Triễn lãm: Nhị thập huyền tổ bản trong Đờn ca tài tử

TRIỂN LÃM: NHỊ THẬP HUYỀN TỔ BẢN ĐỜN CA TÀI TỬ

Đầu thế kỉ XX, phong trào Đờn ca tài tử phát triển lan rộng khắp Nam Bộ, nhiều ban đờn ca nổi tiếng phân bố khắp các địa phương như: Sài Gòn, Long An, Bạc Liêu, Sa Đéc, Rạch Giá,… Lúc này Đờn ca tài tử lại tiếp tục chia thành hai khối là khối tài tử miền Đông người đứng đầu là ông Nguyễn Quang Đại tức Ba Đợi ở Cần Đước và khối tài tử miên Tây do ông Trần Quang Quờn ở Vĩnh Long đại diện. Cả hai khối đều có những cố gắng lớn trong việc cải soạn, sáng tác mới bài bản, giảng dạy và truyền bá nền âm nhạc tài tử theo cách thức riêng của mình. Cho đến lúc này, số lượng bài bản tài tử đã rất phong phú và đa dạng. Nhạc mục tài tử ngoài số bản của nhạc lễ đưa sang còn có rất nhiều bài bản khác được cải soạn theo phong cách tài tử từ một số bản nhạc cổ truyền của Huế, hoặc là những sáng tác mới của các tài tử bậc thầy. Tuy nhiên, khi hệ thống lại, người ta trước hết nói đến 20 bài bản tổ (còn gọi nhị thập huyền tổ bản),  được cho là do nhạc sư Nguyễn Quang Đại (hay còn gọi thầy Ba Đợi) đúc kết, mà những bài bản này đã được các nghệ sĩ trong giới công nhận là tinh hoa của âm nhạc Đờn ca tài tử cho đến ngày nay. 

Hệ thống 20 bài bản được đúc kết cho 4 điệu (4 hơi Xuân, Ai, Đảo, Ngự) gồm: 3 bài Nam (diễn tả sự an nhàn thanh thoát), 6 bài Bắc (diễn tả sự vui tươi, phóng khoáng), 7 bài Hạ (dùng trong lễ tế, có tính trang nghiêm) và 4 bài Oán (diễn tả cảnh đau buồn, chia ly). Mỗi bài bán đều có tính chất riêng biệt cũng như gợi cho người nghe những cảm xúc khác nhau, và cũng từ tính chất khác nhau đó mà người nhạc sĩ sáng tác lời ca cho phù hợp.

1. Ba bài Nam gồm: Nam Xuân, Nam Ai + Nam Ai Lớp Mái, Đảo Ngũ Cung + Song Cước.

Theo Việt Nam Văn Hóa Sử Cương của Đào Duy Anh thì nguồn gốc 2 bản Nam Xuân và Nam Ai như sau: “Ở miền Nam, từ khi chúa Nguyễn khai thác bờ cõi vào đất Chiêm Thành, âm nhạc ở miền Bắc truyền vào đã chịu ngay ảnh hưởng của âm nhạc Chiêm mà thành những nhạc khúc cung Nam, người ta hay đem đối với các nhạc khúc cung Bắc. Những cung Nam như Nam Ai, Nam Bình, Nam Xuân có vẻ trầm bi, oán vọng hợp với tâm thuật của một dân tộc điêu tàn là dân tộc Chiêm Thành cùng với cảnh non nước dịu dàng ở xung quanh kinh đô Huế. Những cung Bắc ( khách ) như Lưu Thủy, Phú Lục, Cổ Bản, 10 bản Tàu, thì có vẻ linh hoạt, vui vẻ, mạnh mẽ hơn, thật thích hợp với tính chất tiến thủ, hăng hái của người Bắc Việt, cùng với cánh điền rộng rãi, sông ngòi mãnh liệt ở miền Trung Châu. “Trong khi âm nhạc ở Đàng Ngoài đang suy thì ở Đường Trong các chúa Nguyễn cùng các bực vương công ham chuộng, và nhờ ảnh hưởng của Chiêm nên trở thành phong phú và thạnh vượng lên.”

Bài Ai Giang Nam tức tiền thân bản Nam Ai của ca nhạc Huế mà nhạc sư Ba Đợi đã lấy để cải biên và soạn lại thành bản Nam Ai ca nhạc Tài Tử.

Điệu Nam gồm có 3 bản Nam Xuân, Nam Ai và Nam Đảo (Đảo Ngũ Cung) cấu trúc bằng 5 âm chánh Hò,  Xự, Xang, Xê, Cống, nhưng nhấn và rung ở những chữ Xừ Xang Xê Cống. Những láy đờn thường gói gọn trong một ngũ cung. Ba bản nhạc này có 3 âm sắc khác nhau không ảnh hưởng của hơi điệu nào trong nhạc Tài Tử.

Nam Xuân: điệu nhạc thanh thản lâng lâng, sảng khoái, nghiêm trang, nhẹ nhàng, có người cho là “tiên phong đạo cốt”. Bài này được dùng để mở đầu các chương trình ca nhạc cải lương ở Sài Gòn. Trình bày: Nhạc sĩ Văn Môn cùng ban tài tử Quê mẹ

Nam Ai: buồn ảo não, não nùng, bi thảm. Bài này có 8 lớp, cấu trúc cũng như Nam Xuân (cũng nhắc đi nhắc lại nhiều lớp). Lớp 7 và 8 (hai lớp Mái) thường hay dùng nhất. Trình bày: Nhạc sĩ Văn Môn cùng ban tài tử Quê mẹ.

Nam Đảo (Đảo Ngũ Cung): tôn nghiêm, hùng tráng, gay gắt. Hai câu cuối được chuyển sang hơi Hò Ba âm điệu buồn, để chấm dứt, gọi là “song cước”. Trình bày: Nhạc sư Nguyễn Vĩnh Bảo – NS. Năm Vĩnh – NS. Hai Thơm

2. Sáu bài Bắc gồm: Lưu Thủy Trường, Xuân Tình, Phú Lục, Bình Bán Chấn, Tây Thi, Cổ Bản.

Các bài này có điệu vui, ngắn, gọn. Cấu trúc âm thanh của các bài này dùng chữ theo hệ thống ngũ cung chánh là Hò, Xự, Xang, Xê, Cống, không nhấn không rung, lấy âm Xàng Liu làm âm chủ. Sáu bản Bắc tiêu biểu, mỗi bản lấy một chữ trong hệ thống ngũ cung chánh làm chữ khởi đầu như: Lưu Thủy Trường (Hò), Phú Lục Chấn (Xự), Bình Bán Chấn ( Xang ), Cổ Bản Vắn (Xê), Xuân Tình Chấn (Cống), Tây Thi Vắn (Liu đồng âm với Hò nhưng ở cung cao). Bốn bản đầu là 4 bản được cải biên và nới nhịp theo phong cách nhạc Tài Tử Nam Bộ của 4 bản ca nhạc Huế. Bản Xuân Tình là một sáng tác mới, chỉ lấy cái tên Xuân Tình trong bản Xuân Tình Điểu Ngữ ghi trong nhạc mục đời vua Tự Đức. Bản Tây Thi do nhóm nhạc sĩ đi dự Hội chợ thế giới tại Paris (Pháp) năm 1900,  sáng tác để mỉa mai chuyện cổ nhạc Việt Nam đi Tây thi trước hội đồng giám khảo toàn là người Pháp.

Cổ Bản Vắn (Xê): câu ngắn gọn, dồn dập, nhưng không nhấn mạnh như bài Phú Lục. Trình bày: NNDG Bạch Huệ.

Xuân Tình Chấn (Cống): vui tươi, lúc bình thường khi rộn rã, âm điệu vang, trong sáng, nồng nhiệt. Trình bày: Tài tử ca Anh Chàng. Hoà tấu: NSND Bảy Bá (Tranh), NSND Văn Giỏi (Kìm), NSND Thanh Hải (Ghita).

Tây Thi Vắn (Liu): êm dịu, trong sáng, vui tươi, có tính tự sự, không gay gắt như Phú Lục. Bản này là bản dễ nhớ nhứt trong sáu bài Bắc. Bài này có 26 câu, 3 lớp (9, 13, 4). Trình bày độc tấu đờn kìm – Nhạc sĩ Ba Tu.

Lưu Thủy Trường (Hò): điệu nhạc nhàn hạ, khoan thai, phù hợp với cảnh trí thanh nhàn, non xanh nước biếc, cỏ hoa, chim chóc. Lưu Thủy Trường là do Lưu Thủy Đoản phát triển, kéo dài ra. Một câu của “đoản” bằng hai câu của “trường”. Bài này có 4 lớp, 32 câu (8, 6, 12, 6).

Phú Lục Chấn (Xự): sôi nổi, rộn rả, khẩn trương, khác với bài Lưu Thủy Trường có tính thiên nhiên. Bài này có xuất xứ từ bài Phú Lục ở Huế. Khi mới vào Nam Bộ được cải lương hóa thành bài Phú Lục Vắn (17 câu, nhịp 1), sau phát triển thành bài Phúc Lục của nhạc tài tử (34 câu nhịp 4). Bài này rất nghiêm chỉnh cân đối, câu đối câu, nhịp đối nhịp, có 4 lớp (8, 8, 8, 10). Trình bày: NSƯT Lê Tứ.

Bình Bán Chấn (Xang). Trình bày: Văn Môn cùng ban nhạc Quê Mẹ

Bình Bán Vắn (Mừng Xuân Mới)

Bình Bán Vắn và Bình Bán Chấn: phát triển từ bài Bình Bán, đến Bình Bán Vắn, rồi đến bài Bình Bán Chấn (dài). Gốc là bài Bình Bán vui vẻ sảng khoái, nhưng khi phát triển thành Bình Bán Chấn thì trở thành đĩnh đạc, nghiêm trang. Bài này phức tạp, khúc mắc, ít được dùng trên sân khấu. 

3. Bảy bài Hạ gồm: Xàng Xê, Ngũ Ðối Thượng, Ngũ Ðối Hạ, Long Ðăng, Long Ngâm, Vạn Giá, Tiểu Khúc.

Nhạc sư Ba Đợi không những dạy nhạc Tài Tử mà còn bổ sung và chấn chỉnh bộ môn Nhạc Lễ đã có sẵn tại Cần Đước do các nhạc sĩ tên Sâm, Hồ, Ngô, Đạo truyền dạy. Bốn người này không biết ở thời đại nào tại vùng Cần Đước nhưng tương truyền tài năng của các ông qua câu “ Sâm Hồ Ngô Đạo nhứt dĩ quán chi” là rất giỏi nghề. Nhạc sư Ba Đợi đã đem 7 bài Nhạc Lễ còn gọi là 7 bài Cò hay 7 bài Dây Nhạc truyền dạy cho các môn đệ nhạc Tài Tử. Bảy bài này cùng hệ thống điệu Bắc nhưng dùng chữ Xề Ú làm âm chủ, có cấu trúc chữ đờn đối nghịch với hơi điệu Bắc và nhất là đờn cò, kìm, ghi ta, tỳ bà, tam phải lên dây nhạc ( nhạc Lễ ) thì ta mới thấy hơi Hạ khác với hơi Bắc nhờ dây buông đúng vào âm chủ. Bảy bài Nhạc Lễ dùng trong các buổi tế lễ, tính chất trang nghiêm, được nhạc Tài Tử hóa với từng bản một ý nghĩa.

Long Ngâm: Khúc ngâm về rồng tức vua. Tiết tấu giống bài Hạ, ít thấy dùng trên sân khấu cải lương. Trình bày: NSƯT Ba Tu (kìm). NNND Út Tỵ (cò). NSƯT Duy Kim (tranh). NS. Quang Dũng (sáo, tam).

Vạn Giá: Mười ngàn xe của vua hoặc hiểu vạn vật sinh thành đều có giá trị. Trình bày: NNDG Bạch Huệ.

Tiểu Khúc: Một khúc nhạc ngắn nhắt, tóm tắt hơi điệu của 6 bản nhạc đầu nên nó được mang tên Tiểu Khúc. Trình bày: NNDG Bạch Huệ.

Xàng Xê: Theo người xưa, Cung Xàng áng theo thuyết âm dương ngũ hành là Thủy (nước) và Xê là Hỏa (lửa), do tương khắc tương sanh mà 2 cung Xàng và Xê đã hài hòa cấu tạo âm thanh tạo nét sinh động phù hợp lẽ sống cuộc đời. Mang âm sắc hùng tráng uy nghi nhưng dịu dàng, êm ái. Trình bày: NNDG Bạch Huệ

Ngũ Đối Thượng: Năm điều ngũ thường Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà cổ nhân luôn quan tâm khi đề cập người trên đối với kẻ dưới. Trình bày: NS Ba Tu

Ngũ Đối Hạ (còn gọi là bài Hạ): Năm điều Ngũ Thường Nhân, Nghĩa, Lễ, Trí, Tín mà kẻ dưới đối với người trên. Có tính uy nghi, nghiêm trang, man mác, thanh thản. Trình bày NSND – Tiến sĩ Bạch Tuyết.

Long Đăng: Đèn rồng (rồng tượng trưng vua), giống bài Hạ nhưng tiết tấu khỏe, ít nghiêm trang. Trình bày NNDG Bạch Huệ.

4. Bốn bài Oán gồm: Tứ Đại Oán, Phụng Hoàng Cầu, Cửu Khúc Giang Nam và Phụng Cầu Hoàng Duyên.

Điệu Oán, là một điệu đặc thù được sáng tạo tại đất Nam Bộ. Ông Ba Đợi chuyển hơi, chuyển cung và phát triển bản Tứ Đại Cảnh của ca nhạc Huế từ hơi Bắc dựng thành hơi Oán. Giai đoạn đầu, khoảng cuối thế kỷ 19, bài bản Tài Tử có thêm một bản có hơi Oán và đó là bản Tứ Đại Vắn cũng còn gọi là bản Tứ Đại Cảnh Nam Phần nhịp tư. Giai đoạn tiếp theo, những ngày đầu thế kỷ 20, bản Tứ Đại Vắn được phát triển từ nhịp tư sang nhịp 8, được phân câu, phân lớp, nhịp nội, nhịp ngoại, gỏ mô, đờn chầu thì hơi điệu Oán mới xứng danh là một điệu riêng biệt với hơi Ai của điệu Nam. Điệu Oán có cấu trúc các láy đờn thường đi từ 2 ngũ cung và một điểm đặc thù của điệu này là nhiều câu trong các lớp thường xuyên có mặt chữ Oan ( chữ Phan nhấn và rung mạnh) nên nghe buồn nhưng kiểu buồn bi hùng.

Bốn bài chính

Tứ Đại Oán: điệu nhạc thất vọng, bi thiết, oán hờn giống bài Văn Thiên Tường, nhưng hơi hướng có phần cổ và chơn chất hơn. Hai lớp Xang vắn thường hay được dùng. Bản Tứ Đại Cảnh tiền thân của bản Tứ Đại Oán, tương truyền là của vua Tự Đức sáng tác để ca ngợi 4 cảnh lớn của trời đất: Xuân, Hạ, Thu, Đông, nhưng cũng có người cho là vua Tự Đức có ngụ ý tôn vinh bốn cảnh đời thạnh trị của vua Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức (chữ Đại là Đời). Trình bày: NNDG Bạch Huệ.

Phụng Hoàng Cầu (Phụng Hoàng): như Tứ Đại Oán, nhưng hơi dựng hơn. Bản Phụng Hoàng Cầu tức Phụng Hoàng và bản Phụng Cầu Hoàng Duyên tức Phụng Cầu được gọi tên như vậy là mượn ở điển tích Tư Mã Tương Như, lúc hàn vi, khảy khúc Phượng Cầu Hoàng mà được vợ là Trác Văn Quân. Trình bày NS. Văn Môn cùng ban nhạc Quê mẹ.

Giang Nam Cửu Khúc: trầm hơn Tứ Đại Oán, chậm rãi. Cửu Khúc Giang Nam được lấy điển tích nàng Tô Huệ thương nhớ chồng đau đớn chín khúc ruột nơi đất Giang Nam mà đặt tên. Trình bày: Ban nhạc Quê mẹ.

Phụng Cầu Hoàng Duyên: như Phụng Hoàng. Trình bày: NNƯT Kim Thanh.

Bốn bài phụ

Bên cạnh 4 bài Oán chính còn có 4 bài Oán phụ với âm điệu cũng buồn bã, chất chứa nhiều tâm sự, đó là:

Văn Thiên Tường: trần thuật, thổ lộ tâm tình, buồn ảo não. Có nhiều mức độ, khi buồn vừa vừa thì dùng lớp 1, khi buồn nhiều thì dùng lớp 2 (lớp Oán hay lớp Dựng). Lớp Xế Xảng thật ngắn thường dùng để gối đầu vào Vọng Cổ. Dàn đờn NS Văn Lắm.

Bình Sa Lạc Nhạn: hơi ngang và dựng. Trình bày: Ba Tu, Út Ti, Hoàng Cơ Thuỵ, Duy Kim

Thanh Dạ Đề Quyên: cao hơn Bình Sa Lạc Nhạn. Trình bày: Hoàng Cơ Thuỵ

Xuân Nữ: ngắn, có tính bi thiết, thường dùng trong cảnh bi ai, đau thưong đột xuất. Trình bày: NS. Ba Tu, NS. Văn Giỏi.