Xuân Hinh – Khúc giao thời giữa truyền thống và đương đại

Trải qua hàng thập kỷ, có thể dễ dàng nhận thấy sự đi lên của xã hội cũng tương đồng với sự phát triển ngày một đa dạng, phong phú của văn hoá nghệ thuật. Phát triển loại hình nghệ thuật hiện đại chính là một sự sáng tạo, độc đáo của giới trẻ nhưng cũng đồng nghĩa với hình ảnh của sân khấu truyền thống đã in đậm dấu ấn trong đời sống tinh thần và văn hoá của dân tộc đang dần đi vào quên lãng. Mặc cho những tràng vỗ tay dần lắng xuống thì ánh đèn sân khấu truyền thống vẫn sáng rọi vì ngọn lửa nhiệt huyết của những người nghệ sĩ “sống cả đời trên sân khấu” – mà điển hình là nghệ sĩ Xuân Hinh.

1. Kiếp đời lênh đênh mài giũa cho sự nghiệp tỏa sáng

“Để có một Xuân Hinh máu tham, diễn rất nhiều thứ mà vẫn được khán giả yêu mến, tôi phải trải qua nhiều nỗi đắng cay, thậm chí ngay cả những nỗi uất ức của cuộc đời mới làm nên những vai diễn để lại ấn tượng trong lòng quý vị”.

Xuân Hinh tên khai sinh là Bùi Xuân Hinh, sinh ra và lớn lên tại thôn Yên Việt, tỉnh Bắc Ninh. Nhà nghèo, lại đông anh chị em, tuổi thơ ông nếm trải nhiều khó khăn cơ cực. Chứng kiến sự vất vả của mẹ, ông chấp nhận làm mọi công việc để phụ giúp gia đình. Từ làm thuê làm mướn, tới buôn bán cả những thứ hạ đẳng nhất của xã hội. “Với cái thân gầy gò, tôi phải kéo từng bao trám vào trong đó để xin ngủ nhờ nhưng họ không cho ngủ. Hai hàng nước mắt tôi lại chảy… Sáng ra họ nhìn thấy tôi, họ thương tôi.”

(Nghệ sĩ Xuân Hinh – Nguồn ảnh: Internet)

Tuy không phải con nhà nòi nhưng danh hài Xuân Hinh lại có niềm đam mê với nghệ thuật từ nhỏ. Năm 1977, ông trúng tuyển vào Đoàn Dân ca Quan họ Bắc Ninh khi đang theo học phổ thông, năm 1983 thi đỗ vào ngành hát dân ca trường Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội, sau ra trường đầu quân vào Nhà hát Chèo Hà Nội. Ngày càng thành công trên con đường chinh phục sân khấu nghệ thuật dân tộc, năm 1988, Xuân Hinh tham gia tiết mục nổi tiếng “Cu Sứt,” biểu diễn 2 tháng tại nhà hát và được khán giả hưởng ứng hết sức nồng nhiệt. Năm 2016, liveshow “Xuân Hinh – Kẻ chọc cười dân dã” thành công vang dội đánh dấu 40 năm làm nghệ thuật của người nghệ sĩ luôn cống hiến hết mình vì tiếng cười khán giả, của người con đất Việt duy nhất được Hoa Kỳ vinh danh, trao tặng giải thưởng về nghiên cứu, sưu tầm, gìn giữ, thử nghiệm và phát triển Văn hóa Nghệ thuật truyền thống Việt Nam.

Nghệ sĩ Xuân Hinh hát Chầu Văn, trải lòng về khoảng thời gian cơ cực

Nói Xuân Hinh là một nghệ sĩ đa tài quả không ngoa, bởi ông không chỉ có sự hiểu biết và khả năng trình diễn nhiều loại hình nghệ thuật độc đáo mà còn lưu danh tên tuổi với sự thành công trong nhiều vở diễn xuất sắc. Nhắc đến Xuân Hinh, khán giả nghĩ ngay tới anh Cu Sứt trong tiết mục chèo cùng tên, nghĩ tới Lý Toét trong “Lý Toét xử kiện,” hay anh phu xe trong “Người ngựa, ngựa người,”… Là nghệ sĩ hài Bắc nổi tiếng nhưng ông nói không với gameshow và các danh hiệu; ông luôn muốn giữ mình với những nét đẹp dân giã, mộc mạc và in đậm dấu ấn, hơi thở và hồn cốt của dân tộc. 

2. “Vua hài đất Bắc” và sự giao thoa giữa nhiều giá trị văn hoá

Xã hội ngày càng phát triển hiện đại, nhiều dòng nhạc mới và những hình thức giải trí ngoại lai “xâm nhập” vào thị trường văn hóa chung đã tác động mạnh mẽ đến thị hiếu của giới trẻ, khiến họ dường như dần thờ ơ với nghệ thuật sân khấu và âm nhạc truyền thống. Những câu hát, lời nhạc đến từ tiếng khèn “man điệu,” tiếng mõ hay những chú tiểu, cô đào dần trở nên xa lạ trong hình dung của thế hệ mới. Bảo tồn âm nhạc dân tộc đã khó, nhưng làm thế nào để truyền nối và lan tỏa được những giá trị đích thực của mình đến cộng đồng lại càng khó hơn. Biết bao nghệ sĩ, nghệ nhân dân tộc còn ở lại cùng thời gian đã không ngừng cố gắng để hiện thực hóa mục tiêu ấy. 

Những đóng góp của nghệ sĩ Xuân Hinh ở nghệ thuật hiện đại luôn được mọi thế hệ khán giả tôn vinh, đặc biệt là trong hình thái sân khấu hài kịch. Những tác phẩm của ông không chỉ đem tới tiếng cười mà trên hết là cái nhìn bao quát, toàn cảnh về một xã hội với đủ những loại người và muôn sự trớ trêu. Xem hài Xuân Hinh, người ta thấy được một xã hội phong kiến đậm chất trào phúng của đất Bắc với những con người khốn khổ cùng đủ mọi tính cách: gàn dở, lì lợm, hài hước, đỏng đảnh… 

(Hình ảnh nghệ sĩ Xuân Hinh trong trích đoạn “Người ngựa, ngựa người” – Nguồn ảnh: Internet)

Với niềm đam mê mãnh liệt cho nghề, Xuân Hinh được lòng rất nhiều anh chị em nghệ sĩ. Bằng Kiều khi nhắc đến Xuân Hinh cũng nói rằng: “Anh là một nghệ sĩ hiếm hoi hội tụ đầy đủ nhất những yếu tố của nghệ sĩ sân khấu. Ca, diễn xuất, vũ đạo…, tất cả đều đạt ở đẳng cấp tuyệt đỉnh. Không chỉ khán giả hâm mộ anh, mà ngay cả tôi và rất nhiều nghệ sĩ trong nghề cũng vô cùng nể phục và trân trọng anh. Và với riêng tôi, Xuân Hinh là một tượng đài của sân khấu nghệ thuật truyền thống.” 

Trong cả cuộc đời gần 45 năm gắn bó với nghề của mình, Xuân Hinh có những thành tựu và đóng góp vô cùng to lớn cho kho tàng nghệ thuật nước nhà. Có thể kể đến như: Hát Chầu Văn lưu giữ 36 Giá Đồng, biểu diễn và lưu giữ hơn 200 làn điệu chèo cổ, hơn 300 bài ca quan họ đã được ghi âm, các làn điệu Xẩm, hơn 40 album riêng gồm DVD, VCD; hơn 30 album CD; 10 album chung về các vai hề chèo truyền thống và các tác phẩm hài hiện đại,… Mọi buổi biểu diễn và những sản phẩm của ông đều được ưa chuộng và đón nhận một cách đông đảo, rộng rãi. Xuân Hinh đã mang hơi thở của văn hóa dân tộc truyền thống đến gần hơn với văn hóa hiện đại để giới trẻ và công chúng được vào sâu tìm hiểu, cảm nhận thay vì chỉ đứng nhìn thờ ơ mà quên lãng. Danh hài Xuân Hinh luôn quan niệm rằng, một người nghệ sĩ chân chính phải để lại những tác phẩm cho đời, cho người, phải có những cống hiến và tác động tích cực cho xã hội, cho con cháu đời sau.

3. Người giữ lửa truyền thống

Trong quá trình sưu tầm và gìn giữ những kho báu nghệ thuật cha ông để lại, Xuân Hinh đã hát và biểu diễn mọi thể loại từ xẩm, chầu văn đến chèo cổ, quan họ đến những vở hài kịch hiện đại… Nhưng với nghệ sĩ Xuân Hinh, dù thành công trên đất diễn của sân khấu đương đại, ông chưa bao giờ cảm thấy mất hy vọng với nghệ thuật dân tộc vì ông có những khán giả luôn ở bên. Xuân Hinh từng chia sẻ: “…Hơn 40 năm biểu diễn trên sân khấu mà khán giả vẫn chưa đến nỗi chán, đó thực sự là một điều hạnh phúc với một người nghệ sĩ… đời nghệ sĩ không gì vui hơn là được công chúng yêu mến.” Dù báo chí, khán giả luôn hết mực ngợi ca Xuân Hinh như một ông vua – “Vua Hề Chèo.” “Vua hài đất Bắc,” nhưng ông vẫn vô cùng giản dị, một mực khiêm tốn và chỉ muốn nhân dân coi mình là “Kẻ chọc cười dân dã” – một kẻ mang đến niềm vui cho thiên hạ, sống một cuộc sống vì công chúng, vì xã hội và trên hết – là vì tình yêu sâu đậm đối với nghệ thuật của dân tộc, của nước nhà từ trái tim của một người nghệ sĩ chân chính.

(Nghệ sĩ Xuân Hinh giản dị trong cuộc sống thường nhật – Nguồn ảnh: Internet)

Tới cái tuổi xế chiều, niềm vui giản đơn và nụ cười của khán giả chính là động lực lớn nhất để ông tiếp tục sự nghiệp hoạt động vị nghệ thuật, vị nhân sinh của mình. Sân khấu ông đứng không phải nơi có ánh đèn hào nhoáng, mà là nơi diễn được cái mình muốn diễn và được khán giả nồng nhiệt đón nhận. Trong hài của Xuân Hinh, người xem thấy những giá trị truyền thống pha lẫn những nét hiện đại nổi bật trong từng tác phẩm, ông nói, “Tôi yêu văn hóa dân tộc, luôn đau đáu với nhạc dân tộc vì nó ngấm vào máu, chảy trong huyết quản. Tôi luôn yêu những gì thuộc về truyền thống dân tộc.”

Lịch sử Việt Nam ta đã trải qua vô vàn thăng trầm, gắn liền với đó là những câu hát, bài ca trải dài trong cuộc sống lao động, chúng gắn liền với nhân dân, thuộc về nhân dân, kết tinh và tạo nên âm nhạc dân tộc – một nền văn hóa lâu đời và quý giá. Không chỉ Chèo, Quan Họ hay hát Xẩm, mà mọi loại hình nghệ thuật của khắp đồng bào dân tộc ta đều cần được trân trọng, giữ gìn và lan tỏa, để những giá trị truyền thống ấy không trở nên mai một, bão hòa trong sự thịnh hành thị hiếu mới của công chúng. Với tất cả tâm huyết, tài năng và đam mê với nghệ thuật của mình, Xuân Hinh cùng rất nhiều nghệ sĩ gạo cội khác đã và đang trở thành những “người truyền lửa,” đem đến những sắc màu mới, hơi thở mới của văn hóa sân khấu và đưa chúng đến gần hơn với mọi người, kết hợp giữa cái xưa và cái nay, cái cũ và cái mới, tạo ra tính hiện đại cho mỗi tác phẩm. Những tinh hoa ấy sẽ mãi là dòng suối ngọt lành chảy trong mạch ngầm của tâm hồn và trái tim mỗi người. Vì khán giả, vì những giá trị nghệ thuật truyền thống mà ở cái tuổi “lá rụng về cội,” Xuân Hinh cùng các nghệ sĩ đang và sẽ cống hiến hết mình cho nghệ thuật và sân khấu như ông đã từng nói: “Mình cũng ở tuổi lục tuần rồi, cũng muốn dành thời gian cho gia đình, con cái, nhưng khổ nỗi, khán giả cứ yêu, bắt diễn thế là lại phải lên đường.”

Bài viết được viết dưới góc nhìn của những người trẻ tuổi đến từ đội ngũ Trường Ca Kịch Viện. Trường Ca Kịch Viện mong bác có thật nhiều sức khoẻ, niềm vui để giữ vững ngọn lửa cháy bỏng không bao giờ tắt của bác đối với nghệ thuật biểu diễn truyền thống, để đồng hành và “tiếp lửa” cho thế hệ trẻ trong công cuộc giữ gìn và bảo vệ di sản văn hoá của dân tộc. Cảm ơn bác vì những đóng góp và cống hiến của bác!

 

Điền Diệu Anh – Trang Nhi

ĐỌC THÊM

Nghệ thuật hóa trang trong Tuồng

Tuồng (Hát Bội/Hát Bộ) được biết đến là một bộ môn nghệ thuật mang tính bác học và ước lệ cao. Một trong những yếu

Mới cập nhật