Xòe Thái – Vẻ đẹp của xứ hoa ban

Là hình thức kết nối ước vọng của con người với thế giới thần linh, xòe lâu nay đã là hình thức sinh hoạt không thể thiếu trong các hoạt động văn hóa, đời sống tinh thần của cộng đồng người Thái. Xòe phản ánh vũ trụ quan và nhân sinh quan của người Thái gồm thế giới ở trên trời, ở mặt đất và của thần linh, thể hiện ước vọng của con người, cầu mong sự trợ giúp, phù hộ của thần linh có một cuộc sống no đủ, bình an.


Múa Xòe còn có tên gọi khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay). “Xòe” có nghĩa là múa, với các động tác tượng trưng cho các hoạt động của con người trong nghi lễ, sinh hoạt văn hóa, cuộc sống, lao động. Xòe được trình diễn trong nghi lễ, trong đám cưới, lễ hội, các sự kiện văn hóa của cộng đồng… Vì vậy có thể đặt ra giả thuyết rằng, điệu múa Xòe ra đời một cách vô cùng tự nhiên trong sinh hoạt cộng đồng, là sản phẩm sáng tạo bởi đồng bào dân tộc Thái tại nơi núi rừng Tây Bắc từ lâu đời chứ không thuộc về một cá nhân nào cả.

Những cô gái Thái đen ở Sơn La đang biểu diễn điệu xòe khăn.

Ảnh: Báo Lao Động.

1. Tinh hoa văn hóa của người Thái vùng Tây Bắc

Nghệ nhân Lò Văn Biến (bản Căng Nà, phường Trung Tâm, thị xã Nghĩa Lộ, tỉnh Yên Bái), người có nhiều năm nghiên cứu văn hóa Thái cho biết, do sống giữa thiên nhiên hùng vĩ, cùng với sự cần cù, tinh thần sáng tạo trong công cuộc chinh phục thiên nhiên, nên mỗi khi hoàn thành một công việc trọng đại, người Thái lại nắm tay nhau quanh đống lửa nhảy múa ăn mừng. Những điệu Xòe hình thành phát triển từ đó. Múa Xòe còn có tên khác là “Xe khăm khen” (múa cầm tay), nảy sinh trong quá trình lao động, trong sinh hoạt, phong tục tập quán, lễ hội…

Nhiều điệu nhảy trong múa Xòe mô phỏng những bước đi của cha ông, khai phá đất đai, phát rẫy, trồng lúa, lấy nước, tung khăn, mời rượu…, tất cả đều diễn tả sinh động thực tế cuộc sống, thể hiện những ước mơ, khát vọng của người Thái Tây Bắc.

Múa Xòe do người dân sáng tạo, được gìn giữ, lưu truyền qua nhiều thế hệ, sau này được chỉnh lý và cải biên thành các điệu múa biểu diễn, nhưng vẫn giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Thái trong đó.

Theo thống kê, người Thái có 30 điệu Xòe nhưng cơ bản chỉ có 6 điệu Xòe chính:  Điệu Xòe “Khắm khăn mơi lảu” – nâng khăn mời rượu; “Phá xí” – bổ bốn; “Đổn hôn” – tiến lùi; “Nhôm khăn” – tung khăn; “Ỏm lọm tốp mư” – vòng tròn vỗ tay và điệu “Khắm khen” – nắm tay. 

Người con gái duyên dáng trong điệu múa xòe ở Mộc Châu (Sơn La).

Ảnh: Báo Lao Động

Người Thái quan niệm “Không Xòe không tốt lúa, không xòe thóc cạn bồ”. Múa Xòe là biểu tượng tình yêu của dân tộc Thái, từ yêu cuộc sống lao động cần cù đến tình yêu đôi lứa. Bởi vậy, mỗi dịp lễ, Tết hay trong ngày vui của dòng họ, gia đình, của bản làng, nhất là khi nhà đón khách quý…, vòng Xòe thường được tổ chức như một nghi lễ dân gian để đón mừng. Người Thái cũng thường tổ chức múa Xòe trong hội xuân, hội mùa và hội cưới.

Ý nghĩa của sáu điệu múa Xòe cổ.

2. Vui gì như múa điệu Xòe

Đồng bào dân tộc Thái quan niệm múa Xòe là phải vui, càng vui thì cây cối càng đơm hoa kết trái, mùa màng bội thu.

“Anh không Xòe thì hoa héo đi 

Em không Xòe trời Xuân qua đi…”.

Vòng Xòe từ đầu có 5-7 người nhưng dần dần có thể bổ sung thêm rất nhiều người mà không hề bị phá vỡ đội hình. Ít người thì thành một vòng, nhiều người thì nhiều vòng, càng nhiều vòng càng đậm đà tình cảm. 

Khi nghiên cứu về Xòe Thái, nhà nghiên cứu Lâm Tô Lộc cho rằng: “Chẳng những nam nữ thanh niên Thái yêu thích Xòe vòng mà các cụ già cũng hào hứng tham gia. Ban đầu các cụ còn múa nhẹ nhàng. Khi rượu đã ngà ngà say hoặc trống chiêng thúc giục, tuổi thanh xuân như sống lại, các cụ càng nhảy múa sôi nổi”. Từ đây có thể thấy múa Xòe là điệu múa mang tính cộng đồng, đoàn kết, bình đẳng, không phân biệt dân tộc, không phân biệt trai gái, già trẻ. Mỗi một người khi tham gia vào vòng Xòe đều không bị tách biệt mà thấy mình trở thành một phần của cộng đồng.

Xòe từ những giá trị mà nó mang lại không chỉ đơn thuần là những giá trị thẩm mĩ, giá trị nghệ thuật mà còn là “liều thuốc tinh thần” giúp kích thích con người phát triển, là “tri thức dân gian” giúp con người sống thuận với thiên nhiên, biết điều chỉnh hành vi và sống có đạo đức.

Nghệ thuật Xòe Thái của Việt Nam chính thức được UNESCO ghi danh vào danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại,  tại điểm cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vào ngày 15/12/2020.

Ảnh: Thông Tấn Xã Việt Nam.

Đến với vùng đất Tây Bắc, chúng ta không chỉ được ngắm nhìn cảnh sắc thiên nhiên hùng vĩ, đắm chìm vào sắc trắng của hoa ban hay đi thăm những chiến trường “hoa lửa” oanh liệt của cha ông một thời mà còn có thể hòa mình vào những điệu Xòe quanh ánh lửa trại, với không khí lành lạnh của bản làng hơi sương – một bức tranh thơ mộng và trữ tình sẽ làm cho những vị khách khi tới đây sẽ không bao giờ có thể quên được.

Vòng Xòe hơn 1500 người trong màn trình diễn “Tinh hoa nghệ thuật Xòe”

Ảnh: VGP/ Nhật Bắc

Nguồn tham khảo: 

-Chu Thái Sơn(2005) – “Việt Nam các dân tộc anh em – Người Thái” – Nhà xuất bản Trẻ. tr 158,159.

-Hà Phương (2021) – “Đặc sắc di sản Xòe Thái” – Thông Tấn Xã Việt Nam. 

(https://baotintuc.vn/long-form/emagazine/dac-sac-di-san-Xòe-thai-20211220130328094.htm)

-Tuyết Loan – Nguyễn Trang (2021)- “Nghệ thuật Xòe Thái di sản phi vật thể đại diện của nhân loại” – Báo Nhân Dân. 

(https://special.nhandan.vn/NghethuatXòeThai/index.html)

-Theo TTXVN (2022)- “Nghệ thuật Xòe Thái – biểu tượng văn hóa gắn kết cộng đồng” – Báo Biên Phòng.

(https://www.bienphong.com.vn/nghe-thuat-Xòe-thai-bieu-tuong-van-hoa-gan-ket-cong-dong-post454704.html)

ĐỌC THÊM

Xẩm Tàu Điện

Xẩm Tàu Điện – Một thời ký ức Hà Nội (Nguồn: Ngô Văn Hảo) Tàu điện ở Hà Nội đã thành dĩ vãng, chỉ còn

Mới cập nhật

Tứ phủ là gì?

Tín ngưỡng thờ Mẫu Tứ phủ là một tín ngưỡng dân gian thuần Việt, phổ