TRIỂN LÃM: CÁC ĐIỆU MÚA DÂN GIAN VIỆT NAM
1. Múa Sư tử Tày Nùng
Múa sư tử là điệu múa dân gian của dân tộc Tày, Nùng, thường biểu diễn vào các dịp lễ hội mừng xuân, Tết Trung thu hay hội xuống đồng. Theo truyền thuyết, sư tử là chúa sơn lâm – Vua của các loài vật. Người Tày, Nùng tin rằng đầu nǎm sư tử xuất hiện là điềm lành, biểu hiện của thiên hạ thái bình nên múa sư tử sẽ xua đuổi được ma tà, diệt mọi ôn dịch làm chết gia súc, giúp chǎn nuôi, làm ǎn dễ dàng, đời sống ấm no, hạnh phúc. Vì thế, hội múa sư tử được người Tày, Nùng chuẩn bị công phu và tham gia hào hứng.
Với giá trị tiêu biểu, Múa sư tử của người Tày, Nùng được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia vào ngày 08/5/2017.
Một đội (đoàn) múa sư tử có khoảng 12 đến 14 người, trong đó gồm: thầy dạy võ (lạo slay) hoặc người chỉ huy (tàu phụ) – là người có uy tín, giỏi võ công và tháo vát, giỏi quản lý, có nhiệm vụ hướng dẫn việc múa sư tử, dạy võ cho các thành viên; một ngoại giao viên (tong cha) chịu trách nhiệm trong công tác ngoại giao và quản lý chi tiêu; người cầm đầu sư tử (căm bẩu); người đánh trống (căm choong); người đánh chiêng hoặc thanh la (căm là); người cầm chũm chọe (căm xả); người diễn mặt báo đông (loòng nả báo đông); người diễn mặt khỉ (loòng nả lình) và người diễn đầu sư tử bé, dành cho trẻ em (ky lằn ỉ) cùng các thành viên phụ trách múa võ và các trò diễn như: múa tay không, múa gậy, múa dao, múa đao,…
Tiết mục múa sư tử thường chia làm hai phần: phần múa sư tử và phần biểu diễn quyền thuật, võ thuật và một số tiết mục như: nhào lộn, nhảy cao, trồng cây chuối, đi bằng tay.
Trong đó, múa sư tử thường có: múa sư tử đón (chào) bạn (kỳ lằn tò chiếp); múa lễ Thành hoàng làng, thổ địa; múa biểu diễn: múa chào Thần Nông, múa vui hội, trò múa của báo đông, trò vui của khỉ, trò sư tử đẻ con, trò sư tử bị giết hoặc múa săn sư tử, trò tẳng giảo (chồng người).
Phần biểu diễn võ nghệ cũng rất sôi động hấp dẫn. Từng cặp 2-4 người đấu võ tay không hoặc múa côn, múa gậy… Trong tết Trung thu, các tiết mục võ được thay bằng điệu “Sư tử giỡn trǎng”. Chiếc vòng tròn dán giấy bạc óng ánh, to như chiếc nong (tượng trưng cho chị Hằng Nga) được mang tới. Sư tử múa lượn mềm mại lúc lên cao, lúc xuống thấp bên cạnh những dải lụa màu tung bồng bềnh như làn mây sa xuống.
Dụng cụ dùng để múa sư tử là: Trống, thanh la, não bạt, chũm chọe, đầu sư tử. Riêng đầu sư tử có hai cái: một đầu sư tử lớn (tức sư tử mèo) và một đầu sư tử con. Sư tử nào đẹp trông “dữ tướng” hơn, là một điểm để uy hiếp đối phương trong thi đấu. Ngoài ra còn có thêm mặt nạ đười ươi, khỉ, vẽ rất ngộ nghĩnh, cùng các thứ võ khí: gậy, tay thước, côn, đinh ba, mã tấu, hai đôi đèn lồng lớn để biểu diễn ban đêm.
Sư tử gồm 3 bộ phận: đầu, cổ và thân. Đầu sư tử được làm bằng keo và giấy bản bồi nhiều lớp trên khuôn đất sét, sau đó dùng sơn màu xanh, đỏ, đen, vàng, trắng, hồng, tím… trang trí cho đầu và mặt với nhiều sắc thái, biểu cảm khác nhau: hiền lành, hung dữ, uy nghi… Cổ và thân sư tử được làm bằng vải. Ngoài ra, một số nơi còn có sư tử con cho người nhỏ tuổi múa, có nơi thay bằng hình con cáo (tua hân).
Múa sư tử ở các không gian, với yêu cầu, mục đích khác nhau sẽ có nghi thức, điệu múa và các trò diễn phù hợp như: múa chào thần thánh; múa chúc mừng năm mới các nhà trong làng (pai hờn, pái lờn); múa đi đường, múa tại hội lồng tồng… và các trò diễn như: báo đông, trò vui của khỉ, múa võ (oóc quyền)…
Theo các nghệ nhân múa:“Những người múa sư tử từ 10 năm trở lên mới được múa đầu sư tử đen, họ phải là người rất sành sỏi, giỏi giang, có thể biết người nào múa sai để chỉnh đốn. Vào những ngày hội lớn hay công việc hệ trọng của địa phương mới được múa sư tử đầu đen, trước đó phải làm lễ cẩn thận, theo đúng cách thức truyền thống”.





2. Múa Trống Chhay-dăm
Múa trống Chhay-dăm là một điệu múa dân gian độc đáo của người Khmer, thường được biểu diễn trong các ngày lễ hội như Tết Chol Chnam Thmay, lễ Dolta, Ooc – om – boc,… Múa trống Chhay-dăm được hình thành trong quá trình lao động, lưu truyền trong dân gian và phát triển thành một loại hình nghệ thuật biểu diễn hấp dẫn và vui nhộn.
Chhay Dăm đã đi vào lòng người và đồng hành cùng nhân loại trải qua hơn hai thiên niên kỷ do có 2 đặc điểm sau:
1. Nhạc cụ đơn giản, không tốn kém nhiều nên phù hợp với mọi hoàn cảnh của con người.
2. Điệu múa có nét nhảy nhót, vui nhộn chất nhạc làm cho con người khơi dậy niềm vui trong nội tâm. Lời hát mang những âm thanh kích thích cho con người được cuộc sống vui tươi. Nói chung trong Chhay Dăm luôn có nụ cười.
Để biểu diễn múa trống Chhay-dăm phải có ít nhất 12 người, mỗi người mang trên mình một chiếc trống. Tuỳ vào người lớn hay nhỏ mà sử dụng trống to hay trống bé. Nhạc cụ phục vụ cho tiết mục múa Chhay – dăm thường có từ 4 – 6 cái trống Chhay – dăm, hai cái Cuôl (chiêng) cùng với Chul (chũm chọe) và Krap (gõ sênh).
Kráp: được làm từ lõi cây thành 2 thanh bằng nhau ngang 0,05, dài 17m, dày 0,02m. Khi diễn người ta cầm mỗi tay một thanh và gõ vào nhau theo điệu đang biểu diễn.
Chhap (chạp chả): được làm bằng kim loại khi diễn người ta cũng gõ vào nhau theo điệu.
Rua Keng hoặc Kuang Môn: được làm từ kim loại có hình tròn bằng dĩa có mô nhô lên như núm vú, có buộc một sợi dây để cầm khi diễn dùng dùi gõ vào núm vú theo điệu múa.
Trống: Trống Chhay – dăm là loại trống bịt da một mặt, tang trống làm bằng thân cau già đục rỗng ruột. Phần đầu trống phình to được bịt da trâu hay trăn khô, phần đuôi trống nhỏ hơn, được kết nối với chân trống làm bằng kim loại.
Y phục: Ngày xưa nghệ nhân phải mặc y phục theo kiểu truyền thống dân tộc Khmer nghĩa là áo cổ tròn 3 khuy và quấn Sà Rông, màu sắc thì không có quy định. Mặc khác còn có vẻ mặt hoặc đeo mặt nạ cho người Kráp hoặc Chháp. Ngày nay do nhu cầu tiến hóa của loài người nên loại hình nghệ thuật này cũng có một số biến đổi đề phù hợp với nhu cầu thưởng thức y phục cũng như có thêm mặt nạ hình đầu khỉ, đầu chằn, bà già…để tăng sự thu hút cho người xem.
Điệu múa:
Chhay Dăm không chú trọng về âm điệu êm tai mà thiên về điệu vui nhộn, nhảy nhót nhịp nhàng tạo bầu không khí sinh động sôi nổi. Đầu tiên là người cầm Kráp ra giữa vòng tròn làm mặt mũi nhăn nhó (hoặc đeo mặt nạ với bộ dạng gây cười) đi điệu dạng tiếu lâm đúng theo nhịp trống. Tay dù cầm gì cũng múa nhịp nhàng theo điệu. Ngày nay có nhiều người đeo mặt nà để diễn nên không cần người cầm Kráp diễn nửa. Ngoài ra các tay trống cũng biểu diễn thành đôi thành cặp với điệu và cách đánh trống bằng gót bằng trỏ hoặc bằng nhảy lộn hay cắn trống bằng mệng tay chân múa nhịp nhàng khiến người xem khâm phục tài biểu diễn của mình.




3. Múa Đèn Đông Anh
Có nhiều cách gọi tên và định nghĩa khác nhau về Múa đèn – Đông Anh, để thống nhất tên gọi cho Múa đèn Đông Anh sau khi tham khảo ý kiến của nhạc sĩ Lê Văn Hòe, nhà Thanh Hóa học Phan Bảo, nhạc sĩ Nguyễn Liên trong cuốn m nhạc múa đèn Đông Anh cho rằng: Múa đèn – Đông Anh: Là màn hát, múa của dân làng Viên Khê Đông Anh trên đầu có đội đĩa đèn bằng dầu lạc, thắp 10 – 12 ngọn bấc.
Tổ khúc Múa đèn Đông Anh là một thể loại âm nhạc dân gian đặc sắc mang tính diễn xướng tập thể dưới hình thức hát, múa liên khúc, hàm chứa nhiều nội dung.
Thứ nhất, Tổ khúc Múa đèn Đông Anh phản ánh tín ngưỡng tâm linh về tục thờ thành hoàng của người Việt xưa tại hội Nghè Sâm thuộc huyện Đông Sơn ngày nay.
Tổ khúc Múa đèn với ý nghĩa cầu mong mưa thuận gió hòa, mùa màng tươi tốt của người nông dân Thanh Hoá. Ngọn đèn châm lên trong điệu múa như biểu tượng ánh sáng mặt trời, ngọn lửa thiêng ấy sẽ đem lại nguồn sống, đem lại sự sinh sôi, nảy nở, phát triển theo vòng quay của vũ trụ, của thời gian 12 tháng trong năm.Tất cả điều đó chính là ý nghĩa chất chứa trong lời ca điệu múa: Thắp đèn, luống bông luống đậu, Vãi mạ, Đan lờ, Nhổ mạ, Đi cấy, Kéo sợi, Dệt cửi, Xe chỉ vá may, Đi gặt.
Thứ hai, Tổ khúc Múa đèn Đông Anh là một bản nông lịch của cư dân nông nghiệp được sắp xếp theo thời gian, lịch trình sản xuất trong năm và những công việc thường ngày của người dân thời xưa.Trò Múa đèn không những thể hiện tài hát hay, múa khéo của các con trò mà nó còn là để mọi người ôn lại, nhắc nhở nhau lịch làm nông của mình thông qua đó nói lên tình yêu xóm làng, tình cảm gia đình và tình yêu quê hương đất nước.
Tháng bảy tháng tám chờ lúa lớn họ làm các nghề thủ công như kéo sợi, dệt vải và se chỉ vá may:
“Tay quay cùi cúi
Ớ rằng tay quay”
(Kéo sợi)
Thứ ba, tổ khúc Múa đèn là một bản tình ca lãng mạn. Tác giả Nguyễn Liên đã viết: “Giả sử (đây chỉ là giả sử), nếu ta vẫn giữ nguyên phần âm nhạc với nội dung lời ca mà bác bỏ các động tác múa mô phỏng lao động mộc mạc để diễn theo phương thức một hoạt cảnh hát múa giao duyên, thì chắc chắn cũng được một hoạt cảnh múa đèn độc đáo”.
Các trò diễn được tổ chức ở trước đình làng Đông Sơn, hát múa trước thần linh và phải múa vào ban đêm thì mới đúng ý nghĩa của múa đèn – ngọn đèn được thắp lên trong đêm tối mới có giá trị. Múa đèn là vũ khúc có lời ca do 12 cô gái trong trang phục quần trắng, áo đỏ, thắt lưng xanh, đầu chít khăn vành rây bằng nhiễu đỏ, bên trong là khăn trắng nếp to, trên đầu đội một đĩa đèn thắp sáng, vừa hát vừa múa với những động tác cơ thể mềm mại.





4. Múa Bài Bông
Múa bài bông hay còn gọi là bắt bài bông, là một điệu múa nằm trong hệ thống các bản múa của nghệ thuật ca trù (gồm múa bỏ bộ, múa tứ linh, múa bài bông).
Theo các nhà nghiên cứu, múa bài bông xuất hiện từ thời Trần. Theo sách “Việt Nam ca trù biên khảo”, điệu múa này do Trần Quang Khải dựng ra để ca múa trong ngày lễ Thái Bình diên yến do vua Trần Nhân Tông tổ chức sau khi đánh thắng quân xâm lược Nguyên – Mông lần thứ 3. Tuy nguồn gốc và tác giả sáng tạo ra múa bài bông đến nay vẫn chưa có sự thống nhất, nhưng qua các nguồn sử liệu có thể khẳng định, múa bài bông là một loại hình dân ca, dân vũ độc đáo của nước Đại Việt thời Trần, với trên 700 tuổi.
Múa bài bông gồm 9 màn, nhưng phần lớn chỉ diễn 6 màn cơ bản: màn giáo đầu, bài hát Xuân (ca ngợi cảnh sắc vui tươi của đất trời và lòng người khi vào Xuân), rồi tiếp đến là các bài Hạ, Thu, Đông.
Một đội múa bài bông ít nhất gồm 4 người và tuỳ theo mức độ quan trọng của không gian diễn xướng mà tăng số lượng người lên gấp đôi (8 người hoặc 16 người), những dịp đại lễ có 32 người, 64 người.
Về trang phục, các vũ công khi múa thì mặc áo mã tiền thêu kim tuyến, chân áo đính chân chỉ hạt bột, trên mũ gắn một quả bông, hai bên vai đeo đèn hình hoa sen, tay cầm quạt tàu, lúc thì xếp quạt, lúc xòe quạt linh hoạt và trông rất vui mắt. Đi kèm với các vũ công là đội nhạc: Có quản giáp cầm trống cái giữ nhịp, người đánh đàn đáy, đàn nguyệt bốn dây (tứ đoản), đàn tam, trống mảnh, lúc tấu nhạc hợp xướng giai điệu khoan thai, thể hiện không khí vui tươi ca ngợi cảnh thái bình thịnh trị.





5. Múa Con Đĩ Đánh Bồng
Tương truyền vào thế kỷ thứ 8 khi vua Phùng Hưng đánh thắng giặc phương Bắc ở thành Đại La, sau khi thắng lợi nhà vua đã chọn làng Triều Khúc là nơi mở tiệc khao quân. Từ đó mà hình thành nên điệu múa Bồng lưu truyền đến bây giờ. Đây là điệu múa mà trai giả gái, có những động tác rất duyên dáng, sinh động, gây nhiều thú vị cho người xem.
Nhiều người khi nghe từ “đĩ” thấy phản cảm nhưng trước kia từ “đĩ” không phải là một từ mang ý nghĩa tiêu cực. Nó chỉ dùng để ám chỉ những người con trai giả dạng nữ nhân. Cũng bởi vì thấy thuộc hạ nam nhân giả gái, múa may quá lả lơi mà Vua Phùng Hưng gọi họ là những “con đĩ”.
Biểu diễn múa Bồng là có dàn nhạc đánh hai bên, người múa ở giữa. Khi được hỏi về sự độc đáo, khác lạ của điệu múa “con đĩ đánh bồng”, nghệ nhân Triệu Đình Hồng chia sẻ: “Múa trống bồng có nét riêng, duyên dáng, uyển chuyển, có tình người của con người đồng bằng Bắc bộ thời xa xưa. Người ta nói câu cửa miệng “lẳng lơ như con đĩ đánh bồng”. Vì sao lại thế? Là vì điệu múa này là trai giả gái để múa, nó độc đáo và khác biệt hơn các điệu múa trống bồng trên toàn quốc. Hơn nữa, không điệu múa nào có động tác đặc biệt như múa trống bồng. Động tác vừa mạnh mẽ, dứt khoát lại có trong đó sự uyển chuyển, mềm mại. Múa trống bồng theo cặp, phải phối hợp làm sao để cả hai người không bị chệch nhịp.
Điệu múa đánh bồng cực phóng khoáng, dứt khoát mạnh mẽ, nhưng cũng rất mềm mại, linh hoạt. Chỉ có mấy động tác đơn giản như xoay tròn, dựa lưng, úp mặt vào ngực nhau nhưng quả thực mang cái dáng dấp, kiểu cách mà không phải ai cũng bắt chước được.




6. Múa Trò Xuân Phả
Hiện nay, nguồn gốc Trò Xuân Phả vẫn đang là một ẩn số chưa được thống nhất trong giới nghiên cứu văn hóa dân gian. Tuy nhiên, người dân làng Xuân Phả bao đời vẫn lưu truyền về nguồn gốc của trò diễn này có từ thời Nhà Đinh (968 – 980).
Truyền thuyết địa phương kể lại rằng, trên đường dẫn nghĩa quân đi dẹp loạn sứ quân cuối cùng trong loạn 12 sứ quân, đó là sứ quân Ngô Xương Xí ở Bình Kiều Châu Ái (Thanh Hóa ngày nay), Đinh Bộ Lĩnh khi đến đất Quan Thành thì dựng trại, đóng quân tại đây.
Sau đó, Đinh Bộ Lĩnh đã cử sứ giả đi cầu Bách linh mong âm phù giúp ba quân đánh thắng trận để thống nhất đất nước. Sứ giả nhận mệnh đi đường thủy ngược dòng Sông Chu thì gặp giông tố nổi lên nên phải trú lại trong nghè Xuân Phả. Nghè Xuân Phả là nơi thờ Đại Hải Long Vương, một vị thần rất linh thiêng theo tín ngưỡng người Châu Ái. Đến đêm, thần Hoàng làng Xuân Phả đã báo mộng cho sứ giả về cách phá giặc. Thấy kế hay, Đinh Bộ Lĩnh bèn làm theo và đã đánh bại được quân của Ngô Xuơng Xí thống nhất đất nước với danh xưng nhà nước Đại Cồ Việt.
Tưởng nhớ đến công lao thần Hoàng làng Xuân Phả báo mộng, Vua Đinh sau đó đã cho đem toàn bộ cống phẩm đến tế tại đền thờ Đại Hải Long Vương. Vua Đinh đã trực tiếp giao cho Hoàng hậu Nguyệt Nương trách nhiệm huấn luyện đội múa để hàng năm thực hành các điệu múa này tại Nghè Xuân Phả vào dịp hội làng. Sau này, theo thỉnh cầu của người dân làng Xuân Phả, các điệu múa này đã được truyền lại cho người dân tự tập, tự diễn.
Từ đó, điệu múa có tên là Xuân Phả hay còn gọi là Ngũ quốc lân bang đồ cống tiến, và được các thế hệ người dân làng Xuân Phả lưu truyền đến ngày nay trở thành một sinh hoạt văn hóa độc đáo ở Xứ Thanh.
Trò Xuân Phả gồm có 5 điệu múa đại diện cho văn hoá của năm khu vực lân bang với nước Đại Cồ Việt xưa, đó là: Hoa Lang (điệu múa của Vương quốc Cao Ly – ngày nay là Triều Tiên), Chiêm Thành (một bộ tộc ở phía Nam nước Đại Cồ Việt), Ai Lao (Nước Lào ngày nay), Ngô Quốc (tên một quốc gia thời cổ đại ở Trung Quốc), Lục Hồn Nhung (tên một bộ tộc phía Bắc Đại Cồ Việt). Trong đó, có ba điệu mà người diễn phải dùng mặt nạ, đó là điệu Chiêm Thành, Hoa Lang và Lục Hồn Nhung. Đặc trưng ở các điệu múa này là các vũ công nam có những động tác phóng khoáng, tay chân mở rộng, khỏe, thể hiện “trong nhu có cương, trong cương có nhu” với nhiều động tác múa, đội hình múa, làm tôn nên sắc thái văn hóa lúa nước, vẻ duyên dáng, tinh tế, kín đáo nhưng cũng rất mạnh mẽ của người Việt.
Ở trò Chiêm Thành, áo chúa bằng đậu, áo quân bằng lụa, đều nhuộm đỏ hồng, không thêu thùa hoa văn. Áo phỗng là cổ sòi, cổ xiêm quấn xung quanh mình. Chúa và quân, quấn khăn vuông đỏ thành hai sừng thẳng đứng trên đầu, ngậm mặt nạ nửa mặt, hình béo mập, mắt bằng lông công.
Điệu Tú Huần còn gọi là Lục hồn Nhung, trang phục gồm đầu đội mũ, đeo mặt nạ gỗ miêu tả bà cố, mẹ và 10 người con. Mặt người mẹ thì già nua còn 10 người con được chia thành 5 cặp, mặt vẽ theo độ tuổi từ trẻ đến già với 1, 2… 5 cái răng. Nghe hồi trống, cụ cố già, người hầu bên cạnh cầm quạt, lượn hai vòng quanh sân nghè, vái chào. Bà mẹ gõ xênh nhảy theo nhịp ba gần ban thờ, quỳ vái. Theo nhịp trống, 10 con chia thành từng đôi, tiến lùi theo mẹ múa.
Với điệu Hoa Lang, đi đầu là con kỳ lân – thủy quái ở biển, múa sát đất như bơi lội. Đoàn người Hoa Lang có cô gái Việt ra đón tiếp với các nhân vật ông chúa, mê nàng. Trang phục gồm áo dài, tay cầm quạt và mái chèo, đeo mặt nạ; mũ chúa được chạm rồng, chạm mặt nguyệt; ngựa hai con đan bằng nứa bịt giấy lồng vào người múa.
Điệu Ai Lao thể hiện đoàn vương quốc Vạn tượng do đích thân vua vào chúc mừng. Đi đầu đoàn múa là voi và hổ múa cùng những người thợ săn. Vua Ai Lao đầu đội mũ cánh chuồn mặc áo chàm xanh, có người theo sau đấm lưng. Mười quân (hai người sau cùng gánh cỏ cho voi) đội mũ rễ si, tay cầm xênh tre xếp thành hai hàng với những điệu múa mô phỏng việc săn bắn hái lượm.
Cuối cùng, điệu Ngô Quốc chính là đoàn múa của người Trung Hoa. Nhân vật trong trò này có hai nàng tiên, ông chúa và mười quân đầu đội nón lính, áo màu lam, tay cầm mái chèo trông như người Mãn Thanh. Kết thúc trò cũng là điệu chèo thuyền với lời ca lưu luyến:
“Gió tăm tắp buồm chạy ra khơi
Chàng về Bắc quốc, em thời An Nam
Mưa đâu chớp đấy cho cam
Mưa qua thành Lạng chớp ngàn mây xanh…”
Múa Xuân Phả thường thể hiện những khát khao vươn lên của con người, như một đỉnh cao của múa dân gian đất Việt. Xem múa Xuân Phả, người ta dễ cảm nhận được vẻ đẹp lung linh của một viên ngọc quý. Trên hết, vẻ đẹp ấy chính là niềm tự hào của người dân xứ Thanh và xứng danh là ngọc quý trong kho tàng múa dân gian Việt Nam.








7. Múa Sạp
Trước kia nhiều nghiên cứu văn hóa ở Sapa cho rằng nhảy sạp có nguồn gốc từ dân tộc Mường. Tuy nhiên, ngày này lại có nhiều nghiên cứu đã chứng minh và cho rằng không chỉ riêng dân tộc Mường mà múa sạp đã xuất hiện từ khá lâu ở nhiều dân tộc khác như Thái, Khơ Mú… Dù xuất phát ở đồng bào nào, khởi thủy của nhảy sạp tựu chung đều bắt nguồn từ công việc trong đời sống hằng ngày.
Đạo cụ cần thiết cho múa sạp phải có hai cây tre to, thẳng và dài làm sạp cái và nhiều cặp sạp con bằng tre nhỏ hay nứa (đường kính 3 đến 4cm, dài 3 đến 4m). Khi múa, người ta đặt hai sạp cái để cách nhau vừa đủ để gác hai đầu các cây sạp con. Từng cây sạp con đặt song song, cách đều nhau chừng hai gang tay tạo thành dàn sạp. Người múa chia ra một tốp đập sạp và một tốp múa, mỗi tốp có thể từ vài cặp trai gái đến nhiều cặp, càng nhiều, đội hình càng phong phú sinh động.
Tốp đập sạp: mỗi đôi trai gái ngồi hai đầu một cặp sạp con và gõ theo nhịp 4/4, cứ ba lần gõ sạp con lên sạp cái thì một lần gõ hai sạp con vào nhau tạo ra âm thanh, tiết tấu cho múa, vừa gõ vừa hát.
Tốp múa: lần lượt từng cặp trai gái nhảy vào dàn sạp, mỗi người cầm một chiếc khăn màu dài, khi tung lên, khi uốn lượn quanh người. Động tác khi lướt nhẹ nhàng, uyển chuyển, lúc dồn dập quay, nhảy, bay trên sạp; đội hình uốn lượn quấn quýt, biến đổi ngang, dọc, chéo, tròn, tất cả đều diễn ra trên dàn sạp và phải đúng nhịp, làm sao khi hai sạp con chập vào nhau thì không bị kẹp chân vào.
Các đoàn múa hát Việt Nam mỗi lần đi biểu diễn nước ngoài đều không quên mang theo Sạp, tiết mục độc đáo, cây tre anh hùng bất khuất Việt Nam. Múa Sạp đã có mặt ở Campuchia, Italy, Pháp, Nhật Bản… Cái đẹp của múa Sạp chưa dừng lại ở đấy. Người trong nghề gọi nó là tiết mục đã định hình, nhưng vẫn còn nhiều đất tốt, nhiều khả năng để phát triển và nâng cao múa Sạp.



