Triễn lãm: Những vở Cải Lương kinh điển

TRIỂN LÃM: NHỮNG VỞ CẢI LƯƠNG KINH ĐIỂN

Triển lãm đang được tiếp tục cập nhật

Nguồn: Nghệ Thuật Đờn Ca Tài Tử Cải Lương Nam Bộ (YouTube)

Thái hậu Dương Vân Nga

Vở Cải Lương kể về cuộc đời của Thái hậu Dương Vân Nga. Bà là Hoàng hậu của nhà Đinh và sinh cho Đinh Tiên Hoàng một hoàng tử. Sau khi Đinh Tiên Hoàng băng hà, con trai của bà lên ngôi khi chỉ mới 6 tuổi và bà trở thành Hoàng thái hậu Nhiếp chính. Trước nguy cơ bị nhà Tống xâm lược, bà đã chủ động nhường ngôi vị Hoàng đế cho Thập đạo Tướng quân Lê Hoàn. Tuy nhiều sử gia có cái nhìn tiêu cực về Thái hậu, cho rằng hành động của bà thể hiện sự không chung thủy với Tiên đế, nhưng Cải Lương đã đem lại cho người xem một góc nhìn khác về bà. Không thể phủ nhận rằng, hình ảnh Thái hậu Dương Vân Nga khoác áo long bào, trao ấn kiếm cho Lê Hoàn đã trở thành một biểu tượng cho lòng yêu nước, sự hy sinh cao cả vì lợi ích của dân tộc. Có thể nói, qua vở Cải Lương cùng tên, chân dung Thái hậu Dương Vân Nga hiện lên như một người phụ nữ mưu trí, dũng cảm và tài sắc vẹn toàn.

Nguồn: Cải Lương Xưa và Nay (YouTube)

Lục Vân Tiên

Vở Cải Lương được chuyển thể từ truyện thơ Nôm cùng tên của Nguyễn Đình Chiểu. “Lục Vân Tiên” kể về cuộc đời của chàng trai Lục Vân Tiên khôi ngô tuấn tú, văn võ song toàn. Trên đường đi thi, chàng đã đánh cướp và cứu Kiều Nguyệt Nga. Từ đó, Nguyệt Nga nguyện gắn bó với Vân Tiên suốt đời. Vân Tiên tiếp tục cuộc hành trình và kết bạn với Hớn Minh, Trịnh Hâm và Bùi Kiệm. Lúc sắp vào trường thi, nghe tin mẹ mất, Vân Tiên bỏ thi về chịu tang. Dọc đường về, Vân Tiên bị đau mắt rồi mù lòa. Sau đó, chàng lại bị hãm hạm đem bỏ vào hang núi, nhưng may mắn được cứu ra và gặp lại Hớn Minh. Trong khi đó, Nguyệt Nga bị bắt đi cống giặc Ô Qua. Trên đường đi, nàng nhảy xuống sông tự vẫn. Nguyệt Nga được cứu sống và nương nhờ ở trong rừng. Lục Vân Tiên sau khi được Tiên cho thuốc, mắt đã sáng trở lại. Chàng đỗ Trạng Nguyên, đánh tan giặc Ô Qua và tìm lại được Kiều Nguyệt Nga. Sau đó, chàng về triều tâm hết sự tình, kẻ gian ác bị trừng trị, người tốt bụng được đền đáp, Lục Vân Tiên và Kiều Nguyệt Nga sum vầy hạnh phúc. Qua đó, vở Cải Lương đề cao tinh thần anh hùng, nghĩa hiệp của con người cũng như khát vọng cho sự công bằng, cho tư tưởng ‘Ở hiền gặp lành’ của nhân dân.

Nguồn: Cải Lương Việt Nam (YouTube)

Tiếng trống Mê Linh

Vở Cải Lương Tiếng trống Mê Linh kể về cuộc khởi nghĩa của Hai Bà Trưng ở nước ta thời Bắc thuộc. Lúc bấy giờ, nhà Hán đặt ách đô hộ nước ta và thực hiện những chính sách cai trị vô cùng hà khắc. Tức giận trước những chính sách tàn bạo ấy, Trưng Trắc và Trưng Nhị quyết định dấy binh khởi nghĩa. Trước khí thế chống đối của các thủ lĩnh người Việt, Tô Định, Thái thú Giao Chỉ, đã giết Thi Sách, chồng Trưng Trắc, để hy vọng dập tắt sớm ý định khởi nghĩa. Tuy vậy, thù chồng bị giết càng khiến Trưng Trắc hành động gấp rút trong việc khởi binh chống nhà Hán. Hai chị em lập bàn thờ chồng và mộ binh, quyết tâm trả thù nước, nợ nhà. Vở Cải Lương kết thúc bằng hình ảnh nghĩa quân đuổi hết được quân Hán ra khỏi bờ cõi và Trưng Trắc tuyên bố độc lập dân tộc. Với giọng điệu hào hùng, mang đậm tính sử thi, Tiếng trống Mê Linh đã thành công khắc họa hình ảnh người phụ nữ mạnh mẽ, dũng cảm và tinh thần yêu nước quật cường của nhân dân Giao Chỉ thời bấy giờ. 

Nguồn: Cải Lương Việt Nam (YouTube)

Đời cô Lựu

Vở Cải Lương kể về cuộc đời của cô Lựu – đại diện cho cuộc sống người nông dân thời bấy giờ dưới xã hội phong kiến. Cô Lựu là vợ Hai Thành, một tá điền của Hội đồng Thăng. Thấy Lựu có nhan sắc nên Hội đồng Thăng đẩy Hai Thành vào tù để đoạt cô làm vợ. Lúc này, Lựu có một đứa con với Hai Thành nhưng bị Hội đồng Thăng nói dối là đã chết. May mắn thay, một đôi vợ chồng xin đứa bé làm con nuôi, đặt tên là Minh Luân. Sau đó, Lựu có một cô con gái tên Kim Anh với Hội đồng Thăng. Sau khi ra tù, Hai Thành về tìm vợ con nhưng nghĩ rằng Lựu phụ bạc mình. Khi biết tin Minh Luân nhập viện do chồng Kim Anh nghi cô ngoại tình với Luân, cô Lựu đến thăm con và gặp Hai Thành. Đúng lúc đó, Hội đồng Thăng cũng tới, nhận ra Hai Thành nên báo cảnh sát. Minh Luân vì tức giận nên đâm chết Hội đồng Thăng. Vở Cải Lương kết thúc bằng cảnh Kim Anh phát điên. Cô Lựu cho rằng mình là nguyên do mọi tội lỗi nên nguyện cắt tóc đi tu để sám hối. Vở Cải Lương đã nói lên bi kịch của người nông dân dưới chế độ phong kiến thối nát, khi nhân vật đại diện cho Nhà nước, Hội đồng Thăng, gây ra bao sóng gió cho cuộc đời vốn đang yên bình của nhân vật Lựu, Hai Thành, Minh Luân và Kim Anh.

Nguồn: Cải Lương Việt Nam (YouTube)

Chuyện tình Lan và Điệp

Vở Cải Lương Chuyện tình Lan và Điệp, cốt truyện gốc của Nguyễn Công Hoan, kể về chuyện tình lãng mạn nhưng đầy trắc trở của cô gái tên Lan và chàng trai tên Điệp. Sau khi nhận lời yêu nhau chưa lâu, Lan phải tiễn mối tình đầu của mình lên Thành phố để đi học. Tuy nhiên, sau khi lên Thành phố, Điệp mắc mưu ông quan Phủ. Do đó, Điệp phải phụ tình vị hôn thê ở quê để cưới con gái ông Phủ – Thúy Liễu. Tuyệt vọng, Lan ôm đau khổ, sầu muội bỏ nhà ra đi để nương nhờ cửa Phật. Cao trào của vở Cải Lương là tình huống éo le của đôi tình nhân: Điệp tìm được ngôi chùa Lan tá túc, nhưng đó cũng là lúc Lan trút hơi thở cuối cùng. Vở Cải Lương này được nhiều người ví như Romeo và Juliet hay Lương Sơn Bá – Trúc Anh Đài của Việt Nam. Chuyện tình Lan và Điệp với cốt truyện tình yêu đầy đau thương đã gợi lên trong lòng người xem sự xúc động sâu sắc, góp phần đưa vở Cải Lương này vào hàng kinh điển của nước ta.

Nguồn: Blue Ocean Music TV (YouTube)

Tô Ánh Nguyệt

Vở Cải Lương kể về cuộc đời của cô gái Tô Ánh Nguyệt. Khi lên tỉnh học, cô yêu Minh, một chàng trai thành thị. Tuy nhiên, cô bị ép duyên với một chàng trai làng khác. Nhưng vì lỡ mang thai với Minh, Nguyệt trốn nhà ra đi và sinh con trong sự nghèo khổ. 18 năm sau, Nguyệt tìm cách về thăm con, vốn đang ở với Minh. Minh mong được nàng tha tội và nối lại tình xưa. Tuy vậy, Nguyệt chấp nhận hy sinh hạnh phúc bản thân để gia đình Minh được êm ấm. Éo le thay, Tâm, con trai của Nguyệt và Minh, bất ngờ trở về và dùng những lời lẽ khinh miệt mắng chửi Nguyệt vì cho rằng Nguyệt đã phá vỡ hạnh phúc gia đình mình. Nguyệt nghẹn ngào nhìn con mình vô tình bất hiếu. Đám cưới chưa đến, Minh lại bệnh nặng. Trước phút lâm chung, Minh kể rõ ngọn ngành cho mọi người nghe. Minh trút hơi thở cuối cùng đúng lúc Nguyệt đến gặp mặt lần cuối cùng. Vở Cải Lương đã khắc họa mối tình đầy trái ngang của Nguyệt và Minh, đồng thời làm nổi bật hình ảnh người phụ nữ giàu lòng vị tha và bao dung. Không giống như những vở Cải Lương khác khi đến cuối cùng, nhân vật phải dùng cái chết hoặc nương nhờ cửa Phật để chứng minh sự trong sạch của mình, Tô Ánh Nguyệt đã cho nhân vật Nguyệt cơ hội giải oan. Đây chính là điểm sáng của tác phẩm bên cạnh những sóng gió mà Nguyệt, đại diện cho người phụ nữ ở xã hội xưa, phải đối mặt.

Triển lãm đang được tiếp tục cập nhật…