Triển lãm: Nguời phụ nữ xưa qua các vở Chèo

TRIỂN LÃM: Người phụ nữ XƯA QUA CÁC VỞ chèo

Play Video

Quan Âm Thị Kính

Nhà hát Chèo Việt Nam - 1998

Vở Chèo Quan Âm Thị Kính, dựa vào cốt truyện cùng tên, là một trong những áng văn đặc sắc và quen thuộc nhất trong Văn học Việt Nam. Vở diễn tập trung vào đề tài khai thác thân phận người phụ nữ Việt Nam, với một góc nhìn nhất quán về thân phận người phụ nữ Việt: truân chuyên, nổi chìm, hồng nhan bạc phận… Nhân vật chính của vở Chèo, nàng Thị Kính là đại diện tiêu biểu cho lòng bao dung, sự hy sinh, từ bi, đức độ, công dung ngôn hạnh, chịu thương chịu khó. Dù cho sóng gió bủa vây, thanh danh bị vấy bẩn, đức hạnh của Thị Kính vẫn mãi không bao giờ thay đổi, cho đến khi oan khiên được gội sạch, hiếu dạ được vuông tròn. Hình ảnh đó đã khẳng định vị thế của người phụ nữ trong cuộc sống, dù họ luôn bị cả một hệ tư tưởng phong kiến ấu trĩ, hà khắc kìm kẹp, nhưng vẫn đẹp cả thể chất lẫn tâm hồn.  

Play Video

Kim Nham

Nhà hát Chèo Việt Nam

Kim Nham là một vở Chèo cổ của Việt Nam, trong đó nổi tiếng nhất là mảnh trò “Xúy Vân giả dại” được đánh giá là một trong những  kinh điển của Chèo cổ Việt Nam. Xúy Vân, nhân vật chính trong vở Chèo, là hiện thân của vai nữ lệch. Cô thể hiện bi kịch của người con gái Việt Nam sống vượt qua khuôn khổ của xã hội phong kiến. Từ một người phụ nữ đảm đang, khéo léo, có ước mong, khát vọng hạnh phúc thật giản dị, sống trong một gia đình đầm ấm, Xuý Vân bị chính bị kịch xã hội vùi dập mà đẩy đến bước đường cùng, phải giả điên mà  trở nên điên dại thật. Vở Chèo là một tiếng than ai oán của người phụ nữ xưa, khát khao được hạnh phúc, nhưng cái hạnh phúc đó lại được định đoạt bằng những người đàn ông trong một xã  hội  nam quyền. 

Play Video

Trinh Nguyên

Nhà hát Chèo Việt Nam - 2018

Vở Chèo xoay quanh Trinh Nguyên – người phụ nữ tài đức vẹn toàn nhưng không may sớm lâm vào cảnh mẹ góa con côi, cùng lúc phải làm việc tần tảo nuôi hai đứa con, một đứa là con ruột, một đứa là con riêng của chồng. Một hôm đang trên đường đi học trở về thăm mẹ, 2 anh em gặp một xác người chết. Sau chốc lát hoảng hốt, hai anh em đã cùng nhau lo toan chôn cất chu đáo cho nạn nhân. Điềm dữ ập đến, cả Tôn Mạnh và Tôn Trọng cùng bị bắt cầm tù bị vu là giết người phi tang. Dữ dằn hơn, án tử hình đến với một trong hai anh em. Bà mẹ là Trinh Nguyên cao cả, xin được nhận án tù hình thay cho hai đứa con thơ. Còn nếu không chết thay được, thì án tử hình sẽ thuộc về đứa em là Tôn Trọng, là giọt máu của bà với ông Tôn Dân đã khuất chứ không phải thuộc về đứa anh Tôn Mạnh đã mồ côi cả cha, cả mẹ. Tình cảm của của bà mẹ kế dành cho cả con trai lẫn con chồng trong Trinh Nguyên cho thấy sự giàu đức hy sinh, bao dung, và tình mẫu tử thiêng liêng của người phụ nữ Việt Nam xưa.

 

Play Video

Bài Ca Giữ Nước: Ỷ Lan Nhiếp Chính

Đoàn Chèo Tổng cục Hậu cần

Nhiếp Chính Ỷ Lan là một trong bộ ba vở Chèo Bài Ca Giữ Nước của NSND Tào Mạt. Ỷ Lan xuất thân là một cô thôn nữ, sau đó được tiến cử vào cung, trở thành phu nhân của vua Lý Thánh Tông, và sinh hạ Hoàng Thái tử Lý Càn Đức (vua Lý Nhân Tông sau này). Năm 1072, vua Lý Thánh Tông băng hà, Càn Đức lên ngôi khi mới 6 tuổi. Từ đó, Nguyên phi Ỷ Lan được tôn làm Linh Nhân Hoàng Thái hậu, buông rèm nhiếp chính. Việc quốc gia đại sự bộn bề nhưng Hoàng Thái hậu Ỷ Lan điều khiển mọi sự suôn sẻ; bà cùng Thái úy Lý Thường Kiệt tích cực chống quân Tống xâm lược. Xuất thân từ vùng thôn dã, bà rất hiểu nỗi vất vả của người nông dân nên ra sức chăm lo phát triển kinh tế đất nước để người dân được no ấm. Bà còn chăm lo việc mở mang dân trí, việc thi cử học hành và còn ban hành nhiều điều ích quốc lợi dân, phát triển Phật giáo ở Đại Việt, bỏ nhiều tiền của xây chùa và ủng hộ mọi người nghiên cứu Phật pháp. Có thể nói, bà là đại diện của những người con gái Việt tài sắc giỏi giang, nhưng hơn cả là sự tự tin, quyết đoán, và lòng cam đảm vượt qua những định kiến xã hội.

Play Video

Hồ Xuân Hương

Nhà hát Chèo Việt Nam

Vở Chèo Hồ Xuân Hương kể về cuộc đời của bà, đồng thời khắc hoạ tầng lớp phụ nữ sống dưới chế độ phong kiến bị chà đạp lên nhân phẩm, bị vùi dập tài năng và gánh chịu bao sự bất công của xã hội. Cuộc đời của người được mệnh danh là ‘Bà chúa thơ Nôm’ gắn liền với những mảnh đời éo le nghèo hèn, những số phận ngang trái, các ông quan, bà chúa, mụ chủ lầu xanh,… Do đó, những tác phẩm của bà thường táo bạo, nhắc đến những vấn đề nhạy cảm trong cuộc sống, những hình ảnh biểu tượng ẩn dụ về giới để phản ánh chân thực cuộc sống xã hội lúc bấy giờ. Bà cũng không ngại thể hiện tình cảm của mình, dũng cảm theo đuổi chân lý của bản thân, một người phụ nữ, tài trí, can đảm, có chính kiến.