Tổng hợp lễ hội (biểu diễn) truyền thống đáng mong chờ nửa cuối năm 2023

Miền Bắc – Miền Trung – Miền Nam, ba vùng miền với ba địa hình, khí hậu, phân bố dân cư khác nhau đã tạo nên những nét văn hóa riêng theo từng nơi, tạo nên sự đa dạng phong phú cho văn hóa Việt. Sự độc đáo này dù không lẫn lộn giữa các vùng miền nhưng lại thể hiện những vẻ đẹp đặc trưng chung: uống nước nhớ nguồn, đồng sức đồng lòng, lao động cần cù,…

I. Lễ hội Kate

1. Vài nét chung về lễ hội

1.1. Nguồn gốc 

Kate là một danh từ bắt nguồn từ từ “Katik” của người Hindu (Hindu giáo) và từ “Kattika” trong tiếng Phạn của người Ấn Độ. Nếu dịch hẹp thì từ này có nghĩa là lễ cúng vào tháng 7 lịch Chăm, còn ý nghĩa chung rộng hơn thì chỉ lễ hội để tưởng nhớ tổ tiên, thần linh cùng những nhân vật có công với dân tộc. 

Vì vậy, lễ hội Kate mang màu sắc của vương quốc Champa xưa. Trong quá trình gìn giữ, lưu truyền quá nhiều thế hệ đã có phần cải biên, chỉnh lý do ảnh hưởng của nền văn hóa Ấn Độ và Hồi giáo. 

Người Chăm từ mọi miền đất nước trở về quê hương 

sum họp cùng gia đình mừng lễ Kate

Ảnh: PhanThietVN.com

1.2. Lịch sử phát triển 

Có rất ít những nghiên cứu hay việc ghi chép lịch sử về thời gian lễ hội Katê ra đời, nhưng theo căn cứ giải thích từ nguyên bên trên thì có thể cho rằng lễ hội Katê ra đời vào khoảng thế kỉ II đến thế kỉ XII khi vương quốc Champa thịnh vượng.  Vào khoảng thời gian trên, văn hóa Ấn Độ du nhập vào Champa đã gây ảnh hưởng tới các nghĩ lễ của người Chăm như: thu hoạch mùa màng, thắng trận, …Tới thế kỉ XV, nền văn minh Champa sụp đổ, đạo Hồi Giáo trở nên phát triển mạnh mẽ, nhưng Ấn Độ giáo vẫn còn những tàn dư. Vì vậy mà người Chăm chia ra làm hai với hai lễ hội đặc trưng tiêu biểu: người Chăm Bà Ni với lễ hội Ramưwan, người chăm Bà La Môn với lễ hội Kate.

Khay trầu được bày nghiêm chỉnh để dâng lễ tại tháp Poklong Garai

Ảnh: Ninh Thuận review

1.3. Thời gian, địa điểm tổ chức 

Lễ hội Kate Ninh Thuận được diễn ra trong 3 ngày bắt đầu từ ngày 1/7 theo lịch người Chăm (khoảng 25/9 đến 5/10 dương lịch). Nơi tổ chức lễ hội tại đền tháp Po Nagar (Ninh Phước), Tháp Po Klong Garai (thành phố Phan Rang – Tháp Chàm) và tháp Po Rome (Ninh Phước).

Lễ nghi sẽ thực hiện bắt đầu từ đền tháp cho đến các làng xã rồi tới mỗi hộ gia đình. Việc thực hiện lễ nghi tựa như dòng chảy từ cộng động tới mỗi cá nhân, được người dân lưu giữ suốt bao năm tháng.

Tháp Poklong Garai

Ảnh: Pháp Luật Việt Nam

2. Loại hình diễn xướng có trong lễ hội 

2.1. Múa quạt

Lễ hội Katê ở tháp Poklong Garai, vũ điệu dâng lễ là nghi thức khá quan trọng và linh thiêng. Các cô gái múa trước cửa tháp, trên đầu đội những lễ vật, vai khoác chiếc khăn, hai tay cầm quạt, chiếc quạt là đạo cụ chính. 

Múa quạt còn gọi là múa Tamia tadik. Người múa theo nhịp trống, kèn, đôi tay điều khiển nhịp nhàng làm cho chiếc quạt xòe ra hay xếp lại cả cặp hoặc một xòe một xếp. Khi dừng múa quạt, người múa đưa hai tay nắm nhẹ hai đầu chiếc khăn được khoắc qua đôi vai, thể hiện các động tác múa một cách uyển chuyển. Múa quạt có thể múa cá nhân hay múa tập thể trong các lễ hội của dân tộc Chăm.

Các cô gái Chăm uyển chuyển trong điệu múa quạt 

Ảnh: Cổng thông tin điện tử tỉnh Ninh Thuận

2.2. Múa chim công 

Theo quan niệm của người Chăm, chim công là biểu tượng của niềm vui, sự may mắn. Vì thế múa Biyên (múa chim công) luôn có trong các lễ hội, ngày vui của cộng đồng.

II. Lễ hội Nghinh Ông 

1. Vài nét về lễ Nghinh Ông 

1.1. Nguồn gốc 

Lễ hội Nghinh Ông là lễ hội nước lớn nhất của ngư dân và được gọi bằng nhiều tên gọi khác nhau theo vùng miền như: lễ tế cá “Ông”, lễ rước cốt ông, lễ cúng “Ông”, lễ cầu ngư, lễ nghinh “Ông”, lễ nghinh ông Thuỷ tướng,… Tuy nhiên, đều có một quan điểm chung rằng cá “Ông” là sinh vật linh thiêng ở biển, là vị thần bảo trợ của những người đánh cá và làm nghề trên biển. 

Tục thờ cá Ông của ngư dân bắt nguồn từ quan niệm cá Ông cứu dân biển lúc đánh bắt xa bờ khi không may gặp phải thời tiết xấu như cuồng phong hay giông tố. Vì vậy mà tín ngưỡng thờ cá Ông đã được lưu truyền từ bao đời nay trong đời sống tâm linh của người dân miền biển.

Từng đoàn tàu tham gia lễ Nghinh Ông 

Ảnh: Thám Hiểm MEKONG

Theo lịch sử, ngày tế lễ cá Ông xuất phát từ tục thờ cá Ông của người Chăm. Trong quá trình phát triển văn hóa tín ngưỡng này đã trở thành một lễ nghi quan trong trong đời sống của bà con miền biển nói riêng và người Việt Nam nói chung với ý nghĩa mưa thuận gió hòa, sóng yên biển lặng, cuộc sống ấm no hạnh phúc.

Ngập tràn cờ hội rực rỡ tại Lăng Ông Nam Hải sông Đốc

Ảnh: Thám Hiểm MEKONG

1.2. Thời gian tổ chức lễ hội 

Lễ hội Nghinh Ông được tổ chức trên đảo vào ngày 15 và 16 tháng 8 âm lịch hàng năm. Lễ hội thường kéo dài khoảng 3 ngày bao gồm cả những hoạt động trên bờ và dưới nước.

2. Loại diễn xướng có trong lễ hội 

2.1. Hát Bả Trạo

Nghệ nhân và ngư dân đang biểu diễn Hát Bả Trạo 

Ảnh: ChuduInfo

Hát Bả Trạo (hay còn gọi là Chèo Bả Trạo, Chèo đưa linh, Hò đưa linh, Hò hầu linh) là một loại hình nghệ thuật diễn xướng dân gian mang đậm tính nghi lễ của cư dân vùng biển Trung bộ mà cụ thể là từ Bình Trị Thiên (Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế) cho đến Bình Thuận.

Hát “Bả Trạo” có nguồn gốc từ chữ Hán – Nôm: Bả 把: cầm chắc, trạo 掉: mái chèo, có nghĩa là “cầm chắc tay chèo”. Nhưng cũng có một ý kiến khác thì Bả Trạo là cách đọc chệch âm của động từ “Bá Trạo” (百 Bá: theo chữ Hán có nghĩa là trăm) thì thuật ngữ này cũng có nghĩa là trăm tay chèo, trăm bạn chèo. Đây là vấn đề đang còn nhiều bàn cãi của các nhà ngôn ngữ học; nhưng ở đây, tạm hiểu động từ này dưới góc độ âm nhạc học theo một cách ngắn gọn: “hát Bả Trạo” hay “hát Bá trạo”… cũng đều có nghĩa là “hát chèo thuyền” – tên loại hình này cũng chính là mong muốn, quyết tâm và là hành động rắn rỏi của người dân miền biển gắn bó với sông nước.
Bả Trạo là một làn điệu đặc trưng của vùng Duyên hải Nam Trung Bộ. Mỗi tiếng ca Bả Trạo đều thể hiện sự gắn kết keo sơn của con người nơi đây với miền biển. Nam Trung Bộ trên bản đồ địa lý là vùng đất uốn mình ra Biển Đông ngày đêm sóng vỗ, càng nối dài cánh tay ra phía biển bởi các cồn, đảo, cù lao và các quần đảo xa xa. Trải qua nhiều thế hệ, dân cư ở đây dù muốn dù không vẫn phải có cái nhìn hướng biển bởi họ ngày đêm tiếp xúc, hành nghề kiếm miếng ăn trên biển. Cuộc sống mưu sinh của người dân vùng duyên hải phụ thuộc nhiều vào biển cả. Ngày đêm dập dềnh, lênh đênh trên biển cả, đối diện với từng cơn sóng lớn không khỏi khiến cho người ta khát khao có cho mình một điểm tựa để vững tâm trên biển, và từ đây, hát Bả Trạo ra đời.

Đội hát bả trạo đang tái hiện lại công việc thường ngày của ngư dân đánh cá 

Tống mũi (tống tiền) là người hát chính 

Tổng khoang (tổng thương, tổng khậu) hát những câu hài hước, dí dỏm khi các con trạo nghỉ tay chèo

Tổng lái đứng cuối cùng ở hàng giữa

Ảnh: Báo Dân Trí 

Nội dung và ý nghĩa của hò Bả Trạo là cầu quốc thái dân an, mưa thuận gió hòa, cầu trời yên biển lặng, ngư dân được mùa thu hoạch, thể hiện bản sắc văn hóa đặc thù miền biển, sự đồng tâm đồng lòng tương thân tương ái của ngư dân miền biển, thể hiện phương ngữ,thổ ngữ đặc trưng vùng miền. Bên cạnh đó, hát Bả Trạo còn thể hiện sự tôn kính, lòng biết ơn của cộng đồng ngư dân miền biển đối với cá Ông đã giúp đỡ ngư dân vượt qua sóng gió, những tai ương trên biển. Đồng thời các bài hát cũng mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc:  đó là hò và chèo (động tác cầm mái chèo khác với nghệ thuật hát Chèo miền Bắc) để đưa những linh hồn, oan hồn vong mạng bất đắc kỳ tử do tai nạn,chiến tranh loạn lạc, vị quốc vong than… về nơi vãng sanh cực lạc.(Để có thông tin đầy đủ về loại hình này bạn có thể đọc bài viết Hát Bả Trạo – khúc ca của con người miền biển của Trường ca Kịch Viện.)

2.2. Hát bội (diễn tuồng)

Xây chầu đại bội là nghi thức thực hiện thể hiện sự vui mừng khi thần về Ngự trong lăng. Đại bội chính là hình thức diễn xướng cho ông xem, hát bội chính là sự điều khiển của người cầm chầu. 

Hát bội còn được gọi là tuồng hay hát bội. “Bộ” trong hát bộ bắt nguồn từ việc hát có điệu bộ, có trò trống, được hình thành từ cách gọi của dân gian. Về từ “bội” có ý kiến cho rằng từ này xuất phát trong từ “bội độc”, nghĩa là “ôn bài mà không cần sách”.  Miền Trung, Nam phổ biến gọi là “bội” hoặc“bộ”, miền bắc gọi là “Tuồng”. 

    Nghệ thuật hát Bội trong tập 5 chương trình “Hành trình rực rỡ”

Ảnh: ĐÔNG TÂY PROMOTION OFFICIAL

Tuồng mang theo âm hưởng hùng tráng với những tấm gương nhân vật tận trung báo quốc, xả thân vì đại nghĩa, những bài học về lẽ ứng xử của con người giữa cái chung và cái riêng, giữa gia  đình và Tổ quốc, chất bi hùng là một đặc trưng thẩm mỹ của nghệ thuật Tuồng. Có thể nói Tuồng là sân khấu của những người anh hùng.

Hát bội cúng lễ tại Lăng Ông Thủy Tướng 

Ảnh: Trang điện tử Đảng Bộ thành phố Hồ Chí Minh

(Để hiểu hơn về thể loại Tuồng (hát Bội) mời quý bạn đọc bài viết Tuồng của Trường ca Kịch Viện)

III. Lễ hội mừng lúa mới

1. Vài nét về lễ hội

Cô gái Bana sàng gạo trong lễ hội Mừng lúa mới 

Ảnh: Vũ Văn Mừng

1.1. Nguồn gốc 

Lễ hội được bắt nguồn từ sự tôn thờ, ngưỡng vọng Bà mẹ Lúa vĩ đại sinh ra từ cuộc hôn phối giữa Đất đai và thần Lúa.

 Trong tiếng Cơ Tu “Mừng lúa mới” là “Cha ha ro tơ me”.

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

1.2. Thời gian tổ chức 

Lễ hội Mừng lúa mới thường bắt đầu từ cuối tháng 12 năm cũ đến hết tháng 3 dương lịch năm mới. Như thế, theo cách tính thời gian bằng nông lịch, người Êđê sửa soạn đón năm mới bằng một lễ hội đông vui, náo nhiệt, theo tập tục truyền thống, vừa mang tính gia đình, vừa mang tính cộng đồng đoàn kết. 

 Việc diễn ra lễ hội có thể giữa các buôn làng sẽ không diễn ra chung với nhau hoặc thậm chí nhà nào có lúa chín, thì có thể báo cho dân làng để thiết lập tổ chức lễ hội. Theo quan niệm xưa, việc ăn mừng lúa mới sẽ được tổ chức riêng theo từng nhà. Nhưng sau này, họ quan niệm việc một nhà cũng là việc chung của cả buôn làng, vì thế từ đó Lễ hội Mừng lúa mới tổ chức có quy mô rộng, từ việc cá nhân trở thành việc chung của cộng đồng.

Mâm cúng lễ “Mừng lúa mới” của đồng bào dân tộc Cơ Tu.

 Nghi lễ đâm trâu trong Lễ hội “Mừng lúa mới” (hiện nay mô hình trâu giả được sử dụng thay trâu thật trong các lễ tái hiện). 

Ảnh: Cổng thông tin điện tử Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch

2. Loại hình diễn xướng có trong lễ hội 

Điệu múa Tân tung da dă ( vũ điệu dâng trời) là điệu múa truyền thống của dân tộc  ở vùng miền núi Quảng Nam.  Theo tiếng Cơ Tu, từ “Tung tung” có nghĩa là vươn cao, mạnh mẽ và vững chãi hơn nữa. Đây cũng chính là khát vọng chinh phục vũ trụ và mong muốn con người có một cuộc sống tốt đẹp hơn. Còn từ “Da dá” có nghĩa là thẳng hàng, nhịp điệu mang khát vọng của ý nghĩa tâm linh là đón đợi ơn trời đất. 

Các vũ nữ Cơ Tu trong lễ hội cầu mùa có động tác múa với đôi tay xòe lên trời thể hiện sự cầu xin, đón nhận sinh khí và hạt lúa của Yàng. Vũ điệu da dă uyển chuyển, từ tốn, linh hoạt còn được phụ nữ Cơ Tu thể hiện khi đón khách hay thể hiện niềm hân hoan trong các lễ hội của buôn làng. 

Riêng Tân tung là điệu múa mừng chiến thắng với tinh thần thượng võ mà các chàng trai Cơ Tu thường tái hiện trong cảnh đi săn với cường độ và tiết tấu sinh động. Có những lễ hội thu hút cả vũ nam và vũ nữ cùng múa trong dàn cồng chiêng, có trống chỉ huy dẫn đầu. 

 Có thể nói, điệu múa Tân tung da dă là chỉnh thể thống nhất mặc dù các động tác của nam và nữ khác nhau, một bên dịu dàng, uyển chuyển, một bên hùng dũng, mạnh mẽ nhưng vẫn nhịp nhàng với tiết tấu và đội hình trông hấp dẫn, đẹp mắt.

Trong vũ điệu đi trước là nữ, đi sau là nam. 

Còn đông người thì nữ sẽ đi thành vòng tròn bên trong, bên ngoài là nam

thể hiện sự che chở của người đàn ông với người phụ nữ

Ảnh: Bảo điện tử Đảng Cộng Sản Việt Nam 

Từng màu sắc lễ hội khác nhau sẽ giúp các du khách gần xa khi tới một tình thành trên mảnh đất hình chữ S sẽ có những cảm xúc khác nhau, không lẫn lộn và không thể nào quên. Những kí ức tươi đẹp về những lễ hội ấy, người Việt tin rằng sẽ níu chân du khách quay trở lại nơi đây thêm nhiều lần nữa. 

Nguồn tham khảo:

1. Putra Jatrai (2015)- Những điệu múa của đồng bào Chăm – Thông tấn xã Việt Nam 

2. Vũ điệu của người Chăm – Báo ảnh dân tộc và miền núi 

3. Tuyết Trịnh (2023) – Tìm hiểu Lễ hội Kate Ninh Thuận và giá trị văn hóa lâu đời – Mia.vn 

4. Lễ hội Nghinh Ông Phú Quốc: Lễ hội truyền thống đặc sắc của ngư dân đảo ngọc – Vinpearl 

5. “Lễ hội Nghinh Ông Cần Giờ: Nét đẹp chưa bao giờ mất” (Video đăng tải trên kênh Youtube MyVietNam)

6. Bùi Quang Vinh (2022) – Bảo tồn điệu múa dân gian – Gia Lai online

7. Triều Nguyễn (2023) – Người Ê Đê với lễ hội Mừng lúa mới – Việt Nam thịnh vượng. 

ĐỌC THÊM

Mở đơn đăng kí tuyển BTC mùa 2

Deadline: 23:59 ngày 18/01/2021 Đối tượng: Độ tuổi 15 – 30 trên địa bàn cả nước Việt Nam Link đơn: https://bit.ly/btctckv2021 ___________ Trường Ca Kịch

Mới cập nhật