cùng lo sắm sửa bàn thờ Tổ để dâng hương. Ngày này bà dành thời gian nói chuyện trực tuyến với học trò để diễn giải về nguồn gốc của việc thờ Tổ của ngành hát và tri ân những nghệ sĩ tiền bối đã tận hiến cho nghề.

Nghệ sĩ Hoàng Đăng Khoa (Đoàn cải lương tuồng cổ Huỳnh Long) chuẩn bị khá chu đáo bàn thờ với nghi thức cúng chay trong ngày 11 tháng 8 âm lịch.

Trên trang cá nhân, NSƯT Thành Lộc chia sẻ ngày Giỗ Tổ năm nay nghệ sĩ sân khấu IDECAF thắp hương dâng Tổ tại nhà từ lòng thành kính.

Có thể thấy, đây là một ngày trọng đại, thiêng liêng đối với ngành sân khấu. Và dù dịch bệnh cản trở, các nghệ sĩ chỉ có thể làm mâm cỗ đơn giản, nhưng vẫn hướng về Tổ nghiệp với tấm lòng thành kính sâu sắc.

4. Tri ân từ Trường Ca Kịch Viện

Hôm nay, nhân Ngày Giỗ Tổ Sân khấu Việt Nam, toàn bộ ekip tổ chức Trường Ca Kịch Viện cũng xin được bày tỏ lòng tri ân sâu sắc đến các vị nghệ sĩ, nghệ nhân đã góp công xây dựng và phát triển cho đất nước ta một nền sân khấu truyền thống đa sắc màu, với nhiều loại hình âm nhạc dân tộc đặc sắc. Kính chúc các cô chú, các bác có thật nhiều sức khoẻ để cống hiến, truyền dạy cho thế hệ trẻ tiếp bước gìn giữ và phát huy một nền sân khấu truyền thống giàu đẹp và đậm đà bản sắc dân tộc.

Võ Huỳnh Minh Anh – Công Thái Gia Bảo

 

Tài liệu tham khảo:

1. Admin. (05/07/2021). Tổ ngành sân khấu là ai.

2. Chuyện Hậu Cung. (01/07/2021). Huyền Nữ Phạm Thị Trân – Bà tổ của nghệ thuật hát chèo.

3. Nông Huyền Sơn. (22/09/2016). Nghệ sĩ Việt cúng tổ nghiệp hay cúng giỗ tổ nghề? – Báo Công an Nhân dân điện tử (cand.com.vn).

4. Tổng hợp. (14/07/2021).  Ông Tổ Ngành Sân Khấu Là Ai? (90namdangbothanhhoa.vn).

5. Thanh Hiệp. (17/09/2021). Nghệ sĩ TP HCM cúng Giỗ Tổ sân khấu tại nhà – Báo Người lao động (nld.com.vn). 

6. Thu Cúc. (26/09/2020). Giai thoại ly kỳ về ông Tổ nghề sân khấu (kienthuc.net.vn).

6. Wikipedia. Sân khấu cổ truyền Việt Nam.

7. Báo Nhân Dân. Kỷ niệm Ngàyn khấu Việt Nam năm 2020.

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật