Các Loại Hình Nghệ Thuật Biểu Diễn Truyền Thống Việt Nam (Có Thể) Bạn Chưa Biết

Diễn xướng

Diễn xướng là một thuật ngữ trong ngành văn hóa dân gian học để chỉ những thể loại văn hóa dân gian có sự kết hợp giữa ca hát và hành động của con người.

Diễn xướng là do người Việt tự sáng tạo ra. Khác với biểu diễn hay trình diễn, diễn xướng phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh, môi trường sống của mình. Diễn xướng là sự giao lưu, gắn kết giữa người biểu diễn và người xem, giữa người trong làng và người ngoài làng, giữa con người và thiên nhiên

Vậy thì diễn xướng có hai yếu tố quan trọng là:

• Diễn: Là những gì con người làm ra

• Xướng: Là những gì con người hát lên

Tóm lại, diễn xướng là toàn bộ các phương thức nghệ thuật kết hợp giữa ca hát và hành động của con người theo chiều thẩm mỹ của dân tộc.

Đặc trưng trong từng loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống bao giờ cũng là sự phản ánh một hình ảnh chân thực, cô đọng và tinh tuý nhất đặc trưng văn hoá truyền thống riêng của một cộng đồng, một tộc người ở một vùng văn hoá cụ thể – gắn bó mật thiết với chủ thể sáng tạo và môi trường văn hoá nuôi dưỡng đó.

Cảnh trong vở Bắc lệ đền thiêng  

(Nguồn: Nhà hát Chèo Việt Nam)

Ví như những làn điệu Chèo lới lơ, con gà rừng mộc mạc, trong sáng, bình dị đậm màu sắc văn hóa làng, không chỉ là sản phẩm của người dân châu thổ sông Hồng thuộc, mà còn theo bước chân người dân thời kinh tế mới lan tỏa vào Tây Nguyên như Đắc Lắc, Kon Tum.

Bởi vậy ta mới thấy rằng ngoài Hát Chèo và một số loại hình biểu diễn có tiếng được phần đông biết đến như Tuồng, Cải lương, Múa rối nước v.v khu vực phía Bắc nói riêng hay nghệ thuật biểu diễn Việt Nam nói chung vẫn còn vô vàn các di sản phi vật thể khác, cũng đặc sắc, cũng thú vị, lôi cuốn khán thính giả với những đặc điểm riêng biệt về cách thức biểu diễn, nguồn gốc, ý nghĩa lẫn vai trò khác nhau trong nền văn hóa nước nhà có thể kể đến như một vài cái tên dưới đây:

Dân ca vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh

Cũng như Bình-Trị-Thiên. Thanh-Nghệ-Tĩnh là tên ghép của Thanh Hóa, Nghệ An, và Hà Tĩnh do sự tương đồng về ngữ âm, văn hóa, và thống nhất trong ngôn ngữ âm nhạc cổ truyền.

Triển khai công tác bảo tồn, phát huy giá trị dân ca Ví, Giặm Nghệ Tĩnh và nghệ thuật biểu diễn truyền thống

(Nguồn Báo điện tử Tổ Quốc)

Riêng địa phận Thanh Hóa có giai điệu “Hò Sông Mã/Hò Dọc Sông Mã”, và địa phận Nghệ An cùng Hà Tĩnh có giai điệu “Ví Giặm/Dặm Nghệ Tĩnh” rất đặc trưng.

Hò Sông Mã còn được gọi là Hò Dọc Sông Mã là một thể loại dân ca ở vùng Thanh Hóa. Lời ca của Hò Sông Mã mang thể thơ lục bát:

Vắng cơm một bữa chẳng sao
Vắng em một bữa lao đao cả ngày
Vắng em chỉ một phiên đò
Trầu ǎn chẳng có chuyện đò thì không…

Các làn điệu Hò Sông Mã được hát theo lối xướng – xô, câu kể của một người bắt cái (thường là người cầm lái) được luân phiên với câu đồng thanh phụ họa của các trai đò.

Các điệu hò được thể hiện theo suốt chặng đường đò đi. Khi con thuyền bơi ngược dòng nước, người ta thể hiện điệu Hò Đò Ngược, sau mỗi câu kể của người bắt cái như hiệu lệnh để cùng thống nhất động tác lấy đà, các trai đò vừa hùa nhau hát câu xô vừa chống sào đẩy thuyền tiến về phía trước.

Ca Trù

Ca Trù, còn được gọi là: Hát Ả Đào, Hát Cô Đầu, Hát Nhà Trò, Hát Cửa Đình, Hát Cửa Quyền, Hát Nhà Tơ, là bộ môn nghệ thuật mang tính hàn lâm, được nuôi dưỡng giữ gìn trong dân gian suốt 10 thế kỷ qua. Nhiều làng quê ở các tỉnh, thành thuộc đồng bằng Bắc bộ như Hà Nội (Phường Thái Hà), Hà Tây, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc… là những cái nôi của các làn điệu Ca Trù. Làng Lỗ Khê (Đông Anh – Hà Nội) dân cả làng làm nghề hát Ca Trù, kể cả khu vực Bắc miền Trung là làng Cổ Đạm – Hà Tỉnh.

Nghệ nhân Nguyễn Thị Chúc, ca nương Phạm Thị Huệ và nghệ nhân đàn đáy Nguyễn Phú Đẹ.

(Nguồn: SỞ VĂN HÓA VÀ THỂ THAO THÀNH PHỐ HÀ NỘI)

Thưởng thức Ca Trù là thưởng thức Thơ và Nhạc. Trong lối hát Ca Trù, cả người hát, người đàn, người thưởng thức đều tham gia cuộc hát. Họ phối hợp ăn ý với nhau và cũng làm cho Nhạc và Thơ hòa quyện vào nhau, đưa cuộc hát đạt đến sự hoàn hảo, tao nhã, trang trọng.

Lý Miền Bắc

Lý, trong âm nhạc dân gian Việt Nam, là một trong rất nhiều làn điệu dân ca của người Việt. Lý cùng với các làn điệu khác như hò, cò lả, nam ai, nam bình, hát xoan, hát xẩm, hát ru v.v tạo những nét độc đáo của dân ca Việt Nam. Thể loại Lý có mặt trên khắp 3 miền đất nước nhưng đặc biệt phát triển ở miền Trung và miền Nam.

 Lý giao duyên

(Nguồn: Đọt Chuối Non)

Do sự giao lưu, tiếp xúc mà các điệu Lý phổ biến khắp ba miền của Việt Nam với các làn điệu phong phú. Riêng điệu “Lý Con Sáo”, chỉ với câu ca dao:

Ai đem con sáo sang sông
Cho nên con sáo sổ lồng bay xa…

Các nhà nghiên cứu âm nhạc dân gian đã ghi nhận sơ bộ có tới 30 bài, trong đó có 4 bài Lý Con Sáo trung du Bắc Bộ trong hát ghẹo, 3 bài Lý Con Sáo Bắc trong hát quan họ Bắc Ninh và hát trống quân, 1 bài Lý Con Sáo Thanh Hóa…

Hát Xoan

Hát Xoan còn gọi là “Khúc môn đình” (Hát cửa đình), là lối hát thờ thần, thành hoàng, thuộc dân ca nghi lễ, phong tục gắn với hội mùa của người dân ở Phú Thọ, một tỉnh thuộc vùng trung du Việt Nam.

Hát Xoan Phú Thọ

(Nguồn: Báo Công An Nhân Dân)

Thường vào mùa xuân, có các phường xoan lần lượt khai xuân ở đình, miếu làng. Vào ngày mùng 5 âm lịch thường hát ở hội đền Hùng. Thời điểm hát được quy định tại một điểm nhất định, mỗi “phường” chọn một vị trí cửa đình. Hát cửa đình giữ cửa đình mục đích nhân dân địa phương kết nghĩa với nhau. Theo lệ dân tại chỗ là vai anh, họ (làng khác) là vai em. Khi kết nghĩa rồi cấm trai gái hai bên dân và họ kết hôn với nhau do là anh em.

Hát Xẩm 

Hát Xẩm là hình thức hát rong có địa bàn hoạt động khắp cả nước. Nhưng chỉ trong Hát Xẩm cổ vùng đồng bằng Bắc bộ mới có làn điệu riêng. Khi biểu diễn, người Hát Xẩm thường vừa hát vừa đánh đàn bầu (còn gọi là đàn Xẩm) hoặc kéo nhị, phối hợp với người đánh sênh, vỗ trống mảnh-đây là những nhạc cụ thường sử dụng trong dàn nhạc Xẩm. Đôi khi có thêm cả trống đế, mõ, hoặc một số nhạc cụ khác.

Nghệ nhân Hà Thị Cầu

(Nguồn: Báo Công An Nhân Dân)

“Hát Xẩm là một loại hình nghệ thuật ca nhạc dân gian mang tính chuyên nghiệp có nguồn gốc từ những người khiếm thị miền Bắc Việt Nam. Tính chuyên nghiệp của hát xẩm dựa vào bốn yếu tố: văn học, làn điệu, nhạc cụ và môi trường diễn xướng. Theo tài liệu của thế giới về âm nhạc thì ca hát ra đời trước và sân khấu ra đời sau vì vậy sẽ không có chuyện hát xẩm lấy làn điệu chèo để làm giàu cho mình mà ngược lại nghệ thuật chèo đã vay mượn các làn điệu của nghệ thuật hát xẩm. Khi nghệ thuật ca trù rơi vào sự bế tắc đã lấy điệu xẩm Huê Tình vào để sử dụng, cũng xin được nói thêm điệu xẩm huê tình lúc bấy giờ rất phổ biến. Bộ môn nghệ thuật này đã đi vào quên lãng và có nguy cơ thất truyền.” (trích GS Trần Quang Hải”)

Hát Ống/Hát Ví

Hát Ống/Hát Ví là một thể loại âm nhạc dân gian mộc mạc nhưng trữ tình luôn làm xao xuyến lòng người của cộng đồng nông dân thôn Hậu, xã Liên Chung (Tân Yên-Bắc Giang).

Hát ống, hát ví Bắc Giang

(Nguồn: Tạp chí điện tử Thế giới Di sản)

“Thôn Hậu hội tụ đủ các yếu tố của một làng quê thuần Việt, mang đậm nét truyền thống nông thôn Bắc Bộ với đình Ao Vườn cổ kính, cổng làng, giếng nước còn phủ bóng thời gian, con ngõ nhỏ dài hun hút, những rặng tre bám dọc đường làng…

Các bậc cao niên trong làng kể lại: Hát ví, hát ống xuất phát từ nguồn vui trong lao động sản xuất nông nghiệp, dần dần được phát triển với nhiều loại hình như: hát hoạ, hát đố, hát giao duyên, giã bạn…”.

Hát Chầu Văn 

Hát Chầu Văn là lễ nhạc hát chầu Thánh nên có vai trò quan trọng trong lễ hầu đồng. Lời ca, tiếng nhạc của cung văn nhằm mời gọi các vị Thánh về. Hát văn làm cho buổi lễ sống động. Những người hát văn vừa chơi nhạc cụ vừa thay nhau hát trong một vấn hầu thường kéo dài từ 4-8 tiếng.

Các nghệ nhân của Câu lạc bộ Đông Kinh biểu diễn hát Chầu văn trong chương trình nghệ thuật “Vọng Cố đô”

(Nguồn: BÁO VĂN HÓA ĐIỆN TỬ)

Các nhạc cụ chính gồm: đàn nguyệt, trống ban (trống con), phách, cảnh, thanh la, ngoài ra còn sử dụng nhiều nhạc cụ khác như: trống cái, sáo, đàn thập lục, đàn nhị, kèn bầu, chuông, mõ, đàn bầu v.v

Nghi lễ hát chầu văn lên đồng có thể chia thành bốn phần chính:

1. Mời thánh nhập
2. Kể sự tích và công đức
3. Xin thánh phù hộ
4. Đưa tiễn

Bài hát thường chấm dứt với câu: “Xa loan thánh giá hồi cung!”

Hát Trống Quân

Hát Trống Quân là hình thức sinh hoạt ca hát giao duyên rất phổ biến ở các tỉnh đồng bằng và trung du của Việt Nam, kể từ Thanh Hóa trở ra. Một số nơi có nghệ thuật Trống Quân phát triển như ở Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, vùng ven Hà Nội, Vĩnh Phúc và Phú Thọ.

Hát trống quân Hưng Yên

(Nguồn: Báo ảnh Dân tộc và Miền núi- TTXVN)

Hát trống quân ở mỗi địa phương có chút ít khác nhau về làn điệu, cách thức, thời điểm hát nhưng có đặc điểm chung là cách thức hát xướng giống nhau, làn điệu gần giống nhau và sử dụng một loại trống để đánh nhịp khi hát và đoạn “Lưu không” giữa những câu đối đáp.

Hát Trống Quân phổ biến ở Bắc Bộ thường được tổ chức vào những tuần trăng tháng bảy, tháng tám âm lịch, ngoài ra còn được tổ chức hát thi vào những ngày hội. Trong những ngày mùa, những người thợ gặt ở nơi khác đến thường tổ chức hát với trai hoặc gái trong làng hoặc giữa họ với nhau vào buổi tối, lúc nghỉ việc. Hát trống Quân thường được tổ chức ngoài sân nhà hoặc ở bãi cỏ rộng, ở gần đình làng, giữa một bên là nam và một bên là nữ.

Hát Dô

Hát Dô là một thể loại nhạc nghi lễ thờ cúng Thần hoàng Tản Viên xuất xứ từ Lạp Hạ, nay là xã Liệp Tuyết.

Hát Dô

(Nguồn: DANH MỤC KIỂM KÊ DI SẢN VĂN HÓA PHI VẬT THỂ)

Thể loại âm nhạc nghi lễ truyền thống này chỉ được hát trong dịp lễ cúng tế Thần hoàng Tản Viên được người dân trong làng tổ chức theo chu kỳ 36 năm một lần. Các bài hát cúng tế này có lời văn đậm chất lãng mạn và trữ tình không kém chi các thể loại Hát Quan Họ, Hát Trống quân v.v

Hát Đúm

Mỗi năm vào dịp đầu Xuân, truyền thống văn hóa Lễ Hội Hát Đúm của người dân Thủy Nguyên (Hải Phòng) được dàn dựng tại 3 xã Phục Lễ, Phả Lễ và Lập Lễ.

Hát đúm Thủy Nguyên

(Nguồn: CỔNG TIN TỨC THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG)

Bài bản của Hát Đúm rất phong phú. Đầu tiên, khi mới gặp nhau là những câu hát chào, những câu hát mừng. Tiếp sau đó có thể là hát hỏi, hát đố, hát họa, hát huê tình, hát cưới… và cuối cùng là hát ra về.

Hát Đúm kéo dài từ sáng tới trưa, từ trưa tới tối. Giữa các canh hát, các cô mời trầu nước, tặng vật kỷ niệm cho các chàng để tỏ lòng mến mộ. Chiều, các cô mời các chàng về nhà mình ăn bữa cơm đầu xuân để biết nhà cửa và có sức tiếp tục hát tới khuya. Cứ như vậy, ngày này qua ngày khác, cuộc hát đúm kéo dài đến Mồng 10. Qua những buổi hát, nhiều đôi đã kết nhau để cuối năm nên duyên chồng vợ.

Bởi có tục lệ ấy mà các cô gái ở đây cô nào cũng thuộc một số bài hát ví để đi hội gặp các chàng trai mời hát mà mở khăn đối đáp. Hát ví thường chỉ dựa vào hai thể thơ lục bát và song thất lục bát. Tuy không nhiều làn điệu, nhưng lại rất phong phú về đề tài, đòi hỏi người hát phải rất giỏi về đối đáp.

Như vậy, qua bài viết này, chúng ta đã có cái nhìn tổng quan về các nghệ thuật biểu diễn truyền thống ở miền Bắc Việt Nam, từ các thể hát của các dân tộc thiểu số ở vùng núi phía Bắc, đến các loại hình biểu diễn có tiếng như Chèo, Tuồng, Cải lương, Múa rối nước… 

Nghệ thuật biểu diễn truyền thống là những minh chứng sinh động cho sự phong phú và đa dạng của văn hoá Việt Nam, cũng như cho sự sáng tạo và tiếp biến của người Việt Nam trong quá trình giao lưu văn hoá với các dân tộc khác. Các nghệ thuật biểu diễn truyền thống không chỉ là những sản phẩm văn hoá của người dân, mà còn là những biểu tượng của lịch sử, địa lý, và tâm hồn của một vùng đất và là một phần không thể thiếu trong di sản văn hoá quý giá của dân tộc Việt Nam, và cần được bảo tồn và phát huy trong thời hiện đại.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Bùi Thanh Tâm. “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống nhìn từ chuyên ngành Việt Nam học.” Thành Địa Việt Nam Học. 

2. Đặng, Hoàng. “Dân ca dân nhạc Việt Nam: Dân ca Thanh-Nghệ-Tĩnh.” Đọt Chuối Non. 

3. Đặng, Hoàng. “Dân ca dân nhạc Việt Nam: Ca Trù.” Đọt Chuối Non. 

4. Đặng, Hoàng. “Dân ca dân nhạc Việt Nam: Lý Miền Bắc.” Đọt Chuối Non. 

5. Đặng, Hoàng. “Dân ca dân nhạc Việt Nam: Hát Xoan Phú Thọ.” Đọt Chuối Non. 

6. Đặng, Hoàng. “Dân ca dân nhạc Việt Nam: Hát Xẩm.” Đọt Chuối Non. 

7. Đặng, Hoàng. “Dân ca dân nhạc Việt Nam: Hát Ống/Hát Ví Bắc Giang.” Đọt Chuối Non. 

8. Đặng, Hoàng. “Dân ca dân nhạc Việt Nam: Hát Chầu Văn.” Đọt Chuối Non. 

9. Đặng, Hoàng. “Dân ca dân nhạc Việt Nam: Hát Trống Quân.” Đọt Chuối Non. 

10. Đặng, Hoàng. “Dân ca dân nhạc Việt Nam: Hát Dô.” Đọt Chuối Non. 

11. Đặng, Hoàng. “Dân ca dân nhạc Việt Nam: Hát Đúm.” Đọt Chuối Non. 

12. Nguyễn, Thị Thanh. “Hình thức diễn xướng trong hò khoan Lệ Thủy.” Sở Văn Hoá Thể Thao Và Du Lịch Quảng Bình. 

13. Phạm, Thị Hồng. “Nghệ thuật biểu diễn truyền thống Việt Nam.” Sở Giáo Dục Và Đào Tạo TP Hồ Chí Minh. 

ĐỌC THÊM

Mới cập nhật